Về quản lý chất lượng trong giáo dục phổ thông hiện nay
Trong giáo dục phổ thông có 2 loại hình quản lý: quản lý hệ thống và quản lý nhà trường. Trong đó quản lý nhà trường là hạt nhân cơ bản. Bởi lẽ, nhà trường phổ thông là “rường cột” của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây chính là nơi trực tiếp thực hiện quá trình cung cấp kiến thức và những nhân tố căn bản của nhân cách con người. Cùng với gia đình, đó là khâu có tầm quan trọng quyết định đối với sự hình thành nhân cách học sinh. Vậy vấn đề quản lý chất lượng (QLCL) trong nhà trường phổ thông ở ta hiện nay ra sao?
Trước khi đi vào trả lời câu hỏi ấy, có thể khẳng định rằng, thực tiễn giáo dục trong nhiều thập kỷ qua đã cho thấy có nhiều trường học và nhiều địa phương đã sáng tạo ra nhiều cách thức quản lý hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu của mỗi giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, vì số trang dòng có hạn, bài viết này xin tạm chưa đề cập những ưu điểm đã được nêu ở nhiều diễn đàn và sách báo để tập trung vào một số suy nghĩ bước đầu về những bất cập chính trong thực tiễn QLCL ở nhà trường phổ thông hiện nay. Xin nêu một số bất cập chủ yếu.
Thứ nhất, quan niệm về chất lượng giáo dục ở ta chưa đầy đủ và đồng bộ. Có một cách hiểu phổ biến và đáng tiếc lại đnag được coi là chuẩn mực trong đánh giá giáo dục. Cách hiểu đó cho rằng, chất lượng giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi cử. Một biểu hiện rất rõ: sự quan tâm chủ yếu của các nhà quản lý giáo dục, từ các cấp quản lý hệ thống tới các cấp quản lý nhà trường, tập trung cao nhất vào các kỳ thi để rồi lấy kết quả thi làm thước đo quan trọng nhất đối với chất lượng một học sinh, một nhà trường và một địa phương. Đã quan niệm như thế thì thật dễ hiểu khi mà các yếu tố khác trong tổng thể các yếu tố trực tiếp cấu thành chất lượng giáo dục đã bị coi nhẹ, thậm chí bị bỏ qua. Bởi vậy, trong thực tế, những nơi có nhiều mặt yếu kém nhưng tỷ lệ thi đỗ cao vẫn được xem là có chất lượng tốt. Từ đây, đã nảy sinh một hiện tượng phổ biến là từ giáo viên đến học sinh, từ những người quản lý cấp cơ sở đến những người quản lý cấp trên đua nhau chạy theo tỷ lệ thi đỗ. Số trường tỷ lệ thi đỗ tới 95-100% không còn là hiện tượng cá biệt. Và theo lôgic của cách hiểu trên, chất lượng giáo dục như thế là tốt lắm rồi. Chỉ đến khi học sinh vào đời hoặc thi vào đại học, thực trạng yếu kém mới bộc lộ ra thì đã vô phương cứu chữa.
Thứ hai, về phương pháp tiếp cận, ta QLCL chủ yếu nhằm vào mục tiêu (trong khi “mục tiêu” là tỷ lệ thi đỗ) mà coi nhẹ quá trình. Ai cũng biết trong mọi sự việc, quá trình diễn ra thế nào thì kết quả nhận được thế ấy. Quy luật này càng đúng trong giáo dục nhân cách. Bởi hình thành nhân cách là cả một quá trình với sự hội tụ của vô vàn yếu tố, biểu hiện của nhân cách ở mỗi con người cũng là cả một quá trình với vô vàn khía cạnh và cấp độ khác nhau. Ở đây quyết không có đất cho cách làm mang tính thực dụng: bất chấp quá trình, bất chấp phương pháp, bất chấp động cơ và thái độ, “miễn tốt là được”!
Thứ ba, về chuẩn mực, chúng ta chưa đưa ra được hay là chưa dám đưa ra một hệ tiêu chí và phương pháp đánh giá quá trình QLCL, kể cả chất lượng giáo dục nhân cách trong nhà trường. Hiện nay không phải chúng ta hoàn toàn chưa có các tiêu chí và phương pháp đánh giá. Với thái độ đãi cát lấy vàng, phải nói ở từng nơi, từng lúc đã có những đề xuất mang tính tích cực và sáng tạo. Song nhìn chung, phải thẳng thắn thừa nhận các tiêu chí và phương pháp ấy còn rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, thiếu luận cứ khoa học và chưa được chuẩn hoá. Do đó, việc đánh giá chất lượng giáo dục vẫn nặng về thanh tra, kiểm tra do cấp trên hay do các đoàn từ bên ngoài nhà trường tiến hành là chính. Thiếu hẳn việc tự kiểm tra, tự đánh giá, tự rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh, cải tiến như một hoạt động thường xuyên, có nề nếp và có tính chủ động để thực sự trở thành nhân tố nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ tư, về chủ thể thực hiện, cho đến nay QLCL hầu như vẫn được coi là đặc quyền và trách nhiệm của một vài cấp như ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn.
Có thể coi là sai lầm lớn khi xem nhẹ giáo viên, những người giữ vai trò then chốt và trực tiếp tạo nên chất lượng. Tư tưởng “QLCL toàn diện”, “mỗi người lao động là một mắt xích quyết định trong cả hệ thống QLCL” mà các cơ sở sản xuất kinh doanh đang cố thực hiện để nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam, không hiểu sao lại chậm được ngành giáo dục vận dụng đến thế.
Cũng cần nhấn mạnh một điều, trong QLCL giáo dục, đặc biệt trong QLCL giáo dục nhân cách, học sinh cũng có vai trò cực kỳ quan trọng bởi các em không phải là những sản phẩm thụ động của nhà trường. Việc hướng dẫn học sinh về động cơ học tập, thái độ, phương pháp học tập, điều rất được quan tâm ở nhiều quốc gia đang phát triển và ở nước ta trước đây, không hiểu sao lại bị lãng quên một cách đáng buồn đến như vậy.
Thứ năm, về tổ chức, ta chưa hình thành được các cơ quan hay bộ phận chuyên trách về QLCL để nghiên cứu, tư vấn, giúp triển khai ứng dụng các phương thức QLCL tiên tiến vào trường học. Cũng chưa có cơ quan, bộ phận và cơ chế kiểm định, đánh giá chất lượng khách quan từ bên ngoài.
Thứ sáu, về cơ chế quản lý, nét nổi bật là quản lý giáo dục phổ thông vẫn theo mô hình quản lý tập trung. Cơ quan quản lý tuyến trên (Bộ, Sở, Phòng GD) vừa hoạch định mục tiêu chất lượng, ban hành hệ thống quy chế và các văn bản chỉ đạo, ban hành nội dung, kế hoạch dạy học, vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra, thi cử, đánh giá Nghĩa là dấu ấn bao cấp vẫn rất nặng. Nói “xã hội hoá giáo dục đào tạo” thực chất là “xã hội” huy động tiền. còn mọi sự vẫn là Bộ, Sở, Phòng . Trong khi đó, việc QLCL cần và hoàn toàn có thể giao phần lớn cho từng nhà trường để nâng cao tính tích cực, chủ động thực hiện quyền tự quản lý quá trình tạo ra chất lượng trong điều kiện cụ thể của mình.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách và đổi mới quản lý giáo dục đang là vấn đề bức xúc. Đã đến lúc cần kiên quyết và khẩn trương khắc phục các bất cập nói trên trong QLCL giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách ở các trường của ta. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực bản thân, ta cũng cần nghiên cứu, chọn lọc, tham khảo, vận dụng một cách sáng tạo các thành tựu của khoa học quản lý thế giới, trong đó có thành tựu của khoa học QLCL giáo dục.
Chỉ như vậy mới có thể thật sự và nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường phổ thông, góp phần làm cho nền giáo dục nước nhà tiến lên ngang tầm với những đòi hỏi của thời đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm