Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ đâu?
Theo số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT, từ năm 1996 đến năm 2003, số lượng HS-SV tăng khoảng gần 4 triệu (từ 18,3 triệu lên 22 triệu em) nhưng kinh phí đầu tư cho GD-ĐT tăng gần gấp 4 lần, từ 8.100 tỷ lên đến 30.000 tỷ đồng, ấy là chưa kể khoảng 900 triệu USD vay của nước ngoài và tiền thu của dân (cỡ 50% tổng chi cho GD-ĐT). Với nỗ lực đầu tư như vậy, mỗi người dân đều có quyền đòi hỏi ngành GD-ĐT trả lời về chất lượng và sự tăng trưởng.
Giáo dục nước ta đang đứng ở đâu?
Chất lượng giáo dục đang là một thách thức lớn cho quá trình phát triển và hội nhập với khu vực và quốc tế. Thực tế là, "Chúng ta không có một trường đại học nào được quốc tế công nhận là đủ tiêu chuẩn. Ngay ở Đông Nam Á, chúng ta đang ở hạng cuối và càng ngày càng tụt hậu" - GS. Trần Đình Sử, một trong những người tham gia cải cách giáo dục hiện nay khẳng định. Còn theo GS Võ Tòng Xuân: " tình hình giáo dục phổ thông ngày càng xuống dốc, nhưng chưa có ai dám nhìn thẳng vào thực trạng để phân tích chi ly nhằm có hướng khắc phục. Những ai quan tâm đến tiền đồ đất nước nhất định không thể dửng dưng. Nếu để tình trạng giáo dục phổ thông của chúng ta tiếp tục đi xuống như thế này và chưa có dấu hiệu chặn lại, thì liệu nước ta có thể cạnh tranh với ai trong một thế giới mà khoa học kỹ thuật đang tiến rất nhanh?".
Những sai sót nghiêm trọng
Sách giáo khoa trong toàn bộ bậc học phổ thông có hàng loạt sai sót nghiêm trọng về kiến thức, thậm chí số liệu cũng sai, thật khó chấp nhận. Ví dụ, xem xét 4 quyển sách liên quan đến tư liệu môn địa lý cho lớp 5, lớp 8, lớp 9 và sách hướng dẫn thực hành, về diện tích của Việt Nam số liệu đã rất vênh nhau! Vấn đề không phải là con số mà đây là chủ quyền quốc gia!? Việc chỉnh sửa sách giáo khoa triền miên, kéo theo gánh nặng in lại sách, lãng phí mỗi năm 1.600 tỷ đồng, xấp xỉ tiền thuế nông nghiệp cả nước là điều không thể chấp nhận được. Song rất tiếc 7/22 triệu học sinh các cấp vẫn thiếu SGK.
Việc học thêm tràn lan làm méo mó hình ảnh người thầy, rối loạn kỷ cương. Giáo dục đại học của ta đang tụt thấp hơn 50 bậc so với đại học của Thái Lan là điều phải thấy đau xót, bởi những năm chiến tranh ĐH Tổng hợp và ĐH Y khoa Hà Nội được đánh giá vào loại hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Chương trình giáo dục là linh hồn của hệ thống giáo dục quốc dân, nói đến giáo dục là nói đến chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên chuyển tải chương trình đó. SGK phản ánh những kiến thức cơ bản nhất, đặc biệt ở bậc phổ thông - quy định là pháp lệnh và do nhà nước ấn hành. Song theo GS Nguyễn Cảnh Toàn: "Công bằng và nghiêm khắc mà nói, tôi không nhất trí nhiều điểm đổi mới giáo dục hiện nay, trong đó có việc chia giáo dục ra 4 dự án riêng rẽ (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học), vì như thế ta không có cái nhìn tổng thể". Còn GS Hoàng Như Mai thì cho rằng: " Trong quá trình phát triển, Bộ GD-ĐT của chúng ta cứ chắp vá mãi, có những vấn đề nát bét như hiện nay mà chưa tìm được đường đi. Một chương trình giáo dục chính thức chưa có nên với SGK là pháp lệnh thì lại được làm dựa trên những chương trình dự thảo! Hiện trạng giáo dục như thế này phải chăng vì nhiều năm rồi mà chúng ta vẫn chưa tìm được, tập trung được vào căn bệnh chính này để chữa". Chương trình giáo dục chính thức không có, rõ ràng nền giáo dục không có linh hồn! Sai trong nhận thức về chương trình SGK dẫn đến cách làm không khoa học, kết quả không theo ý muốn. Đây là nguyên nhân nghiêm trọng làm giáo dục "hỗn loạn" trong dạy và học, thi cử và làm phức tạp triền miên cho xã hội.
Đổ lại móng nền giáo dục
"Giáo dục Việt Nam, ngôi nhà cần phải đổ lại móng". GS Dương Thiệu Tống đã từng phải kêu lên như vậy! Vâng, trước tình trạng giáo dục nước nhà xuống cấp như hiện nay, tôi xin mạnh dạn đề nghị một số giải pháp cấp bách.
Một là, chương trình sách giáo khoa bậc phổ thông và bậc đại học phải được thiết kế tổng thể một cách khoa học, có người tổng chỉ huy đủ tâm đủ tầm, trên cơ sở kinh nghiệm trong ngoài nước và tập hợp trí tuệ đông đảo nhà giáo, nhà khoa học để biên soạn đồng loạt sách giáo khoa cho toàn bộ hệ thống giáo dục. Hội đồng biên soạn quốc gia về chương trình và sách giáo khoa do Thủ tướng làm chủ tịch cần sớm thành lập, hoặc có thể lồng ghép vào Hội đồng quốc gia giáo dục, hoặc riêng biệt sau khi hoàn thành thì giải tán. Theo Luật trách nhiệm đổi mới chương trình và sách giáo khoa thuộc Chính phủ.
Hai là, nghiên cứu lại tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ độc lập và CNXH, các kinh nghiệm khoa học giáo dục trong ngoài nước, đặc biệt các bài học quý báu phát huy nội lực, thực tiễn Việt Nam nhằm xây dựng cơ sở lý luận cho sự phát triển giáo dục hiện nay và tương lai. Ví dụ, việc phân ban phổ thông trung học ở trong vòng luẩn quẩn, nó đã bị huỷ bỏ vào năm 1995, đến năm 1993 phân ban được khôi phục. Năm 1998 phân ban bị xoá trong Luật Giáo dục. Bỏ qua truyền thống, Luật Giáo dục và thực tiễn (khoảng 60% học sinh không muốn học bất cứ ban nào, theo ý kiến của những người có trách nhiệm) phân ban lại được khởi động. Ai là người quyết định việc này?
Ba là, chấn chỉnh lại mạng lưới trường lớp, phân bố hợp lý giữa các vùng miền trong toàn bộ lãnh thổ; các mô hình đại học "cải cách" sao cho chúng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và hệ thống kinh tế chính trị nước ta. Phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường, song nhất thiết phải nằm trong một tổng thể quản lý thống nhất của nhà nước. Cải cách hành chính phải được tiến hành mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục, bằng đổi mới tư duy quản công việc hiệu quả thay cho việc quản người, giảm các cấp trung gian. Theo ý kiến của các chuyên gia: so với chuẩn mực quốc tế, số người quản lý của ta đông hơn khoảng 10 lần, chỉ khác là phần lớn có học hàm học vị cao. Không ít nơi lãnh đạo ngồi ký duyệt từ 50 ngàn đồng trở đi, thay vì để cho nhân viên làm với những quy định chặt chẽ và khoa học!
Bốn là, các cơ sở đào tạo là cơ quan khoa học, ngoài việc quản lý theo hệ thống nhà nước, đồng thời phải tổ chức theo các nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ hiệu quả mà giới học thuật quốc tế thừa nhận. Việc bổ nhiệm lãnh đạo trong ngành giáo dục theo kiểu "phổ thông đầu phiếu" mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trương và thực hiện từ năm 1987 đến nay là bất cập. Nghiên cứu và tổ chức lại không chỉ theo tiêu chí tổ chức của Đảng, mà còn phải theo các nguyên tắc tổ chức học thuật quốc tế. Lý do, khoa học kỹ thuật và giáo dục là mấu chốt của hiện đại hoá, một lĩnh vực mà sản phẩm, con người và tổ chức đều được đo bằng tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế.
Năm là, nói tới giáo dục phải quan tâm tới 3 vấn đề lớn: Chương trình – sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Nói gì thì nói, đổi mới hay cải cách cũng phải xoay quanh 3 khâu này trước tiên. Đề nghị chuyển tiền vay ngân hàng nước ngoài sang chương trình kiên cố hoá trường học (theo số liệu của Bộ GD-ĐT khoảng 11.624 tỷ) mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã kêu gọi do ý nghĩa lâu dài "trường ra trường, lớp ra lớp", kinh phí phần bồi dưỡng giáo viên chuyển cho các trường ĐHSP và các trường CĐSP trong cả nước, kinh phí biên soạn chương trình và sách giáo khoa vì nhiều lý do không cần vay nước ngoài. Nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của trí thức cách mạng (không vay tiền ai, chương trình và sách giáo khoa làm trong thời gian ngắn và đã sử dụng mấy chục năm), am hiểu cách nghĩ cách làm khoa học ở trong và ngoài nước, phát huy nội lực, vấn đề chương trình và sách giáo khoa hoàn toàn làm được đồng bộ cho các bậc phổ thông và đại học khoảng một năm chẳng lẽ thế hệ trí thức mới thua kém thế hệ thế hệ đi trước?
Sáu là, gần 10 năm hai ĐH QG được thành lập, vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu mà Đảng đặt ra, đề nghị mạnh dạn đầu tư con người và tổ chức sớm thành lập Trung tâm đào tạo nghiên cứu chất lượng cao. Trong thời gian một vài năm, chất lượng ĐHQG phải nâng lên thành đại học mẫu mực của Việt Nam, sớm vươn tới đại học tiên tiến thế giới mà Bác Hồ đã nhắc nhở các em học sinh gần 60 năm trước đây.
Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà - một nền giáo dục do đích thân Bác Hồ sáng lập và được xây dựng bằng trí tuệ và xương máu của nhiều thế hệ cách mạng - thì mọi vận động của nó phải theo quy luật vận động biện chứng của lịch sử và khoa học.
GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế - Trieste-Italy
Sài gòn Giải phóng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi