Cái nhìn đường hầm của khoa học
Đôi khi các bác sĩ tâm bệnh gặp những bệnh nhân bị rối loạn thị giác rất lạ; những bệnh nhân này chỉ có thể thấy một vùng rất hạn hẹp ngay trước mặt họ. Họ không thể thấy bất cứ cái gì ở bên trái, hoặc bên phải, bên trên hoặc bên dưới cái tiêu điểm hạn hẹp của họ. Họ không thể thấy hai vật gần kề nhau đồng thời một lúc, họ chỉ có thể thấy một lúc một vật mà thôi và phải quay đầu nếu phải nhìn một vật khác. Người ta so sánh triệu chứng này với việc nhìn xuôi theo một đường hầm, chỉ có thể thấy một vòng tròn sáng rõ nhỏ ở cuối đường hầm. Không thể tìm ra một rối loạn thể lý nào trong hệ thống thị giác của họ không muốn thấy một thứ gì khác ngoài cái họ đang tập trung chú ý nhìn.
Một lý do quan trọng khác mà các nhà khoa học có khuynh hướng hất bỏ đứa bé cùng với nước tắm là họ không thấy đứa bé. Đơn giản là nhiều nhà khoa học không nhìn vào sự thực hiển nhiên của thực tại Thiên Chúa. Họ mắc phải một kiểu nhìn đường hầm, do một bộ che chắn tâm lý tự áp đặt ngăn cản không cho họ quan tâm chú ý đến lãnh vực tâm linh.
Trong số những nguyên nhân của lối nhìn đường hầm này tôi thích bàn đến hai nguyên nhân hậu quả của bản chất của truyền thống khoa học. Thứ nhất là vấn đề phương pháp luận. Do quá đề cao thí nghiệm, quan sát chính xác và sự xác minh, khoa học đã quá cường điệu sự đo đếm. Đo lường một cái gì đó tác là cảm nghiệm nó trong một chiều kích nào đó, với chiều kích đó chúng ta có thể thực hiện những quan sát với độ chính xác rất cao; những quan sát mà người khác có thể lập lại. Việc dùng đo lường đã giúp khoa học thực hiện những bước sải to lớn trong sự hiểu thấu vũ trụ vật chất. Nhưng vì thành quả đạt được, đo lường đã trở thành một thứ ngẫu tượng khoa học. Kết quả là nhiều nhà khoa học có thái độ không những hoài nghi mà còn vứt bỏ hoàn toàn cái không thể cân đong đo đếm được. Như thể họ muốn nói: "Những gì chúng ta không thể đo đếm được thì chúng ta không thể biết; không có gì phải hối tiếc về những gì chúng ta không thể biết; vì thế, những gì không thể đo đếm được đều quan trọng và không đáng để chúng ta quan sát." Do thái độ này nhiều nhà khoa học không xem xét nghiêm túc tất cả những gì là - hoặc có vẻ là - không thể đụng chạm được. Dĩ nhiên, trong đó có vấn đề Thiên Chúa.
Giả thiết kỳ lạ và rất phổ biến cho rằng những gì không dễ nghiên cứu thì không đáng để nghiên cứu bắt đầu gặp thách thức bởi nhiều bước phát triển tương đối gần đây của chính khoa học. Một trong những phát triển đó là sự gia tăng các phương pháp nghiên cứu ngày càng tinh vi. Qua việc sử dụng phần cứng như các kính hiển vi điện tử, các máy đo quang phổ và các máy tính, và phần mềm như những kỹ thuật thống kê mà ngày nay chúng ta có thể thực hiện những đo lường các hiện tượng ngày càng phức tạp mà một vài thập niên trước không thể đo lường được. Biên độ tầm nhìn khoa học do đó mở rộng. Vì nó tiếp tục mở rộng, cho nên có lẽ chúng ta sẽ sớm có thể nói: "Không có gì vượt ra ngoài những giới hạn tầm nhìn của chúng ta. Nếu chúng ta quyết định nghiên cứu một điều gì đó thì bao giờ chúng ta cũng có thể tìm ra được phương pháp luận để nghiên cứu nó".
Một phát triển khác giúp chúng ta thoát khỏi tầm nhìn đường hầm khoa học là sự khám phá tương đối gần đây của khoa học về thực tại của nghịch lý. Cách đây một trăm năm nghịch lý có nghĩa là sự sai lầm đối với đầu óc khoa học. Nhưng nhờ các khám phá về những hiện tượng như bản chất của ánh sáng, điện từ, cơ học lượng tử và thuyết tương đối, khoa học vật lý trong thế kỷ qua đã đạt đến chỗ ngày càng nhận ra rằng ở một mức độ nào đó thực tại là nghịch lý. J. Robert Oppenheimer đã viết như thế này:
"Đối với những gì trông có vẻ là những câu hỏi đơn giản nhất, chúng ta có khuynh hướng không đưa ra câu trả lời nào hoặc đưa ra một câu trả lời mới sẽ gợi nhớ đến một bài giáo lý kỳ lạ hơn là những khẳng định đơn giản của khoa học vật lý. Chẳng hạn, nếu chúng ta hỏi vị trí của electron có vẫn ở yên một chỗ không, chúng ta phải nói: "Không"; nếu chúng ta hỏi vị trí của electron có thay đổi theo thời gian không, chúng ta phải nói "Không"; nếu chúng ta hỏi electron có đứng yên không, chúng ta phải nói "Không". Đức Phật đã đưa ra những câu trả lời như thế khi được hỏi về tình trạng của bản ngã của một người sau khi chết; nhưng đó không phải là những câu trả lời quen thuộc đối với truyền thống của khoa học thế kỷ mười bảy và mười tám"(2)
Từ bao đời nay, các nhà thần bí đã nói với chúng ta bằng nghịch lý. Phải chăng chúng ta bắt đầu nhận thấy một sự gặp gỡ giữa khoa học và tôn giáo?
Khi chúng ta nói được rằng "con người vừa hay chết đồng thời vừa bất tử" và "ánh sáng vừa là sóng đồng thời vừa là hạt", tức là chúng ta đã bắt đầu nói cùng một ngôn ngữ. Phải chăng con đường trưởng thành tinh thần xuất phát từ mê tín tôn giáo đến với hoài nghi khoa học quả thực sau cùng dẫn chúng ta đến với thực tại tôn giáo đích thực?
Khả năng hợp nhất vừa mới bắt đầu của tôn giáo và khoa học là sự kiện có ý nghĩa và gây hứng thú nhất trong đời sống trí thức của chúng ta ngày nay. Nhưng nó chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi. Vì phần lớn cả hai tôn giáo và khoa học vẫn còn nằm trong những khung qui chiếu chật hẹp tự đặt ra, mỗi bên vẫn còn rất mù quáng do tầm nhìn đường hầm đặc trưng của mình. Chẳng hạn, hãy xem xét thái độ của hai bên đối với vấn đề phép lạ. Ngay cả ý tưởng về một phép lạ cũng là chuyện đáng nguyền rủa đối với đa số các khoa học gia. Hơn bốn trăm năm qua khoa học đã giải thích được một số những "qui luật tự nhiên", như "Hai vật thể hút nhau tỉ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với khoảng cách giữa chúng" hay "Năng lượng không thể được tạo ra cũng không thể bị tiêu diệt". Nhưng trong khi thành công trong khám phá những qui luật tự nhiên, các nhà khoa học với cái thế giới quan của mình đã tạo ra một ngẫu tượng từ cái khái niệm qui luật tự nhiên, tương tự như họ đã tạo nên một ngẫu tượng từ ý niệm về đo lường. Kết quả là bất cứ sự kiện nào không thể giải thích được bằng qui luật tự nhiên được hiểu một cách thông thường thì tổ chức khoa học cho là không có thực. Về mặt phương pháp luận khoa học có khuynh hướng nói: "Điều gì rất khó nghiên cứu tìm hiểu thì không đáng để nghiên cứu tìm hiểu." Và về mặt qui luật tự nhiên khoa học muốn nói: "Điều gì rất khó hiểu thì không tồn tại".
Giáo hội có phần rộng thoáng hơn. Đối với tổ chức tôn giáo điều gì không thể hiểu được bằng qui luật tự nhiên thông thường là một phép lạ là có thật. Nhưng ngoại trừ công nhận sự hiện hữu của những phép lạ, giáo hội không bận tâm lo lắng đến việc xem xét thật kỹ lưỡng các phép lạ. "Các phép lạ không cần phải được xem xét một cách khoa học" là thái độ phổ biến của tôn giáo. "Chỉ cần đơn giản chấp nhận các phép lạ như là những hành động của Thiên Chúa. Người có tôn giáo không muốn khoa học làm lay chuyển tôn giáo của mình, cũng như các nhà khoa học không muốn tôn giáo lay chuyển khoa học của mình.
Chẳng hạn, các sự kiện chữa lành bằng phép lạ được giáo hội công giáo dùng để công nhận các vị thánh trong giáo hội và các sự kiện đó cũng được xem gần như là chuẩn mực đối với nhiều giáo phái Tin lành. Nhưng các giáo hội không bao giờ nói với các thầy thuốc: "Mời các anh cùng chúng tôi nghiên cứu những hiện tượng hết sức kỳ diệu này."Các thầy thuốc cũng không nói: "Chúng tôi sẽ cùng với các ông xem xét một khoa học những việc xảy ra mà nghề nghiệp chuyên môn của chúng tôi rất quan tâm". Thay vào đó, giới y khoa cho rằng những chữa trị bằng phép lạ là không có thật, rằng cái bệnh mà người được chữa khỏi trước hết là không có, hoặc vì đó là một sự rối loạn tưởng tượng, như phản ứng chuyển hoán hystêri chẳng hạn, hoặc vì đó là một chẩn đoán sai. Tuy nhiên, rất may, một số nhà khoa học nghiêm túc, những thầy thuốc và những người tìm kiếm sự thật có tôn giáo hiện đang bắt đầu xem xét bản chất của những hiện tượng như sự phục hồi bất thình lình của các bệnh nhân ung thư và những trường hợp thành công rõ ràng của sự chữa lành tâm trí.
Cách đây mười lăm năm, khi tôi tốt nghiệp y khoa, tôi tin chắc rằng không hề có phép lạ. Hiện nay tôi chắc chắn rằng có rất nhiều phép lạ. Sự thay đổi này nơi ý thức của tôi là kết quả của hai yếu tố cùng tác động. Yếu tố thứ nhất là toàn bộ những kinh nghiệm mà tôi có được với tư cách là một bác sĩ tâm bệnh; những kinh nghiệm ấy lúc đầu xem có vẻ bất bình thường, nhưng khi tôi suy nghĩ kỹ hơn về chúng hình như chúng cho thấy rằng công việc của tôi với các bệnh nhân trên bước đường hướng đến sự trưởng thành của họ đã được trợ giúp đáng kể bằng những phương cách mà tôi không giải thích hợp lý được - nghĩa là những phương cách đó là những điều kỳ diệu. Tôi sẽ kể ra một số những kinh nghiệm này; những kinh nghiệm dẫn đưa tôi đến việc đặt vấn đề lại chính giả định của mình trước đây cho rằng không thể có những sự kiện kỳ diệu được. Có lần đặt vấn đề lại giả định này tôi đã trở nên cởi mở chấp nhận khả năng tồn tại của điều kỳ diệu. Sự cởi mở này là yếu tố thứ hai tạo nên sự thay đổi của tôi trong ý thức, thế rồi nó cho phép tôi bắt đầu có thói quen nhìn thấy bằng mắt sự tồn tại bình thường của điều kỳ diệu. Tôi càng nhìn thì tôi càng tìm thấy. Nếu có chăng một điều nào đó tôi hy vọng ở nơi độc giả của phần còn lại của quyển sách này thì đó phải là hy vọng độc giả có được cái khả năng nhận ra điều kỳ diệu. Gần đây có bài viết về khả năng này như sau:
Sự tự nhận thức được sinh ra và chín muồi dưới một dạng đặc trưng của ý thức, một ý thức được miêu tả dưới nhiều phương cách khác nhau do nhiều người khác nhau. Ví dụ, các nhà thần bí nói về nó như là sự nhận biết thần tính và sự hoàn thành của thế giới. Richard Bucke xem đó như ý thức vũ trụ, Buber miêu tả nói bằng mối quan hệ Ngã - Tha và Maslow cho nó cái nhãn "Tri thức - Hữu thể". Chúng ta sẽ dùng thuật ngữ của Ospensky và gọi nó là sự nhận biết điều kỳ diệu. "Điều kỳ diệu" ở đây không những chỉ những hiện tượng phi thường mà còn chỉ điều tầm thường, vì bất cứ sự gì cũng có thể khơi dậy sự ý thức đặc biệt này miễn là ta dành cho nó sự chú ý cần thiết. Một khi sự nhận biết được tháo gỡ ra khỏi sự thống trị của định kiến và lợi ích cá nhân thì nó được tự do cảm nghiệm thế giới đúng bản chất của thế giới và trông thấy được sự lộng lẫy vốn có của thế giới.
Sự nhận biết điều kỳ diệu không đòi hỏi đức tin hoặc những giả định. Chỉ cần quan tâm đầy đủ và khăng khít đối với những dữ kiện của cuộc sống, nghĩa là, những gì vốn vẫn có đó mà ta thường cho là chuyện dĩ nhiên. Kỳ quan có thực của thế giới có sẵn ở khắp mọi nơi, trong những bộ phận bé nhất của cơ thể chúng ta, trong những chiều kích rộng lớn bao la của vũ trụ, và trong mối liên thông mật thiết của những thứ này và tất cả bằng tốt đẹp trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau đi đối với sự cá biệt hóa. Tất cả chúng ta đều là những cá nhân, nhưng chúng ta cũng là những thành phần của một toàn thể to lớn hơn, được hợp nhất trong một cái gì đó bao la và tươi đẹp không miêu tả được. Sự nhận biết điều kỳ diệu là tính chất của chủ quan của sự tự nhận thức, là gốc rễ từ đó nảy nở những nét đặc biệt và những kinh nghiệm cao quí nhất của con người. (2)
Khi suy nghĩ về các phép lạ, tôi tin rằng các khung qui chiếu của chúng ta quá bi thảm. Chúng ta đã tìm kiếm bụi gai bốc cháy, sự phân rẽ biển, tiếng kêu phán xuống từ trời cao.Thay vì chúng ta nên nhìn vào những sự kiện tầm thường hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta để nhân thấy bằng chứng của điều kỳ diệu mà đồng thời vẫn duy trì một định hướng khoa học. Đây là điều tôi sẽ làm trong phần kế tiếp khi xem xét những sự việc thông thường xảy ra trong khi làm công việc trị liệu tâm bệnh; những sự việc này đã dẫn đưa tôi đến hiểu biết hiện tượng phi thường ân sủng.
Nhưng tôi muốn kết thúc bằng một ghi chú cảnh báo khác. Nơi hội ngộ giữa khoa học và tôn giáo này có thể không được bền vững và nguy hiểm. Chúng ta sẽ xem xét đến sự nhận biết ngoại cảm (extrasensory perception) và những hiện tượng "thần thiêng" hoặc "ngoại thường" cũng như những sắc thái khác của điều kỳ diệu. Điều cần thiết là chúng ta phải sáng suốt tỉnh táo. Gần đây tôi có dự một hội thảo về vấn đề chữa bệnh bằng đức tin, ở đó một diễn giả học thức đưa ra chứng cứ vớ vẩn cho thấy họ hoặc những người khác là những người có khả năng chữa lành bệnh theo một phương cách mà dựa trên chứng cứ của họ là chính xác và khoa học trong khi thực ra không phải như vậy. Nếu một ông thầy chữa bệnh đặt tay trên chỗ viêm khớp của một bệnh nhân và ngày hôm sau chỗ khớp đó không còn viêm nữa thì không có nghĩa là bệnh nhân đó đã được ông thầy chữa lành bệnh. Những chỗ viêm khớp thường sớm muộn rồi cũng khỏi, có thể từ từ hoặc bỗng chốc thì khỏi, chẳng cần phải làm gì cả. Việc hai sự kiện xảy ra cùng lúc không nhất thiết có nghĩa chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Vì toàn bộ lãnh vực này quá ư mù mờ và hàm hồ cho nên chúng ta càng cẩn trọng tiếp cận nó bằng sự hoài nghi lành mạnh thì chúng ta càng ít đưa dẫn chính mình và người khác vào chỗ lầm lạc. Chẳng hạn một trong số những phương cách có thể làm cho người khác bị lung lạc là nhận ra tình trạng những người ủng hộ công khai sự có thật của những hiện tượng thần thiêng rất thường thiếu sự hoài nghi và sự kiểm chứng thực tại một cách nghiêm túc. Những người như thế làm cho lãnh vực này mang tiếng xấu. Vì lãnh vực các hiện tượng thần thiêng thu hút quá nhiều người kém cỏi trong việc kiểm chứng thực tại, cho nên nhiều nhà quan sát có đầu óc thực tế hơn dễ đi đến kết luận rằng những hiện tượng thần thiêng là không có thực mặc dầu thực tế không phải như vậy. Có nhiều người cố tìm những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi khó, đồng thời kết duyên khoa học phổ thông với những ý niệm tôn giáo một cách cầu may nhưng thiếu suy nghĩ. Việc nhiều cuộc kết duyên như đó là không có thể hoặc không thích đáng. Nhưng điều cốt yếu là đừng để tầm nhìn của chúng ta bị gò bó bởi cái nhìn đường hầm khoa học, cũng đừng để những năng lực phê bình và khả năng hoài nghi của chúng ta bị lóa mắt bởi vẻ đẹp rực rỡ của cõi linh thiêng.
1 Trích "Science and the Common Understanding" (New York: Simon and Schuster , 953), tr. 40.
2 Trích bài "Beyond the Norm: A Speculative Model of Self - Realization" của Michael Stark và Michael Washburn, đăng ở tờ Journal of Religion and Health, Tập 16, số 1 (1977), tr 58 - 59.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh