Socrates với châm ngôn "Hãy nhận thức chính mình"

Thạc sĩ, Trường Trung học phổ thông Tiên Du, Bắc Ninh
07:34 SA @ Thứ Bảy - 14 Tháng Tám, 2010

“Hãy nhận thức chính mình” - đó là câu cách ngôn được ghi tại đền Apôlông ở Đenphy. Theo truyền thuyết, tác giả của câu cách ngôn này là Hylông - một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp cổ đại(1). Đền Apôlông là nơi có uy quyền rất lớn đối với mọi người dân Hy Lạp. Tương truyền rằng, khi sấm truyền ý nguyện của cha mình là thần Dớt, bản thân Apôlông đã đưa ra lời tiên tri thông qua miệng một nhà tiên tri của thành phố Đenphy. Vẫn theo truyền thuyết này, Apôlông đã cho xây dựng ngôi đền ở Đenphy để chào mừng chiến thắng của mình đối với kẻ hà hiếp mẹ mình là con rồng Piphôn khủng khiếp. Người dân Hy Lạp tin rằng, thần Apôlông sống trong đền này hay ít nhất cũng là thường xuyên xuất hiện ở đó. Cũng như những người đương thời, nhà triết học Xôcrát (469-399 trước CN) không chỉ rất tôn trọng quyền uy của thần ở Đenphy và nhà tiên tri của nó, mà còn tin vào thuật bói toán và những lời tiên tri của thần linh, bởi trong bản thân ông, như ông tự bạch, đã vang lên tiếng nói phòng ngừa của con quỷ thần thánh.

Theo truyền thuyết được Arixtốt dẫn ra, ngay từ khi còn nhỏ, Xôcrát đã thường đến viếng thăm Đenphy. Khi đó, văn bia “Hãy nhận thức chính mình” đã thu hút sự quan tâm của ông và xâm chiếm tâm trí ông. Hơn thế nữa, chính châm ngôn này đã trở thành đòn bảy cho hoạt động triết học và quy định trước phương hướng tìm kiếm chân lý trong triết học Xôcrát. Xôcrát lĩnh hội châm ngôn này như lời kêu gọi nhận thức nói chung, làm sáng tỏ mục đích, vai trò và giới hạn nhận thức của con người so với sự thông thái của thần linh nói riêng. Như vậy, ngay từ đầu, đối với Xôcrát, vấn đề nhận thức không phải là ở những chi tiết vụn vặt, mà là ở nguyên tắc nhận thức của con người về vị trí và vai trò của mình trong thế giới.(1)

Sự thâm nhập của Xôcrát vào thực chất những vấn đề của con người đã thôi thúc ông không ngừng tìm kiếm con đường nhận thức mới, chân thực. Sự quan tâm triết học của Xôcrát đến hệ vấn đề về con người và nhận thức của con người, theo chúng tôi, đã đánh dấu bước chuyển của ông từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức. Điều này được thể hiện ở chỗ, con người và vị trí của nó trong thế giới đã trở thành vấn đề trung tâm của đạo đức học Xôcrát và là đề tài chủ yếu trong mọi cuộc đối thoại của ông.

Đương nhiên, không phải ngay lập tức Xôcrát đã đi đến những quan niệm này. Do đó, việc giả định một sự tiến hóa nhất định nào đó trong quan điểm triết học của ông là hoàn toàn có cơ sở. Tiếc thay, chúng ta không có những tư liệu chính xác về các giai đoạn đầu trong quá trình phát triển tư tưởng triết học của Xôcrát.

Theo những thông tin được Điôgien Laécxơ dẫn ra, thoạt đầu Xôcrát là học trò của nhà triết học tự nhiên nổi tiếng - Anaxago, sau đó là học trò của Achelai - người cũng đã từng theo học triết học của Anaxago. Chúng ta không thể khẳng định hay bác bỏ dứt khoát tính chân thực lịch sử của những thông tin như vậy, bởi ở đây, những sự kiện có thật luôn đan xen với truyền thuyết về Xôcrát.

Vào lúc Xôcrát còn trẻ, triết học ở Aten chỉ được coi là một sản phẩm du nhập. Người Aten mạnh về chính trị, nghệ thuật, nghề thủ công, thương mại, quân sự và hàng hải chứ không phải về triết học. Họ không có các trường phái, các trào lưu triết học hay thậm chí, cũng không có các nhà triết học nổi tiếng. Nhà triết học người Aten đầu tiên là Achelai được coi là khâu trung gian quan trọng nhất cho truyền thuyết gắn Xôcrát với các nhà triết học tự nhiên trước đó và với các nhà thông thái khác.

Thực ra, một trong bảy nhà thông thái là người Aten - đó là Xôlông, nhưng Xôlông lại nổi danh trước hết với tư cách một chính khách, một nhà luật học. Người Aten bắt đầu biết tới những khuynh hướng mới trong triết học và các thành tựu của khoa học thời đó chủ yếu nhờ các nhà triết học ở nơi khác đến và những nhà giáo thông thái khác. Vào thời Xôcrát, nhiều nhân vật nổi tiếng đã tới viếng thăm Aten, như người đứng đầu trường phái Êlê (Nam Italia) là Pacmênít và học trò của ông là Dênông; đại diện của triết học Iôni là Anaxago (Tiểu Á), các nhà ngụy biện Prôtago, Goócghi, Hyppi, Prôđíc, v.v.. Ngoài ra, còn có các nhà triết học và các nhà ngụy biện từ nơi khác đến và họ cũng đã góp phần làm thay đổi đời sống tinh thần ở Aten. Là người luôn nổi bật với tính ham hiểu biết và giao tiếp rộng rãi, Xôcrát luôn tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc tới những quan điểm, tư tưởng, ý kiến của các nhà triết học này. Ông tiến hành và tham gia nhiều cuộc đàm thoại chi tiết với nhiều người trong số các nhà triết học này. Trong “Hội thoại Prôtago” của Platôn, thậm chí Xôcrát còn tự coi mình là học trò của nhà ngụy biện Prôđíc mà ông đã từng nghe giảng ở sau đền Đenphy.

Về mối quan hệ giữa Anaxago và Xôcrát, cần phải lưu ý rằng, không phụ thuộc vào việc Xôcrát có phải là học trò của Anaxago hay không, trước sau, Anaxago vẫn là một nhân vật quan trọng, quyết định số phận của Xôrát. Vấn đề không chỉ là ở chỗ, 30 năm sau khi Anaxago bị trục xuất khỏi Aten do bị buộc tội là vô thần, lời buộc tội đó vẫn được đưa ra nhằm chống lại Xôcrát. Ở đây, cần lưu ý rằng, người Aten luôn coi Xôcrát là một nhà ngụy biện giống như Anaxago, thậm chí còn gán cho ông luận điểm của Anaxago: “Trời là đá, Trăng là đất”. Thêm nữa, trước khi Xôcrát bị chính thức buộc tội thì Aristôphan, trong hài kịch “Đám mây”, cũng đã coi Xôcrát là một lẻ vô thần, người chỉ biết ngợi ca “những đám mây”. Những lời buộc tội này dường như đều xuất phát từ sự đam mê triết học tự nhiên của Xôcrát thời trẻ, mà sự thay đổi quan điểm ở ông sau đó đã làm cho những kẻ buộc tội ông cảm thấy lo sợ.

Bước chuyển của Xôcrát từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức đã diễn ra không phải ngay lập tức. Thoạt đầu, như chúng ta đều biết, từ Hội thoại “Phêđôn” của Platôn, Xôcrát thời trẻ đã bị xâm chiếm bởi khát vọng nhận thức giới tự nhiên, nghiên cứu nguyên nhân của những hiện tượng trên trời và dưới đất, tìm hiểu sự xuất hiện và tiêu vong của chúng. Trong những suy ngẫm khoa học tự phát như vậy, Xôcrát đã dựa vào những luận điểm triết học tự nhiên của các nhà triết học tiền bối, như Anaximenđrơ, Empêđôclơ, Hêraclít, phái Pitago mà ông biết rất rõ quan điểm của họ. Sự giải thích của họ về những hiện tượng tự nhiên không làm cho Xôcrát cảm thấy hài lòng, thậm chí ông còn lấy làm thất vọng về triết học tự nhiên trước đó và từ đó, còn tự phê phán sự vô tích sự của mình đối với những nghiên cứu tương tự. Do vậy, sự thông thái về triết học tự nhiên đã không đến với ông. Từ những suy ngẫm về nguyên nhân của các hiện tượng và sự vật, như Xôcrát sau này nhớ lại, thậm chí ông còn đánh mất các tri thức trước đây của mình, không còn hiểu những điều mà trước đó ông đã hiểu(2).

Xôcrát làm quen với triết học của Anaxago ở vào thời điểm mà ông cảm thấy thất vọng về triết học tự nhiên. Xôcrát nhớ lại thời kỳ này như sau: “Một hôm, có ai đó đã nói với tôi rằng ông ta đã đọc cuốn sách của Anaxago và nhận thấy trí tuệ là cái đem lại trật tự cho vạn vật trong thế giới và là nguyên nhân của vạn vật. Khi đó, tôi đã chấp nhận nguyên nhân này và cho rằng đây là lối thoát tuyệt vời ra khỏi những trở ngại, nếu trí tuệ là nguyên nhân của vạn vật”(3).

Có lúc, Xôcrát cảm thấy dường như mình đã tìm ra nhà thông thái giúp ông có thể hiểu được nguyên nhân của tồn tại. Song, ngay lập tức, ông đã tin rằng, Trí tuệ (Nus) ở Anaxago không phải là nguyên nhân duy nhất của những hiện tượng, bởi để giải thích những hiện tượng cụ thể thì Anaxago còn sử dụng cả những nguyên nhân khác mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa và khoa học tự nhiên. Theo Xôcrát, tính không nhất quán của Anaxago trong vấn đề này được thể hiện ở chỗ, thoạt đầu Trí tuệ được coi là nguyên tắc đem lại trật tự cho vạn vật trong thế giới và là nguyên nhân của chúng, nhưng khi đề cập tới những hiện tượng cụ thể thì Trí tuệ này lại không có tác dụng, bởi không phải nó, mà chính những sự vật tự nhiên, như nước, không khí, ête, v.v. mới là những cái quy định trật tự và nguyên nhân của các sự vật. Do vậy, cũng như các nhà triết học tự nhiên khác, Xôcrát cho rằng, Anaxago đã đánh tráo khái niệm về nguyên nhân của những hiện tượng tự nhiên bằng bản thân những hiện tượng tự nhiên, bằng sự xung đột và trò chơi tự phát giữa chúng. Theo Xôcrát, nguyên nhân chân thực của những hiện tượng tự nhiên bắt nguồn không phải từ bản thân chúng, mà từ lý tính thần thánh, còn bản thân những hiện tượng tự nhiên chỉ là lĩnh vực áp dụng nguyên nhân chứ không phải là nguồn gốc của chúng. Nói cách khác, Xôcrát đã hiểu nguyên nhân như một bản nguyên tinh thần, như là lý tính và sức mạnh thần thánh, tức là cái “tổ chức tốt nhất vạn vật như chúng đang tồn tại”(4).

Theo Xôcrát, tính hợp mục đích trong tự nhiên cần phải có điều kiện là xác định rõ nguyên nhân của tồn tại - bản nguyên có lý tính của thần linh, công bằng, tốt đẹp và tất yếu. Với quan niệm này, ông cho rằng nguyên nhân và tồn tại có quan hệ với nhau cũng như thể xác với linh hồn, nhưng đó là mối quan hệ mang tính mục đích luận, chứ không phải là mối quan hệ có nội dung phong phú giữa những hiện tượng thực tại. Rằng, tự nhiên là lĩnh vực tác động của các lực lượng thần thánh, và xét từ góc độ này, sau khi bỏ qua nguyên nhân thần thánh của các hiện tượng tự nhiên, những nghiên cứu triết học tự nhiên chỉ thể hiện ra như một sự uổng công vô ích nhằm can thiệp vào lĩnh vực những quy định và tiền định của thần linh.

Tồn tại tự nó, theo Xôcrát, nằm ngoài nguyên nhân của nó. Đó là một thực thể không có lý tính và trật tự. Gán cho nó vai trò của Trí tuệ, như Anaxago đã làm, là một điều ngu xuẩn, bởi nguyên nhân là nguồn gốc của tồn tại, nhưng lại không thể quy về nó. Do vậy, với quan niệm này, khi đi tới kết luận về sự sai lầm của việc nghiên cứu nguyên nhân của tồn tại bằng con đường kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa trên những dữ liệu của các giác quan, Xôcrát đã chuyển sang xem xét chân lý của tồn tại thông qua những khái niệm triết học trừu tượng, và rút ra kết luận rằng, tiêu chuẩn của chân lý là sự phù hợp của cái đang được nhận thức với khái niệm về nó.(4)

Với việc lý giải chân lý bằng khái niệm, Xôcrát đã chuyển hệ vấn đề nhận thức luận sang một bình diện mới nhờ biến bản thân tri thức thành đối tượng của nhận thức triết học. Khi không có lý tính và mục đích của riêng mình, thì toàn bộ tồn tại đã bị loại ra khỏi đối tượng đó. Do vậy, có thể nói, triết học Xôcrát có quan hệ không phải với tồn tại, mà với tri thức về tồn tại. Và, tri thức này là kết quả của nhận thức bằng những khái niệm về nguyên nhân mang tính thần thánh, chứ hoàn toàn không phải là kết quả của nhận thức kinh nghiệm về những sự vật và hiện tượng của tồn tại.

Khái niệm trong quan niệm của Xôcrát - đó không phải chỉ là kết quả do những nỗ lực tư duy của chủ thể nhận thức, không đơn giản là hiện tượng chủ quan của tư duy con người, mà là tính khách quan của lý tính mà chỉ có lý tính mới đạt tới được. Với quan niệm này, ông cho rằng, cái đẹp tồn tại một cách tự nó, khách quan và không phụ thuộc vào cái đẹp cụ thể (như con ngựa đẹp, người phụ nữ đẹp hay cuốn sách đẹp). Rằng, khái niệm về cái đẹp tự nó không phải là kết quả của việc khái quát bằng cách quy nạp những đặc điểm giống nhau của các sự vật đẹp thành một định nghĩa chung, mà ngược lại, cái đẹp tự nó tồn tại trước sự vật ấy và đem lại cho chúng nghĩa đẹp. Như vậy, có thể nói, chủ nghĩa khách quan của Xôcrát hoàn toàn khác không chỉ với chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa tương đối của phái ngụy biện, mà còn với cả quan niệm của triết học tự nhiên trước đó. Khi tính đến điều này, chúng ta có thể coi quan điểm của Xôcrát là triết học về khái niệm khách quan. Quan điểm triết học này của Xôcrát đã góp phần hình thành đường lối duy tâm của Platôn. Do vậy, sẽ là sai lầm nếu đánh giá lập trường của Xôcrát là hoàn toàn duy tâm.

Sau khi khắc phục tính không nhất quán của Anaxago và tiến hành lý giải Trí tuệ với tư cách lý tính thần thánh và là nguyên nhân duy nhất của mọi hiện tượng, chính Xôcrát đã bắc chiếc cầu triết học nối liền chân lý thần thánh với nhận thức của con người nhờ khái niệm khách quan mà con người đã đạt tới được bằng lý tính. Nhìn nhận một cách thoáng qua thì dường như Xôcrát đã thụt lùi hơn so với Anaxago trong vấn đề thần linh, khi ông phục hồi quyền uy của thần linh. Song, đây lại chính là thành công của chủ nghĩa duy lý. Khi được Xôcrát kiến tạo, mối liên hệ khái niệm giữa thần linh và con người, về thực chất, đã cải biến hệ đề tài thần học truyền thống thành hệ vấn đề triết học. Sự tiến bộ này không phải là thẳng băng, không có rích rắc.

Theo Xôcrát, tính không nhất quán trong lập trường của Anaxago dường như là hệ quả của sự hiện diện hai thành tố khác nhau trong triết học tự nhiên trước đó - thành tố khoa học tự nhiên và thành tố triết học. Thoạt đầu, sự cùng tồn tại của hai thành tố này là tất yếu và đương nhiên là hữu hiệu. Sự tiến bộ trong những nghiên cứu triết học tự nhiên từ Talét đến Anaxago đã chứng tỏ một cách thuyết phục điều đó. Tuy nhiên, đến thời Xôcrát, sự mâu thuẫn và phân tán nội tại của hai thành tố này trong triết học tự nhiên đã trở nên hiển nhiên. Sự thống nhất trước kia của triết học tự nhiên đã tự thể nghiệm mình. Sự tiến bộ tiếp theo của nhận thức đã đòi hỏi phải phân định và độc lập phát triển các bộ phận khác nhau của triết học tự nhiên. Đáp ứng nhu cầu này, Xôcrát đã phát triển phương diện triết học trong triết học tự nhiên trước đó và qua đó, ông đã gián tiếp chỉ ra rằng, triết học tự nhiên thể hiện ra là sự cộng sinh giữa khoa học tự nhiên và triết học. Ông đã kéo triết học ra khỏi sự bế tắc của triết học tự nhiên và giải phóng nó khỏi những nghiên cứu khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, bước chuyển của Xôcrát sang triết học đạo đức không có nghĩa là ông đã giữ một lập trường thù địch nào đó đối với khoa học tự nhiên khi đó. Việc chối bỏ triết học tự nhiên cũng không có nghĩa là Xôcrát đã không còn quan tâm tới những hiện tượng tự nhiên, tới cấu tạo của trái đất, bầu trời và vũ trụ, tức những vấn đề triết học tự nhiên truyền thống. Tự nhiên vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của ông, song không phải về phương diện khoa học tự nhiên, mà là về phương diện triết học và thần thoại học. Do vậy, có thể nói, triết học tự nhiên của Xôcrát đã mang nội dung đạo đức rõ nét và nó được ông sử dụng để luận chứng cho những luận điểm triết học đạo đức cơ bản của mình.

Con người và vũ trụ, theo Xôcrát, luôn nằm trong sự hài hòa hợp lý, hợp mục đích và được xác định trước bởi lý trí của thần linh. Với quan niệm này, ông đã phát triển vũ trụ luận của mình trên cơ sở thần thoại và lấy đó để luận chứng cho các quan điểm đạo đức học của mình.

Việc Xôcrát quan tâm tới các vấn đề, như cấu trúc hợp mục đích của thế giới, sự hài hòa của vũ trụ, mối liên hệ phổ biến do thần linh định trước giữa mọi hiện tượng, v.v. trước hết là để xây dựng triết học đạo đức và hướng nó vào việc làm sáng tỏ khuynh hướng và giới hạn của việc con người vươn tới những nỗ lực nhận thức một cách hợp mục đích. Luôn bị hấp dẫn bởi những vấn đề con người, Xôcrát đã tỏ ra xa lạ với cuộc tranh luận không dứt của những người đương thời về đất đá, ête, nước… Cái lợi ích mà triết học tự nhiên lúc bấy giờ mang lại cho cuộc sống của con người là không lớn và không vượt ra xa khỏi khuôn khổ của nền kỹ thuật của thợ thủ công, nông dân, thợ xây dựng, bác sỹ và các chuyên gia khác ở Hy Lạp khi đó. Cái khiến người ta ngạc nhiên chỉ là những tiên đoán về hiện tượng nhật thực. Những luận điểm và kết luận khác của khoa học khi đó còn rất xa lạ với giá trị thực tiễn khiến chúng có thể trở thành sự kích thích, thành những luận cứ để phát triển nhận thức của con người. Khoa học thời đó vẫn chưa phá vỡ được giới hạn chật hẹp của lao động chân tay với tư cách hình thức hoạt động sản xuất cơ bản và thống trị. Động cơ chủ đạo của khoa học khi đó không phải là hiệu quả thực tiễn, mà là sở thích nhận thức của các nhà thông thái. Trạng thái này của khoa học tự nhiên ở thời đại của Xôcrát cho phép chúng ta hiểu rõ vì sao ông có thái độ hoài nghi đối với nó. Thêm vào đó, các quan điểm mục đích luận còn có ưu thế là tính chỉnh thể và hài hòa so với bức tranh thế giới đầy mâu thuẫn và rời rạc của triết học tự nhiên khi đó. Bối cảnh này đã đưa Xôcrát tới quan niệm rằng, nhận thức chân thực có nhiệm vụ phải mang lại cho con người định hướng đúng đắn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Do vậy, theo Xôcrát, giá trị của mọi nhận thức - về những hiện tượng và quan hệ tự nhiên, con người và thần linh - đều là ở chỗ dạy cho con người cách điều hành một cách hợp lý công việc của mình.

Theo Xôcrát, con đường tự nhận thức sẽ đưa con người đến sự nhận biết địa vị của mình trong thế giới, làm sáng tỏ mình là gì với tư cách con người. Rằng, con người cần phải thấy rằng, nhờ có tri thức mà con người có được nhiều điều tốt đẹp và do có những quan niệm sai lầm mà con người phải nếm trải nhiều thứ xấu xa. Khi tự hiểu biết mình, con người cũng hiểu biết cái gì là tốt đẹp đối với nó và phân biệt được cái gì có thể làm và cái gì không nên làm.

Đề cao lý tính và thừa nhận sức mạnh toàn năng của nó, Xôcrát buộc mọi sự kiện diễn ra trong vũ trụ và trái đất phải phục tùng nó. Tri thức, trong sự lý giải của Xôcrát, thể hiện ra với tư cách cái điều tiết cần thiết duy nhất và là tiêu chí đáng tin cậy về lối ứng xử của con người. Qua đó, ông đã đem lại một cách hiểu mới, một sức sống mới cho câu châm ngôn “Hãy nhận thức chính mình”. Đây cũng chính là xuất phát điểm để Xôcrát xây dựng triết học đạo đức của ông.


(1) Bảy nhà thông thái của Hy Lạp cổ đại là: Talét, Pittắc, Perianđrơ, Biantơ, Xôlông, Cleôbun và Hylông.
(2) Xem: Platôn. Phêđôn. Trong Platôn. Tác phẩm gồm 3 tập, t.2, Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1970, tr.96 (tiếng Nga).
(3) Platôn. Sđd., tr.97.
(4) Platôn. Sđd., tr.99.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bước ngoặt tinh thần trong triết học

    22/10/2018GS.Đỗ Duy MinhThời kỳ Khai sáng có thể được nhìn nhận như là một cuộc cách mạng văn hoá, một lý tưởng về cộng đồng nhân loại chưa được nhận thức một cách đầy đủ, hay một đặc trưng trí lực kiểu hiện đại lan toả toàn thế giới. Trọng tâm của bài viết này nói về trí lực thời kỳ Khai sáng, một hệ tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.
  • Thế giới của Sophia

    13/04/2014Điệp HoaCuốn sách mà tôi muốn nói đến là “Thế giới của Sophie” của tác giả Jostein Gaarder, Na Uy, do Huỳnh Phan Anh dịch, xuất bản tại Việt Nam năm 1998. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt chỉ hai năm sau khi xuất bản tại Na Uy Trong thời gian đó, “Thế giới của Sophie” cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Điều này chứng tỏ sự nhất bén của người dịch và nhà xuất bản...
  • Tư tưởng của các triết gia vĩ đại

    01/09/2009William S. Sahakan - Mabel. SahakanQuyển sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Ideas of the Great Philosophers" của William S. Sahakian , Trưởng Khoa Triết Trường Đại Học Suffolk và Mabel Lewis Sahakian, giảng viên Triết tại Trường Đại Học Northeastrn. Hai học giả nói trên (cả hai đều là Tiến sĩ triết học ) đã dày công biên soạn và tóm lược hàng trăm luận thuyết triết học phương Tây của hàng chục triết gia vĩ đại , tính từ trước thời của Socrates cho đến thời đại ngày nay.
  • Các hệ thống triết học hiện đại

    25/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchTrong cuộc đời, một số triết gia danh tiếng đã thay đổi quan điểm triết học, chuyển từ trường phái này sang trường phái khác; một số còn có khả năng đại diện cho nhiều trường phái triết học khác nhau...
  • Triết lý siêu hình

    22/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchThuật ngữ siêu hình học (metaphysics) vốn xuất phát từ cụm từ Hy Lạp "meta ta Phusika" (hàm nghĩa phía sau, hay vượt ra khỏi, giới vật chất tự nhiên). Siêu hình học là bộ môn nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu, về những gì vượt lên trên hiện tượng vật chất....
  • Đạo đức học & triết lý nhân sinh

    10/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchÝ nghĩa triết học của thuật ngữ "Đạo đức học" (Ethics) bao quát một phạm vi rộng hơn nhiều so với nghĩa hạn hẹp của nó trong câu “đạo làm người trong đời” (man on the street) - đạo đức được xét đến trong khuôn khổ chọn lựa cung cách ứng xử....
  • Khuyến học: tự nhận thức để thành công

    11/05/2009Phạm Hữu Lợi dịch, tác giả Fukuzawa YukichiKhuyến học giúp độc giả không chỉ thấy thông tin không chỉ thấy thông tin hay hiểu về việc vì sao Nhật Bản đạt được những kỳ tích như ngày nay, mà thậm chí xa hơn có thể rèn luyện suy nghĩ, có được nhân sinh quan mới, phương pháp tư duy và hành động mới, khoa học hơn, quyết liệt để thành công trong cuộc sống.
  • Nhập môn lịch sử triết học

    04/12/2008V.V.XocolopTriết học là một thành tố rất cổ của văn hóa tinh thần, là trí tuệ là trí tuệ của loài người và không dễ gì nhận thức được nó. Cái khó trong việc nắm bắt kết học trước hết bị quy định bởi diện rộng tới mức tối đa các khái niệm triết học.
  • Quan niệm của Hêgen về bản chất của triết học

    22/08/2007GS, PTS Nguyễn Trọng ChuẩnKhông chỉ là đại biểu tiêu biểu của nền triết học cổ điển Đức, Hêgen đã đem lại cho triết học địa vị vốn có và sứ mệnh cao cả của nó trong đời sống tinh thần nhân loại. Với những luận cứ sâu sắc và có cơ sở khoa học, Hêgen đã làm sáng tỏ đối tượng, chức năng và phương pháp của triết học, mối quan hệ của triết học với các khoa học khác và qua đó, trình bày một cách khúc chiết, đúng đắn bản chất của triết học...
  • Vấn đề tự ý thức trong triết học Êpiquya

    05/06/2007Nguyễn Văn SanhTriết học Êpiquya (341- 270, TCN) là một trào lưu triết học chiếm địa vị thốngtrị trong đời sống tinh thần của người Hy Lạp cổ đại ở thời kỳ suy thoái của xã hội chiếm hữu nô lệ (thế kỷ III - I trước CN). Ở thời kỳ này, các mâu thuẫn cơ bản của xã hội chiếm hữu nô lệ ngày một trở nên gay gắt, các cuộc chiến tranh xâm lược thường xuyên diễn ra đã dẫn đến tình trạng khủng bố, cướp bóc triền miên, tạo ra các hình thức áp bức chính trị và tinh thần thô bạo.
  • Vấn đề nhận thức và khả năng tự ý thức của con người trong triết học Đêcáctơ

    08/05/2007Nguyễn Văn SanhTrong số các nhà triết học mà cho đến nay, nhân loại không thể không kể tới, R.Đêcáctơ được thừa nhận là người có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử triết học. Ông là người đã sử dụng phương pháp hoài nghi của mình để đấu tranh chống lại triết học kinh viện giáo điều từng thống trị suất thời Trung cổ đen tối và tạo dựng nền tảng cho việc kiến tạo lâu đài khoa học với những phương pháp mới.
  • Bước đầu tìm hiểu con người trong triết học của Kant

    01/01/1900Lê Cộng Sự(1724 - 1804), là người sáng lập triết học cổ điển Đức, nhà tư tưởng lớn của nhân loại. Hệ thống triết học của ông bao chứa lượng tri thức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhân bản học chiếm vị trí không nhỏ. Ở thời đại văn minh hiện nay, khi có một số quan điểm quá coi trọng những thành tựu khoa học công nghệ, đến mức tuyệt đối hoá những giá trị vật chất, mà xem nhẹ những giá trị tinh thần nhân văn, thì việc tìm hiểu triết học của Kant có thể giúp chúng ta trở về với những quan điểm nhân văn hơn.
  • Những tư tưởng cơ bản của Hegel về logic học với tính cách là logic biện chứng

    29/08/2006TS. Nguyễn Đình TườngĐiểm xuất phát triết học của Hegel là sự đồng nhất duy tâm giữa tư duy và tồn tại hay là ý niệm tuyệt đối. Nói một cách khác Hegel là nhà triết học duy tâm khách quan, nghĩa là đối với ông tư tưởng của chúng ta không phải là sự phản ánh thế giới hiện thực khách quan, trái lại những sự vật và hiện tượng trong thế giới là sự thể hiện của ý niệm tuyệt đối, mà ý niệm này tồn tại trước khi thế giới xuất hiện...
  • xem toàn bộ