Khía cạnh triết học trong các giá trị phổ quát của dân chủ
Tất cả những chủ thuyết và lý tưởng Sống chỉ đáng theo, đáng thực hành khi chúng nhân danh con người và phụng sự con người, khi chúng hợp lý, hợp quy luật, hợp với lẽ phải (chân), hợp với nhân tính (thiện), hợp với khát vọng về sự hài hoà và những tình cảm cao thượng của con người (mỹ). Dân chủ chính là một học thuyết đáp ứng được các tiêu chí đó. Nó chẳng những cổ vũ cho những giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống cá nhân và cộng đồng, mà còn chỉ ra những cách thức thực hành những giá trị đó.
Những giá trị phổ biến được dân chủ đề cập ở đây là: Quyền tự do cá nhân; quyền bình đẳng về điều kiện hay bình đẳng về cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân trong xã hội; sự thống nhất trong tính đa dạng (hoà đồng, hoà điệu, chấp nhận lẫn nhau, khoan dung và bảo tồn tính đặc thù) của các cá thể trong mỗi cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau trong một quốc gia dân tộc, rộng hơn nữa là giữa các nền văn hoá, văn minh trên hành tinh này. Những giá trị căn bản đó là tính quy định cố hữu và phổ biến của dân chủ.
1. Tự do cá nhân
Tự do cá nhân có chiều cạnh triết học của nó. Chiều cạnh triết học ấy được thể hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cái tự do mang tính bản năng với cái tất yếu mang tính xã hội.
Trong việc điều chỉnh các mối quan hệ và điều khiển công việc chung trong xã hội, con người luôn đối mặt với tình huống phải duy trì sự quân bình giữa hai khuynh hướng căn bản nói trên trong chính bản thân mình: khuynh hướng khẳng định ý chí của mình một cách chủ động và khuynh hướng xã hội - khuynh hướng liên hiệp và hợp tác với những người xung quanh bằng cách tuân thủ các chuẩn mực mà xã hội thừa nhận.
Trong chính trị, mối quan hệ ấy trở thành một vấn đề trung tâm. Đó là vấn đề làm thế nào để quân bình giữa quyền lực công cộng với tự do cá thể - vấn đề mà Cantơ và nhữnggười theo thuyết Cantơ vào thế kỷ thứ XIX đã nêu ra. Cantơ đã xem tự do như mục đích tối hậu, còn cưỡng chế như một phương tiện để thực hiện sự tự do đó. Với ông, mọi cưỡng chế hay hạn chế cũng không nằm ngoài mục đích là đảm bảo cho tất cả mọi người đều được hưởng tự do.
“Tự do là từ bản chất con người mà có. Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân. ở tuổi lý trí, con người phải tự mình định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình và do vậy, tự mình làm chủ lấy mình" (1). Rousseau Jean Jacques đã viết như thế trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội" . Cũng theo đó , "Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người"(2).
Do đó, đối với mỗi cá thể, vận mệnh của mình phải do mình nắm giữ, phải tự nhận thức chủ quyền của mình chứ không thể phó mặc cho người khác, phải trở thành chủ thể và cho sự cửa quyền lực. Đó là khởi đầu của ý thức dân chủ.
Mặc dù nhấn mạnh vị thế hàng đầu củatự do, song tư tưởng dân chủ cũng phân biệt rất rõ rằng, tự do của cá nhân (con người xã hội) khác hẳn với tự do bản năng hay thú tính. Bởi vậy, tự do mang tính người phải là tự do nhuốm màu sắc lý tính, và theo Can tơ, nó phải tồn tại trước hết dưới dạng tự do ý chí, tức là quyền của cá nhân được khẳng định ý chí của mình.
Quyền đó chỉ bị hạn chế bởi quyền tự do tương tự của những người khác,vì những người khác cũng có quyền năng như vậy. Hêgen cho rằng, tự do ý chí của cá thể không thể thoát ly khỏi tiến trình chung của sự phát triển xã hội (lịch sử toàn thế giới). Trong Những bài giảng về triết học của lịch sử, Hêgen đã quan niệm tiến trình này là quá trình lột xác và khai nở của ý niệm tự do qua các giai đoạn:
1. Thời kỳ mông muội: không một ai tự do;
2. Thời kỳ xuất hiện xã hội có nhà nước (nô lệ và phong kiến): một người (phương Đông), hoặc một nhóm người (phương Tây) tự do;
3. Thời kỳ hiện đại (xã hội tư sản của châu Âu đương thời) : một số cộng đồng văn minh tự do;
4. Tương lai: toàn thể nhân loại sẽ đi đến trạng thái tự do hoàn toàn, khi sự chuyển hoá và thâm nhập vào nhau tới độ đồng nhất giữa tự do ý chí và tất yếu xã hội, được hoàn tất trong ý niệm tuyệt đối (3).
Như vậy, tự do cá thể không thể tách rời khỏi tất yếu xã hội. Nhờ tất yếu xã hội (tồn tại dưới dạng nhà nước, pháp luật, các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, ...) mà mỗi cá nhân mới bảo tồn được tự do của chính mình.
Tạo ra sự quân bình và chế ước nhau một cách hiệu quả giữa tự do cá nhân và tất yếu xã hội đã, đang và sẽ trở thành nhiệm vụ của bất cứ xã hội nào có tổ chức về chính trị. Lịch sử phát triển của các thể chế chính trị đã chứng tỏ rằng, con đường đi tìm sự cân bằng đó không bằng phẳng và rất dài lâu, gắn liền với việc tạo ra các thể chế để đảm bảo quyền tự do của các thành viên trong xã hội trên thực tế. Nói một cách cụ thể hơn, đây chính là quá trình tạo ra và không ngừng hoàn thiện các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội để quân bình vị thế giữa những người bị chi phối bởi quyền lực với những người nắm giữ quyền lực.
Quyền lực, một mặt, dễ bị tha hoá và biến chất để chuyển thành thế lực đứng trên xã hội và truy bức những người tạo ra nó; mặt khác, nếu những người có trách nhiệm duy trì sự phồn thịnh của xã hội mà lại bị ràng buộc quá chặt chẽ thì họ sẽ không thể làm tròn sứ mệnh của mình và nền phồn thịnh xã hội để bị tổn thương. Vì vậy, trong sự phát triển lịch sử, loài người đã từng dao động như con lắc giữa cực này và cực kia - giữa tập trung quyền lực và tự do cá nhân.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, tự do được hiểu một cách cụ thể và luôn gắn với những cơ chế hiện thực để thực thi, cụ thể là gắn với thể chế chính trị và hệ thống pháp luật. Tự do giờ đây được quan niệm là những điều kiện mà nhà nước và pháp luật mang lại cho mỗi cá nhân, nhằm đảm bảo cho mỗi người có được cuộc sống bình yên, an ninh trong xã hội loài người, giúp cho cá nhân tránh khỏi độc tài của những kẻ nắm chính quyền.
Trào lưu của lịch sử không bao giờ phản lại tự do, mặc dù tự do có lúc bị vùi dập ở nơi này, nơi khác, nhưng quá trình vươn lên và lan rộng của tự do là một tất yếu lịch sử. Nó vạch đường đi cho mình và thông qua vô số những ngẫu nhiên, những bước thụt lùi và va đập, song sự tiến lên biện chứng là không gì ngăn được. Bởi vậy, dân chủ là trạng thái không gì ngăn được của nhân loại.
Việc gắn các giá trị nhân bản và hợp lý tính của tự do với các điều kiện chính trị, pháp lý cụ thể của một xã hội xác định đã làm nảy sinh một tính quy định khác nữa, không kém phần quan trọng trong ý niệm dân chủ - đó là quyền bình đẳng của các cá thể trong xã hội (bình đẳng về điều kiện).
2. Bình đẳng về điều kiện là một đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội.
Bình đẳng về điều kiện có nghĩa là, các quyền tự nhiên của mọi cá thể phải như nhau - đó là quyền được sống, quyền mưu sinh, quyền mưu cầu hạnh phúc... Nó được hiểu là mỗi người đều có cơ hội như nhau về mặt pháp lý để phát triển khả năng của mình.
Bình đẳng về điều kiện không thủ tiêu sự khác biệt giữa các cá thể và rộng ra là giữa các cộng đồng dân tộc. Nó là nền tảng cho sự nảy nở tính khác biệt. Nó chỉ ra rằng; con người muốn được hưởng tự do thì phải chấp nhận tự do của kẻ khác; đồng thời tuyên bố rằng, mỗi nhân cách là một sự độc đáo không lặp lại và do đó, là duy nhất, do đó mà họ bình đẳng với nhau.
Đề cập tới nội dung của phạm trù bình đẳng về điều kiện, Can tơ cho rằng, bình đẳng không có nghĩa là bình đẳng về tài năng, mà là bình đẳng về cơ hội để phát triển và áp dụng tài năng. Do đó, trong môi trường xã hội, người ta phải tiến hành trừ bỏ đặc quyền của sự xuất thân, của giai cấp và mọi đặc quyền tổ tông.
Để luận chứng cho sự bình đẳng về điều kiện, các nhà triết học Khai sáng Pháp đã viện đến luật tự nhiên. Sự bình đẳng mang tính tự nhiên được hiểu là: đã là con người thì ai cũng quan tâm đến an ninh thân thể, rồi sau đó là nhu cầu mưu sinh, tình hữu ái đổi với đồng loại, nguyện vọng sống thành xã hội để chia sẻ tri thức... (4).
Bình đẳng về điều kiện giúp cho tinh thần cộng đồng có đường hướng, cho pháp luật có phạm vi, cho những người cai trị có chuẩn tắc mới và cho những người bị cai trị có thói quen đặc biệt: Bởi vậy, có thể nói, bình đẳng về điều kiện là yếu tố không thể thiếu của nền dân chủ.
Cùng với sự phát triển của làn sóng dân chủ và cuộc đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa, bình đẳng về điều kiện phát triển thành quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đây là luận điểm đó các nhà chính trị Mỹ khởi xướng trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị và điều phối của Anh với tư cách là "quốc mẫu” của Hoa Kỳ. Sau này, trong "Tuyên ngôn độc lập" của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tư tưởng đó một lần nữa được Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
"Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(5).
Sự mở rộng quyền bình đẳng cá nhân thành quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc đã trở thành xu thế phổ biến trong suất thế kỷ XX. Hiện nay, khi nhân loại bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, quyền bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, không chỉ ở bình diện quốc tế, mà còn trong nội bộ các quốc gia dân tộc. Nói đúng hơn, nó gắn liền với vấn đề sắc tộc, tôn giáo và quyền tự quyết chính trị của các cộng đồng ít người.
Đây thực sự đang là vấn đề thách thức đối với quan niệm truyền thống về dân chủ. Sự kết hợp giữa tự do cá nhân và bình đẳng đã tạo ra bản chất "thống nhất trong tính đa dạng" của dân chủ. Nếu tự do khẳng định tính độc đáo, không lặp lại và đa dạng của nhân cách, thì bình đẳng lại nhấn mạnh đến cái chung, đến tính phổ biến mà mỗi cá thể đang mang trong bản thân. Bởi vậy “hợp đề" của chúng không thể nào khác hơn là sự thống nhất trong tính đa dạng - một kiểu thống nhất biện chứng điển hình.
3. Sự thống nhất trong tính đa dạng.
,,Thống nhất trong tính đa dạng là giá trị cơ bản thứ ba của tư tưởng dân chủ. Nhờ thống nhất ý chí, các cá thể khác biệt hợp thành xã hội và tạo ra quyền lực công cộng.
Đây là điều kiện để tự do cá nhân được bảo tồn, tôn trọng và phát triển hết tầm vóc của nó. Dấu hiệu này đặc trưng riêng cho đời sống xã hội của những sinh vật có lý tính.
Quan điểm ấy đã được trình bày khá kỹ trong Khế ước xã hội của Rousseau.
Xuất phát từ quan niệm cho rằng, bình đẳng được dân chủ đề cập tuyệt nhiên không phải là sự nhất dạng và trừu tượng của các cá thể, mà trái lại, là sự thống nhất trong tính đa dạng và tuỳ thuộc lẫn nhau, nên sự khác biệt của mỗi cá thể chẳng nhưng được dân chủ chấp nhận mà còn được coi như nền tảng cho sự thống nhất giữa các thành viên trong xã hội: mọi người bình đẳng trong quan hệ với nhau vì mỗi người đều có thể thấy cái thiếu của mình ở người khác. Tình huống này tương tự như nhân công lao động xã hội: cái thừa của người này là cái thiếu của người khác. Do đó, các cá thể thu hút lẫn nhau, tuỳ thuộc nhau, tạo thành một khối thống nhất, dưới áp lực của sự khác biệt chứ không phải được áp lực của sự nhất dạng trừu tượng và nhạt nhẽo.
Dân chủ là mối quan hệ biện chứng trong bản chất, trong cái tinh tuý của nó. Trước hết, dân chủ dựa vào sự thừa nhận một cách thực tiễn sự kiện cho rằng xã hội loài người có nhiều dị biệt. Sau đó, dân chủ thừa nhận rằng mỗi con người thực sự là một bộ phận hợp thành nhân loại. Bởi thế, trong chế độ dân chú, không một ai được tuyên cáo tính cách hẹp hòi và quyền riêng của mình là chuẩn mực chung cho mọi người. Dân chủ là hợp đề (sythesis) của chính đề (thesis) và phản đề (antithesis).
Nó bảo hộ cho cả hai mặt đối lập : quyền của thiểu số lẫn đa số. Nếu trước kia, trong giai đoạn lịch sử mới phôi thai của mình, dân chủ chỉ chấp nhận quyền của đa số(chính đề), thì sau này, cùng với sự phát triển của lịch sử nó. thừa nhận quyền của thiểu số (chuyển sang phản đề) và khi đạt được trạng thái đó, nó hiện thân như hợp đề. Đó chính là sự phát triển biện chứng của dân chủ.
Từ đặc trưng đó, dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, mà còn lấy sự khác biệt làm nền tảng, đấu tranh cho sự tồn tại của tính khác biệt. Mọi sự khác biệt đều có quyền tồn tại và do vậy mà chúng bình đẳng. Theo đó, không nên hiểu dân chủ chỉ đơn thuần là sự thống trị của số đông, mà còn phải hiểu (và mặt này đang được xã hội hiện đại nhấn mạnh) dân chủ như môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn các bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau giữa chủ quyền của thiểu số và đa số). Vấn đề sắc tộc, các luật tục địa phương, các cộng đồng thiểu số, các nền văn hoá độc đáo không lặp lại, các thổ ngữ, văn tự… đều là những giá trị được dân chủ tôn trọng và bảo tồn bằng những đặc lệ.
Trong xã hội dân chủ, sự đa dạng về văn hóa và lối sống được chấp nhận, bởi dân chủ giả định rằng, nhờ tính đa dạng ấy mà xã hội trở nên linh hoạt, năng động. Nhân dân luôn tìm tòi một cái gì đó mà họ cho là cần và cũng sẵn sàng thu nhận những sự khác biệt để dung hợp, tìm ra tiếng nói chung hoặc đi tới giải pháp tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích đa phương. Nhờ vậy, chế độ dân chủ, khác hẳn với chuyên chế ở chỗ, nó luôn thích nghi và có năng lực tự điều chỉnh cao.
Khả năng tự hoàn thiện và tiến bộ không ngừng của nền dân chủ chính là nhờ sự thống nhất trong tính đa dạng và sử dụng tính đa dạng ấy như một phương tiện để phát triển. Chính vì vậy, năng lực tự phê phán, tự so sánh, đối chiếu và đổi mới đã trở thành bản tính vốn có của nền dân chủ. Thực tiễn cho thấy, dưới chế độ dân chủ, ảnh hưởng của nhân dân đối với nhà nước là rất lớn. Dân chủ đã và đang làm thay đổi các nhà nước. Nhà nước ngày càng chịu sự chi phối và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội công dân; bị pháp luật giới hạn và bị ý chí chung của nhân dân kiểm soát. Sự tự do thông tin đã làm cho nhân dân được trang bị ngày một đầy đủ hơn những từý thức về nghiệp vụ và sự vụ của nhà nước. Nhờ vậy, họ chẳng những kiểm soát được hoạt động của quyền lực công cộng, mà còn lái nó đi đúng hướng phúc lợi xã hội, không để cho chính giới thao túng và sử dụng vào nhưng lợi ích chật hẹp, vị kỷ của họ. Cũng nhờ tự do thông tin, những bất bình đẳng tan dần, nhưng xã hội đóng kín bắt đầu mở cửa, những địa vị cha truyền con nối và các biến thể của chủ nghĩa thân tộc ngày càng mất đi chỗ đứng.
Có thể trong tương lai, dân chủ sẽ biến mất cùng với sự tự tiêu vong của nhà nước trên trái đất này. Nhưng, tư tưởng mà nó cố vũ là trạng thái thống nhất trong tính đa dạng của cộng đồng người vẫn sẽ trường tồn cùng với nhân loại.
(1) Rousseau Jean Jacques. Khế ước xã hội. NXB Thành phố HCM, 1992, tr. 30
(2) Rousseau Jean Jacques. Sđd, tr. 36
(3) Xem: Hêgen. Những bài giảng về triết học của lịch sử Toàn tập, t. 8. Mátxcơva - Lêningrát, 1935, tr. 111-131.
(4) Montesquieu Charles Louis de Secondat. Tinh thần luật pháp. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 42-43.
(5) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 1.
Nội dung khác
7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt