Cải cách hướng tới một Việt Nam tự do và trí tuệ
Ba mươi năm qua, từ năm 1975 cho đến nay, có thể được nhìn nhận là ba mươi năm phấn đấu của toàn thể dân tộc ta trên những chặng đường quanh co, gian khổ để thực hiện các quyền tự do, dân chủ trên đất nước Việt Nam, thực hiện điều mà Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố ngày 2-9-1945: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng”. Công cuộc đổi mới từ khoán trong nông nghiệp, xé rào trong doanh nghiệp nhà nước, bỏ “ngăn sông cấm chợ” trong thương nghiệp, bỏ độc quyền ngoại thương cho đến Luật Doanh nghiệp, việc bỏ giấy phép con, doanh nghiệp dân doanh được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm, cho phép cả thương nhân được xuất khẩu, sự xuất hiện cạnh tranh... là một quá trình dài, liên tục từng bước mở rộng các quyền tự do kinh doanh của người dân đã được khẳng định long trọng trong Hiến pháp nhưng đã bị Nhà nước “cầm nhầm”, “giữ hộ” quá lâu.
Từ việc cấp giấy phép đánh máy chữ, cấp giấy phép bán báo rong có kỳ hạn đến việc Thủ tướng công nhận người dân có quyền được thông tin, việc chất vấn các thành viên Chính phủ trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp và báo điện tử VietnamNet công bố ý kiến của cử tri đánh giá trả lời của các bộ trưởng... là một bước tiến theo một hướng khác, không kém phần quan trọng của đổi mới: đó là thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội để góp phần cải cách bộ máy hành chính quan liêu khỏi các căn bệnh tham nhũng, bất lực, tư lợi. Đó là những cải cách đúng hướng cần được đẩy tới trên con đường phát triển.
Kinh tế thị trường, tự do kinh doanh là các hình thức, phương tiện để phát huy sức sáng tạo, tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của người dân. Một quyền tự do cơ bản nhất để đi đến phồn vinh là quyền sở hữu tài sản rõ ràng. Chỉ có quyền sở hữu tài sản rõ ràng mới biến tài sản thành tiền vốn và tư bản. Đất đai, rừng, mỏ là ví dụ sinh động nhất chứng minh cho kết luận này: sự không rõ ràng về sở hữu dẫn đến đất đai bị lạm dụng, giá trị bị chiếm đoạt phi pháp và người chủ đích thực là người dân lại trở thành nạn nhân của sự tước đoạt của những người được coi là “đầy tớ” phục vụ mình. Vì vậy, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, minh định quyền sở hữu toàn dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để đi đến một xã hội phồn vinh và công bằng.
Và trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự khác biệt và chênh lệch lớn nhất giữa các nền kinh tế là trí tuệ và thông tin. Nếu có trí tuệ, có ý tưởng hấp dẫn, bạn sẽ có tiền vốn từ rất nhiều nhà đầu tư tài chính quốc tế đang sẵn sàng bỏ vốn vào những dự án có lãi và có khả năng thuyết phục. Nếu chậm hay không có thông tin, bạn sẽ không thể có các mặt hàng mới lạ, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Chỉ cần phân tích cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp điện thoại di động, thiết bị điện tử dân dụng... chúng ta có thể thấy phần thắng thuộc về những sản phẩm có trí tuệ, có giải pháp thông minh, hiệu quả hơn và rẻ hơn. Năng lực cạnh tranh được quyết định chủ yếu bởi trí tuệ chứ không phải bởi cơ bắp.
Mặc dù có tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế của nước ta vẫn chủ yếu là một nền kinh tế gia công, lắp ráp trong công nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp. Ví dụ chua chát điển hình là nước ta xuất than để nhập điện từ Trung Quốc là một trong vô số các trường hợp kém hiệu quả đó. Nếu chỉ dừng ở mức này thì nước ta sẽ tiếp tục ở trong loại hình kinh tế hàm lượng trí tuệ thấp và không thể vươn lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” được. Điều mà Nhật, Hàn Quốc đã làm được và Trung Quốc đang thực hiện một cách thành công đang là nhiệm vụ phía trước của nước ta: tiến tới một xã hội phát triển. Nếu không có cải cách mạnh mẽ sẽ rất khó có bước phát triển quan trọng về chất này. Và đừng ngộ nhận rằng có thể đạt được trình độ cao hơn mà không phát huy đầy đủ nhất, mạnh mẽ nhất trí thông minh, sự sáng tạo, lòng quả cảm của người dân.
Cải cách phải tiếp tục với những bước tiến cơ bản trong cải cách bộ máy nhà nước, chuyển từ một bộ máy cai trị, kiểm soát sang một bộ máy phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp, một bộ máy “của dân, do dân và vì dân” thật sự, như Abraham Lincoln đã nói. Phải làm rõ một cách cụ thể từng tiêu chí “của dân” là gì, “do dân” ở đâu và “vì dân” như thế nào, và cách làm duy nhất đúng là thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của người dân, trong đó có quyền được tiếp cận thông tin, quyền được kiểm soát bộ máy nhà nước. Và cũng phải cụ thể hóa công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” gồm nội dung gì, được thực hiện thế nào, do ai và theo lộ trình nào. Chỉ có phát huy dân chủ của người dân và thông qua người dân mới có thể cải cách bộ máy nhà nước. Một người công dân ở Thụy Điển có quyền đòi hỏi được cung cấp thông tin về các chi tiêu của ông thủ tướng từ công quỹ nhà nước, mọi sự chậm trễ hoặc cung cấp không đầy đủ đều bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. Một đảng viên của đảng Xã hội Dân chủ Đức có quyền được xem xét mọi hóa đơn chứng từ chi tiêu của ban chấp hành, được tham gia quyết định chương trình nghị sự, đề cử ứng cử viên vào ban chấp hành các cấp, kể cả trung ương. Và người dân, qua trang chủ của từng bộ, có thể biết lịch làm việc đến cấp trưởng phòng để giám sát sự mẫn cán của các viên chức nhà nước, điều đó đã trở thành hiện thực hàng ngày của rất nhiều nước trên thế giới. Pháp luật phải phát huy quyền tự do của người dân và chế định, giám sát quyền hạn và hành vi của quan chức nhà nước chứ hoàn toàn không có cái triết lý “quản đến đâu mở ra đến đấy”. Quyền lực phải được giám sát bằng quyền lực tương xứng một cách thường trực, nếu không quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa. Và chân lý đó đã được xác minh qua thực tế ở nước ta.
Rất nhiều công việc ở nước ta hiện do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm thực ra đã được các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quần chúng hay các tổ chức tự quản ở các địa phương thực hiện có hiệu quả hơn rất nhiều: chứng chỉ hành nghề của bác sĩ hay luật sư, cai quản nhà tù, giám sát chất lượng giảng dạy ở các trường học... Vai trò giám sát của người dân đối với Nhà nước cũng có hiệu lực hơn, thông qua những kênh khác nhau như cơ quan dân cử, báo chí, sự tham gia trực tiếp của người dân.
Chỉ có dân mới cải cách được bộ máy nhà nước, bộ máy nhà nước không thể tự cải cách được chính mình. Và đó là con đường dài đi đến một xã hội mà Karl Marx đã gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa với đặc trưng quan trọng nhất là “Tự do của mỗi một người là điều kiện cho tự do của tất cả mọi người”.
Khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đang mở ra những khả năng mới, bao la cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ đó: Internet, truyền hình toàn cầu qua vệ tinh và cáp quang. Giáo dục, đào tạo, dân trí là những tiền đề không thể thiếu cho phát triển và tăng trưởng. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa các nền kinh tế trong các giai đoạn phát triển khác nhau không thể hiện chủ yếu qua tiền bạc mà qua trí tuệ. Trung Quốc với thu nhập bình quân đầu người 1.200 đô la Mỹ có thể phóng được tàu vũ trụ Thần Châu trong khi không ít nước khác giàu hơn nhiều chưa làm được là biểu hiện sinh động nhất cho sự khác biệt này. Mở rộng dân trí, chấn hưng giáo dục, phát triển các dịch vụ trí tuệ và công nghệ thông tin là con đường để đi đến phát triển. Tự do, dân chủ không chỉ là mục tiêu mà là phương tiện, là đại lộ dẫn đến phồn vinh và phát triển.
Trong hai mươi năm đổi mới, nước ta đã có tiến bộ và tăng trưởng đáng khích lệ. Song, chúng ta cần đạt được sự chuyển biến về chất, một sự nhảy vọt trong thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân để tiến kịp thời đại, để trở thành một đất nước phát triển trong cộng đồng nhân loại. Đó là mệnh lệnh của đất nước và sứ mạng của thế hệ ngày nay trước lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn