Nghĩ thêm về bản sắc
Bây giờ thường nghe nói nhiều đến toàn cầu hóa và hội nhập, và mỗi khi nói đến hội nhập hầu như bao giờ cũng nghe kèm theo một chữ “nhưng” chặt chẽ và thận trọng: Hội nhập, đúng rồi, không thể không hội nhập trong thời đại ngày nay, nhưng phải luôn tâm niệm không được để mất bản sắc (cũng như hễ nói đến tiên tiến thì, nhưng, phải đậm đà bản sắc dân tộc). Nỗi lo mất bản sắc canh cánh. Cứ như hội nhập bao giờ cũng tất yếu đối lập với bản sắc và luôn có nguy cơ làm biến tạp, thậm chí tiêu tan bản sắc, dẫn đến “mất mình’.
Vậy có lẽ cũng nên thử nghĩ lại về bản sắc, thế nào là bản sắc? Cái vẫn được gọi là bản sắc của dân tộc được hình thành và biểu hiện qua suốt lịch sử, là cái gì vậy mà cứ phải ngay ngáy lo sợ nó biến mất khi hội nhập? Có phải đấy là một cái trời cho, mỗi dân tộc được cho một cái làm của báu riêng, không an giống ai, và cho một lần là xong, nhất thành bất biến? Bản sắc có lịch sử của nó không? Có thể thử lần lại lịch sử của bản sắc dân tộc không?
Gần đây việc tìm thấy di tích của một kinh thành Thăng Long cổ ở nơi định xây nhà quốc hội và hậu trường Ba Đình mới đã khiến dư luận cả nước xóm xao. Quả thật rất ấn tượng, dù phạm vi khai quật mới vỏn vẹn một hecta bảy trong tổng diện tích nghe nói lên tới mấy trăm hecta. Riêng tôi rất chú ý đến những di tích thời Lý, thời đại đầu tiên đã dựng nên Thăng Long để ngày nay chúng ta có thể tự hào có một thủ đô nghìn năm. Ngắm nhìn những gì đã được phơi lộ ra đó, không thể không tự nhiên nảy sinh một câu hỏi: tại sao sau một nghìn năm Bắc thuộc, dưới áp lực của một chính sách đồng hóa dữ dội của kẻ xâm lược chẳng hề hiền lành và là chủ nhân của một nền văn hóa rất lớn, tới đây lại bỗng bừng lên một cuộc phục hưng dân tộc rực rỡ đến thế? Hẳn suốt thời gian dằng dặc ấy nền văn hóa Việt đã không thể cưỡng lại, tồn tại, đối mặt với một nền văn hóa xâm lược, để rồi có thể nở tung đẹp đẽ khi độc lập đã được dành lại, nếu nó không có một bản sắc rất đậm, rất sâu. Bản sắc ấy là vậy và do đâu mà có được?
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu công phu đã làm sáng tỏ một điều quan trọng: suốt thời kỳ Bắc thuộc, tập họp dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm kiên trì và kiên định, để cuối cùng giải phóng được đất nước, không phải là hệ tư tưởng Nho giáo, mà là hệ tư tưởng Phật giáo. Trong một nghìn năm đó người Việt đã không tiếp nhận Nho giáo bị áp đặt, trái lại đã dựa vào một sức mạnh văn hóa khác để chống lại sự áp đặt ấy. Như chúng ta đều biết, Phật giáo đã đến nước ta rất sớm, chủ yếu bằng con đường phía Nam (qua Champa hoặc qua biển), cả trước khi đến Trung Hoa; trung tâm Phật giáo quy mô và nổi tiếng ở Luỹ Lâu (Bắc Ninh) đã hình thành từ vài ba thế kỷ trước Công nguyên. Người Việt đã tiếp nhận phật giáo rất sớm, và đã hòa quyện nhuần nhuyễn văn hóa Phật giáo với văn hóa bản địa (văn hóa Hùng Vương?), tạo nên một nền văn hóa Việt riêng biệt, độc đáo và đặc sắc trước khi xâm lược Trung Hoa đến. Tức là bản sắc văn hóa Việt, cái bản sắc đủ cường tráng để không bị văn hóa bành trướng Trung Hoa tiêu diệt trong một cuộc đồng hóa dữ dội và hết sức kéo dài ấy, là kết quả một cuộc hội nhập thành công của người Việt với một cái khác mình. Đây có thể coi là cuộc hội nhập đầu tiên của dân tộc, kể từ khi dân tộc có lịch sử. Và bài học lớn ở đây là: Người ta chỉ có thể trở thành phong phú và cường tráng chính bằng khả năng hội nhập được với cái khác mình. Bản sắc mới được hình thành trong chính quá trình tiếp nhận thành công đó. Bản sắc không phải là cái có sẵn trước, được trời cho, và cho một lần là xong luôn, cố định; nó xuất hiện và tự khẳng định chính bằng hội nhập, biến đổi và phát triển do hội nhập. Nó là hiện tượng động, và chỉ có thể có sức mạnh lớn khi có khả năng động, chứ không đứng im, đóng chặt. Bản sắc văn hóa Việt thời bấy giờ đã mạnh đến mức nó từng tạo nên những hiện tượng văn hóa xã hội kỳ lạ: đã xuất hiện cả những thời kỳ độc lập tương đối ngay trong lòng thời gian dài bị đô hộ, và cũng đã có trường hợp người bị thống trị đồng hóa ngược trở lại chính kẻ đi thống trị và đồng hóa, như trong trường hợp Sĩ Nhiếp. Không phải người Việt bị Hán hóa, mà là quan cai trị Sĩ Nhiếp bị (hay được) Việt hóa!... Đây là cuộc chuyển động bản sắc quan trọng lần thứ nhất.
Sau khi thoát khỏi ách Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ, người Việt lại có một cuộc tiếp biến văn hóa thứ hai, khá độc đáo: chủ động tiếp nhận Nho giáo, mà họ đã ra sức cưỡng lại trong suốt một nghìn năm bị đô hộ trước đó. Vì sao? Nhiều tác giả đã chỉ ra khá thuyết phục nguyên nhân của ứng xử văn hoá có vẻ kỳ lạ này: Việt Nam vốn thuộc Đông Nam Á cổ, mà một đặc điểm quan trọng là tổ chức nhà nước theo lối liên hiệp các tiểu quốc (đi đôi với chế độ truyền hiền - chứ không phải truyền tử v.v...), ít nhiều có tính “dân chủ”, nhưng lại rất dễ bị đánh tan tành trước các cuộc xâm lược của Trung Hoa từ nay trở thành mối đe dọa thường trực. Người Việt chủ động học lấy Nho giáo là học một lối tổ chức nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh, như kiểu Trung Hoa, để đủ sức đối phó với xâm lược Trung Hoa. Tức ở đây có một ứng xử văn hóa lạ, tạo nên một bước chuyển mới trong bản sắc của dân tộc: chủ động từ bỏ tính chất bản địa (Đông Nam Á) gốc của mình, chủ động tự thay đổi theo cái khác mình, vì chỉ làm như vậy thì mới có thể giữ được mình, độc lập dân tộc của mình. Hoá ra quyết liệt từ chối (trước đây) là để giữ vững bản sắc, mà chủ động tiếp nhận, hoà nhập lúc này cũng là để giữ lấy và phát triển bản sắc. (Thực ra người Việt đã tiếp nhận Nho giáo chủ yếu ở tầng “trung ương”, trong khi vẫn giữ một thứ văn hoá tự trị kiểu Đông Nam Á ở tầng xã, tức là trong đời sống bình thường của người dân, bình thường nhưng lại là nền tảng của xã hội. Chính mỗi khi mối quan hệ cân bằng này bị phá vỡ thì xã hội sẽ lâm vào khủng hoảng).
Trong ứng xử này có thể nhận ra nhiều mặt khác nhau: một thái độ sẵn sàng mở, và linh hoạt trong mở. Chúng ta là một nước nhỏ, nằm kẹp giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa vào loại lớn nhất của nhân loại không biết ứng xử linh hoạt và thông minh như vậy thì rất khó bề tồn tại. Từ rất sớm cha ông ta đã hiểu sâu sắc muốn giữ được mình thì không thể co thủ đóng kín, mà phải khôn khéo thay đổi theo cái khác mình, chắt lọc lấy ở đấy những gì có lợi nhất cho mình, tự làm mạnh thêm mình lên bằng những yếu tố ngoại nhập được tiêu hoá nhuần nhuyễn. Song cũng chính ở đây lại có mặt thứ hai: tiếp nhận chủ yếu là để đủ sức tồn tại, do vậy chỉ nhằm “hớt” lấy ngay những gì có lợi tức thì, có thể dùng trực tiếp cho mục đích tồn tại, không đi sâu đến cùng, không triệt để trong tiếp nhận. Tức có khía cạnh thực dụng. Tiếp nhận Phật giáo và Nho giáo đều vậy. Phật giáo, vốn là một tôn giáo có hệ thống tư tưởng triết học hết sức uyên thâm, khi đi vào nước ta một mặt đã được tiếp nhận “như một hệ thống điển huấn, một hệ thống pháp luật có thể sử dụng được để quản lý đất nước, quản lý xã hội, chứ không phải như một hệ thống niềm tin, hệ thống giáo lý... Khuynh hướng chính trị hóa hệ tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là hệ thống giới luật là một nét đặc trưng của các tác phẩm Phật giaos tại nước ta trong mấy thế kỷ đầu...” (1). Ở cấp nhà nước là như vậy. Còn trong dân gian, thì nó chủ yếu hoà quyện làm một và làm sâu đậm thêm đạo lý nhân ái từ bi vốn có của con người... Nho giáo cũng được tiếp nhận chủ yếu “thực dụng” như thế: một học thuyết cai trị. Đạo lý Nho giáo cũng là để tạo nền tảng xã hội cho sự cai trị đó. Tính triết học rất mờ nhạt.
█Có lẽ ở chỗ này ta rất khác Nhật Bản và Triều Tiên, hai nước cũng Đông Á và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ như ta: tiếp nhận của ta không đưa đến hình thành được một hệ thống triết học của riêng mình, cho riêng mình. Có phải chính điều đó dẫn đến tính cách thường không thật triệt để, thói dở dang trong tư duy thường thấy ở ta? Và nếu thế thì hẳn không thể không ảnh hưởng đến con đường lịch sử và số phận của dân tộc...
Và qua đây cũng có thể hiểu thêm: nếu bản sắc không phải là một vật, vật cụ thể này hay vật cụ thể nọ, mà là một kiểu cách ứng xử, một kiểu cách lựa chọn đặc trưng của một cộng đồng trước những thách thức khác nhau (sống, nói theo cách nào đó chính là lựa chọn, lựa chọn cái này hay cái khác, kiểu này hay kiểu khác), thì bản sắc có thể không chỉ gồm những gì là tích cực, tốt đẹp nhất, trong bản sắc cũng có thể có những mặt nhược điểm này nọ. Vậy không nhất thiết bao giờ cũng phải quyết khư khư giữ chặt bản sắc. Thay đổi được bản sắc của mình cũng là một biểu hiện sức mạnh tinh thần của một cộng đồng, hay một con người.
Lần tiếp biến thứ ba quan trọng trong lịch sử là với văn hóa Champa, trên đường đi về Nam. Khác lần trước, lần này người Việt ở tư thế kẻ chiến thắng, chủ động, chứ không phải phải bị động đối phó. Cũng có thể có điều đáng lưu ý: nói theo một cách nào đó thì khi người Việt đi vào Nam cũng tức là “đi về’, đi về với cái gốc Đông Nam Á của mình, sau gần một nghìn năm phải Nho hóa để tồn tại. Nhìn chung đã diễn ra một cuộc hòa hợp văn hóa tốt đẹp. Cuộc trở về này đã làm mềm bớt đi và cởi thoáng ra hơn sự cứng nhắc do một nghìn năm Nho hoá buộc chặt. Người Việt đã học được rất nhiều của văn hóa Champa, từ ẩm thực (từ văn hóa tương đến văn hoá nước mắm ...) cho đến canh tác (lúa Chiêm, cho phép làm hai vụ/ năm...), thủy lợi (xe nước lớn...), nghề đóng ghe bầu lớn và đi biển xa v.v...; và còn quan trọng hơn nữa, một cơ cấu kinh tế đa dạng vốn đã tồn tại ở đây từ tận thời Sa Huỳnh, kéo dài qua đến Champa ... ảnh hưởng Champa lên văn hóa Việt hết sức sâu đậm, và có lẽ cho đến nay còn chưa được nghiên cứu, đánh giá đúng mức. Thậm chí có nhiều điều lâu nay ta vẫn đinh ninh là hoàn toàn Việt, “thuần Việt”, là bản sắc riêng của Việc làm nên đặc sắc Việt, không thể lẫn lộn với bất cứ ai... thì lại rất có thể không hoàn toàn như vậy.
Rất có thể những cái đó mới hơn nhiều, được du nhập vào sau, đặc biệt trong cuộc hội nhập lần thứ ba này. Chẳng hạn như thể thơ lục bát, “hồn dân tộc” như chúng ta vẫn nói và tin đinh ninh. Nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký có lần nêu giả thuyết rất có thể người Việt đã học thể lục bát từ người Champa. Cho đến nay chưa có những chứng minh đủ thuyết phục cho giả thuyết này. Nhưng có một điều có thể chắc chắn: ít nhất cho đến Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) - là người có tinh thần dân tộc rất cao, lại rất am tường thơ ca tục ngữ dân gian, và là nhà thơ chữ Nôm rất sớm của văn học Việt Nam - thơ Việt còn hoàn toàn chưa biết tới lục bát. Lục bát chỉ xuất hiện khi người Việt đã đi rất sâu về Nam và hòa nhập đậm đà với văn hóa Champa. Như vậy không phải để nói rằng điệu lục bát không thấm đẫm bản sắc tâm hồn Việt, không phải là tiêu biểu cho bản sắc dân tộc, nhưng là để một lần nữa thấy rằng bản sắc không phải là một cái gì có sẵn, có trước, một lần cho mãi mãi. Nó có thể đến từ bên ngoài. Nó hình thành trong chính hội nhập. Nó có mặt trong đời sống dân tộc khi dân tộc tự phát triển được mình lên một nấc mới bằng tiếp nhận và tiêu hóa được cái khác mình.
Cuộc hội nhập với phương Tây phức tạp và vất vả hơn. Có thất bại chua cay, và thất bại chính là khi chủ trương đóng thắng chủ trương mở, khư khư giữ lấy cái gọi là “bản sắc dân tộc khăng khăng mù quáng bài ngoại, coi tất cả những gì đến từ bên ngoài đều là “man di mọi rợ”, rốt cuộc không đi đến được một công cuộc canh tân để đưa đất nước vượt lên kịp thế giới bấy giờ không còn chỉ gồm thiên triều Trung Hoa với các chư hầu của nó mà đã rộng ra mênh mông, với một phương Tây tân tiến, năng động. Cuộc lỡ thời cơ lịch sử lớn (lớn nhất trong lịch sử và số phận dân tộc) gắn liền với cách quan niệm về bản sắc. Mới hay cách hiểu “bản sắc” quan trọng đến dường nào. Và rất nhiều khi - như tiêu biểu nhất là thời nhà Nguyễn –“bản sắc” trở thành chiêu bài của những quyền lực bảo thủ nhân danh dân tộc mà thực chất là nhằm bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình.
Thời bấy giờ từng có một con người không chỉ không bảo thủ ôm chặt lấy cái gọi là “bản sắc” dân tộc, mà thậm chí còn coi chính cái đó (văn hóa) là nguyên nhân mất nước. Người ấy là Phan Châu Trinh. Khác với tất cả những người đương thời, thậm chí khác với cả những nhà canh tân trước đó, như Phạm Phú Thứ người chủ yếu thấy cần cấp thiết học khoa học kỹ thuật phương Tây, như Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Lộ Trạch đã tiến tới những đề nghị thay đổi về chính trị, Phan Châu Trinh là người đầu tiên “đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam, thấy rõ (đó chính là) nguyên nhân sâu xa đưa đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc liệt…”(Hoàng Xuân Hãn) (2). Phan Châu Trinh đã đi xa hơn tất cả: ông đi đến tận văn hoá. Ông chủ trương phải thay đổi văn hóa. Ông mạnh mẽ đòi hỏi vứt bỏ đi cái vẫn được coi là “bản sắc”, thay đổi nó đi, tạo nên bản sắc mới, tân tiến, kịp với thế giới. Có một chi tiết rất đáng chú ý trong tiểu sử ông: ông đã lấy biệt danh là Hy Mã, không phải là Hy Mã Lạp Sơn như ta có thể tưởng, mà là hy vọng ở Guiseppe Mazzini nhà cách mạng tư sản Ý nổi tiếng thế kỷ XIX ông không còn tìm thấy thần tượng cho mình ở phương Đông nữa, ông đi tìm ở phương Tây... Đây là một cách hiểu bản sắc văn hóa thật độc đáo, táo bạo và sáng suốt, một sự lựa chọn hết sức đặc sắc. Lịch sử đã éo le không đi theo con đường Phan Châu Trinh. Đất nước đã lỡ mất một cuộc canh tân, sâu sắc từ tận trong văn hoá, để tạo nên một bước phát triển mới tốt đẹp về bản sắc, có thể thay đổi số phận dân tộc...
Cuộc giáp mặt với văn hóa phương Tây còn có thể có những khía cạnh khác rất đáng nghiên cứu kỹ hơn. Chẳng hạn thành công khi tiếp nhận những giá trị lớn của nền văn hóa Pháp, vượt qua được mục đích thực dân hóa của kẻ xâm lược, đưa nền văn hóa và văn học Việt Nam bước hẳn sang thời kỳ hiện đại. Trong thực tế có thể nói chính những lý tưởng dân chủ cao đẹp được truyền qua văn hóa Pháp đã góp phần quan trọng tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng Việt Nam. Cũng chính ảnh hưởng của văn hóa và văn học Pháp đã có ý nghĩa quyết định trong sự hình thành nền văn học hiện đại Việt Nam, còn tiếp tục cho đến ngày nay. Mặt khác cũng không thể không chú ý đến những tiếp nhận giáo điều một số lý thuyết Phương Tây đã có tác động phá vỡ một số tế bào cơ bản từng tạo nên sức sống bền vững của xã hội Việt Nam, để lại hậu quả khó lường...
Thử nhắc lại một cách hết sức sơ lược một số chặng đường lịch sử của bản sắc văn hoá Việt như vậy, có lẽ cũng đã cho phép chúng ta thấy rằng hóa ra cái vẫn được coi là bản sắc cũng có những thăng trầm của nó. Nó chẳng hề là một cái gì đứng im để cho ta có thể khư khư giữ chặt. Nó là một phạm trù lịch sử, được hình thành trong lịch sử, do những điều kiện khác nhau của lịch sử, là hiện tượng động chứ không phải tĩnh. Nó là của con người, tức là một cơ thể sống, và cũng như mọi cơ thể thật sự sống, nó chỉ có thể sống bằng quá trình “trao đổi chất” (métabolisme) với môi trường chung quanh. Nó không mâu thuẫn đối lập với hội nhập, thậm chí ngược lại chỉ có thể tồn tại và phát triển bằng hội nhập. Nó sống bằng thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với cái khác mình.
(1) Trong bài viết Trí thức, toàn cầu hoá, bản sắc dân tộc trong phát triển, Vũ Quang Việt cũng nói đến nghi vấn này về nguồn gốc thể lụa bát trong thơ Việt. Tác giả còn nói đến cả “vần lưng (yêu vận) “được Xuân Diệu coi là dân tộc nhất, cũng mãi đến Thiên Nam Ngữ Lục cuối thế kỷ XVII) mới thấy có.
(2) Hoàng Xuân Hãn, trong Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới NXB. Dà Năng 2003 - Tập II, tr. 750.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc