Người Việt hời hợt (phần 1, 2)
Xem phần khác:
Lời ngỏ:
Khi viết khảo luận “Người Việt hời hợt” tôi đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận những phản ứng trái chiều. Điều này cũng hết sức bình thường vì phản biện là điều tốt và cần thiết. Tuy nhiên có một vài điều tôi muốn mọi người hiểu cho:
.
1. Tôi viết đề tài này trong khả năng hiểu biết của mình với điều kiện thời gian hạn chế, không có tài trợ về tài chính hoặc hỗ trợ của bất cứ một trường đại học hay viện nghiên cứu nào nên tới bây giờ tôi chỉ dám nói đây là một khảo luận cá nhân. Việc sai sót chắc chắn là không thể tránh khỏi. Có những bạn rất dễ thương, góp ý rất nghiêm túc và thậm chí sửa giúp tôi những lỗi chính tả hoặc câu cú. Tôi rất trân trọng sự đóng góp này. Tôi hi vọng các bạn vẫn tiếp tục theo dõi và nhắc nhở nếu phát hiện ra những lỗi sai. Đó cũng là cách để tôi học hỏi thêm từ mọi người.
.
2. Tôi đứng ở góc độ khoa học để phân tích nên về tôi không đặt tình cảm và cảm tính vào đây. Bài viết của tôi chỉ nêu ra những vấn đề khách quan, không có nghĩa là yêu ghét. Vì thế những comment mang tính công kích cá nhân hoặc khiêu khích, cạnh khóe tôi sẽ xóa và block vì tôi không muốn sa đà vào tranh cãi những vấn đề không có tính khoa học. Khi phép lịch sự tối thiểu và một lập luận đơn giản bạn cũng không có mà chỉ sa đà vào việc khiêu khích, đá đểu hoặc dùng từ ngữ vô học thì bạn không đủ tư cách tranh luận ở đây vì bạn không hiểu thế nào là phản biện.
.
3. Tôi không đả kích bất cứ một tư tưởng tôn giáo nào nên các bạn không cần phải nói những điều mà ai cũng đã biết là: tôn giáo nào cũng dạy con người làm người, hướng thiện và giúp ổn định xã hội. Bạn có quyền tin những gì trước giờ bạn vẫn tin và tôi không có ý định thay đổi niềm tin của bạn. Tôi chỉ muốn nói lên những sự thật về những hạn chế của những tư tưởng tôn giáo đó ảnh hưởng tới tư duy người Việt như thế nào. Bạn chỉ cần bình tĩnh suy nghĩ điều tôi nói đúng hay sai bằng cách quan sát cách cư xử của đa số người Việt Nam hiện đại. Nếu điều bạn quan sát được trên thực tế trái ngược với điều tôi nói, bạn có quyền phản đối. Bạn không có những điều đó, đó là chuyện cá nhân của bạn. Tôi không nói về bạn mà tôi đang nói về xã hội. Bạn không cần phải tìm mọi cách chứng minh rằng bạn không phải như thế. Đôi khi làm vậy lại gây tác dụng ngược đấy.
.
4. Mục đích của tôi không phải là để chứng minh rằng tôi sâu sắc hơn mọi người vì bản thân tôi vẫn là người Việt và khi tôi viết đề tài này, tôi đã nhìn nhận về cả bản thân mình. Vì thế nếu bạn phát hiện ra lỗi trong bài viết, bạn vẫn có thể nhắc tôi biết nhưng đừng kèm những câu cạnh khóe: “đấy, anh cũng hời hợt chứ có hơn ai?” Tôi đâu có nói là tôi hơn ai, đó là bạn tự nghĩ. Thái độ trịch thượng bố đời người khác hoặc cảm thấy hết sức hả hê khi bóc phốt của người khác để cảm thấy mình là giỏi là thái độ của những kẻ vô văn hóa.
.
5. Có những người không hề biết gì về tôi, đọc xong cái tiêu để vào comment suy nghĩ kiểu tôi là người thế nọ thế kia và dạy đời tôi thế này thế nọ. Những dạng người như thế tôi block ngay từ đầu, không tranh cãi hay giải thích gì cả. Xét cho cùng họ cũng chỉ muốn chứng tỏ bản thân họ chứ không muốn hiểu những gì tôi nói.
.
6. Cuối cùng tôi làm điều này vì muốn đóng góp cho xã hội, nâng cao nhận thức chung. Tôi thấy những sai lầm về nhận thức là một trong những nguyên nhân chính khiến đất nước này không phát triển được. Bạn không muốn tin điều đó tôi không ép được. Tôi không vào tường nhà bạn để ép chấp nhận quan điểm của tôi nên nếu chúng ta không đồng quan điểm thì đừng đọc. Tôi không có thời gian để tranh hơn tranh thua ở đây.
.
Tôi biết có nhiều bạn có thói quen tag bạn mình vào bài viết của tôi với mục đích chia sẻ cho bạn mình đọc. Tôi xin ghi nhận điều đó. Có điều là có thể những người bạn của bạn không nghĩ như bạn mà không thèm quan tâm hoặc comment kiểu rất vô phép. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới tâm trạng của tôi khi đọc được. Nếu bạn muốn chia sẻ cho một người nào đó, bạn có thể copy bài rồi gửi riêng cho người đó bằng cách gửi tin nhắn. Họ muốn comment gì trong đó là chuyện của họ, tôi không phải quan tâm họ nghĩ gì. Mong các bạn thông cảm và tiếp tục ủng hộ.
I. Người Việt hời hợt (phần 1)
,
Nếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa hoặc quốc tịch khác nhau, bạn sẽ thấy được rằng đa phần người Việt Nam có lối tư duy khá hời hợt, thiếu chiều sâu. Không kể đến những người thuộc tầng lớp lao động bình dân ít học, những người được xem là trí thức có trình độ đại học trở lên cũng rất nông cạn hời hợt nếu xét với những người cùng tầng lớp ở những dân tộc khác. Đừng vội nổi nóng hay tự ái khi tôi nhận xét như vậy. Hãy đọc kỹ bài viết dưới đây để xem mình có những đặc điểm của một người hời hợt hay không nhé?
.
Mười hai đặc điểm của một người hời hợt:
.
1. Có hiểu biết nông cạn và sơ sài về một vấn đề: Các bạn trẻ bây giờ hiếm có ai hiểu một cách thấu đáo về một vấn đề nào. Tôi nhiều lần cảm thấy rất bất ngờ vì có những kiến thức tưởng chừng rất phổ thông, rất cơ bản các bạn đều không biết hoặc hiểu biết rất sơ sài. Nếu bị bắt buộc phải tìm hiểu thì các bạn trẻ thường làm qua loa cho có, chứ không hề đào sâu vào. Họ thường có khuynh hướng chọn những gì ngắn gọn và sợ đọc dài. Chính vì tính hời hợt qua loa này mà rất nhiều người chỉ cần đọc tiêu đề của một bài báo thôi đã vào phán như mình hiểu hết mọi chuyện.
.
2. Không có hứng thú hoặc sự tò mò đối với kiến thức mới lạ: Kiến thức là vô hạn nên chúng ta chỉ có thể biết nhiều hoặc biết ít chứ không thể nào biết hết được mọi việc. Tuy nhiên con người chỉ học được và tiến bộ khi có sự tò mò và hứng thú với những điều chưa biết. Khi con người trở nên thờ ơ và không hề có đam mê với kiến thức thì việc học chỉ đơn thuần là nhai lại những gì mà người khác cho mình chứ không có sự tìm tòi học hỏi. Các bạn học sinh sinh viên ngày nay dường như thiếu hẳn niềm đam mê với kiến thức. Tôi thường chia sẻ cách học tiếng Anh của mình lúc trẻ là luôn tò mò với những gì có tiếng Anh mà tôi bắt gặp ở bất cứ nơi đâu: một câu slogan trên bảng quảng cáo, một bao bì sản phẩm, một hướng dẫn bằng tiếng Anh ở nơi công cộng… nhưng hầu như rất ít học viên của tôi chịu để ý đến những điều này. Mỗi ngày tôi đều đọc rất nhiều về nhiều đề tài để tự nâng cao kiến thức của mình mà vẫn thấy mình còn quá nhiều điều chưa biết và muốn tìm hiểu.
.
3 . Lười suy luận, không thích thử thách: Khi phải đối diện với những vấn đề hóc búa cần suy luận nghiêm túc, phần lớn các bạn học viên của tôi thường đưa ra một câu trả lời ngẫu nhiên theo kiểu ăn may rồi chờ câu trả lời của tôi để ghi chép lại. Nhiều bạn luôn chuẩn bị câu trả lời: “Em không biết!” mỗi lẫn được hỏi tới như một phản xạ vô điều kiện bất kể câu hỏi đó dễ hay khó. Nhiều lúc tôi phải nửa đùa nửa thật nói rằng bạn không sợ lương tâm mình cắn rứt khi trả lời tôi rằng “em không biết” một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lười suy nghĩ là một thói quen giết chết khả năng tư duy của con người và biến họ thành những kẻ chỉ biết nghe lời người khác bất kể đúng sai.
.
4. Không có khả năng kết nối và tổng hợp thông tin: Những người hời hợt thường chỉ nhìn thấy những thứ nổi trên bề mặt mà ít khi nào chịu khó đào sâu vào những tầng dưới của một vấn đề. Chính vì vậy họ thường không nhận thức được những ẩn ý bên trong, không thấy được mối liên hệ giữa những vấn đề có liên quan, không áp dụng được những kiến thức cũ đã học vào thực tế và cũng không có khả năng khái quát hóa những điều cụ thể để rút ra một khái niệm chung. Ngược lại, khi học một khái niệm mang tính chất trừu tượng, họ không có khả năng tự mình liên tưởng đến những ví dụ cụ thể liên quan đến khái niệm đó. Nói một cách khác, những người hời hợt học một biết một, học hai biết hai chứ hiếm khi tự mình liên kết hay tổng hợp những kiến thức rời rạc đã học được.
.
5. Tranh luận theo cảm tính, ít khi thấy được tính logic của vấn đề: Thật đáng buồn là hầu hết các bạn sinh viên, thậm chí thạc sĩ hoặc đã ra đi làm đều không có khả năng trình bày hoặc lý giải vấn đề một cách có logic. Chính vì lười suy nghĩ và lười tra cứu tìm tòi, những luận điểm các bạn đưa ra thường rất ngây ngô, thiếu thực tế và đầy cảm tính như kiểu tư duy của các em học sinh tiểu học. Những lý do đưa ra thường rời rạc chắp vá, kiểu bất chợt nghĩ tới cái gì thì nói cái đó chứ không hề có sự sắp xếp hoặc liên kết chúng với nhau theo một thứ tự hợp lý. Nhiều lúc tôi tự hỏi những năm tháng học đại học đã dạy được cho sinh viên Việt Nam những kỹ năng gì hay thực sự đã giết chết những kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên?
.
6. Sợ nói đến những chủ đề “nhạy cảm”: Có rất nhiều bạn “trí thức trẻ” (tạm gọi là thế nếu chỉ dựa vào trình độ học vấn) rất ngại đụng chạm đến những vấn đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học… vì những đề tài này rất nhức đầu. Có người còn rất tự hào khi tuyên bố mình không thích nói về chính trị hoặc quan tâm đến những chuyện “không phải của mình” mà chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới công việc hiện tại là đủ. Nếu bạn chú ý nghe những câu chuyện của các cô cậu sinh viên thì mới thấy thế giới quan của họ thực sự nhỏ hẹp một cách đáng lo ngại. Câu chuyện của họ xoay quanh những việc chơi game, cua gái, cua trai, ăn gì, chơi đâu...thì không có gì nghiêm túc cả. Gần đây có một bạn trình độ thạc sĩ hỏi tôi BOT là cái gì, em nghe người ta nói man mán nhưng không hiểu lắm. Tôi hỏi nếu vậy tại sao em không tự mình tìm hiểu. Bạn đó cười cười không nói gì và tôi cũng không chắc là bạn có về tìm hiểu không nữa?
.
7. Thích theo những trào lưu mới nổi nhưng không bền: Hễ có trào lưu nào mới, bất kể là có ý nghĩa hay không thì những bạn trẻ đều theo một cách hăng say nhưng chỉ cần vài tuần khi có trend mới hơn thì họ lại chạy theo trend mới. Đây không phải là sự tò mò cầu tiến mà chỉ đơn thuần là sự hời hợt ham vui bên ngoài, cái gì hot, cái gì dễ thì mình theo nhưng nhanh chóng vứt bỏ nó để đi tìm một món đồ chơi mới vui hơn, lạ hơn. Còn cái gì cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ không có phần của các bạn. Điều này sẽ giết chết sự kiên nhẫn và lòng đam mê đối với một điều gì đó nghiêm túc, những đức tính rất cần thiết cho sự thành công lâu bền.
.
8. Tin theo những gì hợp ý mình bất kể tính xác thực: Khái niệm tìm hiểu thông tin đa chiều để kiểm chứng tính xác thực của thông tin mình nhận được dường như không hề tồn tại đối với rất nhiều người Việt Nam. Điển hình là trên facebook, rất nhiều người share hoặc viết những status mà chỉ cần đọc sơ qua là biết là fake news nhưng họ share bởi vì họ thích nội dung đó. Khi được nhắc nhở, có nhiều người tìm mọi cách cãi chày cãi cối hoặc công kích cá nhân để bảo vệ sự thiếu hiểu biết của mình. Chia sẻ thông tin là một điều tốt, nhưng chỉ chia sẻ những gì hợp ý mình mà thiếu kiểm chứng tính xác thực hoặc không đọc kỹ để tìm ra những điểm ngụy biện hoặc vô lý chứng tỏ sự hời hợt và lười tư duy của người chia sẻ.
.
9. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém: Muốn đánh giá khả năng tư duy của một người, hãy quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ nói và viết vì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tư duy. Những người sâu sắc là những người có khuynh hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cấu trúc câu gãy gọn và các thức biểu đạt hợp lý. Vì họ chú trọng đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin của mình đến người nghe nên khi nói hoặc viết họ sẽ tìm cách để đối phương hiểu được thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và đúng đắn nhất. Họ không nói thừa và cũng không nói thiếu, không dùng những từ ngữ dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu và điều chỉnh giọng nói của mình về âm lượng cũng như biểu cảm hợp lý. Khi viết họ sẽ chú ý đến cấu trúc câu, lỗi chính tả, cách sử dụng dấu câu, cách viết hoa và hiếm khi viết tắt. Ngược lại những người hời hợt thường không chú ý đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin qua kênh nói và viết. Họ thường có khuynh hướng nói tắt nói gọn và hy vọng người nghe phải hiểu những gì mình không nói hoặc nói dài dòng lê thê những điều không quan trọng. Khi buộc phải phát biểu ý kiến, họ thường nói một cách miễn cưỡng, không đầu không đuôi với âm lượng chỉ đủ cho bản thân họ nghe khiến cho người đối thoại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần hoặc đặt ra nhiều câu hỏi gợi ý nếu muốn nghe được câu trả lời hoàn chính. Khi viết, những người hời hợt thường viết sai chính tả những từ đơn giản, chấm phẩy hoặc viết hoa tùy tiện và thường hay viết tắt theo thói quen của mình.
.
10. Kém ngoại ngữ: Để học tốt một ngoại ngữ, bạn không thể hời hợt qua loa vì mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một logic riêng của nó. Học ngôn ngữ không đơn thuần là học thuộc mẫu câu, từ vựng hoặc công thức rồi lặp lại như cái máy mà phải học cách tư duy của ngôn ngữ đó. Tôi dạy tiếng Anh nhiều năm nên hiểu rất rõ sự qua loa và hời hợt trong cách tư duy của người Việt Nam khi học tiếng Anh. Nếu đổ lỗi hết cho chất lượng đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học ở Việt Nam quá kém thì cũng không hẳn vì khi có điều kiện học nghiêm túc và hướng dẫn tận tình, đa số người Việt vẫn rất ẩu tả trong các phát âm, dùng thì, sử dụng danh từ theo số ít số nhiều….nói chung là đều là những lỗi rất đơn giản và rất dễ khắc phục nếu chịu chú ý. Có những lỗi rất cơ bản được tôi phân tích kỹ, cho rất nhiều ví dụ cụ thể nhưng sau đó thì các bạn học viên của tôi vẫn sai đúng những lỗi đó hết lần này tới lần khác. Điều này chứng tỏ rằng các bạn vẫn học tiếng Anh bằng tư duy của người Việt nên không có sự tiến bộ cho dù học rất lâu.
.
11. Trình độ thẩm mỹ thấp: Để cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh hoặc kịch nghệ, người thưởng thức phải có một trình độ văn hóa và một độ tinh tế nhất định. Những người hời hợt không có chiều sâu sẽ không thích những tác phẩm đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ để có thể cảm thụ được và thường có khuynh hướng chọn những gì đơn giản dễ dãi chủ yếu là để giải trí là chính. Và chính sự dễ dãi thiếu chiều sâu của những sản phẩm giải trí đó tác động ngược lại khiến cho người xem hoặc người nghe trở nên hời hợt và cảm tính hơn. Nhạc não tình, truyện và phim ngôn tình, các gameshow truyền hình là những thứ giết chết tư duy logic của con người hiệu quả nhất vì nó chỉ đánh vào cảm xúc thuần cảm tính chứ không đòi hỏi suy luận hoặc cảm thụ sâu sắc.
.
12. Không có tính sáng tạo: Để sáng tạo, con người cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực cùng với một trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời một người sáng tạo là một người có tinh thần cầu toàn và kiên nhẫn rất cao. Đây là những đức tính những người hời hợt thiếu chiều sâu không có vì cái gì phải mất công mất sức mà không mang lại kết quả nhanh chóng cho họ đều khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Sinh viên học sinh Việt Nam học giỏi chủ yếu là học vẹt và rập khuôn chứ sáng tạo thì không thể vì kiến thức các bạn học chỉ là bề nổi và sự sáng tạo thì bị bóp chết từ trong trứng nước.
.
II. Người Việt hời hợt (phần 2)
.
Nói về nguyên nhân gây ra sự hời hợt của người Việt hiện nay, rất nhiều người nghĩ ngay rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục tệ hại. Tôi không phủ nhận điều này vì nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề. Tuy nhiên sẽ rất cảm tính và thiếu khách quan nếu chúng ta không truy nguyên những khía cạnh khác ảnh hưởng đến tính cách của một cộng đồng hay một dân tộc như nền tảng tư tuỏng triết học, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, nghệ thuật và ngôn ngữ. Và quả thật là sẽ rất “hời hợt” khi tôi nói về nguyên nhân mà không đề cập đến những điều nói trên. Hôm nay tôi sẽ phân tích khía cạnh ngôn ngữ tiếng Việt vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy và nó ảnh hưởng ngược lại tư duy của người sử dụng ngôn ngữ. Những vấn đề khác tôi sẽ đề cập trong những bài viết sau.
.
Sự hời hợt về ngôn ngữ
Sự hời hợt về ngôn ngữ
.
Chắc có nhiều người sẽ nổi giận thậm chí sẽ kết tội tôi là bôi nhọ tiếng Việt khi tôi nói rằng tiếng Việt của chúng ta là một ngôn ngữ khá hời hợt về mặt tư duy.Tôi là một người có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hoa nên tôi luôn có sự so sánh và đối chiếu về ngôn ngữ của ba thứ tiếng trên. Đó là lý do tại sao tôi nhận thấy tiếng Việt so với cả tiếng Hán lẫn tiếng Anh đều không sâu sắc bằng. Chúng ta sử dụng nhiều từ Hán Việt nhưng không biết mặt chữ tượng hình mà chỉ dựa vào âm đọc được phiên âm bằng bảng chữ cái Latin nên việc hiểu sai hiểu lầm về nghĩa từ Hán Việt là chuyện hết sức đương nhiên. Ngược lại mặc dù chữ viết của chúng ta dựa trên bảng chữ cái Latin nhưng cấu trúc văn phạm và từ vựng của chúng ta không hề thuộc về nhóm ngôn ngữ trong ngữ hệ Latin. Điều đó dẫn tới tư duy về ngôn ngữ của chúng ta sẽ không có được sự logic cao như những ngôn ngữ sử dụng ngữ hệ Latin của Châu Âu.
.
Như các bạn đã biết, chữ viết Việt Nam mà chúng ta đang dùng hay còn gọi là chữ quốc ngữ là một hình thức mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha thế kỷ thứ 17 dùng để ký âm lại tiếng nói của người Việt bằng những mẫu tự trong bảng chữ cái tiếng Latin vì chữ Hán và chữ Nôm là một trở ngại lớn trong việc ghi chép và giảng Kinh Thánh. Điểm thuận lợi của chữ viết Latin là người học có thể ráp vần và phát âm những kí tự được ghép với nhau (chữ tượng thanh). Tuy nhiên điều bất cập của bản chữ cái tiếng Việt là chỉ thể hiện cách phát âm của một từ chứ không thể diễn tả được nghĩa của từ đó. Chữ Hán và chữ Nôm trước đó vốn là chữ tượng hình, mỗi ký hiệu sẽ có một ý nghĩa riêng của nó và khi ghép lại với nhau sẽ bổ sung cho nhau về mặt ngữ nghĩa. Do đó, sẽ có rất nhiều chữ viết hoàn toàn khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau nhưng lại được đọc giống nhau. Tôi lấy một ví dụ là khi nói chữ “phong”, phần lớn người Việt đều sẽ nghĩ tới “gió”. Nhưng trong tiếng Hán Việt, có rất nhiều từ đọc là “phong” nhưng nghĩa và cách viết bằng Hán tự hoàn toàn khác nhau ví dụ như “phong” là “dán lại” trong từ “phong tỏa” hoặc “niêm phong”,”phong “ có nghĩa là “đầy đặn” trong từ “phong phú”, “phong” là “ban thưởng” như trong từ “sắc phong” hoặc “phong tước”, “phong” cũng có thể là “mũi nhọn” như trong tên của thủ lĩnh phong trào Dù Vàng Hong Kong “Hoàng Chi Phong”, “phong” cũng có thể là “con ong” (hoàng phong), “phong” có thể là “bệnh hủi”, “phong” cũng có nghĩa là “bị điên”, hay chữ “phong” trong tên của con tôi có nghĩa là “đỉnh núi” hoặc “phong” cũng có thể là “cây phong”. Nếu chỉ dựa trên âm đọc của mà không hiểu được cách viết chúng ta sẽ rất dễ dàng hiểu nhầm nghĩa của một từ.
.
Rất nhiều lần tôi đã giải nghĩa cho bạn bè hoặc người thân hiểu rằng tên của con tôi không phải là “gió” mà là “đỉnh núi”. Đặt tên con là “Chính Phong” tôi mong muốn con mình lớn lên chính trực và hiên ngang như một đỉnh núi, không liên quan gì tới gió mây ở đây cả. Cũng nhiều lần tôi đọc những bài viết ca ngợi Hoàng Chi Phong và người viết ví von rằng “cậu thanh niên này là một làn gió mới mang đến dân chủ cho Hong Kong” và sự ví von này hoàn toàn sai vì chữ “phong” trong tên của Joshua Wong trong tiếng Hán có nghĩa là “mũi nhọn”. Điều này tạo nên một sự hời hợt trong tư duy của người Việt, nhất là khi dùng từ Hán Việt vì chỉ biết âm đọc nhưng không biết cách viết nên rất dễ dàng mặc định âm đọc đó với một nghĩa mà mình biết bất chấp nghĩa đó đúng hay sai.
.
Có một lần tôi đọc trên facebook của một người dịch câu thơ “hoàng phong luyến hoa tâm” là “gió vàng vương vấn nhụy hoa” và tôi góp ý trong comment rằng “hoàng phong” theo tôi nghĩ là “ong vàng” chứ không phải “gió vàng” vì hình ảnh con ong vàng bay quanh nhụy hoa hút mật hợp lý hơn là “gió vàng”. Vì không có bản gốc chữ Hán mà chỉ có bản phiên âm Hán Việt nên rất khó có thể nói là tôi đúng hay người bạn đó đúng. Bạn thử nghĩ nếu những người dịch hoặc giảng giải từ Hán Việt có trình độ kém và lười tra cứu thì sẽ có rất nhiều trường hợp bị hiểu sai, bóp méo nghĩa hoặc thậm chí là dịch vô nghĩa.
.
Một vấn đề nữa là nếu chỉ dựa vào cách phát âm, nghĩa của từ Hán Việt và từ thuần Việt sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ từ “xán lạn” một từ ghép tiếng Hán hay được viết nhầm thành “sáng lạn” . Trong tiếng Hán “xán” có nghĩa là “rực rỡ, chói lọi” kết hợp với chữ “lạn” cũng là từ tiếng Hán có nghĩa là “ánh sáng của kim loại”. Còn “sáng” trong tiếng Hán có nghĩa là “chế tạo ra” (ví dụ như “sáng tạo”, “sáng kiến”, “sáng thế”). Nếu ghép vào chữ “lạn” thành “sáng lạn” thì cụm từ này vô nghĩa. Còn nếu ghép nghĩa thuần việt của từ “sáng” vào trong từ này thì càng không hợp lý vì một từ thuần Việt không thể ghép vào một từ Hán Việt như thế được. Cũng như từ “yếu điểm” hay bị hiểu lầm là “điểm yếu” thay vì “điểm quan trọng” (chữ “yếu” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là quan trọng như “trọng yếu”, “thiết yếu”, “tất yếu”). Còn nếu muốn nói là “điểm yếu” theo trật tự Hán Việt thì phải nói là “nhược điểm”. Một số từ để cho đọc thuận miệng đã bị đảo thứ tự lại thành ra sai nghĩa như “thủy chung” thường bị nói thành “chung thủy”. Đây là một cách nói sai hoàn toàn vì “thủy” có nghĩa là “bắt đầu” (thủy tổ, nguyên thủy) còn “chung” là “kết thúc” (chung kết, chung thân). “Thủy chung” có nghĩa là từ đầu tới cuối, còn nếu nói “chung thủy” thì có nghĩa là “từ cuối lên đầu”.
.
Thật lòng mà nói, bài viết này của tôi không có ý đổ tội cho việc Latin hóa chữ Việt nhưng chữ viết hiện đại của chúng ta chỉ phiên âm chứ không thể hiện được nghĩa từ và không phải ai cũng điều kiện để tìm hiểu hoặc truy nguyên gốc từ Hán Việt nên việc dùng nhầm, dùng sai, ngộ nhận đã góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến cách tư duy của chúng ta trong ngôn ngữ. Đó là chưa kể sau này khi những kẻ dốt nát thất học lên “cải cách” ngôn ngữ và giáo dục, sự hời hợt và nông cạn thể hiện rất rõ trong việc sử dụng từ ngữ. Những danh từ như “chất lượng”, “cá tính”, “ngoại hình” đều bị dùng như một tính từ. “Cá tính” nếu hiểu đúng nghĩa là tính cách riêng của một người nên cho dù bạn là người mạnh mẽ hay yếu đuối, nhu nhược hay quyết đoán thì bạn đều là người có cá tính, chỉ có điều là cá tính của bạn như thế nào mà thôi. Tương tự, một vật dù tốt hay xấu đều có “chất lượng” chứ không thể nào không có chất lượng. Mỗi lần tôi đi ngang những nơi đăng bản tuyển nhân viên nữ “có ngoại hình” tôi lại vừa cảm thấy buồn cười vừa bực mình. Đã là vật hữu hình thì ai mà chả có ngoại hình chứ có phải là ma đâu mà không có ngoại hình. Cách nói tùy tiện theo quán tính này không chỉ thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn xuất hiện trong rất nhiều văn bản viết vốn cần độ chuẩn xác cao của ngôn ngữ. Và việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện và thiếu chuẩn xác hình thành nên một lối suy nghĩ cũng hời hợt và tùy tiện của người sử dụng nó.
.
Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng ngôn ngữ luôn luôn thay đổi và những từ mượn như từ Hán Việt chẳng hạn sẽ có khuynh hướng mang ý nghĩa khác với nghĩa gốc ban đầu nên chuyện tiếng Việt dùng sai hoặc khác nghĩa với tiếng Hán Việt thì có gì to tát đâu. Điều này đúng là không quan trọng lắm cho tới khi bạn áp dụng cách tư duy trong tiếng Việt vào trong việc học một ngôn ngữ khác có tính logic cao như tiếng Anh chẳng hạn, bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối phiền hà trong việc diễn đạt vì ngôn ngữ đó không chấp nhận cách tư duy phiến diện. Ví dụ nếu tôi dịch câu “dịch vụ ở đây chất lượng lắm” sang tiếng Anh theo kiểu “the service here is very quality” thì không ai hiểu tôi nói gì cả vì câu này sai cả về ngữ pháp (phó từ “very” không thể bổ nghĩa cho “quality” là danh từ, còn “quality” không thể đứng ở vị trí tính từ) và sai về cả ngữ nghĩa (“chất lượng” (danh từ) không đồng nghĩa với “tốt” (tính từ)).
.
Bài viết tiếp theo tôi sẽ phân tích sự hời hợt và tùy tiện của tiếng Việt khi so sánh với tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ được đánh giá rất cao về tính logic. Đó cũng là lý do tại sao người Việt gặp nhiều khó khăn khi học tiếng Anh vì phần lớn chúng ta không có sự logic trong tư duy ngôn ngữ. (Xem tiếp...)
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)