“Sợ” những vật lạ

12:56 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Nếu bỗng nhặt được vật thể lạ, người Việt ta sẽ về gọi mọi người cùng ra xem, sau đó cãi nhau như mổ bò mỗi người một ý, tiếp đó mỗi anh tự về bắt chước làm một cái vật na ná với cái vật lạ mà họ chưa biết gọi tên kia. Còn cái tên gọi thật, bản chất thật của cái vật đó, là việc cần biết nhất thì vẫn không ai biết...

Khuê Văn: "Để tìm hiểu tính cách của các quốc gia trên trái đất, người vũ trụ mà toàn thể người trên trái đất chưa bao giờ nhìn thấy, thả một vật thể xuống giữa đường rồi ngồi trên đĩa bay chờ xem phản ứng của người trái đất ra sao nếu người đó nhặt vật thể ấy lên.

Sau khi nhặt vật lên, nếu chăm chú nhìn vật đó từ mọi góc độ có lẽ đó là người Pháp. Ngược lại, nếu người đó nhặt lên rồi ghé vào tai lắc lắc thì đó là người Đức. Người Pháp là dân tộc có năng khiếu hội hoạ nên họ sẽ cố gắng lý giải đồ vật dưới góc độ thị giác, còn người Đức lại có năng khiếu âm nhạc, dân tộc đã sản sinh ra Beethoven sẽ cố gắng nhận thức vật đó bằng thính giác.

Thế nhưng, nếu là người Tây Ban Nha, đất nước của trò đấu bò tót, khi nhặt vật đó lên, để thoả trí tò mò họ sẽ đập vỡ nó ngay chứ không xem xét bằng tai hay bằng mắt gì cả.

Người Anh không giống với người Tây Ban Nha là hành động trước rồi mới suy nghĩ. Là người Anh, họ sẽ nhặt vật đó lên, kiên trì sử dụng nó vào việc này hay việc khác và sau khi rút ra kinh nghiệm mọi người sẽ tập trung lại rút ra kết luận đó là vật gì.

Còn Người Trung quốc, một dân tộc già dặn và kiên nhẫn hơn người Anh rất nhiều, nên trước khi nhặt vật đó lên người ta sẽ nhìn xung quanh rất kỹ, sau khi xác định là không có ai nhìn thấy thì "người quân tử" đó nhặt nó lên thận trọng đút vào tay áo. Với anh ta, vấn đề không phải đó là cái gì mà là việc vật đó tồn tại mới quan trọng, bởi vì rồi cũng có lúc anh ta biết đó là vật gì.

Với người Hàn Quốc, một dân tộc từng bị đói khổ trong trong thời kỳ Nhật thống trị trước kia, phản ứng trước tiên là phải thử bằng lưỡi.

Trong cuộc thể nghiệm này tất nhiên không thể thiếu được người Mỹ và người Nga, hai đại diện của phía Tây và Đông, có lẽ trái với sự chờ đợi của chúng ta, họ không có phản ứng gì đặc biệt, không phải đau đầu suy nghĩ!

Vậy thái độ của người Nhật sẽ như thế nào? Với người Nhật, họ không cầm lên ngắm nghía hay lắc thử, cũng không đập vỡ hay lặng lẽ cho vào tay áo. Họ không nhờ sự trợ giúp của máy tính hay đảng phái nào bởi vì là những con người rất hiếu kỳ. Quả là như vậy, sau khi nhặt lên, người Nhật sẽ làm thử một cái giống như thế và chắc chắn không chỉ để chế tạo ra một vật hoàn toàn đúng kích thước của vật thật mà còn thu nhỏ lại một cách tinh xảo, gọn tới mức có thể cho vào lòng bàn tay. Sau đó, họ sẽ ngắm nghía một cách kỹ càng và nói: "Nasudoho!" (à, ra thế!) và vỗ đùi sung sướng.

Bạn thử nghĩ xem, nếu người Việt chúng ta nhặt được vật đó, thái độ sẽ thế nào?"

Tôi cảm thấy nóng gáy. Tất nhiên không chỉ để tìm ra câu trả lời về phản ứng của người Việt chúng ta. Trong các liệt kê ở đây không có người Việt, có nghĩa là chúng ta vẫn bị xem như một xứ nhược tiểu.

Tính cách dân tộc của chúng ta không đủ mạnh cũng như tầm vóc của chúng ta chưa đủ lớn để có thể liệt kê với các dân tộc khác trên thế giới. Song, dù thế nào chúng ta cũng phải có một phản ứng trước vật thể lạ kia nếu chẳng may trên đường đi chúng ta bắt gặp chứ! Vậy thì người Việt sẽ làm gì? Đây là suy đoán của tôi:

Khi nhìn thấy vật đó, người Việt sẽ chạy đi tìm nhiều người khác cùng đến xem. Sau khi phỏng đoán xem vật đó là gì, một cuộc tranh cãi khủng khiếp đã diễn ra, chỉ vì không ai chịu công nhận tuyên bố của kẻ khác. Ai cũng cho rằng mình đúng. Rồi mệt mỏi, bất phân thắng bại, mỗi người về tự làm một vật giống với vật mà họ đã trông thấy theo trí tưởng tượng của riêng mình. Kết quả là có rất nhiều vật trông có vẻ giống với vật lạ mà họ thấy nhưng vật kia là gì thì họ vẫn không thể biết được. Đối với người Việt thì "vật kia là gì?" có vẻ không quan trọng bằng việc ai đoán đúng.

Nếu vật kia là vật chất, trên thị trường sẽ có rất nhiều hàng giả, giống như thật nhưng không dùng được. Nếu vật kia là siêu hình, một học thuyết hoặc một tư tưởng, một chủ trương nó sẽ được áp dụng rất thô bạo và sai lệch bởi vì điều quan trọng nhất: "Nó là cái gì?" thì người Việt Nam thường tỏ ra kém năng khiếu khi giải thích bản chất sự vật. Chúng ta đã có bao nhiêu bài học vì sự sai lệch này?

Và điều mà chúng tôi vẫn muốn quan tâm là: theo bạn, người Việt Nam chúng ta sẽ làm gì?

Thảo Hảo: Ở nước ta, bản thân việc nhặt được vật lạ chưa phải là tốt hay xấu, mà phải đợi cho có kết luận của cơ quan chức năng sau khi xem xét mới biết là rủi hay may. Chính điều này nhiều khi làm ta lưỡng lự khi bất chợt thấy một vật lạ trên đường.

"Có nên mang về không? Có nên hét lên cho mọi người biết là nó "lạ" không?" Ta tự hỏi.
Bởi vì ta đã biết bố mẹ chúng ta hình như hơi sợ những cái gì là "lạ", họ cho rằng hệ tiêu hóa của chúng ta còn non nớt. Nếu chúng ta hét lên, họ giấu béng vào tủ, và chúng ta cũng mất luôn cả cái cơ hội gọi bạn bè đến mà thảo luận về bản chất cũng như tên gọi của cái vật lạ kia.

Nếu bạn thường xuyên sống trong tâm trạng "không-để-bố-biết-mình-nhặt-được-vật-lạ", thì lâu dần, bạn sẽ mất thói quen ngắm nghía vật lạ ngay cả khi nó nằm hẳn trong lòng bàn tay. Trong khi con cái nhà người ta, được bố mẹ khuyến khích đi tìm cái lạ, sẽ băng rừng, vào núi, mang về những thứ lóng lánh để mà tự hào. Cũng có khi mang về, bố mẹ nó sẽ cho nó biết, vật này thường lắm, chẳng lạ đâu con, khiến nó thất vọng vứt đi, thì ít nhất cái cuộc hành trình đi tìm cái lạ của nó cũng đã là một phần thưởng.

Thế đấy, người Việt Nam ta là con nhà lành, bố mẹ cẩn thận (có lý do). Cẩn thận dạy con tránh vật lạ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, với những bài văn không được đi chệch lối, sách đọc tham khảo thì chỉ nên đọc tác giả này (tức là thầy) mà đừng đọc tác giả kia, không thì điểm kém. Cẩn thận tránh ngắm những triển lãm nhìn-mãi-không-hiểu-ý; tránh cho nhau đọc những từ ngữ mạnh bạo, tình tính dục gì đó - những cái có thể đề cập đến tận đáy sâu con người; Ở tầng nông, lửng lơ thôi, vì đáy sâu là đáy lạ, không ai xuống tận nơi thẩm tra được.

Chúng ta đã được giáo dục để tránh xa cái lạ, đến mức gán cho cái lạ đến 70% là nguy hiểm. Trước những vật thể lạ, chúng ta không dại mà cầm lên ngay, dí sát vào mắt tìm tương quan thị giác như người Pháp, càng không mạo hiểm lắc lắc bên tai tìm tiếng nhạc như người Đức, càng quyết không đập vỡ xem cái bản chất, cái tận cùng của nó là gì, như chú Tây Ban Nha...(những cái này tôi lấy ở đọan trích trong bài của Khuê Văn, chứ "lạ" thế, tự tôi không nghĩ ra.)

Không, chúng ta không liều mạng thế. Việc trước nhất, ta phải ghi nhớ: đã lạ là nhiều phần nguy hiểm. Nên nếu thấy vật lạ, chúng ta cần rủ vài người cùng đến xem cho có nhiều kẻ cùng phạm tội. Ta đứng từ xa, và quyết không đưa ra ý kiến rõ ràng. Bởi vì, nếu ý kiến của ta hay, anh bên cạnh sẽ ăn cắp mất (và đăng trên báo khác), nếu ý kiến của ta nhỡ đâu không đúng, thế thì mất mặt ta. Mà thật ra, ta không phát biểu bởi vì ta cũng không chắc được lời ta nói ra là đúng hay là sai, là hay hay là dở. Về vật lạ, ta cần có một cơ quan thẩm định, với những nhân vật ta biết thẩm định còn dở hơn ta, họ hẹn 2h nhưng 6h vẫn chưa thấy tới. Nhưng ta phải đợi họ đến, vì không thì ai là người chịu trách nhiệm trước cái vật lạ khốn kiếp tự nhiên rơi xuống cuộc đời đều đặn và an nhàn này.

Thế rồi ta oán vật lạ... Lạ làm gì không biết cơ chứ!

Cơ quan thẩm định rồi cũng tới, khi tất cả đều đã mòn mỏi. Và vì họ cũng là người Việt Nam, cho nên họ cũng sẽ im lặng, vì họ cũng hoang mang như ta...

Tất cả sẽ đợi như thế. Trăng sẽ lên. Trong ánh trăng bàng bạc mà cô độc ấy, vật thể lạ trên mặt đường tan dần, tan dần. Nó teo tóp lại, lộ rõ vẻ vô hại, bợt bạt dần đi, mang theo cả cái bí mật trong lòng, trôi đi mất cả xuất xứ.

Và chúng ta ra về, hội đồng giám định về trước vì có xe con. Chúng ta ra về sau, lòng hơi buồn buồn, vì mãi vẫn không có ai sờ được đến vật lạ đó, ngửi tới nó, thậm chí đá vào nó một cái. Và nhất là, trong lòng ta lại tiếc rẻ, nếu biết nó không hại như thế này, thì lúc nãy mình đã liều khen một câu, rồi mang về, bán.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: