Người Việt hời hợt (phần 3, 4, 5, 6)
Xem phần khác:
III. Người Việt hời hợt (phần 3)
.
Lời Ngỏ:
Trước khi bắt đầu bài viết mới này, tôi muốn gửi lời cám ơn đến những bạn trên facebook đã đọc, share và góp ý cho những bài viết lần trước của tôi. Tôi luôn tôn trọng những ý kiến đóng góp từ mọi người vì nó khiến tôi và những người theo dõi hiểu thêm nhiều khía cạnh của vấn đề. Đó là một điều hết sức đáng quý. Tuy nhiên tôi cũng xin nhắc lại một số điều để các bạn có thể tranh luận đúng hướng để cho việc tranh luận có chất lượng thay vì sa đà vào tranh cãi vô ích khi “ông nói gà, bà nói vịt”:
.
1. Bạn nào chỉ đọc sơ vài dòng hoặc lướt qua một lần thì miễn tranh cãi theo ý kiến cảm tính của mình. Tôi viết một bài bỏ rất nhiều công sức và thời gian nên tôi không chấp nhận và hoan nghênh những người chưa đọc kỹ hiểu kỹ đã vào nói càn nói bừa. Cũng làm ơn đừng comment những câu vô duyên kiểu: “Bài dài quá, đọc mệt ghê” hay “có ai tóm tắt lại giùm tôi không?” Xin lỗi, người viết bỏ ra vài tiếng để viết còn bạn chỉ cần bỏ ra 15-20 phút để đọc mà còn lười biếng thì bạn làm ơn đi chỗ khác chơi. Chỗ này không dành cho bạn.
.
2. Đối với những người chưa từng quen biết tôi, chưa đọc những bài viết trước kia của tôi nếu bạn góp ý thì hãy nhớ rằng phép lịch sự tối thiểu khi vào nhà một người chưa quen biết hãy chào hỏi và nói năng cho đàng hoàng tử tế. Tôi luôn dùng kính ngữ “dạ” và thái độ khiêm cung để trả lời một người mình chưa quen biết hoặc lớn tuổi hơn mình khi họ gửi comment hoặc tin nhắn cho tôi. Có rất nhiều người tôi không cần biết trình độ hiểu biết được bao nhiêu nhưng lần đầu vào comment thái độ rất trịch thượng và láo xược, tự xem mình là bố đời. Những kẻ đó tôi sẽ block ngay chứ không giải thích hay trả lời comment.
.
3. Loạt bài này không có mục đích nói xấu hay chê bai tiếng Việt mà muốn chỉ ra một số điểm hạn chế về tư duy logic của tiếng Việt để chứng minh một luận điểm là “người Việt hời hợt”. Tôi tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng để đưa ra một cái nhìn tổng quát và đa chiều theo cách nhìn của khoa học, hoàn toàn không đặt tình cảm cá nhân vào đây. Những phản biệt “tiếng Việt giàu đẹp, phong phú” hay “là người Việt thì phải biết yêu tiếng Việt” … tôi xin phép không trả lời vì nó không liên quan đến những gì tôi bàn ở đây.
.
4. Những phản biện không bám vào những luận điểm mà tôi đưa ra và không đưa được dẫn chứng hoặc ví dụ cụ thể tôi cũng sẽ không quan tâm. Tôi bàn về vấn đề nào, bạn hãy đưa ra luận điểm phản bác đúng vấn đề mà tôi đang nói, đừng nói tới những gì mà tôi không bàn hoặc không liên quan tới điều đang được tranh luận.
.
5. Đừng chụp cho tôi cái mũ là “cuồng Tây, cuồng Tàu” hoặc cứ mở miệng là chê bai Việt Nam thế này, Việt Nam thế nọ. Nếu bạn yêu nước một cách tỉnh táo và có lòng tự hào dân tộc dựa trên sự hiểu biết, bạn sẽ thấy đất nước ta hiện nay thua sút và lạc hậu rất nhiều. Và chỉ có cách nhìn vào sự thật những sai lầm yếu kém của đất nước và con người Việt Nam mà quyết tâm sửa đổi thì mới có thể cải thiện được tình hình. Sự tự tôn quá đáng hoặc ảo tưởng sức mạnh dân tộc bất chấp sự thật chỉ có thể đẩy đất nước này tới bờ vực thẳm nhanh hơn một chút thôi.
.
.
So sánh tư duy logic tiếng Việt và tiếng Anh:
.
Tôi là người học tiếng Anh từ nhỏ (4 tuổi đã bắt đầu), đã có một thời gian 6 năm sống ở Mỹ trong một môi trường hầu như không có người Việt và đã dạy tiếng Anh được 12 năm. Sở dĩ tôi phải nói điều này để các bạn hiểu rằng tiếng Anh đối với tôi gần như là một ngôn ngữ phổ thông chứ không phải là một ngoại ngữ. Hơn nữa, tôi học cử nhân và thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài nên tôi rất chú trọng đến tư duy bên trong của các ngôn ngữ và sự tương quan của các ngôn ngữ với nhau. Điều này rất quan trọng đối với tôi vì nó giúp tôi hiểu được những vấn đề sau đây:
- Tại sao người Việt bỏ rất nhiều thời gian để học tiếng Anh nhưng hiệu quả thực tế lại rất thấp?
- Tại sao có những khái niệm rất đơn giản trong tiếng Anh nhưng rất khó giải thích trong tiếng Việt và ngược lại?
- Tại sao nhiều người được xem là giỏi tiếng Anh ở Việt Nam vẫn mắc những lỗi rất cơ bản về dịch thuật?
- Tại sao người Việt Nam ít khi chịu đọc thêm tài liệu hoặc thông tin bằng tiếng Anh để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và đa chiều hơn?
.
Những vấn đề nói trên có thể sẽ không quan trọng với bạn nếu bạn chỉ là người học tiếng Anh ở mức độ giao tiếp, nhưng đối với một người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ đồng thời nghiên cứu về tâm lý học, chúng làm tôi mất ăn mất ngủ vì tôi muốn tìm cách để giúp các học viên của tôi tiếp cận tiếng Anh một cách logic và hiệu quả nhất.
.
Để sử dụng tốt một ngôn ngữ, bạn phải hiểu rõ được tư duy logic của ngôn ngữ đó trong việc sử dụng văn phạm, cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và cả phát âm. Nếu không làm được điều đó thì việc giảng dạy hoặc học tập một ngôn ngữ chỉ có thể dừng ở mức độ học thuộc lòng để đối phó chứ không thể đạt được sự thông thạo.
.
Khi tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính chất giao tiếp quốc tế và người Việt Nam trên lý thuyết bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh cả trong chương trình chính quy và ngoại khóa mà kết quả vẫn rất tệ, theo tôi đó là một sự lãng phí rất lớn. Không thông thạo được tiếng Anh, bạn chẳng những mất rất nhiều cơ hội trong công việc và học tập mà nó còn là một chướng ngại vật cực kỳ to lớn để tiếp nhận thông tin đa chiều cũng như kiến thức của nhân loại: cánh cửa dẫn tới tự do dân chủ.
.
1. Từ vựng tiếng Anh mô tả khái niệm chuẩn xác hơn tiếng Việt rất nhiều: Một trong những thử thách lớn nhất đối với những người sử dụng ngoại ngữ là sự hiểu biết về từ vựng vì có những từ có thể đồng nghĩa trong ngôn ngữ này lại hoàn toàn không đồng nghĩa trong ngôn ngữ kia. Đặc trưng của tiếng Anh là mỗi từ đều có một ý nghĩa rất chính xác và cụ thể, thể hiện đúng bản chất của về nghĩa mà tiếng Việt không có được.
.
Tôi lấy ví dụ từ “gặp” trong tiếng Việt nếu được dịch sang tiếng Anh một cách hời hợt sẽ là “meet” nhưng trên thực tế có đến 4 từ khác nhau trong tiếng Anh để dịch một từ “gặp” trong tiếng Việt, và bốn từ này về ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Từ “meet” chỉ có thể dùng trong trường hợp hai người gặp nhau có một mục đích cụ thể nào đó vì thế nó không thể dùng trong trường hợp “hôm qua tôi tình cờ gặp anh ta ở ngoài đường” được. Đối với hành động “tình cờ gặp nhau ngoài đường”, người Anh-Mỹ dùng từ “see” đúng nghĩa là “chỉ nhìn thấy nhau”. Còn khi tôi nói “Tôi đang gặp rắc rối/khó khăn” thì cả hai từ “meet” và “see” đều sai mà phải dùng từ “encounter” với nghĩa “đối mặt với một điều/người mà mình không mong muốn”.
.
Ví dụ thứ hai là từ “nhận ra” trong tiếng Việt khi dịch sang tiếng Anh sẽ có hai từ “realize” và “recognize” và hai từ này hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau. “Realize” là “nhận ra một điều gì trước đây mình chưa từng có khái niệm về nó” ví dụ “I realized that my parents have sacrificed a lot for me” (Tôi chợt nhận ra/hiểu ra bố mẹ đã hi sinh rất nhiều cho tôi). Còn “recognize” nghĩa là “nhận ra một điều gì mình đã có khái niệm về nó từ trước” (tiền tố “re” có nghĩa là “again”, gốc từ Latin “cogn” có nghĩa là “nhận thức” và hậu tố “ize” để xác định đây là động từ). Vì vậy nếu bạn đưa một tấm ảnh cho ai đó xem và hỏi người ta có nhận ra người trong hình là ai không, bạn phải dùng từ “recognize” chứ không thể là “realize” được.
.
Ví dụ thứ ba là cùng một từ “nuôi” trong tiếng Việt, tiếng Anh có sáu từ với khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể dùng thay thế cho nhau được và được chia thành hai cụm khái niệm lớn khác nhau: Cụm thứ nhất dành cho các loài vật bao gồm những từ: a) “raise”: nuôi một con vật để khai thác kiếm lợi từ nó như nuôi heo, nuôi bò, nuôi gà… b) “breed”: nuôi để làm giống, và c) “keep” : nuôi một con vật để làm cảnh. Cụm thứ hai dành cho con người bao gồm: a) “bring up” hoặc “rear” hoặc “raise”: dùng để chỉ việc nuôi dạy con cái, b) “support”: dùng để chỉ việc cung cấp tiền bạc cho một người không đủ khả năng tài chính (ví dụ: “He supported his younger brother through college” Anh ta nuôi em trai học đại học) và c) “take care of”: chăm sóc cha mẹ khi về già. Thử tưởng tượng nếu bạn không hiểu nghĩa những từ này mà cứ mặc định chúng là từ đồng nghĩa theo kiểu tiếng Việt rồi dịch cụm từ “nuôi cha mẹ” thành “keep my parents” hoặc “bring up my parents” thì kinh khủng tới mức nào.
.
Những ví dụ mà tôi nêu ở trên là 3 trong hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn những ví dụ về sự chặt chẽ về ngữ nghĩa trong từ ngữ tiếng Anh và sự qua loa, hời hợt trong tiếng Việt về nghĩa từ. Nếu cần thiết tôi sẽ liệt kê cả một danh sách vài chục trang giấy. Và đó chỉ là ở mức độ từ ngữ thông dụng chứ chưa nói đến từ ngữ mang tính chất chuyên ngành hoặc hàn lâm. Sự chuẩn xác về ngữ nghĩa này khiến cho người sử dụng tiếng Anh ít khi nào hiểu sai bản chất của khái niệm được đề cập và rất khó chơi trò lập lờ đánh lận con đen đánh tráo khái niệm qua mặt người khác.
.
2. Từ ngữ trong tiếng Anh có những dạng thức khác nhau và từ loại khác nhau, không thể lẫn lộn: Từ ngữ trong tiếng Việt không có sự biến thể trong cùng một từ (số ít, số nhiều, dạng bị động, chủ động, tính từ, trạng từ, danh từ…) nhưng tiếng Anh thì một từ có nhiều biến thể dùng với những mục đích hoàn toàn khác nhau. Lấy ví dụ từ “hạnh phúc” trong tiếng Việt vừa có thể là tính từ, vừa có thể là danh từ và cũng có thể là trạng từ. Nhưng trong tiếng Anh thì không thể. Nếu bạn muốn dịch câu “Hạnh phúc không mua được bằng tiền” thì bạn phải hiểu rằng “hạnh phúc” ở đây là “happiness” (danh từ) chứ không phải là “happy” (tính từ). Còn muốn nói “một gia đình hạnh phúc” thì phải dùng từ “happy” (tính từ) để đặt trước “family”. Và nếu muốn dịch câu “họ sống với nhau rất hạnh phúc” thì phải dùng trạng từ “happily” chứ không phải là “happy” hoặc “happiness”. Thật là thảm họa cho ai học tiếng Anh mà không quan tâm tới loại từ mà chỉ hiểu sơ sài về nghĩa từ “hạnh phúc” là “happy”.
.
Trong tiếng Việt chúng ta có thể nói “gà rán” hoặc “chảo rán” mà không hề cảm thấy có gì sai nhưng tiếng Anh thì không thể. Thứ nhất từ “rán” là “fry” vốn là động từ nên không có thể đặt trước danh từ “chicken” hay “pan” để làm một tổ hợp tính từ + danh từ. Để dùng từ “fry” làm tính từ, bạn phải chuyển nó thành dạng tính từ. Và việc chọn dạng tính từ thích hợp cũng không phải là dễ dãi sao cũng được vì dạng tính từ của từ “fry” có dạng V-ing (present participle) là “frying” để chỉ công dụng của một vật và dạng V3 (past participle) là “fried” để chỉ tính bị động của hành động. Nếu nói “chảo rán” thì bạn đang nói tới “công dụng của cái chảo” nên bắt buộc phải dùng là “frying pan”. Còn nếu bạn muốn nói về “gà rán” có nghĩa là “gà được/bị rán lên” thì bạn phải nói là “fried chicken” mới đúng.
.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn chỉ đơn giản là ghép hai từ với nhau để tạo thành từ mới, nhưng khi bạn sử dụng tiếng Anh, bạn phải cân nhắc xem hai từ đó là loại từ gì, có đứng chung với nhau được hay không? Nếu từ loại đã phù hợp, bạn lại phải xét tiếp là từ đó được dùng ở dạng thức gì, có phù hợp với mục đích cần sử dụng hay không? Đó là cả một quá trình suy nghĩ logic, không thể hời hợt và tùy tiện.
.
Có bạn sẽ nói rằng “từ đó giờ tiếng Việt dùng như vậy đấy rồi có chết ai đâu. Người Việt ai mà chả biết “gà rán” là “gà được rán lên”, còn “chảo rán” là “chảo dùng để rán.” Điều này đúng là không hại gì khi bạn chỉ sử dụng tiếng Việt mà không cần sử dụng tiếng Anh. Nhưng nếu bạn học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh thì bạn sẽ thấy ngay vấn đề của nó:
.
.
a. Bạn không bao giờ sử dụng được tiếng Anh đúng cách để nói và viết vì bạn mặc kệ những nguyên tắc về từ vựng của tiếng Anh. Điều này cũng giống như bạn đến chơi nhà người khác nhưng bất chấp những nguyên tắc ứng xử của gia đình người ta mà bắt người ta phải hiểu mình.
.
.
b. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được tiếng Anh vì bạn không hiểu được mỗi dạng từ của cùng một từ đều có ý nghĩa khác nhau. Học những ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của tiếng Latin như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, bạn không thể chỉ cầm cuốn từ điển ra để học từ vựng một cách máy móc vì sự thay đổi dạng thức của một từ trong những ngữ cảnh khác nhau.
.
Ở trong phần bài viết này, tôi chỉ mới chạm tới lớp vỏ bên ngoài của ngôn ngữ là từ vựng. Tôi vẫn còn chưa nói đến cấu trúc văn phạm và phát âm. Hẹn các bạn ở phần tiếp theo. Để viết một bài, tôi phải tốn rất nhiều công sức. Hi vọng các bạn đừng phản biện theo kiểu cảm tính. Xin cám ơn!
IV. Người Việt hời hợt (phần 4)
So sánh tiếng Anh và tiếng Việt (tiếp theo)
.
Tính logic của mạo từ tiếng Anh và nỗi khổ của người Việt khi dùng mạo từ.
(Lưu ý: Bài viết mang tính học thuật nhưng không quá phức tạp và cực kỳ cần thiết cho những người học tiếng Anh nghiêm túc)
.
.
Một trong khái niệm đơn giản và logic nhất của tiếng Anh nhưng hầu hết người Việt sử dụng tiếng Anh thường khó có thể hiểu được thấu đáo và sử dụng chính xác đó là cách dùng những mạo từ “a, an, the” đứng trước danh từ. Luật sử dụng mạo từ trong tiếng Anh không khó, nó chủ yếu dựa trên hai yếu tố:
a. Số của danh từ: số ít, số nhiều và không đếm được.
b. Tính xác định của danh từ: xác định và không xác định.
.
Quy tắc sử dụng mạo từ sẽ dựa trên sự kết hợp giữa hai yếu tố trên. Ví dụ: danh từ số ít sẽ có hai dạng là xác định và không xác định, danh từ số nhiều cũng sẽ có hai dạng xác định và không xác định, và danh từ không đếm được cũng vậy.
a. Danh từ số ít và không xác định (một vật được nhắc đến một cách ngẫu nhiên, một cái bất kỳ trong nhiều cái cùng loại, một vật lần đầu tiên được người nói giới thiệu đến cho người nghe) thì bắt buộc phải sử dụng mạo từ “a” (nếu danh từ đó bắt đầu bằng một âm phụ âm) hoặc “an” (nếu danh từ đó bắt đầu bằng âm nguyên âm).
b. Danh từ số ít và được xác định (vật mà cả người nói lẫn người nghe đều biết, cái duy nhất tại thời điểm nói, vật này đã được nhắc đến ít nhất một lần trước đó) thì bắt buộc phải dùng “the” trước danh từ đó.
c. Danh từ số nhiều và danh từ không đếm được nếu không xác định (nói một cách tổng quát chung chung) thì không dùng mạo từ.
d. Danh từ số nhiều và danh từ không đều được nếu xác định (những vật mà cả người nói lẫn người nghe đều biết, tất cả những cái tại thời điểm nói, những vật này đã được nhắc đến ít nhất một lần trước đó) thì bắt buộc phải dùng “the” trước nó.
.
Khi người Việt dùng danh từ, người nói và người nghe sẽ tự hiểu rằng danh từ đó là số ít hay số nhiều hay không đếm được và có xác định hay không. Vì sự “tự hiểu” này sẽ có rất nhiều trường hợp ý của câu bị hiểu sai một cách vô tình hoặc cố ý. Trong tiếng Anh thì khi nói, người nói phải sử dụng đúng mạo từ để người nghe không thể hiểu lầm hoặc tự đoán rằng người nói muốn nói gì. Có nghĩa là danh từ trong câu tiếng Anh khi nói phải chính xác tuyệt đối về số và tính xác định của nó. Và chính điều này khiến cho việc sử dụng mạo từ trong tiếng Anh đối với người Việt là một điều hết sức khó khăn. Tôi sẽ giải thích đơn giản cho các bạn biết bằng những ví dụ cụ thể nhé:
a. Trong tiếng Việt, câu “Đưa cho tôi cái ghế” sẽ được hiểu theo hai cách: người nghe sẽ đưa cho người nói một cái ghế bất kỳ nếu trong phòng có từ hai chiếc ghế trở lên hoặc người nghe sẽ hiểu được rằng người nói muốn cái ghế nào và đưa cho người nói cái ghế mà anh ta muốn. Trong tiếng Anh, hai ý này không thể viết bằng một câu mà phải viết bằng hai câu riêng biệt. Nếu anh muốn tôi đưa cho anh một cái ghế bất kì (không xác định) thì anh phải nói là “Give me A chair” còn nếu anh muốn tôi đưa cho anh cái ghế mà anh muốn (xác định) thì anh phải nói là “Give me THE chair”. Không có chuyện trong tiếng Anh, một người nói với người kia “Give me chair” (không có mạo từ) thì người kia tự động hiểu đúng là người kia muốn gì.
b. Nếu bạn dịch câu “Anh ấy phải bán xe để trả nợ” sang tiếng Anh bạn sẽ dịch như thế nào? Tiếng Anh sẽ không có một cách dịch chung mà sẽ tùy theo trường hợp mà sẽ có những cách dịch khác nhau dựa vào tính xác định và số của hai danh từ “xe” và “nợ”:
.
Nếu anh ta bán chiếc xe anh ta đang sử dụng và đó là chiếc xe duy nhất thì từ “xe” phải dịch là “THE car”. Nếu anh ta có nhiều chiếc xe và bán bớt đi một chiếc trong số đó thì “xe” sẽ dịch là “A car”. Nếu anh ta phải bán đi tất cả những chiếc xe mà anh ta có thì “xe” phải dịch là “THE cars”.
.
.
Nếu anh ta chỉ có một món nợ thì chữ “nợ” sẽ được dịch là “the debt”. Nếu anh ta chỉ có trả được một trong những món nợ mà anh ta vay thì “nợ” trong câu này sẽ là “a debt”. Còn nếu anh ta bán xe để trả hết tất cả những món nợ của anh ta thì “nợ” sẽ được dịch là “the debts”.
.
Bạn nào có một chút khái niệm về toán tổ hợp sẽ thấy rằng nếu kết hợp hai tổ hợp “xe” và “nợ” lại với nhau chúng ta sẽ viết được tới 9 câu khác nhau.
1. He must sell THE CAR to pay THE DEBT. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả món nợ duy nhất)
2. He must sell THE CAR to pay A DEBT. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả một trong những món nợ của mình).
3. He must sell THE CAR to pay THE DEBTS. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả hết những khoản nợ của mình)
4. He must sell A CAR to pay THE DEBT. (Anh ta phải bán một trong những chiếc xe anh ta có để trả món nợ duy nhất).
5. He must sell A CAR to pay A DEBT. (Anh ta phải bán một trong những chiếc xe anh ta có để trả một trong những món nợ của mình)
6. He must sell A CAR to pay THE DEBTS. (Anh ta phải bán một trong những chiếc xe anh ta có để trả những khoản nợ.)
7. He must sell THE CARS to pay THE DEBT. (Anh ta phải bán tất cả những chiếc xe mình có để trả món nợ duy nhất).
8. He must sell THE CARS to pay A DEBT. (Anh ta phải bán tất cả những chiếc xe mình có để trả một trong những món nợ của mình).
9. He must sell THE CARS to pay THE DEBTS. (Anh ta phải bán tất cả những chiếc xe mình có để trả hết những khoản nợ).
.
Bây giờ hãy thử dịch câu “Tôi đi đến nhà sách để mua sách” sang tiếng Anh nhé. Sẽ có bao nhiêu khả năng?
.
c. Khi bạn nói “Chúng ta không thể sống thiếu nước” thì từ “nước” ở đây được hiểu là danh từ không đếm được và là một khái niệm chung nên sẽ không dùng mạo từ. Do đó câu này sẽ dịch thành “we cannot live without WATER”. Còn khi bạn nói “Đừng uống nước trong cái ly đó” thì từ “nước” trong trường hợp này là danh từ không đếm được và xác định rõ ràng (nước trong cái ly đó chứ không phải là nước ở nơi khác). Do đó câu này sẽ được dịch thành “Don’t drink THE WATER in that cup”.
.
Do logic trong tiếng Việt không có những khái niệm “xác định” và “không xác định” đối với danh từ nên việc sử dụng mạo từ đúng trong tiếng Anh là một thử thách lớn cho người học tiếng Anh kể cả những người học lâu năm nhưng không quan tâm đến nguyên tắc này. Người Việt sử dụng danh từ thường mắc những lỗi kinh điển về mạo từ sau:
a. Không dùng mạo từ “a, an, the” trước danh từ số ít.
b. Dùng “the’ tùy tiện theo kiểu thấy thích thì dùng, không thì thôi.
c. Dùng danh từ số ít trong những trường hợp đáng lẽ phải dùng số nhiều.
.
Việc sử dụng sai mạo từ trong tiếng Anh khiến cho nghĩa câu bị hiểu sai nghiêm trọng hoặc câu thậm chí không có nghĩa. Lúc còn ở Việt Nam, tôi cũng mắc những lỗi sai sử dụng mạo từ một cách tùy hứng vì không hiểu được tư duy logic của việc dùng mạo từ. Giáo viên tiếng Anh người Việt thường giảng rất sơ sài là “a, an” dành cho danh từ không xác định, còn “the” dành cho danh từ xác định nhưng chính họ cũng không hiểu thế nào là xác định và không xác định, còn tới danh từ không đếm được thì nhiều người bỏ qua không giảng vì không có khái niệm này.
.
Khi dạy ngữ pháp, tôi dạy rất kỹ về mạo từ, cho rất nhiều ví dụ nhưng hầu hết học viên của tôi sau khi học xong đều không áp dụng được vì ít ai chịu tư duy về tính xác định của danh từ mà chọn mạo từ thích hợp. Phần lớn sẽ nghĩ theo kiểu tiếng Việt không cần tới mạo từ, mặc kệ người nghe hoặc người đọc hiểu sao thì hiểu. Và khi đọc hoặc nghe người bản xứ nói tiếng Anh, người Việt cũng thường không chú ý đến cách dùng mạo từ trước danh từ để hiểu đúng ý mà người kia muốn diễn đạt. Đây là một trở ngại lớn về mặt tư duy khiến cho việc học tiếng Anh của người Việt không hiệu quả nếu chỉ học thuộc lòng mà không suy luận.
.
V. Người Việt hời hợt (phần 5)
.
Tại sao người Việt thường không sử dụng đúng thì trong tiếng Anh?
.
.
.
Khái niệm “thì” (tense)là một khái niệm gắn liền với cách sử dụng động từ trong tiếng Anh và cũng là một trong những khái niệm cơ bản trong tiếng Anh. Các thì trong tiếng Anh được công thức hóa nên việc nhớ công thức của thì không phải là quá khó. Tuy nhiên, đối với đại đa số người Việt học tiếng Anh thì cho dù nhớ công thức của thì, việc sử dụng đúng thì khi nói và viết lại là một chuyện khác. Với bài viết này, tôi hi vọng những bạn học tiếng Anh sẽ hiểu được nguyên tắc tư duy khi dùng thì trong tiếng Anh để có thể sử dụng thì một cách hiệu quả.
.
Trước hết,một thì trong tiếng Anh luôn bao gồm có hai phần: thời gian (time) và bản chất (nature) của hành động. Thời gian (time)gồm có: past (quá khứ), present (hiện tại) và future (tương lai). Còn bản chất (nature) thì gồm có: đơn (simple), tiếp diễn (continuous), hoàn thành (perfect) và hoàn thành tiếp diễn (perfect continuous). Khi kết hợp time và nature thì sẽ được tense. Như vậy sẽ có 12 thì (3x4) trong tiếng Anh. Vấn đề là trong tiếng Việt, khi nói về một hành động chúng ta chỉ nghĩ đơn giản rằng hành động đó đã, đang hoặc sẽ xảy ra, tức là chú trọng yếu tố “time” của hành động nhưng lại không có khái niệm về bản chất của hành động trong thời gian đó xảy ra như thế nào. Trong khi đó, đối với thì của tiếng Anh, yếu tố ”time” chỉ là yếu tố mang tính chất tương đối còn yếu tố “nature” mới là yếu tố cốt lõi. Do đó, nếu học thì tiếng Anh mà chỉ chú trọng vào yếu tố “time” mà không hiểu hoặc không coi trọng yếu tố “nature” sẽ không bao giờ dùng thì đúng được.
.
a. Nếu hiểu từ “Continuous” là “tiếp diễn” theo nghĩa là “đang diễn ra” thì sẽ không chính xác. Vì nếu bạn nói “present continuous” là hành động đang diễn ra ở hiện tại thì còn chấp nhận được chứ nếu nói “past continuous” là “đã đang diễn ra” và “future continuous” là “sẽ đang diễn ra” thì nghe mâu thuẫn quá. “Continuous” hiểu cho đúng là “hành động diễn ra theo khuynh hướng kéo dài trong một khoảng thời gian”. Nếu bạn suy nghĩ theo logic này thì khi muốn nói về một hành động đã diễn ra trong quá khứ và muốn nhấn mạnh sự kéo dài của nó, bạn sẽ dùng thì “past continuous”. Ví dụ khi tôi muốn dịch câu “tôi đã làm việc suốt ngày hôm qua” thay vì dùng thì simple past (I worked all day yesterday), tôi sẽ dùng past continuousđể nhấn mạnh vào hành động kéo dài (I was working all day yesterday) sẽ hiệu quả hơn. Tương tự, để diễn tả một hành động sẽ diễn ra trong tương lai và kéo dài trong một khoảng thời gian, tôi sẽ dùng “future continuous.” (I will be sleeping this whole weekend). Tất nhiên thì “present continuous” dùng để diễn tả hành động đang diễn ra trong thời điểm nói.
a. Nếu hiểu từ “Continuous” là “tiếp diễn” theo nghĩa là “đang diễn ra” thì sẽ không chính xác. Vì nếu bạn nói “present continuous” là hành động đang diễn ra ở hiện tại thì còn chấp nhận được chứ nếu nói “past continuous” là “đã đang diễn ra” và “future continuous” là “sẽ đang diễn ra” thì nghe mâu thuẫn quá. “Continuous” hiểu cho đúng là “hành động diễn ra theo khuynh hướng kéo dài trong một khoảng thời gian”. Nếu bạn suy nghĩ theo logic này thì khi muốn nói về một hành động đã diễn ra trong quá khứ và muốn nhấn mạnh sự kéo dài của nó, bạn sẽ dùng thì “past continuous”. Ví dụ khi tôi muốn dịch câu “tôi đã làm việc suốt ngày hôm qua” thay vì dùng thì simple past (I worked all day yesterday), tôi sẽ dùng past continuousđể nhấn mạnh vào hành động kéo dài (I was working all day yesterday) sẽ hiệu quả hơn. Tương tự, để diễn tả một hành động sẽ diễn ra trong tương lai và kéo dài trong một khoảng thời gian, tôi sẽ dùng “future continuous.” (I will be sleeping this whole weekend). Tất nhiên thì “present continuous” dùng để diễn tả hành động đang diễn ra trong thời điểm nói.
.
b. Khái niệm “perfect” được dịch sang tiếng Việt là “hoàn thành” cũng là một cách dịch khá hời hợt thiếu chính xác vì nếu bạn nói “past perfect” là “quá khứ hoàn thành” sẽ là dư thừa vì hành động nếu xảy ra trong quá khứ thì coi như đã hoàn thành, còn nếu nói “future perfect” là “tương lai hoàn thành” thì lại tối nghĩa vì “tương lai” chưa xảy ra, làm sao có thể “hoàn thành” được? “Perfect” nếu muốn hiểu đúng thì phải hiểu là “hoàn tất trước một thời điểm”. Một hành động nếu dùng “past perfect” để diễn đạt sẽ có ý nhấn mạnh rằng hành động này “diễn ra trước một hành động hoặc một mốc thời gian trong quá khứ”. Ví dụ như để nói rằng: “Anh ấy đã bỏ đi trước khi tôi đến”, người Anh/Mỹ sẽ dùng thì “past perfect” cho hành động “anh ấy đã bỏ đi” vì nó diễn ra trước hành động “tôi đến”. Sẽ không quá khó hiểu khi bạn áp dụng cách hiểu này vào “future perfect” vì thì này diễn tả một hành động hoàn thành trước một hành động khác hoặc một mốc thời gian trong tương lai. Ví dụ: “Em tôi sẽ tốt nghiệp trước năm 2021” hoặc “Tôi sẽ hoàn thành công việc này trước khi anh ta quay trở lại”. Riêng với thì “present perfect” thì hơi khác một tí vì nó được dùng khi người nói muốn ám chỉ hoặc nhấn mạnh hành động trong quá khứ đã xảy ra được bao lâu so với hiện tại. Ví dụ “Anh ta đã phải chịu đựng căn bệnh này hơn một năm rồi” (He has suffered from this disease for more than a year” hoặc “Tôi chưa từng gặp lại anh từ năm ngoái” (I haven’t seen him again since last year).
.
c. Khái niệm “perfect continuous” dùng để diễn tả một việc đã xảy ra trước (perfect) nhưng vẫn kéo dài cho tới khi hành động thứ hai diễn ra (continuous). Ví dụ “anh ta đã làm việc ở đây cho tới khi tôi thay thế vị trí của anh ta vào năm ngoái” (He had been working here until I replaced him) (past perfect) hoặc “Tôi đã chờ ở đây hơn 2 tiếng nhưng vẫn chưa thấy ai tới” (I have been waiting here for two hours but no one showed up yet”.
.
d. Riêng về khái niệm “simple” (đơn) là một từ không dùng để chỉ cách thức diễn ra của hành động mà dùng để ám chỉ công thức của những thì “simple” đơn giản hơn những thì khác (không cần mượn trợ động từ và dạng của động từ chính đơn giản hơn ở thể xác định). Rất hiếm giáo viên Việt Nam khi dạy thì hiểu được nghĩa của từ “simple” này. Chính vì vậy thì “present simple” thường bị hiểu sai là miêu tả một hành động “đơn giản” ở hiện tại (không có khái niệm “hành động đơn giản” trong tiếng Anh) trong khi đó, thì này dùng để diễn tả một thói quen hoặc sự thật hiển nhiên không bị ràng buộc về yếu tố thời gian.
.
Dĩ nhiên vẫn còn nhiều cách dùng khác cho những thì nói trên nhưng nếu bạn hiểu được logic cơ bản đằng sau các thì thì việc chọn lựa thì đúng để diễn đạt trong tiếng Anh sẽ chính xác và hiệu quả hơn. Ngoài ra còn có những dạng thì sử dụng để chỉ sự giả định của hành động (hành động đó trên thực tế không xảy ra) dùng với các mẫu câu điều kiện “if”. Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố “time” thì bạn sẽ không hiểu được tại sao “present perfect” hoặc “present perfect continuous” lại sử dụng để diễn tả hành động trong quá khứ chứ không phải là hành động trong hiện tại và khi muốn diễn tả hành động diễn ra ở hiện tại thì bạn lại chọn “present simple” vốn không liên quan gì đến hiện tại cả.
.
Một trở ngại nữa về tư duy logic của tiếng Việt khi áp dụng để hiểu thì trong tiếng Anh là cấu trúc thì của tiếng Anh đòi hỏi sử dụng đúng “dạng” của động từ. Một động từ trong tiếng Anh khi chia thì sẽ rơi vào những dạng như sau:
a. Present form: là động từ dạng nguyên mẫu dùng với các chủ ngữ “I, you, we, they” và dạng thêm “s/es” khi dùng với các chủ ngữ “he, she, it” ở thì present simple.
b. Present participle form: là động từ dạng hiện tại phân từ V-ing, được dùng cho các thì mang tính chất “continuous”.
c. Past simple form: là dạng quá khứ đơn của động từ (V-ed đối với động từ có quy tắc hoặc cột thứ hai đối với động từ bất quy tắc) được dùng cho thì past simple.
d. Past participle form: là dạng quá khứ phân từ (V-ed đối với động từ có quy tắc hoặc cột thứ 3 đối với động từ bất quy tắc) được dùng cho những thì mang tính chất “perfect”.
.
Sự chặt chẽ này khiến cho người sử dụng tiếng Anh chỉ cần nhìn vào trợ động từ và dạng của động từ chính trong câu thì có thể hiểu chính xác hành động đó diễn ra như thế nào và khi nào (mục đích của thì). Sẽ rất khó hiểu lầm về ý của người nói hoặc người viết khi họ chọn cách dùng một thì để diễn đạt ý của mình.
.
Trong khi đó động từ trong tiếng Việt không có những dạng khác nhau. Để diễn đạt ý nghĩa của thì, người sử dụng sẽ kết hợp một cách lỏng lẻo những trạng từ “sẽ”, “đã”, “đang” hoặc “rồi”vào trước động từ đó hoặc thậm chí là không có cả những từ này mà người nghe hoặc người đọc phải tự hiểu rằng hành động đó xảy ra hay chưa. Ví dụ: Khi tôi nói “Tôi gặp anh ta ngày hôm qua” thì người nghe sẽ hiểu là hành động diễn ra rồi căn cứ vào trạng từ chỉ thời gian “ngày hôm qua” chứ không phải căn cứ vào dạng của động từ “gặp”. Tương tự, người nghe sẽ căn cứ vào trạng từ “rồi” trong câu “tôi ăn sáng rồi” để hiểu rằng hành động “ăn sáng” đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng vấn đề là những từ “đã, sẽ, rồi, đang” hoặc những trạng từ chỉ thời gian “hôm qua, tuần tới, ngày mai” không phải lúc nào cũng xuất hiện trong câu tiếng Việt nên việc đoán hành động xảy ra chưa hay rồi đối với người nghe sẽ rất khó khăn. Ví dụ khi tôi nói “tôi ăn sáng lúc 8 giờ”, người nghe sẽ dựa vào ngữ cảnh mà hiểu rằng hành động ăn sáng đã xảy ra (nếu thời điểm nói là sau 8 giờ) hoặc chưa xảy ra (nếu thời điểm nói là trước 8 giờ) hoặc cũng có thể hiểu đây là một thói quen lặp đi lặp lại lúc 8 giờ của người nói nếu không dựa vào yếu tố thời gian. Ngay cả một câu được hiểu trong tiếng Việt là đã xảy ra rồi trong quá khứ “Tôi đã làm việc ở đây hai năm” cũng có thể diễn giải thành ba câu với ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong tiếng Anh:
a. “I worked here for two years” với ý nói “trước đây tôi đã làm việc ở đây hai năm, nhưng bây giờ thì không còn nữa.”
b. “I have worked here for two years” với ý “tính tới thời điểm này, tôi đã làm việc ở đây được 2 năm”.
c. “I have been working here for two years” với ý “tính tới thời điểm này tôi đã làm việc ở đây được 2 năm và hiện vẫn đang làm.”
.
Việc không chia động từ trong tiếng Việt cũng khiến cho người Việt học tiếng Anh không chú tâm tới logic chia động từ của ngôn ngữ này mà theo quán tính sẽ dùng luôn động từ nguyên mẫu vào câu bất chấp thì đó là thì gì. Rất nhiều người Việt quên không thêm “s” vào sau động từ ngôi thứ ba số ít khi dùng nó với chủ ngữ “he, she, it” ở hiện tại đơn cũng như không chia động từ sang dạng quá khứ khi kể lại những chuyện mình đã trải qua.
.
Có người sẽ cho rằng tiếng Việt như vậy đơn giản hơn nhiều, không cần nhớ nhiều dạng động từ làm gì cho mệt. Câu trả lời của tôi là thế này: “Nếu anh chấp nhận việc mặc cùng một bộ quần áo cho tất cả những dịp đi làm, đi chơi, đi dự tiệc, ở nhà và lên giường ngủ thì đúng là việc không chia động từ cho những trường hợp khác nhau thì đối với anh không có gì gọi là quan trọng cả.”
.
Tôi vẫn còn một bài viết phân tích về ngôn ngữ nữa trước khi chuyển sang phân tích những khía cạnh khác như lịch sử, tín ngưỡng, tư tưởng, văn hóa và giáo dục. Hi vọng các bạn kiên nhẫn theo dõi và khoan kết luận gì trước khi đọc hết series dài tập này. Rất cảm ơn sự ủng hộ của các bạn với những bài viết của tôi về những chủ đề khá khó đọc như thế này.
VI. Người Việt hời hợt (phần 6)
.
Những vấn đề cuối cùng trong logic của tư duy ngôn ngữ tiếng Việt.
.
Khi chúng ta chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ ở mức độ giao tiếp thông thường mà không có cơ hội đối chiếu ngôn ngữ đó với những ngôn ngữ khác hoặc sử dụng nó cho những mục đích tra cứu hoặc học thuật, chúng ta sẽ hiếm khi phát hiện hoặc quan tâm đến những lỗ hổng về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp của thứ tiếng mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Nhưng nếu bạn phải làm việc với ngôn ngữ thường xuyên để dịch thuật, nghiên cứu hoặc giảng dạy, bạn sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề về tính logic của tiếng Việt so với những ngôn ngữ khác. Sở dĩ tôi nói hơi nhiều về ngôn ngữ trong loạt bài viết này vì ngôn ngữ là cách con người thể hiện tư duy của mình. Nếu tư duy của bạn không sâu sắc và chặt chẽ, ngôn ngữ của bạn cũng thế. Ngôn ngữ cũng ảnh hưởng ngược lại đến tư duy của người sử dụng nó vì khi bạn đã quen với việc nói hoặc viết một ngôn ngữ nào đó, bạn sẽ quen luôn với cách tư duy của ngôn ngữ đó. Và khi bạn áp dụng tư duy này vào việc suy luận hoặc tiếp cận một ngôn ngữ khác, bạn sẽ bị một rào cản rất lớn.
.
Bài viết này sẽ kết thúc mảng ngôn ngữ trong chủ đề “người Việt hời hợt” để có thể phân tích những vấn đề khác trong những bài viết sau. Thật ra, vẫn còn rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ để nói nhưng tôi không muốn đi quá sâu vì cũng không cần thiết. Bài viết này tôi sẽ tập trung phân tích một số điểm thiếu logic trong bản thân ngôn ngữ tiếng Việt.
.
.
Tôi lúc trước cũng không nhận ra những vấn đề này cho tới khi bản thân mình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và quả thật, chúng khiến tôi có một cách nhìn hoàn toàn mới về tính logic của tiếng Việt. Bài viết này thay vì sử dụng một thái độ khẳng định, tôi sẽ viết theo hướng đặt ra những câu hỏi và rất mong muốn nhận được những câu trả lời thuyết phục.
.
1. Trật tự các từ trong tiếng Việt khá lỏng lẻo: Đối với những ngôn ngữ mang tính logic cao, mỗi một từ ở trong câu đều có một vị trí và chức năng nhất định, không thể tùy tiện thêm vào hoặc bỏ ra hoặc thay đổi vị trí. Tiếng Việt thì khác, có nhiều trường hợp những thành phần trong câu có thể thêm bớt hoặc thay đổi vị trí mà vẫn không ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu. Ví dụ tôi nói: “Tôi bị nhức đầu” hay “đầu tôi bị nhức” hoặc “tôi nhức đầu” hoặc “đầu tôi nhức” thì nghĩa của câu này vẫn không có gì thay đổi. Khi viết câu này sang tiếng Anh, tôi chỉ có thể viết rằng: “I have a headache”(tôi bị nhức đầu) hoặc “My head aches/hurts” (đầu tôi bị đau). Nếu hiểu một cách sơ sài hoặc không nắm vững cách dùng trong tiếng Anh, người Việt thường sẽ sử dụng động từ “to be” để dịch từ “bị” hoặc “được” vì được dạy rằng “to be + past participle” có nghĩa là “bị” hoặc “được”. Vì thế nếu dịch thành “I am headache” thì câu này không có nghĩa vì “headache ở đây là danh từ chứ không phải động từ hoặc tính từ. Còn nếu dịch là “My head is hurt” thì nghĩa của nó lại là “Đầu tôi bị chấn thương” không hề cùng nghĩa với “My head hurts” (đầu tôi bị đau).
.
Tương tự, tiếng Việt có thể đảo thứ tự danh từ và tính từ trong một số trường hợp nhưng không có logic cụ thể cho việc đảo ngữ này. Ví dụ, ta có thể nói “ngựa trắng” theo kiểu thuần Việt gồm hai từ thuần Việt ghép lại với nhau theo thứ tự danh từ đứng trước tính từ hoặc “bạch mã” theo kiểu Hán Việt với hai từ Hán Việt ghép với nhau theo thứ tự tính từ đứng trước danh từ. Nhưng ta vẫn có thể nói là “ngựa bạch” gồm một từ thuần Việt ghép với một từ Hán Việt theo nguyên tắc ghép từ thuần Việt (danh từ trước tính từ) mà không có lý do cụ thể để giải thích cho sự ghép từ này. Ngược lại, tổ hợp từ “trắng mã”, “bạch ngựa” hay “mã trắng” đều không được chấp nhận trong tiếng Việt. Phải chăng tổ hợp từ “ngựa bạch” được chấp nhận bởi vì đây là một cách nói thuận miệng và nghe thuận tai chứ không có một logic nào xác đáng? Vì nếu đã là logic thì nó phải được áp dụng cho tất cả các trường hợp chứ không phải ngoại lệ.
.
2. Tiếng Việt có nhiều từ đồng nghĩa nhưng không dùng được để thay thế nhau: Trong tiếng Anh, những từ được gọi là từ đồng nghĩa (synonym) phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện sau:
a. Cùng từ loại
b. Luôn luôn thay thế cho nhau được trong mọi ngữ cảnh.
.
Còn đối với những trường hợp những từ ngữ có nghĩa gốc giống nhau nhưng chỉ được sử dụng ở những ngữ cảnh đặc trưng thì được gọi là từ gần nghĩa (connotation). Trong tiếng Việt thì khác, một từ có thể có nhiều từ cùng nghĩa nhưng vấn đề là những từ cùng nghĩa này chỉ được dùng cho một ngữ cảnh nhất định mà không thể thay thế cho nhau. Ví dụ cùng một từ “đen” nhưng khi dùng cho những loài vật khác nhau thì chúng ta lại dùng những từ khác nhau ví dụ mèo thì mèo mun, ngựa thì ngựa ô, chó thì chó mực. Bỏ qua những giải thích rằng đây là sự đa dạng và phong phú của ngôn ngữ vì đây không phải là logic mà tôi muốn tìm kiếm, câu hỏi của tôi đặt ra là liệu có logic nào cho việc tạo nên những tổ hợp từ như vậy hay chỉ là sự gán ghép tùy tiện để hình thành chúng. Và nếu “đen”, “ô”, “hắc”, “mực”, “mun”đều chỉ màu đen (không phải dùng để chỉ những sắc thái khác nhau của màu đen) thì tại sao chúng không thể dùng để thay thế nhau trong những tổ hợp từ nói trên?
.
3. Mạo từ và đại từ trong tiếng Việt mang tính định kiến sâu sắc: Trong bài viết lần trước tôi đã đề cập tới việc người Việt gặp khó khăn trong cách sử dụng mạo từ tiếng Anh (a, an, the, không có mạo từ) do không hiểu được quy tắc số ít, số nhiều, đếm được, không đếm được và xác định hoặc không xác định. Đây là một nguyên tắc nhất quán và không mang tính chất định kiến. Ngược lại khi tôi dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho họ hiểu tại sao tiếng Việt lại có những mạo từ và đại từ mang tính định kiến phong phú đến như thế. Cùng là một danh từ “vua” nhưng nếu bạn dùng mạo từ “vị” hoặc “đức” trước nói, người đọc hoặc nghe sẽ mặc định rằng đây là một ông vua tốt, nhân từ. Còn nếu bạn dùng “lão” hay “tên” trước nó thì mặc nhiên người đọc hoặc nghe sẽ nghĩ đây là một ông vua tồi tệ. Cũng là “lính”nhưng “tên lính” hay “thằng lính”thì xấu, ắt hẳn thuộc về phe địch còn “anh lính” hoặc “người lính” thì sẽ tốt, là người của phe ta.
.
Trong tiếng Anh, đại từ “he” dùng để chỉ một người thuộc phái nam, “she” dùng để chỉ một người thuộc phái nữ, còn “they” chỉ một nhóm người. Những từ này không hề có thành kiến với người được nhắc đến. Nhưng “he” khi dịch sang tiếng Việt sẽ trở thành “ông ấy”, “anh ấy”, “ngài ấy”, “thằng ấy”, “lão ấy”, “tên ấy”, “hắn”…. “she” trở thành “cô ấy”, “nàng”, “chị ấy”, “bà ấy”, “mụ ấy”, con mẹ đó”… và “they” có thể là “họ”, “bọn họ”, “bọn chúng”, “lũ ấy”… tùy theo tình cảm mà người nói hoặc viết dành cho ngôi thứ ba được đề cập.
.
Tôi không phủ nhận tính đa dạng và sắc thái biểu cảm của những từ trên nhưng nếu xét về góc độ logic, người viết hoặc người nói có thể vô tình hoặc cố ý ảnh hưởng đến khả năng tự tư duy và nhận định của người nghe và người đọc khi dùng những mạo từ hoặc đại từ mang nặng tính định hướng. Ví dụ khi nghe nói “tên nhà giàu” hoặc “mụ dì ghẻ” thì người nghe hoặc người đọc vô tình sẽ bị dẫn dắt theo hướng rằng đây là những kẻ xấu, kẻ ác mà bỏ qua những yếu tố khách quan khác về tính cách của những người được đề cập. Đây là một điều hết sức nguy hiểm khi dạy văn học và lịch sử bằng tiếng Việt. Làm sao ta có thể dạy cho trẻ em công tâm nhận xét về nhân vật “MỤ dì ghẻ” trong truyện Lọ Lem (trong tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể đọc và nhận xét về “the stepmother”mà không bị chi phối ngay từ đầu)? Làm sao chúng ta có thể công bằng với lịch sử khi nói về sự hi sinh của “NGƯỜI lính cụ Hồ” nhưng lại nói về cái chết “TÊN lính Ngụy”? Với tầng suất lặp đi lặp lại của những cách dùng mạo từ và đại từ nói trên, người Việt Nam thường có khuynh hướng có thành kiến với một số danh từ bản thân nó không hề có nghĩa tốt hay xấu như “dì ghẻ” hay “nhà giàu”, “địa chủ” mà thiếu sự đánh giá khách quan.
.
4. Nói tắt gây tai hại: Có lần một người Mỹ nhờ tôi giải thích câu thành ngữ “chó treo, mèo đậy” ra tiếng Anh và tôi giải thích rằng: “thức ăn nếu muốn chó không đụng tới thì phải treo lên, còn đối với mèo thì phải đậy lại”, người này ôm đầu thốt lên: “Nói tắt kiểu đó thì tao chịu, không thể nào hiểu được”. Thật sự, những người chưa từng nghe qua câu này hoặc được giải thích sẽ có thể không hiểu hoặc hoàn toàn hiểu sai khi cấu trúc của câu thành ngữ này được tối giảng và thay đổi thứ tự đến mức không thể hiểu nó nói gì.
.
Không chỉ có những câu thành ngữ mà trong cách nói chuyện hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng nói tắt bất chấp ngữ nghĩa và ngữ pháp miễn sao thuận miệng và người khác vẫn hiểu.Có một phần yếu tố vùng miền trong những cách nói tắt, nói rút gọn. Ví dụ người miền Bắc nói “áo (để giữ) ấm” thì miền Nam lại gọi đó là “áo (mặc cho khỏi) lạnh” và thế là “áo ấm” và “áo lạnh” trở thành hai từ đồng nghĩa mặc dù “lạnh” và “ấm” hoàn toàn trái nghĩa. Miền Bắc có từ “kẻo” mang nghĩa “để không” ví dụ “Đi cẩn thận kẻo ngã” (Đi cẩn thận để không ngã) thì miền Nam lại có khuynh hướng bỏ bớt từ “không” trong cụm “để không” khi nói “Đi cẩn thận để té” hoặc “mặc thêm cái áo vô để lạnh”.
.
Cách nói này nếu người nghe đã quen vẫn hiểu đúng nghĩa nhưng đối với người nước ngoài, nó gây ra sự hoang mang vô cùng (tại sao lại phải đi cẩn thận ĐỂ té? Hoặc tại sao phải mặc thêm cái áo vào ĐỂ lạnh?). Miền Bắc rút gọn cụm từ “giấy dùng để chùi miệng sau khi ăn” thành “giấy ăn” (miền Nam gọi là “khăn giấy”) khiến cho nhiều người nếu không phải ở miền Bắc sẽ nghĩ rằng “giấy này dùng để ăn”.
.
Một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam học tiếng Anh rất khổ sở khi học về giới từ (preposition) vì trong tiếng Việt, giới từ cũng có khuynh hướng bị lượt bỏ rất nhiều. Ví dụ “đi để làm việc” hoặc “đi để chơi” sẽ được nói gọn thành “đi làm” và “đi học”. “Đi đến Châu Âu” sẽ được nói gọn thành “đi Châu Âu” và “đi bằng xe máy” sẽ được nói gọn thành “đi xe máy”. Lưu ý rằng những trường hợp này giới từ “để” ,”tới” và “bằng” đều có ý nghĩa khác nhau nhưng đều được tùy tiện giản lược trong khi trong tiếng Anh, những giới từ này không thể lượt bỏ.
.
.
5. Sự thiếu nhất quán về phương hướng trong tiếng Việt: Trong tiếng Anh, hai chữ “here” (ở đây) và “there” (ở đó) được hiểu rất nhất quán: ngay trước mặt người nói hoặc ngay tại chỗ hai người đối thoại đang đứng thì dùng “here” còn ngoài phạm vi đó thì dùng “there”. Trong tiếng Việt, thay vì nói“bạn đặt nó ở đằng kia”, một người vẫn có thể chỉ tay đến một nơi khác và bảo người kia: “bạn đặt nó ở đây này!” (“Ở đây” được hiểu là nơi mà người nói chỉ tới). Nếu dịch câu này sang tiếng Anh thành “You can put it HERE”, người nghe sẽ đặt món đồ đó ngay trước mặt bạn. Hoặc khi bạn chỉ vào một tấm ảnh chụp một nơi nào đó và nói rằng: “Tôi đã từng tới đây” thì người nghe sẽ hiểu rằng bạn đã từng tới nơi trong ảnh. Còn trong tiếng Anh, bạn phải nói “tôi đã từng tới ĐÓ” vì khi bạn nói “Tôi đã từng tới ĐÂY”, người nghe sẽ hiểu rằng bạn đã từng tới nơi mà cả hai đang ngồi.
.
Sự thiếu nhất quán giữa “đây” và “đó” trong tiếng Việt gây rất nhiều phiền phức khi diễn đạt sang tiếng Anh và gây ra sự bối rối của cả người nói lẫn người nghe và kéo theo nhiều khái niệm khác cũng bị hiểu sai. Ví dụ “this” (cái này) và “these” (những cái này) dùng để chỉ vật ngay trước mặt (tương ứng với “here”) và “that” (cái kia) và “those” (những cái kia) dùng để chỉ vật cách xa mình (tương ứng với “there”) cũng rất hay bị người Việt dùng nhầm lẫn khi nói tiếng Anh. Thử nghĩ bạn đi nước ngoài mua sắm, người bán hàng sẽ rất bối rối khi bạn không nhận cái áo mà người ấy đưa cho bạn và chỉ vào một chiếc áo khác rồi bảo: “I want THIS one please” thay vì nói rằng “I want THAT one”.
Người miền Nam thường hay nói “ở dưới quê lên tỉnh” hoặc “dưới quê lên thành phố”. Nhưng cách nói này nếu dịch sang tiếng Anh sẽ gây khó hiểu vì “ở dưới đi lên” chỉ có nghĩa khi hai nơi này có vị trí địa lý chênh lệch về độ cao vật lý. Ví dụ, bạn có thể nói từ Sài Gòn lên Đà Lạt vì Sài Gòn rõ ràng thấp hơn Đà Lạt nhưng nếu bạn nói ở Bến Tre hoặc Cần Thơ lên Sài Gòn. Thật ra cách nói này ảnh hưởng cách nói ngày xưa “thượng kinh” có nghĩa là “lên kinh đô” với hàm ý từ nơi quê mùa lạc hậu đi tới nơi văn minh hơn, sang trọng hơn. Đây là cách nói mang tính kì thị nhưng do dùng quá lâu thành quen nên chúng ta vẫn sử dụng mà không nghĩ ngợi gì nhiều về nó.
.
Sự thiếu nhất quán về mặt phương hướng trong tiếng Việt khiến cho những từ đáng lẽ khác nghĩa hoặc thậm chí là trái nghĩa nhưng dùng trong những ngữ cảnh nhất định lại trở thành đồng nghĩa. Ví dụ tôi nói rằng: “Cậu ấy chưa RA ĐỜI, chưa va chạm nhiều nên chưa có kinh nghiệm sống” và “Hành trang VÀO ĐỜI của anh ta chỉ có những kiến thức học được trong trường” thì “RA ĐỜI” và “VÀO ĐỜI” là hai tổ hợp từ cùng nghĩa trong khi “RA” và “VÀO” hoàn toàn trái nghĩa. “Đứng TRÊN mặt đất” và “đứng DƯỚI mặt đất” đồng nghĩa với nhau mặc dù “TRÊN” và “DƯỚI” là hai từ trái nghĩa. Tương tự “TRONG cuộc đời này” và “TRÊN đời này” là hai cụm từ đồng nghĩa nhưng “TRONG” và “TRÊN” chỉ hai vị trí khác nhau. Ngược lại, cùng một từ chỉ vị trí trong tiếng VIỆT lại có thể chỉ hai vị trí hoàn toàn khác nhau. Khi tôi nói “nón đội TRÊN đầu” chúng ta sẽ hiểu rằng chiếc nón TIẾP XÚC TRỰC TIẾP ở phần trên của đầu” nhưng “mây che TRÊN đầu” thì rõ ràng không ai hiểu rằng mây tiếp xúc trực tiếp trên đầu mà có một khoảng cách với đầu chúng ta.
.
Trong hai ngữ cảnh này, từ “TRÊN” được thể hiện bằng hai giới từ khác nhau trong tiếng Anh với nghĩa hoàn toàn rõ ràng là “ON” dùng cho trường hợp nằm trên và tiếp xúc trực tiếp và “ABOVE” là ở trên nhưng có khoảng cách.
.
Tôi xin tạm thời kết thúc việc phân tích ngôn ngữ ở đây để có thể chuyển sang những yếu tố khác để chứng minh sự hời hợt trong tư duy của người Việt..Tôi cũng xin nhắc lại là tôi không có ý bôi nhọ hay bêu xấu tiếng Việt mà chỉ muốn chỉ ra những điểm chưa nhất quán hoặc chưa logic trong tiếng Việt (Ngôn ngữ nào cũng có điều này, nhưng vấn đề là nhiều hay ít). Sự thiếu chuẩn xác và logic trong tiếng Việt phần nào thể hiện tư duy chưa được sâu sắc và dễ dãi đồng thời cũng khiến cho việc suy nghĩ bằng tiếng Việt không được logic và lý tính như khi bạn tư duy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức (với điều kiện bạn phải thành thạo những ngôn ngữ trên). Điều tôi có thể khuyên các bạn là nếu muốn học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh cho hiệu quả, chúng ta phải hết sức lưu ý đến cách tư duy của người bản ngữ chứ đừng áp dụng cách tư duy của người Việt vào. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ không bao giờ trở nên thông thạo được ngôn ngữ cần học.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)