Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau
Tuần qua, đời sống bình lặng của văn chương Việt Nam bỗng trở nên sôi động với một “vụ án” được gọi tên là “đạo thơ”. “Đạo”, mạo danh… vốn không phải chuyện mới, nhưng lần này nó lại liên quan đến giấc mơ đưa văn chương Việt Nam ra thế giới.
Có lẽ đã đến lúc cần thẳng thắn mà nhìn nhận một sự thật: văn học Việt Nam không mấy hấp dẫn thế giới. Cho dù số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài ngày ngày càng tăng và Việt Nam trở thành “thiên đường mua sắm” cho du khách Nhật Bản, thì cũng thật là viển vông khi đặt niềm tin vào một cuộc xuất khẩu ồ ạt văn chương nước nhà hay mơ mộng đến ngày một nhà văn Việt Nam có tên trong danh sách nhận giải Nobel Văn chương. Chấp nhận sự thật này, ít nhất một phần, cũng chính là chấp nhận điều hiển nhiên: thế giới nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Sở dĩ cần nói ra điều này vì tôi từng bị rất nhiều người căn vặn, thậm chí cự nự, tại sao dịch sách mà chỉ chăm chăm dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt, không “chịu” dịch sách tiếng Việt ra nước ngoài. Lâu lâu lại có một dịp, chẳng hạn như một cuộc hội thảo khoa học nào đó, vấn đề được khơi ra, và thế nào cũng có ý kiến theo lối “hờn mát”: văn chương của ta đa dạng phong phú như vậy mà chẳng mấy ai chịu dịch ra tiếng nước khác “cho bạn bè năm châu hiểu hơn về chúng ta”. Tư duy này, đôi khi được phát ra từ chuyên gia văn học hoặc dịch thuật nào đó, theo tôi thuộc vào “lối tư duy Nhà xuất bản Ngoại văn”.
Tôi không rõ là vào những năm 1960 và 1970, “tiêu chuẩn” để được dịch tác phẩm sang tiếng nước ngoài có hoạt động giống như tiêu chuẩn đi nước ngoài của các “Vip” thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hay không, nhưng có vẻ như là rất nhiều sức lực đã được tập trung vào một công việc không mấy hiệu quả, nói đúng ra là không biết để làm gì. Có thể công việc này cũng phục vụ chút ít cho yêu cầu về tính công bằng trong giao lưu (hai chiều hoặc nhiều chiều) giữa các nền văn hóa, nhưng cho đến giờ di sản của dịch thuật Việt Nam không mấy ưu ái các “tác phẩm ép buộc và gắng gượng” ấy, cũng như lịch sử văn học Việt Nam đã bắt đầu không còn đoái hoài đến vô vàn tác phẩm thời vụ, phong trào, kết quả của một cuộc “đi thực tế” hay “trại sáng tác” có đăng báo chụp ảnh và tổng kết đông vui náo động nào đó.
Thật là khổ tâm, vì đúng là khó mà nói nổi với ai đó rằng công trình của tim óc và nhiệt huyết của bạn chẳng ai quan tâm đâu. Nhưng trước hết cứ thử nhìn vào các con số (những con số biết nói): theo Quiz 2004, số liệu chính thức cho biết vào năm 1997 nước Pháp có tổng cộng 1.321 đầu sách tiếng nước ngoài được dịch. Trong số này khoảng 1.000 dịch từ Anh và Mỹ; trừ tiếp ba ngôn ngữ quan trọng và gần gũi với Pháp là Ý, Đức và Tây Ban Nha thì chỉ còn trên dưới 50 đầu sách, mà ta đã quá biết rằng chỉ tính riêng ở châu Á thôi, Nhật Bản và Trung Quốc đã quyến rũ người phương Tây đến mức nào. Như vậy, vị trí của văn học Việt Nam tại một nước như Pháp sẽ là như thế nào? (Với một nền xuất bản và dịch thuật từ lâu đã đạt đến mức độ ổn định như Pháp, những con số này xê dịch không nhiều cho tới nay). Những vụ việc không mấy hay ho về thanh toán tác quyền giữa nhà xuất bản L’Aube (Éditions de l’Aube) và một vài nhà văn Việt Nam đợt trước cũng phần nào hé lộ “tầm quan trọng” của văn học Việt Nam tại trung tâm của văn học thế giới (*).
Tôi từng có một số dịp ngồi dự nói chuyện, thuyết trình của nhà văn Việt Nam tại nước ngoài. Gần như lần nào cũng vẫn nguyên kịch bản đó: nhà văn của chúng ta bày tỏ sự xúc động khiến khán thính giả cũng thấy cảm động lây, nhưng không mấy khi có câu hỏi nào được trả lời vào đúng trọng tâm; toàn cảnh giống như một cuộc nói chuyện khó nhọc giữa hai phía đầy thiện chí nhưng lại có cách nghĩ, logic khác hẳn nhau. Những ai từng dịch tham luận, bài nói chuyện của nhà văn Việt Nam ra tiếng nước ngoài hẳn cũng đều đã vò đầu bứt tai và thường xuyên phải chọn giải pháp “nắn nhẹ nhàng”, nếu không, ngay chính người dịch cũng sẽ không thể nắm bắt ý tưởng (nhiều khi hoàn toàn không có), chưa nói đến những con người của các nền văn hóa khác. Giải Nobel vẫn cứ xa vời, và ngay cả khi có được, cũng sẽ không thể chắc liệu có phải là lặp lại trường hợp của Liên Xô hay Trung Quốc trước đây hay không. Sự u minh có lúc còn dẫn tới nhập nhằng, như khi một người dịch lại mạo nhận mình là tác giả viết ra các tác phẩm... của người khác, sự kiện hiện đang hâm nóng các diễn đàn văn học khắp nơi.
Thành ra, tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài được đọc với mục đích “tìm hiểu” chứ hiếm khi là “thưởng thức”. Nhưng thiện chí dù lớn đến đâu nhất định cũng không thay được chỗ cho giá trị.
“Tư duy Nhà xuất bản Ngoại văn” còn mắc một sai lầm cơ bản nữa là không tính đến yếu tố nhu cầu. Chỉ cần đặt ngược lại câu hỏi với vấn đề tại sao chúng ta đọc văn học dịch và dịch văn học nước ngoài là thấy rõ: câu trả lời đơn giản là vì chúng ta có nhu cầu đọc văn học dịch. Nếu không thực sự có nhu cầu, công việc dịch thuật vốn đã vất vả còn trở thành vô nghĩa. Và công việc sẽ chỉ thuận chiều khi người nước ngoài dịch văn học Việt Nam xuất phát từ nhu cầu. Không có người nước ngoài nào dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt cho chúng ta đọc để giao lưu văn hóa được thêm phần khăng khít, và chắc hẳn họ cũng khó lòng mà thưởng thức được ngôn ngữ một bản dịch không do người bản ngữ hoặc có trình độ tương đương bản ngữ thực hiện.
Tất nhiên tôi không có gì phản đối nỗ lực của nhiều người trong việc dịch văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài. Bản thân tôi những khi cần thiết cũng làm công việc này, cũng như sẵn sàng khuyến khích và giúp đỡ các dịch giả hoặc nhà nghiên cứu nước ngoài có ý định dịch thuật nghiêm túc. Tuy nhiên, cái gì hợp lý thì thuận lợi: trong thực tế Việt Nam đang có nhu cầu về sách dịch lớn hơn bao giờ hết như hiện nay, điều hợp lý sẽ là dịch sách từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam chứ không phải ngược lại.
Nhìn tổng thể, có thể nói rằng dịch thuật của Việt Nam xét về số lượng sách dịch hàng năm đã bắt đầu ngang bằng với cả những nền dịch thuật lớn nhất thế giới. Điều này không có gì khó hiểu, khi mà công việc của các nước chỉ là bổ sung cái mới cho một kho tàng dịch thuật đồ sộ và phong phú không ngớt được bồi đắp, còn ở Việt Nam trong một số mảng và lĩnh vực thậm chí còn phải bắt đầu lại từ đầu, khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này chính là lối tư duy hướng tới phục vụ giao lưu văn hóa với “các nước anh em” mà không quan tâm đến nhu cầu và tính hệ thống của dịch thuật.
Nhưng điều đáng buồn hơn cả là trong số nhiều nhà văn có ham muốn cháy bỏng là tác phẩm của mình được dịch ra tiếng nước ngoài (tiếng nào cũng được, chắc vậy) một phần không nhỏ lại không mấy khi đọc sách dịch từ các thứ tiếng khác, hoặc nếu có đọc thì sẽ có những nhận xét rất... nan giải như: “viết ghê thật”, “cũng thú vị đấy” hay thậm chí “nếu muốn tôi còn viết hay hơn”, mà không mấy nỗ lực để hiểu và cảm nhận. Rốt cuộc là vẫn chẳng có mối liên thông nào, thế giới vẫn cứ nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
* NXB L’Aube từng quy tiền bản quyền của một số nhà văn Việt Nam (nhà văn Chu Lai có lên tiếng về chuyện này). L’Aube là nơi in truyện của Nguyễn Huy Thiệp và cả loạt nhà văn Việt Nam khác.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh