Đến lúc giáo dục phải đổi thay tận gốc
Họ là những nhà báo chuyên viết về giáo dục, khác nhau về thế hệ, tuổi tác, giới tính và cả loại hình báo chí. Trước thực trạng giáo dục, tâm tư của họ thế nào?
Bất ổn do cơ chế quản lý GD và truyền thông yếu kém
Suốt 20 năm làm báo, tôi chỉ ở Báo Giáo dục và Thời đại, mảng đề tài tôi chuyên tâm cũng là GD. Ngay cả thể loại ký chân dung mà tôi rất thích thì đa số các chân dung tôi viết cũng là nhà giáo.
Khi còn đi học và sau đó là 10 năm dạy học, tôi thấy GD nước nhà thật yên ổn. Nhưng khi bước vào làng báo, cũng là lúc đất nước đổi mới, GD đổi mới, cả chủ quan và khách quan, tôi nhận ra nhiều điều bất ổn trong GD.
Tôi có một tâm trạng thế này: Rất thích đi thực tế GD địa phương. Nhưng đi về lại buồn vì thấy thực tế GD các địa phương lúc nào cũng trong trạng thái đầy khó khăn, yếu kém, mà các giải pháp của ngành ít hiệu quả.
Chỉ có thể cố gắng, bằng nghiệp vụ báo chí của mình hy vọng có thể góp phần tư vấn cho GD địa phương, để không phụ lòng những giáo viên cơ sở một đời lăn lộn cho học sinh, cho GD đất nước. Tôi không hoài nghi về mục đích công việc của mình, bởi vì tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình làm vì những con người tâm huyết đó. Tôi vẫn thấy mình có ích cho GD.
Còn nói về “bệnh thành tích”, từ đó tạo nên chất lượng giả, thì đó là một căn bệnh trong GD nước nhà. Nhưng lỗi đó trước hết thuộc về cơ chế quản lý, đánh giá, kiểm định… Đội ngũ nhà giáo cũng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến chất lượng GD còn thấp rất xa so với yêu cầu hội nhập, mặc dù họ chính là yếu tố cốt lõi làm nên chất lượng. Bởi vì họ chỉ có thể là yếu tố cốt lõi trong những điều kiện nhất định về chất lượng đào tạo nghề, về phương tiện và môi trường làm việc. Đội ngũ GV của chúng ta chưa có được những điều kiện này (trừ một số rất ít).
Những gì gọi là bất ổn của GD nước ta hiện nay, theo tôi là thuộc về cơ chế quản lý GD và quản lý truyền thông.
Trước hết là quản lý GD, cần phải “mở” hơn, mềm dẻo và phân cấp quản lý cho cơ sở mạnh hơn nữa, tương thích với thị trường hơn, tạo sự chủ động cho cả người cung ứng dịch vụ lẫn người sử dụng dịch vụ GD, trên cơ sở những định chế vĩ mô có tính nguyên tắc về kiểm định chất lượng, về chương trình, về chuẩn đào tạo...
Cần phân định rõ hai mảng: GD phổ cập, đạt chuẩn tối thiểu và GD theo nhu cầu. Nhà nước phải đảm bảo ngân sách cho mảng GD phổ cập, còn mảng theo nhu cầu thì trả lại cho xã hội với những quy luật cung - cầu của nó.
Thứ hai là quản lý truyền thông. Lĩnh vực này, ngành GD hoàn toàn làm chưa tốt, thậm chí là yếu kém. GD là lĩnh vực mang tính xã hội rộng lớn, rất nhạy cảm, liên quan đến mọi người, mọi nhà, nên mỗi chủ trương, chính sách của ngành GD hay hoặc dở, đều tác động rất mạnh tới triệu triệu gia đình có con em đi học.
Trước những thông tin phản biện từ báo chí, nếu chưa "chuẩn" ngành GD cũng cần kịp thời lên tiếng, có sự kiến nghị, trả lời sòng phẳng, hoặc giúp báo chí hiểu rõ hơn vấn đề. Trong nhiều trường hợp, tiếc thay Bộ GD và ĐT lại im lặng mà không phải...là vàng.
Cũng rất tiếc phải nói rằng, nhiều khi chính các phương tiện truyền thông làm “nhiễu” thông tin về các chủ trương. Tính phản biện xã hội của báo chí là cần thiết, nhưng muốn phản biện tốt, bản thân các nhà báo cũng phải nắm vững vấn đề, phản biện vững vàng, có tính thuyết phục.
Trong thực tế, có những chủ trương, báo chí phản biện "loạn" cả lên, làm dư luận xã hội hoang mang, mất phương hướng, góp phần làm GD thêm bất ổn, trong khi GD rất cần sự ổn định, sự chia sẻ từ phía xã hội. - Nguyễn Thị Trâm (Báo Giáo dục và thời đại)
Phương pháp dạy không giải phóng sức sáng tạo
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhưng đã hội nhập khá nhanh trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, GD vẫn cứ dẫm chân tại chỗ và có nhiều điểm rất lạc hậu. Điều đó khiến tôi, một phóng viên GD của Đài Tiếng nói Việt Nam cảm thấy rất bứt rứt. Chính những phóng viên chúng tôi có một phần trách nhiệm.
Cái lạc hậu lớn nhất, dễ thấy nhất của GD Việt Nam là phương pháp giảng dạy áp đặt, một chiều, không giải phóng được sức sáng tạo của cả thầy và trò. Nếu bạn có con đang học tiểu học, bạn sẽ thấy nó coi những gì cô nói, cô làm như là chân lý tuyệt đối vậy. Tôi đã từng cố thuyết phục con mình - một học sinh ở lớp chọn, tại một trường chuẩn quốc gia ở Thủ đô, làm một bài văn theo đúng suy nghĩ của nó thay vì copy lại bài mẫu của cô, nhưng thất bại.
Có nhiều thứ ngay cả các bậc phụ huynh cũng không chịu thay đổi, khăng khăng rằng 30 năm trước tôi được giáo dục như thế và trưởng thành đây. Học sinh hôm nay là học sinh của thế kỷ 21. Các em không phải chúng ta cách đây 30 năm.
Nhà nước xác định GD là quốc sách. Thế nhưng “quốc sách” ấy như con thuyền trong giông bão mờ mịt không biết đi hướng nào.
Tôi thấy GD của mình thuộc dạng “cả thèm chóng chán”, đúng như GS Hoàng Tụy nói, lúc thì ca ngợi sách giáo khoa là pháp lệnh, lúc lại nói người thầy đóng vai trò quyết định, khi lại bảo học sinh là trung tâm...Có thể nhiều vị quan chức GD nhận thức đúng vấn đề, nhưng khi về địa phương, nhà trường, giáo viên lại áp dụng máy móc khi tả quá, khi hữu quá.
Đổi mới "phương pháp dạy học” bằng vài cái máy chiếu, máy tính, phòng thí nghiệm...ở một vài nơi đã minh chứng rất rõ điều này. Rõ ràng đã đến lúc GD của chúng ta phải thay đổi tận gốc, từ tư duy cổ lỗ đến phương pháp dạy- học xơ cứng, áp đặt, không thể tạo ra những thế hệ sống bằng chính sức sáng tạo và bản ngã của mình.
Ai cũng muốn vào ĐH, nên quy mô GD ĐH được mở rộng trong điều kiện nghèo nàn thiếu thốn về thiết bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Mô hình cao đẳng cộng đồng được đánh giá phù hợp thì bị teo tóp, GD nghề nghiệp chia năm sẻ bẩy. Cố khơi luồng, phân luồng cho học sinh đi theo ngả nghề nghiệp thì thực tế cuộc sống không chấp nhận hoặc chưa phù hợp: Không có việc làm, lương thấp, bị xem thường, không có cơ hội thăng tiến…
Nhưng phải thấy một điều, tất cả những lạc hậu, già cỗi ấy của GD đều có sự tác động tiêu cực của bối cảnh xã hội, mà ngành GD chỉ là một "hệ thống" con. GD hiện nay đang phản chiếu những bất cập của "hệ thống" mẹ. - Ngô Thiệu Phong (Đài Tiếng nói Việt Nam)
Học không phải để làm người, mà chỉ để thi, thi và thi
Nhà báo Quý Hiên |
Tôi gắn bó với mảng GD khoảng 10 năm nay, khi còn là phóng viên Báo Văn Hoá. Tuy nhiên, tôi chỉ thực sự làm chuyên về GD kể từ cách đây 5 năm, khi tôi trở thành phóng viên Báo Tiền Phong.
Hồi tôi còn là học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An, tôi được nghe một thầy giáo của trường chia sẻ rằng thầy rất buồn khi có một phụ huynh đến chơi nhà thầy và bày tỏ rằng, nhờ học ở "Trường Phan" mà con của bác ấy sẽ đỗ đại học. Thầy nói, mục tiêu GD của thầy cũng như của nhiều nhà giáo "Trường Phan" là dạy nên những con người chứ không phải luyện thi đại học.
Sau này, khi trở thành phóng viên chuyên viết về GD, câu chuyện này đã ám ảnh tôi. Tôi thấy mình thật sự may mắn hơn nhiều lứa học trò về sau khi các em ngày càng được ít nghe những lời tâm tình của thầy mình về GD con người, chuyện làm người, mà chỉ biết thi, thi, và thi.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thi cử là một hoạt động cần thiết trong quá trình dạy học. Nhưng trong thực tế có một sự nhìn nhận lệch lạc về thi cử, xem thi cử là một cửa ải nhọc nhằn học sinh cần vượt qua mà không nghĩ rằng thi cử phải là một thước đo, một cách đánh giá để giúp người dạy và người học điều chỉnh hoạt động dạy học của mình.
Người ta sẵn sàng xuê xoa ở khâu đánh giá nội bộ, miễn làm sao đẩy được học sinh mình lên lớp trên, lên cấp học cao hơn, dù kỹ năng kiến thức của các em còn dưới mức trung bình so với yêu cầu của lớp học, cấp học.
Do đó, khi đối mặt với một kỳ thi đòi hỏi sự nghiêm túc, học sinh cảm thấy phải chịu một áp lực quá lớn.
Mặt khác, do nhiều yếu tố chi phối (trong đó có truyền thống trọng khoa bảng và cơ cấu nguồn lực xã hội), những học sinh ngồi trên ghế nhà trường đều chỉ biết đến cánh cửa dẫn tới tương lai tươi sáng duy nhất là giảng đường đại học. Cả triệu con người chỉ mơ một giấc mơ thì đương nhiên, con đường hiện thực hoá giấc mơ là một hành trình khổ ải.
Trong cấu trúc đề thi văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay có một câu 3 điểm về nghị luận xã hội được dư luận xã hội khen là hay vì tính mở của nó.
Tuy nhiên, tôi thấy câu hỏi có tính chất nghị luận xã hội như thế chỉ phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nó chỉ phù hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH nếu như môn Ngữ văn được xem là một trong các môn thi bắt buộc với tất cả các khối thi.
Yêu cầu thí sinh viết nghị luận xã hội rõ ràng là nhằm đánh giá khả năng trình bày một quan điểm của thí sinh trước các vấn đề xã hội một cách rõ ràng, mức độ cao hơn là có khả năng thuyết phục để người đọc ủng hộ quan điểm của mình. Trong chương trình môn Ngữ văn cấp THPT, nghị luận xã hội được dành một thời lượng nhất định. Do đó, học sinh khi đã học xong lớp 12 phải viết được một bài luận ngắn từ mức độ rõ ràng đến có khả năng thuyết phục.
Nhưng với thí sinh thi ĐH thì sao? Để chọn được những thí sinh có năng lực cảm thụ văn học tốt nhất, đề thi cần yêu cầu ở mức độ cao hơn một bài luận về các vấn đề xã hội thông thường, đó là nghị luận văn học. Vấn đề ở chỗ, ra đề mở thì nội dung và phương pháp dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường cũng phải mở.
Nghĩa là trước một tác phẩm, một tác giả, học sinh có quyền nêu ý kiến của cá nhân mình (ý kiến đó có thể giống hoặc không giống cách hiểu thông thường về tác giả, tác phẩm đó) sao cho rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục, mức độ cao hơn là bộc lộ được sự mẫn cảm với ngôn từ, sự tinh tế trong khả năng cảm thụ văn học của mình.
Quan trọng hơn, giáo dục phải dạy để làm và để làm người, không phải chỉ để thi. - Quý Hiên (Báo Tiền phong)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh