Tự do - Điểm khởi đầu của mọi sự phát triển

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
07:59 SA @ Thứ Sáu - 30 Tháng Chín, 2005

Khi nói tự do là linh hồn của mọi cuộc cải cách chính là nói đến tinh thần xuyên suốt các cuộc cải cách. Cải cách kinh tế nhằm tạo ra tự do kinh tế. Tự do kinh tế đi trước để con người được nếm các thành quả sự phát triển. Chừng nào cảm nhận được vị ngọt, cảm nhận được các thành quả thu được từ tự do kinh tế, con người sẽ nhận thức được giá trị của tự do chính trị, tức là cải cách kinh tế giúp con người nhận ra lợi ích của tự do chính trị.

Tự do về chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị chứ không có nền chính trị tự do. Chính trị nào cũng cực đoan, bởi đó là bản chất của chính trị. Con người được giải phóng ra khỏi chính trị là con người tự do trước các khuynh hướng chính trị, con người không bị nô lệ bởi chính trị. Tức là con người có thể trôi dạt từ khuynh hướng chính trị này sang khuynh hướng chính trị khác. Nếu con người không có tự do chính trị, tức là không có khả năng dịch chuyển từ xu hướng chính trị này sang xu hướng chính trị khác thì con người không thể là đầu vào của một quá trình chính trị khác. Điều này phản ánh tính hữu hạn của vật chất, của con người, của tự nhiên. Tôi có một luận thuyết cho rằng, chính trị phải đảm bảo cho con người khi ra khỏi một tiến trình chính trị vẫn có đủ khả năng để trở thành đầu vào của một tiến trình chính trị khác. Đó là tính tiết kiệm của con người trong các tiến trình khác nhau của đời sống chính trị, tức là con người phải đủ điều kiện sống, điều kiện tinh thần để khi ra khỏi tiến trình chính trị này vẫn có thể xâm nhập vào một tiến trình khác.

Vẫn có người hiểu là giải phóng con người ra khỏi chính trị chính là làm cho con người vô chính trị. Thực ra, con người không bao giờ vô chính trị bởi chính trị là gì nếu không phải là cách con người tác động để bảo vệ cuộc sống. Tác động vào cuộc sống và bảo vệ cuộc sống, đó vừa là năng lực vừa là phẩm hạnh quan trọng nhất của con người. Tự do về mặt chính trị là cách để con người bảo vệ chính mình, còn sử dụng chính trị là để bảo vệ những thứ liên quan đến mình chứ không phải bảo vệ chính mình. Để bảo vệ tài sản, bảo vệ sở hữu, bảo vệ những thứ liên quan đến con người thì phải tác động chính trị, nhưng để bảo vệ chính bản thân con người thì phải giải phóng con người ra khỏi chính trị và đó chính là bảo vệ tự do của mỗi người. Tự do ấy được đảm bảo bởi không gian chính trị, tức là bởi sự tự do về chính trị. Bản chất của cuộc sống là di chuyển sự chú ý, nhận thức, di chuyển tình yêu của con người từ khuynh hướng chính trị này sang khuynh hướng chính trị khác. Đó chính là bản chất tâm lý, bản chất tâm hồn của khái niệm tự do của con người.

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nói cách khác, con người chính là sản phẩm của văn hóa. Do vậy, nếu không có tự do văn hoá, con người sẽ không thể ra khỏi quá khứ và không tìm được yếu tố bảo trợ tinh thần cho tự do kinh tế và tự do chính trị. Mặt khác, thiếu yếu tố bảo trợ tinh thần là tự do văn hóa thì tự do kinh tế và tự do chính trị sẽ tạo ra trạng thái phát triển không ổn định, bởi sự phát triển về kinh tế và chính trị luôn bị níu kéo bởi sự lạc hậu về mặt văn hoá. Cải cách giáo dục với mục đích là trao trả tự do cho nền giáo dục, giải phóng nó ra khỏi các mục đích chính trị, chính là tiền đề của việc xây dựng' một lực lượng tiên tiến, hùng hậu của xã hội, lực lượng đó đủ năng lực để duy trì và nâng cao chất lượng của sự phát triển. Chính tự do sẽ tạo ra sự đa dạng tinh thần của đời sống giáo dục, đem lại cho nền văn hóa một sức sống mới và chính tự do sẽ đánh thức và nuôi dưỡng tài năng cho phát triển.

Tựu trung lại, bốn cuộc cải cách này với linh hồn là tự do đều nhằm tiếp cận trạng thái phát triển bền vững. Phát triển bền vững không thuần tuý là sự phát triển ổn định và liên tục mà còn là sự ổn định của các nguồn phát triển. Nếu cải cách kinh tế tạo ra được sức mạnh hữu hình của sự phát triển, thì tự do về chính trị và tự do về văn hóa sẽ tạo ra tính ổn định của các nguồn phát triển, hay nói cách khác chính là đảm bảo sự phát triển bền vững. Đó cũng chính là điểm mấu chốt của mối quan hệ biện chứng giữa tự do và phát triển.

Xin được nhắc lại rằng, cải cách chính là nhằm xác lập các không gian chính trị để bảo vệ các quyền tự do cho con người. Nếu không xác lập lộ trình để bảo vệ tự do, không xác lập lộ trình để xây dựng ý thức của nhân dân về tự do thì các cuộc cải cách sẽ thất bại. Nhân dân chỉ được hưởng thực lợi của các cuộc cải cách khi nhân dân tự do, tức nhân dân phải là những con người phát triển. Phương Tây phát triển hơn phương Đông chính là vì phương Tây hiểu tự do, biết tự do và sử dụng tự do như một trong những công cụ chính trị, văn hóa và trí tuệ quan trọng nhất. Còn phương Đông, cho đến nay vẫn khất lần, vẫn ngụy biện trong tình trạng thiếu tự do thông qua việc bảo vệ nền văn hóa gia trưởng - một nền văn hóa thực chất là nô lệ. Nhân dân chưa ý thức được tự do, vì thế nhân dân không ý thức được trách nhiệm xã hội và giá trị xã hội của mình.

Trong thời đại ngày nay, phát triển con người càng không thể bằng cách nào khác là khẳng định các quyền tự do, xây dựng các tiêu chuẩn tự do và bảo vệ các quyền tự do của con người. Vì thế, mục tiêu của cải cách là xác lập khái niệm và không gian tự do cho con người, hay giải phóng con người bằng tự do. Nói cách khác, làm cho tự do trở thành hiện thực trong đời sống của từng cá nhân chính là mục tiêu của cải cách. Không có cách gì để khất lần điều đó được.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: