Vấn đề nhận thức và khả năng tự ý thức của con người trong triết học Đêcáctơ

11:18 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Năm, 2007

Trong số các nhà triết học mà cho đến nay, nhân loại không thể không kể tới, R.Đêcáctơ được thừa nhận là người có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử triết học. Ông là người đã sử dụng phương pháp hoài nghi của mình để đấu tranh chống lại triết học kinh viện giáo điều từng thống trị suất thời Trung cổ đen tối và tạo dựng nền tảng cho việc kiến tạo lâu đài khoa học với những phương pháp mới. Là người tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của trí tuệ con người, Đêcáctơ đã giữ lập trường duy lý trong nhận thức luận. Việc tìm hiểu vấn đề nhận thức và khả năng tự ý thức của con người trong triết học Đêcáctơ chỉ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn lập trường triết học của ông, trước hết là trong lĩnh vực nhận thức luận.

Khi giải quyết vấn đề nhận thức, Đêcáctơ theo khuynh hướng gắn khái niệm ý thức với khái niệm tư duy. Trong quan niệm của ông, tư duy là tất cả những gì được chúng ta ý thức, là những cái diễn ra trong bản thân chúng ta, bởi chúng ta luôn có ý thức về điều đó. Quan niệm đó đã được Đêcáctơ sử dụng trong cuộc tranh luận và Hốpxơ và trong thư ông gửi cho Ginbê (1642). Dựa vào đó, một số người đã khẳng định trong triết học Đêcáctơ, tư duy và ý thức được coi là các khái niệm đồng nghĩa. Tuy nhiên, khi xem xét quan niệm về ý thức mà Đêcáctơ đã đưa ra trong các tác phẩm của mình, có thể nói, với ông, trở thành có ý thức là tư duy, là sự phán tư về tư duy của mình. Điều đó cho thấy, Đêcáctơ đã không đồng nhất một cách vô điều kiện khái niệm tư duy với khái niệm ý thức. Ông cho rằng sự phân định giữa các khái niệm đó không chỉ thuần tuý về mặt hình thức, mà còn là ở chỗ, ý thức là cái mà thông qua đó, chúng ta ý thức, còn tư duy là cái mà chúng ta ý thức về nó. Đêcáctơ gắn sự phân định đó trước hết với khái niệm "phản tư,'theo quan niệm của riêng ông. Ông cho rằng sự phản tư diễn ra khi người ta cảm thấy một điều gì đó và đồng thời nhận thấy trước đó mình chưa hề cảm nhận thấy chính điều ấy. Sự phản tư đó gắn liền với hiểu biết và có liên quan mật thiết với cảm xúc tới mức chúng ta có cảm tưởng là chúng không khác gì nhau. Như vậy, trong quan niệm của Đêcáctơ, sự phản tư là cái cho phép chủng ta có thể đối chiếu giữa tri thức mới với kinh nghiệm nhận thức đã có, tức là với lý trí với tư cách chủ thể của tư duy. Rằng sự phản tư là cái mang lại tính thống nhất cho tự ý thức.

Việc sử dụng khái niệm "phản tư" cho thấy, Đêcáctơ xem xét các hành vi của ý thức không những từ giác độ đồng đại mà cả từ giác độ lịch đại và có tính tới mối liên hệ phát sinh giữa quá khứ và tương lai với tư cách là mối liên hệ bảo đảm cho sự thống nhất có tính năng động của tự ý thức con người. Trong "Mặc tưởng về triết học đầu tiên", Đêcáctơ còn đưa ra sự phân định theo "mối liên hệ thời gian" giữa trực giác tiềm năng và trực giác thực tại trong ý thức. Ông cho rằng mặc dù chúng ta luôn thực sự ý thức về các hành vi của trí tuệ chúng ta, song không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được nó. Chúng ta dường như mới chỉ ý thức được năng lực và khả năng của nó mà thôi. Đêcáctơ muốn dựa vào sự phân định đó để khẳng định luận điểm về tính liên tục của tư duy. Và khi gán cho học thuyết về trực giác trí tuệ, bẩm sinh một vaitrò quan trọng trong việc luận chứng cho tính liên tục của tư duy, cho tính tự đồng nhất của lý trí, Đêcáctơ cho rằng lý tri con người luôn chứa đựng trong mình các ý niệm về Thượng đế, về bản thân mình và về mọi chân lý được coi là hiển nhiên. Các ý niệm đó không chỉ được con người ý thức một cách hiện thực, chúng còn được con người ý thức một cách tiềm năng, ý thức theo khả năng linh cảm của lý tính. "Không có sự vật xa xôi nào, Đêcáctơ khẳng định, mà người ta không tìm kiếm được, không có sự vật bí hiểm nào mà người không khám phá ra được". Bởi vậy, theo ông, không nên đặt ra cho trí tuệ con người bất kỳ một giới hạn nào cả. Ông cho rằng khát vọng nhận thức của con người là vô biên, do vậy nó cần đến Thượng đế với tư cách cái tượng trưng cho sự hoàn hảo và tối cao tuyệt đối, có khả năng định hướng và tạo dựng niềm tin cho nhận thức cũng như mọi ước vọng của con người.

Với học thuyết về trực giác trí tuệ bẩm sinh, khi xem xét những quan niệm truyền thống của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy cảm, Đêcáctơ đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy lý. Ông kêu gọi con người hướng tới việc hoàn thiện và phát triển khả năng trí tuệ của mình, hướng tới lumen naturale (ánh sáng tự nhiên - cái được Đêcáctơ đồng nhất với khả năng trí tuệ cao nhất của con người). Theo ông, con người muốn tìm cách "nhận thức chân lý một cách nghiêm chỉnh thì cần phải quan tâm đến việc tăng cường lumen natu rale". Ông cho rằng điểm khởi đầu của nhận thức chân lý và cũng là khả năng nhận thức cao nhất của trí tuệ con người là trực giác. Từ lập trường duy lý chủ nghĩa, Đêcáctơ coi trục giác là trực giác trí tuệ hay lý tính, là khả năng linh cảm của lý tính. Tự nó, trực giác có thể xét đoán đúng sai của tri thức, xác định tính chân lý của nhận thức con người mà không cần đến bất cứ một sự nỗ lực nào. Khả năng trí tuệ này, theo Đêcáctơ, hoàn toàn đúng đắn và công minh, là toà án để phân định mọi cái, đánh giá mọi tri thức cung như mọi hành vi hoạt động của con người. Rằng trực giác "là một khái niệm vững chắc của một trí tuệ rõ ràng và chăm chú được ánh sáng tự nhiên của lý tính sản sinh ra và nhờ sự đờn giản của mình, nó còn xác thực hơn cả bản thân diễn dịch". Như vậy, với ông, trực giác là sự tự ý thức, tự nhận thức về các chân lý “đang hiện lên” trong lý tính. Coi trực giác là sự linh cảm của lý tính, Đêcáctơ đã khẳng định rằng mọi sai lầm của con người đều do người ta hành động không tuân theo lý tính của mình, còn bản thân hoạt động trực giác của lý tính thì bao giở cũng đúng.

Xuất phát từ quan niệm đó, Đêcáctơ đặc biệt đề cao vai trò của lý tính trong nhận thức và đòi hỏi con người phải đi xa hơn nhận thức cảm tính. Bởi vì, theo ông, nếu "hạn chế lý tính trong khuôn khổ những gì tai nghe mắt thấy tức là đem lại cho nó một tổn thất lớn". Tuy nhiên, Đêcáetơ cũng đã phần nào nhận thấy tính phiến diện của lý tính trong nhận thức.Và do vậy, ông muốn đem lại cho lý tính một tính linh hoạt hơn và lên tiếng phản đối khuynh hướng thửa nhận một cách vô điều kiện ý thức chỉ hoàn toàn là hoạt động thuần tuý trí tuệ. Câu hỏi "Cảm tính hay ý thức”? mà Đêcáctơ đưa ra trong tác phẩm "Các nguyên lý triết học" của ông đã chứng tỏ ông có tính đến sự khác biệt giữa ý thức tự nó và ý thức về thế giới bên ngoài với ý thức vốn có ở cái Tôi thuần tuý với tư cách là tư duy phản tư.

Mặc dù đề cao vai trò của lý tính, của trực giác trí tuệ trong nhận thức, Đêcáctơ vẫn nhận thấy tính đặc thù của nhận thức cảm tính mà, theo ông, vốn có tính độc lập tương đối nhờ mối quan hệ trực tiếp với thực tại bên ngoài. Ông coi trực giác cảm tính là một "thuộc tính đặc biệt" của tư duy và từ quan niệm này, ông đã cố gắng phân biệt cái mà ông gọi là thuộc tính "không rõ ràng" đó với hoạt động tư duy thuần tuý. Ông còn gắn các yếu tố của nhận thức cảm tính với "cái tôi kinh nghiệm", với các hành vi của "ý chí tự do". Và từ đó, ông cho rằng nguyên nhân của các sai lầm trong nhận thức là do con người có quyền tự do lựa chọn và vì sự tự do đó nên con người muốn nhận thức được nhiều hơn trong khi khả năng nhận thức của nó lại có hạn.

Giải thích điều đó, Đêcáctơ cho rằng con người là một sinh vật chưa hoàn thiện, con người chỉ là một sinh vật có khả năng đi đến hoàn thiện. Nó "giống như là nấc thang trung gian giữa Thượng đế cao siêu và hư vô". Với tư cách là kết quả sáng tạo của sự tồn tại cao siêu, con người không có sai lầm, nhận thức của con người hoàn toàn đúng. Nhưng khi thuộc về hư vô, con người có thể có sai lầm, có khả năng nhận thức sai. Bởi linh hồn con người, theo Đêcáctơ, không chỉ bao gồm lý trí, mà còn có cả ý chí. Bản thân lý trí trong linh hồn con người không đưa ra một sự khẳng định hay phủ định nào cả, nó chỉ nắm lấy những tư tưởng về các sự vật có thể khẳng định hay phủ định. Vì vậy, theo ông, trong lý trí không có sai lầm, lý trí không dẫn đến sai lầm. Còn ý chí trong linh hồn con người luôn có khả năng lựa chọn, tự do nhận thức, khẳng định hay phủ định cái gì đó, và do vậy, bản thân ý chí hay khả năng lựa chọn tự do có thể là nguyên nhân dẫn đến sai lầm, nhận thức không đúng. Sai lầm đó, theo Đêcáctơ, còn do “lý chí rộng hơn trí tuệ", do trí tuệ không biết tự giới hạn trong phạm vi nó có thể nhận thức mà lại mở rộng ra cả những lĩnh vực vượt quá khả năng nhận thức của nó”.

Thừa nhận sự tồn tại của cả lý trí lẫn ý chí trong linh hồn con người, Đêcáctơ cho rằng, vì trong linh hồn con người có cả hai cái đó, nên khả năng nhận thức của con người là có hạn, nhận thức của con người có thể đúng, có thề ai. Và do vậy, theo ông, trong nhận thức, con người phải xuất phát từ sự nghi ngờ, nghi ngờ tất cả những gì đã được coi là chân lý.Nghi ngờ, trong quan niệm của Đêcáctơ, đó không phải là tin rằng không có cái gì là xác thực cả, là chân lý cả mà chỉ là một phương tiện, một biện pháp có khả năng ngăn ngừa những kết luận vội vàng, không có cơ sở khoa học chứ không phải là thay thế những kết luận ấy. Ở Đêcáctơ nghi ngờ là khả năng của tư duy, của tự ý thức con người, là nguồn gốc chân thực của tri thức và là phương thức để con người phát triển nhận thức. Với ông, nghi ngờ là nhằm học cách không nên giả định một cách dứt khoát một cái gì đó mà chỉ mới có thí dụ và thói quen về nó đã tin nó là chân lý. Nghi ngờ là để nhận thức con người, tự ý thức con người "được giải thoát khỏi những sai lầm" mà con người có thể vì sai lầm đó làm lumờ cái ánh sáng tự nhiên" của con người và làm cho con người ít có khả năng chú ý đến tiếng nói của trí tuệ. Và như vậy, có thể khẳng định rằng, trong quan niệm của Đêcáctơ "điểm xuất phát của khoa học chân chính phải làsự hoài nghi phổ biến, hoài nghi để không mắc phải sai lầm trong quá trình nhận thức để sau đó có niềm tin chắc chắn hơn, nghĩa là hoài nghi có tính chất phương pháp luận".

Với quan niệm như vậy về vai trò của sự nghi ngờ trong quá trình nhận thức, Đêcáctơ cho rằng một chủ thể biết tư duy với sự nghi ngờ luôn chế ngự trí tuệ nó phải biết tin vào sự không hoàn hảo của bản thân mình và đồng thời tin vào sự hoàn hảo tuyệt đối của Thượng đế cao siêu - Đấng sáng thế đã đem lại cho con người sự tồn tại. Rằng trong hoạt động nhận thức, chủ thể biết tư duy với sự nghi ngờ cần phải có phương pháp nhận thức để đạt tới tri thức hiển nhiên và không thể nghi ngờ, để trên cơ sở đó, khắc phục những gì không hoàn bảo mà bản thân mình tự ý thức được. Một chủ thể biết tư duy với sự nghi ngờ, theo Đêcáctơ, hoàn toàn có khả năng làm chủ được những suy nghĩ của mình, có khả năng thể hiện không hẳn đã là sự yếu kém của mình, mà chủ yếu là khả năng tụ do lựa chọn, tính độc lập của mình nhờ có tự ý thức tỉnh táo của mình.

Luận chứng cho sự hoài nghi phổ biến, hoài nghi mang tính phương pháp luận trong hoạt động nhận thức của con người, Đêcáctơ đã khăng đinh tính độc lập tương đối của lý trí con người, khả năng tự ý thức của con người. Cùng với khẳng định đó, ông còn chứng minh rằng trong lĩnh vực nhận thức lý luận, các luận điểm và giáo lý của thần học đã không còn có hiệu lực. Và do vậy mà nhiều luận điểm của ông trong vấn đề này đã khiến cho các nhà thần học phải “nổi khùng" và bản thận ông bị coi là kẻ tà giáo cho dù ông có cố gắng thể hiện một con chiên ngoan đạo.

Có thể nói, quan niệm của Đêcáctơ về khả năng tự ý thức của con người, về vai trò của lý tính, của trực giác trí tuệ bẩm sinh trong hoạt động nhận thức, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song nó đã có những đóng góp không thể bác bỏ trong tiến trình phát triển tư tưởng nhân loại nói chung, trong cuộc đấu tranh giải phóng khoa học và siêu hình học khỏi sự thống trị của nhà thờ và thần học nói riêng. Quan niệm đó đã chứng tỏ ý nghĩa lịch sử, bản chất tiến bộ, tư tưởng nhân đạo trong triết học Đêcáctơ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vị thế và ảnh hưởng của triết học Đêcáctơ trong lịch sử triết học

    07/11/2006Lê Thanh SinhMuốn hiểu rõ giá trị của triết học Đêcáctơ không gì bằng đem học thuyết ấy đặt vào trong tiến trình chung của lịch sử triết học. Khi so sánh nó với những hệ thống triết học khác trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại, chúng ta sẽ thấy rõ những đóng góp và hạn chế của nó.