Bước ngoặt tinh thần trong triết học
Thời kỳ Khai sáng có thể được nhìn nhận như là một cuộc cách mạng văn hoá, một lý tưởng về cộng đồng nhân loại chưa được nhận thức một cách đầy đủ, hay một đặc trưng trí lực kiểu hiện đại lan toả toàn thế giới. Trọng tâm của bài viết này nói về trí lực thời kỳ Khai sáng, một hệ tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới. Cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cũng như kinh tế thị trường, chế độ dân chủ và xã hội công dân đều bắt nguồn từ thời kỳ Khai sáng. Khi các nền kinh tế tiến bộ bước vào “xã hội tri thức”, sự thống trị của khoa học, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông sẽ càng nổi trội hơn. M.Wâybơ tiên đoán rằng, các chuyên gia và các nhà quản lý sẽ là những người kiểm soát xã hội hiện đại; đồng thời, sự nổi lên của tính kỹ trị trong quân sự, trong các chính phủ, trong các tập đoàn đa quốc gia, trong các tổ chức xã hội và cả trong các tổ chức phi chính phủ dường như không thể tránh được. Hơn nữa, các giá trị cơ bản, như tự do, công lý, nhân quyền, tính minh bạch trong thực thi luật pháp và phẩm giá, độc lập và tự quyết cá nhân được thừa nhận rộng rãi như là các giá trị phổ quát. Thông điệp của trí lực Khai sáng có ý rằng, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất cho tương lai của cộng đồng nhân loại dường như rất thuyết phục.
Tuy nhiên, trí lực Khai sáng cũng còn có những hạn chế nghiêm trọng. Chúng ẩn chứa trong thuyết lấy con người làm trung tâm, sự duy lý máy móc và chủ nghĩa cá nhân thái quá, một loại của chủ nghĩa thế tục mà hậu quả là từ sự phớt lờ tôn giáo và tàn phá tự nhiên. Nhìn về tương lai mà thiếu sự tái cấu trúc một cách căn bản thế giới quan này thì Khai sáng chẳng mang lại một chỉ dẫn hữu ích nào cho sự sinh tồn, chứ chưa nói gì tới sự thịnh vượng của nhân loại. Do vậy, sự nhận thức toàn diện và phê phán về thời kỳ Khai sáng, nhất là về cái trí lực đã lan toả toàn thế giới này, là rất cần thiết. Dựa trên các cách nhìn nhận của các học giả về bình đẳng giới, môi trường, hậu hiện đại, chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo, tôi đưa ra một cách nhìn nhân văn cả dưới góc độ tán thành, chia sẻ ý nghĩa đương thời của “kỷ nguyên lý trí” lẫn dưới góc độ đánh giá khách quan về những hạn chế của trí lực phi tinh thần và phi tự nhiên này. Mục đích chính là khám phá khả năng xác thực của một trật tự thế giới mới dựa trên đối thoại bền vững và liên tục giữa các nền văn minh.
Cần hết sức lưu ý rằng, trong truyền thống văn hoá của người trí thức hiện đại, trí lực Khai sáng đã thẩm thấu trong đời sống tinh thần đến nỗi mà văn hoá truyền thống đã bị đẩy lùi xuống làm “phông nền”, chỉ đơn thuần như một tiếng vọng từ xa, ở những thói quen tình cảm. Do nỗ lực phát triển một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, một thể chế dân chủ minh bạch và một xã hội công dân tốt đẹp vẫn còn là quá xa vời, các nhóm văn hoá và chính trị ưu tú ở các xã hội, chẳng hạn như Trung Quốc, cam kết theo hướng đề án Khai sáng, mà chưa sẵn sàng vượt qua trí lực Khai sáng. Thực tế, trong chiến lược phát triển, nó lấy hình mẫu phương Tây truyền thống làm điểm xuất phát. Một khi được chấp nhận một cách rộng rãi, nó sẽ lan toả và quả thực, đối với một xã hội đang phát triển, việc quay trở về di sản văn hoá để tìm cảm hứng thì quá là xa xỉ. Tuy nhiên, thật trớ trêu là, tinh thần của thời đại, vì sự sinh tồn và thịnh vượng của cộng đồng toàn cầu, đòi hỏi các nhà trí thức, bao gồm cả các nhà trí thức Trung Quốc, phải vượt qua trí lực Khai sáng. Trên bình diện lịch sử và so sánh văn minh, con đường chắc chắn và đúng đắn nhất để vượt qua tổ hợp thách thức này là tận dụng tất cả các nguồn lực tinh thần sẵn có của cộng đồng toàn cầu để thiết lập một tầm nhìn nhân văn cái có thể vượt qua lý thuyết lấy con người làm trung tâm, duy lý máy móc và chủ nghĩa cá nhân thái quá, mà không đánh mất ánh sáng của những tư tưởng giải phóng và thực tiễn của thời kỳ Khai sáng với tư cách một cuộc cách mạng, một lý tưởng và một trí lực.
Sự quan tâm đặc biệt tới các nền văn minh kỷ nguyên Axial biểu trưng cho một “bước ngoặt tinh thần” trong triết học. Những chuyển biến về “ngữ nghĩa” và “nhận thức luận” đã thành công trong việc tạo cho nghiên cứu triết học hàn lâm ở thế giới nói tiếng Anh một quy tắc chuyên nghiệp đáng trân trọng. Tuy nhiên với việc đẩy mỹ học, đạo đức học và triết học tôn giáo ra vị trí bên lề của các mối quan tâm có tính phân tích, các nhà triết học hàn lâm chuyên nghiệp đã vô hình trung tự giam hãm mình trong những “cái kén” của quy tắc kỹ thuật hàng thế kỷ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi kiểu triết học của họ không đề cập nhiều tới những vấn đề về đời sống con người. Kết quả là, có rất ít nhà triết học trở thành trí thức vì quần chúng và với những nhà triết học có khát vọng phụng sự quần chúng thì tiếng nói của họ thường bị lấn át bởi các nhà thần học, các nhà văn hoá, các nhà phê phán xã hội và các nhà kinh tế chính trị. Đã đến lúc cần có một sự tái định hướng triết học một cách căn bản. Triết học so sánh có thể đóng một vai trò quan trọng trong thời điểm then chốt này.
Quyền công dân toàn cầu, cái được xác lập dựa trên tầm nhìn con người vũ trụ hợp nhất, không phải là lý tưởng không tưởng, cũng không phải là sự mơ tưởng hão huyền mà là một ước vọng chung, thực chất là một tư tưởng khả thi với sự nhận thức sâu sắc về sự kết giao tôn giáo, đạo đức và sinh thái. Trong chiều cạnh này, tất cả bơn chiều kích của sự trải nghiệm con người: cái tôi, cộng đồng, tự nhiên và Chúa Trời hợp nhất với nhau trong tiếp cận toàn thể luận đối với cuộc sống. Sự hợp nhất giữa thể xác, tinh thần, trí tuệ, tâm hồn và tâm linh của cá nhân, sự tương tác phong phú giữa cái tôi và cộng đồng, mối quan hệ đồng thuận và bền vững giữa con người và tự nhiên và sự phụ thuộc lẫn nhau, sự tương tác qua lại giữa tinh thần và trí tuệ với Đạo Trời là những chuẩn mực cho việc thiết lập cộng đồng nhân loại như là một cái toàn thể. Chúng không phải là những tư tưởng trừu tượng, mà là những đặc trưng xác thực của lộ trình tất yếu cho sự sinh tồn và thịnh vượng của loài người. Lộ trình này hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa phân lập bảo thủ, nó cũng loại trừ chủ nghĩa phổ độ trừu tượng.
Niềm tin cho rằng chỉ có duy nhất một con đường để thiết lập trật tự thế giới là phi thực tế và nguy hiểm. Nó chỉ làm gia tăng tình trạng căng thẳng và xung đột gây tổn hại cho hoà bình quốc tế. Thuyết đơn cực quá hão huyền ở cả phương diện lý thuyết và thực thi. Nó không hiểu được sự gia tăng của toàn cầu hoá kinh tế sẽ kéo theo sự đa dạng văn hoá tương ứng. Sự áp đặt những tư tưởng nhân văn thế tục đối với phần còn lại của thế giới, mà không có sự thấu hiểu và nhận thức sâu sắc các giá trị cốt yếu khác cũng có khát vọng chính đáng và thiết yếu cho việc nuôi dưỡng quyền công dân toàn cầu, là sự nhìn nhận thiển cận và lệch lạc. Tự do mà không công bằng, lý tính mà không có sự cảm thông, luật pháp mà không độ lượng, quyền mà không gắn với trách nhiệm và phẩm hạnh cá nhân mà không có đồng thuận xã hội... sẽ không thể đem đến một trật tự thế giới bền vừng được vun đắp bởi một văn hoá hoà bình có nội dung phong phú. Tất cả năm giá trị cốt lõi của truyền thống Không giáo: nhân, lễ, nghĩa, trí và tín giữ vai trò chủ đạo cho đạo đức phổ quát. Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, ấn Độ giáo và các truyền thống tinh thần khác, nhất là trong các tôn giáo bản địa, cũng mang lại sự phong phú cho quyền công dân toàn cầu. Chỉ thông qua “đối thoại giữa các nền văn minh” thì chân dung của đạo đức phổ quát mới có thể được phác hoạ. Đối thoại mang tính học hỏi lẫn nhau là cách thức tốt nhất.
Kinh nghiệm đời thường của nhân loại mách bảo chúng ta rằng, sự đối thoại đích thực là một nghệ thuật đòi hỏi có sự bồi đắp chu đáo. Trừ khi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tri thức, tâm lý, trí lực và tinh thần, chúng ta sẽ không ở vào một vị thế tham gia đầy đủ trong cuộc đối thoại. Thực tế, chúng ta có thể tận hưởng sự thú vị của sự giao lưu thực sự chỉ có với những người bạn đích thực và những người cùng chí hướng. Làm thế nào để những người xa lạ có thể vượt qua hố ngăn cách văn minh để tham gia đối thoại đích thực, nhất là khi “bạn” đối tác là người khác chủng tộc, người bề trên, quân thù? Có vẻ như với một trí tuệ bình thường cũng có thể nhận biết được rằng, đối thoại văn minh không những có tính khả thể mà còn có tính khả thi. Chắc chắn rằng phải mất nhiều năm hay nhiều thế hệ nữa mới có được sự nhận thức đầy đủ về hiệu quả tối đa của đối thoại. Tuy nhiên, ít nhất, những lợi ích của các mối quan hệ có tính đối thoại ở mức độ cá nhân, địa phương, quốc gia, hay ở mức độ đa văn thinh thì đã sẵn sàng và được nhận thức đầy đủ trong cuộc sống đời thường hàng ngày.
Nếu những kinh nghiệm đời thường này được vun đắp và được chia sẻ rộng rãi, chúng ta có thể học cách nâng một lẽ phải thông thường có được từ kinh nghiệm sống lên thành lẽ phải của trách nhiệm bảo vệ cho những lợi ích chung toàn cầu. Ý thức sinh thái là một minh chứng hiển nhiên. Sự nhận thức của chúng ta về tính cấp thiết, do sự thúc giục của những quan tâm và sự lo âu về sự bền vững của môi trường và viễn cảnh cuộc sống của các thế hệ tương lai, dẫn chúng ta không chỉ có thái độ nhân loại mà còn có cả thái độ vũ trụ đối với tất cả các nguồn lực của mình: khoáng sản, đất đai, nước, và không khí. Thông qua giáo dục, ý thức sinh thái này, có thể khích lệ các lực lượng tích cực của toàn cầu hoá nâng cao cả về tinh thần, thể chất, mỹ học và đạo đức trong ý thức sinh thái của họ, có lẽ ở thời điểm khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ, có sự quan tâm đặc biệt đối với những khuyết tật, bất lợi, thứ yếu và sự im lặng của các xu hướng hiện thời của phát triển kinh tế. Đối thoại giữa các nền văn minh cũng khích lệ những đòi hỏi chính đáng cho tri thức cá nhân, tự nhận thức bản thân, bản sắc cá nhân, đoàn kết nhóm và trách nhiệm cộng đồng.