Lạm bàn về vấn đề “Hoàng hôn của khoa học”

02:23 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Mười Một, 2016

Trong Tia Sáng số 18, tháng 10/2003 có bài của tác giả Phạm Việt Hưng giới thiệu quyển sách mới xuất bản của J. Horgan nhan đề Buổi hoàng hôn của khoa học (1). Bài viết đề cập lướt qua nhiều vấn đề lớn liên quan đến vừa triết học, vừa khoa học- như tác giả lưu ý- trong đó có vấn đề trung tâm là: nhận thức và khoa học có giới hạn không, liệu có "cái không thể biết được" không, và có "buổi hoàng hôn của khoa học" không?

Đó là những câu hỏi rất lớn, đồng thời rất khó có câu trả lời thuyết phục được mọi người. Nếu câu trả lời là "có” thì sẽ là một thách thức rất nghiêm trọng mà nhân loại phải đối mặt. Bởi vì khoa học là một loạt hoạt động trí tuệ (lý trí, lôgíc) kết hợp với sự hướng dẫn và kiểm tra của thực tiễn để tìm chân lý, cơ sở vững chắc cho tư tưởng và hành động nói chung và phục vụ cho lợi ích đời sống nói riêng; khoa học đã có mầm mống từ thời cổ đại, đặc biệt ở phương Đông và được phát triển mạnh mẽ ở phương Tây mấy trăm năm gần đây dù là phương Đông hay phương Tây, khoa học là tài sản chung của nhân loại, và phương Đông cũng đang ra sức đuổi kịp phương Tây về mặt này. Nếu khoa học sắp cáo chung thì nhân loại sẽ dựa vào gì để đạt mục đích nói trên? Vào trực giác? Vào tình cảm? Vào tín ngưỡng? Vào ma thuật? Vì vậy cần phân tích nghiêm túc để tìm lời giải đáp cho các câu hỏi nói trên.

Trước những câu hỏi lớn như vậy, tôi cũng xin mạnh dạn trình bày một số ý kiến để mong qua trao đổi, có thể phần nào làm rõ vấn đề được chăng?

Trước hết xin đi ngay vào câu hỏi cơ bản: Khoa học có giới hạn không? Cái gì là không thể biết? Về mặt triết học, câu trả lời là tuỳ: nếu là người ngoan đạo tin vào Chúa thì chắc chắn ý của Chúa là không thể biết được đó là một giáo lý cơ bản, không tin vào giáo lý đó thì còn gì là niềm tin vào Chúa? Nếu là kẻ vô thần mà thuộc phái hoài nghi thì sẽ lắc đầu mà rằng: chịu, chẳng biết được có hay không có! Nếu là nhà triết học duy vật biện chứng thì sẽ trả lời: vừa có, vừa không; đây không phải là một câu trả lời "ba phải". Có giới hạn là ở chỗ không bao giờ biết được tất cả, biết tuốt tuồn tuột, biết đến mức không còn gì để biết nữa, và nếu quan niệm cái gần đây một số nhà vật lý gọi là "lý thuyết tất cả" (Theory Of Everything, viết tắt là TOE) có nghĩa là biết tất cả rộng như vậy, thì không thể có cái gọi là TOE! Nhưng không có giới hạn cho khoa học vì không có cái gì là không thể biết, vì cái gì dù khó đến đâu, lạ đến đâu, một ngày nào đó loài người sẽ tìm dược câu trả lời, có khi câu trả lời sẽ rất lạ: không có lời giải. Không có lời giải hoàn toàn không có nghĩa là không biết. Thí dụ hỏi: Có thể biểu diễn nghiệm của một phương trình đại số bậc cao hơn 4 dưới dạng các căn không? Trả lời: không.

Cũng như hỏi: có thể biểu diễn thương của 17 chia cho 2 thành một số nguyên không? Một em học sinh bình thường ở phổ thông trả lời ngay là không. Lại hỏi: có ma không? Đại đa là số các nhà khoa học tự nhiên đều cười mà trả lời: không. Các câu trả lời "không “ như vậy chẳng có gì chứng tỏ nhận thức loài người hay của khoa học là có giới hạn, là có cái không thể biết.

Về mặt khoa học, cũng như vậy đối với định lý Godel và định lý Turing mà bài báo nói trên viện ra để làm căn cứ chứng minh toán học và khoa học tính toán là có giới hạn. Đối với câu hỏi: Có thể có thuật tính toán cho tất cả các loại bài toán để đưa vào cho máy tính điện tử xử lý không, Turing trả lời có và không, có loại bài toán có thuật toán, có loại không có. Một số loại bài toán không có thuật toán không có nghĩa là không có cách gì khác để giải từng bài toán cụ thể thuộc loại đó; có thể xây dựng ra một hệ tiên đề đầy đủ trong toán học không? Godel trả lời: Nói chung là không (câu trả lời này được đưa ra năm 1932 và được mọi người coi là một định lý sâu sắc nhất của lịch sử toán học, tất nhiên là có chứng minh đầy đủ tuy rất khó hiểu đối với những người thường như tôi- chứ không phải như ông Chaitin được nhắc đến trong bài báo với lời nói xanh rờn là chân lý toán học không cần chứng minh)!

Các câu trả lời nói trên của Turing và của Godel cũng giống như câu hỏi và câu trả lời sau đây ở các lớp học phổ thông: Có thể chỉ dùng thước và bút chì mà vẽ hình tròn không? Các em đều trả lời ngay là không? Đâu có phải là không có cách gì khác để vẽ hình tròn, các em học sinh dùng compa thì vẽ được ngay thôi! Các câu trả lời sâu sắc của Turing và của Godel cũng như câu trả lời đơn giản của các em học sinh phổ thông chỉ nói đến sự giới hạn của một phương pháp cụ thể như phương pháp thuật toán, phương pháp tiên đề, phương pháp vẽ hình bằng thước và bút chì, chứ không hề nói đến sự giới hạn của nhận thức của cả loài người, của cả khoa học trong suốt quá trình lịch sử của mình. Phương pháp tiên đề là phương pháp cơ bản của toán học; phương pháp tiên đề có giới hạn, vậy có phải toán học cũng có giới hạn không ? Nếu mong toán học giải quyết được tất cả các vấn đề trên trời dưới đất, thay cho vật lý, thay cho sinh học thì tất nhiên là toán học không làm được, là có giới hạn. Nhưng trong phạm vi của toán học thì toán học không có giới hạn. Hệ tiên đề nào của toán học cũng không đầy đủ, nhưng mỗi khi một hệ tiên đề cụ thể nào đó tỏ ra yếu, tức là không đủ sức để giải quyết một bài toán cụ thể nào đó thì nhà toán học vẫn được quyền xây dựng ra một hệ tiên đề khác mạnh hơn, tức là đủ sức để giải quyết bài toán nói trên; cứ như vậy mãi không ngừng, không còn giới hạn định lý Godel hoàn toàn không cấm sự phát triển đó. Cái mà định lý Godel cấm là ảo tưởng xây dựng ra được một hệ tiên đề tối hậu đủ mạnh để giải quyết tuất tuồn tuột mọi vấn đề của toán học, để sau đó tất cả các nhà toán học có thể nghỉ xả hơi. Nói một cách khác, định lý Godel chứng minh không thể có TOE, lý thuyết về tất cả, hiểu theo nghĩa rộng nhất.

Không thể có TOE nghĩa như vậy, đâu có phải là sự kết thúc hay hoàng hôn của khoa học, đâu có phải là thời đại các khám phá vĩ đại đã qua rồi. Trái lại, nếu có một TOE như vậy thì sau đó chắc chắn là khoa học sẽ được cho vào bảo tàng, các nhà khoa học sẽ thất nghiệp vì không có việc gì lớn đáng làm để làm, trừ những việc khai thác cái TOE đó và ứng dụng nó vào những việc có ích như lời an ủi trong bài báo, nói một cách hình ảnh tức là chỉ còn công việc quét dọn, giữ gìn, sứ dụng một lâu đài khoa học đã hoàn thiện, không còn được lên tầng, mở rộng, sửa sang, thay đổi gì nữa!

Bài báo mong là sẽ có Godel và Turing cho vật lý, sinh vật và khoa học nói chung. Không biết có thể có không nhưng chắc chắn không phải để chứng minh ở các lĩnh vực đó cũng như ở toán và máy tính là có cái gì đó thuộc "ý của Chúa" không thể biết. Không có nghiệm dưới dạng các căn nói chung cho tất cả các phương trình đại số, không có thuật toán nói chung cho tất các các loại bài toán, không thể có một hệ tiên đề toán học cụ thể nào là đầy đủ: đâu có phải đó là "ý của Chúa" huyền diệu mà loài người mãi mãi không hiểu được(2).

Không nên kéo cả Khổng Tử vào cuộc với lời khuyên nổi tiếng của ngài: "Biết thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, đó là biết", rồi thán phục việc gặp gỡ sau 25 thế kỷ giữa phương Đông và phương Tây trong việc xác định giới hạn sự nhận thức của loài người.

Ai cũng biết Khổng Tử không thích bàn chuyện triết học xa xôi, viển vông. Câu nói của ngài chỉ có nghĩa như nhân dân ta thường răn: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Khổng Tử chỉ đặt giới hạn cho sự hiểu biết một lúc nào đó của một con người nào đó, chứ ngài không hề đặt giới hạn cho sự nhận thức nói chung của cả loài người. Khổng Tử còn nói "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" (năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời) kìa mà: mệnh trời chẳng phải là “ý Chúa" sao?

Nói tóm lại, nếu Horgan căn cứ vào khả năng không thể có TOE và vào các định lý nổi tiếng của Godel và Turing để kết luận: nhận thức khoa học là có giới hạn, rằng "ý của Chúa" không thể biết được... thì đó là một sự hiểu lầm không bé chút nào; "thời đại các phát minh vĩ đại của khoa học đã quả“ là "buổi hoàng hôn -hay sự cáo chung (the end) - của khoa học đã đến thì thật là bi quan hoặc mừng rỡ quá vội vàng.

Xa thì như các vấn đề của vũ trụ học - dâu có phải thuyết vụ nổ lớn đã giải quyết tất cả mà trái lại nó đặt ra bao nhiêu vấn đề hóc búa đòi hỏi câu trả lời, trừ khi tin rằng đó là lý thuyết về Chúa sáng tạo ra thế giới theo Kinh Thánh và đến đó là phải chấm dứt tìm hiểu.

Gần thì ngay trong chúng ta, bộ não con người hoạt động thế nào ? Có thể chế tạo được trí tuệ nhân tạo không?... là những vấn đề rất lớn, có ý nghĩa khoa học, triết học, nhân văn, ứng dụng cực kỳ quan trọng.

Không cường điệu chút nào nếu nói rằng làm rõ các vấn đề đó còn vĩ đại gấp nhiều lần lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử, mặc dù hai lý thuyết này dã là bằng chứng rực rỡ cho trí tuệ của loài người. Chẳng có căn cứ gì để nói rằng vũ trụ và bộ óc con người là "cái không thể biết được", là "ý của Chúa". Vậy sao có thể tuyên bố thời đại các khám phá vĩ dại dã qua, sự cáo chung của khoa học đã đến.

Trước khi kết thúc- tuy rằng còn nhiều vấn đề cần nói - tôi muốn nhắc đến việc không nên nhân bản vô tính con người. Đây là vấn đề cân nhắc lợi hại về nhiều mặt, chứ không phải là vấn đề triết học hay khoa học về giới hạn của nhận thức hay về cái không thể biết (đó có thể là vấn đề không nên biết hay đúng hơn là không nên làm), cũng như việc Einstein từng ân hận đã ký vào thư đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt cần chế tạo bom nguyên tử (3), hay cuộc tranh luận hiện đang diễn ra liệu có nên phổ biến và sử đụng các loại cây được thay đổi về di truyền hay không.

Đây không phải lần đầu tiên người ta nghe tiếng chuông cảnh báo về sự cáo chung (hay buổi hoàng hôn) của khoa học, và chắc cũng chưa phải là lần cuối cùng chúng ta được nghe tiếng chuông như vậy.

Cuối thế kỷ XIX ở Tây Âu, khi vật lý học bị khủng hoảng, đã có nhiều lời tuyên bố trong vui mừng sự phá sản của khoa học. Sang thế kỷ XX, với sự hình thành cơ học lượng tử, lại rộ lên tiếng than thở "thôi thế là khoa học đi đời", vì khoa họe gì mà lại bị nguyên lý bất định của Heisenberg cấm đoán. Bây giờ đầu thế kỷ XXI, người ta nhớ lại định lý Godel đã được công bố từ lâu (1932) để chứng minh buổi hoàng hôn của khoa học đã đến và thời đại các khám phá vĩ đại đã qua rồi.

Cũng từ lâu, người ta đã nghe đến những điều không thể biết, đến các "vùng đất cấm” đối với khoa học. Đầu thế kỷ XIX, người ta tuyên bố khoa học chỉ có thể nghiên cứu ở các chất vô cơ, vô tri vô giác thôi, đừng có hòng đi vào các chất hữu cơ do sự sống sinh ra. Sau 1828, khi Wohler đã tổng hợp được chất urê thì lại có sự cấm đoán: ử thì có thể nghiên cửu chất hữu cơ nhưng không thể nghiên cứu sự sống là đất cấm của Chúa. Nhưng khoa học tìm ra sự tiến hoá của sự sống và cấu trúc phân tử của ADN thì sau đó người ta lại răn đe: đừng có đụng chạm đến ý thức vì đó thuộc về linh hồn, sản phẩm riêng của Chúa. Tiếc là các lời cấm đoán đó đều không dược nghe theo: cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khoa học lại đang di sâu vào sự hoạt động của bộ não, cơ quan của ý thức, và dám cả gan bàn đến việc chế tạo trí thông minh nhân tạo cũng như đang mon men muốn làm nhân bản vô tính con người. Nếu không nên làm cái việc "tà đạo" đó thì chắc chắn không phải vì nhận thức của loài người có giới hạn mà chỉ vì hiện nay thấy không nên làm vì còn quá nhiều vấn đề chưa rõ, và cũng không phải vì vậy mà khoa học dã đến buổi hoàng hôn!

Tại sao lại có một sự dai đẳng như vậy trong việc cấm đoán và sự mong đợi cùng với vui mừng khi có tín hiệu mù mờ gì đó là khoa học sắp hết thời ? Âu - Mỹ - kể cả một số nhà khoa học “khả kính” rất thấm đậm niềm tin vào Chúa, một giáo lý đã chi phối cuộc sống của Âu- Mỹ gần hai ngàn năm nay. Tuy nhiên, niềm tin đó hiện nay đã suy giảm đi nhiều so với thời kỳ trung cổ, nhưng vẫn còn dấu ấn rất sâu trong tiềm thức: chắc không còn nhà khoa học nào tin là Chúa đã sáng tạo ra thế giới trong 7 ngày và Chúa đã tạo ra Ađam từ cục đất và Eva từ một miếng xương sườn của Ađam, nhưng vẫn không ít nhà khoa học tin là Chúa đã sáng tao ra thế giới tù hư vô, và tôi đã nghe có nhà khoa học được giải thưởng Nobel về sinh lý học tuyên bố Chúa chỉ thổi linh hồn vào các bào thai khi nó đã được 3 tuần lễ tuổi trong bụng mẹ (tất nhiên nhà khoa học đó được giải Nobel không phải vì ý nghĩ này)(4).

Nói chung các tín ngưởng và nhiều trường phái triết học duy tâm rất nghi kỵ, dè bỉu và ác cảm với lý trí, với trí tuệ của con người, đề cao niềm tin chỉ vào trí tuệ thiêng liêng rủa các thần linh, cho trí tuệ của con người là ngông cuồng, ngạo mạn, dám tìm hiểu "ý của Chúa" và dám đặt những câu hỏi nghi ngờ các giáo lý; cần ngăn cấm và trừng trị như trừng trị Prométhée đã ăn cắp và cho loài người lửa thiêng (tức là trí tuệ) của Jupiter, thần chúa tể ở trên trời. Ai muốn có hiểu biết thì phải mua với cái giá là bán linh hồn cho quỷ dữ: đó là thông điệp trong các chuyện dân gian của Âu- Tây từ thời trung cổ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.


(1 ) Trong bài báo nói trên có ghi rõ tên cuốn sách của Horgan là “The end of Science”. Như vậy dịch là sự cáo chung (hay sự kết thúc) của khoa học thì đúng nghĩa hơn. Dịch là Buổi hoàng hôn của khoa học thì có vẻ gượng nhẹ đối với khoa học quá.

(2) Có phải rất quá lời khi bài báo nói đến "tổn thất không kể xiết" mà trào lưu toán học mới gây ra? Chắc cái gọi là "toán học mới" này chi trường phái Bourbaki ở Pháp với việc ứng dụng triệt để phương pháp tiên đề? Cần phân biệt những đóng góp rất lớn của trường phái này cho toán học với việc áp đụng máy móc phương pháp tiên đề trong toán học hiện đại vào việc cái cách dạy và học toán tại phổ thông ở một số nước.

(3) Vì có tin tình báo rằng Hitler đang khẩn trương cho nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử nên một số nhà báo họp ở Hoa Kỳ đá đề nghị Einstein với uy tín của mình ký vào bức thư gửi Tổng thống Roosevelt đề nghị phải đi trước Hitler. Sau này, khi Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Einstein đá ân hận nói: Nếu tôi biết việc xảy ra như thế này thì không gọi nào tôi ký bức thư nói trên.

(4) Đó là nhà khoa học J.Egcles mà câu nói "nổi tiếng" trên đây được nhắc lại trong tạp chí La Recherche, số 287 tháng 5/1996, trang 64. Năm 1999, Hội đồng giáo dục bang Kansas của Hoa Kỳ ra Nghị quyết cấm dạy học thuyết Darwin vì học thuyết đò trái với Kinh Thánh. Nghe đâu gần đây Nghị quyết đó đã được bãi bỏ vì có sự đấu tranh của các nhà trí thức tiến bộ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giới hạn của nhận thức

    23/09/2014Đỗ Kiên Cường“Tự nhiên như người đàn bà ưu làm đỏm, khi thì phơi bày phần này, khi thì phơi bày phần khác trên cơ thể của mình. Và người chiêm ngưỡng kiên nhẫn đến một lúc nào đó sẽ nhìn thấy tất cả”. Đầu thế kỷ XIX, nhằm ca ngợi khả năng vô hạn của nhận thức, nhà khoa học Pháp lừng danh, hầu tước Laplace (1749-1827), được người đương thời xem là có đóng góp khoa học chỉ sau Newton, đã thốt lên nhận định bất hủ như vậy. Hỏi còn gì ve vuốt trí tuệ loài người hơn?
  • Buổi hoàng hôn của khoa học

    23/12/2005Phạm Việt HưngVấn đề giới hạn của nhận thức ngày càng trở thành quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề của triết học, mà của chính khoa học, ảnh hưởng đến các định hướng nghiên cứu khoa học. Vào thời điểm bản lể chuyển từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, nó đã trở thành một trong các đề tài nghiên cứu khoa học được chú ý nhất.
  • Giới hạn của khoa học và khoa học về giới hạn

    17/12/2005Phạm Việt HưngTrong khi các nhà khoa học có xu hướng chứng minh rằng những cái tưởng là bất khả thực ra là khả, thì ngược lại các nhà triết học có cái nhìn sâu xa hơn rằng nhiều cái tưởng là khả hóa ra lại là bất khả. Từ đó Barrow làm một cuộc tổng kiểm kê các thành tựu nhận thức của nhân loại trong thế kỷ 20 để chỉ ra hàng loạt bài toán bất khả mà loài người đã từng phải trả giá cho thấy thực ra hiện tượng bất khả xuất hiện trên mọi lĩnh vực nhận thức, từ hội họa, nghệ thuật, đến kinh tế, khoa học, chính trị…
  • Các giới hạn khoa học

    12/12/2005Jean Fourastié, Đặng Mộng Lân dịch... tác giả đã chỉ ra các giới hạn kinh điển trong đó nêu rõ phần lớn thực tại cảm quan bị tuột khỏi lập luận thực nghiệm (bản chất của sự vận động khoa học) trước khi chuyển sang “Suy nghĩ về các giới hạn khác”...
  • Các giới hạn của khoa học

    13/11/2005Trịnh Nguyên Huân (dịch)Wigner đã xuất phát từ sự tăng trưởng của khoa học để đi đến các giới hạn tự nhiên của khoa học mà nói cho đúng là khoa học “của chúng ta”. Các giới hạn đó, theo cách hiểu ấy về khoa học nằm trong trí tuệ của con người, trong khả năng ham thích và ham học của con người, trong ký ức và các phương tiện dùng cho sự giao lưu của con người, tất cả có liên quan đến một quãng đời nhất định của con người. Khoa học đó không thể tăng trưởng theo kiểu dịch chuyển một cách vô hạn với ngành mới sâu sắc hơn ngành cũ hay ít nhất cũng bao hàm ngành cũ, mà phải là một kiểu khác – sự dịch chuyển kiểu hai, kiểu dịch chuyển này có nghĩa là chúng ta không thể đạt đến sự hiểu biết đầy đủ cho dù là về thế giới vô tri vô giác.
  • Mun-Đa-Sép, chiếc cầu nối giữa khoa học và huyền học

    12/10/2005Trần Trung PhượngTừ trước tới nay, trong quan niệm của nhiều người, khoa học và huyền học (Mystique hoặc Mysticisme) là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt thậm chí đối lập lẫn nhau. Một bên thuộc lĩnh vực lý trí đòi hỏi phải có sự phân tích chứng minh và dựa trên một nền tảng thực nghiệm vững chắc và một bên lại đề cao thứ cảm thức có tính chất trực giác, bí nhiệm về một loại đối tượng không hoặc khó có thể xác định bằng bất cứ một phạm trù khoa học nào. Thậm chí, từ một quan điểm thuần lý và cực đoan, có ý kiến cho rằng huyền học là một biến tướng của chủ nghĩa duy tâm ngu dân, một loại tàn dư của mê tín dị đoan từ thời xa xưa...
  • xem toàn bộ