“Người ta hèn là do dân trí thấp”
Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
"In 2.000 cuốn tại... In xong và nộp lưu chiểu tháng..." - những hàng chữ nhỏ mang tính thủ tục in ở cuối mỗi cuốn sách đã trở thành quá quen thuộc với mọi độc giả Việt Nam. Nhưng nó có gợi lên điều gì không? Đất nước hơn 86 triệu dân, mà mỗi cuốn sách chỉ in 1.000-2.000, kể cả số lượng in nối không xin phép thì cũng chỉ vài nghìn bản.
Phần rất lớn trong số sách đó chỉ được tiêu thụ ở hai đô thị Hà Nội và TP HCM. Như thế đủ thấy nông dân "đói" sách khủng khiếp tới mức nào.
Ai cũng có thể nhìn ra thực tế ấy, nhưng hành động để thay đổi nó thì mới có một người: anh Nguyễn Quang Thạch (SN 1975), người đã hì hục vác "cây thánh giá" sách cho nông dân từ hai năm nay.
Từ những thư viện xã vắng hoe...
- Anh tự gọi (đùa) mình là "kẻ hành khất sách". Vậy cụ thể, công việc của kẻ hành khất sách là gì?
Tôi cung cấp sách cho người dân ở nông thôn, thông qua một mô hình do tôi sáng lập, gọi là "tủ sách dòng họ".
Thời gian đầu, tôi tự đi vận động các dòng họ xây dựng tủ sách. Hoặc tôi thông qua kênh bạn bè, người quen, nhờ giới thiệu tới các dòng họ. Tôi sẽ hỏi xem dòng họ đó có bao nhiêu hộ dân ở thôn đó, có quỹ khuyến học không, có sẵn sàng góp tiền mua tủ không.
Mục đích của tôi là xem người trong dòng họ ấy gắn bó tới mức nào, có tinh thần phấn đấu vươn lên hay không. Nếu thấy "được", tôi sẽ cung cấp sách. Nguồn sách thì tôi kêu gọi quyên góp, hoặc tự bỏ tiền ra mua mới.
Về sau này, khi dự án "sách cho nông dân" của tôi được nhiều người chú ý rồi thì công việc thuận lợi hơn, người ở các dòng họ chủ động gọi điện thoại cho tôi đề nghị giúp đỡ. Họ mua sẵn tủ sách, tôi chỉ việc tập hợp sách từ các nơi và vận chuyển tới cho họ.
- Sao anh lại có ý tưởng xây dựng "tủ sách dòng họ" mà không phải là tủ sách thôn, xóm?
- Cộng đồng ở đồng bằng Việt Nam đi theo một cấu trúc: từ gia đình, tới dòng họ, tới thôn, rồi xã. Trong đó, gia đình và dòng họ là hai cấp độ có sự gắn bó chặt chẽ nhất.
Tôi nhận thấy văn hóa dòng họ ở nông thôn nước ta phát triển rất mạnh, nhất là từ miền Trung đổ lên. Miền Nam thì dù sao cũng là vùng đất mới, dân chúng có lịch sử định cư chưa lâu, nên sự gắn kết trong các dòng họ chưa mạnh như ở miền Bắc, miền Trung.
Mọi vấn đề đều cần giải quyết từ gốc rễ, và ở nông thôn, gốc rễ đó là dòng họ, chứ không phải thôn (làng) hay xã. Tôi đã để ý, nước ta có khoảng 8.000 xã, xã nào cũng có cái gọi là trung tâm học tập cộng đồng, rồi thì thư viện, lèo tèo dăm ba quyển sách không ai quản lý, chẳng ma nào đọc.
Muốn có người đọc, trước hết phải có sách, đồng thời phải có người quản lý, sắp xếp, trông coi, hướng dẫn độc giả. Và kinh nghiệm thực tiễn cho tôi thấy là, sách để ở thư viện xã, ở trung tâm học tập cộng đồng, thì nằm chỏng trơ, mà đưa về một tủ sách dòng họ nào đấy thì đông người đọc hẳn.
Ngay việc huy động đóng góp để xây dựng tủ sách cũng vậy, mình huy động thì khó, chứ dòng họ đứng ra kêu gọi thì cực dễ, trưởng họ chỉ cần hô một tiếng là cả họ xúm vào đóng góp. Đó chính là biểu hiện cho văn hóa dòng họ ở nông thôn. Người ta có tâm lý "một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ được lây".
Tôi kết luận rằng xây dựng các tủ sách dòng họ và để dòng họ tự quản lý sách mới là giải pháp bền vững để khuyến đọc và khả năng tự nhân rộng sẽ rất cao. Chẳng hạn như cuối tháng 10 này, một doanh nhân của họ Vũ xã Cẩm Điền-Cẩm Giàng-Hải Dương sẽ cùng dòng họ xây dựng 1 tủ sách trị giá 30.000.000 đồng. Nếu dòng họ nào cũng tự làm tủ sách, vừa giải quyết được tình trạng thiếu sách ở nông thôn vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước.
- Nhưng "tủ sách họ Nguyễn", "tủ sách họ Bùi"... nghe có vẻ "cục bộ" thế nào?
Không phải là tủ sách của họ Nguyễn thì cấm họ khác vào đọc đâu! (cười). Ở nông thôn, con cháu các dòng họ khác nhau cũng hay lấy lẫn nhau mà, càng làm tăng tính gắn kết của cộng đồng. Có câu "thông gia một nhà, bà con cả họ" đấy thôi.
Địa phương càng có nhiều tủ sách dòng họ càng tốt ấy chứ. Ví dụ một thôn có ba dòng họ là có ba tủ sách; tính trung bình một tủ có 300 đầu sách, vậy ba tủ là cả thôn đã có tới 900 đầu sách rồi, và còn có sự trao đổi lẫn nhau nữa.
Về chuyện tủ sách mang tính "cục bộ", có thể gây mâu thuẫn giữa các dòng họ, cũng đã có người hỏi tôi y như bạn. Tất nhiên, khó tránh khỏi việc một số cá nhân có ý nghĩ tiêu cực, ganh đua, nhưng số đó không nhiều.
Thậm chí tâm lý "cục bộ", "cạnh tranh" còn phát huy tác dụng tích cực. Có người từng nói: "Anh Thạch là người ngoài họ còn đứng ra xây dựng tủ sách, mình là con cháu trong họ chẳng lẽ lại không làm?", và thế là họ chủ động tham gia.
- Các cụ nói "nữ nhân ngoại tộc". Mô hình tủ sách dòng họ liệu có đảm bảo cả nữ giới trong họ cũng được vào đọc không?
Thời bây giờ không phong kiến tới mức như thế đâu (cười). Đúng là cũng có vùng còn hơi phân biệt nam nữ, ví dụ qua quan sát tôi thấy một vài dòng họ ở Thái Bình chỉ cho phụ nữ trên 50 tuổi vào nhà thờ họ trong ngày nhận sách. Nhưng nhìn chung là tiến bộ. Có những dòng họ tổ chức lễ đón nhận sách, dâng hương trên bàn thờ tổ, cử con gái trong họ mặc áo dài trắng ra đón sách, trang trọng lắm.
GS Phan Huy Lê quyên góp sách cho anh Thạch. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Xây dựng tủ sách cho nông dân: rẻ vô cùng!
- Để xây dựng một tủ sách dòng họ, cần khoảng bao nhiêu kinh phí?
Rẻ lắm, chỉ khoảng 5 triệu đồng là có thể mở được một tủ sách với xấp xỉ 300 đầu sách - cả mua mới và quyên góp từ những người hảo tâm. Trong đó, chi phí mua tủ khoảng 1 triệu đồng - dòng họ có thể tự đóng góp. Chi phí vận chuyển thì cũng chỉ vài trăm ngàn đồng chứ bao nhiêu. Rẻ vô cùng, mà giá trị mang lại cho nông dân thì lại rất lớn.
Sau khi thành lập, các tủ sách dòng họ cũng cần có người quản lý. Thường là dòng họ tự phân công với nhau, ai làm tốt thì được giao nhiệm vụ coi sóc tủ sách. Chỉ cần đào tào kỹ năng làm thủ thư và khuyến đọc cho vài người trong dòng họ với kinh phí đào tạo khoảng 500.000 là tủ sách sẽ đạt hiệu quả cao. Nhưng nếu họ cần thuê thủ thư cũng không khó: Với mức thu nhập ở nông thôn hiện nay, chỉ cần trả 500.000 đồng/tháng là đã có bao nhiêu người sẵn sàng làm việc trông tủ sách rồi.
- Hiện nay, anh có gặp khó khăn gì trong công việc không?
Xây dựng tủ sách thì không còn quá khó, cái khó bây giờ là "nuôi" nó, tức là duy trì tủ sách và bổ sung nguồn sách mới. Đây là vấn đề khá nan giải, vì một tủ sách dòng họ có vài trăm đầu sách, đọc hết một lượt là người ta không còn gì để đọc nữa. Tuy nhiên nhiều dòng họ, con cháu đã góp thêm sách, như họ Vũ-Mộ Trạch-Hải Dương..., con cháu đã góp thêm gần từ 100-2.000 đầu sách. Có một điều rất khó khăn nữa là số dòng họ trên cả nước xin sách nhiều quá, trong khi khả năng của tôi còn có hạn.
- Anh có bao giờ được cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan Nhà nước nào hỗ trợ không?
Toàn cá nhân ủng hộ thôi. Tổng số tiền được hỗ trợ tới nay là 13 triệu 500 nghìn đồng và 200 đô-la Mỹ.
Chủ yếu người ta ủng hộ bằng sách. Rất nhiều người đã quyên góp sách cũ, thậm chí mua cả sách mới tặng tôi, trong đó có những gương mặt nổi tiếng, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn - nhà báo Phong Điệp, dịch giả Đoàn Tử Huyến và nhà sách Đông Tây...
Mới đây, GS Phong Lê ủng hộ tôi khoảng 900 đầu sách với 1150 cuốn, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Thiều tặng 1.206 cuốn.
- Anh "tập kết" sách ở đâu trước khi vận chuyển đi các nơi?
Ở nhà ông cậu. Còn nhà tôi là nhà đi thuê, chật lắm. Năm ngoái vụ lụt ở Hà Nội làm tôi bị hỏng mất 200 cuốn sách. Chủ nhà mở quán bún cá, khi nước ngập, mỡ cá tràn ra ngoài, lẫn với nước dâng lên, sách hỏng không cứu được.
- Trong cuộc sống cá nhân, anh có phải hy sinh nhiều vì sự nghiệp "Sách cho nông dân"?
Tôi quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), sống ở Vinh, năm ngoái mới chuyển về Hà Nội. Vợ chồng tôi hiện vẫn ở nhà thuê. Tôi đã từng làm rất nhiều việc để kiếm sống, 10 năm trời dịch sách thuê, làm giáo viên ngoại ngữ, làm cho tổ chức phi chính phủ...
Mới đây tôi vừa được chương trình Doanh nhân Xã hội 2009 chọn hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng. Tôi đã xin nghỉ việc ở tổ chức World Vision để tập trung toàn bộ thời gian cho sự nghiệp "Sách cho nông dân". Vợ tôi bây giờ cũng đã kiếm được việc làm ở Hà Nội - cô ấy đi dạy toán bằng tiếng Anh, chẳng chết đói được. Vợ tôi cũng biết tính tôi đã quyết việc gì là phải làm đến cùng, nên không ngăn cản gì cả.
Tủ sách họ Nguyễn, thôn Chợ Thường xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vừa khai trơng ngày 21/10. Ảnh do nhân vật cung cấp.
"Đừng nói nông dân không đọc sách"
- Vậy có ai khuyên can anh đừng làm công việc "vác tù và hàng tổng" không?
Ô, nhiều chứ. Bạn bè có người sợ tôi ảo tưởng. Tôi không trách họ. Ở xã hội mình, đồng tiền và miếng ăn là tiêu chí đánh giá sự thành đạt. Người ta khó chấp nhận một kẻ bình thường đi làm công việc "bao đồng".
Có người còn nói rất phũ: "Nông dân biết cái đếch gì mà đọc sách, mà mày mang sách về?". Với những người ấy, tôi bảo: "Vấn đề là phải hành động đã, phải đưa sách về cho nông dân đã mới biết họ có đọc không". Cứ nói nông dân không đọc sách, thật ra phải thấy rằng nông thôn có sách đâu mà dân đọc?
- Nhưng anh có nghĩ, nông thôn không có sách là do đơn vị phát hành thấy rằng sức đọc của thị trường này quá thấp, đưa sách về không bán được bao nhiêu, lại lỗ tiền vận chuyển?
Chính vì vậy mới cần những phong trào đưa sách về nông thôn để tặng miễn phí. Giá sách với người thành phố thì là bình thường, nhưng ở nông thôn, nông dân người ta không thể bán cả yến lúa để mua sách cho con cái được, trong khi còn bao nhiêu khoản phải chi như tiền ăn, tiền học.
Giá sách như cuốn này (cầm một cuốn lên làm ví dụ) - 62.000 đồng, giảm giá còn 45.000 đồng - vẫn là quá cao ở nông thôn. Phải xây dựng tủ sách, tặng sách, thuê thủ thư chuyên nghiệp... mới khuyến đọc được.
- Anh thấy mô hình "Sách cho nông dân" của mình hiệu quả tới mức nào trong việc khuyến đọc?
Tôi có thể khẳng định là khi đã giao tủ sách về cho dòng họ quản lý, thì số người đọc tăng rõ rệt. Tôi lấy ví dụ, một thư viện ở Phú Thọ, đặt tại nhà văn hóa của thôn, được mở vào ngày 16/12/2007, 6 tháng sau đó chỉ có 45 lượt sách được mượn.
Hết 6 tháng, nó được chuyển thành tủ sách dòng họ, và trong vòng một năm sau đó đã có 1.000 lượt đăng ký mượn sách. Đó là chưa kể lượng người đọc ngay tại chỗ thay vì mượn về nhà.
Thú vị nhất là tôi nghe nói, ở Mộ Trạch (Hải Dương), số thanh niên và trẻ con vào Internet chơi game giảm hẳn sau khi có tủ sách dòng họ. Ở An Lão (Hải Phòng), tôi nghe kể là cái nhà mở hàng kinh doanh Internet ấy, họ rất ghét nhà mở tủ sách, vì bị mất khách mà. Chẳng biết có thật thế không (cười).
- Anh để ý thấy nông dân hay đọc gì?
Cũng tùy lứa tuổi. Trẻ con thích truyện tranh, người già thích sách y học, chăm sóc sức khỏe. Còn thanh niên thì đọc văn học, cẩm nang cuộc sống, tạp chí (Tri Thức Trẻ, Kiến Thức Ngày Nay v.v.). Phụ nữ hay đọc sách dạy nữ công gia chánh.
Nhìn chung, độc giả ở nông thôn đọc các loại sách dễ đọc. Chỉ có khoảng 1-2% dân số đọc những cuốn kiểu như Thế giới phẳng, đó là giới công chức nghỉ hưu, ví dụ cán bộ quản lý cấp huyện, giáo viên...
4 cuốn sách "không thể thiếu"
- Khi làm công việc tuyển chọn sách để mang về nông thôn, anh có "ưu tiên" đặc biệt đối với những loại sách nào, và cụ thể là cuốn sách nào?
Có 4 cuốn mà tôi luôn luôn đưa vào tất cả các tủ sách dòng họ, đó là: Khuyến học, Truyện Kiều, Trường Sa - Hoàng Sa: lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, và cuốn Từ điển Anh-Việt. Trong tất cả các bài nói chuyện nhằm giới thiệu, khai trương tủ sách, tôi đều nhắc tới 4 cuốn này và nhấn mạnh tại sao phải đọc, rất nên đọc:
Với cuốn Khuyến học, tôi nói "nước Nhật được như ngày nay là nhờ cuốn này".
Với Truyện Kiều, tôi nói "đây là di sản văn hóa của đất nước ta, Truyện Kiều còn thì văn hóa dân tộc của ta còn".
Với Trường Sa - Hoàng Sa: lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, tôi nói Trường Sa - Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của chúng ta, mỗi người Việt Nam phải có ý thức bảo vệ, và muốn bảo vệ thì phải hiểu biết về nó.
Và với Từ điển Anh-Việt, tôi nói "muốn phát triển thì phải hội nhập quốc tế, mà muốn hội nhập, cần thành thạo tiếng Anh".
Về loại sách ưu tiên, thì tôi hay chọn các loại truyện, sách về lịch sử Việt Nam, văn học, y học (sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS), bảo vệ môi trường v.v.
À, tôi đang tìm kiếm sách về tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân sự. Nông dân vẫn cần có kiến thức về quân sự để bảo vệ Tổ quốc chứ.
- Từ khi bắt đầu công việc đưa sách về nông thôn cho tới nay, anh đã xây dựng được bao nhiêu tủ sách dòng họ?
Tôi thành lập tủ sách đầu tiên là cho dòng họ Nguyễn Quang ở xã Sơn Lệ, Hương Sơn (Hà Tĩnh), vào năm 2007.
Riêng tôi đã làm được 33 tủ sách (trong đó có 11 tủ sách là tôi cung cấp cả tủ lẫn sách, còn lại là các dòng họ tự bỏ tiền đóng tủ), ở 9 tỉnh: Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Bắc Giang.
Cũng có những người tham khảo mô hình của tôi và tự áp dụng, chẳng hạn cô Lê Thị Hoa ở TP HCM, anh Nguyễn Hoàng Long ở Hà Nội, anh Dũng ở Buôn Mê Thuật, đã nhân rộng 12 tủ sách ở Sóc Trăng, Buôn Mê Thuật và huyện đảo Cát Bà.
Khuyến đọc, vì lợi ích tương lai
- Anh nghĩ sao về thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam?
Cá nhân tôi nghĩ rằng một đất nước phải có 60-70% dân số đọc sách mới gọi là có văn hóa đọc. Nước mình chưa có văn hóa đọc, do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, ở thành phố, thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận sách hơn hẳn nông thôn miền núi. Nưng hệ thống thi cử của ta chỉ cần học sinh đọc và bám theo một cuốn, cứ thuộc một cuốn là đủ, là nghiễm nhiên có điểm. Điều đó không thể tạo thành thói quen đọc ở thanh thiếu niên. Cần phải đọc nhiều cuốn mới hình thành thói quen đọc sách, rồi từ thói quen đọc sẽ hình thành văn hóa đọc.
Ở nông thôn thì, như tôi đã nói, giá sách quá cao, sách không về được. 8.000 xã có thể đều có thư viện, nhưng lèo tèo vài chục cuốn bỏ đó không ai chăm sóc, thì khuyến đọc thế nào được?
Ở miền núi, tình hình còn bi đát nữa. Tỷ lệ mù chữ rất cao, có nơi tôi thấy phải tới 50% cư dân địa phương mù chữ, Bí thư Đoàn mà còn chưa đọc thông viết thạo.
Đồng bào miền núi nghèo lắm bạn ơi. Có lần đi tập huấn, hết một khóa 10 ngày, tôi hỏi học viên có nguyện vọng, mong ước gì. Khoảng 10 cậu học viên (người dân tộc) kêu: "Tiếc quá, ngồi nhiều mà chẳng được uống rượu!". Người dân nghèo quá, nhu cầu còn đang ở bậc rất thấp là cái ăn cái uống mà thôi.
Có lần tôi về Thanh Chương (Nghệ An), gặp một ông già đang đánh cá. Tôi hỏi ông đem cá về làm kiểu gì, kho hay rán. Ông ngạc nhiên: "Cá cũng rán được à? Từ trước đến giờ tôi chỉ mang về xóc muối thôi". Bạn thấy đấy, người dân có nơi nghèo tới mức chưa bao giờ biết tới món cá rán nữa.
- Vậy làm sao mà phát triển văn hóa đọc được?
Mỗi khu vực đều phải có giải pháp cụ thể, đặc trưng cho khu vực đó. Ở thành phố, cần cải cách chế độ thi cử, có các biện pháp khuyến đọc trong nhà trường.
Miền núi, hạ tầng cơ sở còn thấp kém, mức độ quần cư thấp, có khi hai nhà hàng xóm nằm cách nhau tới 2 km. Dân trí thì quá thấp. Theo tôi, sách nói (audio book) sẽ là giải pháp. Không tốn bao nhiêu đâu. Nhà nước có thể bao cấp cho mỗi thôn, mỗi bản phương tiện phát thanh và một số audio book. Rồi đưa sách về thư viện trường nữa.
Ở nông thôn thì mô hình "tủ sách dòng họ" sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất, tôi tin như vậy.
- Đọc sách liệu có giúp ích gì cho cộng đồng với mặt bằng thu nhập của người dân như hiện nay không?
Về dài hạn, sách sẽ giúp đổi thay xã hội. Những đứa trẻ được đọc sách khi hình thành nhân cách, lớn lên sẽ nhân văn hơn và giỏi hơn là không được đọc. Tôi nghiệm ra những dòng họ càng nhiều người giỏi thì càng có văn hóa ứng xử, tính cách càng khiêm tốn và điềm đạm hơn. Dân tộc mình, đất nước mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
Có một cái vòng luẩn quẩn: nghèo thì dân trí thấp, dân trí thấp thì sinh ra hèn. Hèn thì sẽ làm đủ chuyện tồi tệ xấu xa. Con người ta hãm hại, giết chóc, tiêu diệt lẫn nhau, cũng đều từ cái nghèo hèn mà ra cả.
- Hình thành và phát triển văn hóa đọc sách cho cả xã hội, có khó quá không?
Không khó nếu ta quyết tâm. Nếu dòng họ nào cũng có tủ sách, mỗi thôn sẽ có ít ra cũng 1.000 đầu sách. Không tốn kém đâu. Bạn biết đấy, có làng xây cái cổng tới 175 triệu đồng mà cả làng không hề có tủ sách nào. Thế là lãng phí, là háo danh, là dối trá.
Tôi có thói quen hay "quy ra sách" mọi thứ. Nước ta có 8.000 xã, mỗi năm mỗi xã được hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng tủ sách dòng họ thì sẽ có bao nhiêu là sách, mà tổng chi phí là khoảng 80 tỷ. Tôi nói không phải chứ số tiền ấy cũng chỉ tương đương tiền bẩn của vài vụ tham nhũng mà thôi.
Nhưng tôi không thích đổ tại xã hội. Xã hội là chính chúng ta. Chúng ta sạch thì xã hội sạch. Thay vì kêu ca, hãy hành động, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy đi thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Hãy tới bệnh viện hiến vài trăm cc máu. Hãy tặng sách cho bà con nông dân. Thay vì khẳng định "nông dân không đọc sách", hãy đưa sách về cho họ đã.
- Cám ơn anh Nguyễn Quang Thạch đã dành cho Tuần Việt Nam cuộc trò chuyện thú vị.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc