Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

10:23 SA @ Thứ Bảy - 27 Tháng Sáu, 2009

Bên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.

Yêu nước có phải là bản năng

Thưa ông, ông có cách nhìn nhận như thế nào về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Ai cũng có một thời tuổi trẻ cả. Nhưng tại sao thời tuổi trẻ lại quan trọng nhất trong đời người, vì nó là giai đoạn hình thành các hệ thống quan niệm. Đầu tiên là quan sát gia đình, quan sát trường học, và dần quan sát xã hội. Lòng yêu nước là tự nhiên, là phẩm chất, là tính người.

Đôi khi yêu tương cà mắm muối quê hương, yêu cây đa bến nước, yêu gốc gác... cùng với thời gian sẽ hình thành nên tình cảm rộng lớn hơn. Đương nhiên, khi lớn lên, người trẻ tiếp xúc với xã hội, sẽ ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, giới trẻ từ sớm đã được tiếp xúc với một không gian xã hội rộng lớn hơn rất nhiều, thông qua những phương tiện truyền thông. Họ khao khát sự hiểu biết ra bên ngoài làng xã của mình, ngoài biên giới Tổ quốc mình. Tâm lý giới trẻ lúc đó là sự lựa chọn, trong sự lựa chọn đó thì có cả việc lựa chọn tiền đồ của chính họ nữa. Điều đó là hết sức tự nhiên.

Do vậy, họ cần được một sự hướng dẫn nào đó, để không đối lập nhau giữa tình cảm yêu nước và nhu cầu tiếp cận, tiếp xúc, và tiếp xúc với thế giới rộng lớn. Khi bàn về lòng yêu nước của người trẻ, ta cần chú ý đến tâm lý của giới trẻ để có những ứng xử thích hợp.

Về lòng yêu nước của người trẻ thế hệ ông và thế hệ hiện nay, theo ông, có gì khác nhau?

Ông Dương Trung Quốc: Khi chúng tôi ở giai đoạn tuổi trẻ thì đất nước còn chiến tranh, mà chiến tranh thì có những quy luật hết sức khắc nghiệt, việc yêu nước như là một bản năng. Cũng có sự run sợ, cũng có sự đào ngũ, nhưng về căn bản làtất cả đều thấy chống ngoại xâm dường như là con đường duy nhất. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc của các thế hệ cần được kế thừa, phát huy.

Việc khích lệ lòng yêu nước cho con, cháu của mình, ông thường truyền đạt như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng là phải dạy cho con mình lòng yêu nước cả. Có lẽ các con tôi nhìn vào cha mẹ của chúng, nhìn vào cộng đồng xung quanh... Và chúng thấy bố mẹ đối xử với đời sống thế nào trong việc ứng xử với con người và thiên nhiên. Những cái đó, các con tôi tự nhiên học hỏi, bắt chước... Tự nhiên cái đó thấm vào tâm hồn con người.

Và từ đấy, lòng yêu nước tự khắc đến thôi!

Theo ông, yêu nước là bản năng , hay bản chất ?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng, yêu nước là một bản chất chứ không hẳn là một bản năng.

Trong tự nhiên, con gà sinh ra đã biết nghe tiếng cú diều là tìm cách tránh, con thỏ sinh ra biết tự vệ với cáo chồn, và thực tế nhiều người lớn lên đã biết với hạng người nào thì nên tránh. Phải chăng đó là bản năng tự vệ để sinh tồn?

Ông Dương Trung Quốc: Trong lĩnh vực này, theo tôi, có thể con thỏ, con gà là bản năng sinh tồn. Nhưng con người thì tôi không cho rằng đó là bản năng. Có thể con người sờ vào vật nóng mà rụt tay lại thì đó là phản xạ bản năng, nhưng việc ứng xử, phân biệt trong đời sống xã hội phức tạp hơn rất nhiều, và tôi cho rằng đó là do sự giáo dục. Tôi không nghĩ rằng, một đứa trẻ mới lớn lên mà ngay từ đầu đã có trong dòng máu hay trong gene một cách ứng xử như anh vừa nói.

Mà có thể cái ý thức tự vệ kia dần dần được tích tụ qua thực tế đời sống xã hội. Tôi nghĩ khác một chút với anh, rằng ngay từ đầu chúng ta dạy con trẻ về những giá trị rộng lớn hơn của dân tộc mình, và khi người trẻ tích lũy được những thông tin, những kinh nghiệm đã được tiếp nhận trong đời sống thì sẽ hình thành nên một phản xạ có điều kiện.

Đương nhiên, lịch sử có sự kế thừa, nhưng cũng nên nhìn lịch sử truyền thống qua lăng kính của sự phát triển. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ truyền cho con cháu mình một giá trị của quá khứ mà nó không phù hợp với đời sống hiện tại.

... Và bài học về ứng xử

Trẻ thường đi đôi với việc thích thể hiện. Vậy sự khôn ngoan nào cho giới trẻ khi thể hiện lòng yêu nước của mình?

Ông Dương Trung Quốc: Thể hiện lòng yêu nước thì có nhiều cách. Trước hết đó là tính trách nhiệm và nghĩa vụ với những người xung quanh. Các cụ ngày xưa có nguyên lý rất đơn giản nhưng rất vững bền: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mỗi dân tộc có cách thể hiện đạo lý đó một cách khác nhau, phù hợp với mỗi dân tộc mình.

Nếu ta xác lập được tinh thần đó trong một đứa trẻ, thì khi lớn lên nó có thể đi được khắp thế giới rộng mở này, nhưng nó luôn nhớ đến những ký ức về bố mẹ, ông bà, tổ tiên, làng quê. Nhiều bạn trẻ đi nước ngoài và trong mắt không ít người thì tưởng chừng họ bị mất gốc, nhưng khi có một tác động nào đó thì lòng yêu nước lại tỉnh thức.

Do đó, đừng áp đặt các giá trị vào người trẻ, mà hãy để họ lựa chọn. Đừng ai hiểu khôn ngoan với tính chất là thủ đoạn. Phải xây dựng cho người trẻ một năng lực tự thích nghi, tự ứng xử, và tự lựa chọn. Điều đó mới quan trọng. Chứ không nên áp đặt. Trong thời đại ngày nay, với tốc độ phát triển như thế này, để theo kịp sự thay đổi của nhận thức là rất khó.

Do vậy rất dễ tạo nên những xung đột về thế hệ. Ngày xưa xã hội bình lặng, nhận thức có thay đổi nhưng ít đột biến, việc trao truyền các giá trị truyền thống đơn giản hơn nhiều. Do đó, nếu không cẩn thận, thì cái ta tưởng trao truyền những công cụ sắc bén thì đôi khi nó lại là cái sự ràng buộc, níu kéo rất nguy hiểm.

Theo ông, trước các vấn đề lớn lao của thời cuộc, người trẻ nên có thái độ sống thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Không nên để người trẻ có cảm giác đang đứng bên lề dòng thời cuộc của đất nước. Để điều đó xảy ra chủ yếu là do lỗi của người lớn. Một lỗi nặng nhất của những người có trách nhiệm là tự cho mình có thể thay mặt được tất cả. Chủ nghĩa nhân danh đại diện rất nguy hiểm, thực chất nó là trá hình, hay biểu hiện biến tướng của việc bao cấp về mặt tư duy.

Chính vì thế, nhiều người trẻ vẫn cảm giác rằng mình vẫn bị coi là trẻ con. Chẳng hạn khi xảy ra một vấn đề ảnh hưởng đến những điều sâu thẳm trong lòng người trẻ, như tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần quốc gia... thì người trẻ có quyền biểu hiện tình cảm của mình. Nhưng người lớn tưởng rằng là phải thể hiện như người lớn thì đương nhiên người trẻ cảm thấy khó chấp nhận.

Đương nhiên, người lớn cũng có những bước đi, những tính toán dựa trên tinh thần vì lợi ích dân tộc thì cũng phải tạo cho thế hệ trẻ vị trí để đứng vào cơ ngũ của anh, chứ không phải đứng ngoài cơ ngũ ấy. Chúng ta có những truyền thống được hình thành trong đời sống thực tiễn của những thử thách của lịch sử: Về ngoại giao, ta có ngoại giao nhân dân, nghĩa là có nhiều lớp lang, nhiều đội ngũ, nhiều vai trò.

Có những người cần thiết cười thì phải cười, phải bắt tay, phải ôm hôn; nhưng cũng cần có những người thể hiện sự phẫn nộ... Miễn sao nó hài hoà trong một chiến lược chung, sự tổ chức xã hội. Ở đó, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng nó hỗ trợ cho nhau, chứ không phải là sự hỗn loạn. Có thể điều tôi nói hơi lý thuyết và lý tưởng hoá, tuy nhiên trong tư duy chiến lược cần phải nghĩ đến để có một cách ứng phó phù hợp, để tránh những lúc lúng túng.

Tư duy nhìn ra phía biển

Ông từng nói về việc người trẻ nên thắp lòng yêu nước bằng việc tổ chức những chuyến lần theo dấu chân của những chiến sĩ Hải đội Hoàng Sa, lần lại những dấu chân cha ông thời mở cõi...

Ông Dương Trung Quốc: Không phải bây giờ ta phê phán người xưa, nhưng vì nhiều lý do khác nhau trong lịch sử, người Việt Nam có một thực tế là quay lưng về với biển, đánh mất bản lĩnh của một quốc gia biển. Nhưng những thời điểm đột biến thì nó lại thể hiện một cách mạnh mẽ.

Thí dụ như thời kỳ chúa Nguyễn mở mang phương Nam, chúng ta nằm trên một hành lang rất trù mật của con đường tơ lụa trên biển, tầm nhìn của những nhà lãnh đạo lúc đó rất rộng, họ nhận ra điều đó và huy động những người lính Hoàng Sa ra tuần thám đảo. Tưởng chừng như đó là một việc rất bình thường, nhưng họ ra đi với tư thế người quyết tử, sẵn sàng xả thân: họ làm mộ gió, tế sống, mang theo chiếu để bó thân mình...

Tất cả ăn sâu vào tập quán, họ rất dũng cảm nhưng với sự tổ chức rất chặt chẽ. Do vậy, cần thiết phải tạo một tư huy hướng ra biển.

Hướng ra biển bằng cách nào, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Một điều rất ngạc nhiên là trước kia cha ông ta chủ yếu phải đi lại bằng đường sông nước, cách đây khoảng 50-70 chục năm chúng ta giao thông Bắc – Nam vẫn chủ yếu đi lại bằng đường sông, đường biển.

Vậy mà, có hai lần thử nghiệm, năm 1975 chúng ta mua con tàu Thống Nhất của Thụy Điển và vừa rồi chúng ta mua tàu Hoa Sen, nhưng người Việt Nam có vẻ lười đi biển. Mặc dù, tôi biết chắc chắn rằng, ở ngoài biển nhìn vào đất liền sẽ có một cảm nhận khác hẳn với việc chúng ta từ đất liền nhìn ra biển: hình vóc của Tổ quốc sẽ rộng và đẹp hơn nhiều.

Điều đó sẽ tạo nên một định hướng mới về biển trong nhận thức của các thế hệ tiếp nối. Phải hướng ra biển bằng cách chúng ta tạo ra những nhu cầu của đời sống, và những hiểu biết về tri thức biển. Thay vì chúng ta đi ra biển để hóng gió hay tắm mát, thì chúng ta đi vào chiều sâu chiều rộng và những thử thách của biển cả.

Nó đánh thức bản lĩnh của con người, từ đó ta mới có quyết tâm chinh phục nó. Chưa nói tới biển, trên biên cương cũng vậy thôi, biên cương rất đẹp, vậy tại sao những người trẻ không tổ chức những chuyến đi (mà theo ngôn ngữ của giới trẻ là phượt). Qua những vùng biên thùy để thấy rằng quê hương chúng ta rộng và đẹp thế nào, đang khó khăn như thế nào... để từ đó tự thấy trách nhiệm của chính mình.

Nhưng theo một nghĩa nào đó, ngoài biển kia rất nhiều sóng gió...

Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên, thế nên mới cần những người dám dấn thân, nhất là những người trẻ. Bởi vì thực chất, sóng gió cũng là một thử thách đối với con người. Có sóng gió thì sẽ có những người chinh phục.

Xin cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế hệ trẻ văn minh hay bơ vơ

    26/11/2019Nguyễn Vĩnh NguyênĐơn giản, nếu được hỏi sẽ mang gì khi đến một hòn đảo, câu trả lời của thanh niên Đức là: đĩa CD mà tôi thích! Cuộc triển lãm Jung:de do viện Goethe tổ chức tại TP.HCM “dọn ra” 17 cái mặt CD, mỗi CD là một vấn đề thuộc đời sống người trẻ Đức. Thanh niên Đức đang thực sự quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống của họ? Họ sẽ “định diện” nền văn hoá mà họ đang làm chủ như thế nào?
  • Lệch chuẩn văn hóa

    15/04/2019Nhà Sử học Dương Trung QuốcMỗi con người ít nhiều mang trong mình một giá trị ảo bởi đều sống trong không gian và thời gian mà khái niệm của chuẩn mực đang xáo trộn để tiếp cận chân lý. Để tiến tới một chuẩn mực hoàn hảo thì hãy chấp nhận thay đổi từng bước.
  • Để người Việt trẻ trở thành "công dân toàn cầu"

    29/09/2018Lan HươngGiới trẻ Việt cần gì để trở thành một công dân toàn cầu trong ngôi nhà chung của thế giới thời hội nhập? Quyền và nghĩa vụ của những người Việt trẻ trong thời đại mới? Bí quyết nào để thành công trong sự nghiệp?
  • Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Hãy nghĩ tới ngày giã từ sư phụ để xuống núi

    06/09/2017Lê Hồng Lâm (thực hiện)Nhận diện lại lý tưởng và giá trị của những con người trẻ tuổi (đặc biệt là giới trí thức) trong thời chiến tranh và trong cuộc sống hiện tại...
  • Quan hệ con người - lá bài úp ngược và hộp chocolate

    16/07/2017Mộc ThưNhững dòng viết đầy suy tư về những mối quan hệ, tương tác đời sống trong xã hội hiện đại. Nó được tung lên blog như một gợi ý để những người trẻ cùng ngẫm ngợi, không bị trôi tuột đi bởi xu thế sống thực dụng.
  • "Phản đề" dành cho người Việt trẻ

    30/03/2017Nhà thơ Lê Ðạt, đã ngoài 70 - cho dù cuộc đời ông như chính nhà thơ thừa nhận là rất "li kỳ" và chịu nhiều thăng trầm dâu bể. Trẻ, ở chính cái cách mà ông nhìn nhận rất "thiện chí" và cởi mở về lớp trẻ, về thế hệ trẻ hiện nay...
  • Dù mưa, xin cứ ra đường!

    23/06/2016Nguyễn Trần BạtNếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình? Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại
  • Đất nước đặt hàng người trẻ

    07/06/2016Phương LoanNgày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
  • Lời tâm huyết của thiền sư với thanh niên

    18/05/2016Bùi Quang MinhCái gì đã làm cho có người chối bỏ tương lai, tình yêu và tuổi trẻ của mình? Câu hỏi này đã được trả lời khi chúng ta đọc quyển Tuổi trẻ Tình yêu Lý tưởng (2005) và Nói với tuổi hai mươi (1965) của thiền sư Nhất Hạnh...
  • Giáo dục: Cần một triết l‎ý

    10/09/2015Dương Trung QuốcCông cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
  • Suy nghĩ của giới trẻ về con người

    15/05/2015Con người là sinh vật phát triển nhất, ưu việt nhất trên trái đất này. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài động vật khác là tính nhân bản. Nhưng liệu, đức tính tốt đẹp ấy có còn được giới trẻ coi trọng và bồi dưỡng không?
  • Góc nhìn người trẻ

    30/04/2014Nguyễn Hoàng (thực hiện)Một cô gái lứa tuổi "8X", tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng lại đang là biên tập viên của website chungta.com đã trò chuyện cuối tuần cùng chúng tôi dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi. Và tôi đã hơi bất ngờ, khi Nguyễn Thị Hà trả lời câu hỏi đầu tiên...
  • Ông Dương Trung Quốc tự phỏng vấn nhân ngày Cá tháng Tư

    31/03/2014Dương Trung QuốcNăm 1563, vua Pháp Charles IX đã ra chỉ dụ quy định ngày 1.1 theo Công lịch sẽ được coi là ngày đầu năm. Bởi vì trước đó, căn cứ vào thời tiết và những tập quán cổ truyền thì tại nhiều địa phương ở Pháp vẫn coi ngày 1.4 mới là ngày đầu năm...
  • "Thiếu thốn tương đối" của người trẻ là gì?

    20/08/2013PGS.TS. Trần Nam BìnhTrong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Sinh Viên Việt Nam, tôi đã nói đến “thiếu thốn tương đối” của người Việt Nam. Sau đó có một bạn trẻ hỏi tôi rằng, vậy thì đâu là thiếu thốn tương đối của người trẻ Việt Nam trong hội nhập?
  • Người trẻ nên biết sống đàng hoàng

    23/05/2009Lê Ngọc Sơn thực hiệnMột sinh viên Việt sau khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins đã được nhận vào làm cố vấn ở Quốc hội Hoa Kỳ. Sau đó một thời gian, anh trở về Việt Nam và trở thành một chuyên gia kinh tế có uy tín…
  • Sự ung dung ở anh ta khiến tôi giật mình

    23/04/2009Lý LanVới truyền thống “gia đình bảo bọc” trong xã hội Việt Nam, những người trẻ nào có chỗ dựa là gia đình còn tiềm lực kinh tế sẽ có thể tìm kiếm nương náu an toàn trong cơn lốc này. Như con chim an toàn trong tổ dù đã đủ lông cánh. Họ may mắn và nên mừng cho họ. Huy ngồi suốt buổi trong quán máy lạnh vang tiếng nhạc ngợp thuốc lá, chat hay blog trên laptop, và nhún vai trước câu hỏi nếu tốt nghiệp mà không có việc làm: Thì chuyển bất lợi thành cơ hội: đi du lịch hay học thêm, nâng cao trình độ tiếng Anh hoặc lấy bằng cao học. Rất hay. Chỉ có điều sự vô tư của chàng trai trẻ ấy trong thế giới bất ổn hiện nay khiến cho lòng tôi không yên ổn.
  • "Giới trẻ không sống “nhạt” mà sống phức tạp hơn"

    17/02/2009Đinh Phương Linh (thực hiện)Đó là nhìn nhận của Đỗ Thanh Hải, Giám đốc trẻ măng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), đạo diễn chuỗi chương trình "Táo Quân" phát sóng mỗi dịp Giao thừa, phụ trách nhiều bộ phim về đề tài người trẻ: “Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời” và gần đây nhất là “Nhật kí Vàng Anh” luôn gây được dư luận.
  • Kỳ 2: Cuộc nổi dậy chống phụ huynh

    05/11/2008Nhóm Phóng Viên Quốc tế Hội NhậpCách đây 40 năm, thế giới bàng hoàng vì các phong trào đấu tranh của sinh viên. Có phong trào đấu tranh đã thành cuộc cách mạng lớn khiến nhiều hệ thống chính trị phương Tây phải thay đổi. Nhiều xu hướng, phong cách sống, hệ tư tưởng…đã được định hình trong năm 1968 ( hoặc trước, sau đó 1 năm). Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thời ấy cũng có vai trò như một tác nhân quan trọng phía sau những phong trào sinh viên này.
  • Phản biện Nguyễn Sĩ Dũng…

    15/02/2007Đỗ Doãn HoàngÔng luận về nhiều vấn đề quốc gia đại sự với một tinh thần thượng tôn khoa học, sắc sảo, đầy trách nhiệm công dân. Ông luôn chủ trương ủng hộ cái mới, tôn vinh giới trẻ và sức trẻ, song cũng không quên trách nhiệm của một người làm khoa học quản lý xã hội. Trong mắt tôi, ông có cái tráng chí của kẻ sĩ đang hành đạo, một thuyết khách thời cổ mang nhiều khát vọng “Rời lều tranh xuống núi”, dâng kế giúp đời. Công việc ấy, xã hội ngày này gọi là phản biện xã hội, một đòn bẩy cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào...
  • Người trẻ nhưng ý thức đừng… trẻ

    21/12/2006Thanh Thu... có những câu chuyện nhỏ nhưng lại không hề nhỏ... Kể để nhắc nhau, để thấy rằng người trẻ học kiến thức ở trường, nhưng cũng đừng quên học ý thức, học phép lịch sự. Người trẻ đấy, nhưng ý thích đừng...trẻ!
  • Người trẻ ư? Phải lo nhiều lắm…

    18/05/2006Quảng YênMột bác sĩ tâm lý người nước ngoài đền giảng dạy ở Việt Nam về tư duy tích cực. Các học viên đều thấy lý thú, nhưng lại rất khó áp dụng...
  • Nhóm Tư Duy Mới và hành trình tư duy

    09/08/2005Trong khi các nhà giáo dục đang tìm cách thay đổi hiện trạng thụ động, bất cập của giáo dục từ cấp quản lý vĩ mô, thì có một nhóm bạn trẻ lại đang tìm cho mình một hướng đi khác để có thể chủ động gia tăng hiệu quả trong học tập và trong cuộc sống.
  • xem toàn bộ