Người trẻ nên biết sống đàng hoàng

11:22 SA @ Thứ Bảy - 23 Tháng Năm, 2009

Một sinh viên Việt sau khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins đã được nhận vào làm cố vấn ở Quốc hội Hoa Kỳ. Sau đó một thời gian, anh trở về Việt Nam và trở thành một chuyên gia kinh tế có uy tín…

ĐƯỜNG VÀO HẠ VIỆN…

Thưa anh, vì sao anh chọn Quốc hội để làm việc sau khi ra trường?

Anh Trần Sĩ Chương: Đấy là một may mắn sau quãng thời gian dài nỗ lực, và phải thực sự nỗ lực thì mới nắm bắt được cơ hội may mắn.

Lúc đi học ngành Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Johns Hopkins ở Washington DC, tôi thấy học là một chuyện, phải vào trong hệ thống của xã hội Mỹ, chính trường Mỹ thì mới hiểu được thực chất cái anh học là cái gì, áp dụng nó ra sao.

Bộ phận quyền lực cao nhất ở Mỹ là Quốc hội, ông Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Quốc hội quan trọng hơn ông Bộ trưởng Tài chính nhiều, vì Quốc hội Mỹ nắm hầu bao. Chính Quốc hội sẽ quyết định chi bao nhiêu tiền, cho chuyện gì, và ai làm. Xác định vậy, nên tôi quyết định đi làm cho Quốc hội.

Ở Quốc hội cũng có phòng nhân sự, cũng nhận đơn nhưng mà không ai xem đơn xin việc để tuyển dụng cả, vì họ nhận được nhiều quá, ai mà coi hết được (sau này khi tôi vào làm mới biết, mỗi ngày Văn phòng nhận khoảng 200 đơn xin việc).

Tôi đã nộp đơn xin việc tới 535 Văn phòng Thượng nghị sĩ ở Quốc hội, nhưng chẳng có ai trả lời. Trước thời điểm ra trường vài tháng, mỗi buổi chiều tôi đi tới 5-7 văn phòng hỏi xin việc nhưng mà đến đâu người ta cũng thờ ơ.

Cứ thế, ghé cả trăm nơi cũng không thấy ai tiếp nhận. Trong khi các bạn ra trường đi làm ở Phố Wall lương cơ bản đã cả trăm ngàn USD, tiền thưởng cuối năm có bạn được 500 nghìn USD, có người được 2-3 triệu USD… Còn tôi, nếu làm ở Quốc hội, lương chỉ được có 50 nghìn USD, một khoản thu nhập rất nhỏ. Nhưng tôi coi đi làm ở đây như là việc để học thêm, một trường học cho những điều lớn hơn…

Anh làm thế nào để được nhận làm cố vấn cho Hạ viện?

Bất chợt, một bữa nọ, sau khi đi đến một loạt các văn phòng nghị sĩ để xin việc mà chả ai thèm quan tâm, buồn buồn ghé vào bar gọi một chai 7-up. Người đàn ông ngồi kế bên tay đang cầm ly whisky, thấy tôi như thế anh ấy thắc mắc: Sao vô bar mà uống 7-up thế này. Thế rồi 2 người bắt chuyện và làm quen. Rồi một vài câu chuyện phiếm, về quan hệ quốc tế lúc bấy giờ.

Tranh luận xong, người đàn ông ngồi kế bên để lại name card, tôi cũng bỏ vào túi và chẳng suy nghĩ gì về câu chuyện phiếm tại quầy bar cả. Cho đến 2-3 hôm sau, lấy cái name card ra tôi thấy anh ta là Chánh Văn phòng của một ông nghị sĩ.

Anh Trần Sĩ Chương

*Tốt nghiệp Trường Kỹ sư, ĐH U.C Berkeley, Trường Kinh tế và Chính trị London (LSE) và ĐH Johns Hopkins. Anh từng nhận được giải thưởng William Foster từ Đại học Johns Hopkins cho thành tích học tập và lãnh đạo xuất sắc.

*Hiện nay anh Chương là nhà đầu tư độc lập, Chuyên gia tư vấn Quản lý Tài chính & Chiến lược doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Anh cũng từng là Chuyên viên cố vấn kinh tế, ngân hàng và trợ lý pháp lý ngọai giao và ngọai thương Quốc hội Hoa Kỳ.

Trước đây, tại Mỹ, anh đã tự thành lập và điều hành doanh nghiệp của mình trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, xây dựng, đầu tư và phát triển bất động sản.

Thế rồi anh ta dắt tôi vào gặp ông sếp của anh ấy. Mới nói được vài câu thì chuông reo (để đi bỏ phiếu), ông nghị sĩ vừa khoác lên người cái áo choàng vừa nói với tôi: Xin lỗi, tôi đi đã, bao giờ anh đi làm được? Tôi hơi bất ngờ khi được nhận vào làm việc, và công việc được giao là làm trợ lý cho ông ấy về ngoại giao và ngoại thương.

Tôi vào được chừng 6 tháng, ông này lên làm Phó Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Quốc hội, Ủy ban này có 2 đại diện: một người là từ đảng cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội, một người là cho đảng thiểu số. Sếp của tôi thuộc đảng thiểu số, ông là đại diện cho hơn 200 Văn phòng nghị sĩ của đảng đối lập về chuyện này.

Một ông ở cấp đó có quyền chỉ định nhân viên của mình vào làm đại diện cho ông. Tự nhiên bữa đó ông vào phòng làm việc của tôi, bảo: Anh qua làm đại diện cho tôi, nghĩa làtất cả các Văn phòng của đảng đối lập nếu có vấn đề gì liên quan đến chính sách tiền tệ, ngân hàng thì họ sẽ gọi đến Văn phòng của anh để nhờ tham vấn...

Tôi giật bắn người, vì công việc này lớn lắm….

Nó lớn như thế nào, thưa anh?

Thật ra mấy ông nghị sĩ này bận nhiều công việc, nên các ông không biết gì sâu, hầu hết là do ban tham mưu quyết định hết. Khi bỏ phiếu, người Trợ lý gật đầu thì ông chọn YES, không gật đầu thì ông chọn NO.

Hơn 90% là như vậy, chỉ có gần 10% là chuyện gì mà ông rất quan tâm thì ông chỉ đạo cho người Trợ lý: Cái chuyện này theo anh thì lý luận ra sao, anh cho tôi cái cơ sở?! Nhưng những chuyện này ít lắm. Thành thử chuyên viên - người đại diện, có ảnh hưởng rất lớn. Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch FED mỗi năm ra điều trần trước Quốc hội một lần là phải qua hội ý với ban chuyên viên cố vấn Quốc hội trước.

Nhưng chẳng ai tin là việc chọn một vị trí quan trọng như thế kia lại đơn giản và may mắn đến vậy?

Khi ông sếp đề nghị tôi vào vị trí mới, tôi bảo: Tôi đang quen làm công việc của một trợ lý ngoại giao và ngoại thương… Ông bảo: Không, anh cứ làm đi. Anh kiêm 2 chức này luôn. Sau này tôi mới hỏi là: Ông nghĩ sao mà giao cho tôi vị trí này, tôi cũng đã học về ngân hàng nhưng chưa làm một ngày nào trong ngân hàng hết.

Ông bảo không sao, tôi thấy anh làm việc này được, vì Chủ tịch FED lúc đó là ông Paul Volker (người tiền nhiệm của ông Alan Greenspan, và bây giờ là Chủ nhiệm Hội đồng Kinh tế cho Tổng thống Obama- PV), cùng học ở trường Kinh tế Luân đôn. (The London School of Econimics) ra giống tôi. Hai đồng môn thì sẽ giúp công việc “thông đồng bén giọt” hơn.

Nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn, nhưng nếu thực sự lúc đó tôi không nỗ lực thì cơ hội cũng sẽ chẳng bao giờ gõ cửa.

Thế tại sao anh không tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở Hoa Kỳ...?

Nếu ở Mỹ, tôi có thể có một mức sống tốt hơn. Nhưng ở quê hương mình, chính những lúc khó khăn tôi lại thấy giá trị đóng góp tương đối của mình sẽ cao hơn… Vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ, tôi kiếm được gì và làm ra bao nhiêu tiền, mà là ở chỗ tôi đóng góp thế nào để gia tăng giá trị thực của con người tôi, bằng cái tâm của tôi.

CỐ GẮNG SỐNG ĐÀNG HOÀNG

Theo anh, làm sao để người trẻ định vị được giá trị bản thân trongkỷ nguyên hỗn loạn(*) này?

Tôi nghĩ cách hay nhất là các bạn phải làm sao để người khác cần mình. Giá trị của tất cả chúng ta không phải là cái giá trị chủ quan của mỗi người là gì, mà đó là cái khả năng mỗi người chúng ta tạo được điều kiện gì để xã hội cần mình, và mình có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội như thế nào.

Câu hỏi của bạn làm tôi nghĩ đến tình huống là bây giờ bạn muốn vào xem một buổi diễn kịch, nếu bạn không có tiền mua vé thì làm sao bạn có thể vào xem? Có nhiều cách, ví dụ như bạn tình nguyện vào soát vé, kéo màn hay tắt đèn. Bạn vào được vì đó là những công việc mà những người làm tổ chức cần. Bạn vào xong rồi thì mới có cơ hội nhận ra trong này có việc gì đang cần người, và ở đó mình mới có cơ hội cao hơn để thể hiện giá trị của bản thân cho người khác thấy.

Các bạn trẻ phải xông vào cuộc chơi, khát vọng chinh phục mục tiêu và làm gì là làm hết sức… Phải luôn xác định làm thế nào để người khác luôn cần mình.

Bí quyết thành công của anh là gì?

Thành công là một khái niệm rất tương đối. Tôi chỉ biết là mình cố gắng trang bị để làm được những gì mình thích làm và có giá trị cho chính mình và cho xã hội là sung sướng rồi. Một chút may mắn, nỗ lực hết sức từ chuyện học đến chuyện làm, và… cố gắng sống đàng hoàng.

Quan niệm về thành công của anh hơi... "lạ". Sống đàng hoàng cũng là một bí quyết để thành công?

Điều quan trọng đầu tiên tôi nghĩ là thanh niên phải có ý thức sống cho đàng hoàng. Có như vậy các bạn trẻ mới khẳng định được giá trị của mình.

Những người trẻ biết tạo ra giá trị riêng của mình một cách bền vững thì sẽ luôn được đánh giá cao. Và tôi đánh giá cao những người trẻ biết sống đàng hoàng!

Tôi quan niệm, đàng hoàng là đứng đắn, đứng đắn là phải biết quan tâm đến những người xung quanh mình. Khi tuyển dụng một ví trí trong công ty của mình, tôi không coi trọng bằng cấp và lĩnh vực người đó học, mà chủ yếu quan tâm đến con người của ứng viên…

Tiêu chí có vẻ khá mơ hồ, thưa anh?

Không đâu. Rõ ràng lắm chứ, vì ngay cả trong một tập thể chỉ có hai người mà không biết sống đàng hoàng với nhau thì cũng không cùng nhau làm được chuyện gì.

Mà chuyện biết sống đàng hoàng cũng không phải đi học trường lớp nào, chỉ cần có ý thức, trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác. Ông Trời hay lắm, ông cho chúng ta cái thước đo trong người rồi. Khi ta làm cái gì không đúng đắn thì trong bụng có cảm giác ngượng, nhắc cho chúng ta biết là mình đang làm chuyện không đúng. Bạn trở thành một người đàng hoàng thì luôn mang giá trị lớn, và làm người khác an tâm về bạn.

Cho đến thời điểm này, anh thấy thất bại lớn nhất của anh là gì?

Có thất bại chứ. Nhưng nếu tôi có ý chí và làm hết sức thì sẽ bước qua thất bại một cách dễ dàng. Chẳng hạn tôi làm hết sức trên Quốc hội, nhưng ví dụ như, sau 6 tháng không có kết quả thì tôi cũng sẽ không thất vọng, vì mình đã làm hết sức có thể rồi. Tôi xem đó như là một cuộc chơi, ngã giá với chính mình rất rõ ràng, chiến đấu hết sức nhưng nếu ta thua, thì sự thua này sẽ là bài học để chiến thắng trong lần sau…

Xin cảm ơn anh!


(*)Tên một cuốn sách của Alan Greenspan.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để người Việt trẻ trở thành "công dân toàn cầu"

    29/09/2018Lan HươngGiới trẻ Việt cần gì để trở thành một công dân toàn cầu trong ngôi nhà chung của thế giới thời hội nhập? Quyền và nghĩa vụ của những người Việt trẻ trong thời đại mới? Bí quyết nào để thành công trong sự nghiệp?
  • Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Hãy nghĩ tới ngày giã từ sư phụ để xuống núi

    06/09/2017Lê Hồng Lâm (thực hiện)Nhận diện lại lý tưởng và giá trị của những con người trẻ tuổi (đặc biệt là giới trí thức) trong thời chiến tranh và trong cuộc sống hiện tại...
  • "Phản đề" dành cho người Việt trẻ

    30/03/2017Nhà thơ Lê Ðạt, đã ngoài 70 - cho dù cuộc đời ông như chính nhà thơ thừa nhận là rất "li kỳ" và chịu nhiều thăng trầm dâu bể. Trẻ, ở chính cái cách mà ông nhìn nhận rất "thiện chí" và cởi mở về lớp trẻ, về thế hệ trẻ hiện nay...
  • Dù mưa, xin cứ ra đường!

    23/06/2016Nguyễn Trần BạtNếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình? Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại
  • Đất nước đặt hàng người trẻ

    07/06/2016Phương LoanNgày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
  • Lời tâm huyết của thiền sư với thanh niên

    18/05/2016Bùi Quang MinhCái gì đã làm cho có người chối bỏ tương lai, tình yêu và tuổi trẻ của mình? Câu hỏi này đã được trả lời khi chúng ta đọc quyển Tuổi trẻ Tình yêu Lý tưởng (2005) và Nói với tuổi hai mươi (1965) của thiền sư Nhất Hạnh...
  • Góc nhìn người trẻ

    30/04/2014Nguyễn Hoàng (thực hiện)Một cô gái lứa tuổi "8X", tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng lại đang là biên tập viên của website chungta.com đã trò chuyện cuối tuần cùng chúng tôi dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi. Và tôi đã hơi bất ngờ, khi Nguyễn Thị Hà trả lời câu hỏi đầu tiên...
  • "Thiếu thốn tương đối" của người trẻ là gì?

    20/08/2013PGS.TS. Trần Nam BìnhTrong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Sinh Viên Việt Nam, tôi đã nói đến “thiếu thốn tương đối” của người Việt Nam. Sau đó có một bạn trẻ hỏi tôi rằng, vậy thì đâu là thiếu thốn tương đối của người trẻ Việt Nam trong hội nhập?
  • Tám mẩu suy nghĩ về giới trẻ và Élite

    06/05/2009Nhạc sĩ Dương Thụ. Minh họa: Ziga Aljaz Zek Crew Troy SizerGiới trẻ cũng có nhiều người hay, có những người thật sự là élite của xã hội mới, ở nhiều khía cạnh họ tinh hoa hơn bọn tôi nhiều lắm. Nhưng người élite trẻ thì có, còn giới élite trẻ thì chưa.
  • 6 xu hướng của giới trẻ Việt năm 2008

    31/12/2008Lan HươngNăm 2008 khép lại không có những “scandal” hoành tráng nhưng cộng đồng giới trẻ Việt vẫn chứng kiến sự lên ngôi của một số xu thế, cả trên giảng đường, trong không gian ảo lẫn trong cuộc sống thật.
  • Phản biện Nguyễn Sĩ Dũng…

    15/02/2007Đỗ Doãn HoàngÔng luận về nhiều vấn đề quốc gia đại sự với một tinh thần thượng tôn khoa học, sắc sảo, đầy trách nhiệm công dân. Ông luôn chủ trương ủng hộ cái mới, tôn vinh giới trẻ và sức trẻ, song cũng không quên trách nhiệm của một người làm khoa học quản lý xã hội. Trong mắt tôi, ông có cái tráng chí của kẻ sĩ đang hành đạo, một thuyết khách thời cổ mang nhiều khát vọng “Rời lều tranh xuống núi”, dâng kế giúp đời. Công việc ấy, xã hội ngày này gọi là phản biện xã hội, một đòn bẩy cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào...
  • Người trẻ nhưng ý thức đừng… trẻ

    21/12/2006Thanh Thu... có những câu chuyện nhỏ nhưng lại không hề nhỏ... Kể để nhắc nhau, để thấy rằng người trẻ học kiến thức ở trường, nhưng cũng đừng quên học ý thức, học phép lịch sự. Người trẻ đấy, nhưng ý thích đừng...trẻ!
  • xem toàn bộ