Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

10:03 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Bảy, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi có nghiên cứu nhiều cuộc thảo luận về nghệ thuật, nhưng nó gần như luôn luôn xoay quanh những chuyện như hội họa, điêu khắc, và âm nhạc. Tôi tự hỏi chúng ta có thể mở rộng từ “nghệ thuật”để bao hàm một phạm vi rộng hơn nhiều không. Chẳng hạn, tôi thấy có những cuốn sách viết về “nghệ thuật nấu ăn”. Đó có phải là một cách dùng từ chính xác không? Gọi một người thợ mộc hạng nhất là “nghệ sĩ” có đúng không?

J.V.G.

J.V.G. thân mến,

Cho đến cuối thế kỷ 18, chữ “nghệ thuật” được dùng rất rộng rãi để bao hàm mọi hình thức kỹ năng con người và tất cả những gì mà con người có thể tạo ra bằng tài nghệ khéo léo. Chính trong ý nghĩa này của từ ngữ mà Plato và Aristotle nói về các nghệ thuật, rồi nhà thơ La Mã Lucretius(1)nói tới những kỹ năng mà Prometheus(2)trao cho con người, cho phép con người cải thiện những điều kiện vật chất của cuộc sống. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà Rousseau, nhiều thế kỷ sau, nói về nghề luyện kim và nghề nông như hai nghệ thuật dẫn đến sự tiến bộ từ đời sống sơ khai đến đời sống văn minh. Tương tự, Adam Smith, nhà kinh tế học vĩ đại của thế kỷ 18, trao cho chúng ta một danh sách dài các nghệ thuật có dính dáng đến việc sản xuất của cải vật chất.

Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người. Khái niệm nghệ thuật của họ bao gồm mọi thứ mà con người có kỹ năng hay bí quyết chế tác ra.

Ngày nay đa số chúng ta dùng từ này với nghĩa rất hạn hẹp. Trước hết, chúng ta thường quên rằng nghệ thuật liên hệ chủ yếu đến kỹ năng mà một người có và chỉ liên hệ chủ yếu đến các tác phẩm nghệ thuật – những sản phẩm của công việc khéo léo. Thứ hai, chúng ta thường đồng nhất nghệ thuật với người “nghệ sĩ” và người có óc thẩm mỹ. Thỉnh thoảng, bắt đầu với nghệ thuật tạo hình, chúng ta tính đến thi ca và âm nhạc, nhưng thỉnh thoảng chúng ta dùng từ “nghệ thuật” với nghĩa thậm chí hẹp hơn để chỉ những gì chúng ta nhìn thấy trong các viện bảo tàng – các họa phẩm và tượng điêu khắc.

Mặt khác, chúng ta vẫn thừa nhận ý nghĩa rộng hơn của từ này. Chúng ta nói về “mỹ thuật công nghiệp” (industrial arts), và chúng ta ca tụng một người thợ thủ công giỏi bằng cách nói rằng ông ta là một nghệ nhân. Chúng ta ngụ ý rằng chúng ta hiểu nghệ thuật là kỹ năng khi chúng ta liên hệ tới nghệ thuật đọc truyện, nghệ thuật dạy dỗ, nghệ thuật chữa bệnh, mặc dù trong những trường hợp này không có sản phẩm vật chất nào để chúng ta gọi là tác phẩm nghệ thuật. Và khi chúng ta phân biệt giữa cái nhân tạo và cái thiên nhiên, chúng ta vạch một đường ranh giữa những sự vật mà con người sử dụng kỹ năng của mình để chế tác ra và mọi thứ khác trong thế gian.

Tôi nghĩ chúng ta sẽ khôn ngoan hơn khi quay trở lại với cách dùng truyền thống và rộng rãi của từ “nghệ thuật” để bao hàm mọi hình thức kỹ năng con người và mọi thứ mà con người có thể đem lại bằng các phương tiện của kỹ năng. Thế thì, trong nghĩa rộng này, chúng ta có thể phân biệt những loại nghệ thuật khác nhau và đồng thời nhận ra cái gì chung cho tất cả. Bất chấp sự khác biệt của chúng về tính chất và sự phức tạp, chúng ta vẫn sẽ thấy nghệ thuật trong việc nấu ăn và nghề thợ mộc cũng như trong thi ca và hội họa.

Có nhiều cách phân loại các nghệ thuật, nhưng tôi sẽ chỉ đề cập đến những loại cơ bản nhất.

Những nghệ thuật như nấu ăn và nghề thợ mộc được gọi là “hữu ích” bởi vì chúng tạo ra những thứ mà chúng ta sử dụng và tiêu dùng. Trái lại, những nghệ thuật như thi ca và hội họa, mà chúng ta gọi là “tinh tế” (tức mỹ thuật), tạo ra những đối tượng mang lại cho chúng ta niềm vui được hiểu biết hoặc thưởng ngoạn.Người Pháp có một tên gọi hay hơn cho những nghệ thuật này. Họ gọi chúng là “beaux-arts”, có nghĩa là chúng tạo ra những sự vật của cái đẹp để người ta vui hưởng.

Hồi ấy có những cái gọi là “nghệ thuật khai phóng”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại coi một số nghệ thuật là lao dịch và một số khác là khai phóng, tùy theo tác phẩm được tạo ra chủ yếu là vật chất hay tinh thần. Do đó một ngôi nhà là một tác phẩm của nghệ thuật lao dịch, trong khi bài thơ là tác phẩm của nghệ thuật khai phóng. Nhưng khoa học cũng là tác phẩm của nghệ thuật khai phóng. Đó là lý do tại sao những kỹ năng như kỹ năng ngữ pháp, luận lý, và toán học được gọi là những môn nghệ thuật khai phóng.

Cuối cùng, có ba nghệ thuật rất đặc biệt – nghệ thuật của người trồng trọt, người chữa bệnh, và người dạy dỗ. Những nghệ thuật này được để riêng ra dưới tên gọi “những nghệ thuật hợp tác”, bởi vì ở đây người nghệ sĩ chỉ đơn thuần hỗ trợ tự nhiên trong tiến trình phát triển của nó. Sẽ không có đôi giày nếu không có những người thợ giày, nhưng sẽ có cây trái và ngũ cốc mà không cần những người trồng trọt. Đây căn bản là những tạo vật của thiên nhiên, mà người trồng trọt cố gắng chỉ hỗ trợ tự nhiên trong tiến trình sản xuất của nó.

(1)Lucretius( 94? – 55? tr. CN): triết gia và nhà thơ La Mã.
(2)Prometheus: trong thần thoại Hy Lạp là người khổng lồ ăn cắp lửa của thánhthần đem về cho con người, bị trời phạt trói vào một tảng đá cho kên kên hàngngày tới moi gan ra ăn, và gan của ông cứ mọc lại mỗi ngày.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác