Không thể là một tình yêu dễ dãi
Cuối năm 1997 trên báo Tuổi trẻ có cuộc bàn luận khá lý thú chung quanh câu chuyện "Thanh niên bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc". Cuộc trao đổi trong mấy tháng cho thấy đây là một vấn đề bức xúc, đáng được mang ra để mọi người trình bày cách hiểu riêng của mình. Theo dõi phát biểu của các bạn trẻ, tôi đặc biệt chú ý những ý kiến tuy có vẻ "ngược dòng", nhưng rất thành thực, đại loại như "Tôi có nghe nói văn hóa dân tộc hình như là chèo, hát tuồng, áo dài", từ đó cho "văn hóa dân tộc chỉ là vật gợi nhớ", ta "đừng mất thì giờ về những việc rườm rà" ấy, và nói thẳng ra thì "cái lo mất gốc sao bằng cái lo lạc hậu".
Những ý kiến tương tự như vậy là đáng quan tâm, không phải là tính đúng đắn của chúng - thật ra thì trong phần lớn trường hợp chúng đã sai đứt đuôi đi rồi! - mà vì chúng tố cáo một sự thực: việc giáo dục về văn hóa dân tộc ở ta còn quá kém. Và hơn thế nữa, phải nói nhận thức về văn hóa dân tộc của cả xã hội còn chưa tương xứng với gia tài chúng ta đang có.
Thậy vậy, sẽ là không công bằng, nếu nói rằng chỉ có một số bạn trẻ nào đó chưa hiểu, chưa yêu, chưa cảm thấy sự thiết yếu của văn hóa dân tộc. Nếu điều tra kỹ, tôi ngờ không ít người thuộc các thế hệ trước vẫn còn rơi rớt tâm lý đó. Đại khái nhiều người chỉ hiểu qua loa và nếu có yêu, thì đó là một tình yêu dễ dãi, nghe bảo vậy, thì cũng nói theo như vậy, chưa bao giờ để thời giờ sức lực tìm hiểu cho kỹ. Xét trên phạm vi toàn xã hội, có thể nói nhiều bộ phận di sản văn hóa chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, lại càng chưa tìm được phương án khai thác cho hợp lý, bảo quản cho khoa học. Rồi đến một lúc nào đó, từ toàn bộ những di sản hữu hình (như đền chùa, lăng tẩm, sách vở...), cũng như vô hình (bao gồm thói quen sinh hoạt, buôn bán, những mối quan hệ phức tạp giữa người và người v.v...) ấy, tóm lại là từ từng bộ phận văn hóa đang có, chúng ta phải tìm cách rút đúc cho được tinh thần độc đáo thực sự của văn hóa Việt Nam, để cái gì tốt đẹp thì bảo nhau noi theo, cái gì lỗi thời thì dần dần loại bỏ. Nhưng tất cả những việc đó đang còn nằm ngoài tầm tay của giới chuyên môn, mà cũng chưa được toàn xã hội quan tâm một cách thích đáng. Trong khi đó, thì hàng ngày hàng giờ, công cuộc xây dựng kinh tế và tiếp xúc với người nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với gia tài ông cha để lại, phải nói phải bàn cho chính mình, cho bạn bè, cho lớp trẻ mới lớn cùng nghe về những điều ta đang còn biết láng máng. Đang xảy ra một sự phân cực đáng tiếc, nó là lý do khiến cho một số bạn trẻ không khỏi ngại ngùng và xa lánh. Đó là, một mặt, chúng ta (chúng ta đây là lớp người lớn tuổi nói chung, mà bộ phận mũi nhọn là các nhà nghiên cứu cùng đông đảo những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục) không ngớt đề cao văn hóa dân tộc, mặt khác lại chưa hiểu kỹ về nó, nói về nó chưa đầy đủ chính xác, chưa có sức thuyết phục, và trong khi truyền đạt cho thế hệ trẻ, thường có xu hướng nói lấy được, áp đặt hơn là gợi mở để họ tự nguyện noi theo. Ấy là không kể hàng ngày trong xã hội xảy ra rất nhiều việc được làm với mục đích tốt đẹp, người đứng ra làm yên chí làm thế để giữ lấy truyền thống, nhưng trong thực tế lại gây ra phản cảm, chẳng hạn tổ chức lễ hội một cách hình thức, in đậm màu sắc mê tín, hoặc sẵn sàng khôi phục cái hủ tục đã lỗi thời. Được chứng kiến những hoạt động nhân danh bảo vệ văn hóa dân tộc để kiếm lợi, hoặc phải nghe những lời sáo rỗng không có cơ sở khoa học, lẽ tự nhiên là trong tâm thức một số thanh niên nảy sinh ra sự hoài nghi, nếu không thì cũng bàng quan, xa lánh, và chúng ta phải cảm ơn họ là trong đợt trao đổi vừa qua trên diễn đàn họ đã thành thực bộc lộ, để toàn xã hội cùng biết mà lo liệu việc chữa chạy.
Trên đại thể, có một cách nghĩ mà lâu nay không ít thì nhiều, khá đông chúng ta dễ dãi chia sẻ - nghĩ rằng văn hóa dân tộc là "chuyện trong nhà", ai mà chả hiểu, ai mà chả yêu, và nhất định là ta sẽ biết cách duy trì gìn giữ nó thật tốt rồi, còn như với đám thanh niên mới lớn, chỉ nói vài câu là "bọn chúng" nghe ra ngay, có gì mà phải quan trọng hóa vấn đề?! Thực tế mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Chính nhiều ý nghĩ tự phát được nói lên thông qua diễn đàn Thanh niên bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc thời gian vừa qua buộc chúng ta phải suy xét lại cách nghĩ giản đơn vốn có. Hóa ra làm cho đúng đã khó, mà nghĩ cho đúng lại còn khó hơn; vừa làm vừa nghĩ luôn luôn bàn bạc để rút kinh nghiệm, may ra chúng ta mới tìm ra được cách ứng xử hợp lý.
Thế còn về phần các bạn trẻ, có phải các bạn chỉ có cách thụ động chờ lớp người lớn tuổi làm trước, rồi mình liệu cách làm theo. Cố nhiên là bây giờ, không ai được quyền nghĩ thế nữa. Thực tế yêu cầu lớp trẻ phải có mặt ngay trong công cuộc tìm hiểu và đánh giá di sản văn hóa dân tộc, từ đó đóng góp vào việc cả xã hội cùng lo bảo vệ và phát triển phần gia tài lớn lao mà ông cha để lại. Theo tôi biết, nhiều bạn trẻ có tài hiện nay thường hướng về khoa học tự nhiên, dồn hết tâm lực vào đấy mà không để ý tới khoa học nhân văn, khoa học xã hội, và xem việc tìm hiểu văn hóa cổ truyền là việc của ai đó chứ không phải việc của chúng mình, thôi cứ để kệ họ làm, rồi họ có nói gì thì mình cũng gật gù cho xong chuyện. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh một nước còn nghèo như nước ta, thì cách nghĩ trên có lý do riêng của nó. Song hãy thử đặt câu hỏi: chúng ta xuất phát từ đâu để hội nhập với thế giới nếu không phải là xuất phát từ thực tế Việt Nam hôm nay? Vậy dù có đi đâu làm gì thì dòng máu Việt Nam vẫn mãi mãi chảy trong huyết quản chúng ta, và những bộ gien bền vững của nền văn hóa dân tộc còn tiếp tục chi phối mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta. Sẽ là vô lý nếu chúng ta tưởng ở đây có thể đánh bài tảng lờ, hoặc kính nhi viễn chi. Ngược lại, nếu đồng thời với việc trau dồi trình độ chuyên môn trong khoa học kỹ thuật, các bạn mang sự nhạy cảm và những kiến thức mà thời đại cung cấp vận dụng vào việc tìm hiểu gia tài tinh thần của ông cha, thì thứ nhất, đây là cách rất tốt để mỗi người bồi dưỡng nhân cách của chính mình, và thứ hai biết đâu các bạn chả có những đóng góp mới, tức mang lại cho tình yêu đối với văn hóa dân tộc sẵn có trong mỗi chúng ta một cơ sở khoa học vững chắc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn