Người Việt hời hợt (phần 8, 9, 10)
Xem phần khác:
VIII. Người Việt hời hợt (phần 8)
.
Tam giáo (Lão, Nho và Phật) đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và tư tưởng của người Việt như thế nào?
.
Rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người ở tuổi cha mẹ tôi thường sẽ có những phản ứng khá mạnh mỗi khi giới trẻ có những phát biểu mang tính chỉ trích đối với những vấn đề được mặc định là “truyền thống dân tộc” đặc biệt là những chuyện liên quan đến tôn ti trật tự hoặc cúng quả, giỗ chạp. Trong tâm thức của họ, những gì của ‘ông bà ta để lại” thì mặc nhiên là đúng và không được quyền lên án hoặc xem xét lại. Cũng như có rất nhiều người ngày rằm mồng một đều rất siêng ăn chay và đi chùa, những nghi thức cúng bái cầu siêu cầu an hóa vàng phóng sinh… không có gì là không rành nhưng khi chỉ lên những tượng Phật trong chùa hỏi đây là ai thì ngoài Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm ra, những vị phật khác đều mù tịt. Có những người đến các ngày vía ông vía bà đều đi hành hương đền nọ miếu kia nhưng ngoài việc cầu lợi lộc cho bản thân như tình duyên gia đạo, mua may bán đắt, họ đều không quan tâm đến chuyện nơi mình mang lễ đến khấn vái thờ thần hay thờ quỷ, miễn sao là nghe người khác đồn là nơi đó linh thiêng lắm là cứ thế mà đến lễ bái nhang đèn.Nhìn chung, đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam chúng ta khá hời hợt và chứa đầy những mâu thuẫn nội tại trải qua suốt bao nhiêu năm tháng nhưng lại có rất ít những thay đổi mang tính chất bước ngoặc. Bài viết này sẽ phân tích khía cạnh tôn giáo và đời sống tinh thần của người Việt Nam.
.
.
Nếu đi ngược về lịch sử của Việt Nam từ thời sơ khai thì người Việt cổ không có tôn giáo và hệ tư tưởng triết học mà chỉ có những tín ngưỡng dân gian bái vật và phồn thực. Đến thời kỳ Bắc thuộc trên 1000 năm, tam giáo Lão, Nho, Phật được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam và trở thành hệ tư tưởng chính thống của người Việt và ngay cả khi giành được độc lập thì các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn xây dựng đời sống tinh thần và chính trị xã hội Việt Nam dựa trên cái nền tảng tam giáo này từ đời nhà Đinh (thế kỷ thứ 10) đến đời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ thứ 20). Như vậy nếu tính sơ sơ thì nền tảng tư tưởng do tam giáo tạo ra đã tồn tại và bám rễ ở Việt Nam trong suốt ít nhất là 2000 năm, một khoảng thời gian cực kỳ dài. Và vì thế dù muốn dù không, chúng ta phải xét đến sự ảnh hướng của tam giáo đối với đời sống tinh thần cũng như tính cách của người Việt Nam.
.
Khi tôi viết những bài lên án Nho Khổng và những hậu quả nặng nề của nó để lại đối với tư duy của người Việt Nam, có rất nhiều người gửi cho tôi những tin nhắn rất dài nhằm giải thích với tôi rằng Nho giáo không xấu và Khổng Tử không có lỗi. Điều này cũng tương tự như cố gắng giải thích cho tôi nghe rằng học thuyết của Karl Marx không sai lầm và Marx không có lỗi khi chủ nghĩa của ông tràn lan trên toàn cầu. Khách quan mà nói, bất cứ một học thuyết hay một hệ tư tưởng triết học nào trên thế giới cũng đều chứa đựng cả hai mặt tốt và xấu, tiến bộ và hạn chế. Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo hay triết học cổ đại phương Tây của Socrates, Plato và Aristotle cũng thế. Vấn đề ở chỗ là khi một hệ tư tưởng chiếm vai trò độc tôn và bảo thủ không thay đổi thì nó chắc chắn sẽ trở nên lạc hậu không hợp thời và bị lợi dụng để phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người nào đó. Tam giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam trong suốt lịch sử phong kiến không có những thay đổi cốt lõi mang tính chất cách mạng mà trái lại ngày càng biến tướng tinh vi hơn để làm công cụ khóa chặt tư tưởng của con người.
.
Đầu tiên xin được nói về Nho giáo. Khổng Tử và Mạnh Tử là những người đặt ra nền móng của hệ tư tưởng Nho giáo có công trong việc đưa ra những quy chuẩn trong việc ứng xử xã hội cũng như nghĩa vụ của những tầng lớp khác nhau nhằm tạo ra một xã hội có trật tự thống nhất và dễ điều hành hơn khiến cho nhà nước phong kiến tập quyền có thể củng cố quyền lực tối đa. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử từ chế độ phong kiến sơ khai thời Ân-Chu để trở thành chế độ phong kiến chuyên chế thời Tần-Hán và các triều đại Trung Quốc sau này. Nhưng khi phong thánh Khổng Mạnh và thần thánh hóa những gì thuộc về Nho giáo (chữ Thánh Hiền, sách Thánh Hiền) thì chế độ phong kiến đã rất thành công trong việc dùng hệ tư tưởng Nho giáo này để làm người dân ngu muội và tuân phục vì những lý do sau đây:
.
1. Đã là Thánh nhân thì cái gì liên quan tới họ đều đúng, cấm cãi, chỉ được ca ngợi và học theo chứ không được phê phán hoặc phản biện. Điều này khiến Tứ Thư Ngũ Kinh được tôn sùng suốt hai ngàn năm mà không hề có một lời chỉ trích hoặc phê bình từ những người gọi là có học.
.
2. Nho giáo đề cao tính tôn ti trật tự theo kiểu dưới phải phục tùng trên mà không được quyền chống đối hoặc phản kháng cho dù trên có như thế nào đi nữa (thần tử phục tùng vua, con cái phục tùng cha mẹ, học trò phục tùng thầy, vợ phục tùng chồng). Mặc dù đạo quân thần, sư đồ, phu phụ và phụ tử trên lý thuyết đều mang tính hai chiều nhưng trên thực tế những kẻ ngồi chiếu trên nếu có cư xử không phải đạo hoặc thậm chí là bá đạo cũng đều được giơ cao đánh khẽ chứ không bị trừng trị thẳng tay như trong trường hợp những kẻ chiếu dưới lỗi đạo.
.
3. Nho giáo đề cao đạo học của Khổng Mạnh nhưng coi thường thậm chí bài xích và triệt tiêu những hệ tư tưởng triết học khác để chiếm vị trí độc tôn về mặt tư tưởng. Điều này khiến cho người theo Nho giáo trở nên kiêu căng và ngu dốt vì tưởng rằng những gì mình biết là chân lý và có thái độ khinh rẻ những tư tưởng tiến bộ. Chính vì thái độ ếch ngồi đáy giếng đó mà nhà Thanh của Trung Quốc và nhà Nguyễn của Việt Nam đã nếm mùi thất bại cay đắng trước kỹ thuật quân sự hiện đại của phương Tây dẫn đến việc mất nước.
.
4. Nho giáo coi rẻ khoa học và thương nghiệp vốn là những yếu tố nền tảng để phát triển đất nước. Điều này khiến cho toàn bộ nền kinh tế của những nước Nho giáo đều trông cậy vào nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp lỗi thời lạc hậu. Trong khi đó tầng lớp Nho sĩ với vốn kiến thức vô dụng của mình lại được xã hội coi trọng trong khi họ chính là thành phần ăn bám.
.
5. Nền giáo dục khoa cử Nho giáo không coi trọng việc tìm ra cái mới mà coi trọng việc lục tìm trích dẫn điển xưa tích cũ (cổ nhân có câu…), không coi trọng tính ứng dụng mà thích những thứ sáo rỗng phù phiếm (ngâm vịnh ca ngợi phong hoa tuyết nguyệt nhưng lại rất kém về những thường thức đời sống…), không thích việc tìm ra chân lý mà thích việc lấy lòng bề trên bằng việc ca ngợi công đức của vua, của cha mẹ của thầy…Đó là những bức tường về mặt tư tưởng giam cầm những người theo Nho học khiến cho họ tưởng rằng mình là người hiểu biết nhưng thật ra rất ngu dốt và thủ cựu.
.
6. Nho giáo đề cao thuyết “thiên mệnh” cho rằng chỉ có một dòng họ có quyền làm chủ đất nước và cai trị muôn dân. Thuyết thiên mệnh đánh tráo khái niệm “quốc gia” với khái niệm “triều đình”, “dân tộc” với “hoàng tộc”. Người dân trung thành với quốc gia và dân tộc đồng nghĩa phải trung thành với triều đình và hoàng tộc.
.
7. Nho giáo trọng nam khinh nữ khiến cho nguồn lực về con người bị lãng phí vô cùng nghiêm trọng vì phụ nữ không được học hành, không được làm việc mà chỉ nghĩ tới chuyện tam tòng tứ đức, biến bản thân mình thành máy đẻ và nô lệ phục dịch cho gia đình nhà chồng mà còn coi đó là những điều đáng tự hào.
.
8. Nho giáo phức tạp hóa những phép cư xử giữa người với người vốn cần sự chân thành và thân mật trở và biến nó thành những lễ nghi cầu kỳ phiền phức khiến con người rất dễ vướng vào những cái bẫy mang tên “lễ nghĩa” hoặc dùng lễ nghĩa để che giấu cảm xúc thật bên trong. Về lâu về dài, việc tuân thủ theo lễ nghĩa mang tính chất thủ tục nhưng không phải xuất phát từ tình cảm thật khiến con người trở nên khách sáo và đạo đức giả.
.
9. Nho giáo dùng danh lợi và bổn phận trói buộc con người khiến con người xem việc dùng chữ nghĩa kiếm chút công danh và bổng lộc về vun đắp cho gia tộc là lẽ sống của cuộc đời. Khái niệm “chí làm trai” của Nho giáo chỉ để cập tới việc học hành đỗ đạt làm quan vinh quy bái tổ phụng sự triều đình tuyệt đối không nhắc đến việc tìm hiểu, khám phá, sáng tạo và tìm kiếm chân lý.
.
Trong xã hội phong kiến ngày xưa, việc “học chữ Thánh hiền” được xem là đặc quyền đặc lợi chứ không phải là quyền bình đẳng của con người. Điều này dẫn đến việc đại đa số dân chúng đều mù chữ, còn một số rất ít những kẻ có tí chữ nghĩa thì hợm hĩnh kiêu căng, cậy mình đọc được Tứ Thư Ngũ Kinh thì coi như đã ôm hết trí tuệ thiên hạ vào lòng, xem việc bán mạng trung thành với triều đình là hoài bão ý chí lớn lao của nam nhi, xem việc có một chức quan trong triều, xây được cái nhà từ đường cho to và cưới năm thê bảy thiếp về đẻ con đàn cháu đống là sở nguyện của một đời người. Có thể nói, Nho học gần như là một thứ đặc quyền đặc lợi dành cho những kẻ cai trị. Còn đối với dân đen chiếm số đông trong xã hội, những người một chữ bẻ đôi cũng không biết thì chuyện hiểu sâu xa lời giảng của Khổng Mạnh là không tưởng. Nho giáo được phổ biến trong dân gian bằng ca dao tục ngữ, truyện Nôm và những tuồng hát hầu hết lấy từ những điển tích cổ của Trung Quốc ca ngợi tam tòng tứ đức và tam cương ngũ thường hoặc qua những ông thầy đồ biết được dăm ba chữ lẻ về gõ đầu trẻ trong làng mà dân làng hết sức nể sợ. Đối với đại đa số dân đen, Nho giáo được hiểu đơn giản qua một số khái niệm mặc định sau:
.
1. Chuyện quốc gia đại sự là của triều đình chứ thứ dân không có quyền lên tiếng mà phải cam phận con sâu cái kiến. Vua tốt thì dân nhờ, vua ngu thì dân chịu. Phản lại vua và phản lại triều đình là phản lại quốc gia và dân tộc.
.
2. Đã là dân thì phải phục tùng vua quan, đã là con thì phải phục tùng cha mẹ, đã là học trò thì phải phục tùng thầy, và đã là vợ thì phải phục tùng chồng. Bất cứ hành động hoặc suy nghĩ nào trái lại với tư tưởng nói trên đều là đại nghịch bất đạo.
.
3. Con người sống trên đời phải biết lo an cư lạc nghiệp và an phận thủ thường, miễn sao ngày có hai bữa cơm, tối về có chỗ chui ra chui vào là đủ.
.
4. Mục đích sống lớn nhất của người đàn ông là thăng quan tiến chức, trung thành với triều đình, lo tròn chữ hiếu với cha mẹ và sinh con trai nối dõi.
.
5. Mục đích sống lớn nhất của người đàn bà là lấy chồng, sinh con trai nối dõi cho chồng và quán xuyến gia đình nhà chồng.
..
6. Mục đích lớn nhất của việc học hành là biết tuân phục và để lập công danh chứ không phải để nâng cao hiểu biết và giải phóng về mặt tư tưởng.
.
Với hơn 2000 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, những khái niệm về nhân quyền, dân chủ, quyền bình đẳng, tự do hay phản biện dường như vẫn còn rất xa lạ đối với đại đa số người Việt đặc biệt là những người dân sống ở nông thôn. Một trăm năm ảnh hưởng của văn hóa phương Tây vẫn là quá ít so với 2000 năm Nho Khổng. Hãy nhìn lại xã hội Việt Nam ngày nay để so sánh xem những tư tưởng này vẫn còn đó hay đã mất?
.
IX. Người Việt hời hợt (phần 9)
.
Ảnh hưởng của Đạo giáo (Lão giáo) đối với tư duy và đức tin của người Việt
.
Bài viết lần này tôi muốn đề cập tới những hạn chế của Lão giáo hay còn gọi là Đạo giáo đối với khả năng nhận thức của đại đa số người Việt. Tôi biết đụng chạm đến những vấn đề như ngôn ngữ, tôn giáo hoặc truyền thống là một điều không hề dễ dàng vì đó là niềm tin của nhiều người. Tuy nhiên, sẽ không khách quan và đầy đủ khi chúng ta không xét tất cả những khía cạnh này trong việc hình thành tập quán tư duy cũng như tính cách của một cộng đồng. Một lập luận phổ biến của nhiều người không đọc kỹ những bài viết của tôi là: “Tôn giáo nào cũng dạy người ta hướng thiện, làm người tốt”. Tôi không phủ nhận điều này nhưng xét về góc độ khoa học, tôi muốn mọi người trước khi nhận xét đánh giá hai điều quan trọng:
.
1. Những triết lý và tư tưởng của tôn giáo đó được áp dụng vào xã hội như thế nào? Sâu sắc và đúng đắn hay hời hợt và sai lầm? Có tốt đẹp và tích cực như trên lý thuyết hay không và có thúc đẩy xã hội phát triển hay bị lợi dụng theo hướng ngu dân hóa?
.
.
2. Triết lý hoặc tư tưởng đó có chịu dung nạp và cạnh tranh công bằng với những tư tưởng mới tiến bộ hơn hay tìm mọi cách chèn ép cấm đoán những tư tưởng khác để giữ vị trí độc tôn trong xã hội?
.
Hi vọng mọi người phản biện theo lý tính, đừng theo cảm tính.
Hi vọng mọi người phản biện theo lý tính, đừng theo cảm tính.
.
Một tôn giáo luôn luôn có hai phần: giáo lý và tín ngưỡng. Nếu ví tôn giáo như một tảng băng thì giáo lý, hay còn gọi là phần triết lý của tôn giáo đó, là cốt lõi của một tôn giáo và là phần chìm sâu dưới đáy. Để hiểu được trọn vẹn phần giáo lý của một tôn giáo không phải là một điều đơn giản. Thứ nhất giáo lý của các tôn giáo đều được viết bằng những ngôn ngữ cổ và việc phiên dịch dù muốn dù không cũng không thể truyền tải hết ý nghĩa của giáo lý đó. Thứ hai, để nghiên cứu giáo lý của một tôn giáo, người nghiên cứu cần có một trình độ hiểu biết nhất định và rất nhiều thời gian để dành cho việc nghiên cứu. Người dịch kinh sách có thể cố tình diễn giải theo ý mình vì trình độ không đủ hoặc theo mục đích riêng của mình để thao túng các tín đồ. Phần lớn những người theo tôn giáo chỉ tiếp xúc với phần giáo lý qua những lời giảng của người đại diện cho tôn giáo (linh mục, mục sư, hòa thượng…) với hình thức rút gọn gọi là giáo điều chứ ít khi có người có đủ trình độ, điều kiện và thời gian để nghiên cứu giáo lý một cách bài bản. Một lần nữa, giáo điều này được giảng giải chính xác hay mơ hồ, theo hướng tích cực hay tiêu cực , có dụng ý chính trị hay không đều phụ thuộc vào trình độ và ý đồ của người giảng giải. Và tùy theo trình độ nhận thức cũng như mức độ sùng tín của tín đồ mà những giáo điều này có được suy luận theo hướng phản biện hay là mù quáng tuân theo.
.
.
Lão giáo (hay Đạo giáo)là tôn giáo nguyên thủy của Trung Quốc ra đời rất lâu trước Khổng giáo và là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian và những triết lý giải thích sự hình thành thế giới của người Trung Quốc cổ đại, Lão giáo từng bước được hình thành và hoàn thiện thành một tôn giáo có giáo lý và nghi thức hoàn chỉnh. Giáo lý của Lão giáo tập trung trong ba tác phẩm Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh. Nền tảng lý luận của Đạo giáo được trình bày qua tác phẩm Kinh Dịch, tương truyền là thư tịch cổ nhất của Trung Quốc được truyền từ thời Phục Hy, một vị vua trong thần thoại. “Dịch” có nghĩa là thay đổi và dịch chuyển chỉ sự vận động không ngừng của vũ trụ. Kinh Dịch đưa ra những khái niệm giải thích sự hình thành vạn vật vẫn còn phổ biến đến ngày nay như Thái Cực (hợp nhất, hỗn mang) sinh Lưỡng Nghi(âm và dương) sinh Tứ Tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm) sinh Bát Quái (tám quẻ đơn gồm Càn (trời), Khôn (đất), Cấn (núi), Tốn (gió), Chấn (sấm sét), Khảm (nước), Ly (lửa) và Đoài (ao hồ)) và sáu mươi tư quẻ kép (do bát quái chồng lên nhau). Cùng với Ngũ Hành (Kim, Mộc Thủy, Hỏa, Thổ), Lưỡng Nghi chi phối mọi sự sinh diệt của những vật chất hữu hình trong vũ trụ. Tất cả được gọi chung là Đạo (con đường).
.
Tư tưởng chủ yếu của Đạo giáo lúc bấy giờ là con người sống chan hòa với thiên nhiên vì con người vốn là một phần của thiên nhiên. Muốn vất bỏ ưu phiền trong cuộc sống con người phải rũ bỏ được những ham muốn về danh lợi tiền tài. Trong Đạo giáo, những người có thể hiểu được lẽ âm dương tuần hoàn của đất trời thiên nhiên mới là cái đạo đúng sống cho phù hợp được gọi là “chân nhân” (con người thật sự). Những vị chân nhân này thường từ bỏ cuộc sống thế tục để lên núi tu luyện bằng cách luyện khí công, ngồi thiền, hấp thụ tinh khí của trời đất, luyện đơn dược. Nếu thành công họ có thể trẻ mãi không già, vượt qua vòng sinh lão bệnh tử và trở thành tiên. Ngoài việc luyện đơn và tu hành, các vị chân nhân hay đạo sĩ còn biết đoán vận mệnh con người hoặc một triều đại qua bốc phệ (bói mu rùa, bói cỏ thi), chiêm tinh (xem tinh tượng trên trời để đoán vận mệnh của con người hoặc của quốc gia) và chữa bệnh bằng cách trừ tà hoặc bằng thảo dược và khí công. Các loài cầm thú cây cỏ cũng có thể tu hành tuy nhiên thú tính chưa dứt được nên khó có thể thành chánh quả trở thành tiên mà tu theo còn đường tà đạo để thành yêu quái. Các yêu quái này nếu có thiện căn sẽ tiếp tục tìm các vị chân nhân đắc đạo để theo hầu hạ và tu hành, còn không chúng sẽ kết bè kết phái quấy nhiễu con người như các loài yêu quái trong Tây Du Ký.
.
Tác phẩm tư tưởng triết học quan trọng thứ hai của Lão giáo là Đạo Đức Kinh của Lão Tử tổng hợp tất cả những nguyên lý của Lão giáo. Đạo Đức Kinh gồm 81 chương, 5000 chữ và hai phần Thượng Hạ. Ngoài việc diễn giải thêm về những khái niệm căn bản của Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh còn có hai triết lý quan trọng đó là Vô Vi(Vô cầu, vô tranh, vô đoạt, vô chấp) và Nhân Ái (sống chan hòa, thương yêu, cứu giúp người khác). Theo Lão Tử, con người sinh ra vốn là một thực thể của vũ trụ và vạn vật cũng như muôn loài khác. Cuộc sống không có gì là vui cũng chẳng có gì là buồn, chẳng có gì để sở hữu hay tranh chấp. Danh lợi đều là phù du. Lão Tử không đề cập đến thiên đường hay địa ngục hay luân hồi chuyển kiếp. Con người chỉ đơn giản sống trọn kiếp người rồi trở về với hư không.Người hiểu được đạo này có thể thoát được cái chết bằng cách tu tiên, thọ ngang trời đất với điều kiện phải dứt bỏ hết những thứ trần tục.
.
Sau Lão Tử, Trang Tử, một triết gia khác sinh vào thế kỉ thứ 4 trước Công Nguyên đã soạn thảo Nam Hoa Chân Kinh giải thích đạo vô vi qua những câu chuyện ngụ ngôn hoặc những lời đối đáp. Trang Tử bày tỏ sự chán ghét của mình với chế độ thống trị phong kiến và những gì thuộc về đạo đức phong kiến (Nho giáo). Tương truyền, Trang Tử thử vợ bằng cách hỏi vợ khi mình chết vợ sẽ thế nào. Vợ ông bảo sẽ thủ tiết thờ chồng. Một thời gian ngắn sau, Trang Tử giả chết và ngầm sai một người học trò đẹp trai của mình quyến rũ vợ mình. Quả nhiên vợ Trang Tử xiêu lòng và khi người học trò đó giả vờ bị bệnh nặng cần thuốc trị là quả tim của người mới chết, vợ Trang Tử không ngần ngại đề nghị mổ xác chồng lấy tim chữa bệnh cho tình nhân. Trang Tử sống dậy vạch mặt vợ rồi chán nản bỏ vào thâm sơn cùng cốc sau hóa bướm bay đi mất.
.
Phần nổi của tảng băng chính là phần tín ngưỡng bao gồm các nghi thức tôn giáo và các hình tượng tôn giáo. Đây là phần được đa số giáo dân tiếp cận vì nó dễ tiếp cận và có tác dụng rất lớn về mặt tâm lý đối với đa số giáo dân. Nhưng nếu lạm dụng vào phần tín ngưỡng nhưng không hiểu sâu hiểu đúng về giáo lý, con người rất dễ bị lệ thuộc vào tôn giáo và bị lợi dụng. Từ cuối thời Đông Hán, Đạo giáo đứng sau các cuộc khởi nghĩa nông dân nhằm lật đổ triều đình trong đó nổi tiếng nhất là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng của ba anh em họ Trương chống lại chính quyền trung ương nhà Hán. Lợi dụng sự mê tín và đói khổ của người dân, các đạo sĩ đạo giáo thường tổ chức phát chẩn lương thực cứu đói, chữa bệnh miễn phí, làm bùa phép (thực ra là giở những trò tiểu xảo dựa trên sự thiếu hiểu biết của dân nghèo)… rồi dựa vào thiên cơ để xúi giục người dân nổi dậy. Chính vì vậy mà trong thời Đông Hán và Tam Quốc, Đạo giáo bị giai cấp thống trị coi như kẻ thù. Nếu như Nho giáo là cái ách của giai cấp thống trị thì Đạo giáo là sự cứu rỗi và giải thoát.
.
Qua nhiều biến thiên của lịch sử, Đạo giáo phân hóa thành hai nhánh: đạo giáo phù thủy và đạo giáo tiên học. Người theo đạo giáo phù thủy được gọi là đạo sĩ, đạo nhân học cách sử dụng bùa phép, trừ tà bắt ma, luyện đơn dược, luyện công. Những đạo sĩ cao tay còn được xem là trên thông thiên văn, dưới thạo địa lý, biết điều khiển cả âm binh. Đạo sĩ có kẻ tốt người xấu. Các đạo sĩ xấu thường lợi dụng đạo pháp để làm chuyện đồi bại như luyện bùa ngải thuốc độc hại người, luyện phòng trung thuật (thuật phòng the) để làm khuynh đảo các vị vua háo sắc muốn trường sinh bất tử, thậm chí có những đạo sĩ còn bắt cóc trẻ con đồng nam đồng nữ nấu thuốc luyện đơn hoặc mang người tế sống để giữ của. Thay vì tìm cách chống lại triều đình, các đạo sĩ xấu xa (tà đạo) tìm cách tiến cử mình với các vị vua bằng cách khoe khoang việc biết luyện thuốc trường sinh, xuân dược (thuốc kích dục) và biến đá thành vàng (giả kim) để mưu cầu danh lợi. Nhiều tay yêu đạo còn được tín nhiệm tới mức được phong làm quốc sư do biết cách chiều theo những trò bệnh hoạn của các hoàng đế. Không thiếu các triều đại của Trung Quốc bị diệt vong cũng do tin vào các đạo sĩ kiểu này.
.
Phái tu tiên không màng đến chuyện đời, sống trên các ngọn núi cao hiểm trở để lánh đời, nhất quyết không tham gia chính sự. Những vị chân nhân này thường tham thiền, luyện công và làm thuốc trong các đạo quán của mình. Họ không thu nhận đệ tử bừa bãi mà chỉ truyền đạo cho những người có duyên. Trong các truyện kiếm hiệp Kim Dung thường nhắc đến Ngũ Nhạc, năm ngọn núi thiêng (Hằng, Hành, Thái, Hoa, Tung sơn) vốn là nơi các đạo sĩ ưa chuộng để lập đạo quán và dạy võ thuật. Nhiều môn phái võ công Trung Quốc bắt nguồn từ phái tu tiên trong đó nổi tiếng nhất và vẫn còn phổ biến đến nay là Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong.
.
Là một tôn giáo lâu đời và tồn tại đến ngày nay, Đạo giáo tất nhiên có nhiều mặt tích cực. Trước nhất, Đạo giáo khuyên con người sống thuận theo tự nhiên, không nên quá coi trọng tiền bạc và danh vọng, phải có lòng từ bi và giúp đỡ những người yếu thế. Đây cũng là tôn chỉ chung của hầu hết tất cả các tôn giáo chính thống trên thế giới. Thuyết sáng thế của tôn giáo dựa trên Thái Cực (hỗn mang) sinh ra Lưỡng Nghi (âm dương) và từ đó sinh ra vạn vật ở một khía cạnh nào đó khá giống với thuyết Big Bang của phương tây sau này. Đạo giáo còn giúp phát triển các thuật của Đông Y như chữa bệnh bằng thảo dược, châm cứu các huyệt đạo, luyện khí công và thuật dưỡng sinh còn phổ biến đến tận bây giờ. Dựa vào âm dương ngũ hành, Đạo giáo phân biệt các loại thực phẩm và thảo dược theo vị (ngọt, cay, chua, mặn, đắng) và tính (hàn, bình, nhiệt) để theo đó mà khắc chế các bệnh tật. Đạo giáo còn đề xuất cách phân loại các loại động vật (gọi chung là “trùng”) theo hình dạng bên ngoài thành các loài: mao (có lông mao, chỉ các loài thú), vũ (có lông vũ, các loài chim), lân (có vảy, gồm cá và bò sát) và khỏa (trần trụi, các loài không có gì che phủ bên ngoài, trong đó có loài người). Tuy cách phân loại này không chính xác lắm về mặt khoa học ngày nay, nhưng đối với thời cổ đại, đây là một cách phân loại khá bài bản và có căn cứ. Ngoài ra, Đạo giáo còn có một đóng góp quan trọng về mỹ thuật đó là nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc (sơn thủy).
.
Về mặt tiêu cực, trước hết, Đạo giáo đề cao thuyết chán đời, lánh đời thay vì cống hiến cho xã hội. Những người theo Đạo giáo khi bất mãn chính quyền hoặc giai cấp thống trị sẽ tìm cách trốn lánh bằng cách không ra làm quan mà tập trung vào ngâm thơ, uống rượu, du sơn ngoạn thủy, tham thiền nhập định…để tỏ ra thanh cao chứ không tìm cách thay đổi xã hội theo một hướng tích cực. Lưu Linh, người được mệnh danh là tửu cuồng thời Đông Tấn, là một ví dụ cụ thể, suốt ngày say khướt say mèm. Các nho sĩ Việt Nam cũng như nho sĩ Trung Quốc xưa khi trẻ sẽ chọn con đường Nho học, học hành đỗ đạt thành tài rồi làm quan giúp dân giúp nước. Đến khi về già hoặc chán cảnh quan trường hiểm ác hoặc do thời cuộc đảo điên, các vị lại bỏ Nho giáo theo Đạo giáo bằng cách cáo lão từ quan về vui thú điền viên, trồng hoa thưởng trà, lên non hái thuốc, làm bạn với cỏ cây hoa lá. Những nhân vật điển hình có thể kể đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…
.
Thứ hai, Đạo giáo cổ súy những trò mê tính dị đoan như lập đàn cầu mưa, đốt bùa làm phép, bói toán, luyện đan, lên đồng, xin xăm xin quẻ, đốt vàng mã. Người bình dân tất nhiên sẽ không đủ trình độ để tìm hiểu triết lý Đạo giáo qua những tác phẩm Đạo Đức Kinhhay Nam Hoa Kinhmà chỉ biết tin vào những trò mê tín để cầu mong được ơn trên che chở, phù hộ thay đổi số phận mà không tin vào làm gì để thay đổi vận mệnh của chính bản thân.
.
Đạo giáo được đưa vào Việt Nam gần như cùng thời với Nho thời Đông Hán theo chân các đạo sĩ, thầy phù thủy Trung Quốc. Phục Ba tướng quân Mã Viện thời Đông Hán sau khi đánh thắng cuộc khời nghĩa hai bà Trưng đã chôn một cột đồng trên đất Giao Chỉ, trên cột đồng có khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng ngã thì xứ Giao Chỉ cũng diệt vong). Cao Biền, tiết độ sứ Giao Châu đời Đường tìm mọi cách để triệt long mạch của nước ta bằng cách đóng cọc dưới lòng sông Tô Lịch, thậm chí mang hài cốt của tổ tiên họ Cao sang chôn ở long mạch nước nam đều theo phép phong thủy của Đạo giáo. Các truyền thuyết về việc người Trung Quốc sang đô hộ ở xứ ta vơ vét rất nhiều của cải nhưng không mang hết về nước được nên mang chôn trong một hang động nào đấy, sau đó bắt cóc gái đồng trinh cho ngậm sâm rồi chôn sống theo để làm thần giữ của, cũng là phép phù thủy của Đạo giáo.
.
Ở một phương diện khác,do Đạo giáo là đạo đa thần, rất phù hợp với truyền thống thờ cúng vật tổ (totem) của người Việt cổ nên việc Đạo giáo dần dần cắm rễ vào và đồng hóa với tín ngưỡng dân gian Việt Nam là điều rất tự nhiên. Các tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, bà chúa Liễu Hạnh, thành hoàng, thổ địa đều mang ảnh hưởng của Đạo giáo. Cũng như Đạo giáo Trung Quốc, Đạo giáo ở Việt Nam tin mọi thứ thuộc về tự nhiên như rừng cây, sông núi, đất đai đều có tính linh và đều được các thần cai quản. Những người lập công lớn cho dân tộc hay đất nước khi chết đều được phong thần và lập đền thờ theo truyền thống “sinh vi tướng, tử vi thần” (khi sống làm tướng, khi chết làm thần). Người có công với làng hay người đầu tiên lập nên một làng mới đến khi chết sẽ được phong thành hoàng và được dân làng đời đời thờ cúng. Người ta tin rằng chính vì khi sống, những vị này giúp ích cho đời, khi họ chết đi họ sẽ tiếp tục trừ gian diệt bạo, phù hộ cho người lương thiện (sống khôn thác thiêng) nên có việc gì người dân sẽ đều cúng bái và cầu nguyện được phù hộ. Ông tổ của Đạo giáo Việt Nam là Chử Đồng Tử (ông này sau cùng vợ lên núi tu đắc đạo thành tiên) gọi là Chử Tổ Đạo. Các truyền thuyết dân gian Việt Nam như Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc đến Thiên Thai động Đào Nguyên kết duyên cùng tiên nữ, Từ Thức lấy vợ tiên…đều mang màu sắc Đạo giáo. Ông tổ thứ hai của Đạo giáo của Việt Nam chính là Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo hay còn được phong là Đức Thánh Trần.
.
Đạo giáo Việt Nam từng rất thịnh hành trong các triều đại phong kiến. Thời kỳ cực thịnh của Lão giáo là thời Hậu Lê với nhiều vua Lê sùng đạo nhưng tới thời Nguyễn thì Nho giáo được coi trọng và Đạo giáo không còn đủ sức gây ảnh hưởng sâu rộng nữa. Thời Pháp thuộc, nhiều thủ lĩnh khởi nghĩa chống Pháp đã lập những giáo phái dựa trên nguyên tắc của Đạo giáo để kêu gọi dân nghèo đấu tranh điển hình là cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long. Phan Xích Long tự xưng là giáo chủ là người trời nên đạn Pháp bắn không chết, ông còn vẽ bùa đốt cho nghĩa quân uống để chống lại súng đạn của Pháp. Dĩ nhiên điều này cực kì hoang đường và khởi nghĩa bị dập tắt từ ngay cuộc nổi dậy đầu tiên. Sau năm 1945, Nho giáo và Đạo giáo được xem là tàn dư của chế độ phong kiến và mê tín dị đoan nên bị chính quyền cách mạng thẳng tay loại bỏ qua các hình thức đập phá các miếu thờ, cấm bói toán, cấm lên đồng hay cúng tế. Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy những đạo quán hoặc đạo sĩ Việt Nam trong thời đại ngày nay.
.
Vì không được công nhận là một trong những tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore đều công nhận Đạo giáo là một tôn giáo hợp pháp) nên chúng ta không thấy người Việt Nam nào tu theo Đạo giáo hoặc làm đạo sĩ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Đạo giáo trong Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam quá rõ nét và sâu sắc khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là những nghi thức của Phật giáo hoặc tín ngưỡng truyền thống. Đó là những nghi thức bày mâm lễ vật, ăn chay ngày rằm và mùng một, xem bói, xin xăm, xin quẻ, xin lộc đầu năm, đốt vàng mã, cúng giỗ, cúng tổ nghiệp, xem phong thủy, coi ngày cưởi hỏi tang ma xây dựng, cúng sao giải hạn…Ở miền Bắc, Đạo giáo kết hợp với tính ngưỡng dân gian trong việc thờ thần: Ngọc Hoàng, Quan Thánh, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần…qua các phủ thờ và việc hầu đồng. Ở miền Nam, Đạo giáo được xem như một nhánh của đạo Cao Đài (áo xanh) thờ biểu tượng bát quái, Khương Tử Nha và Thái Thượng lão quân. Ngoài ra các đạo quán của người Hoa tồn tại rất nhiều năm ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ dưới dạng miếu hoặc hội quán ví dụ miếu Quan Đế, miếu Vương Mẫu Nương Nương, Nam Hải Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Công (của người Triều Châu). Nhà người Việt gốc Hoa thường treo kính bát quái, dán hình môn thần trước cửa để trừ tà, thờ Quan Công, Thổ Địa, Thần Tài và Táo Quân trong nhà. Nhà người Việt có thể không treo kính bát quái hay thờ Quan Công nhưng nhất định phải có bàn thờ thổ địa, thần tài vào ông táo. Cưới hỏi, ma chay, động thổ, dọn nhà nhất định phải coi ngày. Vào nhà mới phải cúng đất đai gia trạch để cầu bình an, hăm ba tháng chạp nhất định phải đưa ông Táo về trời. Đầu năm đi chùa thế nào cũng phải hái lộc đầu năm, xin quẻ, mua lá số tử vi để xem tình duyên tài vận trong năm tới. Nếu gặp sao xấu chiếu mạng (La Hầu, Kế Đô) thì chắc chắn canh cánh lo lắng cả năm, thế nào cũng tìm cách cúng sao giải hạn. Tất cả những điều nói trên đều là những ảnh hưởng của Đạo giáo trong văn hóa Việt Nam hằng ngày.
.
Như đã nói ở trên, ở Việt Nam không có người theo Đạo giáo như một đức tin mà chỉ bắt chước những nghi lễ mang tính hình thức nên những triết lý sâu xa của Kinh Dịch hay Đạo Đức Kinh hầu như không phổ biến mà ảnh hưởng rõ ràng nhất là khuynh hướng mê tín dị đoan đặc biệt là đối với những ngưởi có nhận thức thấp. Những tệ nạn có liên quan tới tín ngưỡng Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng địa phương có thể kể tới những điều sau:
.
1. Thờ cúng vô tội vạ: Việc lập đền miếu thờ tự không chỉ dành cho những người có công với đất nước mà còn dành cho những người chết trẻ, chết oan do tai nạn hoặc thậm chí đối với loài vật hoặc cái cây, tảng đá nếu người ta cảm thấy những vật này linh thiêng và có thể phù hộ cho họ được tài lộc dồi dào. Ở đâu có người chết do tai nạn giao thông thì lại có nhiều người tới cúng bái, xin ngày giờ mất và bảng số xe để đi đánh đề. Một con rắn hay một con cá hơn khác thường một tí cũng được đồn thổi là thần thánh và được già trẻ bé lớn xì xụp khấn lạy.
.
2. Nhiều người Việt Nam quá tin vào bói toán, xem tử vi, cúng sao, giải hạn và phong thủy để thay đổi vận mệnh đến mức bị lệ thuộc vào nó mà không tin vào bản thân mình. Số này cúng không ít tiền cho các thể loại thầy cúng, thầy bói, đồng cốt… Tuy nhiên họ lại coi nhẹ việc tu dưỡng tâm đức và làm việc thiện.
.
3. Đa số người dân quê ít học không tin khoa học và y học mà tin vào cúng bái bùa chú hoặc những bài thuốc vô căn cứ để chữa bệnh khiến cho tiền mất tật mang. Có rất nhiều trường hợp thay vì đưa đến bệnh viện để chữa thì họ lại đi tìm thầy bùa thầy phép trục vong, trừ tà. Đến khi đưa vào bệnh viện thì không còn thuốc chữa.
.
4. Nhiều người để cầu tài lộc mua may bán đắt hoặc để hãm hại người khác đã không ngần ngại đi thỉnh bùa chú nhằm đạt được mục đích của mình. Cho dù bạn có tin rằng bùa chú có tác dụng hay không cũng được, việc thỉnh bùa chú để làm giàu và hại người đều là những việc làm thất đức và trái đạo. Nếu hiểu theo luật nhân quả có vay có trả thì những người tìm mọi cách giành giật những thứ không thuộc về mình trước sau cũng sẽ phải trả lại một cái gì đó, đôi khi còn gấp nhiều lần những thứ mình tìm mọi cách để cưỡng đoạt. Và việc dùng bùa chú kiểu này hoàn toàn trái với triết lý vô vi của Đạo giáo.
.
5. Một số người (tự cho là) có học và dĩ nhiên là có điều kiện tốt về kinh tế tìm cách chối bỏ trách nhiệm xã hội bằng cách lánh đời, không bàn thế sự để tỏ ra thanh cao. Họ ngoảnh mặt quay lưng với những bất công xã hội để hưởng thụ cho riêng mình và tỏ vẻ coi thường những người đấu tranh giành lại công bằng cho rằng những người này ngu dại, còn khoanh tay bàng quan như họ mới là hiểu đạo vô vi.
.
Nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy rằng những chính quyền chuyên quyền độc đoán ngoài mặt thì hô hào bài trừ mê tín dị đoan nhưng trên thực tế vẫn duy trì những điều này như một biện pháp ngu dân để trị. Người dân càng tin vào những chuyện cúng bái lễ lạc thì càng ít tin vào khoa học, và vì thế càng u mê. Người có khả năng và tri thức nếu bất mãn với chuyện công danh hoặc thời thế mà tìm cách xa lánh thế sự để tự tỏ ra mình thanh bạch chẳng qua là kẻ ích kỷ và tự khiến cho mình vô dụng sớm mà thôi.
.
X. Người Việt hời hợt (phần 10)
.
Đạo Phật đã bị tha hóa và biến tướng ở Việt Nam như thế nào?
.
Trước khi vào nội dung của bài viết, tôi muốn khẳng định với bạn đọc tôi là một Phật tử chứ không phải là người đạo Công giáo hoặc là một kẻ vô thần để bạn đừng comment là tôi là người ngoại đạo viết bài cố tình xuyên tạc đạo Phật. Năm 3 tuổi tôi đã được gia đình đưa vào chùa quy y với pháp danh Lệ Nghiêm và thường xuyên theo bà ngoại đi chùa từ bé. Nhưng khoảng hơn mười năm nay, tôi không bước vào bất cứ cái chùa nào nữa ngoại trừ đó là những ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử. Còn những hành động cúng bái nhất là những dịp rằm lớn hay mùng một là nhất định không có tôi bởi vì tôi hiểu một điểu rằng trong chùa không có Phật. Đối với tôi, Phật giáo là một tư tưởng triết học hơn là một tín ngưỡng. Bài viết này không tranh luận về Phật giáo tốt hay xấu mà tập trung nói về sự biến tướng của Phật giáo ở Việt Nam và điều đó góp phần ảnh hưởng đến tư duy hời hợt của người Việt như thế nào. Hi vọng các bạn đọc và nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn với mục đích viết của tôi. Những comment kiểu: “anh biết gì về Phật giáo mà nói!” hay “đạo Phật là thế này thế nọ” nhưng không liên quan tới nội dung bài viết sẽ bị xóa mà không phản hồi.
Tuy hiện nay Phật giáo không được công nhận là quốc giáo ở Việt Nam như các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, nhưng ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam ngày nay rõ ràng hơn Lão và Nho rất nhiều. Chúng ta không thấy đạo quán và đạo sĩ ở Việt Nam nhưng sư sãi và chùa chiền thì đâu cũng có. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt không có câu nào “cầu Khổng Tử” hay “tạ ơn Lão Tử” mà luôn là “cầu trời khẩn Phật” hoặc “tạ ơn trời Phật”. Ảnh hưởng của Phật giáo ở Việt Nam sâu sắc tới mức nhiều người cứ khăng khăng bảo đạo Công giáo là đạo ngoại lai còn Phật giáo mới là đạo của dân tộc mà quên rằng đạo Phật cũng là một đạo ngoại lai xuất phát tứ Ấn Độ. Và chính vì điều này mà rất nhiều người Việt Nam mặc định trong tư tưởng rằng những gì liên quan tới đạo Phật đều là tốt và người đạo Phật đều là người tử tế. Điều này gây ra một hệ lụy không nhỏ đối với tư duy của người Việt chúng ta.
.
.
Nếu xét trong tam giáo Phật-Lão-Nho thì Phật giáo có mặt ở Việt Nam trước cả Lão và Nho. Theo truyền thuyết về Chử Đồng Tử thì đạo Phật đã có mặt ở nước ta từ thời Hùng Vương. Nhưng vì đây là truyền thuyết có tính tam sao thất bản nên việc xác thực là đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thời vua Hùng hay không còn là một nghi vấn. Nhưng từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3 trước Công Nguyên, các nhà buôn và tăng lữ Ấn Độ đã du nhập Phật giáo Nam tông vào quận Giao Chỉ và thành Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay) đã từng là trung tâm Phật giáo quan trọng vùng Đông Nam Á. Trong giai đoạn Bắc thuộc nhất là đời nhà Đường, Phật giáo Bắc tông theo chân các nhà sư Trung Quốc phái Thiền tông vào Việt Nam nhưng không phát triển mạnh. Từ thời nhà Đinh tới thời nhà Trần, các vua chúa Việt Nam bắt đầu xem trọng Phật giáo ngang với Nho và Lão. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân và đóng đô ở Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho đại sư Khuông Việt chức tăng thống, đứng đầu Phật giáo ở Việt Nam thời đó. Chức tăng thống này đến thời Lê Sơ vẫn còn giữ. Một trong những giai thoại về sự tàn bạo và biến thái của vua Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều là chuyện vị vua này róc mía trên đầu tăng thống Quách Ngang (có tài liệu ghi là Quách Mão) rồi giả vờ lỡ tay để dao chém xuống đầu trọc của sư chảy máu đầm đìa. Giai thoại này đối với tôi mà nói mang tính bôi nhọ nhiều hơn là thực tế vì theo sách sử thời đó: “Mùa xuân năm Đinh Mùi (1007), Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và Chưởng Thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê ngưu trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin Cửu kinh và kinh sách Đại Tạng". Kinh Đại Tạng là một bộ kinh sách vĩ đại được các cao tăng Trung Quốc nhiều thế hệ nghiên cứu và biên dịch qua nhiều thế hệ gồm hơn 5000 quyển. Một ông vua tìm cách xin được bộ kinh ấy về Việt Nam để phát triển Phật giáo thì việc róc mía trên đầu vị cao tăng đứng đầu Phật giáo trong nước có đáng tin hay không? Tôi không trả lời mà để cho các bạn tự suy nghĩ.
.
Đến thời nhà Lý, vì Lý Thái Tổ thuở nhỏ được nuôi trong chùa nên ông xem đạo Phật là quốc giáo. Triều đình nhà Lý bên cạnh hai ban văn võ còn có cả ban “tăng”. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý nhưng vẫn rất coi trọng Phật giáo. Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người có công lớn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông khi đất nước thái bình đã giao quyền trị nước cho con và lập nên thiền phái Trúc Lâm và lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Đến cuối thời Trần, đạo Phật ở Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ. Các tăng sĩ do được sự ưu ái quá mức của triều đình trở nên lộng quyền và đạo Phật phát triển một cách vô tội vạ. “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ có ghi: “Các chùa như Hoàng Giang, Ðồng Cổ, An Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh... dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng ni nhiều bằng nửa dân số thường. Nhất là huyện Ðông Triều, sự sùng thượng lại càng quá lắm: chùa chiền dựng lên, làng lớn có hơn mười chùa, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu: ngoài bao bằng lũy, trong tô vàng son..." Chính sự phát triển quá đà này của Phật giáo ở Việt Nam đã khiến cho Phật giáo bị biến chất và lợi dụng về sau rất nhiều. Từ thời hậu Lê trở đi, đạo Phật ở Việt Nam mất đi chỗ đứng trước đây vì sự phát triển của Nho giáo và Lão giáo nhất là ở Đàng Ngoài. Phật giáo từ chỗ một tôn giáo được chính quyền phong kiến trọng dụng bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng trở thành một tín ngưỡng dân gian nhiều hơn ở Đàng Ngoài. Trong khi đó ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn vẫn rất sùng đạo Phật và kinh đô Huế có thể được xem là cái nôi thứ hai của Phật giáo Việt Nam. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, để trả đũa việc các vua nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa, thực dân Pháp đã ra tay phá hủy rất nhiều chùa chiền Phật giáo để xây nhà thờ. Điều này đã gây ra mâu thuẫn đối với những người theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở Việt Nam và cũng khiến cho Phật giáo bị các đảng phái mang danh nghĩa “chống ngoại xâm” lợi dụng triệt để.
.
Sau năm 1945, ở miền Bắc, cùng với Lão giáo, Phật giáo được liệt vào một trong những tàn dư của mê tín dị đoan và phong kiến nên bị giới lãnh đạo Cộng Sản cấm đoán và kiểm soát rất gắt gao. Dưới sự lãnh đạo của những người “vô thần” rất nhiều đền chùa bị đập phá để biến thành hợp tác xã hoặc sân phơi thóc lúa và nhiều kinh sách bị tiêu hủy. Ngoài những ngôi chùa mang tính biểu tượng nổi tiếng của văn hóa Việt Nam như chùa Một Cột, chùa Dâu, chùa Hương hay chùa Tây Phương thì hầu hết các chùa chiền ở miền Bắc đều bị phá hủy. Từ năm 1945 trở đi, rất ít người Bắc tự nhận là người đạo Phật và hầu như không có chùa chiền nào được xây dựng ở miền Bắc. Ngược lại ở miền Nam, Phật giáo lại bị lợi dụng để chống lại chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm của chính thể Việt Nam Cộng Hòa vì gia đình của tổng thống Ngô Đình Diệm là người Công giáo. Sự kiện tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức ở Sài Gòn năm 1963 đã góp phần làm cáo chung chế độ cộng hòa còn rất non trẻ ở miền nam với cuộc đảo chính giết chết hai anh em cố tổng thống họ Ngô trong cùng năm. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập ở miền Nam Việt Nam. Cho tới năm 1975, lợi dụng tinh thần bài ngoại của người dân miền Nam, nhiều chùa chiền bị lợi dụng biến thành cơ sở hoạt động cách mạng của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nuôi giấu cán bộ. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập và trở thành tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam sau năm 1975. Điều này có nghĩa là Phật giáo Việt Nam được đặt dưới sự quản lý sát sao của nhà nước CNXHCN Việt Nam và bắt đầu mang màu sắc chính trị rõ rệt. (...)
.
Đối với đại đa số người Việt Nam (trừ những người theo Công giáo và Tin Lành) thì đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh, ngay cả đối với những người cho rằng mình theo đạo thờ ông bà. Hiếm có tác phẩm văn chương nghệ thuật nào của Việt Nam mà không thấp thoáng ảnh bóng dáng của mái chùa hay tượng Phật. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của đạo Phật ở Việt Nam chỉ ở mức độ tín ngưỡng chứ không phải là ở mức độ triết lý. Rất hiếm Phật tử Việt Nam tìm hiểu đạo Phật ở góc độ triết học mà chỉ tin theo những nghi thức cúng bái của Phật giáo. Và tín ngưỡng và nghi thức Phật giáo của Việt Nam thì lại bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo nhiều hơn là Phật giáo nguyên thủy.
.
Có ba nguyên nhân cho việc tại sao phần lớn Phật tử Việt Nam thiên về phần ngọn (tín ngưỡng) hơn là phần gốc (triết lý) của đạo Phật. Thứ nhất kinh sách của đạo Phật quá nhiều, ngay cả những người đi tu cũng chưa có điều kiện tiếp xúc hết với kinh sách của Phật. Đây là một rào cản rất lớn của những ai muốn thực sự nghiên cứu về đạo Phật một cách nghiêm túc. Thứ hai, những triết lý của đạo Phật như buông bỏ chấp niệm, hành thiện tích đức, không tham sân si hận… thường không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người bình dân nên tuy tưởng là đơn giản nhưng trên thực tế lại rất khó làm theo và nếu có làm theo thì chưa chắc đã làm đúng. Thứ ba, đạo Phật chấp nhận sự kết hợp với các tín ngưỡng dân gian chứ không phân rõ ranh giới nên dần dần Phật trở thành một vị thần cũng như những vị thần khác trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam. Sự cầu kỳ về hình thức nghi lễ bên ngoài chẳng qua là để che giấu sự hời hợt trong việc hiểu biết về Phật pháp bên trong. Chính sự hiểu biết sơ sài về triết lý đạo Phật cũng như sự dễ dãi về mặt tín ngưỡng mà đa số những người theo đạo Phật ở Việt Nam đều mắc phải những sai lầm sau:
.
1. Người Việt Nam đánh đồng hai khái niệm không liên quan là “trời” và “Phật”. Chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm “trời Phật” đi với nhau thành một cặp như một thế lực siêu nhiên có khả năng ban phước lành cho con người. Chính vì hiểu rằng Phật cũng là một vị thần như các vị thần trong dân gian nên nhiều người đi chùa để cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu tình duyên hay cầu con cái mà quên rằng đức Phật vốn là một vị hoàng tử đã từ bỏ tất cả những xa hoa phú quý để đi tìm sự giác ngộ về tư tưởng. Ở các chùa miền Bắc, người ta còn mang cả heo quay, gà luộc vào chùa cúng trả lễ, thậm chí còn nhét cả những đồng tiền lẻ vào tay tượng Phật trông rất phản cảm.
.
2. Đạo Phật là đạo đa thần và thờ thần tượng vì thế người theo đạo Phật cứ gặp Phật là thắp nhang quỳ lạy với quan niệm “có thở có thiêng, có kiêng có lành” nhưng không biết Phật đó tên gì, xuất thân từ đâu, có quyền năng gì. Ngay cả đối với cái tên của vị bồ tát được người Việt Nam tôn sùng nhất là Quán Thế Âm Bồ Tát cũng bị gọi sai thành Quan (Thế) Âm Bồ Tát vì không hiểu ý nghĩa của cái tên này. Trong chùa Phật thậm chí còn thờ cúng lung tung các thần khác như Quan Công, thần tài, thổ địa.
.
3. Dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian và Lão giáo, đạo Phật ở Việt Nam thiên về sự cầu kỳ trong các hình thức cúng bái gây ra sự phô trương và lãng phí trái với giáo lý nguyên thủy của đạo Phật. Nếu các bạn quan sát những chùa lớn vào những ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam, các bạn sẽ không thấy sự thanh tịnh và trang nghiêm và chỉ thấy sự xô bồ bát nháo của những người đi chùa. Tôi hơn mười năm nay không đi chùa cũng vì không chịu được sự bát nháo ồn ào đó.
.
4. Không biết ở các nước Phật giáo khác thì sao chứ ở Việt Nam, tôi thấy chùa chiền được xây cất vô tội vạ nhất là ở miền Nam. Nhiều chùa ở Sài Gòn được sơn phết rất lòe loẹt và mất thẩm mỹ, trong chính điện tượng Phật bày trí lung tung như gánh hát bội chứ không hề trang nghiêm nhưng phật tử vẫn đến cúng bái nườm nượp. Ở miền bắc thì bắt đầu vào những năm 2000, với cái cớ phục vụ nhu cầu du lịch, người ta bắt đầu xây dựng rất nhiều chùa có quy mô cực lớn ở miền Bắc như chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh… Nhiều Phật tử tỏ ra hoan hỉ xem đó là phúc đức mà không hề suy nghĩ rằng tiền và đất đâu để xây chùa to thế.
.
5. Sự mê muội của những người theo đạo Phật ở Việt Nam còn nằm ở chỗ sùng bái những người đi tu một cách mù quáng đến mức hễ thấy người cạo đầu mặc áo cà sa thì khúm núm kính sợ mà không cần biết đó là cao tăng hay là ma tăng, ác tăng. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh nhiều bà cụ già chắp tay xá miệng thì luôn “dạ, thưa, bạch thầy” với những thằng nhãi nhép đầu trọc mặt mày câng câng xấc láo. Nhiều người dâng vật phẩm cúng dường hoặc bỏ tiền vào thùng công đức trên chánh điện mà không hề mảy may suy nghĩ rằng mình đang góp phần nuôi dưỡng những kẻ lười biếng lao động và lừa đảo sống phè phỡn bằng chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Vì điều này mà càng ngày các bậc chân tu ở Việt Nam càng ít mà toàn là những thứ sư đảng, sư hổ mang như Thích Thanh Cường, Thích Thanh Toàn …làm trụ trì.
.
6. Rất hiếm những Phật tử ở Việt Nam hiểu được những triết lý của đạo Phật. Tôi hỏi nhiều người lớn tuổi có thâm niên chùa chiền công quả thế nào là Tứ Diệu Đế, thế nào là Bát Chánh Đạo…họ đều trả lời rất qua loa hoặc có người còn không biết. Cái mà họ nói đến nhiều nhất là “nghiệp” và “quả báo” nhưng cách hiểu của họ về hai khái niệm này cũng hoàn toàn sơ sài và sai trái. Chính vì thế mà thay vì thay đổi cách sống cách suy nghĩ hoặc đấu tranh cho quyền lợi chính đáng thì họ cam chịu nhẫn nhục những điều sai trái bất công trong xã hội vì cho rằng những gì mình chịu kiếp này chính là nghiệp báo của kiếp trước. Để bớt khổ, họ đến chùa để cầu xin hoặc cúng sao, giải hạn.Nhiều người trong cuộc sống làm những chuyện ác nhân thất đức lừa lọc mánh khóe nhưng lại sợ quả báo. Và thay vì hành thiện tích đức họ lại mang thứ tiền dơ bẩn kiếm được đi cúng chùa như một cách giải nghiệp dễ dàng nhất để cảm thấy lương tâm được thanh thản và tiếp tục làm chuyện ác.
7. Đạo Phật nguyên thủy không bắt buộc phải ăn chay, nhưng nếu tu theo thiền tông và tịnh độ tông thì phải tuân theo giới luật ăn chay. Nếu người theo Phật giáo nguyên thủy ăn mặn do họ không cho mình quyền từ chối những thức ăn được Phật tử cúng dường khi đi khất thực và khi ăn họ trộn chung tất cả những thức ăn lại với nhau, không phân biệt đâu là thịt hay cá thì điều buồn cười của những người ăn chay là họ lại chế ra những món chay bắt chước kiểu nấu nướng các món mặn như cá chiên, sườn nướng, đùi gà, bún bò… thay vì đơn giản rau dưa cà muối. Đó chẳng phải là miệng ăn chay nhưng tâm vọng tưởng món mặn sao? Tại sao phải dối lòng như thế? Theo tôi, đó là đạo đức giả.
.
8. Đạo Phật cấm sát sinh nhưng trớ trêu thay những ngày rằm mồng một hoặc những ngày lễ lớn các Phật tử mê muội lại là người gián tiếp sát sinh nhiều nhất. Có bao giờ bạn đứng trước những cổng chùa để đếm xem có bao nhiêu chú chim sẻ, chim én vô tội rơi lộp độp xuống đường để rồi bị mèo vồ, xe cán hoặc bị người đi chùa giẫm đạp đến chết vì nhu cầu phóng sinh rất vớ vẩn? Có bao nhiêu người hiểu rằng những con cá chép, cá vàng mua trước cổng chùa hoặc ở tiệm cá cảnh vốn dĩ là loài cá được nuôi làm cảnh sẽ không sống được nếu đem thả xuống sông? Bạn có bao giờ đếm thử bao nhiêu cây hoa trong chùa bị vặt trơ trọi đêm giao thừa và ngày mồng một tết bởi vì tục “hái lộc”, một tục lệ không hề có của Phật giáo? Bạn có bao giờ đếm xem có bao nhiêu quán nhậu thịt thú rừng dọc đường lên chùa Hương để phục vụ cho những người đi dâng hương cúng Phật?
.
9. Sự phóng sinh vô tội vạ nhưng thiếu sự hiểu biết tối thiểu về thường thức khoa học còn gây ra thảm họa cho hệ sinh thái. Rất nhiều lần tôi chứng kiến cảnh tượng đau lòng là những chú rùa núi vàng, vốn là loài rùa cạn có tên trong danh sách động vật cần được bảo vệ của Việt Nam ngắc ngoải tuyệt vọng dưới hồ nước chờ chết vì sự phóng sinh ngu dốt của những người gọi là Phật tử. Trái lại những loài động vật ngoại lai gây hại như cá chim trắng, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ …nếu được thả tràn lan ra môi trường tự nhiên sẽ tiêu diệt các loại sinh vật bản địa bằng cách giành địa bàn và nguồn thức ăn thậm chí ăn cả trứng và con non của các sinh vật bản địa.
.
10. Phần lớn phật tử Việt Nam, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán, không chỉ thờ Phật mà còn thờ cúng tất cả những thần linh nào mà họ nghĩ rằng có thể mang lại lợi lộc cho mình từ mẫu ở ngoài Bắc tới bà chúa Xứ trong Nam. Thậm chí đền thờ Hindu giáo và cả nhà thờ cha Diệp ở Cà Mau cũng không thiếu Phật tử đặt chân đến cúng bái. Nếu thánh đường Hồi giáo mà mở cửa cho người ngoại đạo vào cúng, tôi nghĩ chắc người đạo Phật ở Việt Nam vào đó còn đông hơn tín đồ Hồi giáo nếu họ nghĩ rằng Allah có thể ban cho họ tài lộc và may mắn.
.
Có thể nói, cùng với Nho giáo và Khổng giáo, đạo Phật ở Việt Nam đã góp phần hình thành nên trong tiềm thức của đại đa số một ý thức hệ rất phù hợp với việc bị lệ thuộc và dễ cai trị. Nó dạy con người phục tùng cho địa vị và danh lợi, lấy việc mưu cầu danh lợi cho cá nhân và dòng họ làm lẽ sống. Để đạt được nhiều tiền tài danh vọng, họ đi chùa để cầu cúng. Đối với bất công áp bức, họ chọn cách nhẫn nhịn cho qua chuyện và đổ thừa cho nghiệp báo kiếp trước. Để trốn tránh trách nhiệm với đời, họ tỏ ra mình thanh cao không nghe không thấy, không màng chính sự. Và họ gọi đó là là cách sống khôn ngoan.
(Còn tiếp)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)