'Ơ hay, sao mình hời hợt quá'

11:01 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Năm, 2017

Hằng ngày, một bộ phận bạn trẻ thường thốt lên: “Chán thiệt, sao mình hời hợt quá”...

Sơ sơ, qua loa, đại khái

Đó không phải là câu chuyện của riêng ai mà là nỗi niềm chung của nhiều người trẻ. Nhiều học sinh, sinh viên đều thừa nhận: “Bản thân mình hời hợt lắm”.

Thành Nhân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khi kể về sinh hoạt thường ngày của mình luôn cảm thấy hời hợt với sức khỏe do luôn thức khuya dậy muộn tùy ý, ăn uống không điều độ... Chưa kể 3 năm học đại học, chuyện dậy sớm tập thể dục là chưa từng có.

Tương tự, Thu Nhi, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cảm thấy thất vọng về bản thân. Dù là con gái nhưng cũng hời hợt, thường bị mẹ mắng “chỉ là đứa con nít nhiều tuổi” vì chẳng biết lo lắng, phụ giúp việc nhà, để phòng ốc bừa bộn chứ không quan tâm vấn đề vệ sinh. Nếu có làm cũng chỉ làm qua loa, cho có. Tuy bị la thường xuyên nhưng Nhi cũng mặc kệ, vờ hối lỗi nhưng sau đó lại tái phạm.

Tại diễn đàn của các trường trên internet cũng có không ít lời ta thán xoay quanh chuyện này. Có thể thấy sự hời hợt xuất hiện với hàng trăm biểu hiện trong cuộc sống của người trẻ, cả trong tình bạn, tình yêu, chuyện học…

“Mình cảm thấy đi học “chỉ ngồi cho đủ tụ”, lên lớp để điểm danh”, Văn Lễ, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, tâm sự chuyện hời hợt của bản thân trong học tập. Nhiều bạn trẻ thú thật “sao thấy mình hời hợt quá”. Bởi khi thấy bạn bè, người yêu buồn chỉ hỏi qua loa chứ thật sự chẳng đoái hoài quan tâm, chẳng muốn nghe và cũng không muốn giúp đỡ.

Cách nhìn cuộc sống cũng không ngoại lệ, chỉ nhìn vào vẻ ngoài đánh giá người khác, đánh giá sự vật, sự việc qua bề nổi. Họ cũng thừa nhận đã và đang hời hợt với mục tiêu của mình, làm cái gì cũng qua loa, nửa vời chứ không theo đến cùng, khi gặp thử thách khó khăn là bỏ…

Cần có mục tiêu sống rõ ràng

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet, cho rằng hời hợt chính là “bệnh” của người trẻ hiện nay, giống hệt như "nói chung là". Cái gì cũng biết sơ sơ, thấy sơ sơ, cảm nhận sơ sơ. Nhưng còn "nói riêng là" thì không biết, không thấy được, không cảm nhận được. Hiểu mọi thứ một cách qua loa, đại khái, có chiều rộng chứ không có chiều sâu.

Chính sự hời hợt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: học hành bị điểm kém, khó có thành công trong tương lai, dễ bị bệnh. Nguy hiểm hơn là sự hời hợt có thể khiến mình vô cảm với nỗi đau của những người xung quanh.

Theo ông Minh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Đó là giới trẻ không biết mình thật sự cần gì, muốn gì, điều gì thật sự quan trọng nên sẽ nhìn đời theo con mắt "nửa vời": có thì tốt, mà không có cũng chẳng sao. Bên cạnh đó, giới trẻ đang thiếu đi sự động viên đúng lúc, đúng cách từ gia đình và nhà trường. Khi con cái làm một điều tốt, đáng khen ngợi, dù là nhỏ nhặt như dọn nhà sạch sẽ, nếu cha mẹ coi đó là hiển nhiên hoặc tỏ ra không quan tâm lắm thì sẽ khiến người trẻ không hứng thú tiếp tục thực hiện điều tốt này, và vô tình khiến họ hời hợt hơn.

Ông Minh cho rằng không quá khó để thoát khỏi sự hời hợt. Theo đó, bản thân mỗi người cần tạo ra mục tiêu sống rõ ràng, giá trị sống cần thiết, đồng thời nỗ lực để thực hiện ước mơ. Đơn giản hơn, nên tìm kiếm một môn thể thao, nghệ thuật yêu thích để theo đuổi. Vì việc gì bản thân thích thì sẽ làm dễ hơn. Sự kiên trì sẽ giúp có được tính kiên nhẫn và sâu sắc hơn để theo đuổi những điều khác, qua đó có thể đẩy lùi sự hời hợt đã đeo bám bấy lâu nay.

Nguồn:Thanh Niên
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: Nông nổi, hời hợt, tín ngưỡng xen hoài nghi

    01/12/2018Vương Trí NhànNhững phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung là nông nổi, hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Học hời hợt

    04/03/2016Vương Trí NhànAn Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...
  • 'Thưa sinh viên - những người sống hời hợt và vô bổ'!

    21/07/2015Đ.Q tổng hợp"Thưa các anh chị sinh viên - trí thức cao - mong các anh chị sống bớt hời hợt và vô bổ cho xã hội nhờ!"
  • “Phương Tây - một giấc mơ hời hợt!”

    16/03/2014Tô Phương Thủy thực hiệnNếu đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Xã hội nào cũng có có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như “thiên đường”. Chẳng hạn, ở phương Tây, “chừng nào lệnh chuyển tiền tự động của bạn vẫn hoạt động, thì không ai quan tâm bạn sống hay chết”...
  • Về sự hời hợt

    09/07/2009Quốc BảoSự hời hợt được sinh ra bởi tính xuê xoa, ít trách nhiệm, chiếu lệ. Nhưng nó cũng là con đẻ của thói tò mò, sự ỷ lại và môi trường nhiễu loạn thông tin.
  • Tác phẩm giống nhau và sự hời hợt của nhà phê bình

    05/01/2007Bùi Công ThuầnNhững ý kiến về sự “hao hao” giống nhau giữa “Cánh đồng bất tận” (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư và “Dòng sông tật nguyền” (DSTN) của Phạm Thanh Khương đã làm lộ ra sự hời hợt của nhà phê bình và tạo nên sự hoang mang không đáng có cho bạn đọc.
  • xem toàn bộ