Tính nghiêm túc của “những vở kịch”
Thưa tiến sĩ Adler,
Những bài giảng về văn hóa Tây phương hoặc những cuốn sách quan trọng thường đặc biệt nhấn mạnhđến những tác phẩm kịch – cả bi kịch lẫn hài kịch. Hầu hết chúng tôi, là sinh viên hay độc giả, hoan nghênh sự nhấn mạnh đó vì niềm vui hưởng mà chúng tôi có được từ những tác phẩm này và như sự giải lao khỏi những sách vở có vẻ nghiêm túc hơn. Nhưng nhiều người trong chúng tôi có cảm giác vụng trộm, không vui, tội lỗi rằng chúng tôi thật phù phiếm khi dành hết chú ý vào những “trò kịch” tầm thường trong những gì lẽ ra phải là sự khám phá nghiêm túc di sản văn hóa của chúng ta. Các triết gia cổ đại có coi trọng kịch không hay họ coi nó chỉ là sự khuây lãng và giải trí?
C.K.
C.K. thân mến,
Đôi khi chúng ta quên rằng khởi thủy kịch là một yếu tố trong việc thờ cúng công khai. Ở thành phố Athens cổ đại, kịch được trình diễn trong nhà hát ngoài trời quay chung quanh bệ thờ thần Dionysius(1). Những chủ đề của bi kịch Hy Lạp bắt nguồn từ những chuyện kể về các thần và các anh hùng và được xử lý với sự nghiêm túc tối đa.
Hài kịch Hy Lạp nảy sinh từ những cuộc liên hoan để vinh danh thần Dionysius. Vào thời Aristophanes, nó là sự hỗn hợp của cái gì đó giống như một trò nhại, nhạc kịch vui, và kiểu hài hước Mort Sahl(2). Nó phối hợp những lời nói đùa tục tĩu và trò hề với những lời châm biếm sâu cay về những nhược điểm chính trị và xã hội lúc bấy giờ.
Bởi vì bi kịch và hài kịch cổ điển có những ngụ ý đạo đức và xã hội nghiêm túc, nên các triết gia cổ đại – những người bảo vệ đạo đức công chúng và những người biện hộ cho sự nguyên trạng (status quo)chính trị- tán thành việc hạn chế hay thậm chí cấm chỉ những buổi diễn kịch. Thái độ chỉ trích này được Plato dành cho văn chương nói chung, thường trở nên dữ dội khi áp dụng với kịch, vì sự trình diễn và ảnh hưởng rộng rãi của nó.
Ngược lại, Aristotle phản bác quan điểm nói rằng mục đích của kịch – hoặc của các nghệ thuật tưởng tượng nói chung – là mang đến sự khai tâm về đạo đức. Ông cho rằng kịch là sự diễn tả có tính chất tưởng tượng những hành động của con người, nó đạt được mục đích của nó bằng việc sử dụng hiệu quả cốt truyện, các nhân vật, ngôn ngữ và những yếu tố khác. Sự thích thú của chúng ta trước vở kịch tùy thuộc vào sự đáng tin của các nhân vật và hành động trong thế giới hư cấu do nhà soạn kịch dựng nên.
Bên cạnh những điều kiện kỹ thuật hoặc khách quan của vở kịch hay, Aristotle nói có một số điều kiện chủ quan và tâm lý. Kịch tác động đến khán giả thông qua sự lôi cuốn đối với cảm xúc, cảm giác và vui thích của họ. Trong trường hợp của bi kịch, khán giả trải nghiệm một “sự thanh tẩy” hay phóng thích cảm xúc, thông qua sự khuấy động và lắng đọng của những cảm giác trắc ẩn và hãi sợ. Sự tham dự đồng cảm của chúng ta vào những diễn biến dữ dội và đau khổ trong thế giới hư cấu của nhà soạn kịch đem đến cho chúng ta niềm vui, sự phóng thích cảm xúc và sự nhận thức những phương diện cơ bản của hiện hữu con người.
Điều đó không có nghĩa là Aristotle coi kịch chỉ là sự giải trí. Ông cho rằng kịch miêu tả những phương diện phổ quát của tính cách, tâm hồn và hành động con người. Sức mạnh của nó phát xuất từ sự trình diễn có tính sáng tạo những gì phổ quát trong cuộc nhân sinh. Lao động theo phương pháp này, nhà soạn kịch bổ sung cho triết gia, là người xử lý sự phổ quát bằng tư duy trừu tượng.
Về hài kịch, Aristotle nhìn thấy nó như sự diễn tả những hành vi lố bịch và thô tục của những con người ở dưới, thay vì ở trên, mức trung bình. Chẳng những không đánh giá thấp hài kịch, ông còn cho rằng tính chất phổ quát của nó thậm chí còn dễ hiểu hơn tính chất của bi kịch. Nó đem đến sự nhận thức phê phán cung cách con người hành động – tính khoe khoang, đạo đức giả, và những khuyết điểm khác. Aristotle chỉ rõ niềm vui chúng ta có được khi theo dõi hài kịch, nhưng ông không nói rõ “sự thanh tẩy” cảm xúc mà nó đem lại. Về điều này, chúng ta có thể nói tới những trải nghiệm của riêng chúng ta về anh em nhà Marx(3), W.C. Fields(4), Jonathan Winters(5)và những nhà soạn hài kịch vĩ đại khác.
(1)Dionysius:trong thần thoại Hy Lạp đây là vị thần của rượu nho, được thờ cúng bằng những nghi lễ say sưa và xuất thần.
(2)Mort Sahl(1927 - ): nhà soạn hài kịch Mỹ gốc Canada. Ông nổi tiếng với những vở kịch một vai châm biếm dựa trên những biến cố đương thời.
(3)Anh em nhà Marx(Marx Brothers): ba nhà soạn hài kịch xuất sắc người Mỹ: Chico Marx (1891 – 1961), Groucho Marx (1895 – 1977), và Harpo Marx (1888 – 1964)..
(4)W.C. Fields(1880 – 1946): nhà soạn hài kịch và diễn viên hài người Mỹ.
(5)Jonathan Winters(1925 - ): nhà soạn hài kịch Mỹ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường