Sống trong lòng người đọc
Người đọc ngày nay không cần báo chí dạy bảo, lên lớp mà cần thông tin đầy đủ, khách quan từ báo chí để tự nhận định. Vì thế, các báo phải đưa tin thật sự có trách nhiệm
Là bạn đọc lâu năm của Người Lao Động, tôi thật sự vui mừng về những đổi mới và phát triển của tờ báo: Một tờ báo ra hằng ngày với thông tin đầy đặn, bài vở ngày càng chọn lọc mà phong phú, đa dạng, đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài nước luôn được mở rộng. Ngoài báo in, Người Lao Động điện tử (http://www.nld.com.vn/) cũng rất hấp dẫn, chắp cánh cho tờ báo vượt qua không gian, khoảng cách địa lý đến với bạn đọc nơi xa xôi, hẻo lánh.
Đa dạng thông tin, đề cao sự thật
Gần đây, khi “bão” giá tác động đến mọi góc cạnh của cuộc sống, ai cũng biết mọi chi phí xuất bản đều tăng mạnh nên càng cảm phục hơn khi thấy tờ báo vẫn trụ vững, giữ giá bán, nhất là quy mô và chất lượng thông tin không hề giảm sút.
Không chỉ phát huy thế mạnh là bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng cho người lao động, cùng với nhiều báo khác, Người Lao Động đã có nhiều bài phản biện xã hội với đề tài đa dạng, huy động các chuyên gia có uy tín lên tiếng về những chủ trương, quyết định, dự án đem lại hậu quả tiêu cực đến người dân. Từ “hố tử thần”, “lô cốt” đến những dự án giao rừng và đất rừng có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng cho công ty nước ngoài thuê, các vấn đề về quản lý GD-ĐT, điều hành kinh tế... còn nhiều bất cập, các vấn đề xã hội nhức nhối tại những điểm nóng…, tờ báo đã không ngần ngại nêu sự thật, luôn dấn thân và dũng cảm bảo vệ những lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như yêu cầu hợp lý của người dân. Chính vì vậy, tờ báo được độc giả tìm đọc và quý trọng.
Cảm ơn những nhà báo dũng cảm. Tất cả những người làm Báo Người Lao Động với cái tâm, cái tài đã đạt được những kết quả đáng trân trọng đó.
Nhờ loạt điều tra "Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi” của phóng viên Quý Lâm đăng trên Báo Người Lao Động (đoạt giải nhì báo chí TPHCM năm 2011), những trẻ bất hạnh được giải thoát khỏi "ổ quỷ" Tiên Phước 2, đưa về nuôi dạy tại Làng Thiếu niên Thủ Đức - TPHCM. Trong ảnh: Phóng viên Quý Lâm bên những trẻ mồ côi ở Làng Thiếu niên Thủ Đức. Ảnh: HỒNG THÚY
Đối thoại bình đẳng, tôn trọng người đọc
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt và sẽ còn thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Công nghệ thông tin đã đổi mới các sản phẩm từ điện thoại di động đến máy tính, truyền hình với tốc độ như vũ bão. Những công nghệ gây ô nhiễm đang bị đào thải, năng lượng hạt nhân không còn được ưa chuộng vì những rủi ro đã bộc lộ sau động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua. Năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải đang lên ngôi và tác động mạnh đến toàn bộ nền công nghiệp, nhất là công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bản đồ chiến lược trên thế giới đang chuyển động mạnh. Kinh tế Trung Quốc ngày càng có sức nặng hơn, đồng nhân dân tệ đang mạnh lên, thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc đang nổi lên như một cục nam châm đối với các nhà đầu tư và xuất khẩu...
Người lao động Việt Nam cần được thông tin đầy đủ để chuẩn bị tinh thần trước những thay đổi đó khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, về xuất xứ hàng hóa…, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng từ những thị trường mới. Ở trong nước, độc giả mong báo chí nói chung và Người Lao Động nói riêng tiếp tục nâng cao tinh thần vì bạn đọc, đưa tin thật sự có trách nhiệm, chính xác và sắc bén hơn dựa trên những nguồn tin hoặc điều tra có căn cứ vững chắc, đa chiều. Đó là sứ mệnh cao cả của báo chí và cũng là cơ sở để báo chí khẳng định chỗ đứng trong lòng độc giả.
Người đọc ngày nay không cần báo chí dạy bảo, lên lớp, nhồi nhét những nhận định công thức. Cách làm báo như thế đã xưa lắm rồi và phản tác dụng. Báo chí cần đối thoại bình đẳng và tôn trọng người đọc, cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện, lập luận để giúp họ tự hình thành và đi đến những kết luận, nhận định của chính mình. Bảo vệ nhà báo: Bảo vệ độc giả Thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp đe dọa, gây thương tích, hành hung nhà báo với mức độ khác nhau, trong đó có phóng viên của Báo Người Lao Động. Cần hiểu rằng tấn công nhà báo chính là tấn công vào người đọc, vào công luận. Rất mong các cơ quan có trách nhiệm tăng cường bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các nhà báo, cũng là bảo vệ độc giả. Đồng thời, phải xử lý nghiêm minh những biểu hiện lạm dụng vai trò nhà báo để tống tiền, kiếm lợi phi pháp. Những hành vi đó, tuy cá biệt nhưng bôi nhọ thanh danh, đạo đức nhà báo và làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp của báo chí. Rất mong Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đem lại thông tin, mở rộng tầm nhìn cho thế hệ người lao động mới của nước Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế thế giới, một nước Việt Nam trên đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá