Về sự hời hợt
Sự hời hợt được sinh ra bởi tính xuê xoa, ít trách nhiệm, chiếu lệ. Nhưng nó cũng là con đẻ của thói tò mò, sự ỷ lại và môi trường nhiễu loạn thông tin.
Lắm lúc tôi phải ngạc nhiên tự hỏi, tại sao câu phỏng vấn xuất hiện với tần số cao nhất cứ là 'Anh (ông/ bà/ chị/ chú) nghĩ gì về...?
Phải chăng các nhà báo tin rằng bất kỳ công dân Việt nào, nam phụ lão ấu, "đại gia", tiểu thương, nghệ sĩ hay chưa có việc làm, đều phải bao quát hết các vấn đề diễn ra trong xã hội?
Văn hào Ý Umberto Eco có đưa ra khái niệm 'bộ lọc' thông tin, trong đó, ông cho rằng rất cần thiết mỗi cá nhân phải tự tinh lọc nguồn thông tin ùa ập đến với mình trong bối cảnh bội thực truyền thông hiện giờ. Nếu không, dù là một nhà thông thái, ta cũng sẽ rơi vào sự hời hợt.
Thừa thông tin chẳng lẽ thay vì biến một người thành sâu sắc quá độ, lại hóa họ thành kẻ hời hợt ư?
Khi cần tra cứu thông tin về anh chàng Bi xứ Hàn, ví dụ thế, bạn sẽ nhận được hàng chục nghìn đề mục từ Google.
Có hai khả năng xảy ra: một, bạn chấp nhận hy sinh nửa cuộc đời để tra cứu, đối chiếu hết hàng chục nghìn nguồn thông tin ấy, để trở thành chuyên gia-Bi, nhà Bi-học và dĩ nhiên bạn không đào đâu ra thì giờ cho việc hiểu ngọn ngành việc dự đoán đường đi của một cơn bão như Chanchu. Khả năng thứ hai là bạn sẽ loại ngay anh vũ công Hàn kia khỏi bộ nhớ, để quan tâm những vấn đề khác. Dù chọn hướng nào, bạn cũng sẽ thờ ơ và hời hợt với đề tài này hoặc đề tài khác.
Vâng. Khi đã có quá nhiều nguồn bàn luận, đưa tin (đa phần thiếu nghiêm túc và chính xác), bạn sẽ không còn muốn phát biểu điều gì nữa, không còn muốn nghĩ về vấn đề ấy nữa, không còn muốn tự cài bộ lọc cho mình nữa, không còn khao khát được hiểu biết hay nắm một khái niệm nữa. Bấy nhiêu thứ không còn muốn đủ làm cho bạn qua quýt, hời hợt, chiếu lệ; bạn thành một cái máy trả lời phỏng vấn được lập trình hời hợt.
Chẳng hạn, nếu ai hỏi tôi, anh nghĩ gì về làn sóng rock đang trở lại, tôi sẽ nói gì? Dạ thưa, (xứ Huế bây giờ - Bùi Giáng), tôi cho rằng rock trở lại là điều tất yếu, là xu thế thời đại, bởi đấy là tiếng nói giới trẻ. Hay, muốn tỏ ra dễ thương hơn, thì ôi rock à, tôi yêu nó, tôi nghe nó hàng ngày, tôi không thể sống thiếu nó, rock Việt thì tuyệt vời hơn, tôi là người Việt chắc chắn tôi phải yêu rock Việt, vân vân. Hay, muốn gây sốc hơn, rock ấy à, rock Việt ấy à, dào ôi, ra gì đâu, dở hơi, vớ vẩn. Dù chọn cách trả lời nào, bạn cũng lâm vào một tình thế giống nhau, đó là chưa kịp hiểu rock là gì, và cái thứ rock mà ông nhà báo hỏi thực chất là rock nào, ở đâu, mặt mũi ra làm sao!
Chẳng hạn, nếu nhận câu hỏi, anh nghĩ gì (lại nghĩ gì) về thần tượng Bi của giới trẻ Á châu, tôi sẽ nói gì? Dạ thưa (xứ Huế bi chừ), tôi không biết Bi là chú nào, ở làng nào, cha mẹ là ai. Dạ thưa, tôi khâm phục ý chí anh ta. Dạ thưa, tôi ngưỡng mộ công nghệ lăng xê Hàn Quốc. Dạ thưa, Bi ấy à, tôi không xem Ngôi nhà Hạnh Phúc nên không biết anh ta, Hàn thì tôi chỉ xem Kim Ki-duk thôi. Dạ thưa, anh ta hát dở hơn Đan Trường. Dạ thưa, vân vân... Tệ hại như nhau.
Tôi cho rằng mỗi câu hỏi phỏng vấn đều nên được 'lọc' kỹ trước khi đưa ra. Bạn cần nguồn thông tin nào, cần khoanh vùng thảo luận ra sao, cần khai thác những ý gì để bài phỏng vấn/ bài viết của bạn vẫn đầy thông tin, nhưng là những thông tin đã được lọc? Sự hời hợt của người hỏi sẽ dẫn đến hời hợt tệ hơn của người đáp; sự xuê xoa, ỷ lại của người hỏi sẽ lôi người đáp vào tình trạng ỷ lại hơn, nhàm chán hơn và chiếu lệ hơn.
Internet được Umberto Eco cảnh báo như con thú gây ra sự hời hợt, thói ỷ lại và tình trạng hỗn loạn thông tin. bạn có thể tin lời Eco, hoặc không. Nhưng chắc chắn bạn sẽ phải tự thiết lập những bộ lọc nhiều cho mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh