Cứu nguy văn hóa

02:31 CH @ Thứ Hai - 22 Tháng Tám, 2016

Báo động văn hóa xuống cấp

Trong một bài viết trước đây “Văn hóa Việt Nam – đôi điều suy ngẫm”, chúng tôi đã đề cập đến thủy chuẩn văn hóa chúng ta hiện nay đang ở mức thấp, rất thấp, khi so sánh những mối quan tâm hàng ngày qua việc tìm kiếm trên internet. Nhiều bậc thức giả, những nhà xã hội học đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về văn hóa nghe – nhìn. Chúng ta đọc báo in, và nhất là báo mạng, thấy gì? Nào là đám cưới “đại gia” đi xe siêu sang trong khi nợ nông dân như chúa Chổm, rồi chuyện chân dài với đại gia, hàng hiệu với người đẹp, chuyện hẹn hò của ông kép này và cô đào kia… Có người cay đắng nhận định: “Cả nước chúi mũi vào cái váy của một cô ca sĩ XYZ nào đó mà lơ là chuyện nhiễm mặn đồng bằng, chuyện hạn hán chưa từng thấy, chuyện ngoại thù rập rình hải đảo ngăn không cho ngư dân ra khơi..., chưa nói đến chuyện vụ án ngày nào cũng có từ trong gia đình ra ngoài xã hội, chuyện thầy giáo dụ dỗ học sinh vào nhà nghỉ, chuyện đánh ghen…”

Còn phim ảnh, chẳng biết truyền hình chiếu bao nhiêu bộ, mà đài nào cũng phim Hàn với Hoa, bây giờ lại thêm Ấn Độ; đến nỗi học sinh hiểu sử Việt lơ mơ mà về Càn Long với Khang Hy thì lại rất rành. Rồi lớp trẻ hành động theo thần tượng, phần lớn là nước ngoài, với quan điểm thẩm mỹ lệch lạc…

Tất cả đều phản ánh thực trạng dân khí suy yếu, mất định hướng từ trong tư duy; người đi học thì cũng nhiều, nhưng hiểu lẽ đời, biết phân biệt phải trái… thì chẳng có bao nhiêu! Người ta trở nên ích kỷ, bất chấp đạo lý trong đời sống hay kinh doanh, sẵn sàng làm tổn hại người khác để mưu lợi cho mình nên tự mình đầu độc dân mình qua những thực phẩm độc hại ngày càng nhiều, đến mức báo chí phải lên tiếng rồi các cấp lãnh đạo phải kêu gọi tẩy chay. Nhưng biết sản phẩm nào thế nào mà “tẩy”? Chưa kể có những quan chức vì lòng tham sẵn sàng hay lơ là bỏ qua khâu kiểm định, chia chác với những kẻ làm bậy, nên không thiếu trường hợp có người mua được chứng thư, giấy kiểm dịch, bằng lái xe… còn các chất cấm thì được mua bán công khai. Ví dụ, trong hai năm 2014 và 2015, các công ty sản xuất dược trong nước nhập khẩu 9.140 kg chất salbutamol để sản xuất thuốc, nhưng có đến 6.268 kg chất này không được đưa vào sản xuất dược phẩm mà salbutamol lại trở thành chất thịnh hành nhất để tạo heo siêu nạc trong chăn nuôi.

Hình ảnh chúng ta trong mắt thế giới ngày một “nhòe” đi, xấu dần, khi cộng đồng người Việt mang tiếng vì những kẻ trộm cắp hàng ở siêu thị Singapore, Nhật Bản, trồng cần sa ở Anh, lập băng nhóm ở Nga, ở Mỹ, thanh toán nhau ở Thái Lan ở Hàn Quốc, buôn sừng tê giác ở Nam Phi… Dân tộc Việt nếu không chấn hưng dân khí kịp thời thì e rằng chúng ta sẽ bị khinh rẻ trong tâm tưởng bạn bè thế giới. Dân khí chưa hưng thì làm sao dân sinh bền vững?

Nâng cao dân trí là một yêu cầu khẩn thiết

Chúng ta nhớ cụ Phan Châu Trinh với câu khẩu hiểu của phong trào Duy Tân “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” từ cả trăm năm trước và trong Mười điều bi ai cụ dạy vẫn có những điều mang ý nghĩa lớn lao với chúng ta hôm nay:

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý; thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.

Vì chen nhau đi kiếm tiền, giành từng cái ghế, chạy chức chạy quyền, chạy theo tư lợi khiến người Việt trở nên ích kỷ, dân khí suy so với những thời đại hào hùng. Tôi nhớ VTV1 khi phát hình phóng sự về Israel, phóng viên bình luận rằng: “Ở nước này, không có nhiều siêu xe, nhà cửa hoành tráng, nhưng người dân rất hạnh phúc, sung túc, ai cũng có thể mua xe hơi, có nhà ở. Bộ trưởng hay quan chức cao cấp mặc quần áo “casual” nghĩa là quần jean áo pull đi làm cũng được, nhìn rất bình dân nhưng giải quyết công việc vô cùng nhanh gọn. Điều quan trọng là họ biết biến những điều “không thể” thành “có thể”, ví dụ trồng rau trên sa mạc… vì họ làm gì có “rừng vàng biển bạc” như ta”.

Vì sao nâng cao dân trí là nhiệm vụ hàng đầu?

Những nhà kinh tế cho rằng “Nâng cao dân trí còn quan trọng hơn tăng tốc GDP. Điều quan trọng trong dân trí không hẳn là kiến thức hay thông tin mà là khả năng nhận biết đâu là quyền và nghĩa vụ của mỗi người. Tăng trưởng GDP có thể bị triệt tiêu khi xã hội phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề do vấn đề dân trí gây ra”. (Thời báo kinh tế Sài Gòn 24/3/2016).

Nếu nhà lãnh đạo nào nghĩ rằng cứ để quần chúng mù mờ, kém cỏi về nhận thức mới dễ bề cai trị thì đó là một ngộ nhận lớn! Chẳng khác nào người cha muốn con mình thất học thì dễ bảo hơn chăng? Mà ngược lại, nó sẽ gây nhiều tổn hại cho chính ông ta, trước khi gây họa cho xã hội.

Nhìn lại một số vụ việc gần đây, từ vụ nổ lớn ở Văn Phú (Hà Đông), vụ nữ sinh ở Đắk Lawsk bị cưa chân, vụ cầu Ghềnh sập khiến tuyến đường sắt Bắc Nam thiệt hại nặng, đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại nặng do hạn và ngập mặn… Chúng ta tự hỏi liệu dân trí cao, họ có đem bom đi cưa không mà theo thông tin trên truyền hình (VTV3) thì trong năm 2015, riêng tỉnh Quảng Trị đã có hơn 3.000 người thương vong do những sự cố tương tự; nữ sinh bị cưa chân là do thầy thuốc vừa kém chuyên môn vừa thiếu y đức, mà chuyện y đức hay chữ nhân trong ngành y là một dấu hỏi cực lớn; chuyện cầu Ghềnh, ông lái tàu tắc trách bỏ lên bờ giao cho hai tài công không bằng lái tàu đâm vào cầu, thiệt hại tính ra hàng nghìn tỷ rồi chưa kể việc ngưng trệ giao thông của tuyến đường sắt Bắc Nam, chuyện hủy chuyến vì phải di chuyển từ Sài Gòn ra Đồng Nai; chuyện hạn mặn một phần là thiên tai nhưng “nhân tai” không phải là không có trách nhiệm khi chúng ta không hề có phương án ứng phó… Nếu có kiến thức thì hàng nghìn con người không thể bị những công ty bán hàng đa cấp lừa đảo được, ví dụ như trường hợp Công ty Liên Kết Việt lừa đến 1.600 tỷ thì người dân mới biết. Rồi còn bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười khi những thương lái Trung Quốc lừa dân ta từ trái cau, trái thanh long cho đến ốc bươu vàng, đỉa… Không chỉ vì lòng tham mà còn vì thiếu trình độ nhận thức hay cảm quan kinh doanh nếu như họ được dạy dỗ về kiến thức kinh tế căn bản… Rồi chuyện thực phẩm bẩn cũng sẽ khó có đất sống nếu người dân có kiến thức về dinh dưỡng. Những câu chuyện đau thương ấy nói lên điều gì về dân trí hôm nay? Người dân không hề được trang bị kỹ năng sống khi những bài học nhà trường quá xa rời thực tế, không gắn gì với việc họ phải sống và hành xử như những công dân có văn hóa, nghĩa là có trách nhiệm và lương tâm với cuộc đời mình và người khác, với cộng đồng và với thiên nhiên.

Trong bài phát biểu ở kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Võ Thị Dung đã khiến nghị trường sôi động hẳn lên khi đề cập tới bảy vấn đề hệ trọng mà đất nước đang phải đối mặt, trong đó ngoài nỗi lo ngoại xâm từ phía Trung Quốc, nỗi lo nội xâm là nạn tham nhũng và tình trạng lãng phí, thì nỗi lo thứ ba là về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong xã hội. Tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người… mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn khác đang tạo ra sự bất an cho nhân dân. Thứ tưlà nỗi lo tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, cộng với lãng phí cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước. Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao, tiêu xài quá đà, lãng phí, bội chi ngân sách lớn và triền miên, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Thứ sáulà nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp. Cuối cùng, thứ bảy là nỗi lo thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, qua loa đại khái trong thực thi, giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển. Như thế là trong bảy nỗi lo thì có đến bốn liên quan đến văn hóa… dù trực tiếp bà đề cập trong nỗi lo thứ sáu.

Chúng ta biết UNESCO từng nhấn mạnh “Văn hóa là động lực của kinh tế”. Nói cách khác, văn hóa quyết định hướng đi cho kinh tế và xã hội. Bàn về ba lãnh vực của đời sống – thiên nhiên, con người và tôn giáo – tác giả Nguyễn Thế Đăng nhận định:Có một thế giới của tự nhiên, thế giới vật lý… Chúng ta phải tuân theo những định luật hay quy luật của nó. Đây là lãnh vực mà văn minh Đông Á gọi là Địa… Và có một thế giới của con người, với lý trí, tình cảm, ý chí với những hy vọng, ước vọng cao cả. Mức độ tự do nhiều hơn nhưng tinh tế hơn, phức tạp hơn, tương thông với nhau, dìu dắt nhau tiến bộ… Văn hóa là sự thăng hoa, sự nhân tính hóa những hiểu biết về thế giới vật lý, thế giới tâm lý, làm cho con người ngày càng nhân tính hơn, càng đẹp hơn, càng đúng hơn, càng tốt lành hơn. (Chân Thiện Mỹ). Văn hóa là để biết sống. Sử dụng và biết sống với thiên nhiên (Địa), biết sống với người khác (Nhân) và biết sống với cái siêu việt, cái thiêng liêng ở trong chính mình (Thiên). (Tóm tắt theo Nguyễn Thế Đăng – Xã hội hài hòa– Trích trong Con người toàn diện – Hạnh phúc toàn diện các trang 176 – 183).

Còn về lãnh vực thứ ba theo tác giả Nguyễn Thế Đăng là tôn giáo; nhưng như chúng tôi đã từng viết trước đây trong bài đã dẫn ở trên thì “Muốn xây dựng con người mới văn hóa, phải chú ý trước hết ở phần tâm và trí… Đó là con người tôn trọng luật pháp, có lý tưởng sống, tuân theo lương tâm và theo một tôn giáo nào đó, nếu muốn. Tôn giáo vốn được xem là một môi trường tốt huân tập tâm hồn con người với những bài giảng về từ bi hay bác ái. Nhưng ngay cả người vô thần thì cũng phải sống có văn hóa, nghĩa là phải theo lương tâm. Anh ta cũng không thể nhân danh vô thần không tin vào kiếp sau, vào luân hồi, hay vào quả báo mà có thể ăn cướp, tước đoạt, gây hại cho kẻ khác được.

Nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma thì, “trong thời đại khoa học ngày nay nhiều người cho rằng theo những tôn giáo là vô nghĩa, vậy thì cơ sở nào cho những giá trị như thế? Theo tôi, mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong… Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh. Đạo đức và các giá trị bên trong trong bối cảnh tôn giáo giống như trà … Nhưng dù trà được pha chế thế nào thì thành phần chính vẫn là nước. Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự, chúng ta sinh ra không có tôn giáo nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi… “ (Đạt Lai Lạt Ma – Bên ngoài tôn giáo, bản dịch Trần Ngọc Bảo, 2015).


Chúng ta không thể tách rời mối liên hệ giữa hạnh phúc của chúng ta với hạnh phúc cộng đồng. Phải chăng đó là ý nghĩa của tương tức tương sinh (Interbeing – tiếp hiện) trong nhà Phật. Tóm lại, dù không có tôn giáo, người ta vẫn phải tôn trọng các nguyên tắc phát triển nhân tính, dựa trên nhân bản và vì nhân sinh. Bất cứ một nền văn hóa nào không lấy yếu tố con người làm trọng tâm sẽ thất bại. Tại sao chúng ta không phát huy cái đẹp văn hóa vốn có của người Việt Nam: lạc quan, chân thực, kiên trung, cần mẫn, thông minh, vị tha, bao dung… mà để những phẩm chất ấy phai mờ trở thành những kẻ giả dối, gian trá, độc ác, vị lợi, chấp nhất, hẹp hòi…”.

Như vậy đã rõ, phải xây dựng lại Nhân trong mối hài hòa với chính nó và với Địa. Nâng cao dân trí trở thành nguyên lý hành động của mọi người và của các cấp lãnh đạo tư tưởng. Một nền văn hóa dân chủ, nhân bản và khai phóng phải được xây dựng từ nền móng, dù hiện nay thế hệ đi trước đang mắc phải nhiều sai lầm. Nếu không, thế hệ trẻ hôm nay sẽ mất điểm tựa khi cha anh không còn là những tấm gương về thân giáo; và đến lượt họ, những người trẻ, cũng theo vết xe đổ mà thôi! Và chúng ta sẽ tiếp tục đọc những tin tức “rùng mình” hơn với những thống kể chẳng có gì đáng tự hào đại loại như: uống 4 tỷ lít bia, ăn 1 triệu con chó, phá thai 2 triệu lượt, giết nhau bất kể lý do gì …. và hằng hà tin nhảm khác! Dân tộc ta sẽ chìm đắm trong mười nỗi bi ai như cụ Phan từng liệt kê. Sự tồn vong của đất nước chưa biết sẽ ra sao?

Cứu nguy văn hóa chính là cứu nguy dân tộc!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói tật và vượt qua thói tật trong tranh luận

    23/06/2019Nhà văn InnasaraDo quá ham thắng, hay phần nào đó – do sợ bẽ mặt trước đám đông, lắm lúc người tham gia tranh luận trở thành ngụy biện, từ đó đẩy cuộc tranh luận vào ngõ cụt, khi quay sang tấn công cá nhân đối phương...
  • “Khai dân trí” phải đi liền với “chấn dân khí”

    05/12/2017Cát Khuê ghiTrước hiện trạng truyền thông mạng đang nhiễu loạn với các thông tin lá cải tràn ngập, soi mói đời tư, gián tiếp và trực tiếp xúc phạm đến con người (loạt bài “Truyền thông: những chuyện không tử tế” Tuổi Trẻ), TS Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ...
  • Chữ nghĩa lướt qua cơn suy thoái

    26/05/2016Lê Thiếu NhơnĐồng tiền đối mặt với sự rớt giá, lẽ nào chữ nghĩa cũng lạm phát? Có lẽ đó là câu hỏi nóng bỏng nhất cho văn học Việt Nam khi bước qua năm cuối cùng của thập niên đầu tiên ở thế kỷ 21. Thế nhưng, khi mà cách giữ chặt túi tiền trở thành một chọn lựa thông minh của xã hội, thì văn chương ít bị ảnh hưởng nhất...
  • Biểu hiện của suy thoái đạo đức xã hội

    13/04/2016TS Xã hội học Nguyễn Đức TruyềnKhi con người xem thường giá trị của lòng nhân ái, ranh giới giữa hành vi lệch lạc và tội ác chỉ là hình thức…
  • Dân trí và Dân khí

    22/03/2016Trần Đình HượuTrong giới lãnh đạo và giới hiểu biết ở ta hiện nay thường nói đến “dân trí”, coi đó là một giải pháp cơ bản để giải quyết tình hình. Cách nhìn nhận thực tế và hình dung cách giải quyết tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một cơ sở thực tế. Quy trách nhiệm cho “dân trí” và coi chìa khoá để giải quyết khó khăn là “khai dân trí” cũng là chỗ được nhất trí rộng rãi...
  • Suy thoái văn hóa chạm ngưỡng, đẩy dân tộc đến hiểm họa khôn lường

    02/02/2016An Yên (thực hiện)Sử gia Dương Trung Quốc nói với thực trạng văn hóa hiện nay, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường...
  • Dân trí người Việt trẻ: thấp hay không thấp?

    02/01/2016Google đã chứng thực rằng ‘dân trí chúng ta thấp’ ... Có thể có bạn trẻ sẽ nhảy chồm chồm lên phản đối, nhưng có lẽ các bậc trên và bạn trẻ nên vào cuộc tìm hiểu rõ hơn bức tranh Google vừa mách nhỏ cho chúng ta...
  • Con người suy thoái?

    28/10/2015Vương Trí NhànĐịnh mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?
  • Dân trí và sức phát triển của một dân tộc

    09/10/2015Nguyễn Tất ThịnhTôi cứ suy nghĩ mãi về lời một người bạn nước ngoài khi anh ta nói với tôi rằng : Ai cũng biết sau Thế chiến thứ hai, Nước Đức ở Phương Tây và nước Nhật ở Phương Đông chỉ còn có hai thứ : đó là những đống đổ nát tro tàn, và còn lại những con người với nền văn hóa vĩ đại của họ...
  • Suy thoái văn hóa, suy thoái chính trị

    05/03/2014Nguyễn Chí TrungĐây là tham luận thứ 66 của Nhà văn-Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung vừa viết chưa ráo mực, được đọc tại hội thảo – Một tham luận rất đáng chú ý, “có vấn đề”. Nó rất cũ mà lại rất mới, có thể thảo luận. Chúng tôi xin đăng để bạn đọc tham khảo...
  • Phản ánh mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam

    20/09/2013N.C.Khanh ghiTrao đổi về những hình ảnh phản cảm tại lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho
    rằng, không thể đổ lỗi cho người dân, bởi những gì diễn ra tại đây phản
    ánh mặt bằng của xã hội Việt Nam....
  • Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội

    08/02/2013Trần Hữu QuangĐâu là những nguồn gốc sâu xa của tình trạng xuống cấp và suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay? Bài này đề ra một giả thuyết để trả lời cho câu hỏi này bằng cách dựa trên khái niệm hệ thống và khái niệm “tự trị” của Immanuel Kant. Giả thuyết này bao gồm hai vế chính, đó là tính chất “ngoại trị” của nền đạo đức xã hội, và tình trạng “nhà nước hóa” xã hội dân sự trong xã hội Việt Nam hiện nay...
  • Nghĩ về nâng cao dân trí!

    14/06/2012Thành LuậnCó những sự việc xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi nghĩ về dân trí và nâng cao dân trí...
  • Dân trí và quan trí

    14/07/2010Bá KiênLâu nay, chúng ta vẫn hô hào phải nâng cao dân trí, thậm chí đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đưa ra nhằm mục đích nâng cao dân trí. Tuy nhiên, ít ai bàn đến việc phải nâng cao quan trí. Nhân chuyện Quốc hội sôi nổi bàn luận trách nhiệm của bộ trưởng này, đề cập việc bỏ phiếu tín nhiệm, có người đặt vấn đề đã đến lúc phải nâng cao cả quan trí...
  • Dân chủ và dân trí

    03/03/2010Lê Quý HiềnNgày nay, hai từ "dân chủ" đang được nhắc đến nhiều trong xã hội. Không ít người nghĩ dân chủ là sự thoải mái đóng góp ý kiến, bàn bạc của bất kỳ người dân nào. Trí tuệ của tập thể, của cộng đồng là cần thiết song nói như Lênin: "Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông". Không thể có dân chủ đứng một mình mà đi kèm theo nó phải là dân trí để thành một đôi chân bước trên đường dài, vượt qua những khó khăn, cản trở phía trước.
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Đạo đức và suy thoái đạo đức

    23/01/2009Cao Tự ThanhĐạo đức là ánh phản về một trật tự xã hội hay ít nhất cũng thể hiện một quan niệm về trật tự xã hội cụ thể với các lợi ích và nhu cầu xã hội xác định. Cho nên nó là một hệ thống ý thức xã hội, thực tiễn xã hội quy định thế nào là đạo đức cũng như lợi ích và nhu cầu sẽ quy định ý thức đạo đức của cá nhân hay nhóm xã hội...
  • Lạm phát thói tật

    15/01/2009Đặng Vương HạnhNăm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử GDP bình quân đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng 1.000 USD/năm( chính xác là 1.024 USD). Tuy nhiên theo ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Thống Kê Tài Khoản quốc gia, không phải vì thế mà Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo để gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập loại trung bình thấp của thế giới. Vậy khi thu nhập bình quân của đầu người đã vượt ngưỡng ngàn đô, tại sao chúng ta vẫn chưa thể tận hưởng dư vị ngọt ngào của thành tựu này?
  • Dân trí trong phát triển xã hội

    26/03/2008Trần Sĩ ChươngDân có giàu thì nước với mạnh. Dân có giàu thì dân mới có được tính độc lập và có cái thế để tạo nên lực, từ đó mới thể hiện được quyền dân chủ của mình. Lực của quan và dân có tương đối cân bằng thì Nhà nước với nhân dân mới có thể cùng phấn đấu cho mục tiêu phát triển chung của đất nước...
  • Toàn cầu hóa và nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

    28/05/2007Nguyễn Thị Thanh HuyềnToàncầu hóalà một xu thế khách quan,có tácđộng mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân con người. Sự tácđộng củanó có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa dẫn đến nhiều nguycơ mà do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nguycơ suy thoáiđạo đức, lối sống của con người Việt Nam...
  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • xem toàn bộ