Người Việt hời hợt (phần 11)

12:30 CH @ Thứ Bảy - 18 Tháng Tư, 2020
Xem phần trước:
XI. Người Việt hời hợt (phần 11)
.
Khôn lỏi chính là hời hợt
.
“Người Việt Nam có thông minh hay không?” Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì nếu xét về mặt khoa học, chúng ta chưa từng có một nghiên cứu khoa học nào hoặc một số liệu thống kê nào cho biết chính xác là có bao nhiêu phần trăm người Việt có chỉ số IQ trên 120 điểm. Nếu dựa vào những gì được dạy ở trường hồi nhỏ thì chắc chắn là chúng ta là một dân tộc thông minh. Tôi nhớ lúc nhỏ còn đi học, những bài học trong sách giáo khoa đã dạy rằng “người Việt Nam ta vừa cần cù, siêng năng lại thông minh”. Cùng với những bài báo về các gương học sinh Việt Nam đạt đủ loại huy chương trong các kỳ Olympic quốc tế, tôi đã lớn lên với niềm tin rằng dân tộc ta là một dân tộc hiếu học và thông minh. Lớn lên một tí khi bắt đầu đã đi ra ngoài tiếp xúc học hỏi nhiều, niềm tự hào dân tộc của tôi bị thử thách nghiêm trọng bằng rất nhiều câu hỏi “tại sao?” Tại sao phần lớn danh nhân của nước ta phần lớn đều là những tài năng quân sự nhưng lại không có những nhà triết học, nhà cải cách hay nhà khoa học, nhà thám hiểm và cũng rất hiếm những nghệ sĩ có tầm vóc vĩ đại? Tại sao Việt Nam hầu như không có những trường phái nghệ thuật (hội họa, âm nhạc, kiến trúc…) hoặc những kiệt tác được thế giới ngưỡng mộ? Tại sao Việt Nam không có những phát minh khoa học mang tính đột phá trong khi người Việt Nam thông minh như thế?Và dĩ nhiên câu hỏi “tại sao” lớn nhất là tại sao người Việt Nam thông minh, cần cù, siêng năng đạt nhiều giải thưởng quốc tế như thế mà nước Việt Nam vẫn lạc hậu và nghèo đòi?
.
Có người sẽ nói rằng Việt Nam ta nếu không thông minh tài giỏi thì sao có thể chống lại ngoại xâm phương Bắc hùng mạnh trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử? Điều này không sai. Nếu xét về góc độ quân sự thì tôi khẳng định rằng Việt Nam ta có rất nhiều thiên tài như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ và cả hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh. Là một dân tộc có lịch sử gắn liền với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm từ một kẻ thù phương Bắc mạnh hơn mình rất nhiều và những cuộc nội chiến liên miên tranh giành quyền lực thì để tồn tại đến ngày nay, người Việt Nam chắc chắn phải có nhiều danh tướng và những nhà quân sự tài năng. Tuy nhiên, nếu chỉ có dựa vào những tài năng quân sự chống ngoại xâm để có thể kết luận rằng người Việt Nam thông minh và tài giỏi thì tôi e rằng quá phiến diện và chủ quan. Chống lại giặc ngoại xâm đã khó, nhưng sau khi đất nước đã được độc lập thì việc xây dựng và phát triển đất nước được tiến hành như thế nào? Phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về lịch sử rằng không phải lúc nào Việt Nam cũng đối mặt với họa xâm lược phương Bắc. Lịch sử Việt Nam có những giai đoạn dài mấy trăm năm không có bóng ngoại xâm phương Bắc nhưng vẫn không thoát khỏi những cảnh khói lửa binh đao do những cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực với nhau. Có thể đơn cử tới một giai đoạn huynh đệ tương tàn kéo dài 275 năm từ khi Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê (1527)dẫn đến cuộc chiến phân tranh Đàng Ngoài và Đàng Trong của hai tập đoàn Trịnh và Nguyễn cho tới thời Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn để thống nhất đất nước (1802). Đan xen giữa những trận chiến tranh giành quyền lực của các thế lực Mạc-Lê, Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn-Gia Long… là vô số các cuộc khởi nghĩa nổi dậy tự phát của nông dân khiến chính trị và kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ ổn định nói chi đến phát triển. Chiến tranh liên miên mà đất nước ta không có đủ thời gian để xây dựng một nền tảng tư tưởng vững chắc cho riêng mình. Trong khoảng thời gian gần 3 thế kỷ đó, Châu Âu chứng kiến nhiều cuộc cách mạng về tư tưởng triết học và khoa học làm nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của phương Tây sau này. Tôi luôn đặt ra một giả thuyết rằng nếu trong suốt 275 năm đó, Việt Nam không có nội chiến, không có tranh giành xâu xé thì đất nước ta sẽ phát triển như thế nào? Rõ ràng, dân tộc ta đã lãng phí quá nhiều thời gian cho chiến tranh mà đánh mất rất nhiều cơ hội để phát triển toàn diện.
Xét về mặt chính trị, tính tới hết thời nhà Nguyễn lịch sử chúng ta thiếu vắng bóng dáng của những triết gia, những nhà tư tưởng, những nhà cải cách chính trị.... Các triều đại trong lịch sử Việt Nam, cho dù là giành lại độc lập dân tộc từ Trung Quốc hay cướp ngôi của nhau thì vẫn áp dụng gần như toàn bộ bộ máy cai trị của chế độ quân chủ chuyên chế phương Bắc mà không có sự chỉnh sửa hay cải tiến nào. Chưa có một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam dám bứt phá khỏi ảnh hưởng của Nho giáo trong việc trị quốc. Về mặt văn hóa, lịch sử của chúng ta cũng thiếu hẳn bóng dáng của những nhà khoa học, những nhà phát minh, những nhà thám hiểm cũng như những nghệ thuật gia nổi tiếng mà lại có rất nhiều những văn sĩ thi sĩ Nho giáo tôn sùng các thể loại cổ văn Trung Quốc như từ, phú, Đường thi, câu đối… Về kinh tế, nền kinh tế của Việt Nam qua các thời đại vẫn chưa bao giờ thoát khỏi được ngành nông nghiệp lạc hậu và tiểu thủ công mang tính chất tự cung tự cấp. Ở bài viết trước, tôi đã chỉ ra rằng chúng ta không hề phát triển được ngành thương nghiệp nhất là ngoại thương mặc dù có ưu thế đường bờ biển rất dài. Nếu xét những khía cạnh tư tưởng, chính trị, văn hóa và kinh tế, dân tộc ta chưa bao giờ được xem là một dân tộc mạnh, nếu không muốn nói là rất yếu. Đây là những lỗ hổng rất lớn trong lịch sử mà chúng ta phải nghiêm túc và khách quan nhìn nhận vì chúng không phần không nhỏ trong việc định hình nước Việt Nam ở thời hiện đại.
Quay trở lại vấn đề về trí thông minh và tài năng của người Việt Nam, trí thông minh của người Việt Nam trong lịch sử mang mang tính chất thời vụ và đối phó với những nguy cơ cấp bách của một dân tộc luôn đứng trước hiểm họa chiến tranh phải tìm cách bảo vệ mình hơn là một sự thông minh có bài bản và hệ thống mang tính chất khám phá và sáng tạo của những dân tộc phát triển. Trí thông minh của người Việt Nam trong lịch sử đủ để đảm bảo việc sinh tồn trước những thế lực mạnh không bị diệt vong chứ chưa đạt đến mức phát triển và xây dựng đất nước. Trong chiến tranh, trí thông minh và sức mạnh tiềm ẩn của người Việt có đất để phát huy tối đa nhưng khi ở thời bình, người Việt lại trở về an phận thủ thường với con trâu cái cày hoặc cảm thấy tự mãn với quan chức bổng lộc. Người Việt chúng ta thiếu hoàn toàn tinh thần cầu tiến học hỏi để vươn lên mà chỉ hài lòng với những gì đang có ở hiện tại. Chỉ cần có mái nhà để che mưa che nắng và hai bữa ăn mỗi ngày, đại đa số người Việt đều có thể cảm thấy như thế là đầy đủ và chấp nhận cuộc sống như thế đến cuối đời.
.
Để sinh tồn và chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, con người cần những mưu trí hoặc thậm chí là những mẹo đánh nhanh, thắng nhanh và ít tổn thất nhất có thể. Một câu nói tiêu biểu trong Tôn Tử Binh Pháp thường được dùng để minh họa cho kiểu thông minh này là “binh bất yếm trá” (dùng binh thì không câu nệ gian dối và thủ đoạn). Nói một cách khác, đây là loại trí thông minh dành cho kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Loại trí thông minh này được áp dụng triệt để trong lịch sử Việt Nam để chống lại những cuộc xâm lược phương Bắc khi chúng ta không thể đối đầu trực diện với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Những mưu kế kiểu này cũng không thể thiếu trong những thủ đoạn tiêu diệt những đối thủ chính trị của mình trong trò chơi tranh giành quyền lực. Và ở một mức độ thấp hơn, chúng còn được những người dân bị áp bức dùng để chống lại vua quan cai trị dưới hình thức gọi là “mẹo chơi khăm” rất thường thấy trong các câu chuyện dân gian Việt Nam. Loại trí thông minh này phát huy tác dụng rất tốt trong việc đối kháng và sinh tồn trước kẻ địch, nhưng nhược điểm của nó là nó nặng tính sát phạt thắng thua chứ không dẫn đến sự hợp tác bền vững lâu dài hoặc để xây dựng một nền tảng xã hội vốn cần sự dung hòa và học hỏi lẫn nhau. Vấn đề của người Việt chúng ta là loại trí thông minh này vẫn được áp dụng vào cuộc sống ở thời bình vốn cần sức mạnh của trí thông minh sáng tạo và xây dựng. Thậm chí loại trí thông minh mang đậm tính thắng thua sát phạt ở nước ta còn được tôn sùng và được xem là chuẩn mực của trí thông minh. Các Nho sĩ Việt Nam ngày xưa ngoài việc làm thơ ngâm vịnh còn rất thích sát phạt mỉa mai nhau bằng những câu đối như một hình thức thể hiện trí thông minh của mình. Nếu hỏi tôi các ông đồ ấy có thông minh không thì tôi sẽ bảo rằng có vì nếu không thông minh thì làm sao các ông có thể biết chọn từ nào, điển tích nào để đối lại cho thật chuẩn hoặc thậm chí là còn rất “thâm”, chửi mà như không chửi khiến cho người nghe rất đau nhưng không làm gì được. Nhưng nếu hỏi tôi có coi trọng loại trí thông minh đó hay không thì tôi sẽ nói rõ ràng rằng đó là loại trí thông minh vô dụng vì nó không giúp ích được gì cho cộng đồng hay xã hội mà chỉ để thỏa mãn cái tôi ích kỷ của người sở hữu đó hoặc đạt được những lợi ích hết sức tầm thường. Và tôi không gọi đó là trí thông minh mà gọi đúng tên nó là “khôn lỏi”.
Có quá nhiều hình tượng “thông minh” nhưng thực chất là khôn lỏi được phổ biến trong văn hóa Việt Nam khiến cho nhiều người bị lầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Trạng Quỳnh là một nhân vật tiêu biểu cho trí thông minh “khôn lỏi” mặc dù những giai thoại về Trạng Quỳnh được gắn thêm cái mác lòng tự hào dân tộc hoặc chống lại cường quyền áp bức. Những giai thoại của Trạng Quỳnh có thể chia thành bốn nhóm chính: 1. Chơi khăm sứ Tàu, 2. Chơi khăm chúa Trịnh, 3. Chơi khăm thần thánh, 4. Chơi khăm các quan lại trong triều đặc biệt là các hoạn quan. Nhưng cho dù giai thoại đó thuộc nhóm nào đi nữa thì trạng Quỳnh đều dùng những mánh khóe rất hạ lưu để giành phần thắng. Và đôi khi chính vì chúng được khoác cho cái áo mỹ từ “tự hào dân tộc” hay “chống áp bức bất công” mà người nghe, người đọc vô tình quên mất hoặc cố tình ủng hộ những trò bẩn của Trạng Quỳnh. Đó là lối ngụy biện “binh bất yếm trá”, đối với kẻ ác kẻ mạnh thì chúng ta có quyền chơi xấu, rất phổ biến trong xã hội Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là chưa kể chúng ta thường vì những ngụy biện được mặc định ở loại truyện này mà bất chấp những vấn đề mang tính phi logic. Chúng ta có thể cảm thấy hả hê trước cảnh anh lái đò Trạng Quỳnh vạch chim đái rồi đối rằng “Vũ qua Bắc hải” để làm bẽ mặt câu “Sấm động Nam bang” của sứ Tàu hay cảnh Quỳnh dùng quạt gõ đầu sứ Tàu để sứ Tàu tức giận rượt Quỳnh chạy qua cửa quan mà mặc kệ luôn sự thật rằng những điều đó khó có thể xảy ra trong nghi thức ngoại giao trên thực tế. Một đằng là sứ thần của nước lớn mang trọng trách ngoại giao tất nhiên không thể cư xử thất thố làm mất thể diện của thiên triều. Một đằng là trọng trách đón sứ, mỗi nguyên tắc lễ nghi đều phải tuân thủ nghiêm ngặt thì làm gì có chuyện có những hành động lỗ mãng thô bỉ với nhau như những đứa trẻ chăn trâu trong làng được. Những truyện thi thố kiểu cho nghé con đánh bại trâu chọi của Tàu hoặc dùng mười ngón tay nhúng mực vẽ mười con giun rồi bảo là rồng chẳng những dạy người khác gian lận lười đảo mà còn rất phi lý vì chẳng lẽ những cuộc thi như thế không có quy định rõ ràng. Người đọc nếu dùng lý trí để suy xét cũng sẽ khó chấp nhận một chúa Trịnh quyền lấn át cả vua Lê mà lại không dám trị tội Quỳnh nên phải giở trò hạ lưu sai lính đến đại tiện ở nhà Quỳnh để rửa hận và Quỳnh cho dù to gan cách mấy cũng không dám mang cây cải dâng chúa bảo rằng đây là sản phẩm nhờ ơn chúa Trịnh cho lính đến phóng uế mà có được.
Không chỉ có Trạng Quỳnh mà Xiển Bột, người được xem là hậu duệ của Trạng Quỳnh, và Ba Giai Tú Xuất sau này cũng được xem là biểu tượng của trí thông minh dân gian Việt Nam. Nếu Trạng Quỳnh còn có thể xem là có gan thách thức sứ Tàu để bảo vệ tự tôn dân tộc hoặc đương đầu với chúa Trịnh thì Xiển Bột chỉ có thể quanh quẩn giở những trò hạ lưu để ăn thua đủ với bọn hào lý trong làng và quan địa phương. Ba Giai và Tú Xuất là hai kẻ ăn không ngồi rồi dùng những mánh khóe đê tiện và ba tấc lưỡi lươn lẹo để đi ăn quỵt, ăn cắp, lừa đảo và thậm chí là sàm sỡ quấy rối tình dục phụ nữ giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng khi giới thiệu về Ba Giai Tú Xuất, người ta đã dùng những lời khá hoa mỹ để đánh tráo khái niệm như sau: “Ba Giai và Tú Xuất là cặp bài trùng trong lịch sử Việt Nam. Hai nhà nho bất đắc chí suốt năm đi khuấy động dân làng cho hả nỗi bất bình, trước những thói xấu của xã hội đương thời. Ba Giai tên thật là Nguyễn Văn Giai, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ông là con thứ ba trong gia đình nên có tên gọi là Ba Giai. Học giỏi nhưng gặp lúc nước nhà lâm cảnh loạn lạc nên ông không đi thi. Tú Xuất tên thật là Nguyễn Đình Xuất, sống vào thế kỷ XIX, là người gốc làng Chuông, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Xuất là người thông minh, tri thức hơn người nhưng hay gặp thất bại trong khoa cử. Từ đó, ông sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là thích đả kích vào các thói hư, tật xấu và những tiêu cực của người đương thời. (…) Những giai thoại về Ba Giai và Tú Xuất được lưu truyền, phổ biến rộng rãi trong thời bấy giờ. Hai nhân vật này thường đi đôi với nhau, bày mưu tính kế để xoay tiền, hoặc lừa bịp, hoặc "chơi” cho ai một vố "thất điên bát đảo", đến mức làm cho những người "có máu mặt" đương thời phải kiêng sợ, tránh né.” Liệu chúng ta có thể chấp nhận những người được miêu tả là “thông minh, tri thức hơn người” lại cùng nhau “bày mưu tính kế để xoay tiền, hoặc lừa bịp” hoặc chơi người khác một vố “thất điên bát đảo” bằng những trò hạ lưu đê tiện như thế? Chính vì khái niệm “thông minh” và khái niệm “khôn lỏi” kiểu Trạng Quỳnh, Xiển Bột hay Ba Giai Tú Xuất bị đánh đồng mà một bộ phận không nhỏ người Việt tự hào về những trò mánh mung lừa lọc của mình và xem đó là biểu hiện của trí thông minh. Thật tai hại nếu các thế hệ trẻ của Việt Nam được dạy thông minh theo truyền thống của Trạng Quỳnh hoặc Ba Giai Tú Xuất.
(Còn tiếp)
Ghi chú: Về phần khôn lỏi, tôi vẫn còn chưa viết xong nhưng vì bài viết khá dài nên tôi tạm ngưng ở đây và chia làm hai phần. Nếu các bạn thấy những gì chưa nói ở đây, có thể nó sẽ được nói đến ở phần tiếp theo. Vì thế cứ hãy bình tĩnh theo dõi, đừng đưa ra những nhận xét vội vã. Xin cảm ơn.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt hời hợt (phần 8, 9, 10)

    08/04/2020Barry Huỳnh Chí ViễnNhìn chung, đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam chúng ta khá hời hợt và chứa đầy những mâu thuẫn nội tại trải qua suốt bao nhiêu năm tháng nhưng lại có rất ít những thay đổi mang tính chất bước ngoặc...
  • Người Việt hời hợt (phần 7)

    26/11/2019Barry Huỳnh Chí ViễnTôi muốn phân tích sơ lược những yếu tố này để xem chúng đã ảnh hưởng tới tính cách của người Việt Nam ta như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử...
  • Người Việt hời hợt (phần 3, 4, 5, 6)

    12/03/2020Barry Huỳnh Chí ViễnKhi tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính chất giao tiếp quốc tế và người Việt Nam trên lý thuyết bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh cả trong chương trình chính quy và ngoại khóa mà kết quả vẫn rất tệ, đó là một sự lãng phí rất lớn...
  • Người Việt hời hợt (phần 1, 2)

    26/12/2019Barry Huỳnh Chí ViễnNếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa hoặc quốc tịch khác nhau, bạn sẽ thấy được rằng đa phần người Việt Nam có lối tư duy khá hời hợt, thiếu chiều sâu...