Thành phố đẹp và 12 cái xấu xí
Thời cổ Hy Lạp, có một người, có vẻ muốn tìm đến bản chất sâu xa của mọi sự vật, hỏi nhà hiền triết: "Tại sao người ta lại thích phụ nữ đẹp?". Câu trả lời: "Đó là câu hỏi của người khiếm thị!". Bây giờ, nếu có ai hỏi: "Tại sao anh lại cần thành phố của anh đẹp?". Thì chắc ta cũng phải giật mình, không biết người này có bị…điên không?
Không biết từ bao giờ, Hà Nội được coi là thành phố đẹp. Nhiều phẩm chất của cái đẹp lắm. Năm 1981, sau chiến tranh, là đỉnh cao của khó khăn. Thành phố rất xập xệ. Tôi có một người bạn Ái Nhĩ Lan, anh Paddy Farrington. Anh ta yêu Hà Nội. Tôi cũng muốn khen Hà Nội của mình đẹp, nhưng nghĩ những cảnh làm mất vẻ đẹp chỉ dám khiêm tốn: "Ngày trước Hà Nội đẹp lắm Paddy ạ". Trả lời: "Even now" - Bây giờ vẫn đẹp!
Đúng là Hà Nội đẹp. Không đẹp, thì làm sao mà có tới vài trăm ca khúc về Hà Nội, nhiều hơn hẳn mọi thành phố khác, mà gần như ca khúc nào về Hà Nội cũng hay (mà lại chắc chắn không phải nhạc "nhái", vì làm sao "nhái" nhạc để ca ngợi được thành phố này). Hàng ngàn bức ảnh, bài thơ, tranh vẽ về thành phố này, mà vẫn chưa hết.
Người Trung Quốc là một dân tộc giỏi giang. Ai cũng biết. Nhưng người ta viết cả một cuốn sách "Người Trung Quốc xấu xí" để tự thấy và sửa những cái chưa hay của mình. Người Mỹ, người Nhật cũng làm như thế. Sao ta không theo gương ấy mà mạnh dạn nói về "thành phố ta xấu xí”.
Cái xấu xí đầu tiên, là sựlộn xộn, không quy hoạch. Không nói phố cổ. Đó là sản phẩm của mấy trăm năm trước. Nhưng không quá tệ đâu. Nó có sự hợp lý và cái duyên của nó. Ở Lon don cũng có hình ảnh ấy, vì cũng là quá khứ mấy trăm năm. Tuy to tát hơn nhiều, nhưng cũng thấy những ô phố chia lung tung thoải mái, không rõ trục. Cũng không nói các phố cũ. Ba đại lộ nổi tiếng Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo (cùng Tràng Thi, Nguyễn Du) chủ đạo hướng Đông - Tây, cắt ngang bởi Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Bà Triệu, Quang Trung, Lê Duẩn, chủ đạo hướng Bắc - Nam, tạo thành khuôn khổ đàng hoàng, quy hoạch thành phố ô cờ rành rẽ. Phố xá, vỉa hè, hàng rào chín chu, cây xanh mát rượi. Quy hoạch nghiêm.
Cái đáng phàn nàn là những thứ mới mọc lên. Toàn bộ vùng vành đai rộng lớn, gồm các làng mạc danh tiếng, kể cả các hồ đầm trước đây: Lương Yên, Minh Khai, Quỳnh Lôi, Tương Mai, Làng Tám, Thịnh Liệt, Định Công, Đại Kim, Kim Giang, Thái Hà, Ba Mẫu, Kim Liên, Chợ Dừa, Thành Công, Láng, Làng Cót, Bưởi, Vạn Phúc, Cống Vị, Đại Yên, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Xuân La, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Quảng An, Nghi Tàm, Tứ Liên, cả dải bờ sông xuống tới Phà Đen, tất cả nhất loạt "đồng khởi", tất cả biến thành "đô thị". Nhưng "đô thị" kiểu gì mà kinh khủng thế?
- Chắc chắn là 95% không quy hoạch, mà tự phát, cho nên có hàng ngàn (hàng ngàn) ngõ, ngách, hẻm, kiểu sừng trâu, càng vào càng hẹp, xe máy xe đạp phải ngồi lên yên mới luồn vào được. Xe cứu thương, cứu hỏa thì đừng có mà hòng tiếp cận. Tuy kinh tế có đỡ hơn, từng căn nhà không phải ổ chuột, nhưng cách cư trú ấy là hang chuột.
- Còn lại 5% có thể có quy hoạch, nhưng quy hoạch thụ động, chấp nhận, tạo nên những phố không ra phố, ngõ không ra ngõ, chật hẹp quanh co, với 3 đặc điểm nổi bật: Đường bê tông, phố không hè, hè không cây.
- Kiến trúc thì 100% là tự phát. Đơn giản vì xin phép thì không ai cho, mà cho phép thì cho theo phép nào, luật nào, quy hoạch nào. Nên phải tự cho phép, kèm theo "cho" gì đấy cho người có trách nhiệm quản lý. Quản lý không theo kịp cuộc sống thì cuộc sống nó tự chảy theo dòng của mình. Cấp điện, thông tin, nhất là cấp và thoát nước cũng lần mò theo dòng tự chảy đó. Hãy chụp một bản đồ không ảnh, thì thấy thật là đáng sợ. Ung thư di căn, tràn lan, không còn thuốc nào trị bệnh được nữa, từ nay không còn ai hy vọng can thiệp để cải thiện được nữa.
Hoặc lấy tấm bản đồ Hà Nội, tô mầu da cam các địa danh trên đã nói, xem nó to hơn cả Hà Nội trước đó mấy lần?. Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này?.
Cái xấu xí thứ hai là Quy hoạch lúng túng.Những đại lộ Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên... thì to đẹp quá rồi, đáng ngưỡng mộ, dù nhà cửa hai bên phố mới chỉ đáng gọi là tạm được.
Nhưng nhiều con phố mở theo quy hoạch hẳn hoi, song, chắc bị coi là phố bé, lại có nhiều hạn chế, ức chế nào đó nên phải quy hoạch cong queo, như phố Vạn Bảo, phố Giang Văn Minh, kéo dài sang Đội Cấn, hoặc không những cong queo, mà còn bị lạc đi đâu mất, như phố Lê Thanh Nghị, rõ ràng đi từ trại Găng sang Đồng Tâm, mà đi một lúc lại thấy ra Đại Cồ Việt.
Mỗi một con đường được quy hoạch là một ca mổ đau đớn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Mà trước đó đã rình rập cả trăm mưu đồ như những loài vi khuẩn, ém sát hai bên rồi. Quán xá lập tức mọc lên như nấm sau cơn mưa đầu hạ. Đường Đại Cồ Việt xong lâu năm rồi, bây giờ mới lo bóc bỏ quán xá, lập các dự án xây dựng cho đúng là đại lộ của Thủ đô.
Cái xấu xí thứ ba là Kiến trúc tạp nham.Phố cổ Hà Nội cũng như phố cổ Hội An, phố Tiên Yên…xây dựng từ hồi chưa có 5000 kiến trúc sư, chưa có các Văn phòng, các Sở quản lý, hóa ra lại có bài bản, có phong vị, nói gọn là đẹp. Các phố thời còn dưới ách thực dân, cũng có bài bản, cũng đẹp. Chỉ có các "phố mới", khi người dân có nhiều tiền hơn bao giờ từng có, khi thành phố có đủ bộ máy quản lý, mới thể hiện rõ cái "quyết tâm phản đối mỹ thuật".
Điều này thì các anh "Sắc màu không gian" cũng đã góp nhiều tiếng nói rồi. Báo chí, dư luận cũng mỏi miệng rồi, có lẽ không cần bàn thêm.
Riêng vấn đề nhà chia lô căn phố, tôi đã có dịp nói ở trên, nó là sản phẩm tất yếu của một cuộc sống còn quá nhiều chất "tiểu nông, tiểu công, tiểu thương". Muốn hay không, cấm hay không, thì nó vẫn cứ mọc ra. Không những thế, quy luật "3 tiểu” còn biến cả biệt thự lẫn nhà căn hộ cao tầng thành nhà căn phố chia lô, đúng yêu cầu của nó. Không quy cái án "làm xấu” cho nó được, có nhất thiết nhà chia lô là xấu đâu.
Cái xấu thứ tư là Giao thông lộn xộn. Bế tắc, nguy hiểm. Cái này báo nào cũng viết, ai cũng biết, cũng kêu, cũng kinh.
Nói cho khách quan, sự cố gắng đầu tư mở rộng, nâng cao hạ tầng giao thông những năm qua là rất lớn, đáng trân trọng. Nhưng tình trạng giao thông đô thị hiện nay là không chấp nhận được. 50% lỗi của giao thông, quản lý; 50% do trình độ, ý thức quá kém của người tham gia giao thông. Nhưng suy cho cùng thì là lỗi của người quản lý cả. Đến cái nắp cống cũng không làm chu đáo, cái đèn báo mở nắp cống cũng không có; quản lý, giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra lại buông lỏng nhiều năm, thì lấy đâu ra ý thức tôn trọng giao thông, tôn trong luật lệ giao thông của người dân.
Cái xấu xí thứ năm là nhiều Diện tích chẳng là gì cả. Một cái khác của đô thị do với nông thôn, rừng núi là mặt bằng được xử lý triệt để, tới từng mét vuông. không thể có những con đường làm dở dang, những trảng đất bỏ không, sinh bụi, những bãi trại, xà bần ngổn ngang, những diện tích hoang phế mọc đầy rền gai, xấu hổ và cỏ hôi. Mặt bằng của một thành phố đẹp đẽ, chỉn chu chỉ có thể có các thành phần: quảng trường lòng đường, vỉa hè, sân, đáy nhà, mặt nước sông, hồ, bể nước, còn lại là cỏ, hoa được trồng tỉa, cắt xén, chăm sóc chu đáo, có chủ ý. Bao giờ cho đến ngày ấy nhỉ?
█Cái xấu xí thứ sáu là Tầm cao không quản lý. Những building mới cao vọt lên làm cho các phố cổ, phố cũ, kể cả phố biệt thự, trong vòng 500m trở hành lúp xúp như chuồng gà, lều vịt. Trong cả hai góc nhìn: từ dưới đất nhìn lên và từ tầng 20 nhìn xuống. Nó đột ngột, trơ trẽn và ngạo mạn, như một cao bồi một mét chín lăm đứng chống nạnh giữa một bầy các cháu lớp mầm.
Đáng lẽ nên tập trung các anh ngất nghểu ấy lại thành một quần thể mới, phong cách hiện đại cao thấp hài hòa, hạ tầng đáp ứng, tạo nên một si - lu - ét mới mẻ của một thành phố vươn lên. Vài chục tòa cao trong phạm vi năm chục héc ta đủ để người ta bị hấp dẫn tới khu vực mới đó và đủ để chụp những bức ảnh đẹp.
Cái xấu thứ bảy là Những ngôi nhà biến dạng. Trước hết là những khu tập thể 4 - 5 tầng. Nó vốn là những nỗ lực phi thường của một thời gian khó. Tự nó không đến nỗi tệ, nhưng hầu hết đã bị biến dạng, chung quanh đeo bám đủ các thứ hỗn tạp, han gỉ, lem nhem, có mùi, không hình, không mầu. Giống như người bán rong áo mũ giầy dép cũ bằng cách đeo tất cả hàng hóa đó quanh thân mình.
Cùng với Đà Lạt, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể tự hào vì những khu biệt thự đẹp. Nhưng đã lâu rồi, trừ những biệt thự cho người nước ngoài, sứ quán hoặc công thự cao cấp, còn thì cũng trở thành anh bán hàng cũ trên kia.
Và cả khu tập thể, cả biệt thự cũng chịu chung một căn bệnh thời đại là biến dạng thành căn
Cái xấu xí thứ tám là Biến chất toàn khu. Những diện tích rất lớn, vốn để dành cho sự phát triển lâu dài của những cơ cấu hoàn chỉnh, như cơ quan, trường đại học, lại hóa ra cùng số phận với các làng ven đô. Điển hình là khu Đại học Bách khoa, Đại học Thủy lợi, thay vì được quy hoạch đẹp đẽ, thành những trung tâm giáo dục kiểu mẫu thì lại thành các khu dân cư chen chúc. Cả những khu đất quân đội nữa, như 28 Điện Biên Phủ, sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai.
Cái xấu xí thứ chín là Chợ búa lung tung. Đâu cũng chợ xanh, chợ cóc, với các xúc tu là các gánh hàng rong rau quả, quần áo, giầy dép, tạp hóa, bơm ga, bả chuột…Ngay các chợ chính quy cũng đậm một mầu lam nham, lộn xộn. Không thể chấp nhận hệ thống cung ứng nhu yếu phẩm cho một đô thị mấy triệu dân theo phương thức chợ làng, chợ ven đê.
Thực tình, lắm khi mua bán vặt vãnh cũng thấy tiện việc. Nhưng tiềm ẩn sau phương thức cung ứng ấy, được sinh ra từ sự buông lỏng quản lý từ ý thức thiếu trách nhiệm, gần như "mặc kệ nó", là bao nhiêu tai họa khôn lường về an toàn, an ninh và nhất là an toàn thực phẩm.
Cái xấu xí thứ mười là Thiếu vẻ đẹp. Cây xanh, mặt nước, tượng đài, đài phun nước... là những thứ đem đến vẻ duyên dáng, sự thanh bình, nét văn hóa cho một thành phố. Cây xanh có, nhưng phần nhiều ở phố cũ. Bình quân cho đầu người, cho diện tích còn quá thấp. Cây xanh còn thiếu ý tưởng, chủ đạo. Đài phun nước chưa có gì đáng kể. Mặt nước ở Hà Nội mà không nổi tiếng thì bị lấp hết rồi. Số còn lại (vì đã có tên tuổi không lấp được) thì ô nhiễm, trở thành túi vi trùng. Hai dải bờ sông Hồng, thay vì được viền cạp chu đáo, trồng cây xanh mát thì lại trở thành hai bãi trạt khổng lồ. Tượng đài thì đã quá ít cho một thành phố lịch sử và văn hiến, lại phần lớn không thành công.
Cái xấu xí thứ mười một là Mất vệ sinh. Quá nhiều bụi, khói tiếng ồn. Giải quyết bụi là khó, nhưng giải quyết hợp lý, có hiệu quả như: Trồng cỏ hoặc lát hết mặt đất hở, quản lý xe chở đất cát (thường phủ bạt một cách tắc trách, bạt bay phần phật còn vẩy ra nhiều cát hơn là không phủ), nhằm lúc mưa nhỏ xong nhân tiện cho xe rửa đường…còn có tác dụng hơn là "xài sang" kiểu xe hút bụi thời Seagames, thứ đó chỉ có tác dụng ở nơi rất ít bụi, chứ làm sao lại được với đất cát ngập chân tường.
Nhà vệ sinh công cộng thì ít quá, nên nhiều người thoải mái ở những nơi hơi khuất hoặc cả không khuất. Cái này thì ngày xưa đã có, phố Tô Tịch ngày xưa dân gian gọi là "ngõ bắt đái". Nhưng giờ này còn để nhiều nơi thoang thoảng mùi "nhà ga xe lửa" thì thật không phải. Đã sang thế kỷ XXI rồi.
Cái xấu xí thứ mười hai bao gồm hai tính từ: Nham nhở, loằng ngoằng. Quá nhiều bề mặt nham nhở, đáng lẽ dược xử lý với một xe cải tiến vữa trát và hai xô vôi, thì lại bị làm nham nhở thêm với anh khoan giếng, khoan phá bê tông. Sao không xây cho mỗi cụm dân cư một bảng thông tin như ngày trước, một nửa để thông báo (thay vì cho loa nén vào mọi cửa sổ lúc 7 giờ sáng), còn một nửa để làm dịch vụ cho dán giấy quảng cáo, rao vặt, bán xe, mất chó...
Kể cả biển quảng cáo cửa hàng, lẽ ra phải có người nhìn ngó và can thiệp nếu chữ không nghiêm (chữ đẹp lấy từ vi tính quá dễ), nếu viết sai chính tả, nội dung thiếu thanh lịch.
Làm loằng ngoằng là hai đồng nghiệp quan trọng bậc nhất cho thành phố. Điện lực và Bưu điện. Các vị chạy từng bó, từng mớ dây rối ren, loằng ngoằng khắp phố xá, hàng cây, khắp "bầu trời, mặt đất", mắc võng khắp nơi, hồn nhiên vô tư như thể thành phố của riêng mình, vũ trụ của riêng mình. Thấy nhiều dây cắt đứt, buông thõng, rõ ràng là dây không dùng nữa nhưng không thu lại. Không ít người bị dây quăng vào cổ, người lăn xuống đất, xe văng ra xa. Có thanh niên đã chết treo cổ ở một dây như thế. Không ít xe tải, xe cẩu kẻo đứt dây. Muốn tìm chỗ chụp một bức ảnh mà không bị "xóa ảnh" bởi các đường dây là rất khó.
Các vị thu phí không rẻ lắm đâu. Đã đến lúc nên đầu tư để trả lại không gian cho thành phố. Trục điện vào thành phố là đường dây cao áp, đi ngầm thì quá đắt, có thể tạm hoãn. Nhưng dây hạ áp, đường vào các hộ, và đường điện thoại, cáp ti vi nên bỏ vốn ra để đi ngầm. Vừa đẹp, vừa an toàn. Nên học tập anh cấp nước, anh cấp nước có đi ống trên trời đâu, dù đi trên trời thì nhàn quá
Một ngàn năm dân ta xây dựng nên một Hà Nội lúc nào cũng đẹp. Nhưng 12 cái xấu xí đang gặm nhấm thủ đô của ta. Có một nhận xét thế này: Trừ một vài không gian quan trọng nhất, còn thì khắp thành phố này, không có một điểm nào, để ta đứng đó làm tâm, mà trong bán kính 100m lại không có một nghịch mắt nhỏ, trong 200m không có một nghịch mắt lớn.
Những người quản lý và xây dựng Thủ đô, những người sống ở Thủ đô, lẽ nào không muốn có một thành phố xinh đẹp, chỉn chu, xứng đáng với lòng yêu của cả nước, xứng đáng với công định đô ở nơi đắc địa của Đức Lý Thái Tổ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh