Xây dựng cộng đồng doanh nhân

04:02 CH @ Thứ Hai - 12 Tháng Mười, 2015

I. Vị trí của doanh nhân trong xã hội hiện đại

Chính sách Đổi Mới đã góp phần xoá bỏ cái nhìn định kiến từ lâu của xã hội về tầng lớp doanh nhân, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển đột phá của kinh tế tư nhân với những doanh nhân có năng lực, có quyết tâm và ý chí thành đạt. Tuy nhiên, đến nay vẫn không ít người đặt câu hỏi: Vị trí của doanh nhân Việt Nam trong xã hội đã thực sự được cải thiện chưa?

Chúng tôi cho rằng vị trí của doanh nhân đã được nâng lên đáng kể nhưng chưa tương xứng với vai trò của họ đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay, trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ của xã hội, doanh nhân vẫn không được coi trọng, vẫn bị coi là những kẻ bóc lột, doanh nghiệp tư nhân dường như vẫn còn mặc cảm tự ti trong quan hệ với doanh nghiệp nhà nước, với các cơ quan của nhà nước. Thậm chí, do bị ảnh hưởng của tư duy cũ, ấu trĩ nên chính các doanh nhân cũng không hoàn toàn dám tin vào vai trò và sứ mạng của mình. Một điều đáng buồn nữa là, ngay trong nội bộ Đảng, vấn đề Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không vẫn còn chưa ngã ngũ. Điều này cho thấy vấn đề chưa được nhìn nhận một cách khách quan và khoa học.

Có nhiều cách lý giải vấn đề này nhưng theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là cho đến nay chúng ta chưa xây dựng được hệ tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh của doanh nhân cũng như cộng đồng doanh nhân Việt Nam.Gần đây báo chí tuyên truyền rầm rộ các giải thưởng sao đỏ, sao vàng trao cho những doanh nhân xuất sắc như là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với giới doanh nhân. Thực ra, đó chỉ là những động thái chính trị nhằm khích lệ các doanh nhân chứ chưa phải là thái độ cần có của nhà nước đối với tầng lớp này. Chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa cách nhìn của Đảng và 'cách nhìn của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân. Cách nhìn của Đảng quan trọng nhưng hoàn toàn không căn bản bằng cách nhìn của xã hội. Phải nhìn nhận rằng, cái mà doanh nhân đi tìm chính là địa vị xã hội, họ muốn khẳng định địa vị xã hội của mình, trong đó địa vị chính trị chỉ là một thành tố của địa vị xã hội chứ không phải là tất cả, và cũng không phải doanh nhân nào cũng đặt mục tiêu tìm kiếm địa vị chính trị. Việc tôn vinh bằng sao đỏ, sao vàng không có nghĩa là địa vị chính trị của giới doanh nhân đã thay đổi. Thực tế, cũng có một số doanh nhân đi tìm địa vị chính trị một cách chính đáng, nhưng cũng có một số doanh nhân tìm kiếm địa vị chính trị bằng cách liên kết với các thế lực chính trị thoái hóa hay tận dụng các sơ hở của nhà nước, và điều này đã tạo ra sự liên minh không minh bạch giữa chính trị và kinh tế. Đây là khía cạnh cần lên án hơn cả vì nó báo hiệu sự không lành mạnh của xã hội. Trong xã hôi dân sự, sự liên minh này, nếu có, sẽ bị kiểm soát bởi cơ chế dân chủ và cả những tiêu chuẩn văn hóa chính trị và văn hóa kinh doanh tiến bộ. Tóm lại, việc can thiệp với những mục đích chính trị vào đời sống kinh doanh hay sự liên minh không lành mạnh giữa kinh tế và chính trị đều cho thấy dấu hiệu của những yếu tố tiêu cực trong việc hình thành cộng đồng kinh doanh.

II. Những sai lầm trong việc xây dựng cộng đồng doanh nhân

Hiện nay, xu hướng thành lập các hiệp hội, đặc biệt là các hiệp hội kinh doanh, là hội của những người cùng kinh doanh một ngành nghề nào đó như Hội nuôi ong, Hội những người làm vườn Việt Nam hay Hội chăn nuôi... đang rất phổ biến. Tuy nhiên, nhìn chung, các hiệp hội doanh nghiệp và nghề nghiệp của chúng ta vẫn dừng lại ở trạng thái câu lạc bộ hơn là các tổ chức có định hướng chiến lược dài hạn.Đó là nơi hội hè, gặp gỡ của những người mà lợi ích về cơ bản không gắn với lợi ích thực sự của những người làm nghề. Về hiệu quả hoạt động, các hiệp hội của chúng ta hoạt động thụ động và hình thức, không có nhiều khả năng, cả về tài chính lẫn chuyên môn, để hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một xu hướng khác là chúng ta hô hào phát triển làng nghề, tức là phát huy tâm lý "buôn có bạn, bán có phường" hay phát huy "tâm lý tiểu thương"- vốn có nguồn gốc từ tâm lý tiểu nông. Làng nghề là mô hình kinh doanh cạnh tranh theo kiểu lệ làng, chứ không phải cạnh tranh theo Luật Doanh nghiệp. Chính sách phát triển làng nghề, như vậy, đã góp phần hỗ trợ biến nông dân từ tiểu nông thành tiểu thương. Cách thức thành lập các hiệp hội doanh nghiệp và nghề nghiệp hiện nay cũng góp phần biến nông dân lừ tiểu nông thành tiểu thương. Và kết quả là, chúng ta không chỉ có tâm lý tiểu nông ở nông thôn mà còn có tâm lý tiểu thương ở thành phố.

Cạnh tranh luôn là động lực cho mọi sự phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh là cần thiết để tạo không gian phát triển cho các doanh nghiệp và chính cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy nhu cầu hợp tác và hình thành các hiệp hội. Đấy cũng là lẽ thường vì suy cho cùng càng phát triển cao, con người càng có nhu cầu liên kết, cộng tác với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn hơn. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu phát triển nền kinh ta thị trường, tức là mới làm quen với vấn đề cạnh tranh, nhưng đã thành lập hàng loạt các hiệp hội như tà động thái chính trị nhằm dàn xếp, hòa giải cạnh tranh. Đáng ngại hơn, chính việc thành lập các hiệp hội, cộng đồng chủ yếu cho mục tiêu "quản lý" trong thời gian qua đã làm nhòa đi sự phân biệt giữa các yếu tố lành mạnh và không lành mạnh của đời sống kinh doanh. Điều đó cũng có nghĩa là, một cộng đồng doanh nhân thực sự chưa ra đời nhưng cơ cấu, thể chế để điều hành nó đã được hình thành trước đó. Kết quả tất yếu của sự can thiệp này là chúng ta không có cộng đồng doanh nhân thật, giải quyết những vấn đề thật của đời sống kinh doanh. Các hiệp hội trở thành nơi dung dưỡng, tạo điều kiện cho các cá thể yếu kém và cơ hội tồn tại. Mặt khác, các cá thể yếu kém trong những cộng đồng mang chất lượng như vậy bị trói buộc bởi sự "kiểm soát" của nhà nước, càng không được tạo động lực để vươn lên. Tiếp tục tồn tại với những cá thể yếu kém như vậy, chúng ta sẽ không thể có một cộng đồng doanh nhân mạnh với những phẩm chất như đoàn kết, hợp tác để đương đầu với các cộng đồng khác trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Như vậy, sai lầm cơ bản trong quan điểm xây dựng cộng đồng doanh nhân chính là chúng ta đã đi ngược lại quy luật tự nhiên: đó là cộng đồng doanh nhân được hình thành khi và chỉ khi mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân kinh doanh là những cá thể phát triển hoàn chỉnh. Nếu không có các doanh nhân mạnh thì sẽ không có cộng đồng doanh nhân mạnh. Nói cách khác, việc xây dựng cộng đồng doanh nhân phải bắt đầu từ các cá thể chứ không phải từ tổ chức, tức là nhất thiết không được cưỡng ép do những yêu cầu chính trị như hiện nay. Sai lầm này bắt nguồn từ chính tư duy của chúng ta, từ lâu vẫn coi mỗi người cứ sinh ra đã là một cá thể. Đó là một cách nghĩ sai về bản chất vì cá thể không chỉ là một thực thể sinh học mà nó còn phải là một thực thể văn hóa. Đây cũng chính là nguyên nhân của sự hình thành muộn hệ tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh của doanh nhân cũng như cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng, khi phát triển đến một mức độ nhất định, do nhu cầu cạnh tranh và đòi hỏi của đời sống kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hình thành cộng đồng, hình thành các hội nghề nghiệp một cách tự nhiên và tự nguyện.



III. Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp

Một cộng đồng doanh nhân theo nghĩa phải là một cộng đồng doanh nhân được hình thành do nhu cầu tự nhiên của đời sống kinh doanh và phù hợp với các quy luật cạnh tranh. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường với nòng cốt là các doanh nghiệp mạnh, do đó, mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải là phát triển mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp trở thành một cá thể chuyên nghiệp.

Chúng ta đều biết rằng, căn nguyên sâu xa của sự chênh lệch phát triển giữa phương Đông và phương Tây nằm ở sự giải phóng cá nhân, giải phóng sức sáng tạo và phát triển năng lực của mỗi cá nhân. Phương Tây phát triển trên cơ sở sức sáng tạo cá nhân được giải phóng, cá nhân trở thành module cơ bản cho mọi tiến trình xã hội. Khác với phương Tây, cộng đồng luôn được coi trọng và xem như một phẩm chất của người phương Đông, và chính nó hình thành lối sống dựa vào cộng đồng, quy mô sản xuất nhỏ và lạc hậu. Nói cách khác, phương Đông kém phát triển vì các giá trị cá nhân, các quyền con người chưa được khẳng định và tôn trọng đúng mức. Khẳng định các quyền cá nhân, các giá trị cá nhân là đòi hỏi tất yếu để giải phóng mỗi cá nhân, tạo động lực cho mọi sự phát triển.

Sức ép cạnh tranh từ toàn cầu hóa và hội nhập đòi hỏi mỗi nền kinh tế trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp phải luôn mài sắc năng lực và phẩm chất của mình. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, sự non yếu của cộng đồng doanh nhân là tất yếu. Không thể đòi hỏi những cá nhân trong một cộng đồng kinh doanh còn kém phát triển như Việt Nam có ngay được những phẩm chất như các cá thể ở các cộng đồng phát triển. Do đó, việc làm cần thiết hiện nay là phải nghiên cứu các quy luật hình thành cộng đồng doanh nhân Việt Nam với tư cách là tập hợp các cá thể hoàn chỉnh cả về kỹ năng, trình độ và các tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh. Nếu chưa hoàn chỉnh các tiêu chuẩn văn hóa của một cá nhân thì chưa có cá thể như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là xây dựng các tiêu chuẩn văn hóa để có những cá thể hoàn chỉnh, mà còn phải biết phân loại cá thể và cộng đồng hóa cá thể. Để phân loại được cá thể cần phải hiểu cá thể, phải nghiên cứu cá thể. Như vậy, “có cá thể, hiểu cá thể phân loại cá thể và cộng đồng hóa cá thể" là một chuỗi logic. Nếu không nghiên cứu cá thể thì không phân loại được cá thể không phân loại được cá thể thì không thể cộng đồng hóa được cá thể, không cộng đồng hóa được cá thể thì không thể quản lý và hỗ trợ cho chính các cá thể. Cần phải tuân theo chuỗi logic này để đảm bảo rằng sự hình thành cộng đồng kinh doanh dựa trên nền tảng các giá trị cá nhân, các quyền con người được khẳng định và tôn trọng, sức sáng tạo cá nhân được giải phóng.

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển, hoàn thiện các cá thể để có một cộng đồng mạnh không chỉ dừng lại ở đây, nó đòi hỏi tiếp tục lật lại vấn đề tính cộng đồng. Đó là, có nhất thiết và duy nhất cần thiết phải xây dựng tính cộng đồng kinh doanh với ý nghĩa để cộng đồng kinh doanh người Việt cũng có tính liên kết tập thể cao giống như cộng đồng kinh doanh người Hoa hay không? Sự hài hòa giữa tính tập thể và tính cá thể trong một cộng đồng là câu trả lời của chúng tôi. Cộng đồng là nhu cầu của con người, sự hình thành cộng đồng là tất yếu, nhưng mỗi cộng đồng người có những phẩm chất riêng, do đó chỉ có thể hình thành cộng đồng người Việt hay các nhà kinh doanh người Việt chứ không thể đòi hỏi cộng đồng người Việt có những phẩm chất của cộng đồng người khác. Tính tập thể không phải là duy nhất cần thiết vì bản thân yếu tố này cũng hàm chứa không ít điểm yếu, đó là tính không bền vững, kém năng động, sáng tạo hay dễ bị bó méo. Thậm chí có người còn cho rằng, tính cộng đồng càng cao thì bản lĩnh cá thể càng kém và ngược lại ở nhiều nước phát triển, các hiệp hội luôn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ, nhưng là sự kiểm soát của pháp luật. Mục đích thành lập các hiệp hội chính là tăng cường bản lĩnh của các cá thể thành viên nhằm duy trì sự tồn tại khách quan, hiệu quả của hiệp hội. Tính cá thể kết hợp với tính liên kết tập thể sẽ tạo thành sức mạnh cho cả cộng đồng. Do đó, chúng tôi cho rằng, không nên tiếp tục nhấn mạnh thái quá tính tập thể hay tính cộng đồng một khi đã xác định mục tiêu là xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam chuyên nghiệp với những cá thể chuyên nghiệp.

Việc hình thành cộng đồng kinh doanh Việt Nam bị cản trở bởi không ít những yếu tố văn hóa lạc hậu và tiêu cực, trong đó có tâm lý tiểu nông. Tuy nhiên, cần nhắc lại là vấn đề vẫn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta tiếp tục coi tâm lý tiểu nông là đối tượng để công kích, phê phán. Chừng nào chưa xây dựng được các tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa của doanh nhân với tư cách là các cá thể hoàn chỉnh thì chúng ta chưa có được một nền văn hóa kinh doanh Việt Nam, tức là chưa có một cộng đồng doanh nhân theo đúng nghĩa. Theo chúng tôi, cần phải giải quyết tận gốc vấn đề, đó là cải cách văn hóa để giải phóng chính chúng ta khỏi tư duy cũ, thứ tư duy không dựa trên nền tảng là các giá trị cá nhân, các quyền con người. Điều đó cũng có nghĩa là thừa nhận những giá trị nhân văn thực sự trong đó thừa nhận các giá trị cá nhân là giải pháp căn bản cho việc xây dựng cộng đồng không chỉ cho giới doanh nhân mà cho tất cả các giới khác trong xã hội.

Tóm lại, mục tiêu xây dựng một cộng đồng doanh nhân mạnh phải là phát triển những cá thể hoàn chỉnh không chỉ về năng lực, trình độ mà cả các tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh. Cộng đồng kinh doanh phải được hình thành tự nhiên do nhu cầu của cuộc sống chứ không phải do nhu cầu chính trị và trở thành nơi ẩn nấp của các cá thể yếu kém như hiện nay. Do đó, xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam chuyên nghiệp phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu các tiêu chuẩn văn hóa của lực lượng doanh nhân để hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa từng cá thể cũng tức là xây dựng một nền văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến nhằm phát huy vai trò thực sự của các doanh nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đôi điều về trách nhiệm cá nhân

    14/11/2018Nguyễn Ngọc BíchTrước các tổn thất vô hình và hữu hình mà xã hội đã chịu, vấn đề trách nhiệm cá nhân đang được công luận nêu lên. Qua hai lý do trình bày dưới đây, độc giả có thể chia sẻ lo ngại của tôi rằng vấn đề này còn phải mất nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
  • Công bằng với doanh nhân

    11/10/2018Tô PhánAi cũng cần có sự công bằng, doanh nhân cũng vậy. Công bằng với doanh nhân trước hết là thái độ công bằng của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các nhà báo và của toàn xã hội khi đánh giá đúng – sai, cái hay và chưa hay. ..
  • Doanh nhân dưới lăng kính văn hóa

    18/05/2015Nguyễn Trần BạtKhi kinh doanh trở thành một nghề thực sự, được trọng vọng trong xã hội, thì những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại cần được xác lập...
  • Nhà báo, chữ tín và doanh nghiệp

    13/01/2006Beth Erickson (Sơn Tùng dịch)Một tờ báo sẽ phải xây dựng những quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp như thế nào khi các nhà báo ở đó cần phải xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nuôi dưỡng nguồn tin của mình?
  • Cá nhân và sự phát triển của cá nhân trước những yêu cầu và trong điều kiện hiện nay ở nước ta

    12/01/2006Đoàn Đức HiếuTừ cái nhìn toàn diện, “con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử; cao hơn nữa, con người là chủ thể sáng tạo ra lịch sử; và điều còn quan trọng hơn, con người phải là những chủ thể văn hoá”(3). Chỉ có thể đứng trên quan điểm đó mới thấy hết xu thế và khả năng phát triển của con người với tư cách là cá nhân trong thời đại ngày nay...
  • Đạo đức doanh nhân Việt Nam hiện nay

    05/01/2006PGS.TS Phạm Duy ĐứcTrong bài viết này chúng tôi không đề cập vấn đề đạo đức Doanh nhân là gì? Nội dung đạo đức Doanh nhân gồm những phẩm chất nào? Các vấn đề đó đã được trình bày trong giáo trình của khoa học Quản trị kinh doanh. Ở đây, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cơ bản về đạo đức Doanh nhân Việt Nam đặt ra hiện nay...
  • Bàn về “văn hóa doanh nhân”

    03/01/2006Dương Trung QuốcNói đến “Văn hóa doanh nhân” hay “Văn hóa doanh nghiệp” chúng ta rất dễ sa vào một xu thế đang thời thượng là dường như toàn xã hội đang đi tìm cái căn cước văn hoá của mình. Đã có văn hoá ẩm thực, văn hoá làng xã, văn hoá đô thị... nay lại có văn hóa doanh nhân...
  • Trách nhiệm mơ hồ(?!)

    28/12/2005Tô Phán8 vị nguyên là lãnh đạo hoặc là lãnh đạo đương nhiệm ở các cơ quan nhà nước đã giải trình về trách nhiệm trong vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo. Thật trùng hợp, các bản giải trình đều có chung ít nhất 4 điểm cơ bản...
  • Giá cả và giá trị!

    24/12/2005Thực tế cuộc sống buộc chúng ta phải chấp nhận rằng có rất nhiều thứ giá trị nhưng không có giá về mặt tiền bạc và ngược lại, vô khối thứ đắt giá nhưng lại chẳng đáng hoặc không mấy giá trị...
  • Doanh nhân phải biết làm việc với người thông minh hơn mình

    02/12/2005Đây là một trong những nguyên tắc vàng mà triệu phú người Mỹ làm ăn ở Thái Lan William E. Heinecke cho rằng một người khởi nghiệp nhất thiết cần phải có...
  • Kinh Tế thị trường và Xã hội Công dân như một Hệ thống: Trường hợp Việt Nam

    22/11/2005Vũ Quang Việt, Ph.d. kinh tế, New York UniversityBài viết này thử nhìn kinh tế thị trường và xã hội công dân như một hệ thống và điểm lại tình hình Việt Nam qua một số kết quả nghiên cứu của tác giả về kinh tế Việt Nam đã xuất bản hoặc mới chỉ phổ biến hạn hẹp trong vòng bạn bè...
  • Kinh tế học và chính sách kinh tế

    11/11/2005Lê Văn CườngTrong bất kỳ một quốc gia nào, mọi công dân, từ những nhà lãnh đạo đến người dân bình thường, đều mong muốn kinh tế học phục vụ tốt để phát triển kinh tế cho nước mình. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Là một người lãnh đạo, theo tôi cần phải nhận thức được những hạn chế sau đây của kinh tế học...e
  • Tôn vinh hơn nữa doanh nghiệp và doanh nhân

    21/10/2005Ngọc MinhTrong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, doanh nghiệp không ra doanh nghiệp, doanh nhân không ra doanh nhân. Doanh nghiệp hoạt động theo sự chỉ định, doanh nhân chỉ là người thừa hành, hoạt động không vì lợi nhuận, lỗ lãi do Nhà nước lo, tiêu dùng do Nhà nước phân phối định lượng. Kết quả Nhà nước phải đi vay để nuôi doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp nuôi Nhà nước - một quy trình ngược, quy trình phi kinh tế...
  • Nhân – Trí – Dũng của doanh nhân

    15/10/2005TS. Lê Đăng DoanhDoanh nhân bước chân vào con đường kinh doanh tất nhiên là để làm giàu, đồng vốn của mình sinh sôi nảy nở. Nhưng để trở thành lực lượng đi đầu làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ , văn minh”, tầng lớp doanh nhân phải hội đủ ba yếu tố: nhân – trí – dũng...
  • Tiêu chuẩn doanh nhân theo quan niệm Phương Đông

    27/07/2005Vũ Quốc TuấnTại nhiều nước trên thế giới, đã hình thành những tiêu chuẩn người lãnh đạo doanh nghiệp.
    Đối với nước ta hiện nay, có thể nói chúng ta đang thiếu những doanh nhân thực thụ. Nhiệm vụ cấp bách là phải từng bước hình thành một tầng lớp doanh nhân có tri thức, đủ tầm cỡ trong kinh doanh trong nước và vươn ra thế giới.
  • Tư tưởng doanh nhân trong suy nghĩ và hành động

    24/10/2005Phạm T. Minh ĐứcSự thành bại của một doanh nghiệp mới thành lập bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng bậc nhất là tài năng và cách cư xử của người lãnh đạo và tất cả những nhân viên trong doanh nghiệp đó. ...
  • Doanh nghiệp, doanh nhân - Đôi điều trăn trở

    22/07/2005Nguyễn Trần KhanhBài viết này nêu một số suy nghĩ về doanh nhân, doanh nghiệp và các mối quan hệ giữa doanh nhân, doanh nghiệp với Nhà nước, với giới tài chính - ngân hàng và với giới khoa học - công nghệ.
  • Những con số dành cho doanh nhân

    21/07/2005Có thể những con số thực tế sau làm bạn liên tưởng đến hoạt động kinh doanh của mình...
  • 3 điểm yếu của doanh nhân Việt Nam

    02/07/2005Chưa đoàn kết, làm việc thiếu chuyên nghiệp nhưng lại hưởng thụ sớm quá, phung phí, tự mãn sớm quá là ba điểm yếu của giới doanh nhân trong nước dưới góc nhìn của ông giám đốc công ty dầu thực vật Cái Lân (Lâm Đồng). Ông có lối nói chuyện chân thành, thẳng thắn nhưng hết sức cẩn trọng. Suy nghĩ thật lâu và chọn lọc từng lời nói trước khi trả lời.
  • Doanh nhân trong thời đại công nghệ thông tin

    18/09/2003Một vài điện thoại di động- loại mốt nhất với dây đeo lủng lẳng chưa làm bạn trở thành một đại diện cho làn sóng mới. Một bộ complê thật đúng điệu với mái đầu chải chuốt chỉ đủ để nhận ra bạn là một doanh nhân đã từng ra nước ngoài. Một cô thư ký xinh đẹp đi cùng đủ để biết bạn là người bận rộn . Tất cả những điều đó rất cần cho bạn trong giao tiếp, trong kinh doanh và nói lên rằng bạn thật sự là một doanh nhân rất năng động nhưng nếu bạn còn sử dụng được và sử dụng có hiệu quả những thiết bị mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây thì có thể nói rằng bạn không chỉ chú ý đến hình thức mà cả đến nội dung. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ thành công...
  • xem toàn bộ