Bàn về “văn hóa doanh nhân”
Nói đến “Văn hóa doanh nhân” hay “Văn hóa doanh nghiệp” chúng ta rất dễ sa vào một xu thế đang thời thượng là dường như toàn xã hội đang đi tìm cái căn cước văn hoá của mình. Đã có văn hoá ẩm thực, văn hoá làng xã, văn hoá đô thị... nay lại có văn hóa doanh nhân. Bia Hà Nội đã là một thương hiệu ngót trăm năm tuổi giờ đây chọn cho mình một tiêu đề hợp thời thượng: “Nét văn hóa Hà Nội” v.v. và v.v. Một mặt nào đó, những hiện tượng ấy cũng cho thấy, chúng ta ngày càng nhận thức được vị thế của văn hoá không chỉ là mục tiêu hướng tới của sự phát triển mà còn là động lực cho chính sự phát triển. Ngay trong các văn kiện cơ bản nhất của Đảng và Nhà nước cũng đề cập tới nguyên lý ấy.
Nhưng để có một định nghĩa mạch lạc cho khái niệm “văn hoá doanh nhân”(hay doanh nghiệp) không hẳn đã dễ dàng, bởi lẽ về ngữ nghĩa thì ngay như khái niệm “văn hoá” cũng có đến cả vài trăm cách diễn đạt khác nhau. Tuy nhiên cứ theo cách nói cổ điển của các cụ nhà ta thì đơn giản, văn hoá là một cái “đạo”, một con đường, một phương cách...Suy ra thì “văn hóa doanh nhân” chính là “đạo làm giàu”. Bởi lẽ, đã dấn thân vào doanh trường, khoác vào mình cái nghiệp làm doanh nhân thì mục đích cuối cùng là công việc làm ăn phải... sinh lãi (có lẽ cũng vì quan điểm này mà nhiều người coi các giám đốc doanh nghiệp nhà nước không phải là doanh nhân mà chỉ là nhà quản lý ăn lương giám đốc điều hành mà thôi). Còn nói theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế học thì doanh nhân là người biết tạo ra “giá trị thặng dư” một cách hiệu quả nhất vì còn phải quan tâm đến cái doanh trường mà bản chất là sự cạnh tranh của thị trường. Thì chính cái con đường, cái cách làm ra giá trị thặng dư trong sản xuất và lưu thông ấy nó vừa là phản ánh lại vừa là thành quả của cái “đạo làm giàu” gắn với doanh nhân, doanh nghiệp hay doanh thương.
Cái không may mắn ở ta là do những đặc điểm lịch sử , trong xã hội truyền thống của chúng ta kinh tế thị trường phát triển chậm và muộn. Ngoài sản xuất nông nghiệp và một chút thủ công nghiệp, lưu thông hàng hoá trên thị trường phổ biến qua các chợ làng, buôn bán lớn hơn giao thương qua các vùng miền (tức là qua khỏi luỹ tre làng) không nhiều và không lớn. Dần dà trên nhiều lĩnh vực đều lọt qua bàn tay Hoa thương (Ba Tàu). Người Hoa đã ở gần ta lại là một dân tộc khôn ngoan và sẵn có “nghề” (truyền thống) trên doanh trường. Trong xã hội truyền thống cũng như thời cận đại, ở đâu có đô thị là ở đó có người Hoa.
Đến lúc kinh tế tư bản chủ nghĩa vào nước ta cùng với chế độ thuộc địa, những người cấp tiến thấy được doanh trường là một lợi khí làm giàu cho mình và cho nước. Nước thì đang mất vào tay ngoại bang, doanh trường thì đang trong tay kẻ khác. “Đạo làm giàu” nẩy sinh từ đấy, vừa có cái triết lý cổ điển của nhà nho (tu thân, tề gia, trị quốc , bình thiên hạ) lại vừa có cái hận nghèo hèn của kẻ “vong quốc nô”. Do vậy mà cái “đạo làm giàu” ở lớp người gắn việc công thương với tinh thần Duy tân ở đầu thế kỷ trước đã sớm hình thành như một trào lưu của tinh thần dân tộc. Nhiều người rũ bỏ dần quan điểm cổ điển của các nhà nho coi khinh việc công thương, nhiều ông quan trẻ bỏ công đường sang làm kinh doanh.
Người sớm dùng khái niệm “đạo làm giàu ở nước ta đầu thế kỷ XX, cùng với phong trào Duy Tân là Cụ cử Lương Văn Can, người đã sớm truyền bá tư tưởng này khi lập Đông Kinh nghĩa thục rồi cùng gia đình thực hành công việc xuất nhập khẩu khi bị thực dân đày ải ở Nam Vang (Phnom Penh-Campuchia)... Cụ từng viết sách dạy đồng bào đi buôn cũng là truyền bá cái đạo làm giàu của mình. Cụ từng viết rằng “Cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi, thấy người buôn tham lợi mà ít nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi”...
Từ cái gốc ấy, cụ Cử luận về cách làm thế nào mà làm giàu nhưng không để đánh mất cái đạo đức của đời thường, gắn cái thục dụng của đạo làm giàu của doanh với cái cao đạo của kẻ sĩ duy tân . Hơn thế Cụ còn gắn thêm cái mục đích làm giàu không chỉ để “vinh thân phì gia” mà còn biết làm việc nghĩa với đồng bào và kín đáo (vì khi đó đã mất nước) hô hào giúp nước... Đó là cái gốc của văn hoá là phương thức ứng xử xã hội để hướng tới mục tiêu xã hội.
Chính trên cái nhìn văn hoá ấy, mà cụ Cử đã nhận chân ra cái hạn chế của người Việt Nam ta thuở đó trên doanh trường: "Người mình không có thương phẩm - Không có kiên tâm - Không có nghị lực - Không biết trọng nghề - Không có thương học - Kém đường giao thiệp -Không biết tiết kiệm - Khinh nội hoá" (Ngày nay xem lại thấy những căn bệnh cụ Cử vạch ra từ đầu thế kỷ trước đến nay dường như đã thành mãn tính, không dễ sửa...).
Chính cái “đạo làm giàu” này đã tạo nên một thế hệ những doanh nhân thời Duy Tân cố gắn mục tiêu làm giàu với việc công cuộc cứu nước. Nhưng công cuộc Duy tân ấy mở ra rồi không có ngọn cờ. Những tấm gương mà ngày nay ta hay nhắc tới như Bạch Thái Bưởi cho đến Nguyễn Sơn Hà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số đông những doanh nhân dù có muốn cũng không ai tập hợp lại thêm sức cạnh tranh và mưu toan của thực dân làm một bộ phận tha hoá thành lớp doanh nhân mại bản xa rời cái đạo làm giàu một thời đã được khởi xướng cùng phong trào Duy Tân...
2. Lần thứ hai, cái đạo làm giàu có cơ lấy lại sức sống của mình khi nó gắn với một cao trào cách mạng giải phóng dân tộc theo cái nguyên lý của Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh lấy “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn”, lấy phương châm “có giải phóng dân tộc mới giải phóng giai cấp được”. Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, một lần nữa ta lại thấy tầng lớp doanh nhân tìm được đến “đạo làm giàu”.
Ứng xử của người đứng đầu nhà nước Cách mạng đối với công cuộc vận động tầng lớp doanh nhân mà khi đó gọi chung là các nhà công thương thông qua việc vận động thành lập Công thương Cứu quốc, những lời khích lệ được thể hiện đặc biệt trong bức thư 13-10-1945 mà ngày nay được ghi nhận như cơ sở để nhà nước chọn làm “Ngày doanh nhân Việt Nam” đã được đáp lại bằng Tuần Lễ Vàng cùng sự cống hiến của tầng lớp doanh nhân trong sự nghiệp kiến quốc và phục vụ kháng chiến . Đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước Việt Nam được thể hiện trong các văn bản pháp lý đầu tiên mà tập trung tiêu biểu là Bản Hiến pháp nhằm 1946 đặt trên nền tảng tôn trọng quyền sở hữu tư nhân và khuyến khích kinh doanh , kể cả chính sách mở cửa thu hút đầu tư của nước ngoài cho thấy khả năng hội nhập với thế giới hiện đại của nền chính trị cũng như nền kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn có thể trở thành hiện thực cách đây 60 năm... Cũng có thể nói rằng Cách mạng tháng Tám đã rộng mở cho “đạo làm giàu” gắn với sự hưng thịnh của đất nước và sự thành đạt của tầng lớp doanh nhân Việt Nam.
Nhưng chiến tranh với sự tàn phá và quy luật khắc nghiệt của nó không chỉ tàn hại của cải vật chất mà còn huỷ hoại nhiều giá trị tinh thần. Tất cả để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khốc liệt đã tạo cơ hội du nhập những lối nghĩ ngoại lai, kích thích những tham vọng nhỏ hẹp và bị quán tính thời chiến cuốn theo... đã dẫn đến một bước lùi trong nhận thức về đạo làm giàu. “Nước mạnh - dân nghèo” đã từng ngự trị trong tư duy lãnh đạo một thời. Nó đã làm thui chột không chỉ những mầm mống từng nẩy nở cùng với cách mạng mà còn làm thui chột cả ý chí làm giàu. Cải tạo không gắn với phát triển mà cải tạo là tiêu diệt một khi nhìn nhận sự làm giàu của người dân bằng cặp kính “đấu tranh giai cấp”.
...Chính công cuộc Đổi Mới mà hạt nhân là đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá, đã đảo ngược mối tương quan giữa hai nhân tố Dân giàu và Nước mạnh thay vì một thời chỉ coi nước mạnh là làm nên quyền lực mạnh. Nói cách khác trong sự nghiệp kiến quốc, Dân giàu Nước mạnh chính là sự trở về với nguyên lý muôn thuở của cái đạo “Lấy dân làm gốc”.
Công cuộc Đổi mới mới chỉ bắt đầu, xây dựng văn hoá trong đời sống các doanh nghiệp mà lấy doanh nhân làm trung tâm cũng mới chỉ bắt đầu. Nó chỉ mạnh khi gắn với quá trình dân chủ hoá. Nói cách khác xây dựng văn hoá doanh nhân chính là đẩy mạnh dân chủ trong đời sống của hoạt động doanh nghiệp. Nó không chỉ là việc riêng của doanh nhân mà của toàn xã hội khi mà ý chí làm giàu trở thành ý chí chung của toàn dân và là cơ hội cho mọi người...Hướng tới một văn hoá doanh nhân hiểu như một đạo làm giàu phải là một cuộc đấu tranh thực sự không chỉ là một thiện ý phấn đấu của những người dám dấn thân vào thương trường, lại ở vào thời điểm đầy thử thách và cũng nhiều cơ hội này...Và trung tâm của cuộc đấu tranh ấy là thúc đẩy toàn diện quá trình dân chủ hoá, trong đó có dân chủ hoá trong đời sống kinh tế. Chính quá trình ấy sẽ tạo môi trường cho sự hình thành tầng lớp hữu sản, tầng lớp trung lưu trong xã hội. Và chính tầng lớp này sẽ là nền tảng hạ tầng của xã hội của nền dân chủ hiện đại. Cuộc đấu tranh thông qua hệ thống chính sách của nhà nước trong đó có vai trò của tầng lớp doanh nhân có tinh thần trách nhiệm với dân tộc, với đồng bào sẽ góp phần điều chỉnh quá trình phân phối các lợi ích sẽ làm cho mục tiêu “công bằng và văn minh”, là những tiêu chí phản ánh mục tiêu mang tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” của chúng ta trở thành hiện thực...
Nhắc lại cái thuở ban đầu và những bài học tưởng như mới là vỡ lòng ấy mà vẫn cảm thấy sự sâu sắc của nó. ấy chính là văn hoá vậy. Bởi nếu thử lấy đó là tấm gương soi thì ta thấy diện mạo doanh nhân và doanh nghiệp của ta vẫn chưa khác bao nhiêu. Bởi lẽ văn hóa là cái gì đó lâu bền. Nhìn rõ cái phản diện thì sẽ nhận ra cái chính diện của mình và phấn đấu, gìn giữ nó như giá trị của một cái đạo. Tạm đưa ra một cách nhận thức mang tính lịch sử như vậy về cái mà chúng ta gọi là “văn hoá doanh nhân” hay “văn hoá doanh nghiệp” tại diễn đàn do một “Câu lạc bộ văn hóa doanh nhân” khởi xướng...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu