Khoảng cách thế hệ: có đáng sợ?
Không phải bây giờ mới có vấn đề này. “Chứng cớ” là từ điển Oxford đã có nó từ lâu với định nghĩa rất khoa học: generation gap là sự khác biệt về thái độ giữa những người khác thế hệ. Trong đó, chữ “thái độ” được giải thích là sự suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về một sự việc, một người nào đó.
Chỉ lấy một thí dụ mà nhà nào cũng có: cách tiêu tiền. Cha mẹ, những người đã sống qua nhiều năm chiến tranh, đói nghèo, cấm vận kinh tế nên thường rất tiết kiệm. Chi tiêu phải suy nghĩ đến mức “lấy thân che của”. Nhiều bà mẹ chẳng bao giờ dám vứt đi cái gì. Còn vài miếng cũng ăn cố kẻo phí, đồ dùng nhặt nhạnh chất đầy nhà.
Các con về chơi phải lên tiếng cảnh cáo: “Nếu ba mẹ còn cóp nhặt kiểu biến nhà mình thành cửa hàng đồ tầm tầm thì chúng con không cho… “con Chua” về đây nữa đâu!” Nghe vậy ông bà hoảng hồn. “Con Chua” là đứa cháu ngoại yêu quý, ông bà trông ngóng tới ngày nghỉ để đón cháu. Nay bọn con quỷ quái đánh ngay vào niềm hy vọng này để trừng phạt! Chỉ vì mỗi tội không chịu vứt đi cái gì từ cái bao bì, vỏ hộp, lon chai (nói của đáng tội, những thứ này bây giờ thiên hạ làm đẹp quá, bỏ đi rất tiếc)? Các con bảo: “Bây giờ đồ dùng tràn ngập ra, khi nào cần là có ngay, đáng bao nhiêu. Có những thứ ba mẹ cất đi, lau dọn hầu hạ nó cả đời mà có thấy dùng đến nó đâu?”
Đi du lịch mới khiếp. Con cái thuê cả chuyến xe. Không đi xe hàng hay xe của đoàn, lý do rất đơn giản: chúng có con nhỏ, phải có phương tiện tốt, thí dụ dọc đường em bé buồn ị chẳng hạn. Xe sẽ đỗ vào lùm cây ven đường và bỏ xuống cái bô dưới bóng mát cho em bé vừa ngồi vừa… ngắm trời mây, không việc gì mà cuống quýt, chẳng có ai giục giã. Đấy! Lao động vất vả kiếm đồng tiền chỉ cốt để nó hầu hạ lại mình những lúc như thế. Vậy mà bậc cha mẹ thì cho là xài sang quá. Thuê khách sạn đắt tiền, dịch vụ hoàn hảo để… ngủ, còn suốt ngày dưới biển, phí quá. Đến bữa ăn ở nhà hàng thì cha mẹ nhẩm tính: “Đĩa rau muống xào tỏi giá những bốn chục ngàn, ở nhà tao mua mớ rau muống năm ngàn, hai ngàn tỏi, cho là dầu mỡ, bếp gas đi giỏi lắm mười ngàn. Thật là cắt cổ!” Các con bật cười: “Ba mẹ ơi, đi chơi đi nghỉ mình chi tiêu rộng rãi cho người ta sống với chứ. Người ta đầu tư xây dựng, thuê người hầu hạ ba mẹ từ cái khăn lạnh cho tới người lau nhà, tính vậy coi sao được”.
Những chuyện như vậy nhiều lắm. Khác nhau trong cách kiếm tiền và tiêu tiền. Cái gì cũng có giá trị của nó hết. Con cái nói vậy và nó tha hồ chi tiêu. Cho như vậy là đúng lúc, và đồng tiền đã hầu hạ xứng đáng chủ nhân.
Vấn đề khác biệt ấy dễ đi đến mâu thuẫn, nếu sự thương yêu nhường chỗ cho tính toán đơn thuần về vật chất. Các bậc cha mẹ hiểu thời đại thì bảo: Con cái có lý lẽ của chúng. Một sử gia Pháp đã nói: Trong các quốc gia dân chủ, mỗi thế hệ là một “bộ lạc” mới. Khái niệm generation gap được dùng ở Âu Mỹ từ những thập niên 60. Người ta quen với các thế hệ đã có tên gọi như: thế hệ cựu chiến binh sinh ra những năm hậu quả đại chiến thế giới lần thứ nhất 1922 – 1943; thế hệ baby boomers – trẻ em bùng phát, sống nhiều lý tưởng, ước mơ sinh 1946 – 1964; thế hệ X tự lập, thạo kỹ thuật 1965 – 1979 và thế hệ Y1980 – 1994 lạc quan, thực tế; bây giờ thì có @hay nhiều tên gọi khác.
Vậy là thế giới phát triển đa dạng, biết chấp nhận sự khác biệt đã trở thành một đặc điểm thời đại. Vậy thì ai cũng là con của cha mẹ, trở thành cha mẹ của các con, rồi làm cha mẹ của cha mẹ (tức làm ông bà) và cuối cùng là trở về làm con của các con lúc đã già cần được nuôi dưỡng – câu tổng kết này là của bác sĩ Mỹ Milton Greenblatt, do bác sĩ Nguyễn Ý Đức sưu tầm và dịch.
Hiểu biết, chấp nhận sự khác biệt và đa dạng giúp con người sống với cả nhân loại, cớ gì không thể áp dụng để sống với những người thân yêu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý