Thêm một ý kiến về giáo dục

11:35 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Bảy, 2005

I. Tôi có được đọc bản dự thảo báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Theo tinh thần bản dự thảo báo cáo đó, quả Đại học của chúng ta đang có nhiều vấn đề, nhưng ở cấp phổ thông thì có thể khá yên tâm, thậm chí lạc quan. “Kiến thức, kỹ năng của học sinh phổ thông hiện nay cao hơn các thế hệ trước, nhất là về kiến thức toán, khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ. Chất lượng kiến thức ở một số môn đã ngang trình độ khu vực (thể hiện ở đa số học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam đi du học ở nước ngoài đều theo học được chương trình đào tạo ở các nước đó, trong đó nhiều học sinh được xếp loại giỏi, xuất sắc). Chất lượng đào tạo học sinh giỏi đạt được trình độ cao so với khu vực, thể hiện qua kết quả cao của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế.” Nếu quả thật như vậy, thì các cuộc thảo luận của chúng ta, và cả những lo lắng, bức xúc của xã hội, thể hiện ngày càng ráo riết, nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông, lâu nay đều thật vô duyên, thậm chí bậy bạ!

Vậy vấn đề đã trở nên rất nghiêm túc: có một số điều rất cơ bản nếu không thống nhất được với nhau thì chúng ta sẽ không thể còn có tiếng nói chung để tiếp tục cùng nhau thảo luận, phân tích tình hình, và mong đưa ra được một số giải pháp nào đó để thoát ra khỏi hủng hoảng.

Theo tôi, một trong những vấn đề rất cơ bản đó là: thế nào là chất lượng giáo dục? Đứng trên nhận thức, quan điểm nào để nhìn nhận, đánh giá chất lượng giáo dục?

Ở đây có thể có mấy vấn đề:

-Tôi đề nghị nên dứt khoát từ bỏ coi kết quả một số đoàn học sinh của chúng ta đi dự một số cuộc thi olimpic quốc tế nào đó là một tiêu chuẩn – và lại là một tiêu chuẩn được nhấn mạnh như là bằng chứng hùng hồn - để chứng minh ta có chất lượng giáo dục phổ thông cao. Thứ nhất, các cháu học sinh đi thi và đạt giải cao đó đúng là những cháu thông minh, đáng quý, nhưng ai cũng biết, những người phụ trách chuẩn bị cho các cuộc đi tỉ thí đều càng biết rất rõ, đó là “gà nòi”, được nuôi và luyện theo lối gà nòi, hoàn toàn không thể coi là đại diện gì cho trình độ chất lượng chung của giáo dục phổ thông chúng ta. Và ta lại đem ga nòi đi đá nhau với gà nuôi đại trà của người ta, rồi lấy đó làm tự hào! Tôi e đó cũng là một kiểu dối nhau, như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội vừa qua đã có ý kiến: bệnh “gian dối” phổ biến trong giáo dục. Thứ nữa, người ta quan niệm các cuộc olimpic đó chẳng qua là một kiểu trò chơi của những lứa tuổi trẻ con nào đó, trong đó có rất nhiều thứ thuộc về “xảo thuật”, chơi như vậy cũng vui và cũng có ích, không ai phản đối các trò chơi đó làm gì, nhưng hoàn toàn không thể lấy những trò chơi đó để làm bằng chứng nghiêm túc đánh giá chất lượng giáo dục.

Lại cũng phải nói rõ học sinh tốt ngiệp phổ thông của ta đi du học ở các nước tiên tiến phần lớn đều phải qua thêm một thời gian học lại, học thêm, vừa để bổ sung những điều rất cơ bản mà nền giáo dục phổ thông của chúng ta không trang bị được cho họ, vừa để tẩy xoá, sửa chữa những lệch lạc họ đã bị tiêm nhiểm trong khi học phổ thông theo cách học trong nước, thì mới theo kịp được một cách bình thường bậc đại học ở nơi du học. Đó là một thực tế khiến ta phải suy nghĩ, xem xét lại giáo dục phổ thông ở ta. Quả thật giáo dục phổ thông ở ta đang rất có vấn đề, có nhiều vấn đề, và không phải là những vấn đề nhỏ, so với các nước, ngay cả với khu vực. Nếu cuộc kiểm điểm tình hình của chúng ta không thẳng thắn, trung thực và nghiêm túc về chỗ này, thì tôi e rằng, lần này nữa, sẽ là thêm một lần kiểm điểm suông, hời hợt, thất bại.

-Còn có một vấn đề quan trọng hơn, thể hiện qua dự thảo báo cáo: khi nói đến chất lượng, đánh giá chất lượng giáo dục, thì tiêu chí hàng đầu được nêu lên là “kiến thức”. Có lẽ chính quan niệm này đã dẫn đến tình trạng ra sức nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh và sinh viên chúng ta suốt nhiều năm qua, nhồi nhét bao nhiêu cũng thấy không vừa, lúc nào cũng thấy thiếu, khiến nội dung chương trình ngày càng nặng, nặng đến thế rồi vẫn còn thấy không đủ, và người học thì càng học càng dần đi, rất sớm đuối sức, huỹ hoại ý chí và khả năng sáng tạo của người học, để lên đến bậc đại học thì họ trở nên xác xơ cả về thể chất lẫn tinh thần, và cũng lười học hơn, như chính báo cáo cũng xác nhận (nhưng không giải thích được.

Đương nhiên kiến thức là quan trọng, không có những kiến thức cơ bản vững chắc thì không có nền tảng để tiếp tục đi tới, nhưng người ta học kiến thức không phải chỉ để có kiến thức. Điều quan trọng là qua học kiến thức, mà học được cách tư duy, rèn luyện tư duy, để rồi sau đó biết cách tự mình tiếp tục độc lập đi tìm và chiếm lĩnh kiến thức mới, tự làm giàu mãi đến suốt đời trí tuệ của mình, tự mình giải quyết thành công những bài toán đặt ra liên tục với mình trong đời. Trong một lần thảo luận ở đây, tôi được nghe anh Tôn Thất Nguyễn Thiêm nói một ý rất đúng và rất hay: Cần phân biệt “kiến thức” với “tri thức”. Kiến thức có thể đọc được trong sách, còn tri thức là khi kiến thức đó, đã được mình thật sự chiếm lĩnh, đã “ngộ” ra được, trở thành bản lĩnh của mình, thậm chí mình có thể thoát ra được khỏi nó, vượt lên nó, để độc lập xử lý các tình huống khác nhau ở đời, xử lý và sáng tạo. Vậy nên, lẽ ra ở mục đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, không nên nói là ta đã dạy được bao nhiêu kiến thức, nhiều hơn hay ít hơn thiên hạ, và dựa vào đó mà tự hào, mà là đánh giá xem qua việc học đó ta đã tạo được tư duy tốt cho người học như thế nào. Học không chỉ để biết cái này cái nọ, quan trọng hơn nhiều là học để biết tư duy.

Theo tôi đây chính là cái mà ta vẫn gọi trong suốt cuộc thảo luận này là “tư duy giáo dục”. Cốt lõi của tư duy giáo dục cần phải được thay đổi là ở chỗ cần phải có một nền giáo dục không nhằm đào tạo nên những con người thuộc lòng những “kiến thức”, cố thuộc cho nhiều kiến thức cứng như những chân lý tuyệt đối để cứ thế suốt đời nhất nhất tuân theo, mà là những con người biết rút ra cái lõi tư duy từ những kiến thức mình được tiếp nhận, qua kiến thức được học mà biết ra được nhân loại đã làm thế nào đi đến những kiến thức đó, và từ đó cũng sẽ dám và biết cách độc lập đi khám phá thế giới để làm chủ nó.

Tất nhiên trong giáo dục của chúng ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, nhưng theo tôi đây là vấn đề cốt lõi nhất, đây là cái gốc, phải thay đổi từ cái gốc này đã, không thay đổi được cái gốc này thì mọi sự cải tổ khác sẽ chỉ có thể lẩn quẩn, không sao thoát ra khỏi bế tắc, thậm chí sẽ càng rối thêm. Rất tiếc tinh thần cơ bản của bản báo cáo vừa qua là vẫn còn ở nguyên trong cái gốc cũ đó. Đây thật sự là một điều đáng thất vọng.

***

II.Qua thảo luận ít lâu nay, tôi nghĩ một trong những vấn đề chúng ta có thể ngày càng thấy rõ ra là: quả thật trách nhiệm của ngành giáo dục, cụ thể là của Bộ Giáo dục trong những khủng hoảng của tình hình hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng những vấn đề của giáo dục đang có đồng thời cũng là những vấn đề của xã hội. Trong một chừng mực nào đó, cũng có thể nói: tình hình giáo dục này hầu như là sản phẩm tất yếu của tình hình xã hội này, khó có thể khác. Tôi xin nêu một ví dụ: báo cáo thẩm tra của Uỷ Ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội, như đã nói, nêu lên căn bệnh đầu tiên và phổ biến là tình trạng gian dối. Tôi nghĩ ai cũng có thể hiểu rằng nếu bệnh gian dối phổ biến trong giáo dục, thì trước hết là do nó phổ biến trong xã hội. Nếu nói đến khuyết điểm của ngành giáo dục trong việc này thì là ở chỗ nó đã cam chịu làm sản phẩm bị động của những tiêu cực xã hội, trong khi đúng ra nó phải là nơi chống chọi lại quyết liệt nhất tình hình đó, và trong những chừng mực nhất định nó có khả năng làm việc đó, thậm chí cần phải và có thể khởi đầu từ nó mà cải biến tình hình xã hội. Trong lịch sử, và ngay trong lịch sử nước ta, đã từng có không ít lần giáo dục đã làm được mạnh mẽ vai trò xã hội này của mình, như giáo dục thời Chu Văn An, hoặc vai trò cực kỳ đặc sắc của giáo dục trong phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh. Cần khẳng định có thể và cần phải từ giáo dục mà cải biến xã hội. Tôi đề nghị nên đặt vấn đề cải cách giáo dục của chúng ta hiện nay ở tầm mức đó. Thậm chí rất có thể đây là một khâu đột phá quan trọng để cải biến tình hình xã hội.

Và nếu hiểu như vậy, thì một mặt ngành giáo dục cần hiểu và đặt công cuộc cải cách hiện nay của mình ở một tầm xã hội cao hơn, đồng thời xã hội cũng không thể coi đây hoàn toàn chỉ là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục. Tôi thật sự ngạc nhiên thấy lâu nay trong những vấn đề nóng bỏng này, chẳng hạn Ban Khoa giáo trung ương hầu như hoàn toàn đứng ngoài, vô can, chỉ đứng trên nhìn xuống, không thật sự vào cuộc như một bộ phận có trách nhiệm lớn. Thật sự có những vấn đề chỉ riêng ngành giáo dục thôi không thể nào giải quyết được.

Quả thực tình hình giáo dục hiện nay có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi cũng cảm thấy chính sự khủng hoảng đã đến độ hiện nay, nếu ta nhận thức được nó và đặt nó đúng mức trong các vấn đề lứn của đất nước, thì lại rất có thể đang tạo cho ta thời cơ để có những cải biến quan trọng, dần dần cơ bản, trước hết là trong giáo dục, và cả về xã hội.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: