Sự ung dung ở anh ta khiến tôi giật mình

02:52 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Tư, 2009

Năm hai mươi tuổi, Huy đến gặp tôi lần đầu tiên, gây một ấn tượng đặc biệt. Cao khoảng một mét bẩy, nét mặt tự tin, hẹn tôi ở một quán caféwifi với một cái laptop mở trên bàn, vừa uống cappuccino vừa chat với một tá người cùng lúc. Tôi thành thật xin lỗi về việc phải dùng những từ ở dạng italicđậm trên. Nhưng nếu tôi Việt hóa chúng thì khó thể hiện được không khí buổi gặp gỡ và ấn tượng về chàng trai 8X này. Lúc đó Huy đang là sinh viên năm thứ ba, giỏi tiếng Anh và tin học, đã gởi cho tôi cả một chương sách mà Huy dịch “tốc độ” trong hai ngày, để tự giới thiệu.

Huy nói dịch vì “đam mê” và để luyện tiếng Anh, vì chắc chắn tương lai Huy sẽ làm cho công ty nước ngoài, sẽ thường xuyên đi huấn luyện và giao dịch ở các nước trên thế giới.

Huy có cơ sở để nhìn thấy trước một tương lai tươi sáng, đó là kinh tế gia đình vững vàng, các mối quan hệ xã hội của cha mẹ tốt đẹp an toàn, nhờ đó chị của Huy ba năm trước đã có được việc làm trên một ngàn đôla ở một công ty đa quốc gia. Nay chị đã làm dâu một đại gia, quan hệ rộng rãi, và chị gần như cầm sẵn tay nắm cánh cửa vào thế giới kinh doanh thượng lưu để mở ra cho cậu em khi cậu sẵn sàng.

Huy lúc đó vẫn ung dung, mặc dù kế hoạch đời cậu được lập hơi gấp gáp: hăm lăm tuổi sắm xe mui trần, ba mươi tuổi có nhà ở Phú Mỹ Hưng.

Huy thuộc thế hệ chào đời ở đô thị cùng với chính sách đổi mới kinh tế, lớn lên cùng sự phát triển của đất nước, chứng kiến sự khá lên, giàu lên trong gia đình mình, với một người cha vẫn giữ chức vụ trong nhà nước và người mẹ “bung” ra lập doanh nghiệp tư nhân. Trừ một lần lên sởi, vài lần té trầy da u đầu, Huy không thực sự biết thế nào là đau khổ, đừng nói chi bế tắc, một từ không có trong từ điển của Huy.

Thậm chí hôm nay, khi chính tôi còn loay hoay với cuộc khủng hoảng kinh tế, Huy vẫn lạc quan, vẫn ngồi quán café với chiếc laptop và tách cappucino. Mặc dù vài tháng nữa Huy sẽ ra trường, mà cái công ty hứa hẹn trả lương ngàn đô đã lẳng lặng đóng cửa chi nhánh ở Việt Nam.

Hàng ngàn người trang lứa với Huy cũng sẽ tốt nghiệp đại học trong vòng vài tháng tới, mặc dù chỉ một số nhỏ có những ưu thế như Huy, đa số vẫn có chung đặc điểm: biết giá trị vật chất, có đầu óc thực dụng, đầy tham vọng thành đạt, và từng háo hức bước vào đời với những kế hoạch, ước mơ vĩ đại. Nếu họ tốt nghiệp cách đây vài năm hoặc sớm hơn nữa, việc cầm bằng cấp đi kiếm việc làm tuy không hẳn dễ, nhưng nếu có những mối quan hệ gia đình, xã hội, hay có kỹ năng, bản lĩnh, hoặc may mắn, một tỷ lệ lớn những bạn trẻ đó vẫn tìm được hay tạo được công việc trong nền kinh tế tăng trưởng đến 8% một năm. Lứa anh chị của họ đã gặp thời cơ thành công khá dễ dàng càng khiến cho họ lạc quan khi chuẩn bị xây giấc mộng của của riêng mình. Không ai ngờ (ai học được chữ ngờ?) rằng đúng lúc họ đứng ở ngưỡng cửa vào đời, cánh cửa những cơ hội bỗng như đóng sầm trước mặt.

Trong số họ có những người đã đánh đổi nhiều thứ quí giá cho tấm bằng đại học, kể cả sự hy sinh của cha mẹ hay anh chị em - có những gia đình đã cầm cố đất đai hay vay lãi nóng cho con ăn học, có những người đã nhẫn nại, tằn tiện, lao lực, “lạm xài” sức trẻ suốt bốn năm năm sôi kinh nấu sử. Những bạn này cầm cự đến khi tốt nghiệp đã là một nỗ lực kiệt sức, cánh cửa nghề nghiệp mà đóng trước mặt thì quá tàn nhẫn, bất công.

Kinh tế suy thoái như hiện nay có thể đẩy họ vào cuộc mưu sinh bằng mọi cách, bất chấp chuyên môn được đào tạo là gì, một sự lãng phí tài nguyên của đất nước và của bản thân những người trẻ này. Có thể họ sẽ vươn lên khi cuộc khủng hoảng qua đi. Cũng có thể thực học của họ còn cùn cụt nhanh chóng trong khó khăn kéo dài. Dù vậy, những người trẻ này không khiến tôi bận tâm lắm: bởi trường đời không cấp bằng giả và không đánh rớt oan ai cả.

Những người may mắn như Huy lại khiến tôi bận lòng. Buổi chiều đi bộ về nhà sau cuộc trò chuyện với Huy, tôi cố hồi phục cái ấn tượng về một lứa trẻ hiện đại, tự tin, tham vọng, háo hức vào đời mà Huy tạo được từ lần gặp gỡ trước. Vẫn là con người và khung cảnh đó, vẫn là Huy vui vẻ, lạc quan, nhưng sự ung dung của người thanh niên này khiến tôi giật mình.

Với truyền thống “gia đình bảo bọc” trong xã hội Việt Nam, những người trẻ nào có chỗ dựa là gia đình còn tiềm lực kinh tế sẽ có thể tìm kiếm nương náu an toàn trong cơn lốc này. Như con chim an toàn trong tổ dù đã đủ lông cánh. Họ may mắn và nên mừng cho họ. Huy ngồi suốt buổi trong quán máy lạnh vang tiếng nhạc ngợp thuốc lá, chat hay blog trên laptop, và nhún vai trước câu hỏi nếu tốt nghiệp mà không có việc làm: Thì chuyển bất lợi thành cơ hội: đi du lịch hay học thêm, nâng cao trình độ tiếng Anh hoặc lấy bằng cao học. Rất hay. Chỉ có điều sự vô tư của chàng trai trẻ ấy trong thế giới bất ổn hiện nay khiến cho lòng tôi không yên ổn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế hệ trẻ văn minh hay bơ vơ

    26/11/2019Nguyễn Vĩnh NguyênĐơn giản, nếu được hỏi sẽ mang gì khi đến một hòn đảo, câu trả lời của thanh niên Đức là: đĩa CD mà tôi thích! Cuộc triển lãm Jung:de do viện Goethe tổ chức tại TP.HCM “dọn ra” 17 cái mặt CD, mỗi CD là một vấn đề thuộc đời sống người trẻ Đức. Thanh niên Đức đang thực sự quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống của họ? Họ sẽ “định diện” nền văn hoá mà họ đang làm chủ như thế nào?
  • Dù mưa, xin cứ ra đường!

    23/06/2016Nguyễn Trần BạtNếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình? Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại
  • Đất nước đặt hàng người trẻ

    07/06/2016Phương LoanNgày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
  • Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?

    11/09/2015Mai Lan ghiHai mái đầu bạc, Nhà văn Nguyên Ngọc và GS-TS Lê Ngọc Trà, hai nhà văn hóa đã hàn huyên trong một buổi gặp gỡ, với những khắc khoải, suy tư về bản lĩnh thế hệ trẻ hôm nay, những người đang tiếp nối thế hệ của họ đưa đất nước tiếp tục phát triển.
  • Suy nghĩ của giới trẻ về con người

    15/05/2015Con người là sinh vật phát triển nhất, ưu việt nhất trên trái đất này. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài động vật khác là tính nhân bản. Nhưng liệu, đức tính tốt đẹp ấy có còn được giới trẻ coi trọng và bồi dưỡng không?
  • "Thiếu thốn tương đối" của người trẻ là gì?

    20/08/2013PGS.TS. Trần Nam BìnhTrong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Sinh Viên Việt Nam, tôi đã nói đến “thiếu thốn tương đối” của người Việt Nam. Sau đó có một bạn trẻ hỏi tôi rằng, vậy thì đâu là thiếu thốn tương đối của người trẻ Việt Nam trong hội nhập?
  • Thế hệ @

    19/02/2009TS. Nguyễn Sĩ DũngThế hệ trẻ hôm nay đang được nhiều người gọi là thế hệ @, một thế hệ của thực tại ảo và những lo toan rất thực.
  • xem toàn bộ