Tôn giáo và khoa học tự nhiên
Thưa Quý Bà, Quý ông kính mến.
Vào các thời trước, khi một nhà khoa học tự nhiên muốn khơi dậy ít nhiều sự quan tâm nơi cử tọa rộng rãi, không chỉ bao gồm những nhà chuyên môn, về một đề tài thuộc lĩnh vực chuyên ngành thì trước hết phải cố gắng liên hệ phần trình bày của mình với những kinh nghiệm và trực quan dễ nắm bắt, rút ra từ đời sống hằng ngày, chẳng hạn từ lĩnh vực kỹ thuật hay khí tượng học, hoặc cả từ ngành sinh vật học, rồi từ đó làm cho thính giả hiểu được những phương pháp mà khoa học dựa vào trong nỗ lực đi từ những câu hỏi cụ thể, riêng lẻ tiến tới chỗ nhận thức được những định luật phổ biến. Bây giờ không như thế nữa. Qua quá trình lao động hàng mấy thế kỷ, phương pháp luận chính xác được khoa học tự nhiên sử dụng đã chứng tỏ có kết quả phi thường khiến nó ngày nay dám đụng chạm đến cả những vấn đề ít có tính trực quan hơn so với các ví dụ trên đây, giải quyết thành công cả những vấn đề của môn tâm lý học, của nhận thức luận, vâng, thậm chí cả của thế giới quan phổ quát, và, từ quan điểm của mình, tiến hành nghiên cứu chúng một cách sâu sắc. Có thể dám đoán chắc rằng hiện nay không còn có một vấn đề nào dù trừu tượng đến mấy của văn hóa nhân loại mà không có quan hệ một cách nào đó với một vấn đề có thể hiểu được bằng khoa học tự nhiên.
Vì thế, sự liều lĩnh của tôi tỏ ra không quá táo bạo, khi, với tư cách là một nhà nghiên cứu tự nhiên, được lời mời đầy vinh dự của Quý vị khích lệ, trình bày ở đây, tại Baltikum với tinh thần văn hóa bền bỉ của nó, về một đề tài mà tầm quan trọng đang không ngừng gia tăng đối với toàn bộ nền văn hóa đang ấn bước đường phát triển của chúng ta, và chắc hẳn sẽ có tính chất quyết định cho câu hỏi về số phận của nền văn hóa ấy trong tương lai.
I. “ Này, nói cho em nghe đi, anh nghĩ thế nào về tôn giáo?”. Nếu có một lời nói giản đơn nào trong tác phẩm Faust của Goethe đụng chạm đến bản thân người nghe vốn là kẻ được cưng chiều và khơi dậy trong nội tâm anh ta một sự căng thẳng ngấm ngầm thì đó chính là câu chất vấn lương tâm đầy e ngại của cô gái ngây thơ đang âu lo cho niềm hạnh phúc non trẻ của mình gửi đến người yêu được cô thừa nhận như một quyền uy cao hơn. Bởi đấy cũng chính là câu hỏi từ lâu đã làm xao động và thôi thúc tâm tư của bao người vừa khao khát sự thanh thản trong tâm hồn, vừa khát khao hiểu biết. Và Faust, hơi bối rối trước câu hỏi thơ ngây này, trước hết chỉ còn cách chống chế nhẹ nhàng: “Anh đâu muốn tước bỏ tình cảm và tín ngưỡng của ai đâu!”
Tôi không thể chọn được một câu nói nào hay hơn câu nói này để làm lời dẫn nhập cho những gì tôi muốn nói với Quý ông Bà hôm nay. Tôi cũng không hề có chút ý muốn nào làm suy suyển lòng tin của những ai trong ông Bà đã tìm được bình an trong lương tâm của mình và đã có được chỗ tựa vững chắc vốn là điều thiết yếu hàng đầu cho việc định hướng cuộc sống của chúng ta. Nếu làm khác đi thì ắt sẽ là một sự bắt đầu vô trách nhiệm, không những đối với những người cảm thấy thật an toàn trong đức tin tôn giáo của mình khiến họ không cho phép tri thức khoa học tự nhiên có chút ảnh hưởng nào lên đó, mà còn cả đối với những người từ khước việc hành trì tín ngưỡng đặc thù và tự hài lòng với một nền đạo đức dựa trên tình cảm đơn thuần. Song, chắc đây chỉ là một thiểu số. Bởi vì lịch sử của mọi thời đại và mọi dân tộc đã dạy cho ta một cách đầy ấn tượng rằng chính từ lòng tin hồn nhiên, không gì làm lay chuyển được mà tôn giáo đã mang lại cho tín đồ trong đời sống hằng ngày đã tạo ra những động lực mạnh mẽ nhất cho các thành tựu sáng tạo quan trọng trong lĩnh vực chính trị và không ít hơn, cả trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.
Niềm tin hồn nhiên ấy - ta không nên tự dối mình - ngày nay không còn nữa, kể cả trong quảng đại quần chúng và cũng không thể làm sống lại được bằng những suy nghĩ và biện pháp hướng về quá khứ. Bởi lẽ tin có nghĩa rằng cho – là – thật, thế nhưng, tri thức về tự nhiên đang không ngừng tiến lên trên con đường vững chắc không gì phản bác được đã dẫn đến hệ quả là: một người ít nhiều được đào tạo về khoa học tự nhiên ngày nay tuyệt nhiên không còn có thể thừa nhận như là sự thật nhiều chuyện kể về những sự việc dị thường, ngược lại những định luật tự nhiên, những phép lạ vốn là chỗ dựa cơ bản để củng cố cho các học thuyết tôn giáo mà trước đây người ta sẵn sàng chấp nhận như là sự kiện có thật và không có chút thắc mắc, phê phán nào. Cho nên, ai thật sự xem trọng đức tin của mình và không thể cứu nổi khi thấy nó mâu thuẫn với tri thức khoa học, ắt sẽ đứng trước vấn nạn của lương tâm, tự hỏi một cách thành khẩn rằng liệu có thể xem mình còn thuộc về một cộng đồng tôn giáo mà trong sự tuyên án có bao hàm cả lòng tin vào phép lạ.
Một thời gian dài có những người vẫn còn tìm được một sự trấn an nào đó bằng cách cố đi con đường trung dung và giới hạn niềm tin vào một số ít phép màu được xem là có giá trị đặc biệt quan trọng mà thôi. Nhưng, một thái độ như thế khó mà giữ được lâu dài. Từng bước một, niềm tin vào những phép lạ này phải lùi dần trước khoa học đang tiến bước liên tục và vững chắc, và chắc chắn sớm hay muộn cũng sẽ phải cáo chung. Ngay thế hệ trẻ đang lớn lên ngày hôm nay của chúng ta - những người, như đã biết, có thái độ phê phán công khai đối với những quan niệm được trao truyền từ quá khứ - cũng không còn gắn bó về nội tâm với những học thuyết tỏ ra đi ngược lại với tự nhiên. Và cũng chính những kẻ có năng khiếu tinh thần xuất sắc nhất trong số họ, tức những người mang sứ mệnh là sẽ giữ những vị trí lãnh đạo trong tương lai, và, không phải hiếm khi thấy nơi họ một khao khát cháy bỏng đi tìm sự thỏa mãn về tín ngưỡng, là những kẻ nhạy cảm nhất trước những điều bất nhất như thế, và, bao lâu họ chân thành đi tìm một sự cân bằng cho các quan niệm tôn giáo và khoa học tự nhiên của họ, họ là những người chịu dằn vặt đau khổ nhiều nhất.
Trong tình hình ấy thật không có gì đáng ngạc nhiên khi phong trào vô thần - xem tôn giáo là hình ảnh lừa mị do đám giáo sĩ ham hố quyền lực nặn ra và chỉ buông những lời nhạo báng đối với đức tin sùng kính trước quyền năng cao hơn chúng ta - ra sức lợi dụng tri thức khoa học tự nhiên đang phát triển mạnh mẽ và, trong một liên minh giả tạo với nó, đẩy mạnh tác dụng làm tan rã của nó lên mọi tầng lớp nhân dân khắp nơi trên trái đất với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Với thắng lợi của nó, không chỉ những tài sản quý báu nhất của nền văn hóa chúng ta, mà nghiêm trọng hơn, ngay các triển vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn sẽ làm mồi cho sự hủy diệt, là điều tôi thiết tưởng không cần bàn nhiều ở đây.
Cho nên, câu hỏi nói trên của Gretschen đối với người được nàng chọn lựa để trao tình yêu và lòng tin cậy cũng có ý nghĩa sâu sắc nhất cho những ai thật lòng muốn biết phải chăng sự tiến bộ của các ngành khoa học tự nhiên có thực sự dẫn tới sự suy tàn của tôn giáo đích thực hay không.
Bây giờ, nếu ta nhìn lại câu trả lời cặn kẽ, thận trọng và đầy tính âu yếm của Faust, ắt ta không nên tiếp thu nó một cách lập tức, vì hai lẽ: thứ nhất, phải thấy rằng câu trả lời này, về nội dung lẫn hình thức, được gọt giũa cho vừa với trình độ hiểu biết của một cô gái thất học, và do đó, không chỉ nhằm tác động lên lý trí mà cả đến tình cảm và trí tưởng tượng nữa; song, điểm thứ hai quyết định hơn, đó là không nên quên rằng đây là lời nói của chàng Faust khi đang còn bị khoái lạc nhục dục thúc đẩy và đứng trong thế liên minh với quỷ Mephisto. Tôi chắc rằng, chàng Faust, khi đã được giải thoát như ta biết về chàng ở cuối phần II của vở kịch, chắc hẳn sẽ đưa ra một câu trả lời có phần khác trước cho câu hỏi của Gretschen. Song, tôi không dám vượt quá sức mình để liều lĩnh thâm nhập vào phần bí nhiệm mà nhà thơ muốn mãi mãi giữ kín. Đúng hơn, tôi chỉ muốn thử soi sáng câu hỏi từ thế đứng của một học giả lớn lên trong tinh thần của nghiên cứu khoa học chính xác: phải chăng và trong chừng mực nào một thái độ tín ngưỡng chân thực phù hợp với những kiến thức do khoa học tự nhiên mang lại, hay, nói ngắn: liệu một người được đào tạo về khoa học tự nhiên có thể đồng thời tỏ tinh thần tín ngưỡng đích thực hay không?
Nhằm mục đích ấy, trước hết thiết tưởng nên bàn riêng hẳn ra hai câu hỏi chuyên biệt. Câu hỏi thứ nhất là: Tôn giáo đặt những yêu cầu gì cho lòng tin của những tín đồ và đâu là những đặc điểm của tính tôn giáo đích thực?Câu hỏi thứ hai: Những định luật mà khoa học tự nhiên dạy cho ta là thuộc loại gì, và những chân lý nào được nó xem là bất khả xâm phạm? Qua việc trả lời hai câu hỏi này, ta sẽ có điều kiện quyết định xem phải chăng và trong chừng mực nào các yêu cầu của tôn giáo là có thể tương thích với các yêu cầu của khoa học tự nhiên, và, do đó, liệu tôn giáo và khoa học tự nhiên có thể cộng tồn bên cạnh nhau mà không mâu thuẫn với nhau hay không.
II. Tôn giáo là sự gắn bó của con người với Thượng đế. Sự gắn bó dựa trên lòng sùng kính trước một quyền lực siêu nhiên mà cuộc sống người phải phục tùng, và quyền lực ấy nắm trong tay mọi nỗi vui buồn sướng khổ của ta. Làm cho mình hòa hợp với quyền lực ấy và luôn duy trì sự tỉnh thức là nỗ lực trường kỳ và là mục tiêu tối cao của con người có tín ngưỡng. Vì chỉ có như thế con người mới cảm thấy được che chở trước những mối nguy nan được dự kiến hay không được dự kiến đang đe dọa cuộc sống và mới được dự phần vào niềm hạnh phúc thuần khiết nhất, vào sự bình an nội tâm. Sự bình an ấy chỉ có thể có được bằng sự gắn bó vững chắc với Thượng đế và bằng lòng tin cậy đầy sùng tín một cách vô điều kiện vào sự toàn năng và lòng lân mẫn của Ngài. Trong chừng mực ấy, tôn giáo bắt rễ sâu xa trong ý thức của từng con người cá nhân riêng lẻ.
Song, ý nghĩa của tôn giáo vượt ra khỏi từng con người cá lẻ. Không phải từng con người cá lẻ có riêng tôn giáo của mình mà đúng hơn, chính tôn giáo đòi hỏi tính giá trị hiệu lực và ý nghĩa quan trọng cho cả một cộng song rộng lớn hơn, cho một dân tộc, một chủng tộc, vâng, rút cục cho toàn thể nhân loại. Bởi vì Thượng đế ngự trị như nhau trong mọi xứ sở trên trái đất; toàn bộ thế giới - với tất cả những gì đáng quý và đáng sợ của nó – đều dưới quyền Ngài, và, trong vương quốc của tự nhiên lẫn tinh thần, không có nơi nào Ngài không có mặt.
Vì thế, việc gìn giữ tôn giáo gắn kết những tín đồ thành một liên minh rộng lớn và đặt họ trước nhiệm vụ thấu hiểu đức tin của nhau và mang lại cho đức tin ấy một cách diễn đạt chung. Điều này chỉ làm được khi nội dung của tôn giáo được nắm bắt trong một hình thức ngoại tại nhất định nào đó, để, bằng tính hình tượng, giúp dễ dàng thông hiểu với nhau. Vì các dân tộc và các điều kiện sống của họ là quá khác biệt nhau nên thật dễ hiểu khi hình thức hình tượng này có sự dị biệt lớn ở các vùng và cũng vì thế, theo dòng thời gian, đã ra đời rất nhiều loại hình tôn giáo. Song, điểm chung của mọi loại hình này là giả định gần gũi nhất khi hình dung Thượng đế như là ngôi vị hay ít ra cũng có tính nhân hình [giống với con người]. Ngoài ra, cũng có chỗ cho những quan niệm khác nhau về các thuộc tính của Thượng đế. Mỗi tôn giáo đều có nền thần thoại và nghi lễ riêng, nghi lễ này phát triển với những chi tiết cực kỳ tinh vi nơi các tôn giáo đã phát triển cao. Từ đó, những biểu trưng có tính hình tượng đã góp phần kiến tạo nên nghi lễ, vì những biểu trưng ấy là thích hợp để trực tiếp tác động lên trí tưởng tượng của đông đảo quần chúng, nhằm khơi dậy sự quan tâm của họ coi với các vấn đề tôn giáo và giúp họ hiểu hơn phần nào về bản chất của Thượng đế.
Như thế, qua việc tập hợp có hệ thống những truyền thống thần thoại và tuân thủ những tập quán lễ nghi trang trọng, việc tôn thờ Thượng đế đã xuất hiện ra bên ngoài một cách biểu trưng, và, qua nhiều thế kỷ, ý nghĩa của những biểu trưng tôn giáo như thế càng không ngừng gia tăng qua việc không ngừng hành trì và thường xuyên giáo dục từ thế hệ sang thế hệ khác. Tính thiêng liêng của một vị Thượng đế không – thể - hiểu được đã chuyển thành tính thiêng liêng của những biểu trưng có – thể - hiểu được. Từ đó nảy sinh ra những động lực mạnh mẽ cho nghệ thuật, và thực tế, nghệ thuật đã được thúc đẩy mạnh mẽ nhất là vì nó đã đặt vào vị trí của người phục vụ cho tôn giáo.
Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt giữa nghệ thuật và tôn giáo. Tác phẩm nghệ thuật chủ yếu có ý nghĩa của nó ở ngay trong chính mình. Cho dù thường nhờ có những hoàn cảnh bên ngoài mới ra đời được và nhiều khi tạo cơ hội cho những sự liên tưởng chệch ra khỏi khuôn khổ nghệ thuật nhưng về cơ bản, nghệ thuật tìm được sự thỏa mãn trong bản thân mà không cần đến một sự lý giải đặc biệt nào để được công nhận. Ta thấy điều ấy rõ nhất ở loại hình nghệ thuật trừu tượng nhất, đó là múa.
Ngược lại, biểu trưng tôn giáo bao giờ cũng chỉ ra một cái gì bên ngoài bản thân nó; giá trị của nó không bao giờ tự tát cạn trong bản thân, cho dù có được thừa hưởng một uy tin đáng tôn kính mà sự tồn tại lâu đời và truyền thống ngoan đạo đã mang lại cho nó. Nhấn mạnh điều này là rất quan trọng, bởi lẽ sự đánh giá cao dành cho các biểu trưng tôn giáo, qua thời gian, không tránh khỏi phải chịu những sự biến động nhất phát triển văn hóa và, cũng vì lợi ích của việc gìn giữ gìn tính tôn giáo đích thực mà cần phải khẳng định rằng, cái đứng sau và đứng trên các biểu trưng ấy không hề bị ảnh hưởng bởi những biến động như thế.
Trong nhiều ví dụ chuyên biệt, tôi xin dẫn ra đây một ví dụ duy nhất một thiên thần có cánh từ xưa vẫn được xem như là một biểu trưng nhất của một kẻ tôi tớ và sứ giả của Thượng đế. Tuy nhiên, một số người được đào tạo về giải phẫu học với óc tưởng tượng đã được rèn luyện theo khoa học không cho phép mình, dù với thiện chí cao nhất, xem một sự bất khả về mặt sinh lý học như thế là đẹp. Nhưng, tình huống này không hề tác hại chút nào đến niềm tin tôn giáo của họ. Duy có điều, họ cần tránh làm suy giảm hay phá hỏng không khí thiêng liêng nơi những người vẫn còn tìm thấy niềm an ủi và phấn chấn tâm hồn trong hình tượng của thiên thần có cánh. Nhưng, một nguy cơ khác nghiêm trọng hơn nhiều đến từ việc quá coi trọng ý nghĩa của biểu trưng tôn giáo từ phía phong trào vô thần. Một trong các phương tiện được ưa thích nhất của phong trào này nhằm chôn vùi bất kỳ tinh thần tín ngưỡng đích thực nào, đó là hướng mũi dùi tấn công vào những nghi thức và tập quán tôn giáo lâu đời, làm cho những thiết chế bị xem là lỗi thời ấy trở nên buồn cười hay đáng khinh bỉ.
Tấn công vào biểu trưng, họ tin rằng đã đánh trúng vào bản thân tôn giáo, và công việc ấy càng dễ dàng hơn khi những quan niệm và tập quán ấy càng tỏ ra đặc thù và lạ thường. Đã có không ít người có tín ngưỡng đã trở thành nạn nhân của chiến thuật ấy.
Trước nguy cơ này, không có sự phòng vệ nào tốt hơn là tự hiểu rõ rằng một biểu trưng tôn giáo cho dù đáng tôn kính đến mấy cũng không bao giờ thể hiện một giá trị tuyệt đối mà luôn luôn chỉ là một sự biểu thị ít nhiều không hoàn hảo về một cái gì cao hơn mà giác quan không thể nào tiếp cận trực tiếp được.
Và cũng chính trong hoàn cảnh ấy, ta dễ hiểu tại sao trong lịch sử tôn giáo không ngừng xuất hiện ý tưởng muốn hạn chế ngay từ đầu hoặc thậm chí hoàn toàn dẹp bỏ việc sử dụng những biểu trưng tôn giáo và thiên nhiều hơn vào việc đối xử với tôn giáo như là một công việc của lý tính trừu tượng. Chỉ cần suy nghĩ một chút cũng thấy ngay rằng ý tưởng ấy là hoàn toàn sai lầm. Không có biểu trưng, ắt không thể có được sự hiểu biết nhau, không thể có được sự tương thông giữa người với người. Điều này không chỉ đúng với quan hệ tôn giáo mà cả với mọi quan hệ của con người ngay cả trong đời sống phàm tục thường ngày. Ngay ngôn ngữ cũng không gì khác hơn là một biểu trưng cho cái gì cao hơn, tức cho tư tưởng. Tất nhiên, một từ riêng lẻ tự nó cũng đòi hỏi một sự quan tâm riêng, nhưng nhìn kỹ thì một từ chỉ là một dãy các chữ cái; ý nghĩa của nó chủ yếu nằm trong khái niệm là nó diễn đạt. Và đối với khái niệm này, việc diễn đạt nó bằng từ này hay từ kia, bằng thổ ngữ này hay thổ ngữ nọ chỉ là chuyện phụ. Khi từ được phiên dịch sang một ngôn ngữ khác, khái niệm vẫn giữ nguyên.
Hãy lấy một ví dụ khác. Biểu trưng cho uy tín và danh dự của một binh đoàn vẻ vang chính là lá cờ của nó. Lá cờ càng cũ, giá trị nó càng cao. Và, trong chiến trận, những người đứng dưới lá cờ ấy tự xem mình có nghĩa vụ cao cả nhất là bằng mọi giá không bỏ rơi nó, trong trường hợp lâm nguy phải bảo vệ nó bằng thân thể, vâng, nếu cần thì hy sinh cả mạng sống của mình. Vậy mà lá cờ đơn giản chỉ là một biểu trưng, một mảnh vải nhiều màu sắc. Kẻ thù có thể cướp nó, làm ô uế hay xé bỏ nó. Nhưng bằng cách ấy, kẻ thù tuyệt nhiên không hề hủy diệt được cái cao cả hơn được tượng trưng bởi lá cờ. Binh đoàn vẫn bảo toàn danh dự của mình. Người ta sẽ làm ra một lá cờ mới và có thể phục thù bằng một trận nên thân cho sự lăng nhục ấy.
Giống như trong quân đội hay nói chung, trong mỗi cộng đồng người mang sứ mệnh lớn thì trong tôn giáo cũng thế, biểu trưng và một nghi lễ nhà thờ phù hợp với biểu trưng ấy là hoàn toàn không thể thiếu; chúng mang ý nghĩa của cái cao cả nhất và đáng tôn kính nhất, cái mà trí tưởng tượng hướng lên trời cao đã sáng tạo ra, chỉ có điều không bao giờ được phép quên rằng, cái biểu trưng thiêng liêng nhất cũng có nguồn gốc con người. Nếu người ta khắc ghi trong tim chân lý này cho mọi thời đại, thì đã có thể tránh được cho nhân loại muôn vàn đau thương và ta thán. Bởi vì, những cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc, những cuộc truy bức dị giáo ác độc với tất cả những hệ quả đau buồn của chúng, suy cho cùng chỉ nằm ở chỗ các đối kháng nhất định đâm ầm vào nhau, những thứ vồn đều có một lý do chính đáng nhất định và chúng chỉ hình thành từ một ý tưởng chung vô hình như niềm tin vào một Thượng đế toàn năng bị nhầm lẫn với các phương tiện diễn tả nhìn – thấy – được nhưng không giống nhau, như tín điều của nhà thờ. Không có gì đáng buồn hơn khi thấy hai đối thủ kình địch nhau một cách cay đắng, mỗi người với niềm tin sắt đá và trong nhiệt tình ngưỡng mộ chân thật đối với chính nghĩa của sự nghiệp, lại thấy có nghĩa vụ phải dồn hết sức lực tinh túy nhất của mình vào trận đấu cho đến khi tự hy sinh. Không biết bao nhiêu điều hữu ích đáng lẽ có thể được sáng tạo nên, nếu giá như trong lĩnh vực hoạt động tín ngưỡng, những sức mạnh quý báu đó có thể hợp nhất lại, thay vì tìm cơ hội để hủy diệt lẫn nhau.
Người có tín ngưỡng sâu sắc thực hành niềm tin vào Thượng đế của mình bằng sự tôn kính các biểu trưng thiêng liêng thân thiết của mình là người không bám chặt vào các biểu trưng mà có sự cảm thông rằng cũng có thể có những con người sùng đạo khác với những biểu trưng cũng thiêng liêng và thân thiết đối với họ, không khác gì một khái niệm vẫn là khái niệm ấy dù nó được diễn đạt bằng từ này hay từ kia, trong ngôn ngữ này hay ngôn ngữ nọ. Tuy nhiên, với việc thừa nhận sự việc này, các đặc điểm của đức tin tôn giáo đích thực cũng chưa được lột tả hết. Bởi vì bây giờ mới nổi lên một câu hỏi khác, thật sự cơ bản. Đó là: có phải quyền lực tối cao kia, quyền lực đứng đằng sau các biểu trưng tín ngưỡng và mang lại ý nghĩa cơ bản cho chúng, chỉ trú ngụ trong tâm trí con người và cùng với con người bé bị xóa sổ hay quyền lực ấy còn biểu hiện một cái gì nhiều hơn thế? Nói khác đi phải chăng Thượng đế chỉ sống trong tâm hồn của người tín đồ hay Ngài ngự trị thế giới, độc lập với việc người ta có tin hoặc không tin vào Ngài? Đó chính là điểm mà con người chia rẽ nhau một cách cơ bản và dứt khoát. Điểm này không và không bao giờ được làm sáng tỏ bằng con đường khoa học, nghĩa là bằng những kết luận logic dựa trên dữ kiện. Đúng hơn, việc trả lời câu hỏi này thuần túy và duy nhất là việc của niềm tin, của niềm tin tôn giáo. Người sùng đạo giải đáp câu hỏi này theo hướng rằng Thượng đế tồn tại trước khi có con người trên trái đất nói chung, rằng Ngài, từ vĩnh hằng, nắm trong bàn tay toàn năng của Ngài toàn thế giới gồm những người có lòng tin lẫn những người không có lòng tin, và rằng Ngài sẽ vẫn trị trên tầm cao, không thể tiếp cận được bằng sức hiểu biết của con người, nay cả khi trái đất - cùng với tất cả những gì trên đó - đã tiêu tan thành tro bụi. Tất cả những ai nhìn nhận niềm tin này và được nó chiếm ngự trong sự kính sợ và phó thác dâng hiến, sẽ cảm nhận được sự che chở của Đấng toàn năng trước mọi mối nguy hiểm của cuộc đời, và cũng chỉ những người này mới được phép liệt mình vào hàng ngũ những kẻ có tín ngưỡng đích thực.
Đó là nội dung căn bản của các tín điều mà tôn giáo đòi hỏi các tín đồ phải công nhận. Bây giờ ta hãy xem liệu các đòi hỏi ấy có chung sống được với các đòi hỏi của khoa học, đặc biệt là của khoa học tự nhiên hay không và chung sống như thế nào.
III. Trong khi chúng ta bước qua khảo sát xem khoa học dạy cho ta những định luật nào, và các chân lý nào là có giá trị bất khả xâm phạm đối với nó, thì nhiệm vụ chúng ta sẽ được đơn giản đi, và mục đích của chúng ta hoàn toàn được đáp ứng, nếu chúng ta bám sát loại khoa học chính xác nhất trong mọi môn khoa học tự nhiên, đó là vật lý học. Bởi vì từ nó, một cách chắc chắn, chúng ta có thể chờ đợi sớm nhất một sự mâu thuẫn đi ngược lại các yêu cầu của tôn giáo. Do đó, chúng ta cần phải hỏi, các khám phá của khoa học vật lý của thời gian mãi tận gần đây là thuộc loại nào, và những khám phá ấy có thể đặt ra những giới hạn nào cho niềm tin tôn giáo hay không.
Có lẽ tôi chẳng cần báo trước rằng, xét về mặt lịch sử một cách đại thể thì những thành tựu của nghiên cứu vật lý và những quan điểm suy ra từ đó không phải bị chi phối bởi một sự thay đổi vô mục tiêu, mà đã liên tục tự hoàn thiện và tinh tế hơn, khi chậm, lúc nhanh, cho đến ngày hôm nay, để chúng ta có thể nhìn nhận rằng các nhận thức thu lượm được đến nay của nghiên cứu vật lý là vững chắc với độ an toàn lớn.
Vậy bây giờ ta hỏi: nội dung cơ bản của những nhận thức ấy là gì? Trước hết cần phải nói rằng, tất cả mọi nhận thức vật lý đều dựa trên những sự đo đạc và mọi sự đo đạc đều được diễn ra trong không gian và thời gian là đó các độ lớn thay đổi ở mức độ mênh mông không thể tưởng tượng được. Từ những khoảng cách của các miền vũ trụ mà từ đó một thông điệp lọt đến chúng ta, người ta sẽ có được một khái niệm gần đúng nếu chúng ta nghĩ, ánh sáng, trong khi vượt qua khoảng cách chẳng hạn từ mặt trăng trái đất trong khoảng một giây, thì sẽ cần đến nhiều triệu năm để đến chúng ta từ những vùng đó. Mặt khác, vật lý cũng bị buộc phải tính những độ lớn không gian và thời gian mà sự nhỏ bé tí tẹo của chúng có thể được minh họa chẳng hạn bằng tỷ số giữa độ lớn của đầu một cây kim độ lớn của toàn trái đất.
Những loại đo lường khác nhau nhất giờ đây đã thống nhất cho ra luận rằng toàn bộ các hiện tượng vật lý, không có ngoại lệ, đều có thể đi quy về những tiến trình điện hay cơ học gây ra bởi sự chuyển động những hạt cơ bản nhất định, như là điện tử, positron, proton và neutron mà khối lượng cũng như điện tích của mỗi một hạt cơ bản đó đều được diễn tả bằng một con số nhất định và cực kỳ nhỏ, con số đó được đo đạc càng chính xác, nếu những phương pháp đo đạc càng tinh vi. Những con số nhỏ ấy những cái được gọi là các hằng số phổ quát, có thể nói là những việc xây dựng không thay đổi mà từ đó tòa nhà học thuyết của ngành vật lý lý thuyết được dựng lên.(1)
Bây giờ chúng ta phải hỏi tiếp: ý nghĩa thực sự của các hằng số kia là gì? Phải chăng nói cho cùng chúng là những sản phẩm tưởng tượng của tinh thần nghiên cứu của con người, hay chúng có một ý nghĩa thực tồn (real) độc lập với trí tuệ của con người?
Quan điểm thứ nhất được khẳng định bởi những người theo thực chứng luận(2), ít nhất trong màu sắc cực đoan của nó. Theo họ, vật lý không có nền tảng nào khác hơn là các đo đạc làm nền tảng cho nó, và định lý vật lý chỉ có ý nghĩa trong chừng mực được chứng minh bằng đo đạc. Nhưng vì mỗi sự đo đạc cần đến một người quan sát, cho nên, xét cách thực chứng, nội dung đích thực của một định lý vật lý sẽ không tách rời khỏi người quan sát, và sẽ mất đi ý nghĩa của nó khi người ta tìm cách hình dung người quan sát kia không còn nữa, và muốn đi tìm đằng sau anh ta và sự đo đạc kia một cái gì khác, thực tồn và độc lập.
Từ quan điểm thuần túy logic, ta không thấy có cái gì chống lại quan điểm này. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn, người ta phải gọi nó - trong hình thức này - là không thỏa đáng và không có ích. Bởi vì, nó bỏ qua tình huống có tầm quan trọng quyết định để có được sự hiểu biết sâu sắc và sự tiến bộ của nhận thức khoa học. Dù cho thực chứng luận có tự cho mình là hoạt động không cần có tiền-giả định nào cả, thì vẫn bị buộc vào một tiền đề cơ bản nếu nó không muốn bị biến chất thành một thuyết duy ngã (solipsism) không hợp lý: đó là tiền-giả định rằng bất kỳ một sự đo đạc vật lý nào đều có thể tái hiện lại được, nghĩa là kết quả của nó không lệ thuộc vào tính cá nhân của người đo đạc, cũng không lệ thuộc vào vị trí và thời điểm của đo đạc, cũng như vào những tình huống phụ khác. Những điều ấy nói lên rằng, cái quyết định đối với kết quả đo đạc là nằm ngoài người quan sát, và do đó tất yếu dẫn đến những câu hỏi về một tính nhân quả có thực tồn tại đằng sau người quan sát.
Chắc chắn người ta phải thừa nhận rằng, cách nhìn thực chứng có một giá trị đặc thù; vì nó giúp giải thích ý nghĩa của các định lý vật lý về mặt khái niệm, tách rời cái được chứng minh bằng thực nghiệm khỏi cái không được chứng minh bằng thực nghiệm, loại trừ các thành kiến mang tính cảm xúc vốn được nuôi dưỡng bằng những quan điểm theo thói quen đã lâu, và bằng cách đó đã dọn đường cho việc nghiên cứu khoa học đang thôi thúc tiến lên phía trước. Nhưng để tác động ở vai trò lãnh đạo trên con đường này thực chứng luận còn thiếu một động lực. Đúng, nó có khả năng loại bỏ những sự kìm hãm, nhưng nó không thể xây dựng một cách hữu hiệu. Bởi hoạt động của nó cơ bản là phê phán, cái nhìn của nó hướng về phía sau. Nhưng để tiến lên phía trước cần có những sự nối kết ý tưởng và những cách đặt vấn đề không những mới mẻ và sáng tạo, không thể suy diễn ra chỉ từ các kết quả của đo lường, mà còn phải đi xa hơn chúng, nhưng thực chứng luận lại có thái độ từ chối những thứ đó về nguyên tắc.
Cho nên, những người thực chứng luận đủ mọi màu sắc đã quyết liệt chống lại sự hình thành các giả thuyết nguyên tử, và qua đó, chống lại sự thừa nhận các hằng số phổ quát đã nói ở trên. Điều đó dễ hiểu; bởi vì sự tồn tại của các hằng sồ này chính là sự minh chứng rõ rệt sự hiện hữu của một thực tại trong tự nhiên độc lập với mọi sự đo đạc của con người.
Dĩ nhiên, một nhà thực chứng luận triệt để đến nay cũng vẫn còn có thể gọi các hằng số phổ quát là một sự tưởng tượng, và cho rằng sở dĩ sự tuởng tượng ấy là vô cùng hữu ích vì nó cho phép mang lại một sự mô tả chính xác và đầy đủ những kết quả đo đạc thuộc rất nhiều loại khác nhau.
Nhưng hầu như không có một nhà vật lý học chân chính nào lại xem một sự khẳng định như thế là nghiêm túc cả. Các hằng số phổ quát không phải được tìm ra từ những lý do lợi ích, trái lại, chúng đã áp đặt với một sự cưỡng bách không thể chống lại được bằng những kết quả trùng khớp của toàn hộ các loại đo đạc trong ngành, và điều quan trọng, đó là chúng ta biết trước một cách chính xác rằng tất cả những sự đo đạc trong tương lai sẽ đều dẫn đến các hằng số như thế.
Tổng kết lại chúng ta có thể nói rằng, khoa học vật lý đòi hỏi chúng ta thừa nhận sự hiện hữu của một thế giới hiện thực độc lập với chúng ta tuy nhiên đó là một thế giới mà chúng ta không bao giờ nhận thức được trực tiếp, mà bao giờ cũng chỉ có thể tri giác thông qua lăng kính của những cảm giác của giác quan chúng ta, và thông qua các sự đo đạc do những cảm giác ấy môi giới.
Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi nguyên lý này, thì cách nhìn thế giới của chúng ta cũng sẽ thay đổi. Chủ thể của sự quan sát, tức cái Tôi đang quan sát, sẽ rút ra khỏi vị thế trung tâm của tư duy và bị đẩy xuống một vị trí rất khiêm tốn. Thật vậy, chúng ta, con người, cảm thấy nhỏ bé đáng thương làm sao, yếu đuối làm sao, khi chúng ta nghĩ rằng trái đất trên đó chúng ta sống, chỉ là một hạt bụi tí hon, chẳng có nghĩa gì trong vũ trụ thật bao la, thì đồng thời quả là điều lạ thường, khi chúng ta, các sinh vật xíu trên một hành tinh cũng nhỏ xíu nhưng lại có khả năng, với những tư tưởng của mình, nhận thức được tuy không phải bản chất, nhưng sự hiện hữu và kích thước của các viên đá xây dựng cơ bản của toàn bộ vũ trụ to lớn.
Nhưng sự kỳ diệu còn tiếp tục. Đó là một kết quả không thể nghi ngờ được của nghiên cứu vật lý, rằng các viên đá xây dựng cơ bản này của tòa nhà thế giới không phải nằm cạnh nhau trong những nhóm riêng lẻ không có một mối liên hệ nào, mà trái lại, toàn bộ chúng được gắn kết với nhau theo một kế hoạch độc nhất, hay nói cách khác, rằng trong mọi diễn trình của tự nhiên có một tính quy luật phổ quát ngự trị, và có thể nhận thức được ở một mức độ nào đó.
Ở đây, tôi muốn nhắc đến trước hết chỉ một thí dụ duy nhất: Nguyên lý bảo toàn năng lượng. Có nhiều dạng năng lượng trong tự nhiên: năng lượng của chuyển động, của lực hấp dẫn, của nhiệt, của điện, của từ. Tất cả năng lượng cộng lại làm thành kho năng lượng dự trữ của thế giới. Kho năng lượng dự trữ này bây giờ có một độ lớn không thay đổi, nó không thể được tăng lên hay bị làm giảm đi bằng một quá trình nào đó trong tự nhiên, tất cả những thay đổi diễn ra trong thực tế chỉ là những sự chuyển hóa lẫn nhau của năng lượng. Thí dụ, năng lượng của chuyển động bị mất đi bằng ma sát, thì bù lại có một lượng tương đương của năng lượng ở dạng nhiệt được sinh ra.
Định luật bảo toàn năng lượng mở rộng sự thống trị của nó lên toàn bộ mọi lĩnh vực của vật lý học, cả trong lý thuyết cổ điển lẫn trong cơ học lượng tử. Mặc dù có rất nhiều những toan tính hoài nghi tính hiệu lực chính xác của định luật này đối với những hiện tượng diễn ra trong một nguyên tử đơn lẻ và chỉ thừa nhận một tính chất thống kê cho các hiện tượng đó. Nhưng một sự kiểm tra chính xác trong mỗi trường hợp được kiểm nghiệm theo hướng đó đều chứng minh rằng, một thí nghiệm như thế là thất bại, và người ta không có lý do để từ chối cho nguyên lý đó đẳng cấp của một định luật tự nhiên hoàn toàn chính xác.
Nhưng rồi chúng ta lại thường nghe từ phía có xu hướng thực chứng đáp lại có tính chất phê phán rằng, tính hiệu lực chính xác của một định lý như thế là hoàn toàn không có gì lạ lùng cả. Điều bí ẩn có thể được giải thích hoàn toàn đơn giản bằng sự thật rằng, cuối cùng chính con người là kẻ đã đề ra cho tự nhiên những định luật của chính mình. Và để khẳng định điều này người ta thậm chí cũng đã viện dẫn cả đến quyền uy của Immanuel Kant.
Những định luật tự nhiên không phải do con người tưởng tượng ra, trái lại sự công nhận chúng là do sự cưỡng chế từ bên ngoài lên con người, điều đó chúng ta đã bàn một cách đủ cặn kẽ. Ngay từ đầu chúng ta chắc hẳn đã có thể nghĩ về các định luật tự nhiên, cũng như về những giá trị của các hằng số phổ quát một cách hoàn toàn khác so với chúng trong thực tế. Thế nhưng, đối với việc viện dẫn Kant, ở đây quả có một sự hiểu lầm thô bạo.
Bởi vì Kant không dạy rằng con người đề ra các định luật cho tự nhiên một cách tuyệt đối, mà dạy rằng con người trong khi phát biểu các định luật tự nhiên cũng đã thêm cái gì riêng của mình vào đó. Nếu không thì làm sao hiểu được rằng Kant, bằng chính lời phát biểu của mình, đã bảo rằng không có ấn tượng bên ngoài nào đã gây nên nơi ông lòng kính sợ sâu sắc hơn cho bằng khi nhìn lên bầu trời đầy sao? Thường thì chẳng có ai lại dành sự kính sợ sâu xa nhất cho một quy định do chính bản thân mình đề ra cả. Đối với người thực chứng luận thì một sự kính sợ như thế là xa lạ. Đối với anh ta, các vì sao chẳng phải là cái gì ngoài những phức hợp cảm giác quang học, tất cả những điều khác theo ý kiến anh ta là gia vị hữu ích, nhưng thực tế tùy tiện và có thể bỏ đi được.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy gác thực chứng luận qua một bên, và tiếp tục dòng suy tư của chúng ta. Nguyên lý bảo toàn năng lượng không phải là định luật tự nhiên duy nhất, mà chỉ là một trong nhiều định luật. Trong khi quả thực đó là định luật có giá trị trong mỗi trường hợp riêng lẻ, nhưng nó vẫn chưa đủ để tiên đoán tất cả các chi tiết của một diễn trình tự nhiên, còn vô số các khả năng để ngỏ.
Trong khi đó có một định luật khác, bao trùm rộng hơn nhiều, có đặc tính đưa ra câu trả lời rõ ràng cho mọi câu hỏi có ý nghĩa liên quan đến diễn biến của một diễn trình tự nhiên; và định luật này, trong chừng mực chúng ta có thể thấy, cũng giống như định luật năng lượng, có tính hiệu lực chính xác cho cả vật lý thời gần đây nhất. Nhưng điều mà bây giờ chúng ta phải xem là sự kỳ diệu vô cùng lớn, đấy chính là sự kiện rằng sự diễn đạt thích đáng nhất cho định luật này ắt sẽ gợi nên trong tâm trí hồn nhiên của bất kỳ ai ấn tượng rằng tự nhiên như thể được cai trị bởi một ý chí có lý tính và ý thức về mục đích. (3)
Một thí dụ đặc biệt có thể giải thích điều này. Như chúng ta đã biết, một tia sáng chiếu nghiêng vào bề mặt của một vật thể trong suốt, như bề mặt của nước, nó sẽ bị lệch đi khỏi hướng của nó khi xuyên qua bề mặt. Nguyên nhân của sự lệch hướng này là ánh sáng truyền đi trong nước chậm hơn trong không khí. Một sự chệch hướng như thế, hay sự khúc xạ cũng xảy ra ở trong bầu khí quyển, bởi vì trong những tầng không khí thấp hơn, có mật độ dày đặc hơn, ánh sáng truyền đi chậm hơn là so với ở những tầng cao hơn. Nếu bây giờ một tia sáng được phát ra từ một ngôi sao phát sáng để đi đến mắt của một người quan sát, đường đi của nó có một độ cong ít nhiều phức tạp do mức độ khúc xạ khác nhau trong những lớp khí quyển khác nhau (trừ phi ngôi sao ở đúng vào thiên đỉnh)(4). Độ cong này hoàn toàn được xác định bởi định luật đơn giản sau đây: trong toàn bộ những quỹ đạo đi từ ngôi sao đến mắt, thì ánh sáng luôn luôn sử dụng quỹ đạo mà, để đi được, ánh sáng cần một thời gian ngắn nhất, với sự chú ý đến các vận tốc truyền khác nhau trong những tầng không khí khác nhau. Các photon, những hạt tạo thành tia sáng, ứng xử như những sinh vật có lý tính. Trong tất cả các đường cong có thể có được bày ra cho chúng, chúng luôn luôn chọn ra đường nào dẫn đến mục tiêu một cách nhanh nhất.
Định lý này có khả năng được khái quát hóa ở mức độ tuyệt vời. Sau tất cả những gì mà chúng ta biết vế các định luật của các hiện tượng ở trong một hình thể (Gebilde) vật lý bất kỳ, chúng ta có thể mô tả đặc trưng sự diễn biến của mỗi một hiện tượng với tất cả chi tiết bằng định lý rằng trong tất cả những diễn biến có thể hình dung được để đưa hình thể kia đi từ một trạng thái nhất định này sang một trạng thái nhất định khác trong một thời gian nhất định, thì diễn biến thực là cái mà với nó, tích phân theo thời gian của một đại lượng nhất định, gọi là hàm số Lagrange, đạt trị số nhỏ nhất. Nếu biết được biểu thức của hàm số Lagrange, thì người ta có thể xác định được diễn biến của hiện tượng thực sự xảy ra một cách trọn vẹn.
Chắc chắn không phải là điều lạ lùng, rằng sự khám phá ra định luật này, cái được gọi là "nguyên lý của tác dụng tối thiểu", mà sau đó tên "lượng tử tác dụng cơ bản" được lấy từ đó, đã gây ra sự phấn chấn cao độ cho người phát hành Leibniz của nó, cũng như nhanh chóng sau đó cho người kế tục của ông là Maupertius, bởi vì những nhà nghiên cứu này tin rằng mình đã tìm thấy trong đó một dấu hiệu xác thực cho sự ngự trị của một lý tính cao hơn thống trị một cách toàn năng trên giới tự nhiên. Thực tế, qua nguyên lý tác dụng tối thiểu, một ý tưởng hoàn toàn mới được đưa vào khái niệm của tính nhân quả: Nguyên nhân tác động (causa effciens), là cái tác động từ hiện tại đến tương lai, và làm cho các trạng thái đi sau bị điều kiện bởi những trạng thái đi trước, rồi phối hợp với nguyên nhân cứu cánh (causa finalis), là nguyên nhân ngược lại lấy tương lai, tức một mục đích được định hướng nhất định làm tiền đề, và từ đó suy ra diễn biến cua những hiện tượng hướng đến mục tiêu đó.
Bao lâu chúng ta giới hạn mình vào lĩnh vực vật lý, thì hai cách xem xét này chỉ là những dạng thức toán học khác nhau của một và cùng một sự việc, và thật vô ích khi hỏi cái nào trong hai dạng ấy đến gần với chân lý hơn. Người ta sử dụng cái này hay cái kia, điều đó chỉ tùy thuộc vào những suy xét về mặt thực tiễn. Một lợi thế chính của nguyên lý tác dụng tối thiểu là nó không đòi hỏi hệ quy chiếu nhất định để diễn đạt nó. Cho nên, nguyên lý này cũng thích hợp rất tốt cho việc thực hiện các phép biến đổi tọa độ.
Nhưng đối với chúng ta, mối quan tâm lại là các vấn đề mang tính tổng quát hơn. Ở đây, chúng ta chỉ muốn khẳng định rằng nghiên cứu vật lý lý thuyết trong sự phát triển lịch sử của nó đã dẫn đến sự diễn đạt tính nhân quả vật lý một cách đáng chú ý. Tính nhân quả ấy chứa đựng tính chất mục đích luận rõ rệt, nhưng qua đó không phải là mang vào cái gì mới mẻ về nội dung hay thậm chí cái đối lập vào trong loại hình của tính quy luật tự nhiên. Đúng hơn, đó chỉ là một cách nhìn khác xét về hình thức, nhưng thực chất lại là một cách nhìn hoàn toàn bình đẳng. Tương tự như trong vật lý học, điều ấy cũng có thể đúng đối với ngành sinh vật học, nơi mà sự khác biệt của hai cách nhìn khác nhau sẽ mang những hình thức khác nhau sâu xa hơn.
Trong mọi trường hợp chúng ta có thể nói tóm tắt lại rằng theo tất cả những gì khoa học tự nhiên dạy cho ta, trong toàn bộ lĩnh vực của tự nhiên, trong đó chúng ta, con người trên hành tinh bé xíu của mình, đóng một vai trò vô cùng nhỏ bé, có một tính quy luật nhất định ngự trị, độc lập với sự hiện hữu của một nhân loại tư duy, nhưng nó lại cho phép, trong chừng mực nó có thể hiểu được bằng các giác quan của chúng ta, một sự diễn đạt tương ứng với một hành động có chủ đích (zweckmabig). Do đó, tính quy luật biểu thị một trật tự thế giới hợp lý mà tự nhiên và nhân loại đều phải phục tùng, nhưng bản chất đích thực của nó đối với chúng ta là không nhận thức được, và vẫn mãi như thế, bởi vì chúng ta chỉ nhận được tri thức (Kunde) từ đó qua những cảm giác đặc thù của chúng ta, những thứ mà không bao giờ loại bỏ được. Nhưng rồi, những thành quả thực sự phong phú của nghiên cứu khoa học tự nhiên đã cho phép chúng ta đi đến kết luận một cách chính đáng rằng chúng ta, bằng sự tiếp tục lao động không ngừng nghỉ, ít ra vẫn không ngừng tiến dần hơn mục tiêu không bao giờ đạt được và những thành tựu đó củng cố trong chúng ta niềm hy vọng về những hiểu biết luôn được đào sâu hơn về sự ngự trị của lý tính toàn năng đang chi phối giới tự nhiên.
IV. Sau khi chúng ta đã làm quen với những đòi hỏi mà một bên là tôn giáo và bên kia là khoa học tự nhiên đã đặt ra cho thái độ của chúng ta đối với những vấn đề cao xa nhất về cách nhìn có tính chất thế giới quan, bây giờ chúng ta hãy kiểm tra xem hai loại đòi hỏi này có thể dung hợp với nhau hay không, và trong chừng mực nào. Trước hết, hiển nhiên là việc kiểm tra này chỉ có thể liên quan tới những lĩnh vực mà ở đó tôn giáo và khoa học tự nhiên xung đột nhau. Bởi vì, có những lĩnh vực rộng lớn chúng không hề có dính líu gì với nhau. Chẳng hạn, tất cả những vấn đề của đạo đức học là xa lạ đối với khoa học tự nhiên, cũng như mặt khác, độ lớn của các hằng số phổ quát là không có ý nghĩa gì đối với tôn giáo. Ngược lại, tôn giáo và khoa học tự nhiên gặp nhau trong câu hỏi về sự tồn tại, và về bản chất của một quyền năng cao nhất ngự trị bên trên thế giới, và ở đây các câu trả lời mà cả hai đưa ra là có thể so sánh được với nhau ở mức độ nào đó. Như chúng ta đã thấy, chúng không hề mâu thuẫn nhau, mà chúng nói lên một cách thống nhất theo hướng rằng: thứ nhất, có một trật tự thế giới hợp lý tồn tại độc lập với con người, và thứ hai, bản chất của trật tự thế giới này là không bao giờ nhận thức được một cách trực tiếp, mà chỉ có thể lĩnh hội được gián tiếp, hay linh cảm được mà thôi. Trong vấn đề này, tôn giáo sử dụng những biểu trưng đặc thù của riêng mình, trong khi khoa học tự nhiên chính xác sử dụng các đo đạc dựa trên các cảm giác của giác quan. Do đó, không có gì ngăn cản chúng ta, và chính bản năng ham muốn nhận thức của chúng ta khao khát một thế giới quan thống nhất đòi hỏi chúng ta phải đồng nhất hóa hai quyền lực tác động khắp nơi và cũng đầy bí ẩn: trật tự thế giới của khoa học tự nhiên và Thượng đế của tôn giáo. Theo đó, Thần tính (Gottheit) mà con người tôn giáo tìm cách tiếp cận bằng các biểu trưng của mình, là có cùng bản chất với sức mạnh có tính quy luật tự nhiên, mà các cảm giác của giác quan đã đem lại nhận thức cho người làm nghiên cứu ở một mức độ nào đó.
Mặc dù có sự trùng hợp này, chúng ta vẫn phải để ý đến một sự khác biệt cơ bản. Đối với người có tín ngưỡng, Thượng đế được mang lại tức thời và tiên khởi (primár). Từ Ngài, từ ý muốn toàn năng của Ngài tuôn ra tất cả sự mong và tất cả sự kiện (Gesthehen) trong thế giới của tinh thần cũng như của vật thể. Tuy không thể nhận thức được bằng lý trí, nhưng Ngài cũng có thể được hiểu trực tiếp ở trong trực quan thông qua các biểu trưng tôn giáo, và Ngài đặt sứ điệp thiêng liêng của Ngài vào linh hồn của những ai dành trọn đức tin đối với Ngài. Ngược lại, đối với người nghiên cứu tự nhiên, cái duy nhất được mang lại một cách tiên khởi là nội dung của tri giác bằng giác quan và của những sự đo đạc được rút ra từ đó. Từ điểm xuất phát ấy, nhà khoa học, trên con đường của nghiên cứu quy nạp, tiến gần Thượng đế và trật tự của Ngài, trong chừng mực có thể, như cứu cánh cao cả nhất mãi mãi không bao giờ đạt tới được. Như vậy khi cả hai, tôn giáo và khoa học tự nhiên, đều cần đến niềm tin nơi Thượng đế cho hoạt động của họ, thì Thượng đế đối với một bên là sự khởi đầu, đối với bên kia là sự kết thúc của tất cả tư duy. Đối với một bên thì Ngài là nền tảng, đối với bên kia Ngài là vương miện của việc kiến tạo bất kỳ nghiên cứu nào mang tính chất thế giới quan.
Sự khác biệt này tương ứng với vai trò khác nhau của tôn giáo và khoa học tự nhiên trong đời sống con người. Con người cần khoa học tự nhiên để nhận thức, nhưng lại cần tôn giáo để hành động. Để nhận thức, các tri giác bằng giác quan chúng ta tạo thành điểm xuất phát duy nhất vững chắc ở đây, tiền-giả định về một trật tự thế giới có tính quy luật chỉ phục vụ như điều kiện tiên quyết cho việc nêu lên các cách đặt vấn đề hữu ích. Nhưng để hành động, con đường này không thể đi được, bởi vì, với những quyết định từ ý chí, chúng ta không thể chờ đợi cho đến khi nhận thức được đầy đủ hay khi chúng ta đã trở nên toàn tri. Vì chúng ta đang sống giữa cuộc đời và trước những đòi hỏi và sự bức bách đa dạng của nó, chúng ta thường phải lấy quyết định tức khắc, hay thể hiện tín niệm của mình mà một sự suy nghĩ dông dài sẽ không giúp ích chúng ta trong việc thiết lập chương trình hành động, trái lại, chỉ có sự hướng dẫn dứt khoát và rõ ràng nhận được từ mối quan hệ trực tiếp với Thượng đế. Chỉ có nó mới có thể bảo đảm cho ta một sự vững vàng nội tâm và sự thanh thản tâm hồn lâu dài, điều phải được đánh giá như là tài sản quý giá nhất của cuộc đời, và khi chúng ta quy cho Thượng đế ngoài tính toàn năng, toàn trí còn có các thuộc tính như lòng thành và tình yêu thương, thì sự trú ẩn nơi Ngài sẽ mang lại cho chúng ta, những con người đi tìm sự an ủi, một lượng cao hơn của cảm giác hạnh phúc. Từ quan điểm của khoa học tự nhiên, người ta không hề có gì để chống lại một quan niệm như thế cả bởi vì những vấn đề của đạo đức, như chúng ta đã nhấn mạnh không hề thuộc về các lĩnh vực thẩm quyền của nó.
Do đó, dù chúng ta có nhìn xa đến đâu hay nhìn về đâu đi nữa, thì giữa tôn giáo và khoa học, chúng ta không hề tìm thấy một sự mâu thuẫn nào, mà ngược lại chính trong những điểm quyết định, chúng ta lại tìm thấy sự đồng thuận trọn vẹn. Tôn giáo và khoa học - chúng không loại trừ nhau như một số người hiện nay tin tưởng hay e ngại, trái lại, chúng bổ sung và làm điều kiện cho nhau. Chắc chắn, sự chứng minh trực tiếp nhất cho tính hòa thuận nhau của tôn giáo và khoa học tự nhiên có thể được cung cấp bởi sự thật lịch sử là, chính các nhà nghiên cứu tự nhiên vĩ đại nhất của mọi thời đại, những con người như Kepler, Newton, Leibniz được thấm nhuần tính tín ngưỡng sâu sắc nhất. Ở buổi ban đầu của kỷ nguyên văn hóa chúng ta, những người chăm sóc khoa học tự nhiên và những người gìn giữ tôn giáo đều là những người kết hợp nhiều chức vụ một lúc trong một cá nhân. Ngành khoa học tự nhiên ứng dụng lâu đời nhất, ngành y khoa, nằm trong tay của các giáo sĩ, và công việc nghiên cứu khoa học trong thời Trung Cổ được tiến hành chính yếu trong các căn phòng của tu sĩ. Sau này, với quá trình tinh vi hóa và phân ngành của văn hóa, thì con đường của hai bên ngày càng xa nhau hơn, tương ứng với sự khác nhau của các nhiệm vụ mà tôn giáo và khoa học phục vụ.
Nếu tri thức và năng lực khó có thể được thay thế bằng tín niệm thế giới quan, thì cũng thế, một thái độ đúng đắn đối với những vấn đề đạo đức cũng khó có thể được rút ra từ nhận thức thuần lý trí. Nhưng hai con đường không phân kỳ, mà chúng đi song song nhau, và chúng gặp nhau trong mục tiêu chung xa vô tận.
Để có thể nhìn thấy được điều này một cách thích đáng, không có con đường nào khác hơn là sự nỗ lực tiếp tục để, một mặt, hiểu ngày càng sâu hơn bản chất và những nhiệm vụ của nhận thức khoa học tự nhiên và mặt khác của đức tin tôn giáo. Rồi chúng ta sẽ thấy ngày càng rõ hơn rằng dù :các phương pháp có dị biệt nhau - bởi khoa học làm việc chủ yếu với lý trí, tôn giáo chủ yếu với tín niệm - ý nghĩa của công việc và hướng đi của sự tiến bộ vẫn hoàn toàn trùng hợp nhau.
Đấy là một cuộc chiến đấu luôn luôn được tiếp tục, không bao giờ mệt mỏi để chống lại chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa giáo điều, chống lại sự vô thần và mê tín, mà tôn giáo và khoa học tự nhiên cùng nhau tiến hành, và khẩu hiệu dẫn đường trong cuộc chiến đấu này từ bao đời và cho tất cả tương lai, đó là: Hướng về Thượng đế!
TP Hồ Chí Minh, tháng 06 năm 2008
Nguyên Văn Trọng dịch
Lời bình của người dịch
Mọi người đều biết Max Planck là một nhà khoa học lớn, tên tuổi của ông được gắn với hằng số đặc trưng cho vật lý lượng tử (hằng số Planck). Song, ông cũng như nhiều tên tuổi lớn cùng thời với ông: A. Einstein, N.Bohr, Heisenberg... không chỉ giới hạn mình trong những sáng tạo chuyên môn vật lý lý thuyết mà còn để lại những trước tác mang nặng suy tư về sự phát triển tinh thần của xã hội loài người. Bài viết của Max Planck được giới thiệu ở đây là thuộc loại như thế. Vào thời của ông, khoa học tự nhiên đang ở đỉnh cao của vinh quang và ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến sự phát triển kinh tế mà còn tới mọi mặt của đời sống văn hóa. Trong khi đó, vào thời kỳ này, Kitô giáo ở nước Đức nói riêng và ở thế giới phương Tây nói chung đang trong xu thế đi xuống. Max Planck đề cập đến quan hệ giữa tôn giáo và khoa học tự nhiên với tư cách là nhà khoa học “muốn cố thử soi sáng đôi chút từ góc nhìn của một ngời được đào tạo trong tinh thần của công việc nghiên cứu khoa học chính xác” về mối quan hệ này. Bài diễn thuyết được đọc vào năm 1937 và sự công kích của ông đối với những người vô thần có thể được hiểu ngầm là nhắm vào chủ nghĩa phát xít. Sự bênh vực đầy thuyết phục của ông đối với tôn giáo vào một thời buổi như thế là một thái độ dũng cảm đầy trách nhiệm của một trí thức. Ta học được ở ông sự suy tư sâu sắc để dám lật lại những quan niệm đã trở thành định kiến xã hội.
Tuy nhiên, có một số nhận định của M. Planck cần được làm sáng tỏ thêm dưới ánh sáng của những hiểu biết đạt được sau này.
Quan niệm của M. Planck về tôn giáo được mở rộng ra từ Kitô giáo. Ta có thể đối chiếu với quan điểm của A. Einstein về tôn giáo1 để thấy những tương đồng và dị biệt. Thật thú vị khi được làm quen với ý kiến của các nhà khoa học lớn về tôn giáo, song có lẽ cần thận trọng khi áp dụng những quan niệm ấy để xem xét tôn giáo phương Đông. A. N. Whitehead (1861-1947) một nhà toán học kiêm triết gia, cũng nhận xét rằng Thượng đế có tính duy lý của Kitô giáo khác với Thượng đế hoàn toàn tùy tiện của châu á. Tôi không dám lạm bàn gì thêm về chuyện này vì không đủ hiểu biết. Những quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách lý thú của các tác giả Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận: Cái vô hạn trong lòng bàn tay, từ Bia bang đến giác ngộ, qua bản dịch của Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ, Nxb Trẻ 2007. Cuốn sách trình bày như một cuộc đối thoại của nhà sinh vật học phương Tây (Matthieu Ricard) đã quy y Phật giáo với nhà vật lý người Việt (Trịnh Xuân Thuận) am hiểu Phật giáo.
Trong bài viết, Max Planck bày tỏ một quan niệm cho rằng, khoa học vật lý "tạo ấn tượng cho mọi tâm trí khách quan thấy rằng tự nhiên được hướng dẫn bởi một ý chí có mục đích".Ông có vẻ như chia sẻ quan điểm của Leibniz và Maupertuis cho rằng, việc tìm ra nguyên lý tác động tối thiểu chính là “đã tìm ra được bằng chứng xác thực( chứng minh có) một lý trí cao hơn, hiện diện mọi nơi, hướng dẫn toàn thể tự nhiên”. Cần phải nhận xét rằng, điều khẳng định ấy của M. Planck không thể xem là "được chứng minh", mà chỉ có thể xem là một sự diễn giải được ông lựa chọn dựa trên niềm tin của mình. Có nhà khoa học khác có những cách diễn giải hoàn toàn khác. Chẳng hạn như nhà vật lý được giải Nobel Richard P. Feynman (1918-1988) cho rằng "sự tích to lớn của sự hiểu biết về hành vi của thế giới vật lý chỉ thuyết phục người ta rằng hành vi ấy có kiểu cách như vô ý nghĩa."(6) Trong tác phẩm Nguồn gốc của giống loài, C. Darwin cho rằng nguyên tắc chọn lọc tự nhiên không hề hàm ý phục vụ cho một mục đích nào được đặt ra, dù bởi Thượng đế hayTự nhiên. Các giống loài tiến hóa từ đơn giản lên phức tạp, nhưng không hướng tới mục đích nào hết. Mặc dù vậy, C. Darwin khẳng định: “ Ngay trong những lúc dao động trăn trở nhiều nhất tôi vẫn chưa bao giờ là người vô thần theo nghĩa là người chủ định sự hiện hữu của Thượng đế. Tôi cho rằng nói chung (khi ngày càng già nua hơn, nhưng không phải luôn luôn vậy) thì (danh hiệu) người theo thuyết bất khả tri luận ( Agnsostic)) có lẽ mô tả trạng thái tâm trí của tôi chính xác hơn."Đa số các nhà khoa học cho rằng Khoa học và Tôn giáo đề cập đến những đối tượng khác nhau, không đối lập nhau và không trùng lấp nhau, cho nên cũng kết luận như M. Planck rằng: "Tôn giáo và khoa học tự nhiên có thể sát cánh bên nhau và không va chạm với nhau."
Khoa học ngày nay không còn ở trên đỉnh cao vinh quang như thời của Planck nữa. Thời đó khoa học đã được tôn vinh quá mức và người ta đã trông đợi ở nó quá nhiều. Cần phải nhận xét một cách công bằng rằng không phải các nhà khoa học đã có thái độ như thế vì họ là những người “ thường phải quan hệ với hoài nghi và bất định” (7). Thái độ này là của dư luận xã hội thời đó. Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) đánh giá lại hoạt ông khoa học cũng như giá trị của nó (8), sự đánh giá lại này nhiều khi có huynh hướng hạ thấp giá trị của các tri thức khoa học chỉ vì tri thức khoa học cũng không phải là "chân lý" mà chỉ là một trong nhiều “tạo dựng xã lội” (social constructs) - tức là những quy ước được tạo dựng trên sự đồng thuận của một nhóm người nhất định trong xã hội. Khuynh hướng này mở đường cho nhóm tín đồ Kitô giáo tập hợp dưới ngọn cờ Chủ nghĩa Sáng thế mới (New Creationism) tấn công khoa học. Nhóm người này phản đối thuyết tiến hóa và đưa ra một lựa chọn thay thế được họ gọi là “Khoa học- Sáng thế” (Creation-science). Họ đòi đưa Sách sáng thế (Genesis) (với diễn giải khẳng định Chúa tạo ra thế giới trong 6 ngày theo nghĩa đen) vào giảng dạy trong nhà trường, ít nhất cũng ở vị thế bình đẳng với thuyết tiến hóa. Vào năm 1982 họ đã đạt được việc thông qua một đạo luật cho phép "đối xử cân bằng giữa khoa học-sáng thế và khoa học-tiến hóa" ở một vài bang của Hợp chủng quốc. Sự kiện này dẫn đến vụ kiện tụng kháng nghị lên Tòa án Tối cao liên bang năm 1987 với sự tham gia ý kiến của 2 nhà khoa học được giải thưởng Nobel và phiên tòa kết thúc với kết luận vô hiệu hóa đạo luật này. Sự kiện này có tác dụng cảnh tỉnh, khiến cho các nhà khoa học có dịp nhìn lại hoạt động của mình, minh định rõ ý nghĩa của khoa học đối với xã hội.
Như vậy, khoa học và tôn giáo trong nền văn minh phương Tây luôn ở tâm điểm chú ý của dư luận xã hội với những bước thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm. Trong khi đó nhận thức của xã hội ta hiện nay đối với cả khoa học lẫn tôn giáo đều có nhiều điều phải bàn. Có nhiều ngộ nhận về khoa học và tôn giáo khá phổ biến trong dân chúng, nhưng không được bàn luận làm sáng tỏ.
Trước hết ta hãy thử xem mọi người hiểu khoa học thế nào. Hầu như mọi người đều có thể bàn luận về khoa học và lẽ dĩ nhiên tất cả đều cho rằng mình biết rõ khoa học là gì. Thế nhưng ít người nhận thức được rằng định nghĩa khoa học không phải là chuyện dễ dàng. Những người ngoài giới khoa học thường cho rằng ít nhất các nhà khoa học cũng phải là người có thể định nghĩa khoa học một cách chính xác. Vậy mà chính các nhà khoa học thì lại có thể đưa ra những định nghĩa khác biệt nhau đáng kể, tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu cũng như chiều sâu văn hóa của mỗi người. M. Shermer(9), người xuất bản tạp chí Sketic (Người hoài nghi), một nhà hoạt động quảng bá khoa học nổi tiếng ở Mỹ, định nghĩa khoa học là: "Một tổ hợp các phương pháp trù tính nhằm mô tả và diễn giải các hiện tượng được quan sát hay suy diễn ( xảy ra) trong quá khứ hay hiện tại, và có mục đích xây dựng một khối tri thức có thể kiểm tra, để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận". (A set of metl designed to describe and interpet observed or inferred henomena, past or present and aimed at building a testable body of nowedge open to rejetion confirmation). Định nghĩa này được nhiều nhà khoa học chấp nhận là hợp lý. Thế nhưng, định nghĩa này lại để ngỏ một khái niệm mấu chốt: “ tập hợp phương pháp” khoa học. M. Shermer cũng thừa nhận rằng, định nghĩa “ phương pháp khoa học” thế nào là chuyện rất khó. Người ta viết khá nhiều về phương pháp khoa học, nhưng không có mấy đồng thuận giữa các tác giả. Điều này không có nghĩa là các nhà khoa học không biết mình làm cái gì mà chỉ có nghĩa rằng: làm một công việc và giải thích việc làm của mình là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng ý với nhau rằng những yếu tố như sau đây có quan hệ mật thiết với tư duy khoa học:
- Quy nạp: Hình thành giả thuyết bằng cách phác họa những kết luận tổng quát từ những dữ liệu hiện hữu.
- Diễn dịch: Diễn dịch ra những tiên đoán nhất định từ các giả thuyết tiên đề.
- Quan sát: Thu thập dữ liệu từ việc quan sát các hiện tượng trong tự nhiên hay từ các thí nghiệm.
- Kiểm chứng:So sánh dữ liệu thực tiễn với các tiên đoán được diễn dịch từ tiên đề để xác nhận hay bác bỏ các giả thuyết.
Tôi muốn nhấn mạnh đặc tính diễn dịch của khoa học. Lý thuyết khoa học nhất thiết phải cho phép diễn dịch tiên đoán ra những kết quả có thể kiểm chứng. Trong vật lý học, kiểm chứng có nghĩa là đo lường các kết quả thu được từ quan sát hay thí nghiệm. Lý thuyết vật lý hiện hành sở dĩ được các nhà vật lý thừa nhận như hệ hình (paradigm) là vì vô số các kết quả diễn dịch ra từ lý thuyết đều được xác nhận qua kiểm chứng thực nghiệm. Các nhà vật lý không bao giờ thay đổi lý thuyết hiện hành nếu không xuất hiện những dị thường, tức là những kết quả bất tương hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm. Lý thuyết mới, nếu được chấp nhận, không những phải giải thích được những dị thường mới xuất hiện mà còn phải giải thích được sự phù hợp của lý thuyết cũ với các quan sát và thực nghiệm đã biết. Nếu hiểu được điều này chắc nhiều người sẽ thấy được sự vô nghĩa của việc sáng tác ra những lý thuyết đòi vượt lên trên Einstein mà không cần tới những điều kiện trên. Điều đáng buồn không phải là cho tác giả của những sáng tác ấy: các nước khác cũng luôn có những người thích làm công việc như thế, họ thậm chí còn lập hội giao lưu với nhau. Đáng buồn là đám công chúng cả tin cứ nuôi hy vọng hão huyền về một thiên tài tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam đột nhiên xuất hiện từ đâu đó theo kiểu đi tắt đón đầu.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học không bao giờ coi lý thuyết khoa học là chân lý bất biến, được khám phá ra một lần cho mãi mãi. Một lý thuyết được công nhận là khoa học không đồng nghĩa với việc không thể hoài nghi về tính chân lý của nó. Lý thuyết khoa học được duy trì trong một quá trình không ngừng tương tác giữa việc quan sát, phác thảo kết luận, đưa ra tiên đoán, rồi kiểm tra lại bằng chứng xem có phù hợp hay không. Dù cho việc kiểm chứng cho thấy kết quả phù hợp thì vẫn không thể khẳng định tính chân lý của lý thuyết, bởi vì không ai biết được hai lần kiểm chứng sắp tới có cho kết quả phù hợp hay không. Đó chính là tình khả - dĩ - kiểm - sai (falsifiability) nổi tiếng của K. Popper. Hơn thế nữa, các nhà khoa học thực hiện các công việc này đều là những người trần thế sống trong những điều kiện văn hóa nhất định, nên việc nghiên cứu khoa học của họ không thể hoàn toàn độc lập với những điều kiện ấy. Tuy nhiên, tri thức khoa học vẫn được coi trọng và tin tưởng vì tính chất "có thể kiểm tra" và tính chất "để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận". Một lý thuyết không thể kiểm tra và không để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận, nhưng lại bắt mọi người phải tuyệt đối tin tưởng thì không phải là lý thuyết khoa học mà giống như một lý thuyết tôn giáo.
Ở nước ta, hầu như mọi người chỉ thấy giá trị của khoa học ở những ứng dụng công nghệ thiết thực cho đời sống vật chất, cho nên người ta dù quan tâm đến tác dụng kinh tế của khoa học. Từ đó mới có cái nhìn các nhà khoa học như một thứ nhân lực kinh tế được phân loại một cách hình thức là lao động trí óc. Sự thực lịch sử cho thấy, khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người. Chính vì cùng chung mục đích ấy mới hình thành cộng đồng những người thực hành nghiên cứu khoa học, chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa và những quy tắc nghề nghiệp nhất định. Các thành công của khoa học làm xuất hiện nền kinh tế công nghiệp chỉ là hệ quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng không phải là cứu cánh của khoa học. Một thí dụ: toàn bộ công nghệ vi điện tử hiện nay dựa trên những thành tựu của lý thuyết lượng tử trong vật lý, song các nhà vật lý sáng lập nên lý thuyết này không hề đặt ra mục đích "ứng dụng công nghệ" ấy trong nghiên cứu khoa học của họ, thậm chí họ còn không ngờ tới những ứng dụng công nghệ như thế. Cái nhìn đơn thuần "kinh tế" về hoạt động khoa học khiến người ta coi rẻ giá trị văn hóa của hoạt động khoa học, dẫn tới sự giảng dạy méo mó các tri thức khoa học trong nền giáo dục. Người ta không quan tâm truyền đạt tinh thần ham mê truy tầm chân lý kết hợp với tính trung thực như đòi hỏi tuyệt đối của đạo đức nghề nghiệp mà các nhà khoa học thể hiện trong quá trình khám phá quy luật tự nhiên, mà lại quy giản khoa học thành những giáo điều "hữu ích" cần thiết phải nhồi nhét cho người học để họ trở thành một loại nhân lực có hiệu quả cho nền kinh tế.
Nhiều người coi khoa học và tôn giáo là những thứ chống đối nhau và loại trừ nhau. Họ tưởng rằng các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học thì nhiên, nhất thiết phải là những người vô thần. Bài viết của M. Planck cho ta thấy sự thật không phải như vậy. Ngày nay, các nhà khoa học là tập hợp những người rất khác biệt nhau về thái độ đối với tôn giáo, bao gồm từ những người sùng đạo cho đến những người vô thần. Điều này chứng tỏ rằng, niềm tin khác nhau về tôn giáo của các nhà khoa học không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghề nghiệp khoa học của họ, nên không thể coi khoa học và tôn giáo là những thứ loại trừ nhau. Cần phải nhận xét rằng các tín đồ cùng thuộc một tôn giáo cũng có thể rất khác nhau về quan niệm sùng đạo tùy thuộc vào trình độ văn hóa của mỗi người.
Do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử cận đại nước ta, nhiều người không có cái nhìn thiện cảm đối với những người công khai bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo. Những người tự cho mình là vô thần thường không mấy quan tâm đến việc thấu hiểu tôn giáo mà tự bằng lòng với những định kiến ít nhiều khinh bạc đối với các tín ngưỡng. Hơn hai chục năm đổi mới đã làm thay đổi xã hội nước ta rất nhiều. Sự tăng trưởng GDP đi kèm với sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo cùng với sự đa dạng của những bi kịch đời thường những bi kịch không phải chỉ thuộc về riêng nhưng người nghèo khó. Những người bị thương tổn tinh thần thường tìm đến tôn giáo để có được sự bình an cho tâm hồn. Những người trí thức tự nhận trách nhiệm đối với cuộc sống tinh thần của dân tộc cần phải hiểu biết tôn giáo ở mức độ trí tuệ cao hơn những định kiến tầm thường.
1 Bức tranh về tòa nhà vật lý lý thuyết hiện nay đã được đào sâu hơn thời kỳ M. Planck tác phẩm này, song những điều đó không ảnh hưởng tới các luận cứ của ông ở đây. (ND)
2 Những người theo thực chứng luận cho rằng các khái niệm vật lý chỉ có tính công chứ không có ý nghĩa thực thể, họ xem nguyên tử cũng như các hạt cơ bản chỉ "khái niệm ảo thuận tiện". Xin xem thêm bài viết "Khảo luận về khoa học"của Nguyễn Văn Trọng trong tập: Einstein dấu ấn năm năm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ và Tia Sáng trang 89-249. (ND)
3 Cần lưu ý rằng không phải tất cả các nhà khoa học đều chia sẻ ấn tượng này của M.Planck (ND).
4 Khi ấy ánh sáng của ngôi sao sẽ truyền tới theo hướng vuông góc với bề mặt khí quyển và hiện tượng khúc xạ sẽ không xảy ra (ND).
5 A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, Bản dịch của Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng, Nxb Tri thức, 2005, tr.30-37
6 Richard P.Feynman, The meaning of It all, Perseus Books, Massachusetts (1998)
7 Ibid
8 Xin xem thêm Jean – Francois Lytard ( 1979), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, NXB Tri thức 2007.
9 M.Shermer, Why People Belive Weird Things: Pesudoscience and other Confusion of Our time,New Yorkd; W.H. Freeman and Company 1997.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn