Suy nghĩ khái niệm gốc Việt
“Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Phan Bội Châu
“Tôi là ai, là ai, là ai, mà yêu quá đời này”, câu hỏi của người nhạc sĩ như thảng thốt mông lung, như bềnh bồng khắc khoải về một nỗi niềm sâu kín có lẽ không chỉ riêng của Trịnh Công Sơn. “Ta là ai” đã là một câu hỏi từng day dứt con người sống trên trái đất này và để trả lời cho câu hỏi đó đã có bao nhiêu triết thuyết ra đời. Nhưng ở đây, liệu có cần phải triết thuyết luận bàn về câu hỏi của nhạc sĩ họ Trịnh, hay chỉ cần một trực nhận về cái vô thức của người nhạc sĩ thiên tài ấy, để rồi cảm nhận, để rồi suy tư.
Liệu có võ đoán không khi nghĩ rằng, đã là người Việt Nam thì dù có đi bốn phương trời thì vẫn là “người ra đi có đôi dòng lệ. Cỏ xanh rì cỏ mướt chân đi... Chân đi xa, trái tim bên nhà”... để mà “Tạ ơn hoa. Sáng thơm cho mẹ. Tạ ơn chim. Chiều hát cho cha” khiến cho “ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm” (Trịnh Công Sơn. Có nghe đời nghiêng”). Cho nên, mỗi người từ bỏ quê hương đi tìm một đất mới, một cuộc sống mới thì, như nhà nghệ sĩ tài hoa kia đã ví họ “Như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa” (Trịnh Công Sơn. “Tình xa”). Vậy thì, có phải mỗi người Việt xa xứ, định cư ở nước ngoài, những lúc nào đó, trong lòng họ cũng có “những cơn mưa”.
Và có phải những cơn mưa đó chính là “những lời hẹn thề”? Vì lời hẹn thề đó mà có bài viết này.
Hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, trong đó có khoảng 300 nghìn người đã tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong số đó có những nhà khoa học tên tuổi là chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở các nước Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Úc, Hà Lan…
“Người Việt Nam ở nước ngoài” hay là “Việt kiều”, cụm từ nào diễn đạt được trọn vẹn cả ý lẫn tình về bà con người Việt ta đang cư trú ở nước ngoài? Nêu câu hỏi này vì đã có một từ thức Việt Nam sống ở nước ngoài về thăm nhà, tỏ ý bất bình khi được người ta gọi mình là Việt kiều: “Tôi chẳng là kiều gì cả, tôi là người Việt Nam, thế thôi”! Cũng có người quyết liệt theo một cách khác “Danh có chính thì ngôn mới thuận. Những điều này khi được chính quyền hỏi ý kiến tôi đã viết rõ như thế, tức là cần trung thực, cần đối xử bình đẳng với mọi công dân Việt Nam và đối xử bình đẳng với mọi công dân nước ngoài… xóa chữ Việt Kiều đi mà gọi, chẳng hạn người Mỹ gốc Việt, người Pháp gốc Việt, hoặc người Việt gốc Trung Quốc... với thế hệ con cái, tôi nghĩ tuyệt đại đa số sẽ nghĩ mình là công dân Mỹ. Như Obama. Và đó là tính cách Mỹ. Tôi cũng muốn con cháu tôi như thế. Và ngay cả ở thế hệ thứ nhất, khi đã trở thành người Mỹ, thì cũng rất nhiều người coi mình là Mỹ và thực hiện quyền công dân Mỹ của mình, như Kissinger, dù giọng còn đặc Đức, chẳng hạn. Hầu hết người đến Mỹ lập nghiệp đều như vậy. *
Có chuyện để nói, về sự bực mình rất đáng suy ngẫm cũng như sự quyết liệt rất chi là sòng phẳng rồi đây. Và, nếu tỉ mẩn tra từ điển, thì mục từ “kiều mà Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ định nghĩa cũng chẳng mấy sáng sủa mạch lạc: “Yếu tố ghép sau một danh từ riêng, tên gọi một dân tộc, để cấu tạo danh từ, có nghĩa kiều dân”. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì định nghĩa “kiều dân” là “dân ở đậu ở nước ngoài”. Nhưng xem ra, chuyện “ăn nhờ ở đậu” đã không còn diễn đạt được thực tế về cuộc sống hiện nay của nhiều thế hệ người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Và lại càng không diễn đạt được đúng về khái niệm “người gốc Việt”. Làm sao lại có thể trả lời một cách đơn giản, thuần ngữ nghĩa theo kiểu “gốc Việt”, là “yếu tố ghép sau một danh từ riêng”?
Chao ôi, hãy tạm chưa bàn thảo đến những quyết liệt trên đây, chỉ bằng suy nghĩ của một người Việt Nam bình thường, từng đổ máu trong cuộc trường chinh ngót nửa thế kỷ để tìm chỗ đứng cho dân tộc mình và để được sống trong khát vọng về độc lập, dân chủ và tự do để mà nói rõ rằng, cái “gốc” ấy không chỉ là “yếu tố ghép sau một danh từ riêng”. Trong đó ẩn giấu một ý nghĩa thiêng liêng vốn chìm sâu trong tiềm thức của một đời người, mà đôi khi, trong những bộn bề bon chen của cuộc mưu sinh, ý nghĩa thiêng liêng ấy bị chìm lấp đi. Chìm lấp, thậm chí có thể phôi pha trong muôn một, nhưng không thể bị xóa nhòa để trong một tình huống nào đó thì bật dậy thật mạnh mẽ và không kém phần bí ẩn. Thì đây, thật đáng suy ngẫm về câu trả lời của Trung tá Lê Bá Hùng, một người Mỹ gốc Việt, hạm trưởng chiến hạm USS Lassen, vừa ghé cảng Đà Năng trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi. Vị sĩ quan của hạm đội 7 của Hoa Kỳ ấy nói: “Việt Nam là nơi tôi sinh ra. Tôi tự hào là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Tôi luôn ước mơ quay trở lại Việt Nam và rốt cuộc cũng đã có cơ hội để về và tôi coi đó là điều rất đặc biệt. Và vào chính lúc này chứ không phải lúc nào khác, tôi muốn trở lại Việt Nam. Lần tới khi trở lại Việt Nam tôi sẽ đưa vợ và các con tôi về để các cháu có thể thấy được nơi tôi lớn lên”. Và rồi, cho câu hỏi “ông sẽ ăn món ăn gì khi đến Huế”, vị sĩ quan Hải quân Mỹ trả lời bằng tiếng Việt theo giọng Huế: “Bún bò Huế”. Chỉ với câu trả lời ấy đủ biết ông là “gốc” Huế!
Cũng lại chuyện “gốc” rất thú vị ấy, có câu chuyện cảm động về một người 43 năm đuổi tìm tiếng “mẹ ơi” của Mirei Lehman, một người Thụy Sĩ gốc Việt. Ba mẹ nuôi của cô đem cô về Thụy Sĩ khi cô mới vài tháng tuổi và đã từng cho cô biết “Việt Nam là nơi chúng ta từng đến và đón nhận con, nơi đó xa lắm”. Thế rồi, “tôi là ai” là câu hỏi đã theo Lehman suốt cả tuổi xuân trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi tại một đất nước thanh bình có chỉ tiêu GDP cao ngất ngưỡng, một môi trường sống đứng loại nhất nhì của thế giới. Tuy vậy, người phụ nữ tài năng và đa đoan đó vẫn cảm nhận rằng “Việt Nam con người thứ hai của tôi” khiến cho cô quyết tâm đeo đuổi mục tiêu tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tìm về cái “gốc” của mình. Và mục tiêu ấy đã giục giã người đang là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, giám đốc một trung tâm truyền thông và từng đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh, từng “thành công trong việc diễn tả những mâu thuẫn về cảm xúc trong quá trình phát triển từ thơ ấu cho đến tuổi dậy thì, sự đắn đo giữa khát khao được quan tâm và nỗi sợ hãi vì thiếu tình thương...” như sự đánh giá của các nhà phê bình Thụy Sĩ. Và vì thế, dự án “Việt Nam-con người thứ hai của tôi” được giới thiệu tại “La Maison de L’Indochine” ở Paris đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và am hiểu nghệ thuật. Và rồi năm 2008, Lehman trở về Việt Nam để thưhc hiện ba nhóm tác phẩm lớn với đề tài “From an- other part”, "Here and there” và “Hello & goodbye”. Các tác phẩm này đã được xuất bản thành sách và triển lãm hai lần tại Thụy Sĩ. Năm 2009, Lehman lại trở về Việt Nam để thực hiện bộ phim “Le coeur au bord des yeux”(tạm dịch là “góc khuất trong đôi mắt em”), bộ phim đã ra mắt khán giả tại TP. Hồ Chí Minh ngày 1-12-2009.
Xuyên suốt các tác phẩm của mình Mirei Lehman ấp ủ ước vọng thầm kín: “Mong mỏi được một lần gặp lại người sinh ra mình, được ôm họ và một lần được kêu lên hai tiếng Mẹ ơi”! Ước vọng mãnh liệt ấy đã tác động mạnh đến những người sống quanh người phụ nữ tài năng ấy Romeo Dimier Degrange, diễn viên đóng vai nam trong bộ phim nói trên, đã tâm sự “... khi tiếp xúc với Mirei và thấy được sự khao khát tìm về nguồn gốc của cô quá mãnh liệt, tôi chợt hiểu rằng, mình đang làm một điều đúng đắn. Tôi thật sự mong cô sẽ được gặp lại những người yêu thương của mình vì đó là điều cô xứng đáng được nhận”.
Một người “gốc Việt” khác, Lê Nam, chàng trai người Úc cũng như cô Lehman, vừa nhận được giải thưởng văn học của Thủ tướng Úc.
Đây là tác phẩm đầu tay của tác giả đang được dư luận ở Úc đánh giá rất cao: “Không chỉ viết bằng sự lão luyện, tự tin hiếm thấy ngay cả ở các nhà văn kỳ cựu mà còn thể hiện khả năng trực giác nhạy bén khi miêu tả xung đột tâm lý của những con người bỗng nhiên cảm thấy niềm tin và hy vọng của mình sụp đổ tan tác trước kỳ vọng của người thân hoặc vì sự thực tàn bạo của lịch sử”. Các câu chuyện của Lê Nam dựa trên cuộc đời thật của anh, một di dân người Việt lớn lên ở Úc. Tuy nhiên, điều khiến tác giả được đánh giá cao là đã không đơn thuần khai thác nguồn gốc Việt Nam của mình, mà còn viết như một con người của nhiều nền văn hóa. Nhưng cho dù có như thế thì cái “gốc Việt” của một tài năng vừa được công nhận từ một giải thưởng văn học lớn ở một châu lục xa xôi kia là một ngẫu nhiên thú vị song liệu trong những ngẫu nhiên ấy có những gì nữa đáng để suy ngẫm không?
Ghép nối những “hiện tượng” cụ thể vừa dẫn để thử truy tìm những yếu tố sâu lắng, huyễn hoặc không dễ gì giải thích một cách đơn giản, phân tích một cách dung tục hay suy đoán một cách hàm hồ chen lẫn những định kiến hoặc những ngộ nhận. Phải chăng, để “giải mã” cho những “hiện tượng” nói trên, nên tìm hiểu kỹ về bối cảnh nào đã là điều kiện để cho cái “gốc Việt” đó đâm ra những hoa trái của cuộc đời, vừa đậm hương sắc nơi thổ ngơi mới nhưng vẫn ủ ấp những hương vị “gốc” quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ở nơi ấy, nơi “Tình yêu tìm thấy” như cách nói của Trịnh Công Sơn: “Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá/ góc phố nào cũng thấy quê nhà”. Vì lẽ “Từng ngọn núi con sông ruộng vườn/từng dòng suối con kênh đầu làng/đã mang hình bóng quê hương/đã nuôi dòng máu trong tim” (Tình yêu tìm thấy) để rồi “ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm” (Em đi bỏ lại con đường), để giục giã “về cội xưa níu tay nghìn trùng, (Níu tay nghìn trùng), nói như lời bình của Cao Huy Thuần về Trịnh Công Sơn: “Đó là cội nguồn, đó là quê nhà nằm sâu trong tiềm thức của anh. Phải chăng, bởi “đã nuôi dòng máu trong tim”, bởi “cội xưa níu tay nghìn trùng”, bởi “cội nguồn nằm sâu trong tiềm thức” đã khiến cho vị hạm trưởng của chiến hạm Hoa kỳ kia đã thốt lên: Việt Nam là nơi tôi sinh ra. Tôi tự hào là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi”?
Đó là chuyện “ủ ấp những hương vị “gốc” quê hương” vừa đặt ra! Thế còn “bối cảnh nào đã là điều kiện để cho cái “gốc Việt” đó “đâm ra những hoa trái của cuộc đời, đậm hương sắc nơi thổ ngơi mới”?
Phải chăng, đó là cái điều kiện để thực hiện “khẩu hiệu hành động” của vị Bộ trưởng Đức gốc Việt, ông Philipp Roesler: “Một người có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - Miễn là anh có suy nghĩ”. Sinh tại Khánh Hòa, Việt Nam năm 1973, rời trại cô nhi ở đây lúc mới 9 tháng tuổi, Philipp Roesler theo bố mẹ nuôi người Đức về sống tại CHLB Đức. Ông bố - vốn là sĩ quan chuyên nghiệp - nuôi con trai 4 tuổi và cho cậu bé sớm làm quen với cuộc đời binh nghiệp. Roesler thành bác sĩ quân y và rời quân ngũ sau 16 năm phục vụ. Anh gia nhập Đảng Dân chủ Tự do (FDP) năm 1992 và liên tục hoạt động trên chính trường Đức, năm 2007 người Đức gốc Việt ấy trở thành thành viên lãnh đạo liên bang của FDP. Ở mỗi cuộc bầu cử nội bộ Roesler luôn đạt số phiếu trên 95%, bất kể để làm Tổng bí thư FDP của Hạt Saxony hay Chủ tịch đảng FDP ở cùng bang hoặc khi được chọn ứng cử vào nghị viện bang. Philipp Roesler vừa được chỉ định làm Bộ trưởng Y tế CHLB Đức. Và rồi, “A Roesler” trở thành một thuật ngữ được dùng cho những chính trị gia trẻ tuổi có kỷ lục thăng chức liên tục với “hiện tượng Philipp Roesler”.
Trên trang web cá nhân, Philipp Roesler cho biết lý do tham gia chính trị : Trước hết để thay đổi điều gì đó, thứ hai, đó là công việc thú vị .Với câu hỏi là thành viên Đảng FDP có ý nghĩa gì với ông, Roesler trả lời: “Tự do, trách nhiệm và khoan dung”. Với ông, tinh cách mà một chính trị gia nên có là: “Dũng cảm và trung thực”. Còn “Sự thật luôn có sức mạnh hơn lời nói dối, nó chỉ không to tiếng và đi nhanh bằng lời nói dối” là trả lời của chính trị gia 36 tuổi này về chính sách đối xử với bên ngoài của ông. “Tôi thích là người quyết định” là câu trả lời cho câu hỏi đâu là điểm mạnh của ông. Và để thực hiện điều đó, ông nói “chúng ta cần có tự do nhiều hơn nữa” trong sự lựa chọn những quyết định của mình.
Trả lời câu hỏi về khẩu hiệu hành động của mình, Philipp Roesler khẳng định: “Một người có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - Miễn là anh có suy nghĩ!”. Với khẩu hiệu hành động đó, vị Bộ trương Đức gốc Việt đang được coi là ngôi sao thu hút mọi sự chú ý trên chính trường Đức và trên mạng lưới báo chí truyền thông quốc tế. “Ngôi sao thu hút”, vì một chàng trai Đức gốc Việt có những bước thăng tiến liên tục trên chính trường tại nơi đã từng sinh ra những người con vĩ đại như Jo- hann Volfgang Goethe, như Im- manuel Kant, như Karl Marx. Thế nhưng chính quốc gia này cũng lại là quê hương của lý thuyết phân biệt chủng tộc với Hítle là người khơi mào từng gây nên thảm họa cho nước Đức, cho châu Âu và cho cả thế giới! Và rồi, những thành tựu mới của kinh tế và xã hội với sự thúc đẩy mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mà loài người đã đạt được, trong đó đất nước của Philipp Roesler đã có đủ điều kiện để cho những ai “dũng cảm và trung thực”, cho những người biết xác lập một thái độ sống trong “tự do, trách nhiệm và khoan dung” và tin chắc rằng, “sự thật luôn có sức mạnh hơn lời nói dối” có thể thành đạt và phát triển.
Phải chăng, khi đưa ra ý tưởng “có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - miễn là anh ta có suy nghĩ, chính trị gia trẻ tuổi này muốn nhắc đến luận điểm tuyệt vời của Immanuel Kant, triết gia người Đức lớn nhất của thời cận đại, một cột mốc trong lịch sử tư duy của loài người, từng đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau (2), với tuyên ngôn: “Sapere au de! (Hãy dám có tư duy sáng suốt). Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình. Đó là phương châm của khai sáng”. Phải chăng, ở đây Kant đã phát huy tư tưởng của Voltaire, nhà Khai sáng Pháp, lên một tầm mức mới: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Quyền được nói lên suy nghĩ của mình, đó cũng là phương châm của khai sáng. Chính điều này từng mở đầu cho kỷ nguyên mới của loài người, từ bỏ “Thời kỳ đen tối” (Dark Ages) của sự phi lý với thế lực thống trị của thần quyền và chế độ độc tài chuyên chế, để có thể từng bước bước vào một thế giới mới, trong đó “con người đứng bằng đầu”. Đây là cách nói đầy ấn tượng và hết sức hàm súc của Hégel, người đồng hương của vị Bộ trưởng Đức kia và là học trò của Kant, về sức mạnh của trí tuệ, manh nha của những thành tựu mà văn minh loài người đạt được để đến hai thế kỷ sau, xuất hiện nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức của thế kỷ XXI, thế kỷ mà chúng ta đang sống.
Trả lời cho câu hỏi, Khai sáng là gì? E. Kant nói ngắn gọn: “Khai sáng là sự vượt thoát của con người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ. Tính vị thành niên là tình trạng bất lực của của con người trong việc sử dụng nhận thức của chính mình mà không có sự hướng dẫn của người khác.” Kant nói rõ rằng, nguyên nhân của tính tự kỷ không chỉ là thiếu lý trí mà là thiếu sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải phụ thuộc vào sự chỉ đạo, dẫn dắt của ai đó. Hấp thu được sức mạnh của sự khai sáng ấy, vị Bộ trưởng người Đức gốc Việt nói lên khát vọng mãnh liệt của mình: “Chúng ta cần có tự do nhiều hơn nữa”? Để làm gì? Để “đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau’.
Đây chính là tiền đề quyết định để tạo ra một môi trường lành mạnh cho sáng tạo và phát triển. Không có điều này thì cũng chẳng thể nào có hiện tượng “A Roesler”, cũng chẳng thể có “bộ trưởng gốc Việt”. Khẩu hiệu hành động của Roesler phải chăng cũng là tiền đề cho một người Mỹ gốc Phi có thể trở thành vị Tổng thống thứ 54 của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ! Đương nhiên “nghĩ” không chỉ để mà “nghĩ”, mà tư tưởng phải biến thành hành động, theo cách Roesler dấn thân vào chính trường nhằm "Trước hết để thay đổi điều gì đó như nhà chính trị đã giải thích vì sao mình tham gia vào chính trường! Và, chính ở đây gợi nhớ đến khẩu hiệu tranh cử của Obama dạo nào (Change. Yes. We can).
“Đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau”, khát vọng khai sáng của Kant mà vị bộ trưởng Đức gốc Việt kia chuyển thành khẩu hiệu hành động bỗng khiến gợi nhớ đến cuốn sách “Les voies de la lumière” (Những con đường của ánh sáng) của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, từng nhiều lần về Việt Nam giảng bài và dự nhiều hội nghị khoa học, vừa được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng lớn Moron (tương đương với giải thưởng pulitzer về báo chí hay giải thưởng sách quốc gia của Mỹ, NXB Trẻ đã dịch và xuất bản). Với Trịnh Xuân Thuận “ánh sáng là người bạn tri kỷ của tôi” 3 và như ông đã phân tích: “Ánh sáng mang theo nó một hàm ý thẩm mỹ về “cái đẹp” và một hàm ý tinh thần về “cái thiện”. Ánh sáng cho phép chúng ta ngắm nhìn thế giới và giải thích thế giới”3.
Dường như ở đây có thể nhận ra bóng dáng của Kant trong mệnh đề: “Lý tưởng của chân lý là trời. Lý tưởng của cái đẹp là Người”! Liệu bóng dáng đó có trong suy tưởng của Trịnh Xuân Thuận không khi ông khẳng định: “Khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. Nhưng con người, để trở nên hoàn thiện, thì cần phải có cả hai”(3). Nhưng làm sao để cho con người trở nên hoàn thiện? Vị Bộ trưởng người Đức gốc Việt kia trả lời: “Chúng ta cần có tự do nhiều hơn nữa”. Câu trả lời ấy chắc cũng không nằm ngoài ý tưởng giáo sư Trịnh Xuân Thuận đặt ra. Phải chăng, đó là những điều kiện cho những “hiện tượng” gợi lên ở trên, những người nước ngoài có “gốc Việt” trở thành “hiện tượng” đáng tự hào và khơi mào cho những suy tư về phát triển được hiểu một cách thoáng đạt vả khoa học? Chính đất nước ta cũng đang cần một tầm nhìn thoáng đạt và khoa học như vậy. Và chính chúng ta đang cố gắng hun đúc, tạo dựng một môi trường sống mới thể hiện trong tư tưởng lớn: “Đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng. miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ(4). Gọi là “lớn” vì tư tương này đã bác bỏ sự độc quyền yêu nước cửa một thời ấu trĩ và cực đoan đã từng làm phôi pha, nếu chưa muốn nói là đã đánh mất, một nguồn lực to lớn của người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung lưng đấu cật xây dựng quê hương. Việc “không phân biệt quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng” sẽ tạo nên một không gian rộng lớn cho sự tập hợp những người Việt Nam đang lớn chảy trong huyết quản mình dòng máu Việt thiêng liêng, khiến cùng cất lên những lời đồng vọng từ Phan Bội Châu trong “Ái quốc ca”: “Nay ta hát một thiên ái quốc, Yêu gì hơn yêu nước nhà ta”,từ Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946: “Hễ là người Việt Nam thì…”
Đừng quên rằng, trong cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo năm 906, đúng 10 thế kỷ trước đây đã khẳng định: “Chính trị cốt chuộng sự khoan dung giản dị…khiến cho trăm họ được yên vui” đã mở đầu cho thời kỳ tự chủ sau khi đã thoát ra khỏi đêm dài của ách Bắc thuộc. Những lời đồng vọng ấy chỉ có thể cất lên trên âm vang của sự chân thành đoàn kết, cùng trân trọng lẫn nhau, cho dù chỗ đứng còn khác nhau nhưng đều mong muốn đến với nhau để cùng cất lên một thiên ái quốc. Xin kết thúc bài viết đã khá dài bằng cách dẫn ra đây một đoạn trong cuốn sách của Cao Huy Thuần: “... Nếu không có mái chùa cong cong kia để tôi thấy thoang thoảng màu khói hương trên bức ảnh mẹ tôi, nếu không có mấy sợi bông cỏ bay bay trên mộ của ông ngoại tôi phía sau đồi Long Thọ, nếu không có Huế để tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, tóc bạc phơ, tôi sẽ về dầm chân trong nước sông Hương giặt áo, làm sao tôi biết được tôi bây giờ là ai?(l)
Chú thích
(1) Cao Huy Thuần “Nắng và Hoa” NXB Tôn giáo 2003. tr.207 và tr.54. Ông là giáo sư Đại học Pháp, hiện sống ở Paris.
2. Emanuel Kant. “Phê phán lý tính thuận túy” NXB Văn Học 2004. tr. XXVIII.
3. Trịnh Xuân Thuận “Những con đường của ánh sáng”. NXB Trẻ 2008. Tr.15, tr.18 và tr. 43
5. Điều lệ của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam. Văn kiện Đạt hội VII của Mặt trận.
* Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên của Liên Hiệp Quốc từng tham gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ năm 1993, hiện sống ở New York.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh