Đạo đức và suy thoái đạo đức
Mặc dù nói nhiều tới việc củng cố nền tảng đạo đức từ trong chính quyền ra ngoài xã hội, các văn kiện chính thức mới nhất của Đảng và Nhà nước vẫn không đưa ra một định nghĩa nào mới về khái niệm đạo đức. Song đúng như K. Marx đã nói “Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức” (K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tập 1, tr. 276), không có một thứ đạo đức chung chung nào có thể là đạo đức đích thực cả. Đạo đức là ánh phản về một trật tự xã hội hay ít nhất cũng thể hiện một quan niệm về trật tự xã hội cụ thể với các lợi ích và nhu cầu xã hội xác định. Cho nên nó là một hệ thống ý thức xã hội, thực tiễn xã hội quy định thế nào là đạo đức cũng như lợi ích và nhu cầu sẽ quy định ý thức đạo đức của cá nhân hay nhóm xã hội. Dĩ nhiên cũng có những giá trị đạo đức “vĩnh cửu” hay ít nhất cũng được tất cả mọi xã hội tán thành, chẳng hạn một số quy phạm đạo đức tôn giáo, bởi trong thực tế đó đều là những chuẩn mực tối cần thiết cho chính sự tồn tại của xã hội. Song trong thực tế có nhiều chuẩn mực đạo đức tốt đẹp lại trở thành tín điều, vì những cá nhân hay nhóm xã hội tuân thủ các chuẩn mực ấy chỉ thực hiện chúng như các quy phạm hành vi một cách thụ động chứ thiếu mất ý thức đạo đức. Trong những trường hợp tệ hại hơn, người ta “có đạo đức” không phải vì tự nguyện mà vì có lợi, tức đạo đức giả. Bởi nhìn từ khía cạnh chức năng thì đạo đức là một hệ thống chuẩn mực xã hội, “một trong những phương tiện định hướng hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện nhất định đồng thời là phương tiện để xã hội kiểm tra hành vi của họ”. Song đạo đức đã là phương tiện để xã hội kiểm tra hành vi của cá nhân, thì phản đề tất yếu là cá nhân cũng có thể dùng hành vi đạo đức để che giấu hành vi phi đạo đức của mình mà đối phó với sự kiểm tra của xã hội. Trong cả hai loại trường hợp nói trên, đạo đức là một bộ phận nằm ngoài nhân cách, vì nói chung nó không liên quan gì với tính định hướng giá trị “từ bên trong” của chủ thể hành vi. Không có ý thức đạo đức tức sự nhận thức tích cực mang tính tự nguyện về quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm thì đạo đức nhiều lắm cũng chỉ còn là một tập hợp các quy phạm hành vi.
Bên cạnh đó, đạo đức luôn có quan hệ với một trật tự xã hội xác định, nên trật tự này cũng nhất hóa ý thức và hành vi đạo đức, sự giải thích và thực hiện các quy phạm đạo đức của cá nhân và các nhóm xã hội, các giá trị đạo đức truyền thống và đương đại... thành một hệ thống thống nhất cho toàn cộng đồng, đạo đức học gọi hệ thống này là quan hệ đạo đức. Chỉ thông qua quan hệ đạo đức thì ý thức và hành vi đạo đức mới được gắn kết với thực tiễn xã hội tức mang tính lợi ích phổ biến hơn, mới được điều chỉnh cho phù hợp với các hệ thống chuẩn mực xã hội khác như chính trị và pháp luật, phong tục và tập quán... tức mang tính bắt buộc cao hơn và từ đó xác lập được khả năng chế định tức được thực hiện trên thực tế.
Tóm lại nếu coi ý thức là động cơ, hành vi là sự thể hiện và quan hệ là điều kiện thì có thể nhìn nhận hiện tượng suy thoái đạo đức phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện tại từ mối quan hệ giữa ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức nói trên.
Cho đến tháng 4. 1975, lợi ích chính trị của toàn dân tộc là yếu tố chủ đạo bao trùm toàn bộ các quan hệ xã hội, nên các chuẩn mực đạo đức phải tập trung vào việc định hướng cho mọi cá nhân hướng tới đáp ứng lợi ích này. Nhưng sau tháng 4. 1975, lợi ích chính đáng của từng nhóm người, từng cá nhân từng bước nổi lên như một trào lưu xã hội tuy âm ỉ nhưng mạnh mẽ. Thiếu một sự điều chỉnh toàn diện cần thiết về quyền lợi và nghĩa vụ, khung đạo đức của xã hội bao cấp kiểu thời chiến 1975 – 1985 đã bị xô lệch và mau chóng bị vô hiệu hóa trong thực tiễn xã hội. Không gian cấu trúc xã hội chính thống phục vụ chiến tranh cũ đã trở nên chật hẹp. Khung đạo đức phục vụ lợi ích chính trị của dân tộc thời chiến không phản ảnh được thực tiễn xã hội thời bình tan rã từng mảng lớn, nhưng cái vỏ bọc trật tự xã hội tức chính trị và pháp lý của nó vẫn còn nguyên vẹn. Mối đe dọa về “sinh mạng chính trị” đã đẩy nhiều người vào chỗ phải sống một cuộc đời hai mặt, đặc biệt là tầng lớp cán bộ đảng viên. Thói vô trách nhiệm và đạo đức giả lan tràn, tình trạng lệch chuẩn này tác động xấu tới sự hình thành nhân cách của nhiều thế hệ sinh sau 1975. Nhưng từ 1986 trở đi, nhu cầu phát triển kinh tế trong ý nghĩa là một trào lưu xã hội lại tác động tới cuộc khủng hoảng ấy từ những khía cạnh khác, dưới những hình thức khác. Như một sự phản biện tiêu cực với thói đạo đức giả, khái niệm nhân cách bị đánh tráo. Nếu trước 1986 một đảng viên cấp Trưởng Phó phòng “lãnh thùng” của người thân từ các nước Âu Mỹ gửi về phải giấu diếm lén lút, thì từ 1986 trở đi anh (hay chị) ta đã có thể ngẩng đầu và thậm chí hiên ngang nhìn mặt mọi người. Dư chấn của cuộc khủng hoảng đạo đức thời bao cấp còn chưa chấm dứt thì xã hội Việt Nam lại gặp cuộc khủng hoảng đạo đức thứ hai với hai đứa con hư của kinh tế thị trường là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Sự cộng hưởng của hai cuộc khủng hoảng ấy tạo ra cuộc khủng hoảng thứ ba với sức tàn phá bình phương. Hải quan làm luật, cảnh sát giao thông thu tiền mãi lộ, thẩm phán chạy án, giáo viên thi dạy giỏi dùng phao, trí thức mua bằng, quan chức bán quota, chạy dự án, chạy chức quyền, đục khoét công quỹ, sinh hoạt sa đọa... Tham nhũng trở thành quốc nạn. Đề tài nghiên cứu Sự suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục của nhóm Nguyễn Trung Trực năm 2004 cho biết 54% số người được hỏi cho rằng sự suy thoái đạo đức lối sống cán bộ hiện nay là “nghiêm trọng và rất nghiêm trọng”. Nhưng Điều lệ Đảng, Luật Công chức đều quy định đảng viên và công chức nhà nước phải tu dưỡng đạo đức rèn luyện phẩm chất mà chống lại chủ nghĩa cá nhân này nọ! Chưa nói tới chuyện hiện nay có bao nhiêu cán bộ đảng viên chống nổi chủ nghĩa cá nhân trong bối cảnh kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường, thì những chuẩn mực ấy cũng đã thể hiện một lối tư duy đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội loài người và do đó không thể nào được thực hiện trong thực tế, nghĩa là có giá trị chế định. Bởi vì xã hội ngày càng phát triển thì lợi ích của từng cá nhân hay nhóm xã hội càng thống nhất hơn với lợi ích của toàn cộng đồng, nên việc đặt lợi ích riêng với lợi ích chung vào một quan hệ đối lập giả tạo và trên một đường hướng cực đoan như vậy chỉ có thể đưa người ta tới chỗ lá mặt lá trái, nghĩ một đường nói một nẻo hay nói một đường làm một nẻo. Tiếc là chưa ai thống kê xem trong vài năm qua bao nhiêu cán bộ đảng viên phạm pháp hay có hành vi vô đạo đức làm bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh bị điểm dưới mức trung bình, nhưng chắc chắn rất nhiều trong những bài thu hoạch loại ấy chỉ là những bản photocopy nội dung bài giảng không hơn không kém. Và khi quan hệ đạo đức đã bị các tín điều chính trị và pháp lý lạc hậu hay duy ý chí làm cho méo mó, thì kết quả duy nhất chỉ có thể là sự nảy sinh của một nền đạo đức chính thống dung dưỡng thói đạo đức giả trong đó nổi bật là sự dối trá và vô liêm sỉ lên ngôi.
***
Trong nỗ lực để thoát ly xã hội bao cấp hai mươi năm qua, con người Việt Nam đang từng bước tiến tới một trật tự xã hội khác, có những lợi ích và nhu cầu khác với thời gian 1954 – 1975 cũng như 1975 – 1985. Nhưng những khiếm khuyết của hệ thống chuẩn mực xã hội cũ cả chính trị, pháp lý lẫn đạo đức vẫn chưa được điều chỉnh và bổ sung một cách kịp thời và phù hợp, nên không lạ gì mà dưới tác động nhiều mặt của sự thay đổi kinh tế và giao lưu với nước ngoài, nhiều chuẩn mực đạo đức cũ hoặc bị công nhiên phủ định, hoặc bị ngấm ngầm vi phạm, khiến cho hệ thống đạo đức cũ chỉ còn trên danh nghĩa nhưng hệ thống đạo đức mới vẫn chưa được xác lập. Tình trạng Nền cũ đã đổ mà nhà mới chưa thành này trình hiện trên cả ba phương diện ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức, nên kết quả là chúng ta đang có một nền đạo đức xã hội chủ nghĩa hữu danh vô thực với các quy phạm đạo đức không cần nhân cách hiện đã trở nên phổ biến trong cả các nhóm xã hội như trí thức và thanh niên. Điều này không chỉ là một đề tài suy ngẫm, vì như người ta đã thấy, các quy phạm đạo đức không cần nhân cách ấy đã dẫn tới sự suy thoái của hệ thống chính quyền trên cả ba phương diện tư tưởng, chính trị và tổ chức cũng như đang đầu độc tất cả các môi trường kinh tế và xã hội, tư tưởng và văn hóa, khoa học và nghệ thuật, thông tin và giáo dục hiện tại ở Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005