Đã sẵn sàng ra “biển” WTO?
Không bao lâu nữa chúng ta sẽ gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện nay hoạt động kinh tế của chúng ta giống như mình đang ở trên sông, vào WTO chúng ta ra biển. Chúng ta đã sẵn sàng chưa?
Hoạt động kinh tế có hai mặt chìm và nổi. Nhìn bề nổi, chúng ta thấy những sự tiến bộ không thể phủ nhận trong 20 năm vừa qua và trên cơ sở đó ta có thể trả lời là đã sẵn sàng. Tuy nhiên, bề nổi kia muốn bền vững thì phải có bề chìm nâng đỡ. Có một chiếc tủ lạnh không khó lắm, nhưng làm ra được nó, biết giữ gìn nó thì khó hơn nhiều. Đó là phần chìm hay là những yếu tố tinh thần cho sự phát triển kinh tế, có phát triển thì mới hội nhập được.
Trong kinh doanh quốc tế, dù “business is business” (kinh doanh là kinh doanh) thì doanh nhân vẫn đòi hỏi sự tâm đầu ý hợp; bởi ai cũng yêu thích sự thuận tiện; nó làm cho đỡ mất thời gian, vốn là yếu tố tạo nên tiền bạc.
Nhìn trong hiện tình, về bề chìm thì chúng ta sẽ còn nhiều lúng túng. Tôi xin kể một cái về mặt tâm lý.
Tâm lý khi soạn thảo luật lệ
Do hoàn cảnh lịch sử, mỗi khi nhìn về sinh hoạt xã hội để ban bố luật lệ điều chỉnh, các viên chức soạn thảo trong chính quyền đều nghĩ xã hội của mình phải là xã hội tốt đẹp 100%, không có cái xấu, bảo rằng cái xấu không phải là bản chất của chế độ, và đó là ưu việt của chế độ ta.
Thực ra đó là một sự ao ước chứ không phải là một thực tế. Các nhà soạn thảo luật cho thấy đã từng bị nhầm lẫn giữa ao ước và thực tế khi soạn luật. Thật vậy, bản chất của con người là có sai sót. Cái đẹp của họ là cố gắng giảm bớt sai sót; chứ không phải là không có sai sót. Bởi thế bao lâu còn con người thì còn có cái xấu. Hơn nữa, chính nhờ sự hiện hữu của cái xấu chúng ta mới nhận ra được cái tốt và thúc đẩy cái tốt. Đó là thực tế.
Luật pháp của chúng ta, nhất là các văn bản hướng dẫn, thường được xây dựng dựa trên sự ao ước vừa nêu. Nhà soạn thảo cố gắng tìm ra những biện pháp hiệu quả nhất để vô hiệu hóa hành vi phạm pháp của những kẻ xấu.
Chẳng hạn, đã có một dạo luật thuế quy định là khi khai báo để lấy mã số thuế thì phải vẽ bản đồ dẫn đến địa chỉ công ty. Biện pháp này được đưa ra nhằm đối phó với một số người ma mãnh đã lập công ty cốt để mua hóa đơn giá trị gia tăng đem bán. Nó đúng xét theo mục đích của nó; và đối với kẻ ma mãnh thì phải làm như thế.
Tuy nhiên, số công ty ma mãnh chỉ là thiểu số so với số công ty đàng hoàng. Biện pháp đưa ra chỉ nhắm vào thiểu số nhưng khi áp dụng thì nó trùm lên mọi công ty không phân biệt xấu, tốt. Vậy là - một cách vô tình - mọi công ty xin mã số thuế kể từ sau khi có quy định kia trở đi đều là… kẻ ma mãnh!
Quy định ấy ngày nay không còn, nó được nhắc lại ở đây cốt chỉ nêu lên rằng khi soạn thảo luật lệ cần phải có một quan điểm thực tế về xã hội và về con người sống trong xã hội. Đừng mong xã hội sẽ tốt 100% khiến phải quyết liệt tận diệt những phần tử xấu qua luật pháp.
Khi soạn thảo luật để thiết lập một định chế nào đó - nhất là khi hội nhập - thì những thủ tục ấn định, biện pháp thi hành phải đơn giản, rõ ràng, ít tốn kém, để thúc đẩy người bị điều chỉnh làm đúng, và muốn làm đúng. Các quy định không nên chỉ nhắm loại trừ kẻ xấu, đề phòng họ, vô hiệu hóa họ; bởi vì những biện pháp ấy khi áp dụng chung cho mọi người thì chúng đích đáng với kẻ xấu nhưng lại gắt gao đối với người tốt, mà số người sau mới đông. Muốn thu hút nhà đầu tư vào nước mình mà gắt gao với họ thì ai sẽ vào?
Hơn nữa, biện pháp “loại trừ kẻ xấu” dù có hữu hiệu trong niềm tin của người soạn thảo bao nhiêu đi nữa thì kẻ xấu vẫn qua lọt, nhờ hối lộ, nhờ bôi trơn. Đó cũng là cơ hội khiến cho quan chức chính quyền bị tha hóa hay biến chất.
Nói như vậy là làm ngơ cho kẻ xấu sao? Trong một chừng mực nào đó thì thật là như thế! Tuy nhiên, Nhà nước là một quyền uy xã hội, cần phải có một tâm hồn lớn và một đầu óc rộng. Đó là điều kiện tinh thần cần thiết để mở rộng sự giao dịch trong bối cảnh hội nhập. Ở các nước phát triển khác họ cũng làm như thế. Chính quyền cũng phải chọn lựa và trả giá; còn cứ khư khư với cách làm luật theo “sự ao ước” thì sẽ còn lúng túng khi hội nhập sau này.
Hơn nữa, cũng cần phải nhìn ra một thực tế khác. Ấy là, so với khả năng của mỗi công dân, tài nguyên của Nhà nước to hơn gấp nhiều lần.
Thí dụ, một người phạm tội tại Đồng Nai mà chạy trốn xuống An Giang, họ phải đi gần cả ngày; trong khi ấy, cảnh sát Đồng Nai muốn truy đuổi chỉ cần gọi điện thoại xuống An Giang yêu cầu hỗ trợ mất vài phút! Do vậy, Nhà nước phải chấp nhận “rủi ro hành chính”, tức là làm ngơ cho kẻ xấu lúc khởi đầu. Có kẻ xấu sẽ lợi dụng các biện pháp dễ dãi đưa ra, Nhà nước chấp nhận rủi ro đó vì những mục đích cao cả hơn, rộng lớn hơn và cũng vì quyền lực to lớn của mình.
Với một biện pháp định chọn, người soạn luật cần hỏi: người tốt sẽ bị khó khăn gì, có thúc đẩy họ chấp hành tự nguyện không, có gắt gao quá đối với họ không; chứ đừng đặt câu hỏi: quản lý đã chặt chưa, kẻ xấu lọt được chăng?
Một điển hình đáng mừng
Luật pháp phải phục vụ người tốt, thúc đẩy cái thiện, chứ không phải chỉ cốt đối phó với cái xấu hay loại trừ cái ác. Cái thiện nảy nở thì cái ác sẽ giảm đi. Rất vui là ta vừa có một điển hình, ấy là Quy định về thủ tục hải quan điện tử.
Về luật này, Tổng cục Hải quan cho biết đại ý các doanh nghiệp cứ việc ngồi ở nhà gửi tờ khai; khai sao nộp thuế vậy; không cần biết ai tốt, ai xấu. Hải quan sẽ quản lý toàn bộ thông tin về tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng, quản lý toàn bộ quá trình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khi làm thủ tục chứ không phải là “soi” từng lô hàng.
Từ anh bảo vệ đứng gác ngày trước, bây giờ hải quan thi hành nhiệm vụ giống như một người cảnh sát khu vực, nắm tình hình chung, không kiểm tra tất cả, chỉ “soi” những đối tượng có dấu hiệu bất thường. Bây giờ, hải quan coi doanh nghiệp là đối tác của mình, nghĩa là tin nhau. Hoan hô!
Hải quan đã chấp nhận “rủi ro hành chính”, tức là để lọt một số nhỏ người xấu, nhưng họ đã phục vụ đa số tốt và vẫn có biện pháp đối với số xấu kia. Luật cho phép hải quan, dù hồ sơ đã được thông quan, thì vẫn có thể soát lại tất cả, thấy nghi vấn thì kiểm tra. Đấy, hải quan sử dụng “tài nguyên” của mình đấy! Họ có làm ngơ cho kẻ xấu đâu! Khi số xấu bị trừng phạt đích đáng thì những người tốt thấy hãnh diện và họ sẽ tiếp tục làm tốt; còn kẻ xấu trông gương trước sẽ chùn tay. Như thế số người tốt sẽ tăng dần, còn số xấu giảm đi.
Tuy nhiên, vì xã hội này là của loài người nên người xấu không bao giờ hết; vì thế mà vẫn cần có… hải quan. Nhưng hải quan hoạt động để phục vụ người tốt, chứ không chỉ để tiễu trừ kẻ xấu.
Khi mọi luật lệ của ta được ban bố theo tâm lý ấy, thì đất nước này sẽ trở nên “đất lành chim đậu” đối với đầu tư các loại để mà nói đến hội nhập.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt