Lãng phí trong giáo dục: Thiệt hại vô bờ bến

08:27 SA @ Thứ Bảy - 26 Tháng Tám, 2006

Lãng phí đi đôi với tham nhũng và xét cho cùng của cải tham nhũng cũng là của cải nhân dân bị lãng phí (vào túi cá nhân). Lãng phí trong giáo dục, ngoài tiền bạc là cái dễ thấy hơn cả, còn lãng phí thời gian, công sức, lòng tin, lòng trung thực.

Và đây là lãng phí kinh niên (một trẻ em ngồi ghế nhà trường tới một hay hai chục năm trước khi vào đời) lãng phí trên phạm vi rộng (ngành giáo dục có số nhân viên người đông nhất và tác động lên vài chục triệu thanh thiếu niên).

Trong bối cảnh chung tham nhũng và lãng phí lộng hành trong cả nước như hiện nay (đến mức ban chấp hành trung ương đảng phải có riêng một nghị quyết về tình hình này) không ai nói giáo dục đứng ngoài. Dẫu sao, giáo dục vẫn là một trong những ngành vấy bẩn sau cùng và mức độ vấy bẩn (như kết quả điều tra của ban nội chính trung ương) chưa phải cao nhất. Nhưng việc nó tự gây lãng phí cho nó, thì nó đứng hàng đầu.

Dễ thấy nhất là lãng phí tiền của, vật chất, nhưng lại không dễ mà tính toán cho ra con số gần đúng. Còn lãng phí thời gian, công sức và lòng tin tuy đều có thể quy ra tiền của nhưng càng khó có con số cụ thể. Nếu những vị có trách nhiệm ở ngành này thực sự muốn có được những con số gần đúng về tiền của thuần tuý để rút ra bài học cần thiết xin cứ điều tra sự lãng phí, thất thoát trong việc biên soạn, in ấn sách giáo khoa và trang bị đồ dùng dạy học cho các trường. Và điều tra những dự án vay vốn ODA để đối chiếu số tiền vay với hiệu quả thu được.

Bao giờ cũng vậy, hễ mức độ độc quyền và khép kín càng cao thì sự xà xẻo và lãng phí cũng dễ theo đó mà tăng lên. Mọi người có thể đoán rằng sẽ có những nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản, mà dễ đoán nhất là chúng tìm kiếm sự bao che của quyền lực.

Một thuận lợi cho việc điều tra là trong không khí chống tham nhũng lãng phí hiện nay, sự bao che sẽ tối thiểu, hoặc không có. Một thuận lợi khác là có một lực lượng mạnh hơn, am hiểu vấn đề, có phương pháp và dám bỏ công sức (kể cả công sức riêng) nhằm minh bạch hoá những vùng đen tối, nếu được ban cho chút quyền hạn.

Chủ đề bài này là nói thêm một số lãng phí về thời gian, công sức và lòng tin, tuy đã có nhiều người phân tích rất sâu và rất đầy đủ.

Bước sang thế kỷ 21, rất hiếm cấp quản lý nào lại không biết rằng đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, do vậy nhà nước đã coi đây là quốc sách hàng đầu. Kinh phí cho giáo dục đã chiếm tỷ trọng rất ưu tiên trong tổng ngân quỹ và còn được đi vay thêm để bổ sung. Do vậy, một bất ngờ là những lãng phí này lại bắt nguồn từ ý thức muốn dè sẻn chi tiêu, nhưng dè sẻn đến mức phản hiệu quả. Đó là kinh phí bỏ ra, dù đã khá lớn - kể cả có thể đã vượt ngưỡng cho phép so với thu nhập quốc dân - nhưng vẫn thấp hơn sự kỳ vọng của ý chí.

Nếu bản thiết kế “ngôi nhà giáo dục” có mức chi phí thực hiện cao hơn số tiền nắm chắc trong tay thì cái nhà trên thực tế sẽ nhếch nhác như thế nào. Điều này, ai đã từng xây nhà để ở đều có thể hình dung khá rõ. Chưa nói tới chuyện đầu tư không đúng và chuyện thất thoát (có thể đoán là rất lớn) trong quá trình thực hiện việc xây cất “ngôi nhà giáo dục” này.

Nước Mỹ đã đưa người vào vũ trụ nhưng vẫn có người mù chữ (có sao đâu); trong khi nước ta cố đào tạo cho nhiều “cậu tú, cô tú” (để ke khai thành tích) nhưng sau một thời gian về nhà làm ruộng, làm “cửu vạn”, và các việc lao động đơn giản khác... hầu như không dùng được những gì đã học, thậm chí quên nhiều. Không thiếu các vị tú tài không chỉ nổi vị trí cơn bão trên bản đồ sau khi nghe đài phát thanh thông báo vĩ độ và kinh độ của nó.

Lãng phí khác trong giáo dục là lãng phí trong bồi dưỡng khả năng tư duy, mặc dù đội ngũ thầy có toàn quyền làm điều đó, còn học sinh chỉ có cách chấp nhận và tiếp thu. Kiến thức dạy cho học sinh cố nhiên phải có hệ thống, nhưng không phải đến mức nhồi nhét, đi vào những chi tiết lắt léo, vô bổ.

Cho dù học sinh có dự vô số lớp “học thêm”, có căng óc ra để nhớ được tất, nhắc lại được đủ... thì sự lãng phí trí nhớ và tuổi xuân của lớp trẻ là vô bờ bến, nhất là khi cách dạy này áp dụng đại trà từ vỡ lòng cho tới sau đại học. Đây là cách nhớ để mà... quên. “Thuộc bài” chỉ được các nhà sư phạm coi là đạt trình độ tư duy ở mức thấp nhất và sẽ quên rất nhanh. Dạy cho học sinh biết vận dụng điều đã học mới đáng coi là tư duy mức cao hơn.

Rõ ràng, bài toán khôn ngoan là dạy kiến thức ở mức vừa đủ, còn thời gian đáng lẽ để nhồi nhét thêm những điều quá chi tiết thì nên dùng dạy học sinh cách vận dụng điều đã học để giải thích, cắt nghĩa những sự kiện hay hiện tượng thực tế. Và cao hơn nữa là dạy giải quyết tình huống.

Cách dạy nâng cao khả năng tư duy không phải, không thể, là “thầy nói, trò ghi”, mà phải dạy bằng thảo luận và chỉ có tháo luận: trò bàn cách trả lời bài tập do thầy nêu ra. Ngay học sinh tiểu học sau khi học thuộc bản cửu chương “lần 2”, mới chỉ thuộc “hai lần hai là bốn và hai lần ba là sáu” đã có thể dạy tập vận dụng những kiến thức vừa học và giải quyết vài tình huống đơn giản.

Buồn thay, học viên cấp tiến sĩ hiện nay vẫn bị dự các lớp “thầy nói trò ghi” một mớ kiến thức mà nếu họ cần thật sự họ có thể tự tìm đọc dưới sự giới thiệu của thầy. Buồn hơn nữa là lẽ ra học xong bậc tiểu học nếu không có điều kiện học tiếp lên trung học thì lẽ ra những điều thu nhận được vẫn có ích trong cuộc sống chứ không quên ráo như hiện nay, thậm chí nhiều trẻ em còn mù chữ lại (!).

Lãng phí trong thi cử đã được nhiều người phân tích. Ví dụ, để phát hiện vài phần trăm thí sinh chưa đủ trình độ kết thúc tiểu học mà phải tổ chức cả một kỳ thi quốc gia, hoặc duy trì tình trạng buộc hầu hết tú tài mọi trình độ phải thử sức một hoặc nhiều lần trong thi tuyển đại học... Những trường “đại học” có điểm chuẩn dưới 10, thậm chí 6 điểm (3 môn) thì lãng phí không ai đo nổi, không những từ học phí cao, mấy năm tuổi trẻ trôi qua, mà chủ yếu là ngành giáo dục tung ra thị trường những sản phẩm không bán được, không dùng được cho công việc liên quan với mục tiêu đào tạo chuyên ngành, không lưu kho được, không huỷ đi lấy nguyên tái chế được, mà cứ phải nuôi, phải sống.

Ở đây chỉ xin nói về một lãng phí khác do không biết lợi dụng thi cử: đó là không biết khai thác khả năng chi phối cách thức học tập của thi cử. Thí sinh nào cũng có mục đích thi đạt kết quả cao, dù đó là bài kiểm tra thường kỳ, bài thi kết thúc môn học, bài thi lên lớp, thi tuyển, hay thi tốt nghiệp. Do vậy, đã đi thi bất cứ ai cũng tìm hiểu cặn kẽ xem cách thức hỏi thi ra sao. Thi thế nào, học thế ấy. Muốn học sinh học kiểu nào cứ áp dụng cách thi kiểu ấy. Thời nay, ta cứ phê phán cách học của tiền nhân thuở xưa là phù phiếm, nhưng thời đó người đi thi vẫn phải chiều theo cách thức thi. Họ là nạn nhân chớ không làm gì nên tội.

Muốn thầy dạy và trò học theo cách nâng cao khả năng tư duy thì các đề thi cứ đòi thí sinh phải tư duy. Từ thuở còn nhỏ đến nay tôi vẫn nhớ và giữ được ấn tượng tốt về một ông thầy cấp II khi ra đề kiểm tra cho lớp tôi có 2 câu hỏi lớn, trong đó câu A về sự dãn nở của vật chất theo nhiệt độ gồm 3 câu nhỏ: 1) câu nhắc lại kiến thức chỉ có 2 điểm (hầu hết lớp tôi làm được), 2) câu áp dụng kiến thức để giải thích các hiện tượng (có 3 câu a-, b- và c- được cả thảy 3 điểm; chỉ khoảng 2/3 lớp làm được toàn bộ), còn câu giải quyết tình huống (2 câu nhỏ, được tổng cộng 5 điểm; chỉ khoảng 1/3 lớp làm được hoàn hảo).

Khi thiếu tiền cho giáo dục (và bao giờ cũng thiếu, kể cả nước giàu như Hoa Kỳ) thì cải tiến thi cử có tác dụng lớn qui định cách dạy và cách học, lại tỏ ra ít tốn kém. Lúc này, không cần nghĩ ra đủ thứ sách giáo khoa, thay đổi soành soạch, mà cần các thầy sáng tạo ra cách dạy vận dụng kiến thức hơn là nhồi nhét kiến thức. Trong tay nắm trọn quyền ấn định cách thi cử mà không biết sử dụng hiệu lực chi phối cách dạy và cách học của nó thì liệu có lãng phí không?

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đầu tư học tập - đầu tư quan trọng nhất cho bản thân, đất nước

    10/10/2018Khiết Hưng - Hương GiangĐiều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn gửi các bạn là phải đầu tư vào việc học tập của mình. Những việc làm lý thú, đem lại nhiều tiền, giúp cải thiện thế giới, cải thiện cuộc sống của các bạn... đều đòi hỏi rất nhiều từ việc học tập...
  • Những chuyện ngược đời trong nền giáo dục Mỹ

    29/06/2015Ngô Tự LậpMột người Việt Nam lần đầu tiên tìm hiểu nền giáo dục Mỹ chắc chắn ngỡ ngàng và cảm thấy có nhiều chuyện ngược đời. Dưới đây tôi xin kể năm trong số đó...
  • "Lãng phí kép"

    28/10/2014Đan TâmTổ chức, quản lý chi tiêu ở ngành giáo dục đang rất bất hợp lý. Vì vậy, mối quan tâm của người dân đối với hiệu quả đầu tư cho giáo dục - đào tạo là rất chính đáng và có cơ sở. Một số chuyên gia và khoa học đầu ngành đã từng viết rằng: Bộ Giáo dục - Đào tạo bỏ ra 1 tỉ USD Mỹ để đấu thầu các dự án biên soạn lại sách giáo khoa...
  • Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?

    19/02/2013Nguyễn Đình ĐăngNguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch hiện nay của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu? Phải chăng gốc rễ của vấn đề nằm ở hai điểm chính: Thứ nhất là truyền thống học để làm quan của người Việt và thứ hai là thái độ không tôn trọng (nếu không nói là coi rẻ) cá nhân con người trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là thái độ chưa thực sự tin tưởng trí thức...
  • Giáo dục và bệnh thành tích

    19/07/2006Huỳnh Bửu SơnThành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
  • Làm sao “lớn” được với một nền giáo dục yếu kém?

    17/06/2006Phan Thanh (Khánh Hòa)Nước Việt Nam ta chỉ có thể lớn lên được với một nền giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ tình yêu đất nước, ý thức công dân, đề cao lòng chính trực, căm ghét sự dối trá. Nền giáo dục ấy không có gì quá tốn kém, quá khó khăn đến nỗi phải tốn hàng ngàn tỉ đồng để liên tục thay đổi chương trình, làm mỏi mệt biết bao thế hệ con người...
  • Cần một hội nghị “Diên Hồng” trong giáo dục

    16/06/2006Hạ AnhNgày 12/7/2004 là một ngày rất có ý nghĩa với ngành diáo dục, khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải. Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về giáo dục nhằm nghe các nhà giáo hiến kế đế canh tân nền giáo dục nước nhà đang có nhiều bức xúc- Một ngày không đủ thờigian cho những cánh tay giơ lên liên liếp đề nghị đăng đàn...
  • Một quốc nạn còn đáng lo ngại gấp bội tệ nạn tham nhũng

    03/06/2006Nguyễn Viết Hùng (TP.HCM)Đó chính là hiện trạng giáo dục. Có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: "Con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!"? Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp "tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi" đến như bây giờ? (1)
  • Khi giáo dục tự đánh mất mình

    03/03/2006Trần Trung PhượngTrong cuộc “ mưu sinh toàn cầu” hiện nay, giáo dục được nhận thức như một phương tiện quan trọng không thể thiếu để đạt tới ưu thế nào đó trong cuộc cạnh tranh. Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng, qua sự quá tải của đủ loại kiến thức học đường, qua sự "phát minh" ra nhiều phương pháp giáo dục khác nhau ...
  • Làm thế nào để giáo dục thực sự là quốc sách

    13/02/2006Hà Văn Thịnh (Đại học khoa học Huế)Nếu giáo dục không gây nên tất cả mọi lỗi lầm thì ít nhất, cũng đã và đang gián tiếp một cách lâu dài, tạo nên nhiều yếu tố tiềm tàng để không đủ sức nhìn thấy và, ngăn chặn những lỗi lầm ấy...
  • xem toàn bộ