Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ và bài học cho Việt Nam

05:44 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Bảy, 2015

TTCK Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế...

Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo đánh giá dấu hiệu đổ vỡ của TTCK Trung Quốc khi quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30% và một số bài học cho Việt Nam.

Tăng 190% trong 1 năm và giảm 30% trong 1 tháng

Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, TTCK Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015. Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%. Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua TTCK Mỹ.

Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi TTCK Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%. Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của cácnhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó riêng 2 tuần đầu, Shanghai Composite Index đã liên tiếp đánh mất 18% số điểm. Mặc dù xen kẽ xuất hiện những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của chính phủ, điều này đã không giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế downtrend khi giá cổ phiếu sau đó tiếp tục lao dốc mạnh mất thêm 16% số điểm nữa.

Điều gì giúp thị trường tăng nóng?

Nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng nóng phải kể đến các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Kể từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay chủ chốt giảm 03 lần kể từ 11/2014 xuống còn 5,1%; lãi suất tiền gửi chủ chốt xuống mức 2,25%.

Mặc dù, mục đích của NHTW chủ yếu là để nhằm kích thích nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, điều này cũng tạo ra niềm tin về việc nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giá cổ phiếu tăng nhanh. Trước đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất và tiến hành các gói nới lỏng định lượng (QE) đã giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh từ 2011 đến hiện tại, do đó nhà đầu tư Trung Quốc cũng kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ lần này của PBOC sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục lên mạnh trong những năm tới.

Bên cạnh đó, giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường thay thế là đầu tư cổ phiếu. Sự hấp dẫn về lợi nhuận từ xu thế tăng điểm liên tục của TTCK Trung Quốc đã khiên nhiều nhà đầu tư “đổ xô” tham gia vào thị trường, tạo thành một làn sóng đầu tư theo phong tròa lan rộng trong khắp cả nước. Số liệu từ Công ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho biết hiện có hơn 90 triệu người dân hiện đang tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Riêng trong tháng 6/2015, Trung Quốc đã có thêm 7 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân.

Nguyên nhân đổ vỡ?

• Tăng trưởng TTCK không đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Trung Quốc đang nằm trong chu kỳ suy giảm kéo dài. Tăng trưởng kinh tế chậm lại với tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 2010. Hiện tại tăng trưởng GDP chỉ đạt 7%, bên cạnh đó, chỉ số PMI cũng liên tục giảm về sát mức 50 từ mốc 55 điểm năm 2009. Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E thị trường bị đẩy lên quá cao. Ngay cả sau khi sụt giảm gần đây, chỉ số P/E của Shanghai Composite Index vẫn ở mức 23, trong khi đó Hang Shen Index của thị trường Hồng Kông – nơi mà nhiều trong số các công ty tương tụ của Trung Quốc niêm yết chỉ ở mức 12. Chỉ số Shenzhen Composite Index thậm chí sau khi đi một phần ba điểm số hiện có chỉ số P/E trung bình là 50.

• Chất lượng nhà đầu tư ở mức thấp do tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao: Số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh tuy nhiên các nhà đầu tư đa số đều là nhà đầu tư cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp. Theo khảo sát, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ; tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp NĐT cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.

• Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao.Tỷ lệ vốn margin/ giá trị số cổ phiếu floating thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.

Hậu quả

Hiện tại Chính phủ Trung Quốc đã và đang ban hành các biện pháp chưa từng có trong tiền lệ để giúp chặn đà lao dốc của TTCK nước này, bao gồm: (i) Cấm cổ đông lớn và lãnh đạo của công ty niêm yết bán ra cổ phiếu trong 6 tháng tới; (ii) Yêu cầu các công ty mua vào cổ phiếu và (iii) Điều tra hoạt động bán khống… Những biện pháp nêu trên có thể giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên với mức định giá (P/E) vẫn còn rất cao, việc điều chỉnh giảm của TTCK Trung Quốc để về sát hơn giá trị thực có thể tiếp tục sẽ diễn ra và đây cũng là điều cần thiết sau khi thị trường này đã tăng quá nóng trong thời gian qua.

Đối với Trung Quốc, việc thị trường chứng khoán đổ vỡ sẽ khiến một bộ phận lớn dân chúng thiệt hại nặng nề về tài sản. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng cầu tiêu thụ hàng hóa tại nước này khiến nền kinh tế này càng thêm nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng đang suy giảm của Trung Quốc vì thế có thể giảm sâu hơn nữa.

Đối với thế giới, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đặc biệt mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc này (trong đó có Việt Nam). Hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Brazil, Nam Phi, Nhật Bản, Australia, Đức… và rất nhiều nước khác.

Bài học đối với Việt Nam

TTCK Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của TTCK đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ nước này. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.

Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các NĐT tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Sự đổ vỡ của TTCK có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân,nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

Xét ở khía cạnh tích cực, những vấn đề của TTCK Trung Quốc lại là cơ hội đối với TTCK Việt Nam khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt NĐT tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.

Nguồn:CafeF
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn

    13/07/2015Thiên HàNhững ngày qua, tin tức liên tục về sức khỏe suy yếu trầm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến cho giới đầu tư cả thế giới hoang mang. Điều quan trọng nhất, nếu thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn thì khi đó một cuộc khủng hoảng kinh tế mới lại bắt đầu...
  • Những con số “biết nói” về thị trường chứng khoán Trung Quốc

    13/07/2015Thu HươngChứng khoán Trung Quốc đã hồi phục khá mạnh trong hai phiên gần nhất. Tuy nhiên, dù xét theo tiêu chuẩn nào đi chăng nữa, cơn bán tháo trên TTCK Trung Quốc trong tháng vừa qua vẫn có thể khiến bất kỳ ai choáng váng...
  • Về thị trường chứng khoán

    26/08/2010Nguyễn Trần BạtChúng tôi biết rằng, ngay ở thời điểm thị trường chứng khoán nóng bỏng nhất, ông đã tiên đoán chỉ một thời gian nữa chỉ số chứng khoán sẽ giảm xuống còn một nửa. Bây giờ thị trường diễn biến đúng như thế. Những biến động không còn là của riêng thị trường chứng khoán mà nó đã lan sang lĩnh vực tài chính và rất nhiều vấn đề vĩ mô khác.
  • Sự tích thị trường chứng khoán

    16/05/2008Nguyễn Anh TuấnNgày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, ven rừng có rất nhiều khỉ ra kiếm ăn. Cho đến một ngày kia, xuất hiện một anh thanh niên tới hỏi mua khỉ với giá 10 đồng một con...
  • 5 sai lầm chết người trong đầu tư chứng khoán

    21/05/2007PVXin tổng hợp và chọn ra năm sai lầm thường thấy trong giao dịch chứng khoán (bài viết của MichaelDowling & BrianLucey liệt kê những sai lầm này).
  • Nhìn thị trường chứng khoán từ nhà đầu tư không chuyên

    17/05/2007Luật gia Cao Bá QuátCơn co giật của thị trường chứng khoán hiện nay đã tạo nên sức hút kỳ lạ. Nhà đầu tư không chuyên huy động hết tiền của cả nhà để chơi chứng khoán, vay tiền ngân hàng, thế chấp nhà cửa để chơi chửng khoán, bán đất đai nhà cửa để chơi chứng khoán, cắt giảm các nhu cầu gọi là xa xỉ để dồn tiền chơi chứng khoán (ngừng mua ôtô, xe máy...) vì lực hấp dẫn của chứng khoán quá lớn.
  • Cảnh báo trên thị trường chứng khoán

    06/04/2007Hoàng LongTừ hơn một tháng nay, thị trường chứng khoáncủa chúng ta nóng lên về cả hai mặt: chỉ số chứng khoán tăng vọt và cả xã hội như cuốn hút vào làn sóng đầu tư ngắn hạn. Nếu cho rằng lòng tham và nỗi sợ hãi là hai yếu tố thường có của nhà đầu tư cá nhân thì hình như yếu tố thứ hai đã bị lấn át. Thị trường chứng khoán là nơi hội tụ nhiều yếu tố rủi ro nhất, vậy mà người ta chẳng hề e sợ...
  • Bong bóng chứng khoán hình thành và vỡ thế nào?

    22/03/2007TS. Nguyễn Quang AThị trường chứng khoán vẫn nóng. Nhiều người lo sợ một bong bóng chứng khoán. Vậy bong bóng chứng khoán hình thành và vỡ thế nào? Các nhà kinh tế bàn cãi nhiều và không thống nhất về một mô hình được đa số chấp nhận.
  • Nguy cơ phát triển “bong bóng” của Thị trường Chứng khoán Việt Nam

    16/03/2007Cải cách kinh tế đang đi đúng quỹ đạo, và triển vọng tăng trưởng kinh tế đang rất sáng sủa là hai trong số những yếu tố chính làm các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, thị trường đang ở trạng thái hưng phấn quá mức, được quản lý còn khá lỏng lẻo, và cực kỳ rủi ro cho những nhà đầu tư amateur mù mờ.
  • Thị trường chứng khoán nóng

    15/03/2007TS. Nguyễn Quang AThị trường chứng khoán, một phần quan trọng của thị trường tài chính, là nơi mua bán các chứng khoán tài chính như cổ phiếu và trái phiếu. Tại các nước phát triển, thị trường chứng khoán đã có hàng trăm năm nay...
  • Lên sàn chứng khoán đánh… hội đồng!

    15/03/2007Đặng VỹTrước cơn lốc giá cổ phiếu tăng vùn vụt, những người ít tiền không còn cơ hội nữa. Người có tiền, người có kiến thức, gom ít thành nhiều, lập những nhóm chơi chung, lên sàn "chiến đấu"...
  • Chứng khoán: Giấc mơ và ác mộng

    09/03/2007Nguyễn Thanh LâmTrên thị trường chứng khoán, cảnh “mèo mù vớ cá rán" thường hay xảy ra. Không nhất thiết phải đọc bài này mới khoái hay sợ chứng khoán. Có thể giấc mơ của người này, khi biến thành hiện thực, là ác mộng của người khác.
  • xem toàn bộ