Khuyến học: tự nhận thức để thành công
Tên sách: Khuyến học
Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Phát hành: Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Tri thức
Năm phát hành: 2008
Khổ sách: 13x20,5cm
Số trang: 244
Có một sức mạnh phi thường nào đó đã phát sinh và tác động lên một cá nhân hay nhóm nào đó hay cả dân tộc? Để Nhật Bản làm nên những kỳ tích như vậy?
Một đất nước không có tài nguyên, một dân tộc có vị trí cô lập với thế giới vì địa hình đảo quốc của mình thế mà dân tộc đó đã vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới có mặt trong G7 nay là G8. Và làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Điều kỳ lạ là nguồn lực phát ra ở đây, như mọi cuộc cách mạng, cũng rất nhỏ bé kiểu như “từ tia lửa sẽ bừng lên ngọn lửa”. Đọc Khuyến học, một cuốn sách có cái tên không hấp dẫn lắm của Fukuzawa Yukichi người dịch Phạm Hữu Lợi, mới hiểu rõ nguồn năng lượng kỳ diệu để làm cho Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế như hiện nay chính là giáo dục.
Fukuzawa Yukichi "Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền" "... đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây". |
Sách mở đầu với câu “quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm”, kết thúc ở bìa cuối với câu "đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bả sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua thì chúng ta, những người Nhật Bản sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây". Nghe có vẻ hơi nặng, thế nhưng xuyên qua gần 250 trang sách là câu chuyện hấp dẫn về tự giáo dục, tự nhận thức, tự hoàn thiện của mỗi con người, của cả hệ thống.
Chúng ta có thể hiểu thêm “5 thứ tự do có sẵn ở mỗi con người” suy nghĩ thêm về “mục đích của của học vấn”, biết mang ơn, tạ ơn và không ngừng tu rèn tài năng, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự dẫn thân cải cách, về tinh thần dân tộc và qúa trình hoàn thiện nhân cách của mỗi con người và cả các cấp chính quyền của Nhật Bản. Bằng các đoạn văn ngắn, thể hiện dưới dạng đặt câu hỏi và nêu vấn đề sau đó trả lời câu hỏi hay lý luận rất thực tế bàn giải pháp cho các vấn đề. Khuyến học giúp độc giả không chỉ thấy thông tin không chỉ thấy thông tin hay hiểu về Nhật Bản, mà thậm chí xa hơn có thể rèn luyện suy nghĩ, có được nhân sinh quan mới, phương pháp tư duy và hành động mới, khoa học hơn, quyết liệt để thành công trong cuộc sống. Và chắc chắn rằng khi điều đó đạt được thì ước mơ tích hợp năng lượng của mỗi chúng ta, của người Việt cũng đủ lớn cho câu chuyện kỳ diệu đất nước Việt
Vài nét về tác giả và tác phẩm
Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là “Voltaire của Nhật Bản”, không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.
Fukuzawa Yukichi sinh năm 1834 trong một gia đình Võ sĩ cấp thấp ở Nakatsu, nay thuộc tỉnh Oita, Kyushu, Nhật Bản. Cha ông - một viên chức tài chính của các tỉnh - mất sớm khiến gia đình lâm vào cảnh khốn quẫn. Năm bốn tuổi, ông được gửi sang nhà chú ruột làm con nuôi. Ngay từ thuở niên thiếu, ông đã cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục do chế độ đẳng cấp và nỗi khổ do tình cảnh khốn quẫn của gia đình.
“Ở Nakatsu quê tôi, chế độ quyền thế gia truyền giữa các sĩ tộc được quy định nghiêm ngặt. Không chỉ trong chốn công đường mà nguyên tắc đó còn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong quan hệ giữa đám trẻ con trong làng. Con cái của các Võ sĩ cấp thấp như tôi phải thưa gửi, lễ phép khi nói chuyện với con cái của các Võ sĩ cấp cao. Ngược lại, con cái của các Võ sĩ cấp cao luôn cao giọng, khiếm nhã đối với tôi. Sự phân biệt, chia rẽ trên dưới, sang hèn còn thể hiện trong cả lúc chơi đùa chạy nhảy. Con cái nhà quyền thế chỉ chơi với con cái nhà quyền thế. Trong lớp học, tôi học giỏi hơn. Vật tay, tôi cũng không bao giờ thua. Vậy mà lúc nào chúng cũng tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn với tôi. Tôi bất bình đến mức không sao chịu nổi”. (Fukuzawa- Tự truyện).
Mãi tới năm mười bốn, mười lăm tuổi ông mới được đi học ở trường làng và ông thấy “học vấn ở đâu cũng chỉ toàn là Hán học”. Mặc dù học Nho học, nhưng Fukuzawa Yukichi không lấy đó làm “khuôn vàng, thước ngọc”. Ngược lại, ông càng nhận thấy sự bất công trong xã hội phong kiến: “Nakatsu quê tôi, chế độ phong kiến đã áp đặt trật tự xã hội từ hàng trăm năm trước thế nào thì nay vẫn thế nấy. Mọi thứ cứ như bị nhồi chặt cứng trong hộp. Kẻ sinh ra trong nhà quản gia thì sau này cũng trở thành quản gia. Người sinh ra trong gia đình thấp cổ bé họng thì sau này cũng vẫn thấp cổ bé họng. Tổ tiên là quyền quý thì đời đời là quyền quý. Tổ tiên nghèo hèn thì từ đời này sang đời khác vẫn cứ nghèo hèn”. (Fukuzawa - Tự truyện).
Năm mười chín tuổi, ông theo ngành Hà Lan học (Ngành học ngôn ngữ Hà Lan, ngành nghiên cứu y học và các môn khoa học phương Tây như toán, vật lý, hóa học, sinh học... qua các sách viết bằng tiếng Hà Lan) tại Nagasaki và Osaka.
Năm hai mươi lăm tuổi, Fukuzawa Yukichi lên Tokyo, ông đến thăm cảng Yokohama - được chính quyền Mạc phủ mở cho tàu bè phương Tây ra vào buôn bán. Tại đây, “chỗ nào cũng gặp người phương Tây”. “Nhà cửa, quán xá mọc lên khắp nơi. Họ ở đó và buôn bán. Tôi dùng tiếng Hà Lan để trao đổi. Họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được. Không biết đó là tiếng gì, tiếng Anh hay tiếng Pháp?” (Fukuzawa - Tự truyện).
Nhận thấy “Hà Lan học” đã trở nên lạc hậu với thời đại, ông quyết chí bắt tay vào học tiếng Anh. Không có người dạy và nơi học, ông đã dựa vào từ điển để tự học.
Năm 1860, tình cờ ông được cử làm thông dịch viên, theo phái đoàn của chính quyền Mạc phủ sang Hoa Kỳ, và ông đã đặt chân lên San Francisco và Hawaii. Hai năm sau, năm 1862, ông lại được tháp tùng phái đoàn Mạc phủ sang châu Âu. Và năm 1867, ông đặt chân tới các thành phố phía Đông Hoa Kỳ trong chuyến tháp tùng phái đoàn của chính quyền Mạc phủ đi mua tàu.
Qua ba chuyến đi trên, Fukuzawa Yukichi đã tiếp cận với thế giới văn vật của các quốc gia phát triển phương Tây, đồng thời mở ra những hướng mới trong nhận thức về thế giới và làm ông ý thức rõ hơn vị trí Nhật Bản trên trường quốc tế. Có thể nói chuyến đi sang các nước phương Tây là bước ngoặt mang tính quyết định vai trò của Fukuzawa Yukichi đối với lịch sử Nhật Bản trong thời kỳ chuyển mình từ cuối thời Mạc phủ sang thời đại Minh Trị.
Trong suốt cuộc đời, Fukuzawa Yukichi dịch sách, viết sách và xuất bản nhiều tác phẩm có ảnh hưởng to lớn trong việc khai sáng xã hội Nhật Bản. Bằng trực quan sắc bén, ông nắm bắt được nỗi bức xúc của dân chúng nên các tác phẩm của ông với cách viết giản dị, dễ hiểu, lời văn thống thiết, đã được mọi tầng lớp độc giả Nhật Bản đón nhận như “đang khát gặp nước”.
Tác phẩm Sự tình phương Tây, mười tập, được viết từ năm 1866 - 1870 trên cơ sở những điều “mắt thấy, tai nghe” trong thời gian ở phương Tây, số lượng phát hành lên tới hai mươi lăm vạn bản. Tác phẩm giới thiệu thế giới văn vật, quan niệm về quyền lợi và nghĩa vụ, chế độ chính trị, cơ cấu xã hội, nền giáo dục, học thuật, luật pháp, lịch sử, nền công nghiệp, quân sự... của các quốc gia Âu - Mỹ. Tác phẩm này được người Nhật Bản coi là “cẩm nang” của chính phủ Minh Trị trong việc xây dựng xã hội Nhật Bản theo mô hình phương Tây.
Trong tác phẩm Khái lược về văn minhxuất bản năm 1875 và Đổi mới lòng dân xuất bản năm 1879, Fukuzawa Yukichi khảo sát về lịch sử và nguyên nhân phát triển của các nền văn minh cổ kim đông tây. Ông đã bàn về con đường hưng thịnh, suy vong của Nhật Bản, về cuộc sống của nhân dân Nhật Bản khi tiến lên văn minh trong tương lai. Tư tưởng, triết học, quan điểm lịch sử, quan điểm quốc gia của Fukuzawa Yukichi được biểu lộ qua hai tác phẩm này. Ngoài ra, Fukuzawa Yukichi còn viết một loạt các tác phẩm hướng đến công chúng đông đảo, mà đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Các tác phẩm này nhằm truyền bá những tư tưởng canh tân vào xã hội Nhật Bản, một đất nước đang thực hiện công cuộc Duy tân do chính phủ Minh Trị tiến hành “từ trên xuống”, nhưng xã hội bên dưới vẫn còn trong vòng kiềm tỏa của những quan hệ, những tập quán, tập tục lỗi thời đã trải qua hàng ngàn năm của chế độ phong kiến Mạc phủ. Những tác phẩm tiêu biểu trong số đó là:
Khuyến học, năm 1872-1876.- Bàn về dân quyền; Bàn về tiền tệ, năm 1878.
- Bàn về quốc quyền; Bàn về quốc hội, năm 1879.
- Bàn về kinh tế tư nhân, năm 1880.
- Bàn về thời sự thế giới; Bàn về quân sự năm 1882.
- Bàn về nghĩa vụ quân sự; Bàn về ngoại giao, năm 1884.
- Bàn về phụ nữ Nhật Bản; Bàn về phẩm hạnh, năm 1885.
- Bàn về cách nhân sĩ xử thế; Bàn về giao tiếp nam nữ, năm 1886.
- Bàn về nam giới Nhật Bản; Bàn về Hoàng gia Nhật Bản, năm 1888.
- Bàn về thuế đất; Bàn về tiền đồ và trị an quốc hội, năm 1892.
- Bàn về thực nghiệm, năm 1893.
- Fukuzawa Yukichi tuyển tập, năm 1897-1899.
- Bàn về đại học nữ, đại học nữ mới, năm 1899.
- Fukuzawa Yukichi - Tự truyện, năm 1899.
Năm 1868, để nâng cao dân trí, đào tạo thanh niên, sinh viên - thế hệ gánh vác trọng trách xây dựng một nước Nhật Bản văn minh, Fukuzawa Yukichi đã thành lập trường Keio Gijuku (Keio Nghĩa thục) - tiền thân của trường Đại học Keio nổi tiếng hiện nay tại Tokyo. (Phan Bội Châu có đến thăm trường Keio Gijuku trong thời gian ở Nhật Bản. Trường Đông kinh Nghĩa thục lập tại Hà Nội năm 1907 chính là dựa trên hình mẫu của trường này).
Năm 1873, Fukuzawa Yukichi cùng với một số trí thức tây học lập ra hội Meirokusha. Hội viên có mười người và đều là các học giả thuộc nhiều ngành như Mori Arinori (1847-1889), Nakamura Masanao (1832-1891), Kato Hiroyuki (1836-1916), Nishi Amane (1829-1897), Taguchi Ukichi (1828-1903)... Họ tổ chức viết sách, dịch thuật, tổ chức các buổi diễn thuyết, xuất bản tập san Meroku làm diễn đàn để phổ biến và tranh luận đủ mọi vấn đề: chính trị, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, pháp luật, vai trò phụ nữ, phong tục, Nhật ngữ...
Các thành viên trong hội Meirokusha đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm về tư tưởng, chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục phương Tây ra tiếng Nhật. Các tác phẩm được dịch và giới thiệu trong thời kỳ này là các cuốn Tự giúp mình (Self-help) của Samuel Smiles (1812-1904), Tự do luận (On Liberty), Chính trị Kinh tế học (Political Economy), Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) của J. S. Mill (1806- 1873), Nam nữ bình quyền luận (Social Statics), Giáo dục (Education) của Herbert Spencer (1820-1903), Tinh thần Pháp luật của Montesquieu (1689 - 1755), Khế ước Xã hội của Rousseau (1712-1778), Tự do mậu dịch của Adam Smith. Ngoài ra, Thuyết tiến hóa của Darwin và tác phẩm AllgemeinesStaatsrecht của J. C. Bluntschli người Đức cũng được dịch và giới thiệu.
Năm 1879, Viện Học sĩ Tokyo - tiền thân của Viện Hàn lâm Nhật Bản ngày nay - ra đời. Fukuzawa Yukichi được chọn làm Viện trưởng.
Năm 1882, ông sáng lập và làm chủ bút tờ Thời sự tân báo để trao đổi quan điểm về các vấn đề trong xã hội Nhật Bản thời ấy.
Để đóng góp hữu hiệu trong việc khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Fukuzawa Yukichi chủ trương các học giả phải có lập trường độc lập với chính phủ. Do đó, suốt cả cuộc đời ông nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính quyền, mặc dù nhiều học giả cùng hội cũng như các môn đệ của ông giữ những trọng trách quan trọng trong chính phủ Minh Trị.
Năm 1900, ông được nhận giải thưởng từ Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Giải thưởng trị giá năm mươi nghìn yên. Ông tặng lại số tiền cho trường Keio.
Năm 1901, ông mất do xuất huyết não, thọ sáu mươi tám tuổi.
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là cuốn Khuyến học, được ông viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy tân. Kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản lwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.
Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị...
Khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như “không tin vào tai mình” - cho đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực học”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.
Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. Ngoài ra cuốn “cẩm nang” của người Nhật này cũng sẽ giúp cho độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô “ăn nhờ ở đậu”, nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành “quốc dân” của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.
Mục Lục
- Trời không tạo ra người đứng trên người
- Người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học
- Hun đúc nuôi dưỡng chí khí độc lập ra sao?
- Trách nhiệm của “người đứng trên người”
- Lòng quả cảm của con người sinh ra từ đâu?
- Luật pháp quý giá như thế nào?
- Trách nhiệm của quốc dân
- Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ
- Mục đích của học vấn là gì?
- Hãy sống và hi vọng ở tương lai
- Đẳng cấp địa vị đẻ ra các chí sĩ rởm
- Hãy học cách diễn thuyết có hiệu quả
- Tệ hại nhất là tham lam
- Phải luôn xem xét bản thân
- Tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây
- Chạy theo độc vật chất sẽ đánh mất độc lập dân tộc
- Bàn về sự tín nhiệm
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh