Tiểu thuyết: Khoảng cách giữa khát vọng và khả năng thực tế

12:10 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười, 2005

Mở đầu Diễn đàn "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu", chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa.

Theo logic thông thường và xét trong mối quan hệ với hiện thực, trước những biến cố xã hội - lịch sử trọng đại không những quyết định vận mệnh đất nước mà còn quyết định số phận hàng triệu con người thì lẽ ra, tiểu thuyết của chúng ta phải gặt hái được nhiều thành tựu. Vậy nhưng, sự thăng trầm của tiểu thuyết trong nhiều năm qua vẫn còn ám ảnh đến tận hôm nay với những câu hỏi rằng tại sao chúng ta thường vẫn chỉ tự hào về những tiểu thuyết đã xuất bản hàng chục năm trước? Tại sao trong những năm tháng này, tiểu thuyết vẫn dàn hàng ngang trên giá sách song rất khó có thể tìm được một cuốn “để đời”?...

Tình cờ liệt kê một số tiểu thuyết xuất bản quãng hơn mười năm nay, tôi nhận thấy hình như có một “điều khác thường”. Nếu đặt cạnh nhau - không theo trật tự thời gian, không phụ thuộc vào tiếng tăm của tác giả - thì nhan đề của các tiểu thuyết như: Thủy hỏa đạo tặc (Hoàng Minh Tường), Mối tình hoang dã (Trần Huy Quang), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Sóng ở đáy sông (Lê Lựu), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Cháy đến giọt cuối cùng (Nguyễn Thị Anh Thư), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Những đứa con bất trị (Triệu Huấn), Người cha ở trên trời (Nguyễn Tham Thiện Kế), Đất nóng (Nguyễn Hồng Thái), Giữa cõi âm dương (Thu Loan), Trăm năm thoáng chốc (Vũ Huy Anh), Tâm đêm (Quỳnh Linh), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai)... làm tôi muốn liên tưởng tới một “cái gì đó” liên quan tới tâm thế của người viết (rộng hơn là tâm thế xã hội - con người?).

Loại trừ việc đặt tên tác phẩm như là một thủ pháp marketing, nếu nhan đề tiểu thuyết ít nhiều chứa đựng một thông điệp tinh thần thì có lẽ đấy là tâm thế của con người trước những biến động xã hội mà nhà văn quan tâm. Tiếc rằng trong lĩnh vực tiểu thuyết, giữa sự quan tâm của nhà văn và sản phẩm do nhà văn sáng tạo ra chưa đạt tới một tương thích như ý, bởi trong các tác phẩm kể trên, số tiểu thuyết thật sự có tiếng vang không nhiều. Tuy nhiên, điều tôi muốn trình bày, phân tích ở đây là một số vấn đề lý luận - thực tiễn của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Trong phạm vi khảo sát của mình, tôi nghĩ cần đánh giá trực tiếp và cụ thể (dẫu có làm cho ai đó mếch lòng!) rằng phải chăng lâu nay nhiều thói quen trong sáng tác tiểu thuyết đã trở nên sáo mòn, đơn điệu, rằng thể loại chúng ta vẫn gọi là “tiểu thuyết” trong nhiều trường hợp chỉ là những chuyện kể dài lời...?

1. Nói thật công bằng, mấy chục năm qua tiểu thuyết “hay” của từng giai đoạn văn chương vẫn xuất hiện, nhưng nếu nói những tiểu thuyết ấy vẫn có khả năng ánh xạ tới các giai đoạn sau thì quả còn khiêm tốn. Lâu nay, dường như các tiểu thuyết gia ở Việt Nam vẫn chưa vươn tới một tầm vóc tư tưởng có khả năng bao quát, thấu triệt và trừu xuất về không gian - thời gian lịch sử rộng lớn trong tương quan với số phận con người, mà tạm bằng lòng với việc sáng tạo “những hiện tượng tiểu thuyết” cho từng giai đoạn văn học. Chỉ tính từ 1960 đến nay, cứ vài năm văn đàn lại rộ lên ý kiến tán thưởng một tiểu thuyết được xem là đặc sắc, nhưng rồi phần nhiều những tiểu thuyết này nhanh chóng trở thành tài sản của quá khứ, được điểm danh trong các sách văn học sử, được lưu giữ trong trí nhớ của những người cùng thời.

Hàng chục năm qua, tiểu thuyết Việt Nam loay hoay trong nỗ lực vượt qua các thành tựu đã có mà xem chừng chưa vượt nổi. Trong nỗ lực của các nhà văn, phải kể đến công lao một số tác giả với một động cơ chính đáng cố gắng hoàn thành những bộ tiểu thuyết lớn, tận dụng khả năng của thể loại để dựng lại toàn cảnh một giai đoạn lịch sử nhất định với sự đan chéo phức tạp của các tình huống xã hội, trong sự dụng công đi sâu khám phá, lý giải số phận cá nhân đã phát triển như thế nào giữa các tình huống xã hội đó. Nhưng những nỗ lực này đôi lúc chưa thực sự thành công vì, theo tôi, do năng lực thực tế của nhà văn còn hạn chế.

Hơn nửa thế kỷ nay đã có mấy bộ tiểu thuyết được coi là “lớn” song lại cùng rơi vào tình trạng “tập” sau yếu hơn “tập” trước, tiểu thuyết càng kéo dài tác giả càng cạn dần vốn liếng, tỏ ra “đuối hơn”. Đó là trường hợp của Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Cửa biển (Nguyên Hồng), Vùng trời (Hữu Mai)... Ngay với cuốn tiểu thuyết theo tôi là khá hơn cả trong giải thưởng của cuộc thi tiểu thuyết vừa kết thúc, nếu phần đầu của Dòng sông mía (Đào Thắng) là “rất được”, thì phần sau lại chưa tương xứng. Còn lại phần nhiều là tiểu thuyết “mùa nào thức nấy” và hình như cứ dăm năm, tiểu thuyết lại có chung một môtíp đề tài. Xét từ 1960 đến nay thì đầu những năm 60 là tiểu thuyết về nông thôn và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp; cuối những năm 60, đầu những năm 70 là tiểu thuyết về chiến tranh; cuối những năm 70 là tiểu thuyết về chiến thắng và dư âm ngày chiến thắng; đầu những năm 80 là tiểu thuyết về con người - xã hội thời hậu chiến và manh nha ý tưởng về sự trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp; cuối những năm 80, những ý tưởng kể trên được tiểu thuyết nói tới một cách mạch lạc hơn khi việc xóa bỏ cơ chế cũ trở nên bức xúc.

Đầu những năm 90 trở lại đây, chưa thấy đề tài mới xuất hiện một cách khả dĩ nổi trội, và những tiểu thuyết có tiếng vang trong thời kỳ này đều khai thác những đề tài cũ nhưng ở một trình độ mới (Nỗi buồn chiến tranh tự nó đã nói về đề tài, Bến không chồng và Mảnh đất lắm người nhiều ma tiếp tục câu chuyện về làng xã…). Văn giới cùng công chúng đã và đang chờ đón các “hiện tượng tiểu thuyết” đủ sức làm xôn xao dư luận, nhưng chưa thấy. Phải chăng các nhà văn vẫn chưa bắt nhịp kịp với những biến đổi xã hội - con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ mở cửa giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa với thế giới đã và đang đưa lại, đã và đang làm nảy sinh nhiều nội dung văn chương hoàn toàn mới?

Phân loại đề tài tiểu thuyết theo các giai đoạn lịch sử chỉ có ý nghĩa tương đối, không bao hàm ý nghĩa hạ thấp giá trị xã hội của đề tài, không coi đây là “văn chương minh họa”. Điều tôi muốn nói là: việc chuyên chú vào một loại đề tài đã làm hình thành trong nhiều nhà văn thói quen ít quan tâm, thiếu tập trung sáng tạo về mặt nghệ thuật, đưa tới tình trạng đơn điệu trong khai thác nội dung cuộc sống, nghèo nàn trong ngôn ngữ loại hình.

Xét từ quan hệ giữa nhu cầu văn hóa - xã hội và sự ra đời của tác phẩm văn chương - ở đây là tiểu thuyết -, một đề tài có tính thời sự thường giúp cho tiểu thuyết đáp ứng được nhu cầu tức thời của xã hội và công chúng; nhưng khi nhu cầu tức thời đó được thỏa mãn, xã hội xuất hiện một (những) nhu cầu mới cao hơn, cập nhật hơn thì ngay lập tức tiểu thuyết có tính thời sự mất dần ý nghĩa thời sự và phải nhường chỗ cho tác phẩm nào có khả năng đáp ứng trực tiếp. Sự “lên ngôi” rồi nhanh chóng mất hút trong đời sống văn chương của một số tiểu thuyết là do nguyên nhân từ mối quan hệ này? T

uy thế phải thừa nhận, vẫn có một số tác giả đã giải quyết khá hài hòa quan hệ giữa đề tài và các yếu tố khác của tiểu thuyết, bởi trong họ, khát khao đổi mới bút pháp là khát khao thường trực. Họ không để ngòi bút bị cuốn theo, không để bị chi phối bởi đề tài, họ cố gắng chiếm lĩnh nó, làm chủ nó, để cho các nội dung tư tưởng, các suy nghiệm nhân sinh được triển khai thông qua những cấu trúc tác phẩm khá linh hoạt. Và họ ít nhiều thành công ngay cả khi viết về đề tài thời sự như Chu Văn với Bão biển, Nguyễn Minh Châu với Dấu chân người lính, Phan Tứ với Mẫn và tôi, Nguyễn Khải với Gặp gỡ cuối năm, Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn, Lê Lựu với Thời xa vắng… (có thể kể thêm Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà?). Tiểu thuyết của những nhà văn kể trên đã vượt lên trên mặt bằng của các tiểu thuyết cùng loại đề tài, và ở đây, năng lực thực tế của nhà văn giữ vai trò quyết định?

2. Không tính tới những tiểu thuyết diễm tình rẻ tiền kèm theo tên tác giả lạ hoắc, hàng năm các nhà xuất bản ở Việt Nam vẫn cho “xuất xưởng” không ít tiểu thuyết dày mỏng khác nhau và chất lượng cũng không hơn kém bao nhiêu. Đọc những tiểu thuyết này, sẽ thấy một tỷ lệ khá cao của số tác giả chưa thật rành rẽ các yêu cầu thể loại. Tôi đọc tiểu thuyết và hình dung người viết chưa (không) coi trọng vai trò của “ý tưởng”, mà trước hết tác giả cấu tứ nên một cốt truyện rồi “bồi da đắp thịt” cho cốt truyện ấy để nó có thể sinh tồn như một tiểu thuyết. Triển khai một tiểu thuyết vừa để đáp ứng một đề tài, vừa dựa trên một cốt truyện cấu tứ khá ổn định trong “bản vẽ kỹ thuật”, người viết rất dễ bị cuốn theo mạch truyện, bị lối viết “chuyện kể” chi phối, không lưu tâm tới các chi tiết văn học - cái mà trong văn xuôi nói chung, thường in đậm dấu ấn vào người đọc, buộc họ phải nghĩ, phải nhớ.

Tất nhiên chi tiết văn học không đồng nhất với chi tiết cuộc sống cho dù giữa chúng luôn có liên hệ mật thiết, song chuyện là ở chỗ, nếu coi tiểu thuyết là kết quả của một quá trình sáng tạo thì việc chưng cất, tinh lọc các chi tiết cuộc sống, biến chúng thành những chi tiết văn học, thật ra là thao tác mà không phải nhà văn nào cũng có khả năng tiến hành. Đọc trên diện rộng, tôi nhận thấy trong nhiều tiểu thuyết ở Việt Nam xuất bản trong những năm qua, bút pháp “tả thực” luôn đeo bám không ít tác giả khi tạo lập chi tiết cho tác phẩm.

Thiết nghĩ, điều này còn có quan hệ, còn có tác động từ phía người đọc, vì cho tới hiện tại đa số người đọc ở Việt Nam thường tiếp nhận tác phẩm văn chương theo thói quen căn cứ vào trải nghiệm của bản thân để so sánh chi tiết văn học với chi tiết cuộc sống, rộng hơn là so sánh hiện thực văn chương với hiện thực cuộc sống, để rồi định giá tác phẩm thường dựa trên tiêu chí đúng-sai, một tiêu chí đúng nhưng chưa đủ. Nói cách khác, đa số người đọc hiện tại chưa có thói quen tiếp nhận tác phẩm từ góc độ tư tưởng-thẩm mỹ sâu sắc và triệt để (phải chăng đây là sản phẩm của kiểu tư duy trực quan và duy cảm của văn hóa Việt Nam truyền thống?). Họ “khoái” đọc tác phẩm có cốt truyện rạch ròi ngõ hầu có thể “kể lại” cho người khác và “ngại” đọc tác phẩm nào buộc phải “nghiền ngẫm”, khai thác và tìm kiếm “phía sau ngôn từ”.

Lẽ ra, để góp phần “nâng cấp” và thay đổi, làm phong phú thói quen của người đọc trong điều kiện dân trí đã phát triển, người viết văn xuôi nói chung, người viết tiểu thuyết nói riêng (rộng hơn là cả người làm thơ) cần từng bước thay đổi lối viết với những tìm tòi mới thì ngược lại, đa số tác giả lại hầu như chỉ quan tâm đến việc “kể sao cho hay hơn”, vô tình góp phần củng cố thói quen tiếp nhận đã khá ổn định của người đọc. Đưa tới hệ lụy là tiểu thuyết ra đời như kết quả của những khát vọng cách tân đã không tìm được sự đồng cảm của số đông. Phải chăng các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy...), gần đây là của Thuận (Phố Tàu) đã nằm trong trường hợp này? Vả lại tôi nghĩ, khi cố gắng cách tân chưa có sự đột biến trong tư duy thể loại, vẫn chỉ là những tìm tòi mang tính hình thức thì chuyên chú với hướng đi ấy chưa hẳn đã có thành tựu.

Khi cốt truyện được cấu trúc sao cho thật phù hợp với lối truyện kể thì cái gọi là “thời gian ký ức” trở thành “bảo bối” trong tay các nhà tiểu thuyết nhằm xâu chuỗi các số phận, các sự kiện. Thời gian ký ức đưa lại lợi thế cho tác giả trình bày những suy nghiệm phần nào có tính tư tưởng, nhưng những suy nghiệm phần nào có tính tư tưởng lại không có thể có giá trị cao nếu được rút ra từ những khám phá hời hợt, nhất là với tác giả chưa có đủ trí - lực “đốt cháy con phượng hoàng” để dấn thân vào cuộc vật lộn đầy cam go đặng tìm ra những liên hệ tinh thần giữa số phận con người với các biến động thời đại, tuy vô hình nhưng gắn bó và chi phối lẫn nhau cực kỳ chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc viết tiểu thuyết chỉ nhằm kể một câu chuyện sao cho có đầu có cuối còn đẩy tới tình trạng cuốn tiểu thuyết chỉ là một “truyện ngắn khuếch đại” với một phiến đoạn hành động thiếu ý nghĩa phổ quát.

Trong số tiểu thuyết được tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II của Hội Nhà văn, theo tôi Cán cờ tre của Trình Đình Khôi thật sự là cuốn “tiểu thuyết” của một cây bút chưa bộc lộ khả năng nắm bắt các yêu cầu tối giản về thể loại, dẫu tác giả của nó rất “tâm đắc” với đứa con tinh thần của mình thì điều kỳ lạ nhất là ở chỗ, không rõ tại sao Cán cờ tre lại được ưu ái trao tặng thưởng (!?). Phải chăng chính hiện tượng này cùng một số hiện tượng tương tự đã làm cho người đọc thiếu tin cậy vào các tiểu thuyết được trao giải thưởng của một vài cuộc thi? Nhân đây xin nhắc tới trường hợp một cây bút sau một vài truyện ngắn có tiếng vang đã vội vã chuyển sang tiểu thuyết trong khi chưa được chuẩn bị chu đáo những hành trang tinh thần cần thiết. Xưa kia ở tuổi thành niên, Nguyên Hồng đã có Bỉ vỏ, hơn chút nữa về tuổi tác, Vũ Trọng Phụng có Giông tố, Số đỏ nhưng “đốn ngộ” như các ông liệu có mấy người, hi hữu lắm. Nên số đông các cây bút tiểu thuyết vẫn cứ phải cặm cụi trên lộ trình “tiệm ngộ”, tích lũy lâu dài ngõ hầu đi đến đích. Song le cũng xin chớ hy vọng cứ viết một cuốn sách dày vài trăm trang là sẽ có tiểu thuyết. Và cuối cùng, tất cả những trường hợp kể trên, dù diễn ra với những biến thể khác nhau, tựu trung vẫn là câu chuyện về năng lực thực tế của nhà văn.

3. Nói tới năng lực thực tế của nhà văn là nói tới những yếu tố chủ quan của chủ thể sáng tạo. Năng lực thực tế không chỉ là một năng lực “thiên phú” có sẵn, nó còn là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó những tác động khách quan từ thực tiễn cũng giữ một vị trí quan trọng, thậm chí còn giữ vai trò quyết định trong một số trường hợp. Là một bộ phận của đời sống văn chương, tiểu thuyết gắn bó chặt chẽ với hoạt động xã hội, đặc biệt là với hoạt động của ngành xuất bản, phát hành. Mấy thập kỷ trước, tiểu thuyết thường được xuất bản với số lượng ít nhất vài nghìn bản cho một cuốn, cao nhất cũng tới hàng vạn bản. “Công nghệ sản xuất” xem ra không mấy gian nan, miễn là tác giả có bản thảo, còn xã hội lo giúp các công đoạn còn lại.

Quy trình: nhà xuất bản cứ xuất bản, ngành phát hành sách cứ phát hành, các thư viện cứ nhập sách tạo ra cảm giác tiểu thuyết ra đời là được tiêu thụ hết veo. Nhịp điệu bình ổn này làm cho các cây bút tiểu thuyết yên tâm về bút lực, chỉ còn một lo lắng làm sao cho “đứa con tinh thần” của mình lọt vào kế hoạch xuất bản. Trạng thái yên tâm về bút lực đôi lúc còn được “tiếp sức” bởi các bài phê bình bao dung, dễ tính không chỉ ra được (hay không có khả năng chỉ ra?) những hạn chế của từng cuốn tiểu thuyết, của từng tác giả (như bài viết Triển vọng của tiểu thuyết - nhìn từ một cuộc thi của Bùi Việt Thắng gần đây chẳng hạn!). Hệ quả là nhà tiểu thuyết và nhà phê bình tay trong tay... cùng dẫm chân tại chỗ! Hôm nay mọi sự đã khác xưa, nhà văn phải đối mặt với một tập hợp các khó khăn, quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường đặt ra những thách thức mà chỉ bằng thói quen cũ, kinh nghiệm cũ nhà văn khó có thể vượt qua. Hai chữ “hạch toán” trói buộc các nhà xuất bản không dám phóng tay, không dễ gì họ đứng ra làm “mạnh thường quân” để có ngày vỡ nợ.

Có lẽ nỗi băn khoăn về cái con số 1000 bản cho một cuốn tiểu thuyết chỉ là sự hồi suy về thời oanh liệt đã qua, chưa dám chấp nhận một thách thức là phải chiến thắng chính mình. 1000 bản (hay mấy trăm bản) không nói lên điều gì, chúng không có khả năng phản ánh chất lượng một cuốn tiểu thuyết. 1000 bản vẫn cứ ế ẩm nếu là một cuốn tiểu thuyết dở. Đã tới lúc cần làm quen với cái thước đo chất lượng chứ không nên khư khư thước đo số lượng để tự huyễn hoặc mình hay chê bai người đọc.

Rồi ngay cả khi có sự tham gia đắc lực của báo chí, hay có sự cổ vũ của một hai cây bút “đàn anh” thì cũng không thể “vực dậy” nổi một tiểu thuyết (có thể coi ý kiến của Hồ Anh Thái với tiểu thuyết Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh gần đây là sự kiện điển hình?). Vài chục bài báo ngợi ca, vài cuộc hội thảo được tổ chức, dường như trong đa số trường hợp chỉ mang lại hào quang “giả” cho người đã khai sinh ra một tiểu thuyết ngay từ đầu đã chứa đựng khả năng “sớm yểu mệnh”. Đã xảy ra hiện tượng có nhiều ý kiến tán thưởng của người trong giới dành cho một tiểu thuyết nhưng nó vẫn nằm hoài trên giá, để một thời gian sau lùi xuống quầy hạ giá hoặc phải quyên sinh phục vụ sự nghiệp của mấy bác bán xôi! Các nhà xuất bản “dính” vào tiểu thuyết cũng là “dính” vào một cuộc chơi sang trọng nhưng không kém phần may rủi. Họ thận trọng cũng là điều cần cảm thông.

Len vào được một kế hoạch xuất bản, bán phắt bản thảo cho một “đầu nậu” hay tự bỏ tiền túi để in sách đều cần cân nhắc kỹ lưỡng đồng thời cũng là nỗi quan ngại của người viết. Cho nên cây bút nào muốn vẻ vang với đời, muốn thành danh bằng cách dũng cảm xài món “công nghiệp nặng” mà bỏ qua các loại “công nghiệp nhẹ” hoặc “thủ công nghiệp” hãy thận trọng, không thì cú “sốc” thất bại sẽ ghê gớm khôn lường. Thế nên xin chớ vội hờn dỗi khi tác phẩm không được dư luận quan tâm để tự an ủi như một thắng lợi tinh thần rằng thị hiếu người đọc đang bị thương mại hóa, rằng văn hóa đọc đang có xu hướng xuống cấp…! Trong những trường hợp này lời cổ nhân “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vẫn có một ý nghĩa nhất định. Rút cục câu chuyện vẫn là năng lực thực tế của tác giả mà thôi.

4. Sẽ không công bằng nếu xem toàn bộ các cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương đại cùng có tình trạng năng lực yếu kém và dễ dãi. Phải thừa nhận rằng trong số họ, nhiều người đang trăn trở, tìm tòi nhằm đổi mới tư duy thể loại đặng tìm ra một hướng đi mới cho tiểu thuyết. Về mặt lý thuyết, giới nghiên cứu văn học cũng không còn thỏa mãn với công cụ có tính “cổ điển”, máy móc, sáo mòn, mà cố gắng tìm kiếm gợi ý từ các lý thuyết văn học hiện đại. Các tác giả M.Bakhtin, M. Kundera... đã được giới thiệu để tham khảo nhưng có lẽ vẫn chưa được người sáng tác quan tâm. Bằng vào các sáng tác, tôi nghĩ cho đến nay lý thuyết cơ bản về tiểu thuyết, thậm chí đến khái niệm “tiểu thuyết” là gì, vẫn còn là một khu vực tri thức khá mơ hồ trong nhiều người sáng tác. Nhà văn có đọc nhiều hay không, hệ thống tri thức nhà văn tự xây dựng cho mình sâu sắc và phong phú như thế nào, có thể tìm hiểu được một phần thông qua tác phẩm.

Tuy thế những năm qua, tiểu thuyết gây chú ý trong dư luận không nhiều nhưng đã bộc lộ một số khám phá, sáng tạo đáng trân trọng. Trong những cố gắng cách tân tiểu thuyết, Ma Văn Kháng tỏ ra nổi trội, phần lớn tiểu thuyết của anh không xây dựng theo lối truyện kể thông thường, chúng được xử lý một cách sinh động trong tương quan chặt chẽ giữa giọng điệu trần thuật với thời gian tâm lý, thời gian ý thức. Đọc Ma Văn Kháng, tôi nhận thấy anh tiến hành một số thử nghiệm kỹ thuật song chưa khai thác triệt để các biện pháp này để định hình rõ nét một phong cách tiểu thuyết. Nói về phong cách, dường như phong cách tiểu thuyết của Nguyễn Khải ổn định hơn và đã lâu chưa được đổi mới. Nguyễn Khải sử dụng khá thuần thục thủ pháp thời gian đồng hiện, thu hẹp không gian - thời gian tiểu thuyết, ít sa đà miêu tả chi tiết đời sống, ngôn ngữ nhân vật có xu hướng giãi bày tâm sự, độc thoại nội tâm đến mức có trường hợp nhân vật như là nơi tác giả gửi gắm những chiêm nghiệm được anh rút ra sau những suy tư về cuộc đời, nên văn tiểu thuyết của Nguyễn Khải kém phần tươi tắn, kém phần sinh động so với văn tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (điều mà Ma Văn Kháng đặc biệt thành công trong lĩnh vực truyện ngắn, xin sẽ bàn trong một dịp khác - N.H).

Trên đây xin chỉ đề cập tới hai tác giả với những tiểu thuyết được bạn đọc quan tâm. Chia sẻ với cố gắng của các anh, ở mức độ nhất định, một số tác giả khác cũng có thành tựu, như tiểu thuyết của Chu Lai (từ Ăn mày dĩ vãng đến Cuộc đời dài lắm) được tổ chức theo kết cấu một kịch bản có xung đột, có thắt nút, cởi nút; tiểu thuyết của Tạ Duy Anh lại tạo ra một tình huống đặc biệt để triển khai ý tưởng như trong Thiên thần sám hối; tiểu thuyết Một ngày và một đời (Lê Văn Thảo) đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1998 thì lựa chọn góc nhìn lưu chuyển, đặng tăng thêm các điểm nhìn về số phận nhân vật… Nhìn chung, các biện pháp kỹ thuật được sử dụng chủ yếu như thử nghiệm trong khi kỹ năng chưa tinh xảo, bởi: kết cấu tiểu thuyết theo lối kịch bản dễ đẩy tới sự khiên cưỡng trong giải quyết xung đột; tăng điểm nhìn nhưng chưa nắm bắt được sắc thái ngôn ngữ - tâm lý riêng đã làm cho cái nhìn đa chiều xét đến cùng chỉ còn là cái nhìn một chiều…

Với tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, trong bài tổng quan văn chương Việt Nam năm 2004 tôi viết: “Thiên thần sám hối được chú ý không phải vì nó xuất sắc, mà chủ yếu do trong đó tác giả phơi bày mặt xấu của quan hệ người, quan hệ xã hội đương thời, và sự tha hóa một số giá trị tinh thần trong các quan hệ ấy. Điều này dễ giúp giải tỏa những ấm ức không phải người nào cũng có thể viết ra. Nhân vật của Tạ Duy Anh nằm trong bụng mẹ để nghe ngóng sự đời, đấy là một sáng tạo. Tiếc thay, tác giả lại cho phép cái “anh cu” chưa chào đời ấy ngẫm ngợi, suy tư như một “ông cụ non”, làm cho tình huống trở nên “tréo ngoe”, và “anh cu” trở thành phát ngôn viên của một “người lớn thu nhỏ”...”. Trong năm 2004, có mấy cuốn tiểu thuyết “sử thi” về đề tài chiến tranh theo tôi là có bứt phá, ít ra là với chính tác giả. Có thể kể đến Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy, Ngày rất dài của Nam Hà, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn... Những tiểu thuyết này vẫn được tổ chức theo lối “cổ điển” nhưng thấp thoáng sự không bằng lòng với chính mình, các tác giả muốn nhìn chiến tranh từ một góc nhìn mới để khám phá chiều sâu nội dung theo cảm thức thời gian...

Thiếu vắng tiểu thuyết hay không còn là chuyện riêng của sinh hoạt văn chương. Bạn đọc kỳ vọng ở các nhà văn, vấn đề là ở chỗ, sự kỳ vọng đã ở trình độ cao hơn. Thỏa mãn với vốn liếng văn chương và thói quen đã có, nhà văn sẽ khó lòng (không thể?) hoàn tất sứ mệnh ngòi bút của mình. Khám phá - sáng tạo, công việc dù nhắc lại bao lần vẫn cứ luôn luôn mới. Không đắm mình khám phá - sáng tạo, không tiếp thêm sinh lực cho ngòi bút thì thành tựu của quá khứ sẽ trở thành niềm an ủi duy nhất cho văn giới và bạn đọc. Liệu có quá lời nếu cho rằng sự “lười nhác”, sự “đơn giản hóa”, sự “thỏa mãn với chính mình”... đang tồn tại trong nhiều cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương đại? Tôi đặt câu hỏi không nhằm mục đích “xúc phạm” (nếu ai đó nhận thấy câu hỏi có hàm chứa yếu tố “xúc phạm”) mà qua đó muốn đưa ra lời cảnh tỉnh: đã đến lúc các nhà văn nên tiến hành một cuộc “lột xác” mới trên mọi phương diện, nếu không làm được như vậy thì tình trạng làng nhàng “không ra cũ cũng chẳng ra mới” còn tiếp tục kéo dài.

Nguồn:VietNamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • Einstein là nhà văn ?

    19/10/2014Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.
  • Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

    30/09/2005Nguyễn HòaSau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải vừa qua. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị… Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”. Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận…
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • Tại sao tôi đọc tiểu thuyết

    03/08/2005MoonfishVới tôi văn học và điện ảnh gần gũi nhau lắm, nên tôi mạo muội gửi vào đây bài "Tại sao tôi đọc tiểu thuyết", nếu sửa lại là "Tại sao tôi xem phim" có lẽ cũng được.
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • Quan niệm của Các Mác về sự vận động lịch sử của Cái Đẹp trong một số hình thái kinh tế

    07/07/2005Nguyễn Thu NghĩaMột trong những kết luận quan trọng được C.Mác rút ra từ quá trình nghiên cứu về cái đẹp tất yếu này sinh trong tiến trình phát triển của lịch sử. Quy luật của cái đẹp không "nhất thành biết biến" từ một hình thức lao động, một hình thái xã hội nào. Cái đẹp có quy luật phổ biến từ thực tiễn thẩm mỹ. Ở mỗi hình thái xã hội nào, quy luật ấy có sự vận động và biểu hiện khác nhau....
  • xem toàn bộ