Ý nghĩa của tự do
Thưa tiến sĩ Adler,
Từ nhỏ dân Mỹ chúng ta đã được dạy về diễm phúc được sống trong “một đất nước tự do.” Nhưng các quốc gia theo chế độ khác cũng tuyên bố đem lại “tự do” cho dân tộc họ. Họ phải có hàm ý gì đó khác hẳn những gì chúng ta làm. Vậy là có nhiều kiểu tự do khác nhau chăng? Và phải chăng tự do không có ý nghĩa nào cơ bản hơn tự do chính trị sao? Những tư tưởng chính về bản chất và các kiểu tự do là gì?
J.L.C.
J.L.C. thân mến,
Trước khi tôi thử trình bày những gì làm cho ý niệm tự do có ý nghĩa sâu xa trong đời sống con người, hãy cho tôi thử truyền đạt một số cảm tưởng về phạm vi của ý niệm này. Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, tự do có một số ý nghĩa rõ rệt. Tôi sẽ cố trình bày những ý nghĩa này cho bạn một cách ngắn gọn nhất.
(1) Một người được cho rằng tự do khi những tình huống bên ngoài cho phép anh ta hành động theo ý muốn của anh ta vì điều tốt cho riêng anh ta. Trong ý nghĩa này của thuật ngữ, một tù nhân bị xích hay bị giam có rất ít tự do, vì anh ta bị ngăn cản không cho làm hầu hết những điều anh ta thích làm. Cũng theo ý nghĩa này, một người bị buộc phải làm những gì anh ta không muốn làm, dù là sự ép buộc thể chất hoặc bằng đe dọa, thì không tự do. Trong một xã hội tự do, hầu hết mọi người đều có rất nhiều quyền tự do theo ý nghĩa này của thuật ngữ.
(2) Một người được gọi là tự do khi anh ta đã có đủ phẩm hạnh hay thông thái để có thể sẵn sàng làm điều anh ta phải làm, tuân theo qui luật đạo đức, hoặc sống phù hợp với lý tưởng thích hợp với bản chất con người. Theo ý nghĩa này về tự do, xiềng xích hay song sắt nhà tù không thể tước đi sự tự do mà một người tốt đã có trong con người anh ta. Nó có được do nỗ lực cá nhân, và nó nằm trong đầu óc hay tính cách của con người. Vì thế nó hoàn toàn độc lập khỏi mọi tình huống bên ngoài.
Đây chính là ý nghĩa mà các triết gia như Epictetus và Spinoza, đã dùng để nói con người sa đọa là không tự do – một nô lệ cho những đam mê của riêng anh ta. Nó cũng là ý nghĩa mà thánh Paul đã dùng khi nói: “Hãy nhận biết sự thật và nó sẽ khiến bạn trở nên tự do.”
(3) Tất cả mọi người được cho là tự do bởi vì thiên nhiên đã ban cho họ quyền chọn lựa tự do – quyền quyết định cho bản thân mình sẽ làm gì hoặc trở nên như thế nào. Đây là cái vẫn thường được gọi là tự do ý chí – thứ tự do cố hữu trong bản chất con người, và mọi người đều thủ đắc được nó ở cùng mức độ. Hầu hết các triết gia gắn sự tự do như thế cho con người đều phủ nhận rằng các sinh vật khác cũng có tự do như vậy.
Thêm vào ba khái niệm về tự do chính này, còn có hai khái niệm tự do nữa hết sức đặc biệt.
Một là khái niệm về sự tự do chính trị dành cho công dân của một nước cộng hòa, những người mà qua việc sử dụng quyền bầu cử của mình, có tiếng nói trong việc soạn ra những luật lệ mà họ phải sống theo. Tự do về chính trị hiểu theo cách này, chỉ tồn tại dưới những thể chế của một chính quyền tự do, đặc biệt là tự do đầu phiếu.
Câu hỏi của bạn về tầm quan trọng của tự do có thể được trả lời tốt nhất bằng việc tham khảo ba khái niệm chính về nó. Ba kiểu tự do này có quan hệ chặt chẽ với điều mà chúng ta hàm ý khi nói tới nhân phẩm. Đối với con người việc bị biến thành nô lệ hoặc bị xiềng xích xúc phạm đến nhân phẩm của họ. Nhân phẩm của họ cũng bị hư họai khi họ bị chi phối bởi những đam mê thay vì lý trí của họ. Hơn nữa, không như loài thú vốn sống theo bản năng và có kiểu sống cố định nào đó trong cùng một loài, mỗi con người đều có, thông qua ý chí tự do, sức mạnh để tạo ra đời sống cá nhân của riêng họ – để tạo ra tính cách riêng của họ.
Ba kiểu tự do này cũng có quan hệ với đạo đức và với trách nhiệm tinh thần. Kiểu thứ hai đồng nhất người tự do với một con người đạo đức tốt. Và mỗi kiểu trong hai kiểu kia đều được coi là cơ sở của trách nhiệm đạo đức. Chúng tôi không nghĩ việc trừng phạt con người vì những hành động họ buộc phải làm hoặc vì những hành động không xuất phát từ sự chọn lựa tự do và có chủ ý về phía họ là một điều công bằng.
Điều đó sẽ lý giải rõ ràng tại sao con người mọi nơi và mọi thời đại đã coi trọng giá trị của tự do. Con người tự do – theo bất cứ nghĩa nào của thuật ngữ – là người chủ của chính anh ta và không bị khống chế bởi ý chí của người khác.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ