Một trường học yêu nước đầu tiên ở Hà Nội

09:12 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Chín, 2013

Từ giữa năm 1906 dân phố Hàng Đào thấy các nhà nho có tên tuổi như phó bảng Hoàng Tăng Bí, cử nhân Dương Bá Trạc, tú tài Lê Đại, huấn đạo Nguyễn Quyền... thường xuyên lui tới nhà cụ cử Lương Văn Can ở số nhà 4. Lại có cả các vị thanh niên Tây học danh tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá... cũng có mặt. Chẳng biết họ bàn việc gì song ai nấy đều đoán là liên quan đến "quốc sự" rồi.

Và rồi tới tháng 3 năm 1907, cách nay đúng 100 năm, nhà số 10 Hàng Đào treo biển dọc, theo cách hồi ấy Đông Kinh nghĩa thục (ĐKNT) và bắt đầu chiêu sinh. Đông Kinh là tên kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng ngoài, nghĩa thục là trường dạy việc nghĩa. Học sinh tới tấp ghi tên nhập học, đủ lứa tuổi, tầng lớp: các ông nhà nho tới học chữ Pháp, quốc ngữ, các cậu thanh niên học chữ Pháp và cả chữ Hán, có riêng một lớp cho nữ. Ban đầu chỉ có ba lớp khoảng 100 trò, đến tháng 5/1907 khi có giấy phép chính thức (do Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra làm đơn xin mở trường) thì học sinh đã lên tới vài trăm, phải mở 8 lớp. Nhà số 10 không đủ chỗ, phải san sang bên nhà cụ cử Can số 4 và thuê thêm căn nhà bên số lẻ gần ngõ Gia Ngư của cụ Cống Sùng giàu vào hạng nhất Hà Nội bấy giờ, người Du Lâm, Đông Anh. Bài Vè Đông Kinh có câu:

Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ
Khắp ba mươi sáu phố Hà thành
Gái trai nô nức học hành
Giáo sư tám lớp học sinh non ngàn

Có thể nói ĐKNT là nhà trường kiểu mẫu cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Do Lương Văn Can làm thục trưởng và Nguyễn Quyền làm giám học, trường có 4 ban: Giáo dục, Tài chính, Tu thư và Cổ động.

Ban Giáo dục gồm ba tổ Việt văn, Hán văn và Pháp văn. Các cụ Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc... dạy Hán. Các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá... dạy Việt và Pháp văn. Có hai nữ giáo viên dạy chữ Pháp và quốc ngữ cho học trò nữ.

Ban Tài chính xây dựng quỹ cho nhà trường, lúc đầu rất khó. Nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình của dân Hà Nội, quỹ mỗi ngày một dồi dào, nguồn cung cấp chính là thường trợ - người có con em theo học, mỗi tháng mỗi người giúp 5 đồng. Ngoài ra còn loại lạc trợ, là người hảo tâm giúp. Những ai ủng hộ nhà trường đều được ghi tên treo ngay ngoài cửa trường, chẳng mấy lúc ghi dày đặc một bảng lớn.

Giáo viên chỉ lĩnh hàng tháng một số cấp phí 4 đồng một người. Số tiền còn lại dùng vào việc mua giấy bút, cấp học bổng cho học trò và chi tiêu công việc nhà trường.

Ban Cổ động có việc truyền bá những tư tưởng mới dưới hai hình thức diễn thuyết và bình văn. Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm... là những người diễn thuyết có tiếng bấy giờ. Phan Chu Trinh những ngày ở Hà Nội cũng đến trường diễn thuyết. Hai hình thức này thu hút đông đảo thính giả Hà Nội, nên có thơ để lại:

Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa

Ban Tu thư có nhiệm vụ biên tập các loại tài liệu khác nhau cho học sinh học, vừa để cổ động cho ĐKNT, vừa để hô hào cải cách. Biên tập chính có Lương Văn Can, Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Ngô Đức Kế... Tài liệu giáo khoa phần lớn lấy trong các sách báo mới của Trung Quốc, hoặc trích trong tác phẩm cổ văn thích hợp với mục đích giáo dục của nghĩa thục.

Chương trình học tập bao gồm những kiến thức như địa lý, sử kí, cách trí, vệ sinh..., vẫn phải nương vào chương trình giảng dạy trong trường học của thực dân. Nhưng điểm khác nhau căn bản là ĐKNT chú trọng biên soạn những bài giảng theo quan điểm đào tạo những con người hữu dụng cho đất nước chứ không phải để đào tạo những tay sai như trong trường học của thực dân. Bên cạnh nội dung giáo dục đó là các buổi diễn thuyết ngoại khóa hô hào chống lề thói phong kiến lạc hậu và trọng thực nghiệp, dùng hàng nội hóa...

Một vấn đề đặc biệt tiến bộ mà ĐKNT đã làm là mạnh dạn tuyên truyền những tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ của các nước châu Âu. Để truyền bá những tư tưởng học thuật mới, ĐKNT đặc biệt chú trọng phổ biến chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Nho khó học và dịch các sách ngoại ngữ ra quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách các nước, sách Chi-na
Chữ nào chữ nấy dịch ra cho tường

ĐKNT nhằm vào một mục tiêu cụ thể là phát triển văn hóa làm lợi khí để đẩy mạnh hoạt động thực nghiệp làm cho nước giàu dân mạnh. Nước có giàu dân có mạnh thì mới mong thoát khỏi ách nô lệ. Đó chính là nội dung và mục đích yêu nước mà ĐKNT đã nói rõ

Suốt thân sĩ ba kỳ Nam Bắc
Bỗng giật mình sực tỉnh cơn mê
Học, thương xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau

Cái "hồn ái quốc" mà ĐKNT muốn kêu gọi và giáo dục cho mọi người đó không thể là điều gì khác ngoài nền tự do của Tổ quốc. ĐKNT hoạt động hay như vậy nên ảnh hưởng tỏa ra nhiều nơi. Gần trung tâm Hà Nội có Mai Lâm nghĩa thục ở Hoàng Mai, Ngọc Xuyên nghĩa thục ở Tứ Liên. Các nhà nho tiến bộ cũng lấy chương trình Đ KNT về dạy ở quê hương, như cử nhân Nguyễn Châu Đỉnh làng Vẽ, Trần Đỉnh làng Thượng Cát (đều thuộc huyện Từ Liêm). Các địa phương khác có "phong trào" tương tự là Trôi Gối ở Đan Phượng, Nhị Khê ở Thường Tín, đều thuộc Hà Đông, cùng Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên...

Thực dân Pháp mới đầu còn tỏ thái độ phỉnh phờ đối với ĐKNT nhưng sau thấy xu hướng chính trị của trường càng bộc lộ rõ, lại có ảnh hưởng lớn, nên vội vã đàn áp. Tháng 12 năm 1907, chúng ra lệnh đóng cửa cơ sở giáo dục này, tìm cách đày ải các thành viên ra Côn Đảo.

Nhìn lại, thì ĐKNT là một phong trào yêu nước xuất hiện ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỉ XX, lấy trường học hợp pháp ở Hà Nội làm trung tâm để mở rộng phạm vi ra nhiều nơi. Hoạt động của trường mở ra nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật nhất là trong văn hóa, giáo dục, xã hội. ĐKNT đã chống lại những cái lạc hậu của xã hội phong kiến đang là trở lực ngăn cản sự tiến bộ của dân tộc. 100 năm đã qua nhưng dấu ấn và đóng góp của ĐKNT vào đời sống tư tưởng của nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là không thể phai nhạt.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người tạo nên vụ Big Bang 80 năm trước ở Sài Gòn

    27/03/2020Nguyên NgọcNgày 24/3 này, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh, và sau đó mấy hôm, ngày 4/4, kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông, mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản hồi ấy đã viết là "trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ"...
  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh

    07/06/2014Nguyễn Đức SựSự thực, chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh là một hiện tượng nổi bật trong xã hội Việt nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nó chứng tỏ Phan Châu Trinh rất quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của nước nhà. Chính vì vậy mà ông muốn cải tạo xã hội Việt Nam lúc đương thời theo con đường cải lương...
  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)

    12/07/2009Một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam, đã cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân
  • Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh

    17/07/2006PGS. PTS. Lê Sĩ ThắngĐối với các nhà nho Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ - những người đã từng bị Nho giáo bưng tai bịt mắt, đã thấy được ở một chừng mực nào đó sự lạc hậu của nhà trường Nho giáo và đang khao khát giải thích nhiều vấn đề có liên quan đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì “Tân thư" đã có sức hút mãnh liệt...
  • Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn

    19/07/2005Nguyên NgọcLà người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã nêu ba nội dung cơ bản của phong trào duy tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khoá là dân trí. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu...
  • xem toàn bộ