Đừng để mất dần văn hóa làng

03:19 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Tư, 2009

Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh mái đình, cây đa luôn ở vào cung bậc nhạy cảm nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt. Bất cứ người Việt nào cũng có và cần một vùng quê để yêu thương, để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ” ấy trong hoài niệm tuổi thơ. Đã là hoài niệm thì cho dù nơi ấy có cơ cực tủi nhục đến đâu, có xơ xác lam lũ thế nào, có để lại những dấu ấn buồn đau đến mấy, thì vẫn có sức gọi dậy những vang bóng một thời đầy ắp những kỉ niệm mông lung, ấm áp. Về làng, ta về làng, hai tiếng giục giã đến nao lòng những người vì cuộc mưu sinh, vì một sự nghiệp phải xa quê. “Ai về làng cũ hôm nay, Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi. Con đi mười mấy năm trời, Một thân bé bỏng nửa đời gió sương…” (Nguyễn Bính).

Mà đã về làng thì làm sao có thể không nhớ, không thăm cái đình.

“Trúc xinh trúc mọc bên đình, em xinh..” đấy là cái hồn cốt của làng đã được thăng hoa trong cảm thức thẩm mĩ dân tộc với những hình tượng độc đáo xao động lòng người chứ cái đình thường giữa một vị trí trang trọng trong ý thức của dân làng. “Cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đền thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang, thế tất theo phong thủy, nơi phong quang nhất”, Tô Hoài luận về “Cái đình làng” trong “Chuyện cũ Hà Nội” như vậy.

Trong “Việt Nam văn hóa sử cương” xuất bản năm 1938, học giả Đào Duy Anh chỉ rõ: “Đối với dân làng, thần Thành Hoàng là biểu tượng của lịch sử, phong tục, đạo đức pháp lệ cùng hi vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ uy quyền siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có thống nhất và tổ chức chặt chịa”.

Ẩn chìm trong màn sương hư ảo của tín ngưỡng mang tính huyền bí là bóng dáng của sức cố kết cộng đồng trong trong tâm lý làng xã dược thăng hoa, bụi thời gian dần dà phong kín cái cốt lõi hiện thực của cuộc sống làng quê. Trong dòng chảy thời gian ấy, với bao biến thiên của lịch sử và những đảo lộn xã hội, cái làng quê đã bị xáo động dữ dội, những tục lệ ấy rồi cũng nhạt nhòa, may mắn chỉ còn gợi lại trong hồi ức của một lớp người nay đã ngày càng hiếm. Tuy nhiên , dù có chìm vào quên lãng, rồi đây lớp người “cổ lai hi” hôm nay đã không còn nữa, thì hồi ức ấy vẫn còn đọng lại trong nền văn hóa làng vốn là nguồn sinh khí nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc.

“Ngày qua ngày lại qua ngày. Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Có người cho rằng, cái quy luật tất yếu và phũ phàng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa “ngày qua ngày lại qua ngày” dường như đã vùi dập không thương tiếc nền văn hóa làng ấy. Cho dù có muốn cưỡng lại cũng chỉ là những khát vọng. Bởi thế, không không biết với việc Hà Nội mở rộng gấp nhiều lần,“Ai khéo xoay ra phố nửa làng”(Tú Xương) thì người nông dân Thủ Đô với “hương dồng gió nội bay đi ít nhiều” liệu có góp phần vào việc “nông thôn hóa đô thi” của một Hà Nội văn minh, hiện đại đến đâu và rồi có dị ứng lại với những cặn bã của văn minh đô thị?

Một câu hỏi đặt ra: Liệu có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa dân tộc để đổi lấy một nông thôn tàn tạ, nham nhở, phố không ra phố, làng chẳng ra làng không? Câu hỏi đó như một điệp khúc buồn day dứt, cứ trở đi trở lại mãi khi bàn về vấn nạn nông thôn, đặc biệt khi nói về văn hóa làng.

Những tổn thương nặng nề trong chiến tranh, nhất là những vết thương trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức ở miền Bắc, với những năm 50 thế kỉ XX chưa kịp bịt miệng, lên da non, thì những sai lầm của chủ nghĩ giáo điều duy ý chí trong việc áp đặt mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp, rồi với việc hối hả thúc đẩy quá trình tập thể hóa nông nghiệp với hợp tác xã bậc thấp rồi hợp tác xã bậc cao, tiếp tục làm cho nó lở loét thêm, thúc đẩy sự biến dạng. Và tàn tạ của nền văn hóa làng. Và rồi, với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa chưa có một định hướng hợp lý đã dẩy nhanh thêm quá trình tan rã và biến dạng của nền văn hóa làng đó. Không khéo lần công phá dữ dội của làn sóng đô thị hóa và công nghiệp kì này, nếu không có một sự chuyển đổi về nhận thức và đường lối, sẽ là đòn trí mạng làm sụp đổ hẳn nền văn hóa làng. Mà cần nhớ rắng, làm sụp đổ hẳn nền văn hóa làng, tức là nhổ bật cái gốc của văn hóa Việt nam với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: Văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước, cái làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Để cảm nhận được đầy đủ điều ấy, phải ngược dòng lịch sử mà hiểu ra rằng trong cái thế kẹt của vị thế địa chính trị “trứng nằm dưới đá” Việt nam muốn tồn tại và phát triển phải rèn cho mình bản lĩnh có cứng mới đứng được đầu gió, dám tự khẳng định mình, sớm rèn luyện bản lĩnh “dám là mình”. Không có phẩm chất đó thì dân tộc này không thể tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển. Biết bao lần kẻ thù đã muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng, thậm chí chỉ là một xứ thuộc mẫu quốc ở tít tắp bên kia đại dương, xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Để thực hiện phải tiêu diệt ý chí đề kháng được hun đúc trong nền văn hóa vốn là nguồn sức mạnh bất tận của dân tộc Việt Nam. Kẻ thù không sao đồng hóa được dân tộc này vì chúng có thể chiếm giữ được nước (thủ đô, huyết mạch giao thông) song không sao chiếm được làng, không làm băng hoại được nền văn hóa làng. Còn làng thì còn nước là sức sống bất tận của dân tộc ta. Cốt lõi của sức sống đó là gì, chất xi măng gắn kết mọi con người trong cộng đồng dân tộc này là gì, nếu không phải là văn hóa? Nói như Phạm Văn: “Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được để không ngừng lớn mạnh”.

Những cơn binh lửa tàn phá thành tựu của nền văn hóa dân tộc khi… “sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn, thật sự rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót…” mà sử gia Ngô Sĩ Liên từng xót xa, thì nếu chiêm nghiệm sâu sắc, chiến tranh cũng chỉ có thể tiêu hủy những thành tựu văn hóa vật thể và khi cơn binh lửa qua đi vẫn có thể trùng tu, xây dựng lại, còn những hủy hoại diễn ra từ sau những năm 50 thế kỉ XX trở lại đây, thì không chỉ những di sản văn hóa vật thể mà cùng với chúng những di sản văn hóa phi vật thể, đời sống tâm linh, nơi sâu thẳm của tâm hồn con người, có ý nghĩa khởi động, dẫn dắt ý nghĩ và hành động hướng thiện của con người đã bị xúc phạm dữ dội.

Dường như chúng ta chưa thấy và không chịu thấy rằng, được đặt vào nơi phong quang nhất, trung tâm của làng, ngôi đình làng có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống làng quê. Cùng với ngôi đình làng, phải kể đến ngôi chùa làng. Chùa làng, đáp ứng một nhu cầu rất sâu đậm của đời sống thôn dã, là sự cân đối trở lại nét bất bình đẳng nặng nề trong sinh hoạt cộng đồng làng quê. Nếu ở đình làng, ngoài những ngày sóc vọng lễ tiết có “hội làng mở giữa mùa thu” mà cả dân làng đều tụ hội thì thông thường, chốn đình trung chỉ dành cho các quan viên bàn “việc làng”, người phụ nữ không can dự thì ngôi chùa làng là nơi dành cho các họ, các cụ, các bà, các cô thôn nữ, và đương nhiên trẻ em được dắt theo.

Đình làng, chùa làng, những biểu tượng văn hóa gần gũi, gắn bó với người nông dân, kể cả những người thành thị là gốc gác nông dân chính là báu vật quốc gia sát sườn với con người đang sống, đang thực hành công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa. Trong một bài viết cảm động, tác giả của “Về nguồn”, nhà sư Thích Chơn Thiện đăng trên “Văn hóa Phật giáo” số 71 đã khẩn khoản: “Đất vua, chùa làng vốn là căn bản của Phật giáo, với số nông dân chiếm khoảng 70% dân số cả nước, thế mà hình ảnh ngôi chùa làng, tiếng chuông thanh thản, đầm ấm…đang trở nên hiếm hoi ở nông thôn. Ước chi mỗi làng quê đều có đình, có chùa… Về làng cũng chính là về với tâm hồn dân tộc, với an bình, hạnh lạc. Mong thay! Mà thật ra, có người dân thành phố nào không có gốc gác nông thôn?

Nói về cái “gốc gác” nông thôn ấy, người viết bài này đã có dịp gợi lên trong một bài viết đã đăng trên Hà Nội ngàn năm về nét duyên dáng “phố” quyện vào nhau, trong “phố phái”, tên gọi quen thuộc một số sáng tác của danh họa Bùi Xuân Phái, báu vật của thủ đô. Những ý niệm sâu lắng về đất nước: Nghèo, nhưng dám là mình, từ một nền văn minh lúa nước của miền nhiệt đới gió mùa mà chủ động và sáng tạo trong cách đi vào công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa để từ đó mà không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Ấy thế mà, có người đã dõng dạc tuyên bố: “Muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hóa làng xã”. Cho nên, nói về hiện tượng đáng buồn đã xảy ra trong sự kiện “Lễ hội phố hoa Hà Nội chào mừng năm 2009 vừa rồi, người ta đã quy tất tội lỗi cho văn hóa làng! Rằng: “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra… lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua”. Và rằng, “khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế không bổ sung kịp, không nhiều bằng chất nông thôn”. Từ đó mà đưa ra kết luận rất lạ lùng: “Người ta bẻ hoa, giật hoa vì người ta coi đó là chuyện hồn nhiên. Họ không thấy xấu hổ, không biết mình thiếu văn hóa. Đó là bản chất của văn hóa làng xã”.

Sao lại có thái độ khinh miệt với nông thôn và vô ơn làm vậy với người nông dân? Đành rằng trong “Văn hóa làng” đã trầm tích những mặt tiêu cực của lối sống tiểu nông đang là vật cản cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa, kiểu tư duy manh núm, vụn vặt tự trói mình trong lũy tre làng “ta về ta tắm ao ta”, dìm chết những khát vọng đổi mới, duy trì một tập quán trì trệ, bảo thủ. Cũng trong bài viết này, xin chỉ nhắc lại mỗi một khái quát về “mười cái nhất” của người nông dân: Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất.

Thay vì sự vô ơn với nông dân và thái độ miệt thị nông thôn, đổ lỗi cho “bản chất của văn hóa làng” đã gây nên những hiện tượng phản văn hóa, phải biết đau nỗi đau của con người ở khía cạnh tập trung nhất thuộc tính người: Nỗi đau văn hóa. Hơn thế, phải nhận cho ra nỗi đau văn hóa cũng chính là nỗi đau xã hội ở dạng phức tạp nhất, vừa cụ thể, lại vừa khái quát. Mà đã là vết thương xã hội, vết thương văn hóa thì rất khó chữa, đúng hơn, phải chữa rất công phu. Phòng bệnh không tốt để xảy ra rồi thì phải chữa trị rất lâu dài. Ngay khi vết thương đã lên da non thì vẫn dễ tái phát. Vì thế, cần phải có sự suy nghĩ nghiêm cẩn để phân tích một cách đầy đủ về hiện tượng đáng buồn nói trên ở chiều sâu của những ẩn ức dồn nén, rồi bộc phát ra trong hành vi. Cái đó, thuật ngữ chuyên môn xã hội gọi là tâm trạng xã hội. Cho nên, cùng với dồn lực tập trung tháo gỡ những khó khăn vè kinh tế, phải đặc biệt coi trọng phân tích tâm trạng xã hội, có như vậy mới đưa ra được những giải pháp đúng, Trực tiếp, cụ thể, và cơ bản để giải quyết từ gốc chứ không phỉa cắt tỉa từ cái ngọn.

Và vì văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, nên cho dù trải qua những tàn phá thô bạo, những trấn áp nặng nề, trong sâu thẳm tâm linh của người dân nông dân, những nội dung văn hóa vô hình không dễ gì mất đi được. Chúng vẫn được ủ kín trong mỗi con người nhất là các cụ già. Và đấy là lý do giải thích sự khởi sắc của một số lễ nghi, tập tục qua các hội làng quê. Tuy không mất đi được, song những tổn thương thì rất khó hàn gắn. Những tổn thương đó đang được trị liệu, song hành với những trị liệu đó, “văn hóa làng" đang đứng trước một thách đố còn quyết liệt hơn nhiều làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa công nghiệp. Liệu có thể khoanh tay ngắm nhìn sự một đi không trở lại những hình bóng quê hương, những ngôi đình, những ngôi chùa thân thiết sâu thẳm trong tâm thức người Việt chỉ còn là những “Vang bóng một thời”? Không!

“Văn hóa làng” chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, không có cái gốc đó, không thể có bề dày văn hóa hôm nay. Càng đi vào hiện đại, càng tiến sâu vào quá trình vào quá trình hội nhập quốc tế, càng phải biết gìn giữ, vun đắp cho cái gốc ấy. Đã mất gốc thì làm sao phát triển, và cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lại lai căng, mất gốc thì sự tăng trưởng đó có chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa.

Đương nhiên giữ lấy cái gốc không phải như giữ một cổ vật dặt trong hòm kín của viện bảo tàng. Để cho cái gốc ấy vững thì phải luôn được tưới tắm, vun xới, bổ sung để làm phong phú hơn sức sống văn hóa Việt Nam. Đó là tính chất toàn dân tộc mới mẻ hơn, đa dạng hơn trong chất con người thời đại qua tiến trình giao thoa và hội nhập văn hóa thế giới. Chất văn hóa toàn dân tộc và hội nhập văn hóa với thế giới. Chất văn hóa toàn dân tộc và chất văn hóa con người toàn cầu đang nâng cao và làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc với sự hòa quyện gắn bó giữa ba nhân tố: Nhà, làng và nước. Văn hóa nhà (gia đình), văn hóa làng cũng vì thế có những nội dung mới, phong phú hơn, đa dạng hơn. Đấy cũng là quá hiện đại hóa truyền thống và truyền thống hóa hiện đại.

Đấy là chưa nói đến chuyện, vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI thế giới càng nhận thức rõ chính văn hóa mới là động lực và sức mạnh của phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, mỗi quốc gia lại phải lo gìn giữ và phát triển trong một thế giới đa cực và đa dạng.

Hãy nhìn vào ngôi đình làng, ngôi chùa làng, trừ một số ít được giữ gìn hoặc đang được trùng tu, còn lại thì đang tàn tạ, tiêu điều, bằng nhận thức ấy mới thấy cần phải trả lại cho chúng cái chức năng văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Biết hiện đại hóa những tinh hoa của bản lĩnh văn hóa truyền thống, nâng chúng lên một tầm mới trong sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay chúng ta sẽ đến với thế giới bằng chính bản lĩnh của văn hóa Việt Nam.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Một thế giới đại đồng

    10/03/2009Nguyễn Quang ThiềuCác làng quê hiện nay không cưỡng nổi sự ám ảnh ma quỷ của bê tông hóa. Chính thế mà không ít gia đình ở thôn quê đã phá ngôi nhà cổ vô giá của mình để xây một khối bê tông nặng nề và phi thẩm mỹ. Nhưng có một điều may mắn lạ lùng là hầu như tôi không thấy ở đâu có ý định sửa lại đình làng.
  • Hoang vắng như nhau

    03/03/2009Nguyễn QuânLàng tôi chỉ có hai, ba ngàn nhân khẩu nhưng có một cái đình to thuộc loại to nhất xứ Đoài, to đẹp hơn bất kỳ nhà văn hóa huyện, tỉnh nào bây giờ. Nó được dựng vào đầu những năm 1840. Và dĩ nhiên, niềm tự hào lớn nhất của dân bất cứ làng nào cũng là cái đình làng mình.
  • Vùng thương nhớ

    17/02/2009GS. Tương LaiLiệu có bao nhiêu dân thành phố không có một gốc gác nông thôn? Năm hết Tết đến, thật thú vị cho những người thành thị nào có được niềm vui về quê ăn Tết.
  • Mắc nợ nông thôn

    22/04/2008Nguyễn Mạnh QuânMình còn mắc nợ nông thôn những gì và phải làm gì để bù đắp cho những mất mát của làng quê Việt Nam trước những đổi thay của thời cuộc...