Từ khi nào lãng phí đã trở thành một “nét văn hóa”?
Trong khi lãng phí trở thành một "nét văn hóa", thì tiết kiệm lại là một hiện tượng sắp tuyệt chủng. Nghịch lý khó hiểu này bắt nguồn từ đâu?
Mấy năm trước, tôi chứng kiến một câu chuyện nhỏ diễn ra ở một quán ăn trên đường Tạ Quang Bửu, gần trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chiều hôm đó, một cậu thanh niên dừng xe trước quán cơm bình dân, gọi suất cơm giá rẻ. Ăn xong, đứng lên, chuẩn bị dắt xe xuống hè, thì anh chàng dọn dẹp chợt nói đùa một câu: “Anh này ăn sạch như Tây!”. Cậu thanh niên mỉm cười hơi ngượng. Thực ra cậu đúng là du học sinh, vừa mới từ “bển” về…
Câu chuyện ấy làm tôi băn khoăn bởi mấy lẽ. Thứ nhất là dường như ở ta, chỉ có “Tây” mới ăn sạch sẽ đồ ăn của họ. Thứ hai, đó là một quán cơm dành cho sinh viên, nơi chủ yếu phục vụ những bạn trẻ mà phần lớn chưa hề làm ra tiền. Thế mà cái thói quen vét sạch đĩa lại là một điều hiếm có đến mức anh chàng dọn dẹp phải thốt lên thành tiếng.
Lãng phí ở ta đã trở thành một thói quen, hay nói như một số người, là một “nét văn hóa”. Ăn không hết thì bỏ lại, chứ xin túi nilon để đựng mang về thì ngại lắm, xấu hổ lắm! Có người nghe câu chuyện này còn tỏ ý đương nhiên, nói rằng giờ đến chơi nhà ai mà ăn hết người ta lại cho là mình bủn xỉn ấy chứ. Cứ thử vào bất cứ một quán cơm bình dân nào vào buổi trưa xem, chuyện ăn cho “sạch” bát có thể đã trở thành một “hiện tượng sắp tuyệt chủng, cần được bảo tồn”.
Chỉ mới hơn chục năm trước thôi, các gia đình Hà Nội vẫn thường hay có một cái thùng nước gạo. Đồ không ăn được người ta đổ vào thùng, rồi sẽ có người đến lấy chở đi nuôi lợn. Mặc dù đôi lúc đi qua cái thùng mẻ thì phải nín thở mà đi cho nhanh, nhưng cũng là cái nếp tiết kiệm rất hay, rất đẹp. Đó là cái thời mà người Việt giờ nhìn lại hẳn phải thấy “tự hào” lắm, vì chúng ta chưa được… nổi tiếng khắp năm châu.
Chẳng biết cái văn hóa quái lạ này là lây từ trên xuống hay từ dưới lên, nhưng từ chuyện “bé tí” như cái xe công hạng sang, cho đến chuyện xây dựng trung tâm, hội sở, công trình kỷ niệm, người ta cũng đều có thể thấy một thứ bệnh thành tích, một thứ văn hóa lãng phí. Trong khi có người xót xa rằng từng đó tiền đủ xây bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh xá, thì cũng có người phản bác: “Chả hiểu biết gì cả! Nguồn vốn là khác nhau.”
Lại nhớ, các cụ xưa thường hay dạy dỗ con cháu rằng, một hột cơm rơi cũng phải nhặt vào chỗ, người không ăn thì con gà con lợn nó ăn… Ngày nay thi thoảng các bậc cha mẹ thầy cô vẫn dạy con cháu và học sinh như thế, nhưng mà “dạy một đằng, làm một nẻo”. Bởi thế sống nơi thị thành, người ta có thể bắt gặp sự lãng phí đến mức giật mình ở bất cứ nơi đâu.
Quay lại chuyện lãng phí thực phẩm, nghe nói từ mấy năm trước, Quốc hội Pháp đã thông qua một điều luật, yêu cầu các siêu thị phải đưa thực phẩm bán ế tới các tổ chức từ thiện hoặc sử dụng làm thức ăn cho gia súc, thay vì đổ bỏ. Nếu vi phạm, siêu thị sẽ bị phạt 75.000 Euro, tương đương với 1,8 tỉ đồng. Âu đó cũng là một phương cách rất tốt, chỉ có điều là: không làm thì bị phạt, nên mới phải làm.
Lão Tử bàn rằng, pháp luật chỉ sinh ra sau khi xã hội con người đã xuống dốc, còn khi tiêu chuẩn đạo đức của người ta cao, thì cũng chẳng cần dùng tới pháp luật. Cũng là một đạo lý ấy, khi người ta trọng thị cái sự tiết kiệm, khi bị xử phạt vì lãng phí, thì tất nhiên, tiết kiệm đã trở thành một “đức hạnh” rồi.
Vậy thì giải quyết cái “văn hóa” lãng phí sao đây? Câu trả lời vừa khó, lại vừa dễ. Khó là ở chỗ, người ta chỉ thích chê bai người khác lãng phí, chứ mấy ai có thể nhìn lại bản thân mình để mà biết tiết kiệm. Dễ là ở chỗ, bạn chỉ phải “sửa mình” cho khỏi lãng phí mà thôi. Nếu ai ai cũng đều biết tự sửa mình, thì hẳn nhiên, tiết kiệm sẽ chẳng còn là một “đức hạnh hiếm có” nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)