Tin vào thế hệ @
Ý tưởng làm một kịch bản về thế hệ @ từ đâu tới? Chắc chắn, bạn phải sống cùng nó, thở hơi thở của nó, vui và buồn cùng niềm vui và nỗi buồn của cái thế hệ @ đó nên mới "sinh đẻ" ra một ý tưởng, một kịch bản như thế...
Trước hết, cho phép tôi được nhắc đến thế hệ @ không phải với tư cách của một nhà biên kịch. (Cho dù đúng là tôi đã hoàn thành kịch bản đó và bộ phim đang được quay). Tôi muốn được chia sẻ với các bạn với tư cách của một @, tôi tự nhận như vậy, mặc dù những thanh niên thuộc thế hệ @ thường được khoanh vùng sinh ra từ khoảng những năm 80. Năm 1993 tôi bắt đầu viết bằng máy tính, sau đó kết nối với hộp thư điện tử của Việt nam, lúc ấy, tôi nhớ là cái account của bưu điện Việt Nam còn rất dài (bdvn.vnn.vn....thì phải). Khi tôi "nâng cấp " cái địa chỉ email bằng cách chuyển sang hoà mạng Internet thì quả là đã có một cuộc cách mạng trong cuộc sống của mình.
Trên thực tế, có một thế hệ ra đời và dần trưởng thành trong sự hình thành và phát triển của khoa học công nghệ thông tin ở Việt Nam. Gọi họ là "Thế hệ @" cũng được mà không gọi họ bằng định danh ấy cũng không thể chối bỏ cả một thế hệ con người trực tiếp chịu ảnh hưởng của khoa học công nghệ thông tin. Bởi vì, không còn nghi ngờ gì nữa, thành tựu của khoa học công nghệ thông tin là thành tựu vĩ đại nhất của con người trong thế kỷ XX. Theo tôi, thế hệ trẻ của chúng ta được hưởng những lợi ích gì, tạo ra những giá trị tương ứng nào trước sự chi phối của ngành công nghệ ấy cũng là điều cần phải bàn đến.
- Theo chị, những lợi ích từ CNTT (IT) đó là gì? Bởi bây giờ ghé ngang bất kỳ một dịch vụ Internet nào, cũng có thể nhận ra bằng trực quan rằng, không dưới 90 % người trẻ đến đó để tán gẫu. Các chatters có phải là một @ theo quy chuẩn của chị? Hoặc giả, đó cũng là cách @ trốn chạy thực tế?
Tôi nghĩ, chưa bao giờ con người Việt nam lại thích sống riêng cho mình như hiện nay. Tôi tin rằng, với 90% bạn trẻ thường xuyên "chat" trên mạng, số người trở về nhà sau buổi tan trường có bố mẹ chờ sẵn bên mâm cơm là ...quá ít! Hơi ngoa ngoắt, nhưng, một @ đã bình luận trên diễn đàn "Thế hệ @" mà tôi đọc được cho rằng, thời đại này là thời đại "Party on". Các thế hệ con người Việt nam đang có xu hướng biến cuộc sống thành một bữa tiệc tưng bừng sau những năm dài chiến đấu gian khổ và cuộc sống vật chất khó khăn thời hậu chiến, xây dựng đất nước. Nền kinh tế thị trường đang kéo các ông bố đến các bàn tiệc, các cuộc nhậu, các sân ten-nít, các phòng karaoke, các bể bơi, xông hơi mát -xa..., kéo các bà mẹ đến các siêu thị, câu lạc bộ thể hình, khiêu vũ, các tiệm may, tiệm uốn tốc, sửa móng chân hay thẩm mỹ viện...Bọn trẻ mới lớn đã quá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Vào lứa tuổi luôn cần hỏi ý kiến, luôn cần tâm sự và hướng dẫn thì chúng buộc phải làm bạn với máy vi tính, điện thoại di động, xe máy đắt tiền, quần áo hợp mốt...nhưng, rõ ràng cái nhu cầu được chia sẻ một cách thực sự của giới trẻ hiện nay là quá lớn. Tôi chưa thấy dấu hiệu gì nguy hại đến đạo đức xã hội một cách trầm trọng khi thế hệ trẻ tán gẫu với nhau trên mạng. Dẫu sao ngay cả những cái xấu chúng ta nhìn thấy bằng mắt cũng chưa chắc đã đáng sợ. Ðiều cần thiết hơn là một vài chuẩn mực của đạo đức xã hội đang dần được đánh giá lại cho phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Một thế hệ mới ra đời, có nghĩa là một loạt những giá trị mới sẽ chứng minh cho sự tồn tại của họ.
- Chân dung của lớp trẻ @ ấy như thế nào, thưa chị?
Ra đời và trưởng thành sau chiến tranh, họ được hưởng một nền hoà bình vô giá mà biết bao thế hệ cha anh đánh đổi bằng cả cuộc đời, thậm chí cả sinh mạng của mình để giành cho được. Họ có quá nhiều thuận lợi khi được hưởng một nền giáo dục tốt, một cuộc sống đầy đủ vật chất mà các thế hệ đi trước nằm mơ cũng không thể có được. Họ thừa biết giá trị của chiếc máy tính điện tử không phải chỉ là chiếc máy chữ hay chiếc bút vẽ tự động... nó cho phép họ đối thoại trực tiếp, công khai và góp một tiếng nói của chính mình vào một thế giới đại đồng, không phân biệt sắc tộc, biên giới hay đẳng cấp giầu nghèo. Sự bình đẳng ấy (cho dù chỉ tồn tại trên một thế giới ảo của mạng Internet thôi) cũng khiến cho họ tự tin, muốn vực đất nước lên một tầm cao mới bằng kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình. Nhìn chung, mục đích lớn nhất của họ là muốn trở thành người thành đạt. Họ muốn khẳng định cái "tôi" bằng một thành quả cụ thể, bằng một giá trị kép "vật chất đồng thời là tinh thần; kinh tế đồng thời là văn hoá..." chứ không đơn thuần chỉ là một trong hai thứ đó.
- Khái niệm giá trị kép chị vừa nhắc đến, có khi, lại cực đoan. Trả lời trên một tờ báo khác, chị từng cho rằng, thần tượng của @ không phải là ông Balzac nữa, mà là Bill Gates. Hẵn không thể chê nhà tỷ phú năng động này vào đâu được, nhưng, liệu giá trị tinh thần mà Bill Gates mang lại cho @ có đủ để dung dưỡng tâm hồn? Người lớn hay phán rằng, giới trẻ bây giờ kém lãng mạn và thực tế quá. Dĩ nhiên, ranh giới giữa thực tế và thực dụng là một ranh giới thật sự mong manh ...chị nghĩ gì?
Bạn sẽ "thực dụng" một cách vô thức nếu xung quanh bạn, mọi sản phẩm của xã hội đang có xu hướng qui chuẩn về giá trị sử dụng nhiều hơn là giá trị tinh thần.
Về Bill Gates, năm 2002, ông đã từng gửi cho thanh niên Việt Nam bốn thông điệp "riêng tư" của mình. Tôi xin nhắc lại bốn thông điệp này để cùng các bạn bình xét xem liệu Bill có mang lại cho thế hệ @ những nhu cầu tối thiểu để dung dưỡng tâm hồn hay không. Thứ nhất: Hãy thư giãn thật tốt. Thứ hai: Hãy theo đuổi đến cùng điều mà bạn muốn làm. Thứ ba: Hãy sử dụng máy vi tính và kết nối với mạng Internet. Và thứ tư, sau một hồi suy ngẫm, Bill viết thêm: Ðọc là một kỹ năng quyết định.So với Tấn trò đời của Balzac vào thời điểm hiện nay, cuốn Tốc độ tư duycủa "nhà văn" Bill Gates có vẻ hấp dẫn giới trẻ hơn.
Tôi nghĩ, Bill Gates sẽ không thể trở thành thần tượng của giới trẻ nếu ông ta chỉ đơn thuần là người giầu nhất thế giới, thừa kế một tập đoàn dầu mỏ, hay là một hoàng tử kế vị... Giới trẻ "mê mẩn" Bill còn ở chỗ, thành tựu khoa học của Bill, tài năng của Bill đã mang về những giá trị vật chất cụ thể, có ích lợi cho loài người. Bill dám theo đuổi đến cùng điều mình yêu thích, ông ta đã bỏ dở năm thứ ba đại học để thành lập Microsoft, ông ta đã tự học trong thư viện.
Tôi rất thích thú khi đọc được câu này: "Bọn trẻ hay bị lừa bởi của giả. Lớp già thường không tin vào những điều có thật". Trên thực tế, có được khoảng bao nhiêu phần trăm con người biến hoài bão, ước mơ của mình thời tuổi trẻ thành hiện thực? Bao nhiêu phần trăm con người đã bội ước với tuổi trẻ của mình?
- Nó sẽ là tốt hay là xấu? Nó có kế thừa một chút gene nào của tổ tiên? của cái gọi là bản sắc văn hoá cội nguồn? Hay là nó đại đồng và tất yếu của quá trình lịch sử? Bạn có ủng hộ thế hệ @ đó?
Người quyết định phẩm chất tốt xấu cho họ, không ai khác chính là thế hệ cha anh đi trước. Không ai sống được bằng kinh nghiệm của người khác, nhưng cũng không thể không biết những kinh nghiệm của người khác. Ðể làm gì? Ðể tìm ra kinh nghiệm của chính mình. Nếu các thế hệ đi trước trả lời một cách trung thực câu hỏi: Ngoài nền độc lập tự do của Tổ quốc ra, họ đã làm được những gì, để lại những di sản gì (cả tốt lẫn xấu) cho các thế hệ đi sau ...? Chúng ta sẽ thấy, bên cạnh những điều kiện nhìn bên ngoài có vẻ đầy đủ, may mắn về vật chất, trong vận hội mới của đất nước, nhiệm vụ đặt trên vai thế hệ trẻ không nhẹ nhàng chút nào.
Cá nhân tôi rất tin tưởng rằng thế hệ trẻ trong tương lai sẽ biết dựa vào những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc để tạo nên một diện mạo Việt Nam đầy bản sắc trên trường quốc tế. Lịch sử không bao giờ bỏ rơi dọc đường những giá trị đích thực. Cách đây 100 năm, chúng ta đã có những phong trào Ðông du, Duy Tân: cải cách giáo dục, cải cách kinh tế, văn hoá... Từ Nguyễn Trường Tộ cho đến Vua Hàm Nghi, Thành Thái cũng đều rất muốn tạo ra những vận hội để thay đổi diện mạo đất nước...Nếu như sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện quốc khánh 2-9 năm 1945 cho đến ngày thống nhất đất nước 30-4 năm 1975 là một tất yếu của lịch sử thì tại sao chúng ta lại băn khoăn quá nhiều về sự hình thành và ra đời của một thế hệ thanh niên mới, biết tìm cách thích ứng với hoàn cảnh của đất nước để hoà nhập với thế giới.
Tôi đương nhiên là cổ suý cho "Thế hệ @" vì biết rằng bất kỳ một thế hệ nào trong bánh xe của lịch sử cũng tồn tại với đỉnh cao và những niềm tuyệt vọng của riêng họ.
- Những niềm tuyệt vọng ...?
Theo con số thông kê công khai của UNDP tôi đọc được trên mạng, hiện nay Việt nam có xấp xỉ 47% dân số sống dưới mức đói nghèo. Các khoản nợ quốc tế, các khoản vay dài hạn đang chờ thế hệ con cháu sau này phải lao động cật lực để trả nợ...Tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt. Trong khi đó, chúng ta lại đang tiến hành sự nghiệp "Công nghiệp hoá, hiện đại hoá"; phấn đấu "Tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hộ công bằng, dân chủ, văn minh" thế hệ @ không thể ngủ mê trong các hàng cà phê Internet. Chính vì hoà nhập được với thế giới, họ ý thức được rõ hơn vị trí của mình để phấn đấu. Niềm tuyệt vọng ư? Theo tôi, đấy là khi họ không thể làm được điều mình mong muốn nữa.
- Kịch bản ấy đã được dựng phim? Phim ấy sẽ công chiếu lúc nào? Bạn có theo dõi các forum về thế hệ @? Có cảm giác gì về những thái độ và chính kiến trái ngược nhau, thậm chí là cực đoan?
So với những gì tôi được đọc trên các diễn đàn của mạng Internet về "Thế hệ @", bộ phim của chúng tôi được xem là một "liều hy vọng" tiêm thẳng vào những bi quan, yếu đuối và mất phương hướng của tuổi trẻ thời đại tiêu thụ, toàn cầu sặc mùi vật chất hưởng thụ và bế tắc. Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương của chúng tôi có một nhiệm vụ rất căn bản là đưa ra những vẫn đề mang tính thời sự và tìm kiếm lời giải đáp. Vì được xây dựng trên chất liệu thật của cuộc sống, tôi tin rằng đây sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất.
Nếu bạn nhận ra chân dung một thế hệ khẳng định được mình khi còn rất trẻ: Thiết kế lại toà nhà Quốc hội; Vô địch cuộc thi Robot lần đầu tiên của sinh viên thế giới; Vô địch thế giới võ thuật năm 14 tuổi; Tạo ra một thương hiệu sản phẩm đầu tiên của Việt Nam tiên trên thị trường thế giới...vv và vv. Họ đã góp phần không nhỏ vẽ nên diện mạo của một Việt Nam trẻ trung, mới mẻ trong con mắt của bạn bè quốc tế. Tôi không tin đằng sau những suy nghĩ trái ngược, thậm chí cực đoan ấy lại không phải là một tấm lòng "màu cờ sắc áo" hướng về đất nước. Những điều tưởng như cực đoan, bi quan của các cuộc tranh luận sẽ khiến cho thế hệ trẻ có một cái nhìn tỉnh táo hơn vào chính mình để tự điều chỉnh lấy những định hướng cho bản thân.
- "Chúng ta" sống chung hoà bình với nó? Sống chung, có cần giải pháp đột biến nào? Hay cứ để nó tiệm cận và trộn lẫn vào cuộc sống này?
Liệu có cần thiết phải băn khoăn và lo âu quá nhiều như vậy về một thế hệ mới xuất hiện trong xã hội hay không? Thay vì hồ nghi, xin hãy tin tưởng. Thay vì xét nét chúng ta hãy hướng dẫn họ bằng những tấm gương cả tốt lẫn xấu của các thế hệ đi trước. Tôi rất phục các bậc tiền bối khi quyết định dựng Bia Tiến Sĩ trong Văn Miếu Quốc tử Giám với mục đích để răn đe hậu thế: Người thực tài có công với đất nước sẽ được vinh danh, người không thực tài sẽ chịu nhục vì cái hư danh của mình đến muôn đời.
Khi một đứa trẻ được nhận đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội, đứa trẻ đó đã nhận được chính nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước cuộc sống để rồi đến một giai đoạn khác trong cuộc đời chúng sẽ bàn "giao lại" cho một thế hệ mới. Muốn con ngoan thì bố mẹ phải gương mẫu. Muốn con thể hiện được giá trị của cá nhân mình thì bố mẹ phải khuyến khích, tạo điều kiện và tôn trọng. Chúng ta không nên đề ra bất cứ "biện pháp" gì ngoài việc mỗi người hãy tự sống cho thật tốt. Một xã hội tốt đẹp luôn cần phải "biết cách" tồn tại trên những giá trị xấu (xấu cũng là một giá trị chứ!) và điều này không có luật. Ðấy là những suy nghĩ chủ quan của tôi.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn