Suy thoái văn hóa, suy thoái chính trị

05:27 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Ba, 2014

Hội thảo Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (9 – 10/12/2011) do Hội đồng Lý luận – phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nhận được 66 tham luận. Đây là tham luận thứ 66 của Nhà văn-Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung vừa viết chưa ráo mực, được đọc tại hội thảo – Một tham luận rất đáng chú ý, “có vấn đề”. Nó rất cũ mà lại rất mới, có thể thảo luận. Chúng tôi xin đăng để bạn đọc tham khảo...

Tôi xin tóm tắt tham luận của tôi. Sau đó, xin phép tranh luận đôi ý kiến.

1. Khi xã hội phân hóa thành giai cấp, không có văn hóa nào, kinh tế nào phi giai cấp, đứng ngoài giai cấp. Văn hóa, kinh tế, chính trị đều mang trong nó tính chất giai cấp sâu sắc.

Không đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể nhìn nhận và phân tích đúng tình hình văn hóa trước Cách mạng tháng Tám, quá trình thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại độc lập thống nhất cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, quyền lợi trực tiếp cho công nhân, dân chủ và chính quyền về tay nhân dân, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Do đó, trong mọi giai đoạn, có văn hóa yêu nước, cách mạng và văn hóa phản dân tộc, phản cách mạng.

Nói đến văn hóa tiên tiến là nói văn hóa mang nội dung xã hội chủ nghĩa (XHCN). Văn hóa XHCN tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc, kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời cũng kiên quyết chống lại văn hóa đồi trụy, phản động, văn hóa phản bội sự nghiệp yêu nước, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tiếp thu kinh nghiệm các nước dù ở lĩnh vực nào (văn hóa, kinh tế, chính trị) đều có chọn lọc.

2. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, văn hóa là một thành tố XHCN. Không xây dựng văn hóa yêu nước và XHCN thì không có CNXH.

Xây dựng con người Việt Nam ngày nay là xây dựng con người yêu nước, yêu CNXH. Không lẽ lại xây dựng con người Việt Nam tư bản chủ nghĩa hay sao?

3. Khi Đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân (Đảng Cộng sản Việt Nam) cầm quyền, kinh tế, chính trị, văn hóa thống nhất với nhau. Đường lối kinh tế, chính trị kết tinh sâu sắc nhất những giá trị cao quý của văn hóa yêu nước XHCN. Văn hóa yêu nước XHCN lại kết tinh trong nó những tính chất cao quý của đường lối chính trị và đường lối kinh tế quá độ lên XHCN.


Nét văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng cao. Ảnh: U.Phương

Do văn hóa gồm cả lý luận, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho nên suy thoái về chính trị, phai nhạt lý tưởng XHCN… là suy thoái văn hóa. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ đảng viên đang có sự suy thoái văn hóa, kể cả ở cấp trung ương, trong Đảng và ngoài xã hội.

Suy thoái về văn hóa hiện nay có nguyên nhân từ chính trị và kinh tế.

Chính trị nói rằng: không có sự bóc lột giá trị thặng dư của tư bản Việt Nam đối với giai cấp công nhân, thì đã làm cho giai cấp công nhân, tầng lớp lao động làm thuê suy thoái, chịu cúi đầu trước sự bóc lột thặng dư giá trị, còn đâu ý chí cách mạng, còn đâu ý chí làm chủ về văn hóa, về kinh tế và cả về chính trị nữa.

Phân hóa giàu nghèo ngày càng cao, ngày càng sâu thì phải xem xét lại cách làm kinh tế, cách làm chính trị. Với hai bàn tay trắng, thì không thể làm chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa được đâu! Phải đảm bảo cho công nhân, nông dân, trí thức có được một phần của cải xã hội thì mới thực hiện được quyền làm chủ.

Như: việc cổ phần hóa các xí nghiệp nhà nước là để ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho công nhân và trí thức làm công ăn lương nhưng cổ phần hóa lại biến thành tư nhân hóa, biến của cải của toàn dân (lẽ ra vào tay công nhân, các tầng lớp làm thuê) thì lại rơi vào tay tư bản tư nhân.

Hô hào đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại không kiên quyết kiểm tra, giám sát kết quả cổ phần hóa, đảm bảo lợi ích công nông và trí thức thì làm sao công nhân, lực lượng đông đảo của xã hội công nghiệp hóa lại không phai nhạt lý tưởng XHCN, làm sao không suy thoái văn hóa, làm sao có tiền mua sách, xem tuồng, xem phim.

Xã hội trở thành xã hội của kẻ giàu. Nhà văn hóa Lao động có còn tí gì của người lao động nữa đâu! Xã hội hóa, nhưng xã hội hóa trên quan điểm nào cơ chứ?

Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức có sai lầm. Nhưng, như đã kiểm điểm, chủ yếu là sai lầm về chỉnh đốn tổ chức, còn chia ruộng đất của thực dân Pháp, Việt gian và địa chủ phản động cho dân cày, thực hiện người cày có ruộng là không sai. Bây giờ đang tích tụ ruộng đất, nhưng tích tụ ruộng đất theo hướng nào? Có nơi đang động viên người có ruộng bán ruộng cho tư bản tư nhân, để rồi người có ruộng lại đi làm thuê trên mảnh ruộng của mình. Hai bàn tay trắng thì có làm chủ được không?

Đôi cuốn sách văn chương, có cả đôi bộ phim miêu tả người nông dân như là những tầng lớp vô học, ngu đần và xấu. Nông dân cũng có mặt khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ, nếu nông dân miền Bắc nước ta như vậy thì chỉ có nổi loạn, chứ làm sao thắng được Mỹ, làm sao có điều kiện để ngày nay các ông mở hội thảo đình đám?

Tôi nghĩ: cho đảng viên làm kinh tế tư bản (rồi nhập một cục kinh tế hộ, tiểu chủ tiểu thương với tư bản tư nhân, gọi chung kinh tế tư nhân) chẳng qua chỉ là mở đường cho đảng viên trở thành tư sản.

Động viên đại đoàn kết toàn dân tộc là đúng. Nhưng đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng công nông liên minh với trí thức.

Không dựa trên nền tảng công nông liên minh với trí thức thì chẳng đoàn kết được toàn dân tộc đâu!


Văn hóa liệu có theo kịp đà phát triển của kinh tế?

* Xin được trao đổi đôi điều với một số tham luận:

1. Nghị quyết đại hội 4 xác định: Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Cho nên, nói cho trung thực: Khi quá độ lên CNXH trong cả nước, trong hoàn cảnh lúc ấy và sau khi có đường lối đổi mới, chúng ta không thể chọn lựa ngay mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Lúc đó, trung thực mà nói, các nhà kinh tế cũng đồng tình với tăng trưởng theo chiều rộng.

Mô hình kinh tế tổng quát của ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN: xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng ngày càng vững chắc.

Tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu cũng dựa trên quan điểm và phương hướng ấy. Lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo… thì mới tái cấu trúc theo chiều sâu được. Quá độ lên CNXH thì kinh tế nhà nước càng phải mạnh. Quản lý kinh tế nhà nước mà lại toan tính theo mục đích lợi nhuận tư bản chủ nghĩa, trục lợi cá nhân, trở thành tư sản núp dưới danh nghĩa cộng sản, thì đổ vỡ như Vinashin là cầm chắc.

Nhà nước XHCN quản lý nền kinh tế, kinh tế nhà nước là chủ đạo thì có cái nhà nước phải độc quyền. Ở một số lĩnh vực: nguyên tử, dầu khí, khoáng sản, công nghiệp quốc phòng, bưu chính viễn thông, hải quan đến an ninh, quốc phòng. Làm cho kinh tế nhà nước yếu đi, kinh tế tập thể yếu đi thì mất CNXH.

2. Vừa rồi kinh tế phát triển, nhưng không phải ngoạn mục hoàn toàn: như phát triển không bền vững, phân hóa giàu nghèo càng tăng…

3. Về văn hóa doanh nghiệp: Thế giới này còn có giai cấp thì nhân loại cũng có hai loại người. Doanh nghiệp cũng có mấy loại doanh nghiệp.

Phòng truyền thống của doanh nghiệp Tracô không làm tiếp thị nhưng hôm nay vị giám đốc Tracô trình bày vấn đề văn hóa doanh nghiệp là để tiếp thị đấy!

Phòng truyền thống không làm tiếp thị là để toàn thể Tracô làm tiếp thị. Con người ở Tracô có 8 chữ T – cho người lao động làm thuê. Còn người làm chủ thì còn chữ nữa: Lợi nhuận, lợi nhuận ngày càng cao, lợi nhuận cao hơn nữa.

4. Trong bản thân lực lượng văn hóa văn nghệ cũng đang có tình hình suy thoái văn hóa, suy thoái chính trị. Không khắc phục tình hình này thì khó mà có một nền văn hóa cao thượng, đẹp đẽ như ta muốn. Mà văn hóa vốn là kết tinh những vẻ đẹp, những tinh hoa của dân tộc, người nghệ sĩ là một nhà tư tưởng soi đường cho quốc dân.

Nguồn:Hồn Việt
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hố đen Văn hóa

    12/04/2015Nguyễn Tất ThịnhLà những ‘khoảng tối’ về Văn hóa tồn tại trong Cộng đồng xã hội, lâu dần, và mở rộng, phát triển đến một quy mô lớn hơn, nó sẽ trở thành một ‘lực lượng’ giống như ‘Black Hole’ trong Vũ Trụ, có thể hút được vào nó cả ‘ánh sáng lương tri’ , làm lệch lạc xiên xẹo các quỹ đạo có định hướng phát triển, nuốt chửng những nỗ lực đang theo những quy luật bình thường, làm vỡ vụn những chương trình hữu ích đang triển khai khác….
  • Văn hóa tìm gạch xây nền

    09/02/2014Nguyên CẩnVăn hóa đang nghèo đi! Viết như thế sẽ có người mắng” Đã giàu bao giờ đâu?”. Xin thưa, có thể lúc trước mình chưa giàu nhưng không “nghèo” như bây giờ. Nghèo từ bản chất đến nhu cầu. Dựa vào đâu có thể nhận định như vậy khi văn hóa luôn là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng, một nhu cầu mang ý nghĩa sinh tồn? Dựa vào chuyện cái ác lên ngôi còn điều thiện hiếm dần đi chăng?
  • Tính trễ của cải cách chính trị

    18/08/2010Nguyễn Trần BạtTính trễ của cải cách chính trị là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội...
  • Cải cách văn hóa

    13/05/2008Nguyễn Trần BạtSự không phát triển về mặt con người không chỉ thể hiện ở sự lạc hậu về chính trị, kinh tế mà còn cả môi trường văn hoá. Nếu văn hóa chưa được giải phóng, tức là vẫn tồn tại nền văn hóa không thích ứng với sự phát triển thì dân tộc đó vẫn là nô lệ của chính họ...
  • Sự chậm trễ của cải cách chính trị ở thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNguyên nhân của tình trạng chậm trễ và trì hoãn cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba nằm ngay trong hệ thống chính trị của nó; thể chế chính trị ngày càng lạc hậu của thế giới thứ ba đang trở thành lực lượng kìm hãm sự phát triển ở khu vực này...
  • Phác thảo chương trình cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtĐể phát triển, các nước thế giới thứ ba buộc phải nhận thức ra rằng không thể tiếp tục trì hoãn cải cách thể chế, cải cách chính trị được nữa, nhất là trong bối cảnh dân chủ hóa là xu thế không thể đảo ngược như hiện nay...
  • Cải cách văn hóa như thế nào?

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtVăn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những yếu tố lạc hậu tương đối của văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống.
  • Cải cách văn hóa

    17/09/2005Nguyễn Trần BạtVăn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những yếu tố lạc hậu tương đối của văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống....
  • xem toàn bộ