Về tính duy nhất của nghệ thuật
Tôi hằng tin mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hàm chứa tính duy nhất, dù cho đôi khi chúng có sự trùng lặp nhau ở mức độ cao. Mỗi sáng tạo là duy nhất, mãi mãi duy nhất. Cái duy nhất này tự nhiên, nó toát ra từ giá trị cốt lõi của tác phẩm không phải từ những bồi đắp bề ngoài. Nói cách khác, nó là cái "vốn có" chứ không là cái "phải có". Tính duy nhất thường hay lẫn với tính độc đáo vì thế mới dẫn tới những cuộc tìm kiếm vô tận của các nghệ sỹ. Việc tìm kiếm này đã dẫn tới nhiều cách ứng xử khác nhau trong công đoạn sáng tạo và hậu sáng tạo, nhiều khi nó không tránh khỏi những hành động vừa phàm tục vừa ấu trĩ. Lịch sử nhân loại còn ghi lại câu chuyện Nêrô đốt thành Rôma để làm thơ. Nêrô đốt Rôma để lấy cảm hứng sáng tác là một phần, sâu xa hơn chính là khát vọng chỉ tồn tại một Rôma duy nhất trong thơ của ông ta. Vị bạo chúa ấy đã mưu cầu tính duy nhất cho tác phẩm của mình nhưng trong hành trình ấy ông ta lại lạc sang tính độc ác.
Không ít những nghệ sĩ nhiếp ảnh khoe rằng mình đã chớp được một khoảnh khắc cực đẹp, sau đó đe không ai lặp lại được họ đã phá bỏ một phần của phong cảnh ấy. Niềm tin nào để người ta dám khẳng định tác phẩm của mình có thể thay thế cho phong cảnh thực mà họ vừa tàn phá? Mỗi tác phẩm, dù tác phẩm vĩ đại đến thế nào đi nữa thì cũng chỉ là cái duy nhất của một khoảnh khắc, vậy thôi. Bởi vì cho dù vẫn ở cảnh ấy khi nghệ sĩ khác bấm máy thì thời gian đã khác đi, tinh thần đã khác đi, mọi thứ ở cảnh ấy đã là ở một sát na(*) khác, một sát na không trùng lặp với sát na trước nó và cũng chẳng trùng lặp với sát na sau nó.
Mãi mãi Heraclit là đúng khi ông cho rằng không ai tắm hai lần trong cùng một làn nước. Mỗi giây qua đi là một thế giới qua đi, mỗi giây mới đến là một cái mới đến và đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra sự cuốn hút không mệt mỏi của sự sống và của nghệ thuật. Con người luôn bị ám ảnh bởi sự tụt hậu của mình với chính mình bởi thế mà nó phải tự tìm cách rời xa bản thân nó.Rời xa cũng là một cách tự làm mới chính ta. Và sự thật là chúng ta thay đổi cùng thời gian, ở sát na này ta là cái ta khác, sát na sau đó ta lại là cái ta khác nữa. Con người chính là tổng số những cái duy nhất ở nhiều thời điểm vì thế nó cũng chính là dòng chảy, như câu thơ của Borges(**): "Con sông cuốn ta đi và ta là con sông ấy từ chất liệu sinh động và từ thời gian huyền bí, ta là ta”. Ta là ta trong hành trình đuổi theo chính bản thân ta. Để đuổi theo được mình thì tâm hồn cần phải tự biết cách đánh ngã chính mình, phải tự thu hẹp lại, làm mỏng đi rồi tự đổ vỡ. Điều này thoạt tiên có vẻ như rắc rối, cực đoan nhưng thực chất nó chỉ đơn giản là một sự thật kín đáo được gọi tên, vậy thôi.Cần hiếu rằng tính duy nhất ở đây không phải là cách thay thế hoặc chinh phục mà chỉ thuần tuý là chính nó.
Tính duy nhất do xuất hiện khi con người trung thực ở mức cao nhất và cũng khi ấy nghệ thuật mãi mãi là hiện đại.
Nói một cách hình ảnh thì tính duy nhất trong mọi tác phẩm nghệ thuật là mảnh đất chật hẹp, cực chật hẹp, chật hẹp tới mức nó chỉ đủ chỗ cho chính tác phẩm ấy chứ không đủ chỗ cho những giá trị khác bám vào. Nếu một cao điểm chỉ có chỗ cho người lính giữ cao điểm ấy thì nó sẽ không bao giờ mất bởi chẳng có chỗ cho kẻ xâm lấn đặt chân vào, dù chỉ là một nửa bàn chân. Nơi nào tính duy nhất ngự trị mạnh mẽ thì ở đó quyền năng của thời gian bị hạn chế.
(*) Sát na là đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của Phật giáo, khoảng 1%của giây.
(**)Jorge Luis Borges (1899 - 1986), nhà thơ, nhà văn tài danh của Arhentina
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu