Yêu Hiểu
Bạn có biết người Cil không?
“… Ta gặp người Cil từ những vùng cao đầu tiên của Nam bộ cho đến biên giới phía Bắc của Tây Nguyên, bao giờ cũng là ở trên núi, tại những nơi rất khó leo tới, không bao giờ ở trong các thung lũng hay trên các cao nguyên… Chốn cư trú của họ thông thường chỉ có một nhà sàn duy nhất. Những người Cil khác ở cách đó đến ba hay bốn tiếng đồng hồ.
“Rú và rừng rất quen thuộc với người Cil. Người lạ không khỏi ngạc nhiên khi băng qua những khu rừng hoang dã của Tây Nguyên, họ bỗng khám phá ra một ngôi nhà sàn của người Cil trong khu rừng mà họ cứ ngỡ còn nguyên sinh… Rẫy của người Cil trồng lúa hay ngô. Sản phẩm đủ ăn một phần ba năm; thời gian còn lại, người Cil đi vay mượn và đói.
“Họ cũng không có chút tiện nghi tối thiểu trong nhà. Trong các kiểu nhà Tây Nguyên, đây là loại nhà thấp nhất, tối tăm, bẩn thỉu nhất. Dê sống chung với người trong ngôi nhà ấy; đôi khi lợn giành những mảnh chăn với người. Bao giờ cũng có một chỗ nước gần nhà, chỉ dùng để nấu ăn: một người Cil đúng kiểu không bao giờ tắm; có thể hình dung da họ màu gì vào kỳ đốt rẫy khi trong rừng chỗ nào cũng là than.
“… Sức chịu đựng và sự khéo léo của người Cil khiến họ đầy tự tin về mặt thể chất… Sự dai sức trong chuyện đi đường của họ đã thành truyền thuyết; đấy là một con sơn dương bất chấp mọi quy luật thăng bằng. Nếu họ muốn gặp những con người khác những người ở trong căn nhà của họ, họ phải leo núi nhiều giờ, và thường là chẳng có đường sá gì cả… Họ lao đi vững vàng và gấp gáp trên những đống đá lổn nhổn, những tảng đá to tướng trơn trợt vì rêu, trong những khu rừng muôn đời ẩm ướt, leo qua những rễ đa dựng đứng như những bức tường, vượt qua những vực thẳm không biết đâu là cùng trên những thân cây nhún nhảy; và bao giờ cũng trong một bóng tối lạnh buốt, vì các cây to ngăn không cho chút ánh nắng nào rọi được tới nền đất. Trong những dãy núi này, mọi thứ đều nhuộm màu đêm và bốc mùi mùn. Rắn lẫn với dây leo, chim ghẹo người đi qua, những con khỉ, vô hình, rít trên các cành cây cao. “Ta hiểu sống trong một khung cảnh như vậy, chỉ có rừng già hoang vu là quen thuộc, đóng kín trong cô đơn tăm tối, quen cảnh khốn cùng, người Cil khó gần, không thích tiếp xúc và chậm tiến…
“… Cảnh đời họ là như vậy. Rừng già kinh hãi, bụi rậm dày kín, mùi ẩm mốc; nhưng giữa những thân cây thông to lớn khắc khổ, qua một lỗ thủng ở một bụi rậm đầy gai, ta nhận ra xa xa một vệt nhỏ sáng loáng, ánh bạc, trong suốt: bờ biển miền Trung, biển cả… Còn phải dạy cho họ biết nhìn, biết tìm cái điểm lý tưởng đó, giữa những thân cây thông cao lớn khắc khổ, sau một ngày lao động khổ sai…”
Ðọc những dòng như thơ trên, được viết ra cách đây hơn 50 năm, mà làm tôi tò mò quá. Người Cil giờ sống như thế nào nhỉ? Họ đã đến nhúng mình vào cái điểm lý tưởng qua kẽ lá, là biển cả, chưa? Và biết thế nào là lý tưởng đây: làm một người Cil không tắm một mình bình thản đi trong tịch mịch? Hay làm một người hiện đại như chúng ta loay hoay cho đến lúc chết làm sao để không bị cô đơn?…
Tác giả là Dam Bo (Jacques Dournes), một nhà Tây Nguyên học người Pháp, đến sống ở đây gần 30 năm. Cuốn “Miền Ðất Huyền Ảo”[1]này là một công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, đầy những ghi chép tỉ mỉ lạ lùng, bỏ xa những cái bề nổi nhà mồ nhà rông rượu cần cồng chiêng đóng khố… mà lâu nay ta vẫn biết về Tây Nguyên một cách rất… cưỡi voi xem kơ nia. Dù bạn nói, không, tôi không thích đọc sách nghiên cứu; thì tôi vẫn mong bạn có cuốn này trong nhà; và khi đọc, bạn đừng quên mang theo bút để đánh dấu (dù rằng cái thói quen này có thể làm cho vợ bạn càu nhàu). Ðánh dấu rồi gấp lại mà nghĩ ngợi. Có vô vàn mốc “nghỉ mà nghĩ” khi đọc cuốn này. Thỉnh thoảng nó sẽ làm bạn ngượng nữa, khi so sánh mình với họ, ai mới là văn minh hơn ai. Thêm vào đó, sách lại được viết (và được dịch) bằng một giọng văn rất hay, sinh động.
Tác giả Dam Bo viết: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.”Phải yêu và hiểu lắm thì ông mới có thể tổng kết về người Tây Nguyên như thế này: “Người Tây Nguyên sống giống như trong quá khứ và họ sống bằng quá khứ. Họ không sống đúng thời của mình, trường hợp của họ là một ca lỗi thời… Ðấy là cả một bài thơ và một cuộc sống; Nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ, cho nên nó không nhất thiết là một cản trở đối với sự phát triển.”
Ôi Trời!
Hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu. Cứ nghĩ đến sắp tới, một lô những công trình sách về 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ được tung ra, chẳng biết có bao nhiêu cuốn được đủ cả “yêu” lẫn “hiểu”, và bao nhiêu cuốn chỉ là xào nấu những “hiểu”, những “yêu” của người khác? Những công trình dằng dặc tên người thực hiện, tốn bao nhiêu tiền nhà nước, đọc lên chỉ thấy na ná nhau.
Ừ thì cái gì cũng có giá của nó thôi. Không “hiểu” và không “yêu” khi nghiên cứu, thì suốt đời bao nhiêu tên tuổi cũng chỉ lẫn lộn, na ná nhau. Còn tài hoa lặn lội tỉ mẩn giữa rừng suốt ba mươi năm, thì cái tên Dam Bo người đã đọc rồi sẽ không quên được.
[1] Miền Ðất Huyền Ảo, NXB Hội Nhà Văn, 2003. Bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Tất cả các đoạn in nghiêng là trích từ trong sách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015